Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 640/2006/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định số 155/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2002 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 733/TCHQ/QĐ/KTTT ngày 19/7/2004 của Tổng cục trưởng tổng cục Hải quan; Quyết định số 1361/TCHQ/QĐ/KTTT ngày 25/11/2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; các văn bản hướng dẫn trước đây của Tổng cục Hải quan về tham vấn trị giá tính thuế.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 640/QĐ-TCHQ ngày 03 tháng 04 năm 2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I/ QUY ĐỊNH CHUNG:
Quy trình này hướng dẫn thực hiện các bước kiểm tra trị giá tính thuế khai báo và tham vấn trị giá tính thuế, phân định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng biện pháp đối với nghiệp vụ kiểm tra, xác định trị giá tính thuế.
1/ Mục đích của kiểm tra việc khai báo trị giá tính thuế là nhằm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong khai báo trị giá tính thuế của người khai hải quan và đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho Ngân sách Nhà nước.
2/ Nguyên tắc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế: Tuân thủ các quy định về kiểm tra, xác định trị giá tính thuế tại Nghị định 155/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Các văn bản quy phạm khác quy định về trị giá tính thuế.
3/ Nhiệm vụ của cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác quản lý việc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế, giải quyết khiếu nại về giá tính thuế, đảm bảo việc xác định giá được thực hiện thống nhất trong Cục. Thường xuyên hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời hoạt động kiểm tra, xác định trị giá tính thuế tại Chi cục.
- Cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các Chi cục trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá tính thuế đối với các lô hàng trọng điểm.
- Tổ chức thực hiện việc khai thác và cập nhật vào chương trình thông tin dữ liệu giá tính thuế (GTT22) các thông tin về trị giá hàng hóa theo đúng các tiêu chí của GTT22. Thực hiện việc bố trí cán bộ kiểm tra và quản lý trị giá tính thuế theo chương, nhóm hàng để hình thành đội ngũ chuyên sâu ngành hàng về trị giá.
- Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra rà soát các thông tin giá trong mạng GTT22, kịp thời phát hiện các mức giá có nghi ngờ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên cơ sở kiểm tra các thông tin về giá, phân tích, đánh giá tình hình, khả năng gian lận thương mại về giá, đưa ra danh mục hàng nhạy cảm dễ có khả năng gian lận thương mại về giá trong từng khoảng thời gian, báo cáo Tổng cục để thực hiện việc quản lý giá thông qua hệ thống quản lý rủi ro.
- Quản lý việc cập nhật, khai thác sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu giá tính thuế, thực hiện truyền thông tin dữ liệu lên cấp trên và chia sẻ thông tin dữ liệu cho cấp dưới, cung cấp kịp thời thông tin về trị giá để phục vụ cho việc kiểm tra xác định trị giá trong toàn đơn vị.
4/ Nhiệm vụ của Chi cục: Triển khai kiểm tra việc khai báo trị giá tính thuế của người khai hải quan, thực hiện việc tham vấn trị giá tính thuế đối với những trường hợp cần phải tham vấn và thực hiện xác định trị giá tính thuế đối với các trường hợp thuộc quyền hạn của cơ quan hải quan theo quy định hiện hành.
II/ QUY TRÌNH KIỂM TRA, XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ
1/ Đối với hồ sơ lô hàng thuộc luồng xanh:
Sau khi hàng hóa thuộc luồng xanh được thông quan, Chi cục phải tiến hành kiểm tra việc khai báo trị giá tính thuế.
Căn cứ vào hồ sơ lô hàng, căn cứ vào các quy định hiện hành về trị giá tính thuế và các nội dung cần chú ý khi kiểm tra nêu ở tiết 2.1 bước 1 điểm 2 dưới đây, công chức hải quan tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế của người khai hải quan, kiểm tra trị giá khai báo do người khai hải quan khai báo trên cơ sở các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan.
Việc kiểm tra thực hiện tại Chi cục. Thời gian kiểm tra thực hiện theo thời gian phúc tập hồ sơ quy định hiện hành.
Kết quả kiểm tra xử lý như sau:
1.1/ Nếu kiểm tra không phát hiện có sai phạm các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế và không có nghi vấn về sai phạm hay nghi vấn về mức giá khai báo thì chuyển hồ sơ sang bước tiếp theo của quy trình nghiệp vụ hiện hành.
1.2/ Nếu quá trình kiểm tra phát hiện có những sai phạm các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế thì công chức hải quan trình Chi cục trưởng bác gỏ trị giá khai báo và xác định trị giá tính thuế theo quy định tại bước 3 điểm 2 mục này. Kết quả xác định trị giá phải cập nhật vào chương trình GTT22.
1.3/ Nếu quá trình kiểm tra có nghi vấn sai phạm, nghi vấn về mức giá khai báo (theo quy định tại điểm 2 mục III dưới đây) thì công chức hải quan báo cáo Chi cục trưởng những nghi vấn và cơ sở nghi vấn để quyết định việc chuyển thông tin cho bộ phận Kiểm tra sau thông quan để xem xét việc kiểm tra sau thông quan theo quy định hiện hành về kiểm tra sau thông quan. Sau đó có ý kiến của Chi cục trưởng đồng ý chuyển cho bộ phận Kiểm tra sau thông quan thì thực hiện việc chuyển theo mẫu 3 đính kèm quy trình này.
2/ Đối với hồ sơ lô hàng thuộc luồng vàng và luồng đỏ
Bước 1: Kiểm tra chi tiết nội dung khai báo trên hồ sơ về trị giá tính thuế:
2.1/ Nội dung kiểm tra:
Căn cứ vào hồ sơ lô hàng và các văn bản quy định về trị giá tính thuế, công chức hải quan tiến hành kiểm tra chi tiết việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế của người khai hải quan, kiểm tra trị giá khai báo do người khai hải quan báo trên cơ sở các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan, việc kiểm tra được tiến hành tại Chi cục trong thời gian thông quan. Một số nội dung chú ý khi kiểm tra:
a/ Trường hợp người khai hải quan xác định giá theo phương pháp trị giá giao dịch, tiến hành kiểm tra các nội dung sau đây:
- Các điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch: đối chiếu các quy định về nội dung này tại thông tư 113/2005 ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính để kiểm tra hợp đồng thương mại và hồ sơ lô hàng nhập khẩu. Các trường hợp khai báo có mối quan hệ đặc biệt không bác bỏ ngay trị giá giao dịch mà phải kiểm tra thực chất mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch hay không bằng cách so sánh trị giá khai báo với các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan.
- Kiểm tra tính thống nhất giữa hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan (Hợp đồng, đơn đặt hàng, chứng từ bảo hiểm…)
- Kiểm tra tính thống nhất giữa các khoản điều chỉnh theo quy định tại mục VII phụ lục 1 Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính với các chứng từ có liên quan.
b/ Trường hợp người khai hải quan xác định giá theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự, tiến hành kiểm tra các nội dung sau đây:
- Đối chiếu số tờ khai nhập khẩu của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự với dữ liệu lưu trữ tại cơ quan hải quan.
- So sánh hàng hóa nhập khẩu thực tế (trên hồ sơ, trường hợp cần thiết thì báo cáo lãnh đạo Chi cục quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa) và hàng hóa được lựa chọn có đáp ứng đủ các điều kiện là hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự không.
- Phương pháp đã sử dụng để xác định trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự đã được lựa chọn có phải là phương pháp trị giá giao dịch hay không.
- Điều kiện thời gian xuất khẩu lô hàng.
- Việc điều chỉnh đơn giá: nếu việc điều chỉnh đơn giá không có các chứng từ hợp lệ thì không chấp nhận trị giá khai báo.
c/ Trường hợp người khai hải quan xác định giá theo phương pháp trị giá khấu trừ, tiến hành kiểm tra các nội dung sau đây:
- So sánh hàng hóa nhập khẩu thực tế (trên hồ sơ, trường hợp cần thiết thì báo cáo lãnh đạo Chi cục quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa) và hàng hóa được lựa chọn có đáp ứng đủ các điều kiện là hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự không.
- Tính hợp pháp, hợp lệ của các hóa đơn bán hàng, chứng từ vận tải, bảo hiểm hàng hóa trên ttr phát sinh trong nước.
- Đơn giá được lựa chọn.
- Sự phù hợp của các chi phí được khấu trừ với các nguyên tắc kế toán hiện hành.
- Thời gian bán hàng sauy khi nhập khẩu.
- Mối quan hệ giữa người nhập khẩu và người mua hàng có ảnh hưởng đến giá bán lại hàng hóa không?
d/ Trường hợp người khai hải quan xác định theo phương pháp trị giá tính toán, tiến hành kiểm tra các nội dung sau:
- Sự phù hợp của những chứng từ, tài liệu giữa bản gốc xuất trình và bản sao có xác nhận sao y bản chính phải nộp.
- Sự phù hợp giữa bản giải trình của người sản xuất, các chứng từ về các chi phí trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu, chi phí chung và lợi nhuận, chi phí vận chuyển, bảo hiểm… và hóa đơn bán hàng của người sản xuất.
e/ Trường hợp người khai hải quan xác định giá theo phương pháp suy luận, tiến hành kiểm tra các nội dung sau đây:
- Sự phù hợp của phương pháp xác định trị giá tính thuế với các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 155/2005/NĐ-CP và Thông tư số 113/2005/TT-BTC .
- Tính chính xác, khách quan của các chứng từ số liệu sử dụng để xác định trị giá tính thuế.
2.2. Xử lý kết quả kiểm tra:
a/ Nếu kiểm tra không phát hiện có sai phạm các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế và không có nghi vấn về sai phạm hay nghi vấn về mức giá khai báo thì chấp nhận giá khai báo và chuyển hồ sơ sang bước tiếp theo của quy trình nghiệp vụ hiện hành.
b/ Nếu quá trình kiểm tra phát hiện có những sai phạm các nguyên tắc và quy định hiện hành về xác định trị giá tính thuế thì công chức hải quan trình Chi cục trưởng bác bỏ trị giá khai báo và xác định trị giá tính thuế trong thời gian thông quan theo quy định tại bước 3 điểm này.
c/ Nếu quá trình kiểm tra có nghi vấn sai phạm, nghi vấn về mức giá khai báo (theo quy định tại điểm 2 mục III dưới đây) thì công chức hải quan báo cáo Chi cục trưởng những nghi vấn và cơ sở nghi vấn để quyết định việc tham vấn đối với trường hợp nghi vấn đó. Khi có phê duyệt của Chi cục trưởng về việc tham vấn thì thông báo cho người khai hải quan biết cơ quan hải quan tạm thời chấp nhận trị giá khai báo và sẽ tiến hành thanh vấn tạo điều kiện để người khai hải quan giải trình và cung cấp các tài liệu, chứng từ có liên quan để làm rõ trị giá khai báo, trong thời gian chậm nhất là 30 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày thông quan hàng hóa. Nội dung thông báo phải ghi rõ vào ô số 37 của tờ khai hàng hóa nhập khẩu.
d/ Đối với Chi cục Hải quan điện tử khi thực hiện các công việc ở điểm b và c tiết 2.2 này thì thực hiện như sau: nếu quá trình kiểm tra cần phải thực hiện việc xác định trị giá tính thuế (theo điểm c) thì chuyển hồ sơ về đội kiểm tra sau thông quan thuộc Chi cục Hải quan điện tử để thực hiện tham vấn, xác định trị giá tính thuế theo quy trình kiểm tra xác định trị giá tính thuế hiện hành.
Bước 2: Tham vấn
Thực hiện việc tham vấn trị giá tính thế theo quy định về tham vấn tại mục III dưới đây.
Bước 3: Xác định trị giá tính thuế
Trị giá tính thuế do Chi cục xác định đối với các trường hợp được phát hiện qua kiểm tra tại bước 1 điểm 2 mục này.
Việc xác định trị giá tính thuế được thực hiện theo quy định tại Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính trên cơ sở các thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan. Khi thực hiện xác định trị giá tính thuế phải nêu rõ căn cứ và phương pháp xác định đã được áp dụng.
Công chức trình hồ sơ để Chi cục trưởng ký duyệt kết quả xác định trị giá tính thuế đối với những trường hợp phải xác định trị giá tính thuế, ra thông báo kết quả xác định trị giá tính thuế cho người khai hải quan để thực hiện (theo mẫu 2 đính kèm quy định này) và lưu cùng với hồ sơ nhập khẩu.
Bước 4: cập nhật các kết quả kiểm tra vào chương trình GTT22
Các thông tin xử lý trong quá trình thông quan phải bổ sung, cập nhật kịp thời đầy đủ vào chương trình GTT22 của tờ khai hàng hóa nhập khẩu đó.
III/ QUY ĐỊNH VỀ THAM VẤN TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ:
1/ Mục đích của việc tham vấn:
Tham vấn trị giá tính thuế là một hoạt động nghiệp vụ trong khâu xây dựng trị giá tính thuế trong quy trình nghiệp vụ hải quan. Mục đích của tham vấn là để xác định tính trung thực của trị giá khai báo của người khai hải quan trước những nghi vấn của cơ quan hải quan và tạo điều kiện cho người khai hải quan giải trình và cung cấp những chứng từ tài liệu có liên quan chứng minh tính trung thực của trị giá khai báo hoặc để họ thừa nhận những nghi vấn của cơ quan hải quan là đúng, thừa nhận những sai phạm trong khai báo.
2/ Các trường hợp tham vấn:
Để việc tham vấn đạt hiệu quả, tránh tham vấn tràn lan gây tâm lý không tốt đối với doanh nghiệp, việc tham vấn chỉ thực hiện đối với các lô hàng có một trong hai yếu tố sau:
2.1/ Thông qua kết quả kiểm tra trị giá khai báo, cơ quan hải quan có nghi ngờ về tính trung thực chính xác của một trong các chứng từ hay nội dung khai báo liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế, nhưng cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để kết luận:
2.2/ Mặt hàng nhập khẩu có trị giá khai báo thấp hơn 90% trị giá giao dịch thấp nhất (không có nghi ngờ và đã được chấp nhận là trị giá tính thuế), hoặc trị giá xác định theo các phương pháp từ 2 đến 6 của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự, được xuất khẩu cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày (theo lịch) trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang kiểm tra, có trong hệ thống thông tin dữ liệu giá tính thuế (GTT22) của cơ quan hải quan.
Các trường hợp cần chú ý:
- Trường hợp có lô hàng giống hệt với lô hàng đang đề nghị tham vấn của chính Doanh nghiệp, thì tập hợp chung để tiến hành tham vấn một lần.
- Đối với các trường hợp lô hàng giống hệt với các lô hàng trước đây đã tiến hành tham vấn của chính Doanh nghiệp, nhưng chưa có đủ cơ sở để bác bỏ trị giá khai báo, đang tiến hành kiểm tra sau thông quan thì không tổ chức tham vấn nữa mà chuyển hồ sơ và các nghi vấn sang bộ phận kiểm tra sau thông quan để tiếp tục xử lý cùng các lô hàng trước đó.
- Trường hợp cùng một Doanh nghiệp, có lô hàng đã tham vấn nhưng chưa có đủ căn cứ để bác bỏ trị giá khai báo và đã chấp nhận trị giá khai báo, không chuyển kiểm tra sau thông quan, nay có lô hàng mới giống hệt mà không có thêm bất cứ một nguồn thông tin nào mới so với lô hàng trước đã tham vấn thì không tham vấn.
3/ Hình thức tham vấn và thời gian tham vấn:
3.1/ Hình thức là tham vấn trực tiếp, cơ quan Hải quan mời Doanh nghiệp đến đối thoại trực tiếp.
Cơ quan Hải quan cần đề nghị Doanh nghiệp cử người đến tham vấn là người có thẩm quyền, nắm bắt được sự việc mà cơ quan hải quan cần làm rõ, hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền đến tham vấn (cần ghi rõ nội dung này vào văn bản mời Doanh nghiệp đến tham vấn).
Trường hợp cần thiết có thể gửi văn bản để làm rõ, củng cố cơ sở nghi ngờ trước khi tham vấn trực tiếp, tuy nhiên phải cân nhắc đảm bảo quy định về thời gian thực hiện tham vấn.
3.2/ Thời gian tham vấn thực hiện chậm nhất là 30 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày lô hàng được thông quan. Việc tham vấn phảei thực hiện sớm nhất khi có thể và kéo dài đến tối đa là 30 ngày đối với những trường hợp phức tạp, những đơn vị có khối lượng tham vấn lớn.
4/ Tiến hành tham vấn:
Bước 1: Phê duyệt tham vấn và phân công tham vấn
- Công chức làm nhiệm vụ ở bước kiểm tra chi tiết hồ sơ tại Chi cục phát hiện trường hợp có nghi vấn phù hợp với nội dung quy định ở điểm 2 mục này thì báo cáo Chi cục trưởng phê duyệt việc tham vấn.
- Đối với Chi cục Hải quan điện tử, công chức làm nhiệm vụ ở bước kiểm tra chi tiết hồ sơ phát hiện trường hợp có nghi vấn phù hợp với nội dung quy định ở điểm 2 mục này thì nhập kết quả kiểm tra vào hệ thống đồng thời chuyển hồ sơ có ghi rõ các nghi vấn (nếu có) để đội kiểm tra sau thông quan thực hiện việc báo cáo Chi cục trưởng phê duyệt tham vấn và thực hiện các việc tiếp theo về tham vấn.
- Chi cục trưởng phê duyệt việc quyết định tham vấn, các vấn đề cần làm rõ trong tham vấn; phân công công chức thực hiện tham vấn, việc tham vấn phải có 02 người thực hiện. Chi cục trưởng phê duyệt việc tham vấn trong thời gian thông quan.
Bước 2: Chuẩn bị tham vấn
Công chức được phân công tham vấn nghiên cứu hồ sơ của trường hợp phải tham vấn để trình Chi cục trưởng ký thông báo tham vấn và gửi thông báo cho người khai hải quan đến tham vấn theo mẫu 1 đính kèm quy định này. Thời gian tham vấn cụ thể tùy theo từng trường hợp Chi cục trưởng quyết định cho phù hợp với thời gian tham vấn quy định tại quyết định này và phù hợp với việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu cho việc tham vấn.
Công chức được phân công tham vấn phải nghiên cứu kỹ hồ sơ cần tham vấn, chuẩn bị sẵn các câu hỏi làm rõ nghi ngờ, chuẩn bị các thông tin giá đã có được khi nghi ngờ và bác bỏ trị giá khai báo và đặc biệt cần đặt ra phương án khi bác bỏ trị giá khai báo thì sẽ áp dụng xác định trị giá theo phương pháp nào để xác định lại giá tính thuế.
• Chuẩn bị hồ sơ cho việc tham vấn:
Lập hồ sơ tham vấn riêng cho mỗi lô hàng và được lưu cùng hồ sơ nhập khẩu. Trong đó lưu toàn bộ hồ sơ văn bản có liên quan đến việc tham vấn của lô hàng.
• Chuẩn bị tài liệu, thông tin liên quan:
- Chuẩn bị các tài liệu, số liệu có liên quan đến giá mặt hàng nhập khẩu cần tham vấn, tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
- Giá các lô hàng giống hệt, tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày (theo lịch) trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng cần tham vấn, trong hệ thống dữ liệu GTT22.
- Tình hình thị trường trong và ngoài nước của mặt hàng đang được tham vấn trong thời gian gần với thời gian nhập khẩu của lô hàng tham vấn, giá bán trên thị trường nội địa (giá bán buôn, giá bán lẻ…), tình hình tiêu thụ mặt hàng cần tham vấn.
- Thu thập, chuẩn bị các thông tin, tài liệu lien quan khác: Trên mạng Internet, các tạp chí giá cả trong nước và quốc tế, các thông tin thị trường nội địa… Các thông tin này nếu có cần được in ra giấy để lưu cùng hồ sơ tham vấn. Ngoài ra, cần thu thập thông tin về nhân thân Doanh nghiệp đang được tham vấn để phục vụ tham vấn.
Ngoài các yếu tố nêu trên, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, hiệu quả của việc tham vấn thì cần phải nghiên cứu, phân tích các thông tin liên quan trực tiếp đến tờ khai cần tham vấn: Các mặt hàng nhạy cảm có thuế suất cao, trị giá lớn dễ xảy ra gian lận giá; các doanh nghiệp trọng điểm thường hay vi phạm; hàng hóa có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có kỹ năng rủi ro cao; tính chất thời vụ hay tiến bộ kỹ thuật của công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa; tình hình biến động chung của giá cả thị trường quốc tế…
Chuẩn bị các câu hỏi đối với từng lô hàng cụ thể: Cần xác định được cụ thể những nghi vấn ảnh hưởng tới giá trị khai báo để chuẩn bị câu hỏi. Tùy thuộc vào từng trường hợp tham vấn nội dung câu hỏi cần làm rõ được một số nội dung cơ bản sau: Về mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh, về khách hàng của doanh nghiệp, cách thức ký hợp đồng, các vấn đề về ký hợp đồng liên quan đến giá cả, các vấn đề về thanh toán, các chi tiết về hàng hóa, các vấn đề về bán hàng sau nhập khẩu…
Bước 3: Thực hiện tham vấn
- Công chức thực hiện tham vấn phải có tác phoong thái độ lịch sự, hòa nhã, cần giải thích rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc tham vấn để có sự cộng tác thật sự với cơ quan Hải quan trong việc làm minh bạch trị giá khai báo. Việc giải thích này cần nêu rõ ích lợi của việc tham vấn nhằm chống gian lận qua giá như chống thất thu cho ngân sách, tạo bình đẳng cho Doanh nghiệp; Thông báo cho doanh nghiệp biết trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan khi thực hiện tham vấn, đồng thời thông báo xử lý theo pháp luật nếu phát hiện Doanh nghiệp cố tình gian lận trốn thuế (thông qua công tác kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, sự phối hợp điều tra của Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước liên quan hoặc bị các lực lượng chức năng khác điều tra phát hiện…)
- Đặt câu hỏi tham vấn và lắng nghe ý kiến trả lời của Doanh nghiệp, không nên áp đặt cho Doanh nghiệp, chú trọng vào những câu hỏi cần làm rõ nghi vấn, qua đó so sánh để tìm ra các mâu thuẫn trong thông tin của Doanh nghiệp (câu trả lời, hồ sơ nhập khẩu và với các thông tin sẵn có của cơ quan Hải quan đã được kiểm chứng). Cần chỉ ra các bất hợp lý trong trị giá khai báo của lô hàng so với các lô hàng giống hệt, tương tự khác hoặc với các thông tin thị trường về giá cả trong và ngoài nước. Chỉ ra các bất hợp lý trong trị giá khai báo nhập khẩu so với các chi phí nguyên vật liệu cơ bản nhập khẩu cấu thành nên sản phẩm…
Lưu ý: Trong quá trình tham vấn không nhất thiết phải nêu hết câu hỏi hoặc chi gói gọn trong các câu hỏi đã chuẩn bị mà phải căn cứ vào từng lô hàng cụ thể và diễn biến cụ thể trong tham vấn để có xử lý thích hợp.
- Kết thúc quá trình tham vấn phải lập biên bản ghi nhận các nội dung tham vấn, trích dẫn các văn bản pháp quy, căn cứ cơ sở bác bỏ hay chấp nhận trị giá khai báo, ý kiến cơ quan hải quan bác bỏ hay chấp nhận trị giá khai báo. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của hai bên.
- Báo cáo Chi cục trưởng kết quả tham vấn và đề xuất phương án xử lý sau tham vấn.
Bước 4: Xử lý kết quả tham vấn
a/ Các trường hợp không chấp nhận trị giá khai báo:
• Cơ quan hải quan không chấp nhận trị giá khai báo theo một trong những lý do cụ thể sau đây:
- Quá thời gian yêu cầu tham vấn mà người khai hải quan từ chối không tham vấn, không giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xem xét trị giá khai báo.
- Người khai hải quan không trả lời được những nội dung tham vấn, không giải trình được về tính trung thực chính xác của trị giá khai báo theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
- Nội dung trả lời của người khai Hải quan mâu thuẫn với hồ sơ Hải quan.
- Người khai Hải quan không khai báo hoặc khai báo sai giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, các khoản điều chỉnh quy định tại Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính.
- Thông tin mà người khai hải quan cung cấp sau khi đã kiểm tra là không chính xác, chứng từ tài liệu cung cấp là giả mạo hoặc chứng từ không hợp pháp, hợp lệ.
- Người xuất khẩu hoặc đại diện của người xuất khẩu xác định giá hàng khai báo không đúng với thực tế mua bán.
- Thông tin cơ quan hải quan có được bằng các biện pháp nghiệp vụ khác khẳng định trị giá giao dịch là không trung thực.
Đối với trường hợp không chấp nhận trị giá khai báo, thì đề xuất việc xác định trị giá tính thuế, việc xác định trị giá tính thuế thực hiện theo quy định tại bước 3 điểm 2 mục II văn bản này.
Khi có phê duyệt của Chi cục trưởng về xử lý kết quả sau khi tham vấn thì thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết việc không chấp nhận trị giá khai báo (có nêu rõ căn cứ của việc không chấp nhận trị giá khai báo) và thông báo kết quả xác định trị giá tính thuế cho người khai hải quan để thực hiện. Thông báo theo mẫu số 2 đính kèm quy trình này.
Thời gian xác định trị giá tính thuế và thông báo cho người khai hải quan chậm nhất là 05 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày ký biên bản tham vấn.
b/ Chấp nhận trị giá khai báo:
Trị giá khai báo được chấp nhận nếu người khai hải quan đưa ra căn cứ giải trình được về tính trung thực, chính xác của trị giá kê khai theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Trường hợp chấp nhận trị giá khai báo, sau khi có phê duyệt của Chi cục trưởng thì thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết việc chấp nhận trị giá khai báo nếu người khai hải quan có yêu cầu.
c/ Sau khi tham vấn cơ quan hải quan không bác bỏ được trị giá khai báo theo một trong các trường hợp nêu tại mục a nêu trên mà vẫn còn cơ sở nghi ngờ trị giá khai báo thì công chức trình Chi cục trưởng chuyển đầy đủ thông tin nghi ngờ, căn cứ nghi ngờ của lô hàng có nghi vấn đến biện pháp kiểm tra sau thông quan để có kế hoạch xem xét tiếp. Sau khi có ý kiến của Chi cục trưởng thì thực hiện việc chuyển theo mẫu 3 đính kèm quy trình này.
d/ Toàn bộ các chứng từ, hồ sơ liên quan đến việc tham vấn phải lưu trữ cùng bộ hồ sơ Hải quan của chính lô hàng đó.
IV/ MỐI LIÊN HỆ NGHIỆP VỤ TRỊ GIÁ VÀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN:
Các Cục Hải quan cần quy định việc phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận trị giá và kiểm tra sau thông quan, bộ phận giá phải lập hồ sơ có kèm theo đầy đủ các tài liệu chứng từ đã tập hp được và nêu rõ các dấu hiệu nghi ngờ để bộ phận kiểm tra sau thông quan có cơ sở tiếp tục xử lý.
Khi nhận được hồ sơ do bộ phận giá chuyển sang, bộ phận kiểm tra sau thông quan phải phân tích hồ sơ để tiến hành kiểm tra sau thông quan theo đúng quy định về kiểm tra sau thông quan và sau khi có kết luận phải thông báo cho bộ phận trị giá kết quả kiểm tra sau thông quan để cập nhật dữ liệu giá sử dụng chung trong toàn ngành.
V/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng để chỉ đạo triển khai nghiêm túc, triệt để các nội dung trên đây nhằm hạn chế các hiện tượng gian lận thương mại qua giá.
- Căn cứ các quy định trên đây, Cục Hải quan các địa phương tùy theo đặc điểm tình hình đơn vị để có hướng dẫn chi tiết các thao tác nghiệp vụ và thời gian báo cáo trong nội bộ đơn vị phù hợp với quy định của Tổng cục.
- Trong quá trình thực hiện văn bản này nếu có vướng mắc đề nghị Cục Hải quan địa phương báo cáo kịp thời về Tổng cục xem xét xử lý./
Mẫu 1: Thông báo tham vấn
CỤC HẢI QUAN……… CHI CỤC Số:…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ……, ngày … tháng … năm …… |
THÔNG BÁO
V/v: Tham vấn trị giá tính thuế
- Căn cứ Nghị định số 155/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Căn cứ Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Trên cơ sở kiểm tra trị giá khai báo của người nhập khẩu
CHI CỤC HẢI QUAN……… | THÔNG BÁO ĐẾN: |
Người nhập khẩu:
Mã số thuế:
Địa chỉ:
Số điện thoại:
Số FAX:
Nhập khẩu mặt hàng:
Theo tờ khai nhập khẩu số…… ngày…… tại……
Đến cơ quan hải quan để thực hiện việc tham vấn về trị giá tính thuế đã kê khai (Giải trình và cung cấp những chứng từ tài liệu có liên quan chứng minh tính chính xác, trung thực của trị giá tính thuế đã kê khai).
Địa điểm tham vấn……
Thời gian tham vấn……
Hồ sơ cần chuẩn bị để tham vấn: (ghi những chứng từ cần thiết để cơ quan hải quan xem xét những vấn đề có nghi vấn đối với từng trường hợp cụ thể)
Đề nghị Doanh nghiệp cử người có thẩm quyền hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền đến tham vấn theo đúng thời gian quy định.
Trân trọng cám ơn!
Nơi gửi: - Như trên - Lưu… | Chi Cục trưởng (ký và đóng dấu) |
Mẫu 2: Thông báo kết quả xác định trị giá tính thuế
Cục Hải quan……… Chi cục:………… Số:…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ……, ngày … tháng … năm …… |
THÔNG BÁO
V/v: Xác định lại trị giá tính thuế hàng nhập khẩu
Kính gửi: Công ty (ghi tên người nhập khẩu và mã số thuế)……
- Căn cứ Nghị định số 155/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Căn cứ Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Căn cứ kết quả kiểm tra, xác định trị giá tính thuế tại tờ khai……
Trên cơ sở kết quả tham vấn tại biên bản…… (ghi đối với trường hợp có tham vấn)
Chi cục………………………… thông báo:
1/ Không chấp nhận trị giá khai báo đối với hàng hóa nhập khẩu tại tờ khai số…… ngày…… tại……… như sau:
Stt | Mã số | Tên hàng | ĐVT | Trị giá khai báo | Lý do không chấp nhận trị giá khai báo |
|
|
|
|
|
|
2/ Kết quả xác định trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu tại tờ khai số…… ngày…… tại……… như sau:
Stt | Mã số | Tên hàng | ĐVT | Trị giá khai báo | TGTT Hải quan xác định | Căn cứ vào phương pháp xác định trị giá tính thuế |
|
|
|
|
|
|
|
3/ Căn cứ kết quả xác định trị giá tính thuế tại điểm 2:
Tổng số thuế Doanh nghiệp phải nộp bổ sung:…… (tính cụ thể số thuế phải nộp bổ sung đối với từng mặt hàng và tổng số thuế phải nộp bổ sung)
Thời hạn nộp số thuế bổ sung:………
Chi cục Hải quan……… thông báo để Quý Doanh nghiệp biết và thực hiện.
Nơi gửi: - Như trên - Cục hải quan… (để báo cáo) - Lưu hồ sơ nhập khẩu - Lưu…… | Chi cục trưởng (ký tên và đóng dấu) |
Mẫu 3: Phiếu chuyển nghiệp vụ cho phòng kiểm tra sau thông quan
Cục Hải quan ……… Chi cục……………
Số:…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ……, ngày … tháng … năm …… |
PHIẾU CHUYỂN NGHIỆP VỤ
Kính gửi: Phòng Kiểm tra sau thông quan
Tóm tắt vụ việc:
Tên đơn vị nhập khẩu:
Tờ khai nhập khẩu:
Tên hàng hóa nhập khẩu:
Các nghi vấn:
Kết quả tham vấn (nếu có, gửi kèm theo Biên bản tham vấn)
Các thông tin có sẵn tại cơ quan Hải quan liên quan đến hồ sơ nhập khẩu:
Đề nghị nghiên cứu làm rõ các vấn đề đã nêu trên.
Kết quả kiểm tra nếu có sự khác biệt giữa giá khai báo và giá nhập khẩu sau khi kiểm tra đề nghị thông báo kết quả cho bộ phận giá để cập nhật vào hệ thống dữ liệu giá.
Nơi gửi: - Như trên - Phòng giá hoặc phòng Nghiệp vụ của Cục - Lưu…… | Chi cục trưởng (ký tên và đóng dấu) |
- 1Quyết định 1361/2004/QĐ-TCHQ-KTTT về quy chế tham vấn trị giá tính thuế theo Thông tư 118/2003/TT/BTC do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan ban hành
- 2Quyết định 733/2004/QĐ-TCHQ-KTTT về quản lý trị giá tính thuế theo Thông tư 118/2003/TT-BTC do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 1636/QĐ-TCHQ năm 2008 về quy trình kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Công văn 4187/TCHQ-TXNK về trị giá tính thuế hàng nhập khẩu sau khi thuê gia công ở nước ngoài do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Công văn 418/GSQL-GQ1 về đơn vị tính hàng hóa xuất nhập khẩu do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 1Quyết định 1361/2004/QĐ-TCHQ-KTTT về quy chế tham vấn trị giá tính thuế theo Thông tư 118/2003/TT/BTC do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan ban hành
- 2Quyết định 733/2004/QĐ-TCHQ-KTTT về quản lý trị giá tính thuế theo Thông tư 118/2003/TT-BTC do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 1636/QĐ-TCHQ năm 2008 về quy trình kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Luật Hải quan sửa đổi 2005
- 2Nghị định 155/2005/NĐ-CP về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
- 3Thông tư 113/2005/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Luật Hải quan 2001
- 5Nghị định 96/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan
- 6Quyết định 733/2004/QĐ-TCHQ-KTTT về quản lý trị giá tính thuế theo Thông tư 118/2003/TT-BTC do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 7Công văn 4187/TCHQ-TXNK về trị giá tính thuế hàng nhập khẩu sau khi thuê gia công ở nước ngoài do Tổng cục Hải quan ban hành
- 8Công văn 418/GSQL-GQ1 về đơn vị tính hàng hóa xuất nhập khẩu do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Quyết định 640/2006/QĐ-TCHQ về quy trình kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 640/2006/QĐ-TCHQ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/04/2006
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Đặng Thị Bình An
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra