Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 651/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG DỌC HAI BÊN TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH 293 (ĐOẠN TỪ THÀNH PHỐ BẮC GIANG ĐẾN ĐIỂM GIAO VỚI QUỐC LỘ 279) TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 201/BC-SXD ngày 27 tháng 11 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường tỉnh 293 (Đoạn từ thành phố Bắc Giang đến điểm giao với Quốc lộ 279) tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, với nội dung sau:

1. Phạm vi và ranh giới:

a) Vị trí, ranh giới nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch hai bên tuyến đường Tỉnh 293 với chiều rộng trung bình mỗi bên là 2km, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được giới hạn như sau:

- Phía Bắc: Giáp huyện Lạng Giang, các xã thuộc huyện Lục Nam, Sơn Động;

- Phía Nam: Giáp các xã thuộc huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động;

- Phía Đông: Giáp Quốc lộ 279;

- Phía Tây: Giáp thành phố Bắc Giang.

b) Diện tích lập quy hoạch khoảng: 20.000ha.

2. Tính chất tuyến đường:

- Có chức năng vận tải và hỗ trợ giảm tải cho QL31; có vai trò kết nối liên huyện và kết nối với các tuyến đường quốc gia quan trọng đi trên địa bàn tỉnh;

- Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

3. Chức năng vùng dọc hai bên tuyến đường:

Hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, lịch sử văn hóa - sinh thái - du lịch cộng đồng, dịch vụ phát triển nông - lâm nghiệp...

4. Cơ cấu sử dụng đất:

Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng đến năm 2030

TT

Danh mục

Quy hoạch Năm 2030

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

 

Đất xây dựng (A+B)

5.181,95

100,0

A

Đất dân dụng

3.850,2

74,3

1

Đất ở

2.272,9

43,9

1.1

Đất ở hiện trạng

1.571,4

30,3

 

Đất ở hiện trạng đô thị

211,7

4,1

 

Đất ở hiện trạng nông thôn

1.359,7

26,2

1.2

Đất ở mới

701,5

13,5

 

Đất ở mới đô thị

489,3

9,4

 

Đất ở mới nông thôn

132,2

2,6

2

Đất hỗn hợp

91,4

1,8

3

Đất công cộng

98

1,9

4

Đất cây xanh công viên, TDTT

204,5

3,9

5

Đất giáo dục

173

3,3

6

Đất giao thông khu dân cư

900

17,4

7

Đất y tế

29,4

0,6

B

Đất ngoài khu dân dụng

1.331,75

25,7

1

Đất cơ quan, công trình công cộng

83

1,6

2

Đất công nghiệp - TTCN

289

5,6

3

Đất dịch vụ du lịch

97,7

1,9

4

Đất cảng

8,2

0,2

5

Đất dịch vụ thương mại

69,3

1,3

6

Đất tôn giáo

20,6

0,4

7

Đất an ninh, quốc phòng

140,55

2,7

8

Đất giao thông đối ngoại

400

7,7

9

Cây xanh cách ly

42,8

0,8

10

Đất nghĩa trang

135,5

2,6

11

Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (Bến xe, công trình thủy lợi, trạm điện...)

45,1

0,9

C

Đất khác

14.818,05

 

1

Đất nông nghiệp

5.198,32

 

2

Đất mặt nước

1.020,73

 

3

Đất lâm nghiệp bao gồm cả rừng bảo vệ cảnh quan

8.760

 

 

Tổng

20.000

 

5. Định hướng phát triển không gian:

Toàn bộ các khu chức năng dọc tuyến đường được gắn kết với nhau thông qua đường tỉnh 293 và các tuyến đường nhánh theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam. Từ các thị trấn sẽ xây dựng tuyến đường trục chính đấu nối với đường tỉnh 293 và các tuyến đường tỉnh, quốc lộ đi qua tạo sự liên thông để thuận lợi giao thương giữa đô thị với các vùng phụ cận;

Các điểm dân cư nông thôn được liên kết bởi các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đấu nối với tuyến đường tỉnh 293 tại một số điểm tạo mối giao lưu phát triển kinh tế;

Vùng canh tác nông - lâm nghiệp là không gian xanh gắn kết các yếu tố mặt nước, đô thị và điểm dân cư nông thôn thành một tổng thể cảnh quan sinh thái đặc trưng nằm hai bên tuyến đường;

Do sự khác biệt về địa hình, cảnh quan và mô hình phát triển kinh tế vì vậy khu vực lập quy hoạch được phân thành 4 đoạn như sau:

* Đoạn I (từ phía Nam TP Bắc Giang đến điểm giao nhau giữa ĐT293 với QL37):

- Trong khu vực có đường tỉnh 299, 299B, tuyến đường mở mới đi chùa Vĩnh Nghiêm, các tuyến đường địa phương đấu nối vào đường tỉnh 293. Vì vậy, đây là vùng có điều kiện thuận lợi nhất về hệ thống giao thông để phát triển các khu chức năng mới;

- Khu đô thị phía Nam Thành phố Bắc Giang, ngoài các chức năng dịch vụ thương mại, trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, vui chơi giải trí, nhà ở, còn xây dựng một khu công viên sinh thái kết hợp Trung tâm triển lãm sản phẩm nông nghiệp địa phương mang tính chất định kỳ và Trung tâm dịch vụ du lịch của tỉnh Bắc Giang, vừa có chức năng dịch vụ dừng nghỉ, vừa có chức năng cung cấp cung thông tin, quảng bá du lịch của tỉnh Bắc Giang;

- Xây dựng điểm dừng nghỉ tại điểm giao nhau giữa đường tỉnh 293 với Quốc lộ 37 nơi đón hướng khách du lịch và luồng vận chuyển từ các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đến từ phía Nam và Lạng Sơn đến phía Bắc, tại đây có chùa Non và Hang Non một điểm di tích lịch sử văn hóa nằm trên núi Non, có phong cảnh đẹp;

- Xây dựng 1 sân Golf tại xã Chu Điện có quy mô khoảng 200ha;

- Thị trấn Tân Dân: Có chức năng dịch vụ thương mại - công nghiệp - dịch vụ phát triển nông nghiệp, cung cấp nhà ở... Đường trục chính nội đô thị được kết nối với 2 tuyến đường liên vùng quan trọng đi qua đó là đường tỉnh 293 và đường tỉnh 299B là điều kiện thuận lợi để kết nối thị trấn Tân Dân với TP. Bắc Giang và các đô thị, các vùng kinh tế khác của tỉnh đồng thời đảm nhiệm tốt vai trò là đô thị động lực của vùng phía Bắc huyện Yên Dũng. Thị trấn Tân Dân sẽ được thực hiện theo Điều chỉnh Quy hoạch chung đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Điều chỉnh không xây dựng cụm biệt thự, một số công trình công cộng nằm sát tuyến đường tỉnh 293, các khu chức năng này được chuyển vào vị trí xung quanh trung tâm thị trấn hiện nay;

Các xã Tân Tiến, Dĩnh Kế: Thực hiện theo quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đang nghiên cứu.

- Quy hoạch nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt và đang lập nằm trong khu vực sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với với mục tiêu quản lý, bảo vệ cảnh quan, an toàn giao thông trên đoạn tuyến này như sau:

+ Xã Hương Gián: Phần nằm trong ranh giới lập quy hoạch chung TP. Bắc Giang thực hiện như quy hoạch TP. Bắc Giang đang lập. Phần còn lại sẽ điều chỉnh: Không quy hoạch điểm dân cư mới bám đường tỉnh 293, điểm dân cư này chuyển thành làn 2 của điểm dân cư chia lô thuộc thôn Lạc Gián; dải dân cư chia lô bám dọc đường đi vào thôn Chanh chuyển thành 2 lớp dân cư mới tại khu vực trung tâm xã để tạo thành điểm dân cư tập trung;

+ Xã Tân An: Không quy hoạch cụm công nghiệp và dịch vụ bám dọc đường tỉnh 293; không phát triển thêm khu dân cư mới bám dọc đường;

+ Xã Xuân Phú: Xây dựng cụm công nghiệp quy mô khoảng 15-20 ha, vị trí nằm phía Nam;

+ Xã Lão Hộ: Ổn định và thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới đã lập. Riêng khu dân cư mới của thôn Ngò (đoạn bám dọc đường liên xã) không tiếp tục cho quy hoạch xây dựng;

+ Xã Quỳnh Sơn: Không xây dựng nhà ở mới chia lô bám dọc đường tỉnh 299B. Khu đất trũng nằm phía đường tỉnh 293 giai đoạn đầu sẽ khai thác sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, khi hết thời hạn cho phép sẽ xây dựng trở thành khu nuôi trồng thủy sản kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái;

+ Xã Yên Sơn: Xây dựng 01 cụm dịch vụ quy mô khoảng 3-5 ha nằm gần trung tâm hành chính mới của xã;

+ Xã Khám Lạng: Không xây dựng điểm dân cư mới chia lô nằm trước cánh đồng Dộc Suối. Xây dựng điểm dịch vụ dừng nghỉ quy mô khoảng 0,8 -1 ha nằm phía Nam đường tỉnh 293. Chuyển khu dân cư quy hoạch mới trên cánh đồng Dọc Dàu áp sát phía sau dải dân cư chia lô dọc Quốc lộ 37 (đoạn nằm cạnh nhà văn hóa xã). Các khu vực khác thực hiện như quy hoạch nông thôn mới đã lập;

Không tiếp tục phát triển mô hình nhà ở chia lô bám dọc các tuyến đường QL, ĐT, liên huyện, liên xã mà phải gắn với các thôn xóm hiện có và xây dựng tập trung để có điều kiện cung cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Về nông nghiệp: Ngoài hiện trạng các khu chức năng đã có và bổ sung thêm một số chức năng mới về dân cư, dịch vụ, công nghiệp... toàn bộ quỹ đất còn lại duy trì ổn định lâu dài là đất nông nghiệp, (canh tác lúa cao sản và lúa chất lượng cao, rau mầu, hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa, trồng cây kinh tế…)… phục vụ phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời là vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp là yếu tố quyết định tạo bản sắc riêng của khu vực.

* Đoạn II (Từ điểm giao nhau giữa ĐT293 với QL37 đến Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương):

- Đây là vùng cảnh quan khá đa dạng, có sông Lục Nam, vùng nông nghiệp mầu mỡ xen lẫn núi, đồi trồng cây ăn quả làm nền cho khu vực làng xóm nông nghiệp;

- Theo quy hoạch đường tỉnh 293 đoạn tuyến đi qua khu vực sẽ nâng cấp mở rộng trên cơ sở đường tỉnh 293 hiện nay;

- Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Bắc Giang trong tương lai thị trấn Lục Nam sẽ sáp nhập vào thị trấn Đồi Ngô để trở thành đô thị loại 4, có chức năng là đô thị dịch vụ tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn huyện Lục Nam, đồng thời có chức năng dịch vụ du lịch trên tuyến du lịch dọc đường tỉnh 293, tại đô thị sẽ xây dựng công trình khách sạn, nhà hàng phục vụ ăn nghỉ, trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mua sắm, trạm dừng nghỉ kết hợp vui chơi giải trí; tại thị trấn còn xây dựng các công viên, vườn hoa, khu thể thao phục vụ người dân đô thị và khách du lịch;

- Quy hoạch nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt và đang lập nằm trong khu vực này sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với với mục tiêu quản lý, bảo vệ cảnh quan, an toàn giao thông trên đoạn tuyến này như sau:

+ Đối với xã Tiên Hưng: Khu vực nằm trong ranh giới đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đồi Ngô sẽ thực hiện như quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; Điểm dân cư giãn dân 2,55ha theo quy hoạch nông thôn mới đã xác định sẽ chuyển về khu ruộng nằm phía Bắc thôn Mười Chín để trở thành một điểm dân cư tập trung. Còn các khu vực khác ổn định như quy hoạch nông thôn mới đã lập;

+ Xã Cương Sơn: Sẽ xây dựng một trục đường mới nối từ đường tỉnh 293 vào khu vực phía Tây Thôn Nguồn để hình thành làn 2 cụm dân cư mới và nối vào Đình - Chùa Đọ phục vụ khai thác du lịch văn hóa tâm linh. Xây dựng 01 cụm dân cư tập trung theo mô hình nông thôn mới điển hình “nhà vườn, mật độ thấp có cảnh quan môi trường ở đẹp văn minh, phục vụ du lịch” nằm tại khu vực thôn Tân Cầu và Kỳ Sơn. Xây dựng tuyến đường nối từ đường tỉnh 293 vào tuyến đường ngang mở mới để kết nối các thôn Lợ, Tân Cầu, Kỳ Sơn, Hố Nước. Không tiếp tục quy hoạch các khu dân cư chia lô bám dọc đường tỉnh 293; Xây dựng sân Golf tại xã Cương Sơn có quy mô khoảng 200ha;

+ Xã Nghĩa Phương; Xây dựng điểm dân cư tập trung tại ngã ba Quỷnh Sơn có chức năng dịch vụ cung ứng vật tư phát triển nông - lâm nghiệp. Các công trình bố trí tại đây bao gồm: cụm nhà ở tập trung quy mô khoảng 4-5ha, công trình công cộng, sân thể thao, vườn hoa, nhà văn hóa, bưu điện, chi nhánh ngân hàng, chợ, cửa hàng dịch vụ, trường mần non...;

- Tại thị tứ Suối Mỡ sẽ xây dựng các công trình dịch vụ du lịch tâm linh - sinh thái, dịch vụ phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ thương mại phục vụ người dân trong vùng phụ cận. Xây dựng điểm dân cư tập trung nằm phía Đông thôn Bãi Ô để chuyển một số các điểm dân cư chia lô bám dọc đường tỉnh 293 theo quy hoạch nông thôn mới của xã đã dự kiến về vị trí này. Từ thôn Mã Tầy đến hết xã Nghĩa Phương không tiếp tục bố trí dân cư mới bám dọc tuyến đường; Các khu vực khác thực hiện như quy hoạch nông thôn mới đã lập;

- Không tiếp tục phát triển mô hình nhà ở chia lô bám dọc các tuyến đường QL, ĐT, liên huyện, liên xã mà phải gắn với các thôn xóm hiện có và xây dựng tập trung để có điều kiện cung cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo vệ sinh môi trường;

- Toàn bộ các khu dân cư hiện có sẽ cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, thoát nước, vệ sinh môi trường, công trình văn hóa - thể thao, cảnh quan và trùng tu công trình di lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng...;

- Nâng cấp tuyến đường liên xã, liên huyện theo quy hoạch nông thôn mới và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến nám 2030 để phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cấp tuyến đường Nghĩa Phương - Trường Giang - Vô Tranh, các tuyến đường liên thôn Ba Gò, Ninh Hải, Kỳ Sơn, thôn Ngạc... ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế còn phục vụ du lịch;

- Duy trì ổn định quỹ đất nông - lâm nghiệp theo quy hoạch để trồng lúa, cây rau mầu, nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản (vải thiều, na, hồng...) và rừng đặc dụng, rừng trồng cây kinh tế để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

* Đoạn III (từ Suối Mỡ đến Đồng Đỉnh):

- Khu vực này có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao. Đất xây dựng hạn chế, nhưng là vùng có diện tích đất rộng, vùng trồng cây vải thiều, nhãn quy mô lớn theo mô hình trang trại, gia trại đặc thù;

- Xây dựng sân Golf tại xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn có quy mô khoảng 200ha;

- Quy hoạch nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt và đang lập nằm trong khu vực này sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với với mục tiêu quản lý, bảo vệ cảnh quan, an toàn giao thông trên đoạn tuyến này như sau:

+ Xã Vô Tranh: Không xây dựng các điểm dân cư nhỏ lẻ bám dọc đường tỉnh 293. Cải tạo nâng cấp đường đi xã Trường Giang và xây dựng một số điểm dân cư mới theo mô hình điểm dân cư nhà vườn, có cơ sở hạ tầng đồng bộ môi trường cảnh quan sạch đẹp gắn với vườn vải trở thành các điểm du lịch thôn xóm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo sự phong phú sản phẩm du lịch cho tỉnh Bắc Giang và xóa đói giảm nghèo. Các khu chức năng khác và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, cụm tiểu thủ công nghiệp thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới của xã;

+ Xã Trường Sơn: Không xây dựng nhà ở chia lô bám dọc hai bên đường 293. Nhà ở xây dựng mới được bố trí vào các vùng đồi thoải trồng cây ăn quả với mô hình nhà vườn, mật độ xây dựng thấp, nhà ở thấp tầng 1-2 tầng, đây sẽ là mô hình nhà ở nông thôn điển hình phục vụ tham quan, du lịch cộng đồng. Tại Mai Sưu sẽ xây dựng điểm dân cư tập trung và các công trình dịch vụ thương mại, Bệnh viện Đa khoa, công trình công cộng phục vụ dân cư khu vực. Xây dựng cụm công nghiệp quy mô 10 ha làm động lực phát triển kinh tế; Còn các khu chức năng khác và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới của xã;

+ Xã Bình Sơn: Nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn đi các thôn; Hình thành một số điểm dân cư tập trung mới trên vùng đất đồi trồng vải thuộc các thôn Bình Giang, Đồng Bản, theo mô hình nhà vườn mật độ thấp, kết hợp xây dựng mô hình trang trại, gia trại hiện có theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Xây dựng cụm công nghiệp Bình Sơn quy mô 20ha, làm động lực phát triển kinh tế; Các khu vực khác thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới;

Xây dựng điểm dân cư tập trung tại ngã 4 Đồng Đỉnh, đây làm điểm thuận lợi giao thông, từ đây có tuyến đường đi thị trấn Chũ, chùa Am Vãi điểm di tích lịch sử văn hóa tâm linh, có giá trị kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đẹp để khai thác phục vụ du lịch. Các công trình xây dựng tại Đồng Đình bao gồm: chợ nông sản, công trình dịch vụ thương mại, bến xe, trạm dừng nghỉ phục vụ khách du lịch tham quan vùng chuyên canh cây đặc sản, tham quan khu vực cảnh quan suối nước Vàng;

+ Xã Lục Sơn: Không phát triển các khu vực dân cư chia lô bám dọc hai bên ĐT293. Bố trí đất ở mới vào khu vực xung quanh trung tâm xã;

Nâng cấp đường đi Đông Triều, Quảng Ninh, đi thị trấn Chũ, đường liên xã, liên huyện đi các vùng dân cư và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là điểm du lịch suối nước Vàng, theo quy hoạch của tỉnh và quy hoạch nông thôn mới;

Không phát triển nhà ở chia lô bám dọc quốc lộ, tỉnh lộ. Hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở chia lô bám dọc các tuyến đường liên huyện, liên xã mà phải xây dựng gắn với các thôn xóm hiện có và xây dựng tập trung để có điều kiện cung cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo vệ sinh môi trường;

Cải tạo nâng cấp các tuyến đường đến các làng nghề, bản nghề trong vùng phụ cận như bản Khe Nghè, Khe Mân của đồng bào dân tộc Dao với nghề làm giấy dó, dệt thổ cẩm... để kết nối trong tuyến điểm du lịch văn hóa làng nghề với các loại hình du lịch khác của vùng phục vụ phát triển du lịch;

* Về nông nghiệp: Duy trì ổn định và bảo vệ quỹ đất nông - lâm nghiệp theo quy hoạch để trồng lúa, cây rau mầu, nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản (vải thiều, nhãn, hồng...) chăn nuôi đại gia súc và gia cầm thả vườn, và rừng đặc dụng, rừng trồng cây kinh tế, rừng phòng hộ... để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.

* Đoạn IV (từ Đồng Đỉnh đến QL279):

Đoạn này đi qua vùng địa hình phức tạp chủ yếu là núi cao vì vậy đất xây dựng hạn chế, dân cư thưa thớt. Sẽ nâng cấp hệ thống đường giao thông để phục vụ đi lại cho người dân và phát triển kinh tế;

Tại ngã 3 Tuấn Mậu sẽ xây dựng thành một điểm dân cư tập trung, một số công trình công cộng, dịch vụ phục vụ du lịch tham quan tìm hiểu khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Trùng tu tôn tạo các công trình đền, chùa phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và kết hợp du lịch. Riêng dãy nhà ở chia lô dọc đường tỉnh 293 được xác định tại quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND huyện Sơn Động lập sẽ chuyển thành dãy nhà ở biệt thự, nhà vườn kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu khác ổn định như quy hoạch chi tiết 1/500 đã lập;

Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường cảnh quan bản Mậu để phát triển du lịch cộng đồng. Xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng gồm nhà văn hóa, sân tổ chức lễ hội, nơi tập trung các hoạt động văn hóa vui chơi của dân bản và tham gia vui chơi trải nghiệm của khách du lịch ;

Thị trấn Thanh Sơn có chức năng là đô thị dịch vụ thương mại - du lịch và công nghiệp. Thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng gồm bệnh viện đa khoa, tiểu học, trung học cơ sở, sân thể thao, chợ các công trình khách sạn, dịch vụ nhà hàng ăn uống, trung tâm thông tin phục vụ du lịch... trùng tu tôn tạo di tích lịch sử đình, chùa Đồng Rì để kết hợp với quần thể các điểm danh thắng trong khu vực phụ cận tạo thành tour du lịch. Thị trấn Thanh Sơn được xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái vùng núi có kiến trúc và không gian đô thị tạo bản sắc riêng;

Xã Thanh Luận; Hạn chế xây dựng nhà ở chia lô bám dọc đường tỉnh 293, do đất xây dân cư mới khó khăn vì vậy sẽ xây dọc tuyến liên xã, Xây dựng mới khu trung tâm hành chính xã với quy mô dự kiến 9-10ha. Xây dựng 03 điểm công nghiệp phục vụ chế biến nông lâm sản;

Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và môi trường ở các thôn, bản, nâng cấp tuyến đường liên xã, liên huyện theo quy hoạch nông thôn mới và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 để tạo thuận lợi cho sinh hoạt và phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng.

* Về nông nghiệp: Duy trì ổn định và bảo vệ quỹ đất nông - lâm nghiệp theo quy hoạch để trồng lúa, mầu, phát triển các vùng chuyên canh cây đặc sản và rừng đặc dụng, rừng trồng cây kinh tế, rừng phòng hộ... để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.

6. Quy định về quản lý phát triển:

a) Quy định về quản lý xây dựng:

- Các đô thị: Quản lý xây dựng theo quy hoạch chung đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.

- Các xã nằm trong vùng lập quy hoạch: Ngoài các khu chức năng chính được xác định theo quy hoạch này không cho phép tiếp tục xây dựng các khu chức năng bám dọc ĐT293, ĐT299, ĐT299B. Đường vành đai 5, đường vào chùa Vĩnh Nghiêm, ĐT 291 và các đường liên huyện.

- Đối với các xã chưa lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới khi lập quy hoạch nhà ở chia lô và các khu chức năng phải cách tim ĐT 293 tối thiểu 500m đối với đoạn từ phía Nam TP. Bắc Giang đến QL37; tối thiểu 300m đối với đoạn từ QL37 đến xã Nghĩa Phương và tối thiểu 200m đối với đoạn từ xã Nghĩa Phương đến QL279. Trong trường hợp hành lang khống chế quản lý xây dựng đi vào khu vực dân cư hiện trạng, công trình cộng cộng, khu công nghiệp... thì hành lang quản lý xây dựng sẽ điều chỉnh bao gồm hết khu dân cư, toàn bộ diện tích khu đất xây dựng công trình công trình cộng cộng, khu công nghiệp...

b) Quản lý cảnh quan:

- Dọc hai bên hai tuyến đường trồng cây xanh bóng mát, cây xanh bản địa đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, có hoa đẹp như phượng đỏ, bằng lăng, đào, muồng vàng, hoa sữa, mận (cho đoạn từ TP. Bắc Giang đến hết xã Cương Sơn), vải, nhãn, thông, dẻ, keo lá tràm, mận... (cho đoạn còn lại) với khoảng cách trung bình 3 - 5km trồng một chủng loại cây;

- Núi Non không cho phép khai thác đất, đá và các hoạt động làm biến dạng; Tiến hành trồng cây xanh tôn tạo cảnh quan, xây dựng đường tham quan du lịch lên núi theo mô hình sinh thái, không xây dựng công trình quy mô lớn làm ảnh hưởng đến chùa Non và hang Non;

Đối với khu dân cư các xã nằm trong vùng địa hình gò đồi cần duy trì cấu trúc thôn xóm hiện có theo đặc trưng từng khu vực, bám theo địa hình tự nhiên hạn chế tối đa san phá địa hình. Nhà ở khuyến khích xây dựng theo lối nhà vườn, thấp tầng.

7. Giải pháp tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật:

a) Giao thông:

* Hành lang an toàn giao thông:

- Đối với đoạn đi trong đô thị: Phạm vi hành lang an toàn của đường là bề rộng tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với đoạn đi ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường theo Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Quy mô đường Tỉnh 293:

+ Đường Tỉnh 293 có thiết kế đạt cấp III, nền đường 12m, mặt đường rộng 11 m;

+ Mặt cắt đường TL293 qua đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang là 48m, trong đó: Lòng đường 10,5m x 2 = 21m; dải phân cách giữa 12m; hè đường 2 bên 7,5m x 2 = 15m;

+ Mặt cắt đường 293 xây dựng mới nối với QL 37 là 12m, trong đó: Lòng đường 11m; lề đường 0,5 x 2 = 1m;

+ Mặt cắt đường 293 qua thị trấn Tân Dân là 42m, trong đó: Lòng đường 12m, dải phân cách 1,5 x 2 = 3m. Đường gom hai bên đường Tỉnh 293:Lòng đường 7,5m; hè đường 6m;

+ Mặt cắt đường 293 qua thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Lục Nam là 28m, trong đó: Lòng đường 15m; hè đường 2 bên 6,5m x 2 = 13m;

+ Mặt cắt đường 293 qua thị trấn Thanh Sơn là 21m, trong đó: Lòng đường 11m; hè đường 2 bên 5m x 2 = 10m;

+ Mặt cắt đường 293 trung tâm xã Tuấn Mậu là 32m, trong đó: Lòng đường 10,5m x 2 = 21m; dải phân cách giữa 2m; hè đường 2 bên 4,5m x 2 = 9m.

* Giao thông công cộng:

Xây dựng 03 tuyến xe buýt chính trên ĐT 293:

+ Tuyến số 1: Từ phía Nam TP. Bắc Giang đến Suối Mỡ;

+ Tuyến số 2: Từ Suối Mỡ đến Đồng Đỉnh;

+ Tuyến số 3: Từ Đồng Đỉnh đến thị trấn Thanh Sơn.

Xây dựng 02 tuyến xe buýt điện phục vụ du lịch:

+ Tuyến số 1: Từ ngã 3 giao nhau giữa đường Tỉnh 293 với đường đi chùa Vĩnh Nghiêm đi đến chùa Vĩnh Nghiêm;

+ Tuyến số 2: Từ Ngã 3 Tuấn Mẫu đi khu du lịch Đông Thông.

Các điểm dừng đỗ của tuyến xe buýt công cộng ngoài đô thị bố trí trung bình 1,5km - 2km/1điểm; điểm dừng đỗ của tuyến xe buýt công cộng trong khu vực đô thị bố trí trung bình 800m-1000m/1 điểm;

* Hệ thống bến xe khách:

Ngoài các bến xe thị trấn Đồi Ngô, Thanh Sơn sẽ xây dựng thêm 03 bến xe tại khu vực Suối Mỡ, Đồng Đỉnh và Tuấn Mậu.

* Hệ thống bãi đỗ xe:

Xây dựng các bãi đỗ xe trong các thị trấn quy mô 0,1 - 0,3 ha và bãi đỗ xe tại các trạm dừng nghỉ, các khu du lịch quy mô 0,5 - 2 ha.

* Các điểm dừng nghỉ:

Các điểm dừng nghỉ chính của phương tiện giao thông trên tuyến ĐT sẽ kết hợp với 05 điểm dừng nghỉ dịch vụ du lịch (tại điểm giao QL37 với ĐT 293, Suối Mỡ, ngã tư Đồng Đỉnh, ngã 3 Tuấn Mậu, điểm giao giữa ĐT 293 với QL279).

b) Giải pháp san nền:

- Với khu vực xây mới: Khống chế đảm bảo an toàn cho khu vực phát triển. Hxd>Hmax-s.suối+0.5m;

- Với khu vực cải tạo: Khu vực trũng thấp, mật độ xây dựng cao, không có điều kiện tôn nền, hạn chế úng ngập bằng giải pháp thoát nước và cải tạo công trình (chế độ tiêu thoát tự chảy có hỗ trợ bơm động lực vào các thời điểm cần thiết).

c) Thoát nước:

- Khu vực trung tâm các đô thị: Hệ thống riêng 100% thoát riêng giữa nước mưa trong khu vực nội thành và nước thải;

- Khu vực ngoại thị: hệ thống thoát nửa riêng, nước thải sau khi xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn, thoát chung;

- Khu vực quy hoạch 2 bên đường tỉnh 293 nằm trong vùng bảo vệ của đê sông Thương và sông Lục Nam. Do đó, nhiệm vụ tiêu úng cho các vùng trũng thấp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thoát nước mặt. Ngoài ra trong tương lai cần xây dựng tuyến đê bảo vệ thị trấn Đồi Ngô;

- Nạo vét các sông, suối, ngòi tiêu hở trong khu vực, khơi thông dòng chảy trong mùa mưa lũ; ngòi tiêu Văn Sơn, ngòi Mân, Ngòi Chản, ngòi Sàn, ngòi Gừng, suối Mỡ, suối Cầu Lồ...;

- Tối đa giữ, cải tạo và tận dụng hệ thống kênh tưới, tiêu cấp I, II, trạm bơm đầu mối trong vùng nội, ngoại thị. Kiên cố hóa các trục tiêu, tránh lấn chiếm dòng chảy. Thiết lập hành lang xanh dọc hệ thống kênh thủy lợi.

d) Cấp nước:

Cấp nước đô thị:

Nguồn nước cung cấp cho đô thị là nước sông ngòi khe suối và hồ đập: Nguồn nước ngầm có 1 số đô thị được cung cấp nhưng rất ít về vùng đồi núi khả năng có nước ngầm là rất hạn hữu.

*Thành phố Bắc Giang (xã Đồng Sơn, xã Tân Tiến):

- Nhu cầu dùng nước: Đợt đầu: 1.500 m3/ngđ; Dài hạn: 2.500 m3/ngđ;

- Theo quy hoạch chung Thành phố Bắc Giang thì xã Đồng Sơn và xã Tân Tiến sẽ sáp nhập vào thành phố Bắc Giang, sử dụng nguồn nước từ NMN Bắc Giang công suất 25.000m3/ngđ. Hiện đã có dự án xây dựng nhà máy nước Bắc Giang số 2 công suất đợt 1 25.000m3/ngđ, đợt 2: 50.000m3/ngđ tại xã Song Mai. Khi hoàn thành có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Bắc Giang và một số đô thị lân cận.

* Thị trấn Tân Dân:

- Nhu cầu dùng nước: Đợt đầu: 1.300m3/ngđ; Dài hạn: 2.200 m3/ngđ;

- Với nhu cầu không lớn, thị trấn Tân Dân nằm sát TP Bắc Giang theo quy hoạch sẽ được cấp nước từ nhà máy nước Bắc Giang qua trạm bơm tăng áp đặt tại thị trấn, công suất trạm 2.500m3/ngđ.

* Thị trấn Đồi Ngô, thị trấn Lục Nam:

- Nhu cầu: Đợt đầu: 3.500 m3/ngđ; Dài hạn: 8.000 m3/ngđ;

- Thị trấn Đồi Ngô và Lục Nam nằm bên sông Lục Nam, đây là con sông có lưu lượng lớn, chất lượng nước sau khi xử lý có thể đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong khu vực, có thể xem xét để làm nguồn nước cung cấp cho thị trấn.

* Thị trấn Thanh Sơn:

- Nhu cầu: Đợt đầu: 900 m3/ngđ; Dài hạn: 1.700 m3/ngđ;

- Nguồn nước cung cấp cho TT Thanh Sơn lấy từ nguồn nước suối tại chỗ. Xây dựng trạm cấp nước công suất đợt đầu đến 2020 là 1000 m3/ngđ, dài hạn đến 2030 sẽ nâng lên 2.000 m3/ngđ.

* Cấp nước sạch điểm dừng nghỉ du lịch:

- Đối với các trạm dừng nghỉ trên trạc đường tỉnh 293: đa phần là các đơn vị tiêu thụ nước với quy mô không lớn. Đề xuất xây dựng các trạm xử lý cục bộ, sử dụng nguồn nước ngầm, nước sông, suối, ao, hồ tại chỗ để cấp cho nhu cầu của khu vực;

- Điểm dịch vụ dừng nghỉ và dân cư tập trung tại điểm giao nhau giữa trục đường 293 giao với Quốc lộ 37: xây dựng trạm cấp nước tại chỗ công suất: 300 m3/ngđ;

- Khu du lịch Suối Mỡ + đô thị dịch vụ: Xây dựng trạm cấp nước tại chỗ công suất: 600m3/ngđ;

- Điểm dân cư tập trung Quỷnh Sơn: Xây dựng TCN công suất 300 m3/ngđ;

- Điểm dân cư tập trung Mai Sưu: Xây dựng TCN công suất 300 m3/ngđ;

- Điểm dân cư tập trung và dịch vụ dừng nghỉ Tuấn Mậu: xây dựng TCN công suất 500 m3/ngđ;

- Điểm dân cư tập trung + dịch vụ dừng nghỉ Đồng Đỉnh: Xây dựng TCN công suất 300 m3/ngđ;

- Khu du lịch Đồng Thông: Xây dựng TCN công suất 500 m3/ngđ;

- Điểm dịch vụ dừng nghỉ tại ngã ba ĐT 293 giao với ĐT 279: Xây dựng TCN công suất 300m3/ngđ.

e) Cấp điện:

Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang đến 2015 sẽ đầu tư xây dựng những trạm biến áp 110 kV sau:

+ Trạm biến áp 110kV Yên Dũng (xã Cảnh Thụy) cấp điện cho phụ tải huyện Yên Dũng, công suất 2x40MVA;

+ Trạm biến áp 110kV Lục nam (TT Đồi Ngô) cấp điện cho phụ tải huyện Lục Nam, công suất 2x40MVA;

+ Trạm biến áp 110kV Chũ (TT chũ) cấp điện cho phụ tải huyện Sơn Động, công suất 2x25MVA;

+ Nâng công suất trạm biến áp 110kV Lục Ngạn lên 2x25MVA.

Với công suất các trạm nguồn 110kV như vậy phương án đưa ra có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu toàn vùng, giảm bớt bán kính cấp điện của trạm 110kV Đồi Cốc.

g) Đánh giá môi trường chiến lược:

Đồ án đã đánh giá môi trường chiến lược theo các quy định hiện hành, việc quản lý đầu tư xây dựng dọc hai bên đường Tỉnh 293 không chỉ nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần, cảnh quan, môi trường cho nhân dân mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế du lịch toàn huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và thành phố Bắc Giang phát triển.

8. Những hạng mục chính cần ưu tiên đầu tư xây dựng:

- Xây dựng đường 293 đạt cấp III, nền đường 12m, mặt đường 11m;

- Xây dựng hoàn thiện 3 tuyến nhánh nối với đường Tỉnh 293;

- Lập quy hoạch chung và xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch suối Mỡ;

- Lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư tập trung tại Quỷnh Sơn, ngã ba giao nhau giữa QL37 và ĐT 293; Đồng Đỉnh, Tuấn Mậu;

- Cắm mốc giới hành lang quản lý xây dựng đối với từng đoạn tuyến dọc ĐT 293;

- Xây dựng giai đoạn một cơ sở hạ tầng một số khu dân cư tại điểm dân cư tập trung: Quỷnh Sơn, Đồng Đỉnh;

- Xây dựng các chợ Quỷnh Sơn, chợ Còm xã Tiên Hưng, chợ trung tâm xã Lục Sơn;

- Xây dựng một số hạng mục khu trung tâm xã Thanh Luận;

- Nâng cấp cải tạo giai đoạn các tuyến đường vào khu du lịch Suối Nước vàng, Đồng Thông, Tây Yên Tử;

- Nâng cấp tuyến đường Nghĩa Phương - Trường Giang - Vô Tranh;

- Xây dựng giai đoạn 1 các bến xe Suối Mỡ, Đồng Đỉnh;

- Trùng tu tôn tạo các công trình di tích lịch sử;

- Xây dựng một số hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ du lịch của các đô thị, các khu dân cư tập trung.

9. Các nội dung khác: Theo Báo cáo thẩm định số 201/BC-SXD ngày 27/11/2013 của Sở Xây dựng.

Điều 2. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố liên quan công bố, bàn giao hồ sơ để quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, Bắc Giang và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: VT, CN.
Bản điện t:
- Chủ tịch, các PTC UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, TKCT,
+ TPKT, GT, KTN.

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 651/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường tỉnh 293 (Đoạn từ thành phố Bắc Giang đến điểm giao với Quốc lộ 279) tỉnh Bắc Giang đến năm 2030

  • Số hiệu: 651/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lại Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản