Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 653/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 24 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”; Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển Giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;

Căn cứ Chương trình số 180/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Căn cứ Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 05/11/2014 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 434/TTr-SGDĐT ngày 22/3/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng thể dục, thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo (đính kèm Đề án số 89/ĐA-SGDĐT ngày 20/01/2017), với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thể dục, thể thao (TDTT) trường học nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên cho học sinh; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lành mạnh cho trẻ em, học sinh, đồng thời góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho tỉnh Kiên Giang.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Về giáo dục thể chất:

- Phấn đấu 100% trường học thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học Giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục của từng cấp học;

- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả môn học Giáo dục thể chất.

2.2. Về hoạt động thể thao trường học:

- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng (đối với trường có nội trú), tập thể dục giữa giờ; 50% cơ sở giáo dục (Mầm non, Tiểu học) tổ chức dạy bơi cho học sinh; 30% cơ sở giáo dục tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam; 50% cơ sở giáo dục tổ chức dạy hoặc phổ biến môn cờ vua;

- Có ít nhất 85% số học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa, trong đó 80% đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi;

- Phấn đấu 50% cơ sở giáo dục phổ thông có câu lạc bộ các môn thể thao dành cho học sinh và được duy trì hoạt động thường xuyên (trên địa bàn đô thị, trường chuẩn Quốc gia đạt 100%).

2.3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học:

Phấn đấu: 100% trường mầm non, trên 85% trường phổ thông có sân chơi bãi tập; có ít nhất 10% trường tiểu học, 20% cấp trung học phấn đấu có nhà tập (nhà đa năng) được trang bị đạt tiêu chuẩn quy định; 100% trường mầm non 30% trường Tiểu học và 10% trường THCS được trang bị hồ bơi, bể bơi các loại.

2.4. Về giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao theo từng cấp học và trình độ đào tạo:

- Có ít nhất 95% trường mầm non, tiểu học có đủ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy giáo dục thể chất (GDTC), đủ trình độ đào tạo theo quy định và tổ chức tốt hoạt động thể thao ngoại khóa;

- Phấn đấu 100% trường trung học có đủ giáo viên thể dục, thể thao, trong đó có ít nhất 95% số giáo viên đạt tiêu chuẩn và trình độ đào tạo theo quy định, được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về giáo dục thể chất và tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và xã hội trong công tác TDTT:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội đối với công tác TDTT trường học. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng đối với công tác phát triển TDTT trường học; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho các hoạt động GDTC và hoạt động thể thao (HĐTT) trong các trường học.

- Tiếp tục triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước và ngành giáo dục về công tác TDTT, GDTC và HĐTT trong trường học, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án này... làm chuyển biến căn bản nhận thức của đội ngũ nhà giáo về công tác GDTC cũng như mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường;

- Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục tiêu giáo dục toàn diện, vai trò GDTC trong trường phổ thông, trách nhiệm của gia đình và xã hội trong công tác GDTC, về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh (40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở hiểu biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước);

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức và cá nhân triển khai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học.

- Thành lập tổ chuyên trách GDTC tham mưu cho lãnh đạo trong việc tổ chức, thực hiện công tác GDTC và thực hiện Đề án.

2. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng GDTC; đa dạng hóa hoạt động thể thao trường học:

2.1. Hoạt động giáo dục thể chất:

- Tổ chức giáo dục phát triển thể chất cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục dưới nhiều hình thức đa dạng, tích hợp nhiều hoạt động nhằm tạo cho trẻ em sự hứng thú tham gia.

- Tổ chức nhiều hoạt động vận động, tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao phù hợp trên cơ sở sự hứng thú, phát huy tính tự giác, khả năng tự học, tự rèn luyện của học sinh.

- Đưa việc tổ chức tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ thành hoạt động bắt buộc trong nội dung GDTC, HĐTT trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

- Tổ chức dạy và học đủ chương trình môn Thể dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức các nhóm lớp học môn thể thao tự chọn theo tài liệu phân phối chương trình môn thể dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phát huy sở trường của học sinh, tạo môi trường thuận lợi để học sinh phát triển năng khiếu. Ngoài những môn thể thao tự chọn được quy định trong chương trình, khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh được lựa chọn các môn thể thao khác nhằm phát triển các môn thể thao thế mạnh ở địa phương và phù hợp với điều kiện của nhà trường; khuyến khích nhà trường và phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh phát huy, phát triển trí lực, thể lực qua các môn cờ vua, bơi lội, võ cổ truyền...

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác GDTC đối với từng cấp học, trong đó chú trọng đánh giá về kỹ năng, năng lực vận động, thái độ, thói quen tập luyện thể dục, thể thao ở trong và ngoài nhà trường của học sinh.

2.2. Hoạt động thể thao trường học:

- Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh. Tăng cường hỗ trợ và có hình thức, phương pháp triển khai phù hợp đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Củng cố, phát triển hệ thống thi đấu thể thao tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đáp ứng yêu cầu HĐTT trường học; tổ chức các giải thi đấu thể thao, hội thi, ngày hội thể thao kết hợp với sinh hoạt, giao lưu văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh, đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những học sinh có năng khiếu thể thao bổ sung cho lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh.

- Phát triển các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trong trường học; chú trọng phát triển đa dạng các môn thể thao, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em: Thực hiện thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em. Triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để phát triển đa dạng mô hình dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và cộng đồng, chú trọng các địa phương ven biển, địa phương có nhiều sông, hồ, suối, kênh, rạch...

- Tăng cường dạy và học các môn võ cổ truyền Việt Nam trong các nhà trường, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cấp học.

3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ GDTC và HĐTT trong trường học:

- Dành phần ngân sách nhất định để đầu tư mở rộng quỹ đất theo chuẩn quy định, đầu tư sân chơi, bãi tập, đường chạy, nhà đa năng (điều chỉnh diện tích, độ cao nhà đa năng đủ chuẩn tổ chức sân bóng rổ, bóng chuyền); tăng cường trang thiết bị dạy học đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, quan tâm trang bị đồ chơi ngoài trời gắn với các mô hình vận động thể chất cho trẻ em mầm non chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Các cơ sở giáo dục - đào tạo cân đối kinh phí gắn với vận động phụ huynh, xã hội trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, thể thao đáp ứng yêu cầu dạy và học an toàn, hiệu quả.

- Chú trọng việc tăng cường hệ thống cây xanh, tạo bóng mát sân trường gắn với gìn giữ môi trường vệ sinh, tạo không gian thoáng mát, có kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên nhà trường, tạo điều kiện cho trẻ vận động, vui chơi lành mạnh.

- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn Trường học an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

4. Xây dựng đội ngũ giáo viên:

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên thể dục trong nhà trường. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các môn tự chọn; phấn đấu đến năm 2020, có 80% giáo viên thể dục có kỹ năng hướng dẫn môn Cờ vua; 100% giáo viên thể dục có kỹ năng dạy bơi. Giai đoạn I (từ năm 2016 đến 2018): Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ 03 lớp, với 360 lượt giáo viên; giai đoạn II (từ năm 2018 đến 2020): Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ 04 lớp, với 480 lượt giáo viên.

- Đổi mới hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn; tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn liên trường nhằm tạo điều kiện cho giáo viên thể dục các trường, nhất là các trường có quy mô nhỏ được giao lưu học hỏi kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thể thao trường học.

- Đối với bậc học mầm non và cấp tiểu học: Tăng cường các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên chưa đạt chuẩn; sắp xếp, bố trí giáo viên chuyên trách công tác giáo dục thể chất.

5. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với công tác TDTT trường học:

- Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ sở tập luyện, thi đấu thể thao do ngành thể dục, thể thao quản lý trong công tác GDTC và HĐTT tại địa phương. Gắn kết với hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng và các Nhà Văn hóa - Thể thao trên địa bàn phục vụ cho việc dạy học và tập luyện.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục vụ công tác giáo dục thể chất; vận động, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác giáo dục đặc biệt là hỗ trợ cho chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, phấn đấu đến năm 2020 100% được triển khai Chương trình dạy bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Kêu gọi nguồn xã hội hoá gắn với việc thực hiện Chương trình số 140/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng kinh phí tổ chức thực hiện Đề án: 506.286 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách tỉnh (lồng ghép từ các nhiệm vụ, mục tiêu): 182.538 triệu đồng.

- Nguồn kinh phí xã hội hóa: 323.748 triệu đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Là cơ quan chủ trì, triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng thể dục, thể thao trong trường học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình của Đề án phù hợp với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm của Ngành và điều kiện, nhu cầu thực tế của từng địa bàn, địa phương, từng nhóm đối tượng; thành lập tổ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác thể dục, thể thao trong giai đoạn hiện nay đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tham mưu cơ quan thẩm quyền bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức hoạt động của Đề án; bố trí biên chế giáo viên đủ số lượng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảm bảo quy chuẩn và năng lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; tăng cường xã hội hóa gắn quản lý nhà nước trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh triển khai Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Chính phủ; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Chương trình số 180/CTr-UBND, ngày 29/4/2016 về Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020;

- Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án. Tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án hàng năm, giai đoạn theo yêu cầu nhiệm vụ. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình của Đề án phù hợp với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của địa phương và điều kiện, nhu cầu thực tế của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng; phân công cán bộ, chuyên viên thường trực trong việc tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án; khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở địa phương vận động xã hội hóa thực hiện Đề án.

3. Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo:

- Tổ chức triển khai, quán triệt Đề án và các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án; qua đó, cụ thể hóa thành Kế hoạch của nhà trường, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, lộ trình đạt chuẩn của từng tiêu chí phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án.

- Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn theo quy chuẩn quốc gia của từng cấp học, bậc học với năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; chủ động phối hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ giáo dục, nhất là hoạt động thể dục thể thao.

- Định kỳ 06 tháng, năm báo cáo tình hình triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã được giao theo Đề án về cấp quản lý theo yêu cầu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp các sở, ban ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: GD&ĐT, KH&ĐT, TC;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh (Đảng, CQ, ĐT);
- UBND các huyện, TX, TP;
- LĐVP, Phòng VH-XH, TH;
- Lưu: VT, ldlinh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh

 

UBND TỈNH KIÊN GIANG
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/ĐA-SGDĐT

Kiên Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2017

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

1. Yêu cầu thực tế để xây dựng Đề án

Thể dục thể thao (TDTT) trường học, bao gồm giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể dục, thể thao là một hoạt động giáo dục cần thiết góp phần hoàn thiện vóc dáng, nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên, điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, trong đó trí dục, đức dục và thể dục được coi là những nội dung quan trọng nhằm tạo cơ hội cho mỗi người có khả năng “Phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức” (Nghị quyết TW4 - Khóa VII). Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng khẳng định: “Sự cường tráng về thể chất là nhu cầu của bản thân con người, đồng thời là vốn quí để tạo ra tài sản - trí tuệ và vật chất cho xã hội, chăm lo cho con người về thể chất là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các đoàn thể”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và X cũng đã xác định phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân;

Trong những năm qua, công tác TDTT trường học tại Kiên Giang đã được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư và phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các chương trình, nội dung giáo dục bắt buộc như sân chơi, bãi tập; trang thiết bị dạy học TDTT; các hoạt động giáo dục ngoại khóa đối với các môn thể dục tự chọn ngày càng phong phú hơn (cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cờ vua...); các hoạt động hội thao, hội thi, hội khỏe được tổ chức theo định kỳ với số môn thi đấu, số đơn vị và vận động viên tham gia ngày càng nhiều, càng đông; giáo dục năng khiếu cũng đang trên đà tiến bộ.. .Tuy nhiên, do mạng lưới trường lớp học khá lớn, quy mô không đồng đều, điểm lẻ quá nhiều (1.942 điểm/686 trường) nên việc đầu tư sân chơi, bãi tập, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và TDTT trong trường học thật khó khăn, hạn chế, không đáp ứng yêu cầu mục tiêu và nhiệm vụ, nhất là tại hầu hết các điểm lẻ; tai nạn đuối nước đối với các em trong độ tuổi học sinh (đa phần học sinh, kể cả học sinh sống tại địa bàn sông ngòi chằng chịt nhưng không biết bơi) đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với các gia đình có các em nhỏ không may bị nạn mà còn khiến toàn xã hội phải bàng hoàng, đau xót.

Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ (khóa XI) “...tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…”, các hoạt động giáo dục thể chất và TDTT trong nhà trường phải được quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng đồng bộ từ chương trình giáo dục thể chất, thể dục nội khóa đến hoạt động thể thao, bồi dưỡng năng khiếu, tổ chức hội thao, hội khỏe... bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020” là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và phát huy tinh thần trách nhiệm chung của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng cư dân địa phương.

2. Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án

- Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

- Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;

- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020;

- Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31/11/2015 của Chính phủ về việc quy định Giáo dục Thể chất và hoạt động thể thao trong trường học;

- Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển Giáo dục Thể chất và thể thao trường học Giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025;

- Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;

- Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GDĐT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên;

- Chương trình số 180/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

3. Phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện

3.1. Phạm vi áp dụng

Đề án được áp dụng thực hiện tại các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

3.2. Thời gian thực hiện

Đề án triển khai từ năm 2016 đến năm 2020. Kết thúc giai đoạn có tổng kết, đánh giá toàn diện về hiệu quả Đề án, tiếp tục đề xuất mô hình triển khai cho các năm tiếp theo.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC THỂ CHẤT Ở CÁC TRƯỜNG HỌC

1. Tình hình trường, lớp, học sinh, đội ngũ giáo viên GDTC và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học GDTC ở các trường học phổ thông

1.1. Tình hình trường, lớp, học sinh trong năm học 2016-2017

Cấp học

Số trường

Số lớp

Số học sinh

Mầm non

154

1.651

42.890

Tiểu học

296

6.374

155.392

Trung học cơ sở

169

2.774

94.652

Trung học phổ thông

52

954

36.353

Trung tâm GDTX

15

724

2.514

Tổng cộng

686

12.477

331.801

1.2. Đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất trong năm học 2016-2017

Cấp học

Tổng số giáo viên

Số giáo viên giáo dục thể chất được đào tạo chuyên ngành

Số giáo viên kiêm nhiệm

Đại học

Cao đẳng

Mầm non

2.264

1.703

335

 

Tiểu hoc

423

81

149

193

Trung học cơ sở

487

309

161

17

Trung học phổ thông

308

298

10

0

Tổng cộng

3.482

2.391

655

210

Từ số liệu trên cho thấy giáo viên giáo dục thể chất (GDTC) ở các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đủ số lượng, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Riêng giáo viên GDTC cấp tiểu học (TH) đa phần là kiêm nhiệm, chưa bố trí được chuyên trách nên rất nhiều trường phải cử giáo viên các môn học khác hoặc giáo viên chủ nhiệm dạy kiêm nhiệm môn thể dục. Đối với cấp học mầm non, hiện không có giáo viên chuyên trách giảng dạy GDTC vì vậy các hoạt động hướng dẫn GDTC tại các trường mầm non đều do các giáo viên mầm non kiêm nhiệm.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thể dục tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhất là đối với giáo viên dạy GDTC đang làm công tác kiêm nhiệm, từ năm 2012 đến nay, Sở GDĐT phối hợp với trường năng khiếu thể dục thể thao, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng bơi lội, cờ vua, võ Vovinam cho hơn 520 lượt giáo viên dạy thể dục của các trường phổ thông.

Tuy nhiên, do điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy và học; không có nơi để tổ chức dạy bơi, nên dù được trang bị phương pháp thực hành hướng dẫn và truyền đạt các kỹ năng bơi lội nhưng rất nhiều giáo viên sau khi tham gia lớp tập huấn, về cơ sở chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục mà chưa tổ chức dạy bơi cho học sinh.

1.3. Về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC

- Hiện có 50% các trường phổ thông có sân bãi luyện tập thể dục, chủ yếu là các trường đạt chuẩn quốc gia, trường ở đô thị và trường THPT; việc trang bị nhà đa năng, bể bơi phục vụ cho các hoạt động GDTC trong nhà trường rất ít. Hiện toàn tỉnh có 26/533 trường phổ thông có nhà tập đa năng1 (chiếm tỷ lệ 4,9%); có 06/686 trường mầm non và phổ thông có hồ bơi (chiếm 0,87%)2, chủ yếu bố trí tại các điểm chính của trường.

- Hầu hết các trường phổ thông trong tỉnh đã được cấp trang thiết bị tối thiểu phục vụ dạy thể dục nội khóa và tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh phổ thông trong tỉnh.Tuy nhiên, hiện rất nhiều trang thiết bị (khoảng 50%) tại các trường đã hư hỏng, lạc hậu hoặc hết hạn sử dụng chưa được trang bị mới.

- Sân tập, đường chạy, hố nhảy... hiện tại chưa đủ chuẩn để phục vụ cho công tác dạy và học GDTC.

2. Tình hình công tác thể dục, thể thao trong trường học

2.1. Hoạt động dạy và học môn thể dục

- Nội dung học thể dục bắt buộc dành cho học sinh trong trường phổ thông bao gồm các môn: Thể dục nhịp điệu, Đá cầu, cầu lông, Bóng chuyền, Điền kinh, Cờ vua... Tuy nhiên việc tổ chức dạy và học các môn học này chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do các môn học này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu, và được tổ chức ở những nơi kín gió, nhưng hiện tại rất nhiều trường chưa được trang bị nhà đa năng, thiếu sân bãi tập nên việc tổ chức dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn;

- Đội ngũ giáo viên GDTC ở các trường phổ thông tuy đa phần đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng vẫn còn hạn chế nhiều về kỹ thuật chuyên sâu đối với các môn thể dục nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy các tiết thể thao tự chọn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2. Hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa

- Hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ngoại khóa là hoạt động tự luyện tập, luyện tập có hướng dẫn, luyện tập theo nội dung tiêu chuẩn rèn luyện thân thể áp dụng cho từng lứa tuổi, luyện tập các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Hội khoẻ Phù Đổng; luyện tập trong các câu lạc bộ TDTT hoặc các trung tâm TDTT trong và ngoài nhà trường; luyện tập và thi đấu trong các đội tuyển TDTT của trường, địa phương, ngành và quốc gia;

Do khó khăn về cơ sở vật chất, nên chỉ có một số trường phổ thông trong tỉnh có câu lạc bộ TDTT cho học sinh tập luyện thường xuyên sau giờ học, phần lớn học sinh tự tập TDTT ngoài giờ với hình thức tham gia các lớp võ Cổ truyền, Karatedo, Vovinam, Taekwondo, Bóng bàn, Bóng đá ở các câu lạc bộ, các trung tâm ngoài trường;

- Hoạt động TDTT ngoại khoá trong các trường phổ thông được tổ chức cho học sinh chủ yếu vào dịp mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Đoàn 26/3. Hiện tại, chưa có các giải thi đấu truyền thống cấp tỉnh hàng năm dành cho học sinh (do không có kinh phí thực hiện), từ đó khó xây dựng được phong trào.

3. Phong trào Hội khoẻ Phù Đổng

3.1. Việc tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng (HKPĐ) các cấp (cấp trường tổ chức theo năm học; cấp huyện, tỉnh 2 năm/lần, tham gia toàn quốc 4 năm/lần)

- Trong những năm qua, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường phổ thông tổ chức HKPĐ cấp cơ sở hàng năm và tạo nguồn tham gia HKPĐ cấp huyện cấp tỉnh; hầu hết các trường phổ thông trong tỉnh có sự quan tâm, phối hợp với các phòng ban có liên quan trên địa bàn tổ chức tốt HKPĐ cấp trường. HKPĐ cấp huyện và cấp tỉnh thường được tổ chức 2 năm một lần. Nhìn chung, HKPĐ sau luôn cao hơn lần trước cả về số lượng đơn vị, vận động viên tham gia, quy mô môn thi, trình độ kỹ thuật thi đấu...3.

Phong trào HKPĐ các cấp đã góp phần phát triển thể lực, kỹ năng vận động, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng thể thao cho học sinh. Các cuộc thi thể hiện một phần kết quả của công tác GDTC trong trường học và là sân chơi bổ ích cho học sinh, qua đó để chọn lựa vận động viên có thành tích cao tiếp tục tham gia các kỳ HKPĐ Quốc gia, dự nguồn cho đại hội thể dục thể thao các cấp, dự nguồn cho lực lượng vận động viên, trọng tài viên chuyên nghiệp và nguồn giáo viên giáo dục thể chất tại các trường học.

Tuy nhiên cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập, thi đấu của các địa phương và tại các địa điểm thi đấu cấp tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, đa phần là hoạt động ngoài trời phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và thành tích thi đấu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm liền HKPĐ cấp trường, huyện, tỉnh chưa tổ chức các môn như Bóng rổ, võ thuật; môn bơi lội mới đưa từ năm 2015 nhưng số lượng tham gia rất ít... vì lý do nhà tập, sân bãi tập, hồ bơi, dụng cụ tập luyện... còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

3.2. Kết quả việc tham gia HKPĐ toàn quốc của Đoàn học sinh tỉnh Kiên Giang

- HKPĐ toàn quốc lần thứ VII năm 2008 tại Phú Thọ: Xếp hạng 49/64 đơn vị tham gia;

- HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII năm 2012 tại Cần Thơ: Xếp hạng 46/64 đơn vị tham gia;

- HKPĐ toàn quốc lần thứ IX năm 2016 tại Thanh Hóa và Nghệ An: Xếp hạng 26/63 đơn vị tham gia.

Qua bảng đăng ký tham gia thi đấu của đội tuyển học sinh trong tỉnh ở các kỳ HKPĐ toàn quốc, Đoàn học sinh tỉnh Kiên Giang không tham gia thi đấu môn Judo, Karatedo, Taekwondo, võ Vật, do không có huấn luyện viên và vận động viên đối với các môn này. Qua kết quả của một số kỳ tham gia HKPĐ toàn quốc, đoàn Kiên Giang có được một số môn nổi bật như: Cờ vua, Bóng đá, tuy nhiên các môn thi này cũng chỉ tập trung ở một số huyện và cũng chưa được nhân rộng ở các địa phương.

4. Đánh giá chung

Trong thời gian qua, công tác GDTC trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chú trọng rèn luyện sức khỏe, thể lực cho học sinh, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế GDTC và thể lực hàng năm trong học đường được duy trì đẩy mạnh. Trong đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy bộ môn Thể dục chính khoá, các hoạt động ngoại khóa như tổ chức thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian trong những ngày sinh hoạt chủ điểm. Khuyến khích các trường tổ chức dạy bơi và giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh ở các bậc học.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Thể dục được quan tâm, hàng năm Sở GDĐT đều có tổ chức các lớp tập huấn bơi lội, tập huấn giảng dạy các môn thể thao cho đội ngũ giáo viên thể dục. Hiện nay trong toàn tỉnh, giáo viên Thể dục có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao. Tổng số giáo viên Thể dục ở các trường trung học đã đảm bảo về số lượng giảng dạy nội khóa và hoạt động ngoại khóa, trình độ nghiệp vụ chuyên môn vững đáp ứng yêu cầu về công tác giáo dục thể chất hiện nay;

Trang thiết bị dạy học môn thể dục tuy còn khó khăn nhưng vẫn luôn được lãnh đạo Sở và lãnh đạo các trường quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, góp phần nâng cao chất lượng giờ dạy và học của các đơn vị;

Tuy nhiên công tác GDTC hiện nay ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thiếu phòng tập, bãi tập, hồ bơi, nhà tập đa năng của đa số trường học gây khó khăn cho việc tổ chức dạy và học của một số môn như cầu lông, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng đá Mini và làm ảnh hưởng rất lớn tới việc trang bị những kỹ năng vận động cần thiết cho các em trong lứa tuổi này, đây là những kỹ năng nhằm phát triển các tố chất vận động cơ bản như: Mềm dẻo, khéo léo, khả năng phối hợp các động tác trong vận động và phát triển sức nhanh; tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra thường xuyên, phần lớn là do không biết bơi và nguyên chính là do các điều kiện để dạy và học bơi chưa được quan tâm đầu tư.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

Với những căn cứ pháp lý và thực trạng về công tác giáo dục thể chất ở các trường phổ thông trong tỉnh, Sở GDĐT xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020” với các mục tiêu, giải pháp như sau.

1. Mục tiêu của Đề án

1.1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng, hiệu quả TDTT trường học nhằm thực hiện thắng lới mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo; tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho học sinh; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lành mạnh cho trẻ em, học sinh, đồng thời góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho tỉnh Kiên Giang.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Về Giáo dục thể chất:

+ Phấn đấu 100% trường học thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học Giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục của từng cấp học;

+ Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông học thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả môn học Thể dục.

- Về hoạt động thể thao trường học:

+ Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng (đối với trường có nội trú), tập thể dục giữa giờ; 50% cơ sở giáo dục (Mầm non, Tiểu học) tổ chức dạy bơi cho học sinh; 30% cơ sở giáo dục tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam; 50% cơ sở giáo dục tổ chức dạy hoặc phổ biến môn cờ vua;

+ Có ít nhất 85% số học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa, trong đó 80% đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi;

+ Phấn đấu 50% cơ sở giáo dục phổ thông có câu lạc bộ các môn thể thao dành cho học sinh và được duy trì hoạt động thường xuyên (trên địa bàn đô thị, trường chuẩn Quốc Gia đạt 100%).

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học:

Phấn đấu: 100% trường mầm non, trên 85% trường phổ thông có sân chơi bãi tập; có ít nhất 10% trường tiểu học, 20% cấp trung học phấn đấu có nhà tập (nhà đa năng) được trang bị đạt tiêu chuẩn quy định; 100% trường mầm non 30% trường Tiểu học và 10% trường THCS được trang bị hồ bơi, bể bơi các loại;

- Về giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao theo từng cấp học và trình độ đào tạo:

+ Có ít nhất 95% trường mầm non, tiểu học có đủ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy GDTC, đủ trình độ đào tạo theo quy định và tổ chức tốt hoạt động thể thao ngoại khóa;

+ Phấn đấu 100% trường trung học có đủ giáo viên thể dục, thể thao, trong đó có ít nhất 95% số giáo viên đạt tiêu chuẩn và trình độ đào tạo theo quy định, được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về giáo dục thể chất và tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa.

2. Các giải pháp thực hiện

2.1. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và xã hội trong công tác TDTT

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội đối với công tác TDTT trường học. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng đối với công tác phát triển TDTT trường học; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho các hoạt động GDTC và HĐTT trong các trường học.

- Tiếp tục triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước và ngành giáo dục về công tác TDTT, GDTC và HĐTT trong trường học, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án này... làm chuyển biến căn bản nhận thức của đội ngũ nhà giáo về công tác GDTC cũng như mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường;

- Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục tiêu giáo dục toàn diện, vai trò GDTC trong trường phổ thông, trách nhiệm của gia đình và xã hội trong công tác GDTC, về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh (40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở hiểu biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước);

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức và cá nhân triển khai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học.

- Thành lập tổ chuyên trách GDTC tham mưu cho lãnh đạo trong việc tổ chức, thực hiện công tác GDTC và thực hiện Đề án;

2.2. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng GDTC; đa dạng hóa hoạt động thể thao trường học

2.2.1. Hoạt động giáo dục thể chất

- Tổ chức giáo dục phát triển thể chất cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục dưới nhiều hình thức đa dạng, tích hợp nhiều hoạt động nhằm tạo cho trẻ em sự hứng thú tham gia;

- Tổ chức nhiều hoạt động vận động, tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao phù hợp trên cơ sở sự hứng thú, phát huy tính tự giác, khả năng tự học, tự rèn luyện của học sinh;

- Đưa việc tổ chức tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ thành hoạt động bắt buộc trong nội dung GDTC, HĐTT trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

- Tổ chức dạy và học đủ chương trình môn Thể dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức các nhóm lớp học môn thể thao tự chọn theo tài liệu phân phối chương trình môn thể dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phát huy sở trường của học sinh, tạo môi trường thuận lợi để học sinh phát triển năng khiếu. Ngoài những môn thể thao tự chọn được quy định trong chương trình, khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh được lựa chọn các môn thể thao khác nhằm phát triển các môn thể thao thế mạnh ở địa phương và phù hợp với điều kiện của nhà trường; khuyến khích nhà trường và phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh phát huy, phát triển trí lực, thể lực qua các môn cờ vua, bơi lội, võ cổ truyền...

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác GDTC đối với từng cấp học, trong đó chú trọng đánh giá về kỹ năng, năng lực vận động, thái độ, thói quen tập luyện thể dục, thể thao ở trong và ngoài nhà trường của học sinh.

2.2.2. Hoạt động thể thao trường học

- Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh. Tăng cường hỗ trợ và có hình thức, phương pháp triển khai phù hợp đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Củng cố, phát triển hệ thống thi đấu thể thao tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đáp ứng yêu cầu HĐTT trường học; tổ chức các giải thi đấu thể thao, hội thi, ngày hội thể thao kết hợp với sinh hoạt, giao lưu văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh, đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những học sinh có năng khiếu thể thao bổ sung cho lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh.

- Phát triển các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trong trường học; chú trọng phát triển đa dạng các môn thể thao, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em: thực hiện thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em. Triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để phát triển đa dạng mô hình dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và cộng đồng, chú trọng các địa phương ven biển, địa phương có nhiều sông, hồ, suối, kênh, rạch...

- Tăng cường dạy và học các môn võ cổ truyền Việt Nam trong các nhà trường, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cấp học.

2.3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ GDTC và HĐTT trong trường học

- Dành phần ngân sách nhất định để đầu tư mở rộng quỹ đất theo chuẩn quy định, đầu tư sân chơi, bãi tập, đường chạy, nhà đa năng (điều chỉnh diện tích, độ cao nhà đa năng đủ chuẩn tổ chức sân bóng rổ, bóng chuyền)4, tăng cường trang thiết bị dạy học đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, quan tâm trang bị đồ chơi ngoài trời gắn với các mô hình vận động thể chất cho trẻ em mầm non chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

- Các cơ sở giáo dục-đào tạo cân đối kinh phí gắn với vận động phụ huynh, xã hội trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, thể thao đáp ứng yêu cầu dạy và học an toàn, hiệu quả;

- Chú trọng việc tăng cường hệ thống cây xanh, tạo bóng mát sân trường gắn với gìn giữ môi trường vệ sinh, tạo không gian thoáng mát, có kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên nhà trường, tạo điều kiện cho trẻ vận động, vui chơi lành mạnh;

- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn Trường học an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận các trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GDTC và HĐTT trường học.

2.4. Xây dựng đội ngũ giáo viên

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên thể dục trong nhà trường. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các môn tự chọn, phấn đấu đến năm 2020 có 80% Giáo viên thể dục có kỹ năng hướng dẫn môn Cờ vua; 100% Giáo viên thể dục có kỹ năng dạy bơi. Giai đoạn I (từ năm 2016 - 2018): Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ 03 lớp cho 360 lượt giáo viên; Giai đoạn II (từ năm 2018 - 2020): Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ 04 lớp 480 lượt giáo viên.

- Đổi mới hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn; tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn liên trường nhằm tạo điều kiện cho giáo viên thể dục các trường, nhất là các trường có qui mô nhỏ được giao lưu học hỏi kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm tổ chức các HĐTT trường học.

- Đối với bậc học mầm non và cấp tiểu học: Tăng cường các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên chưa đạt chuẩn; sắp xếp, bố trí giáo viên chuyên trách dạy GDTC.

2.5. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với công tác TDTT trường học

- Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ sở tập luyện, thi đấu thể thao do ngành thể dục, thể thao quản lý trong công tác GDTC và HĐTT tại địa phương. Gắn kết với hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập Cộng đồng và các Nhà Văn hóa Thể thao trên địa bàn phục vụ cho việc dạy học và tập luyện.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục vụ dạy và học GDTC, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác giáo dục đặc biệt là hỗ trợ cho chương trình phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, phấn đấu đến năm 2020 100% được triển khai Chương trình dạy bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em. Kêu gọi nguồn xã hội hoá gắn với việc thực hiện Chương trình 140/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

IV. KINH PHÍ

Tổng kinh phí tổ chức thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020 là: 506.286 triệu đồng (phụ lục IV).

Trong đó:

- Vốn từ ngân sách địa phương có tính chất lồng ghép từ các nhiệm vụ, mục tiêu là 182.538 triệu đồng (chiếm 36%), trong đó:

+ Chi đầu tư cơ sở, vật chất trang thiết bị dạy và học GDTC, TDTT 34.016 triệu đồng;

+ Chi đầu tư sân chơi, bãi tập tại trường phổ thông: 48.000 triệu đồng;

+ Chi xây dựng nhà đa năng tại trường phổ thông: 80.000 triệu đồng;

+ Chi đầu tư bể bơi, hồ bơi: 8.892 triệu đồng;

+ Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên: 630 triệu đồng;

+ Chi hỗ trợ hoạt động chuyên môn (tập trung hỗ trợ hoạt động phổ biến bơi lội và các hội thi): 1.000 triệu đồng.

+ Chi tổ chức HKPĐ cấp tỉnh và tham gia HKPĐ toàn quốc: 10.000 triệu đồng;

- Vốn từ xã hội hóa, bao gồm nguồn huy động từ phụ huynh và cộng đồng tự nguyện đóng góp cho các hoạt động là 323.748 triệu đồng (chiếm 64%), trong đó:

+ Chi đầu tư bể bơi, hồ bơi: 20.748 triệu đồng;

+ Chi hỗ trợ hoạt động chuyên môn (tập trung hỗ trợ hoạt động phổ biến bơi lội và các hội thi): 4.000 triệu đồng;

+ Hỗ trợ luyện tập các môn thể thao tự chọn: 299.000 triệu đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo - Cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện Đề án

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết liên quan đến phát triển GDTC, HĐTT trường học.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò vị trí của công tác GDTC trong giai đoạn hiện nay; tham mưu cơ quan thẩm quyền bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức hoạt động của Đề án; tăng cường biên chế giáo viên đủ số lượng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảm bảo quy chuẩn và năng lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; tăng cường xã hội hóa gắn quản lý nhà nước trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;

- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh triển khai Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của chính phủ; với sở Lao động-TBXH triển khai Chương trình số 180/Ctr-UBND, ngày 29/4/2016 về Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020;

- Phân công tổ công tác triển khai, tổ chức thực hiện Đề án, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; chủ động, sáng tạo các giải pháp thiết thực, phối hợp các cơ quan chức năng, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án;

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị thành phố

- Xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình của Đề án phù hợp với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm của địa phương và điều kiện, nhu cầu thực tế của từng địa bàn, địa phương, từng nhóm đối tượng; phân công cán bộ, chuyên viên mở hồ sơ và thường trực trong tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương;

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án; khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở địa phương trong xã hội hóa công tác GDTC, HĐTT, nhất là xã hội hóa trong tổ chức dạy và học bơi lội và các môn võ thuật cổ truyền.

3. Đối với các cơ Sở giáo dục và đào tạo

- Tổ chức triển khai, quán triệt Đề án, các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án, qua đó cụ thể hóa thành Kế hoạch của nhà trường, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, nhất là nhu cầu học tập, rèn luyện TDTT của học sinh và nhân dân trên địa bàn;

- Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên dạy thể dục có đủ tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; chủ động phối hợp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong thực hiện xã hội hóa các hoạt động GDTC, HĐTT trường học cho học sinh;

- Quản lý, bảo dưỡng, mua sắm bổ sung trang thiết bị, dụng cụ phục vụ dạy và học GDTC, HĐTT tại đơn vị;

- Báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án hàng năm cho cấp quản lý theo yêu cầu.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ sở giáo dục, các cấp, các ngành kịp thời phản ánh về Sở GDĐT để trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở Tài chính;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh
- Lưu: VT.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thị Minh Giang

 

PHỤ LỤC I

BẢNG 1.1: DỰ TOÁN TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC GDTC

STT

Tên thiết bị

Đơn vị tính

Tổng số

Còn sử dụng

Hư, hỏng

Đề nghị bổ sung

Thành tiền

1

Đồng hồ bấm giờ

cái

976

480

496

1,250

150,000,000

2

Đồng hồ cờ vua

cái

9

3

6

879

219,750,000

3

Trụ xà nhảy cao

bộ

448

313

135

239

71,700,000

4

Cờ vua

bộ

1,028

702

326

3,960

475,200,000

5

Vợt cầu lông

cái

2

757

1,160

1,808

216,960,000

6

Cầu lông

hộp

812

184

628

1,218

194,880,000

7

Cầu đá

trái

28

11

4,530

35,746

214,476,000

8

Bàn đạp

bộ

1,382

1,146

236

542

162,600,000

9

Ván dậm

cái

157

99

58

200

30,000,000

10

Nệm nhảy cao

cái

620

290

330

535

3,745,000,000

11

Xà nhảy cao

cái

420

211

209

568

142,000,000

12

Thước dây 30m.

cuộn

440

284

559

1,532

183,840,000

13

Tranh vẽ (chống nước)

bộ

195

993

1,302

2,639

316,680,000

14

Lưới bóng chuyền

cái

338

216

122

362

108,600,000

15

Lưới bóng đá

bộ

120

74

46

286

171,600,000

16

Lưới cầu lông

cái

502

299

203

486

121,500,000

17

Bóng đá

quả

768

673

1,122

4,939

790,240,000

18

Bóng chuyền

quả

1,187

1,408

2,369

4,955

1,238,750,000

19

Còi

cái

479

301

1,006

2,010

50,250,000

20

Cột bóng chuyền

bộ

249

166

83

218

109,000,000

21

Bàn bóng bàn

cái

173

89

340

1,988

9,940,000,000

22

Vợt bóng bàn

cái

305

137

168

1,083

270,750,000

23

Lưới bóng bàn

bộ

142

71

71

346

51,900,000

24

Dây kéo co

sợi

93

68

55

584

1,168,000,000

25

Gậy đẩy

cây

67

34

33

741

74,100,000

26

Bóng rổ

quả

1,070

1,310

647

2,251

675,300,000

27

Khung rổ

bộ

61

41

20

259

12,950,000,000

28

Tạ 3kg

quả

543

401

142

1,024

40,960,000

29

Tạ 5kg

quả

660

520

140

1,022

71,540,000

30

Bóng ném

quả

560

370

190

2,027

60,810,000

Tổng

 

 

 

 

34,016,386,000

 

PHỤ LỤC II

BẢNG 1.2: DỰ TOÁN CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC GDTC VÀ HĐTT TRƯỜNG HỌC

STT

Nội dung

Thực trạng

Mục tiêu

Đơn giá (đồng)

Thành tiền

Ghi chú

Tỷ lệ

Số lượng cần thêm

1

Sân chơi, bãi tập

50%

80%

160

300,000,000

48,000,000,000

 

2

Nhà đa năng

4.2%

20%

80

1,000,000,000

80,000,000,000

 

3

Bể bơi trường mầm non

3 cái

100%

150

120,000,000

18,000,000,000

Kinh phí 30% NS, 70% XHH

4

Bể bơi trường tiểu học

1 cái

30%

80

120,000,000

9,600,000,000

5

Bể bơi trường THCS

1 cái

10%

17

120,000,000

2,040,000,000

6

Đồ chơi ngoài trời trường mầm non

50 bộ

100%

100

60,000,000

6,000,000,000

 

Tổng cộng

 

 

 

163,640,000,000

 

 

PHỤ LỤC III

DỰ TOÁN KINH PHÍ BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CHO ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN GDTC TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020

TT

Hoạt động

Số tiền/lớp

Số lớp/Đề án

Thành tiền (đồng)

 

TỔNG KINH PHÍ

 

 

630,160,000

I

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn

 

 

 

1

Thù lao giảng viên (2 người)

14,000,000

8

112,000,000

2

Cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ: 60.000đ/buổi/người x 2 người x 12 buổi/lớp

1,440,000

8

11,520,000

3

Tiền nước uống: (10.000đ/người/buổi x 120 người x 12 buổi)

14,400,000

8

115,200,000

4

Tiền thuê hội trường, Hồ bơi, Sân bãi, dụng cụ

10,000,000

8

80,000,000

5

Tiền tài liệu, văn phòng phẩm, trang trí, xe đi lại cho giảng viên và các khoản chi khác(5.000.000đ/ lớp)

5,000,000

8

40,000,000

II

Tập huấn chuyên môn

 

 

1

Thù lao Báo cáo viên (8 người)

28,800,000

6

172,800,000

2

cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ: 60.000đ/buổi/người x 2 người x 12 buổi/lớp

1,440,000

6

8,640,000

4

Tiền thuê hội trường, Hồ bơi, Sân bãi, dụng cụ

10,000,000

6

60,000,000

5

Tiền tài liệu, văn phòng phẩm, trang trí, xe đi lại cho giảng viên và các khoản chi khác(5.000.000đ/ lớp)

5,000,000

6

30,000,000

 

PHỤ LỤC IV

DỰ TOÁN KINH PHÍ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TDTT NGOẠI KHÓA CHO HỌC SINH TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Thành tiền (đồng)

Nguồn kinh phí

I. Tổ chức các hoạt động thể thao:

 

 

 

 

 

1

Giải Bóng đá học sinh TH

lần

4

250,000,000

1,000,000,000

2

Giải Bóng đá học sinh THCS

lần

4

250,000,000

1,000,000,000

3

Giải Bóng đá học sinh THPT

lần

4

250,000,000

1,000,000,000

4

Giải Điền kinh học sinh TH - THCS - THPT

lần

2

250,000,000

500,000,000

5

Giải Bơi lội học sinh TH - THCS -THPT

lần

4

200,000,000

800,000,000

6

Giải Cầu lông học sinh TH - THCS -THPT

lần

2

200,000,000

400,000,000

7

Giải Thể dục nhịp điệu học sinh TH -THCS - THPT

lần

2

150,000,000

300,000,000

Tổng kinh phí các hoạt động thể thao

5,000,000,000

20% NS; 80% XHH

II. Hội khỏe phù đổng:

 

 

 

 

 

8

Tổ chức Hội khỏe phù đổng tỉnh

lần

2

2,500,000,000

5,000,000,000

9

Tham gia Hội khỏe phù đổng toàn quốc

lần

2

2,500,000,000

5,000,000,000

Tổng kinh phí Hội khỏe phù đổng:

10,000,000,000

Ngân sách

III. Hoạt động luyện tập các môn thể thao tự chọn cho học sinh:

 

 

 

 

 

10

Chi phí luyện tập bơi cho học sinh từ 5 -12 tuổi (1 năm đầu) x 20 buổi

người

200,000

5,000

20,000,000,000

11

Chi phí luyện tập bơi cho học sinh từ 5 tuổi (3 năm tiếp theo)

người

90,000

5,000

9,000,000,000

12

Chi phí luyện tập võ cổ truyền cho 20% học sinh từ lớp 3-12(1 năm đầu)

người

50,000

3,000,000

150,000,000,000

13

Chi phí luyện tập võ cổ truyền cho 20% học sinh từ lớp 3 - 12 (3 năm tiếp theo)

người

15,000

3,000,000

45,000,000,000

14

Chi phí luyện cờ vua cho 10% học sinh từ lớp 3 -  12 (4 năm)

người

25,000

3,000,000

75,000,000,000

Tổng kinh phí luyện tập các môn thể thao tự chọn cho học sinh:

299,000,000,000

100 % xã hội hóa

 

PHỤ LỤC V

KẾ HOẠCH KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2016-2020

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung hoạt động

Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí

Ngân sách

Xã hội hoá

Ghi chú

TỔNG KINH PHÍ

506,286

182,538

323,748

 

1

Cấp trang thiết bị

34,016

34,016

0

 

2

Sân chơi, bãi tập

48,000

48,000

 

 

3

Nhà đa năng

80,000

80,000

 

 

4

Trang bị bể bơi di động

29,640

8,892

20,748

30% NS, 70% XHH

5

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên GDTC

630

630

0

 

6

Tổ chức hoạt động TDTT cho học sinh

5,000

1,000

4,000

20% NS, 80% XHH

7

Tổ chức HKPĐ các cấp

10,000

10,000

 

 

8

Luyện tập các môn thể thao tự chọn

299,000

0

299,000

100% XHH

 



1 Hầu hết nhà đa năng được xây dựng theo quy cách chưa đáp ứng yêu cầu các môn thể thao cần thiết như bóng rổ, bóng chuyền trong nhà, nên hiệu quả sử dụng chưa thật sự thiết thực.

2 Cấp Tiểu học có 04/301 trường có nhà tập đa năng (TH Cửa Cạn - huyện Phú Quốc, TH Mỹ Lâm 1 - huyện Hòn Đất, TH Thạnh Yên 1 - huyện U Minh Thượng, TH Vĩnh Phong 1 - huyện Vĩnh Thuận); cấp THCS có 03/181 trường có nhà tập đa năng (THCS Thị Trấn - huyện Vĩnh Thuận, PT DTNT Châu Thành - huyện Châu Thành, THCS Lê Quý Đôn - TP. Rạch Giá); cấp THPT có 19/51 trường có nhà tập đa năng (Vĩnh Thuận, Đông Thái, Định An, Châu Thành, Nguyễn Hùng Sơn, Thạnh Đông, Tân Hiệp, Mong Thọ, chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, PT DTNT tỉnh, Nguyễn Trung Trực, Ngô Sĩ Liên, An Minh, Bàn Tân Định, Gò Quao, Hòa Hưng, Kiên Lương, Minh Thuận, Nam Thái Sơn);

Cả tỉnh hiện có 06/686 trường phổ thông có hồ bơi, 05 hồ bơi nằm ở các trường thuộc TP. Rạch Giá (THCS Nguyễn Du, TH Nguyễn Hiền, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Bình Minh và Mầm non Hoa Phượng Đỏ), 1 hồ bơi ở trường Mầm non Đông Thái (Xã hội hóa);

3 Năm học 2014-2015, Sở GDĐT phối hợp với sở Văn hóa, Thể thao và du lịch và các ban ngành có liên quan tổ chức thành công HKPĐ cấp tỉnh với 14/15 Phòng GDĐT, 50/51 trường THPT tham gia với tổng số 3.512 người, trong đó Ban chỉ đạo và Ban tổ chức là 363 người, cán bộ và huấn luyện viên các đơn vị là 537 người, vận động viên là 2.612 người

4 Sân chơi: bao gồm Sân cát, đường chạy, nệm, hố nhảy phải đủ chuẩn để khắc phục tối đa chấn thương trong quá trình luyện tập, nhà tập đa năng phải đủ chuẩn, tối thiểu phải chơi được Bóng rổ, Bóng chuyền trong nhà tập;

- Bãi tập: cần phải trồng nhiều cây xanh tạo thêm bóng mát. Thiết bị luyện tập phải bảo đảm chất lượng, an toàn trong quá trình luyện tập, hạn chế xảy ra chấn thương cho người luyện tập.