Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/QĐ-UBND

 Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân;

Căn cứ Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và Thông báo kết luận số 175-TB/TW ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48; Căn cứ Quyết định 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 02/KTNS-TH ngày 13 tháng 01 năm 2016;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 50/SKHĐT-TTr ngày 11 tháng 01 năm 2016 về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Quỹ) trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quỹ là tổ chức tài chính ngoài ngân sách nhà nước, hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp.

Tên giao dịch: Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; tên giao dịch quốc tế: Fund for Socio-Economic Development of Thua Thien Hue (viết tắt là FSED).

Điều 2. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ

Nguồn vốn của Quỹ được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

Nguồn vốn hoạt động ban đầu: 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng).

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng các cam kết với nhà tài trợ, công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành của Quỹ

Tổ chức bộ máy của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát.

Ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế điều hành hoạt động của Quỹ theo hợp đồng ủy thác do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

Quỹ được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Cao

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều lệ này quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Quỹ).

Điều 1. Mục tiêu và phạm vi quản lý của Quỹ

1. Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế với nguồn lực tài chính từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Các khoản đóng góp, tài trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nhằm mục tiêu hỗ trợ triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa vào cân đối, quản lý trong Quỹ này.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng các cam kết với nhà tài trợ, công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ

1. Tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và các hoạt động khác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Tổ chức thẩm định, xét duyệt các hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng Điều lệ Quỹ; thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phương án hỗ trợ, làm cơ sở quyết định chi hỗ trợ.

3. Thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ theo phương án đã thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Quản lý, kiểm tra quá trình sử dụng kinh phí đối với tổ chức, cá nhân được hỗ trợ; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Thực hiện công tác quản lý tài chính, chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Quỹ

1. Cơ cấu tổ chức quản lý Quỹ gồm có: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát. Việc điều hành Quỹ được ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế (TTHDCGF).

2. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên của Hội đồng quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 5. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ có 3 thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, gồm: Chủ tịch và các thành viên, trong đó:

a) Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Chủ tịch UBND tỉnh;

b) Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ gồm Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

2. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Hội đồng quản lý Quỹ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách trong trường hợp cần thiết.

Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự. Nội dung và kết luận các cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ đều phải được ghi thành biên bản, nghị quyết (nếu cần) và được gửi đến tất cả các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động ngoài ngân sách theo quy định của Điều lệ Quỹ, cam kết với nhà tài trợ và phương án đã được UBND tỉnh thống nhất cùng Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua;

b) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ và một số quy định có liên quan phục vụ hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ;

c) Thông qua kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ;

d) Ký hợp đồng ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều hành Quỹ;

đ) Chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ và chịu trách nhiệm cá nhân về phần việc được phân công trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật;

4. Thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ do ngân sách bố trí cho TTHDCGF.

Điều 6. Ban kiểm soát Quỹ

1. Ban kiểm soát Quỹ có 3 thành viên là đại diện của Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trưởng ban Kiểm soát do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ; các thành viên Ban kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng Quỹ bổ nhiệm.

Thành viên Ban kiểm soát Quỹ không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và tổ chức triển khai thực hiện;

b) Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật, Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ; báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ và người có thẩm quyền về kết quả kiểm tra, giám sát và kiến nghị biện pháp xử lý.

3. Trưởng Ban kiểm soát hoặc thành viên của Ban kiểm soát do Trưởng Ban kiểm soát ủy quyền được tham dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ nhưng không có quyền biểu quyết.

4. Kịp thời phát hiện và báo cáo ngay với Hội đồng quản lý Quỹ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh những hoạt động không bình thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc các vi phạm trong việc quản lý tài chính của bộ máy điều hành nghiệp vụ Quỹ.

5. Không được tiết lộ kết quả kiểm tra, kiểm soát khi chưa được Hội đồng quản lý Quỹ cho phép.

6. Trưởng Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ và pháp luật nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp đột xuất, vì lợi ích của Quỹ và trách nhiệm của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát có quyền báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

7. Thành viên Ban Kiểm soát hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định của nhà nước.

8. Thù lao hoạt động của Ban Kiểm soát được hạch toán vào chi phí quản lý của Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Chương IV

VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG QUỸ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ

Điều 7. Vận động đóng góp xây dựng Quỹ

1. Nội dung vận động kêu gọi hỗ trợ:

a) Hoạt động Festival Huế do UBND tỉnh tổ chức;

b) Các hoạt động hỗ trợ triển khai xúc tiến kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, xúc tiến thương mại;

c) Các hoạt động khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương;

d) Hỗ trợ một phần chi phí hoặc hỗ trợ bù lỗ cho các tuyến bay mở mới đến tỉnh Thừa Thiên Huế có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư mở mới đường bay đến Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài;

đ) Các hoạt động khác do nhà tài trợ yêu cầu;

e) Các hoạt động khác do UBND tỉnh yêu cầu.

2. Đối tượng vận động:

Đối tượng vận động đóng góp xây dựng Quỹ là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Tổ chức vận động đóng góp xây dựng quỹ:

a) UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản vận động đóng góp xây dựng Quỹ và xác nhận các khoản đóng góp.

b) Cá nhân, tổ chức, cơ quan được UBND tỉnh phân công tiến hành chủ trì vận động đóng góp xây dựng Quỹ có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch vận động trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Kế hoạch vận động phải nêu rõ: Mục tiêu vận động, mức độ kinh phí cần vận động và phương án sử dụng, quyền lợi của người đóng góp xây dựng Quỹ, đối tượng vận động, cơ quan thực hiện vận động, thời gian vận động, thời gian báo cáo kết quả vận động.

- Tổ chức vận động và báo cáo kết quả vận động theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 8. Quản lý và sử dụng Quỹ

1. Tiếp nhận nguồn kinh phí đóng góp:

a) TTHDCGF mở riêng một tài khoản tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý tất cả các khoản kinh phí đóng góp cho Quỹ.

b) Các khoản đóng góp phải được theo dõi riêng theo từng mục tiêu, làm cơ sở cho việc quản lý chi theo mục tiêu đóng góp của nhà tài trợ.

2. Cơ quan chủ trì vận động có trách nhiệm:

a) Phối hợp cùng Ban Kiểm soát tiến hành tiếp nhận các khoản đóng góp.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh ký xác nhận các khoản đóng góp.

Nội dung xác nhận đóng góp ghi rõ: Khoản kinh phí đóng góp, mục tiêu đóng góp, phương án sử dụng, lợi ích mà đối tượng được vận động được hưởng theo thỏa thuận đã được UBND tỉnh thông qua.

3. Ký kết hợp đồng tài trợ (nếu có).

Hội đồng Quản lý Quỹ ký hợp đồng tài trợ với nhà tài trợ.

4. Căn cứ mục tiêu vận động của từng nguồn và phương án sử dụng đã cam kết với nhà tài trợ, Ban Kiểm soát Quỹ chủ trì, xây dựng kế hoạch sử dụng cho từng nguồn hỗ trợ theo quy định tại Điều lệ này, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Mức chi hỗ trợ, tài trợ: Thực hiện theo phương án hỗ trợ đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 9. Nguồn thu và nội dung chi của Quỹ

1. Nguồn thu của Quỹ bao gồm:

a) Kinh phí đóng góp tự nguyện, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (nếu có).

2. Quỹ được chi theo các nội dung vận động quy định tại Khoản 1 Điều 7 Điều lệ này và phương án đã được UBND tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 10. Chế độ tài chính, báo cáo và quyết toán

1. TTHDCGF thực hiện ủy thác quản lý quỹ theo chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán quy định hiện hành.

2. Chế độ báo cáo:

a) Báo cáo định kỳ:

Định kỳ 6 tháng và 1 năm, TTHDCGF có trách nhiệm báo cáo về tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn của Quỹ gửi Hội đồng quản lý Quỹ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

Các báo cáo định kỳ theo yêu cầu của nhà tài trợ (nếu có).

b) Các báo cáo đột xuất của Hội đồng quản lý Quỹ, UBND tỉnh và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyết toán nguồn kinh phí đã sử dụng: Hàng năm TTHDCGF có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, gửi Sở Tài chính thẩm tra trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán theo quy định.

Quyết toán với nhà tài trợ theo yêu cầu (nếu có).

Điều 11. Công khai tài chính

Kết thúc năm tài chính, Hội đồng quản lý Quỹ tiến hành công khai tài chính Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà tài trợ theo yêu cầu, cam kết khi vận động đóng góp và theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế:

a) Thực hiện chức năng quản lý Quỹ theo Hợp đồng ủy thác.

b) Căn cứ nhu cầu nhiệm vụ, lập dự toán chi quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung trong kinh phí sự nghiệp hàng năm của cơ quan để tổ chức hoạt động.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản vận động đóng góp, tài trợ cho Quỹ.

b) Tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp về triển khai huy động và sử dụng nguồn quỹ, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ.

3. Sở Tài chính:

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, hướng dẫn, kiểm tra và phê duyệt quyết toán hoạt động thu, chi hàng năm của Quỹ.

4. Các sở, ban, ngành và địa phương: Tham gia đề xuất vận động, tổ chức vận động theo chủ trương của UBND tỉnh để bổ sung kinh phí cho Quỹ.

5. Sở Nội vụ:

a) Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng quản lý.

b) Phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu đề xuất UBND tỉnh khen thưởng theo quy định những cá nhân, đơn vị có thành tích trong việc đóng góp xây dựng Quỹ./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 64/QĐ-UBND năm 2016 về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 64/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/01/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản