Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 659/QĐ-NHPT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
- Căn cứ Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng phát triển Việt Nam;
- Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTG ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Căn cứ Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức tín dụng”.
- Căn cứ Quyết định số 40/QĐ-HĐQL ngày 29/12/2006 của Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc ban hành Quy chế hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Xét đề nghị của Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán, Kho quỹ Ngân hàng Phát triển Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này
Nơi nhận | TỔNG GIÁM ĐỐC |
MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 659/QĐ-NHPT ngày 29/12 /2006 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam)
1- Quy định này quy định việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi (tiền gửi thanh toán) của khách hàng tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là NHPT).
Mỗi khách hàng có quyền mở một hay nhiều tài khoản tiền gửi ở một hay nhiều nơi trong hệ thống NHPT, có thể là nơi cư trú, nơi đặt trụ sở chính hay nơi khác tuỳ theo nhu cầu sử dụng trừ trường hợp có quy định khác của NHPT.
2- Việc mở và sử dụng các tài khoản thanh toán khác không phải là tài khoản tiền gửi thanh toán (như tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,...) thực hiện theo các quy định hiện hành.
3- Việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi đồng Việt Nam và ngoại tệ phải tuân thủ theo các quy định tại Quyết định này và các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý ngoại hối.
Điều 2. Đối tượng được mở tài khoản tiền gửi.
- Ngân hàng Phát triển được mở tài khoản tiền gửi (sau đây gọi tắt là tài khoản) theo yêu cầu của các tổ chức, khách hàng sau đây:
a) Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:
- Các tổ chức Tài chính, tín dụng;
- Khách hàng có quan hệ vay vốn tín dụng nhà nước, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Khách hàng có quan hệ vay nợ, viện trợ từ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn theo hiệp định của Chính phủ;
- Khách hàng có quan hệ vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu;
- Khách hàng có quan hệ uỷ thác cho vay, uỷ thác cấp phát qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Khách hàng khác có liên quan đến nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nhu cầu thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam .
b) Tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật nơi mà tổ chức đó được thành lập và được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Hình thức mở tài khoản tiền gửi.
1. Tài khoản tiền gửi là tài khoản thanh toán do các tổ chức Tài chính, tín dụng, khách hàng có sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại NHPT với mục đích gửi, giữ tiền hoặc thực hiện các giao dịch thanh toán qua NHPT bằng các phương tiện thanh toán theo quy định của NHPT phù hợp với quy định hiện hành của NHNN.
a- Tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức Tài chính, tín dụng : là tài khoản tiền gửi mà chủ tài khoản là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền của các tổ chức Tài chính, tín dụng mở tài khoản.
b- Tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng: là tài khoản tiền gửi do khách hàng hoặc đại diện theo uỷ quyền của khách hàng làm chủ tài khoản.
c- Tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức nước ngoài tại NHPT: là tài khoản tiền gửi do các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật mà tổ chức đó được thành lập được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
2- Số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức Tài chính, tín dụng, khách hàng là số dư không kỳ hạn hoặc số dư có kỳ hạn. Việc chuyển đổi kỳ hạn của số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán được thực hiện khi có thoả thuận giữa hai bên.
3- Các tổ chức Tài chính, tín dụng, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán chỉ được phép thấu chi theo hạn mức thấu chi hoặc hạn mức tín dụng đã được thoả thuận bằng văn bản với Ngân hàng Phát triển.
MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI
MỤC A- MỞ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI
Điều 4. Hồ sơ mở tài khoản tiền gửi.
Hồ sơ mở tài khoản lần đầu đối với khách hàng:
a) Giấy đề nghị mở tài khoản;
b) Quyết định thành lập, Quyết định về phê duyệt điều lệ, tổ chức hoạt động của các đối tượng quy định tại Điều 2 do người có thẩm quyền ban hành;
c) Giấy đăng ký kinh doanh;
d) Giấy đăng ký hoạt động xuất nhập khẩu (nếu có);
đ) Quyết định bổ nhiệm Chủ tài khoản, Kế toán trưởng và những người được uỷ quyền (nếu có);
e) Chứng minh nhân dân của các cá nhân nêu tại tiết đ trên đây;
f) Giấy uỷ quyền (nếu có).
2- Ngoài các giấy tờ chính quy định trên đây, đối với các đối tượng khách hàng có hoạt động đặc thù, NHPT có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp thêm các giấy tờ cần thiết khác để bổ sung cho hồ sơ mở tài khoản. Các yêu cầu này được thông báo công khai và có hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Các giấy tờ trong bộ hồ sơ mở tài khoản có thể là bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản chính hoặc có công chứng, chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các yếu tố kê khai trong bộ hồ sơ mở tài khoản phải chính xác, đúng sự thật. Khách hàng phải chịu trách nhiệm về các yếu tố đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản và phải thông báo ngay với Ngân hàng nơi mở tài khoản nếu thay đổi các yếu tố trong hồ sơ mở tài khoản.
Điều 5. Giấy đề nghị mở tài khoản.
1- Giấy đề nghị mở tài khoản được lập thành ba (03) bản, gồm các yếu tố chính sau:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức, khách hàng có yêu cầu mở tài khoản.
b) Số, ngày, tháng, năm của Quyết định thành lập, Quyết định về điều lệ, tổ chức hoạt động, Quyết định bổ nhiệm các chức danh của chủ tài khoản, kế toán trưởng.
c) Số CMTND, ngày tháng năm cấp, nơi cấp của chủ tài khoản.
d) Mẫu chữ ký của chủ tài khoản sẽ sử dụng trên các chứng từ giao dịch với Ngân hàng và người được uỷ quyền ký thay (nếu có).
đ) Mẫu chữ ký của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán và những người được người này uỷ quyền ký thay (nếu có ).
Một người không được đồng thời đăng ký chữ ký trong vai trò của chủ tài khoản (người có trách nhiệm ký trên các chứng từ giao dịch với ngân hàng) và người được uỷ quyền.
Trường hợp sử dụng chữ ký điện tử để sử dụng dịch vụ thanh toán thì việc xây dựng, cấp phát, quản lý và sử dụng chữ ký điện tử do Ngân hàng quy định và hướng dẫn cho khách hàng.
e) Mẫu dấu (nếu có) sẽ sử dụng trên các chứng từ giao dịch với Ngân hàng.
g) Giấy đề nghị mở tài khoản do chính chủ tài khoản ký.
NHPT được yêu cầu bổ sung thêm các thông tin khác phục vụ cho yêu cầu quản lý của mình và phù hợp với từng đối tượng khách hàng nếu thấy cần thiết.
2- Giấy đề nghị mở tài khoản không có hiệu lực trong các trường hợp sau:
a) Các yếu tố kê khai trong Giấy đề nghị mở tài khoản không đầy đủ, không đúng sự thật;
b) Khách hàng không thuộc đối tượng được mở tài khoản tại Ngân hàng.
Điều 6. Quy định về thay đổi chữ ký trên chứng từ giao dịch với Ngân hàng.
b) Trong trường hợp thay đổi chữ ký của những người được quyền ký trên giấy tờ thanh toán giao dịch với Ngân hàng hoặc khi thay đổi mẫu dấu, chủ tài khoản phải gửi tới Ngân hàng bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký mới trong đó ghi rõ ngày bắt đầu có giá trị.
Điều 7. Quy định về số dư tối thiểu duy trì tài khoản.
Trước mắt giao Giám đốc Chi nhánh, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể tại Chi nhánh, quy định mức tối thiểu duy trì tài khoản tiền gửi thanh toán tại đơn vị mình, phù hợp với mức quy định của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhưng không thấp hơn 1.000.000 đ (đối với tài khoản tiền gửi VND) hoặc tương đương 100 USD (đối với tài khoản tiền gửi ngoại tệ).
Điều 8. Quy định về mở thêm tài khoản giao dịch.
Khi khách hàng có nhu cầu mở thêm tài khoản tiền gửi khác (đã có tài khoản tiền gửi, nay mở thêm tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng, tài khoản theo dõi lãi thu được, tài khoản tiền gửi loại tiền tệ khác.v.v) nhưng hồ sơ mở tài khoản không thay đổi so với hồ sơ ban đầu, thì khách hàng chỉ cần làm văn bản yêu cầu Ngân hàng nơi mở tài khoản bổ sung tài khoản, trong đó ghi rõ nội dung tài khoản cần mở.
Khi mở thêm tài khoản tiền gửi khác, trường hợp cần phải bổ sung hồ sơ mở tài khoản, Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng giấy tờ cần bổ sung.
Trường hợp phát sinh nghiệp vụ vay vốn thì Ngân hàng tự động mở tài khoản tiền vay (nếu có thoả thuận trong hợp đồng tín dụng).
Điều 9. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ mở tài khoản.
1- Khi nhận được hồ sơ mở tài khoản, Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra và đối chiếu các giấy tờ và yếu tố đã kê khai trong hồ sơ mở tài khoản đảm bảo khớp đúng, chính xác.
2- Ngân hàng phải giải quyết mở tài khoản ngay trong ngày làm việc:
a) Nếu chấp thuận yêu cầu xin mở tài khoản của khách hàng, Ngân hàng thực hiện mở tài khoản cho khách hàng với các nội dung về tài khoản được mở và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản.
b) Trong trường hợp từ chối không mở tài khoản, Ngân hàng phải nêu rõ lý do để khách hàng biết.
Điều 10. Quản lý, lưu hồ sơ mở tài khoản.
Hồ sơ mở tài khoản của khách hàng là giấy tờ quan trọng, việc quản lý phải chấp hành các quy định về đối chiếu trong kiểm tra, cung cấp thông tin, lưu trữ tài liệu theo quy định hiện hành.
Mọi thay đổi đối với hồ sơ mở tài khoản phải được cập nhật tức thời, việc mở thêm tài khoản cho khách hàng phải được ghi chép đầy đủ vào hồ sơ và thông báo cho bộ phận liên quan biết.
Giấy đề nghị mở tài khoản sau khi được Ngân hàng chấp thuận mở tài khoản được sử dụng như sau:
- Một bản trả lại cho khách hàng để sử dụng (thay cho thông báo chấp nhận mở tài khoản của Ngân hàng) trong đó đã ghi số hiệu tài khoản đã mở;
- Một bản lưu hồ sơ khách hàng;
- Một bản kế toán giao dịch với khách hàng hoặc cán bộ giao dịch với khách hàng sử dụng để đối chiếu với các chứng từ của khách hàng khi thực hiện lệnh thanh toán.
MỤC B- SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TIỀN GỬI
Điều 11. Sử dụng tài khoản.
1- Việc sử dụng tài khoản tiền gửi được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản.
2 - Việc sử dụng tài khoản tiền gửi được thực hiện trong phạm vi số dư của tài khoản và hạn mức thấu chi hoặc/và hạn mức tín dụng đã được thỏa thuận bằng văn bản với Ngân hàng Phát triển.
Điều 12. Uỷ quyền sử dụng tài khoản.
1 - Chủ tài khoản được ủy quyền cho người khác bằng văn bản sử dụng tài khoản tiền gửi theo quy định của pháp luật. Người được uỷ quyền có quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản trong phạm vi được uỷ quyền và không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
2 - Thủ tục uỷ quyền sử dụng tài khoản:
a) Khi có nhu cầu uỷ quyền sử dụng tài khoản tiền gửi cho những người chưa có chữ ký đăng ký tại Giấy đề nghị mở tài khoản, chủ tài khoản phải lập Giấy uỷ quyền sử dụng tài khoản theo đúng các quy định của pháp luật.
b) Mẫu dấu (nếu có) và chữ ký của người được uỷ quyền sử dụng tài khoản được lưu giữ tại Ngân hàng.
Điều 13. Quyền của chủ tài khoản.
1 - Chủ tài khoản có quyền sử dụng số tiền trên tài khoản thông qua các lệnh thanh toán hợp pháp, hợp lệ. Chủ tài khoản được Ngân hàng nơi mở tài khoản tạo mọi điều kiện để sử dụng tài khoản của mình theo cách có hiệu quả và an toàn nhất.
2 - Được lựa chọn và sử dụng các dịch vụ thanh toán do Ngân hàng cung cấp phù hợp với yêu cầu, khả năng và quy định của pháp luật.
3 - Được uỷ quyền cho người khác sử dụng tài khoản theo quy định.
4 - Được yêu cầu Ngân hàng nơi mở tài khoản thực hiện các lệnh thanh toán phát sinh hợp pháp, hợp lệ trong phạm vi số dư Có và hạn mức thấu chi hoặc/và hạn mức tín dụng (nếu có).
5 - Được yêu cầu cung cấp các thông tin về những giao dịch thanh toán và số dư trên tài khoản của mình.
6 - Được yêu cầu Ngân hàng nơi mở tài khoản đóng, phong toả hoặc thay đổi cách thức sử dụng tài khoản khi cần thiết.
7 - Được hưởng lãi suất cho số tiền trên tài khoản theo mức lãi suất do Ngân hàng quy định tuỳ theo đặc điểm của tài khoản, số dư tài khoản.
Điều 14. Trách nhiệm của chủ tài khoản
1 - Đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản để thực hiện các lệnh thanh toán đã lập.
2 - Tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, thường xuyên, định kỳ đối chiếu với với Ngân hàng. Trong pham vi ba (03) ngày kể từ ngày nhận được Giấy báo Nợ, Giấy báo Có về các khoản giao dịch trên tài khoản, sổ chi tiết tài khoản, Giấy báo số dư tài khoản do Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến, chủ tài khoản phải đối chiếu với sổ sách của mình, nếu có chênh lệch thì phải báo ngay cho Ngân hàng biết để cùng nhau đối chiếu, điều chỉnh, xử lý cho khớp đúng.
3 - Hoàn trả ngay cho Ngân hàng những khoản ghi có không phải của mình khi phát hiện ra việc hạch toán sai hoặc khi nhận được thông báo của Ngân hàng mà không chứng minh được quyền thụ hưởng khoản tiền đó.
4 - Chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.
5 - Tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Ngân hàng về thủ tục thanh toán, sử dụng các phương tiện thanh toán, đảm bảo các biện pháp an toàn trong thanh toán do NHPT quy định.
6 - Thông báo kịp thời với Ngân hàng nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc tài khoản của mình bị lợi dụng. Cung cấp thông tin chính xác khi yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
7 - Không được cho thuê, cho mượn tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.
Điều 15. Quyền của Ngân hàng Phát triển.
1 - Được chủ động trích tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
a) Các khoản nợ đến hạn, quá hạn, các khoản lãi, chi phí hợp lệ khác phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo quy định.
b) Các nghĩa vụ thanh toán theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc chủ tài khoản phải thanh toán.
c) Các trường hợp khác theo thoả thuận giữa Ngân hàng và khách hàng.
2 - Có quyền từ chối thực hiện các lệnh thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
a) Khách hàng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục thanh toán; lệnh thanh toán không hợp lệ, không khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký hoặc không phù hợp với các thoả thuận giữa NHPT và khách hàng.
b) Khách hàng không có đủ số dư trên tài khoản (đã tính cả mức thấu chi) đảm bảo cho việc thực hiện các lệnh thanh toán.
3 - Trong trường hợp phát hiện người sử dụng tài khoản vi phạm các quy định hiện hành hoặc thoả thuận đã có với Ngân hàng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Ngân hàng có quyền không thực hiện các yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của khách hàng, giữ lại tang vật và thông báo ngay với cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
4 - Phong toả, đóng, chuyển đổi hoặc tất toán số dư tài khoản theo quy định.
5 - Được quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán tuỳ theo yêu cầu và đặc thù hoạt động.
6 - Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ thanh toán theo quy định.
7 - Phạt do khách hàng vi phạm các quy định về sử dụng tài khoản đã thoả thuận hoặc đã có quy định.
Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển.
1 - Hướng dẫn khách hàng thực hiện đúng các quy định về lập hồ sơ mở tài khoản, lập chứng từ giao dịch và các quy định có liên quan trong việc sử dụng tài khoản. Ngân hàng có trách nhiệm phát hiện và điều chỉnh kịp thời các tài khoản mở sai hoặc sử dụng chưa chính xác.
2 - Thực hiện đầy đủ, kịp thời các lệnh thanh toán, các yêu cầu sử dụng tài khoản của khách hàng phù hợp với quy định hoặc thoả thuận giữa Ngân hàng và khách hàng. Kiểm soát các lệnh, chứng từ thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại dịch vụ, phương tiện thanh toán cần thiết phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng qua Ngân hàng.
3 - Thực hiện hạch toán theo các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên cơ sở các chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ nhận được. Điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản theo quy định.
4 - Gửi kịp thời, đầy đủ Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, sổ chi tiết tài khoản tiền gửi (Sổ phụ tài khoản), giấy báo số dư tài khoản tiền gửi theo yêu cầu của người sử dụng tài khoản. Thông tin kịp thời về những giao dịch thanh toán và số dư tài khoản cho khách hàng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
5 - Bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản và giao dịch trên tài khoản của khách hàng theo quy định.
6 - Bảo quản, lưu trữ hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản theo đúng cách thức và thời hạn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
7 - Niêm yết công khai các quy định về mở và sử dụng tài khoản.
8 - Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.
Điều 17. Phong toả tài khoản.
1 - Tài khoản tiền gửi bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền có trên tài khoản trong các trường hợp sau :
a) Khi có thoả thuận giữa chủ tài khoản và Ngân hàng;
b) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2 - Việc phong toả tài khoản tiền gửi chấm dứt khi :
a) Kết thúc thời hạn thoả thuận phong toả tài khoản giữa chủ tài khoản và Ngân hàng;
b) Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ra quyết định hoặc yêu cầu chấm dứt việc phong toả;
c) Theo quy định của pháp luật.
3 - Số tiền bị phong toả trên tài khoản phải được bảo toàn và kiểm soát chặt theo nội dung phong toả, chỉ được giải toả khi việc phong toả chấm dứt. Trường hợp tài khoản bị phong toả một phần thì số tiền không bị phong toả vẫn được sử dụng như bình thường.
1 - Ngân hàng Phát triển đóng tài khoản tiền gửi trong các trường hợp sau :
a) Khi chủ tài khoản yêu cầu;
b) Tài khoản hết số dư và ngừng giao dịch trong sáu (06) tháng liên tục
c) Khi tổ chức, khách hàng có tài khoản chấm dứt hoạt động;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2 - Ngân hàng được quyền quyết định việc đóng tài khoản tiền gửi khi chủ tài khoản vi phạm pháp luật trong thanh toán hoặc vi phạm thoả thuận với Ngân hàng; hoặc khi tài khoản tiền gửi có số dư thấp hơn quy định trong thời hạn nhất định theo quy định của Ngân hàng.
3 - Sau khi tài khoản được đóng, số dư còn lại trên tài khoản tiền gửi được xử lý như sau :
a) Quản lý theo quy định của Ngân hàng đối với trường hợp tài khoản bị đóng theo quy định tại khoản 2 Điều này cho đến khi tài khoản được mở.
b) Khi xử lý số dư còn lại trên tài khoản phải được thông báo trước cho chủ tài khoản hoặc được niêm yết công khai.
c) Chi trả theo quyết định của toà án;
4 - Thủ tục đóng tài khoản do Ngân hàng quy định phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị mình và phải thông báo công khai.
5- Khi đóng tài khoản, khách hàng phải nộp lại các tờ séc trắng chưa sử dụng.
6 - Sau khi đóng tài khoản, nếu khách hàng có nhu cầu giao dịch tiếp thì phải lập các thủ tục để mở tài khoản hoặc được phép theo quyết định của Ngân hàng hoặc toà án.
Điều 19. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm.
1- Các bên có trách nhiệm tuân thủ các quy định về mở và sử dụng tài khoản tại Quy định này, các quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan và các thoả thuận đã có giữa các bên. Các tổ chức có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2- Khi có xảy ra tranh chấp giữa các bên liên quan, việc xử lý theo các quy định của Pháp luật.
1- Các Hồ sơ mở tài khoản tiền gửi thực hiện theo quy định tại Quyết định số 520/QĐ-HTPT ngày 16/11/2004 đến nay còn phù hợp với quy định tại Quyết định này thì vẫn có giá trị sử dụng tiếp.
2- Căn cứ các quy định của Quyết định này, các Chi nhánh Ngân hàng tiến hành rà soát, kiểm tra, đối chiếu để bổ sung, hoàn chỉnh các hồ sơ mở tài khoản tại đơn vị mình cho phù hợp.
Điều 21. Tổ chức thực hiện.
1- Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ các quy định tại Quyết định này tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm theo dõi và tổ chức kiểm tra thực hiện trong đơn vị mình.
2- Trưởng Ban Tài chính kế toán, kho quỹ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 22. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này do Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định./.
- 1Quyết định 108/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 110/2006/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 64/2001/NĐ-CP về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
- 4Quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN về "Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức tín dụng" do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 5Quyết định 40/QĐ-HĐQL năm 2006 Quy chế hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành
- 6Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
Quyết định 659/QĐ-NHPT năm 2006 Quy định mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Tổ̉ng Giám đốc Ngân hàng Phát triể̉n Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 659/QĐ-NHPT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/12/2006
- Nơi ban hành: Ngân hàng phát triển Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Quang Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra