Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 658/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 11 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, NĂM 2016

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số: 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị quyết số: 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020;

Căn cứ Nghị quyết số: 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số: 1164/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số: 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số: 05-NQ/TU ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ Ba (khóa XI) về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Đề án thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số: 509/LĐTBXH-BTXH ngày 04 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2016.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 658/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nhằm triển khai chương trình giảm nghèo một cách đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống của người dân đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, điều kiện sống, thông tin….

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 02 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm.

- Giải quyết việc làm cho 4.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động cho 200 người).

- Dạy nghề cho 6.500 người.

- Cho vay tín dụng ưu đãi khoảng 5.487 hộ.

- Đảm bảo 100% đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục theo quy định.

- 85,2% xã nghèo đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

- Hỗ trợ nhà ở cho khoảng 150 hộ nghèo.

- 96% hộ dân nông thôn được dùng diện lưới và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- 100% hộ dân nông thôn được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và xem Đài Truyền hình Việt Nam.

- Phấn đấu 24 xã, phường có nhà văn hóa, thư viện.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho 500 cán bộ làm công tác giảm nghèo.

II. NHIỆM VỤ

1. Thực hiện các chính sách giảm nghèo chung

1.1. Chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo

- Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

- Chính sách tín dụng ưu đãi: Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

- Chính sách dạy nghề cho người nghèo: Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số: 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và biên soạn chương trình, giáo trình dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ giáo viên dạy nghề.

- Chính sách tạo việc làm và xuất khẩu lao động: Thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động; phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp có năng lực, uy tín tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài; áp dụng thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, đặc biệt đối với lao động thuộc huyện nghèo theo quy định. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

- Chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới: Tổ chức tốt việc thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường về vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật, thị trường và đầu ra của sản phẩm hàng hóa.

1.2. Chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giáo dục, đảm bảo 100% đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chính sách theo quy định.

Triển khai việc hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư liên tịch số: 02/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu và quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và các chính sách khác theo quy định.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giáo dục và đào tạo, đảm bảo tăng thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia.

1.3. Chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo

Đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế.

Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được tiếp cận với dịch vụ y tế. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại các xã nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo các cơ sở y tế thuộc xã nghèo đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

1.4. Chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số: 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số: 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số: 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 02).

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và nguồn vốn vay làm nhà vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh; ưu tiên tập trung đầu tư công trình nước hợp vệ sinh, điện và vệ sinh môi trường đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

1.5. Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số: 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số: 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý năm 2016 về nội dung, kinh phí thực hiện, đối tượng được hưởng...nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tư vấn kịp thời những vướng mắc về pháp luật của người dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với pháp luật và các dịch vụ pháp lý miễn phí, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện tố cáo của người dân.

1.6. Chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Xây dựng các phóng sự về giảm nghèo, nêu gương điển hình thoát nghèo, cấp báo và các tờ rơi truyền thông, đồng thời phê phán các trường hợp không có ý thức vươn lên thoát nghèo, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tổ chức các buổi chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng cao. Củng cố hệ thống thông tin - truyền thông cơ sở và cán bộ thông tin, đảm bảo đưa thông tin và chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước đến được với người dân, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai trái nhằm góp phần đảm bảo an ninh, chính trị ở vùng miền núi.

2. Thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù tại huyện nghèo (Chương trình 30a)

Với tổng nguồn vốn được giao năm 2016 là 62,07 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 42 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 20,07 tỷ đồng) tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động và cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động các xã, thị trấn theo Quyết định số: 71/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020”.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, trong đó có cán bộ, tri thức trẻ tăng cường về các huyện nghèo, xã nghèo thuộc Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc huyện nghèo; Dự án 500 trí thức trẻ về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020....

3. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù tại xã nghèo (Chương trình 135)

Với tổng số vốn 83,202 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng cơ sở hạ tầng 61,2 tỷ đồng, triển khai đầu tư xây dựng 108 công trình; vốn duy tu bảo dưỡng 3,8 tỷ đồng, đầu tư sửa chữa 35 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất 17,910 tỷ đồng; đào tạo cán bộ 0,1 tỷ đồng.

4. Thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

Xây dựng Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 01 - 02 huyện (ngoài huyện nghèo).

5. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; truyền thông, giám sát và đánh giá công tác giảm nghèo

Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo đảm bảo đạt chỉ tiêu giao. Phối hợp với các cơ quan truyền thông các cấp thực hiện các phóng sự truyền thông về giảm nghèo đa chiều, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

III. GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với chương trình giảm nghèo. Xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình. Tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác giảm nghèo tới các cơ quan, đơn vị và các địa phương.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững của Nhà nước ban hành, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách. Tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện Chương trình, từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến khâu lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Luân chuyển hỗ trợ mô hình sinh kế có hiệu quả để nhân rộng cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khác được tham gia.

4. Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người nghèo, tạo điều kiện, cơ hội cho người nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

5. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp nhất là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo.

6. Thường xuyên kiện toàn, bổ sung kịp thời Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, phân công nhiệm vụ phụ trách các địa bàn cho từng thành viên. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

7. Tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư dành cho công tác giảm nghèo theo thứ tự ưu tiên; tổ chức kiểm tra, giám sát mục tiêu đầu tư, hiệu quả sau đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

8. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia tiếp cận các nguồn vốn vay thông qua nhóm hộ, cộng đồng.

9. Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2016, phân giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo. Định hướng xác định rõ nhu cầu của người dân trong thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đảm bảo đúng mục đích, quy hoạch, đúng đối tượng. Khi phân bổ vốn đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tránh đầu tư dàn trải, gây nợ đọng, thất thoát nguồn vốn. Báo cáo, đề xuất với cấp ủy cùng cấp có biện pháp chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.

10. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo; đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá. Xây dựng cơ chế và chỉ tiêu giám sát ở cấp xã, thôn bản cho phù hợp với trình độ dân trí, đặc điểm của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Chương trình giảm nghèo) chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo Kế hoạch; hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách đặc thù (Chương trình 135), các chính sách dân tộc để hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tăng thu nhập đối với hộ nghèo ở huyện, xã nghèo; chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư trước cho các huyện nghèo, xã nghèo. Lồng ghép các hoạt động của Ngành hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phân bổ nguồn lực giảm nghèo; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hướng dẫn cơ chế quản lý chương trình giảm nghèo; kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

6. Sở Tài chính tham mưu cấp phát, hướng dẫn và giám sát chi tiêu tài chính; phối hợp với các ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Kế hoạch.

7. Sở Y tế chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo. Ưu tiên đầu tư trước để đạt chuẩn cơ sở bệnh viện, trạm y tế ở các huyện, xã nghèo; lồng ghép các hoạt động của Ngành hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo. Ưu tiên đầu tư trước để đạt chuẩn cơ sở trường, lớp học ở các huyện, xã nghèo; lồng ghép các hoạt động của Ngành hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo.

9. Sở Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Lồng ghép các hoạt động của Ngành hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chính sách đưa văn hóa về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các sản phẩm văn hóa, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

11. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung truyền thông, thông tin về giảm nghèo, đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin và truyền thông.

12. Sở Công thương thực hiện chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo.

13. Sở Nội vụ chủ trì tham mưu, phối hợp thực hiện chính sách thu hút cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện đến nhận công tác ở các huyện, xã nghèo; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở các huyện, xã nghèo; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hướng dẫn tiêu chí khen thưởng đối với hộ, huyện, xã, thôn bản có thành tích giảm nghèo bền vững.

14. Sở Tư pháp thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, phát triển mô hình câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

15. Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Bắc Kạn có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo; tuyên truyền các hoạt động, các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo, thông qua đó nâng cao trách nhiệm về công tác giảm nghèo cho toàn xã hội.

16. Các Sở, Ban, Ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, đơn vị. Lồng ghép các hoạt động của ngành, đơn vị vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ tiêu giao phấn đấu (tại phụ biểu kèm theo) để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo tại địa bàn, trong đó phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo; giao chỉ tiêu phấn đấu và phân công rõ trách nhiệm cho các Phòng, Ban, đơn vị thực hiện.

- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo định kỳ; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

- Huy động nguồn lực tại chỗ, trong dân, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện Kế hoạch. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

+ Xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2006 trên cơ sở Nghị quyết, Kế hoạch giảm nghèo của huyện, thành phố; đăng ký mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo.

+ Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng nghèo, phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo trên địa bàn; quản lý, theo dõi hộ thoát nghèo, các hộ mới rơi vào diện nghèo; xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hộ thoát nghèo cụ thể trong năm, có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

+ Tổ chức sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác giảm nghèo.

18. Đề nghị các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ, giúp đỡ huyện, xã nghèo tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật; đào tạo nghề miễn phí và nhận lao động nghèo vào làm việc để tăng thu nhập cho hộ nghèo, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững./.

 

MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO NĂM 2016

(Kèm theo Quyết định số: 658/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

STT

Đơn vị

Số hộ nghèo đầu năm 2016

Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo

Tổng số hộ

Hộ nghèo

Tỷ lệ

Hộ nghèo giảm (hộ)

Tỷ lệ giảm (%)

1

Thành phố Bắc Kạn

10.910

349

3,20

30

0,27

2

Huyện Na Rì

9.771

3.995

40,89

340

3,48

3

Huyện Bạch Thông

8.363

2.200

26,31

187

2,24

4

Huyện Pác Nặm

6.692

3.402

50,84

289

4,32

5

Huyện Chợ Mới

10.008

2.540

25,38

216

2,16

6

Huyện Ngân Sơn

7.165

3.651

50,96

240

3,35

7

Huyện Chợ Đồn

12.691

2.613

20,59

222

1,75

8

Huyện Ba Bể

11.621

3.956

34,04

407

3,50

 

Tổng số

77.221

22.706

29,40

1.931

2,50

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 658/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2016

  • Số hiệu: 658/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản