Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2017/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CÁC BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN PHẢI PHÒNG BỆNH BẮT BUỘC BẰNG VẮC-XIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3085/TTr-SNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định chi tiết các bệnh ở động vật trên cạn phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi động vật trên cạn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Các bệnh động vật trên cạn phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc bằng vắc-xin

1. Bệnh ở trâu bò, dê, cừu: Lở mồm long móng;

2. Bệnh ở heo: Lở mồm long móng, Dịch tả heo;

3. Bệnh ở gà: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;

4. Bệnh ở vịt, ngan (vịt xiêm): Cúm gia cầm (thể độc lực cao);

5. Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y định kỳ hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tiêm phòng đối với các bệnh động vật trên cạn thuộc bệnh phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin theo quy định tại Điều 2 của Quyết định này.

b) Phối họp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn động vật trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị, cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, phù hợp, đúng chủng loại các loại vắc-xin để công tác tiêm phòng thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài nguồn vắc-xin miễn phí cấp cho các đối tượng tiêm phòng bắt buộc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức cung ứng vắc-xin, khuyến cáo, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi để thực hiện tiêm phòng trên các đối tượng còn lại. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức hệ thống điểm cung ứng vắc-xin và tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo cố định tại Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố.

d) Chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch tiêm phòng vắc-xin hàng năm đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định; tổng hợp kết quả tiêm phòng vắc-xin của các địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

e) Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm quản lý và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng đối với các bệnh động vật trên cạn được quy định tại Điều 2 của Quyết định này. Mẫu giấy chứng nhận tiêm phòng theo mẫu thống nhất tại Phụ lục 07 về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng khởi

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các địa phương dành thời lượng đưa tin thường xuyên về mỗi đợt tiêm phòng bắt buộc; tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác dụng của tiêm phòng vắc-xin; trách nhiệm của các cơ sở, hộ chăn nuôi động vật và chính quyền các cấp trong việc thực hiện tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy do dịch bệnh đã chấp hành các quy định về phòng bệnh bắt buộc.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Hàng năm, trên cơ sở các kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn của tỉnh, chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tiêm phòng bắt buộc trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các ngành liên quan của địa phương và người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các chương trình tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, còn tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung liên tục giữa các đợt tiêm chính, đảm bảo cho tất cả động vật đến tuổi tiêm phòng đều được tiêm phòng.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập đội tiêm phòng vắc-xin của xã, phường, thị trấn; lập sổ theo dõi tiêm phòng đến từng hộ chăn nuôi và sau khi tiêm phải cấp giấy chứng nhận tiêm phòng do cơ quan Thú y có thẩm quyền cấp để đối chiếu khi cần thiết và tạo cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.

d) Trong từng đợt tiêm phòng, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan đoàn thể huyện, Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh huyện và các xã, phường, thị trấn kịp thời thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước về tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh để người dân biết và tích cực tham gia.

e) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chương trình tiêm phòng, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm phòng của các nhân viên tiêm phòng; đảm bảo việc bảo quản và sử dụng vắc-xin đúng kỹ thuật, tiêm phòng đúng đối tượng, đặc biệt đối với chương trình tiêm phòng có kinh phí nhà nước hỗ trợ về vắc-xin.

4. Các cơ sở, hộ chăn nuôi động vật trên cạn

a) Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi động vật trên cạn phải tự chủ động tiêm phòng cho vật nuôi của mình theo đúng quy định tại Quyết định này.

b) Các cơ sở, hộ chăn nuôi động vật không chấp hành quy định về tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra bắt buộc phải tiêu hủy động vật mắc bệnh.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; tổ chức, cá nhân có chăn nuôi động vật trên cạn trên địa bàn tỉnh Bến Tre chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 và thay thế Chỉ thị số 02/2012/CT-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiêm phòng bắt buộc đối với gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 64/2017/QĐ-UBND về quy định các bệnh động vật trên cạn phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 64/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản