Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2017/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÁNH SỐ, GẮN BIỂN SỐ NHÀ VÀ BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 22/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Ngọc An

 

QUY CHẾ

ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 63 /2017/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2017 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc ban hành Quy chế

1. Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác.

2. Góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc, hành chính, an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và quản lý dân cư theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng, cấp Giấy chứng nhận số nhà, bảo trì biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Nhà ở, công trình xây dựng đã có được xây dựng trên các tuyến giao thông trong khu vực đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền đặt tên đường, phố, bao gồm: Đại lộ, đường liên tỉnh, liên huyện, thành phố; các phố, ngõ, ngách tại các phường, thị trấn.

b) Nhóm nhà, ngôi nhà, công trình xây dựng tại khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi chưa đặt tên các tuyến đường giao thông).

c) Tầng nhà, căn hộ, cầu thang nhà chung cư trên địa bàn tỉnh.

d) Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.

đ) Không đánh số và gắn biển số nhà cho các loại nhà ở, công trình xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Đánh số nhà” là việc xác định số nhà theo các nguyên tắc quy ước thống nhất.

2. “Gắn biển số nhà” là việc xác định để gắn biển vào vị trí lắp đặt biển số nhà theo nguyên tắc thống nhất.

3. "Đại lộ" là đường phố có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.

4. "Đường" là lối đi lại có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, liên tỉnh, liên huyện, thành phố.

5. "Phố" là lối đi lại trong đô thị được đặt tên, hai bên phố thường có các công trình kế tiếp nhau như nhà ở, công trình xây dựng khác.

6. "Ngõ" là lối đi lại trong đô thị, có ít nhất một đầu thông ra đại lộ, đường hoặc phố (nhánh của đại lộ, đường hoặc phố).

7. "Ngách" là lối đi lại trong đô thị, có một đầu thông ra ngõ, không trực tiếp thông ra đại lộ, đường, phố.

8. "Nhà mặt đường" là nhà có cửa ra vào chính được mở ra đại lộ, đường, phố.

9. "Nhà trong ngõ" hoặc "nhà trong ngách" là nhà có cửa ra vào chính được mở ra ngõ hoặc ngách.

10. "Khu đô thị mới, khu nhà ở, công trình xây dựng tập trung" là một tổng thể gồm nhiều nhóm nhà và ngôi nhà được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

11. "Điểm dân cư nông thôn" là tổng thể gồm nhiều nhóm nhà và ngôi nhà của các hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức tại các xã được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

12. “Ngôi nhà” là công trình xây dựng có mái và kết cấu bao che, dùng để ở hoặc dùng vào mục đích khác.

13. “Nhóm nhà” là tập hợp nhiều ngôi nhà có vị trí gần nhau, được sắp xếp theo những nguyên tắc nhất định và cách biệt với những ngôi nhà khác bởi hàng rào, đường giao thông.

14. "Số nhà'' là số thứ tự của ngôi nhà, các công trình xây dựng trên các tuyến giao thông, trong khu đô thị mới, khu nhà ở, công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn để phân biệt ngôi nhà, công trình xây dựng này với ngôi nhà, công trình xây dựng khác.

15. "Biển chỉ dẫn công cộng" là biển báo để chỉ dẫn thông tin về:

a) Tên ngõ, ngách;

b) Tên nhóm nhà;

c) Tên tầng nhà chung cư;

d) Tên cầu thang nhà chung cư;

đ) Sơ đồ khu đô thị mới, khu nhà ở, công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn khu nhà và sơ đồ nhóm nhà.

16. "Nhà chung cư" là nhà ở có từ hai tầng trở lên, có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nhà chung cư có phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, của Chủ đầu tư và phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu;

17. "Bảo trì biển chỉ dẫn công cộng" là các hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế biển chỉ dẫn công cộng nhằm duy trì, đảm bảo thể hiện rõ các nội dung, thông tin.

18. Tại quy chế này, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được gọi chung là UBND cấp huyện; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn được gọi chung là UBND cấp phường.

Điều 4. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà

1. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về số nhà, chỉ đạo chung về công tác đánh số, gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.

2. UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn huyện, thành phố; tổ chức cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

3. UBND cấp phường là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo địa bàn phường, xã, thị trấn; trao Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo địa bàn quản lý.

Chương II

NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ, TÊN NGÕ, NGÁCH; TÊN NHÓM NHÀ, NGÔI NHÀ TRONG NHÓM NHÀ VÀ SỐ CĂN HỘ, TÊN TẦNG NHÀ CHUNG CƯ

Điều 5. Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường, mặt phố; tên ngõ, ngách và đánh số nhà trong ngõ, ngách

1. Mỗi khuôn viên nhà ở, công trình xây dựng có nhà (sau đây gọi tắt là nhà) tại mặt tiền của các tuyến giao thông được mang một biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn tỉnh.

2. Số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên bắt đầu từ nhà đầu tuyến đến cuối tuyến không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn; huyện, thành phố). Đứng đầu tuyến nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ (1, 3, 5, 7 ...), nhà bên phải đánh số chẵn (2, 4, 6, 8 ....).

Nếu một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà.

3. Chiều đánh số nhà mặt đường, mặt phố:

a) Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;

b) Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang chênh lệch nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện từ điểm đầu nối với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn.

c) Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau; chiều đánh số nhà được thực hiện theo Điểm a khoản này.

d) Trường hợp các tuyến đường, phố song song với nhau thì chiều đánh số nhà cho các tuyến song song lấy theo cùng chiều đánh số nhà của đường, phố có mặt cắt ngang lớn nhất.

đ) Đối với các trục đường chưa xác định được điểm cuối thì chiều đánh số nhà thực hiện theo hướng từ trung tâm đô thị ra vùng ngoại thị (UBND cấp huyện quy định cụ thể khu vực trung tâm đô thị do mình quản lý).

4. Đánh tên ngõ và chiều đánh số nhà trong ngõ:

a) Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: Chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này và tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngõ.

b) Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố: Chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.

c) Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố: Đối với ngõ đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ; đối với ngõ chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ.

5. Đánh tên ngách và chiều đánh số nhà trong ngách:

a) Trường hợp ngách chưa có tên riêng: Chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản này và tên ngách được đặt tên theo số nhà trong ngõ và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngách.

b) Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ: Chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu sát với ngõ đến nhà cuối ngách.

c) Trường hợp ngách nối thông giữa hai ngõ: Đối với ngách đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đến cuối ngách đối với ngách chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách.

Điều 6. Nguyên tắc đánh số nhà trên tuyến đường giao thông chưa có nhà xây liên tục và đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà

1. Đối với những tuyến giao thông chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên toàn tuyến giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đó; trường hợp sử dụng hết quỹ số nhà dự trữ mà có phát sinh tăng số nhà thì áp dụng nguyên tắc chèn số nhà theo quy định tại Điều 17 quy chế này.

2. Đối với đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà:

a) Trường hợp đoạn đường mới xây dựng ở phía đầu tuyến: Nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài nhỏ hơn 24 và liên tục thì số nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số bằng tên ghép của số nhà đầu tuyến hiện có và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C...), đánh số liên tục từ số nhà đầu tuyến hiện có theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt. Trường hợp nhiều hơn 24 thì phải đánh số, gắn lại biển số nhà toàn tuyến theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 17 của Quy chế này.

b) Trường hợp đoạn đường mới xây dựng phía cuối tuyến: Thực hiện đánh số nhà tiếp theo theo quy định tại Quy chế này.

Điều 7. Nguyên tắc đánh số căn hộ của nhà chung cư

1. Mỗi căn hộ được mang một biển số căn hộ. Biển số căn hộ được lập bằng số ghép của số tầng với số thứ tự của căn hộ, gồm ba hoặc bốn chữ số theo nguyên tắc: Hai chữ số hàng chục và hàng đơn vị ghi số thứ tự của căn hộ trong tầng nhà, hai chữ số hàng nghìn và hàng trăm (hoặc một chữ số hàng trăm) chỉ số tên của tầng nhà có căn hộ đó.

2. Chiều đánh số căn hộ:

a) Trường hợp ngôi nhà chung cư có một cầu thang ở giữa, bố trí hành lang giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số căn hộ được thực hiện theo chiều quay kim đồng hồ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó.

b) Trường hợp ngôi nhà có nhiều cầu thang, bố trí hành lang giữa thì đánh số căn hộ bắt đầu từ cầu thang đầu tiên phía bên trái theo điểm nhìn của người đi vào nhà. Chiều đánh số thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản a Điều này.

c) Trường hợp ngôi nhà có hành lang một bên thì chiều đánh số căn hộ theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên, phía bên trái.

Điều 8. Nguyên tắc đánh tên nhóm nhà

Trường hợp khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi chưa đặt tên các tuyến đường giao thông) thì đánh tên nhóm nhà theo quy định sau:

1. Trường hợp các nhóm nhà nằm một bên đường giao thông nội bộ: Chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà; đánh tên theo chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C,).

2. Trường hợp các nhóm nhà nằm hai bên trục đường giao thông nội bộ, chiều đánh tên nhóm nhà bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà theo nguyên tắc: Nhóm nhà nằm phía bên trái đánh tên (A, C, Đ, G, I….), các nhóm nhà phía bên phải đánh tên (B, D, E, H, K,...).

3. Trường hợp khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn có nhiều trục đường giao thông nội bộ, chiều đánh tên nhóm nhà theo thỏa thuận của Sở Xây dựng

Điều 9. Nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một nhóm nhà

Tên ngôi nhà trong nhóm nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4...). Trong đó, tên nhóm nhà được xác định theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này; số thứ tự của ngôi nhà được dùng là các số tự nhiên (1, 2, 3...). Chiều đánh số thứ tự của ngôi nhà trong mỗi nhóm nhà được xác định theo nguyên tắc sắp xếp các ngôi nhà trong nhóm nhà theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Nguyên tác đánh số tầng, tầng hầm, số cầu thang của nhà chung cư

1. Tầng nhà chung cư được đánh số từ thấp lên cao theo dãy số tự nhiên, theo thứ tự: Tầng 1, tầng 2, tầng 3 và các tầng tiếp theo (không tính tầng hầm).

2. Tầng hầm nhà chung cư được đánh số theo chiều từ trên xuống, bắt đầu từ tầng hầm trên cùng sát với tầng trệt, lấy số từ H1, H2, H3 và các tầng hầm tiếp theo.

3. Cầu thang nhà chung cư được đánh số bằng chữ số: 1, 2, 3 và các chữ số tiếp theo. Chiều đánh số các cầu thang ngôi nhà được thực hiện theo chiều lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên đánh số 1, những cầu thang nối tiếp đánh số 2, số 3 và các số tiếp theo.

Chương III

CẤU TẠO BIỂN SỐ NHÀ, BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

Điều 11. Các loại biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng

1. Các loại biển số nhà:

a) Biển số nhà mặt đường, phố;

b) Biển số nhà trong ngõ, nhà trong ngách;

c) Biển số căn hộ của nhà chung cư.

2. Các loại biển chỉ dẫn công cộng:

a) Biển tên ngõ, ngách;

b) Biển tên nhóm nhà;

c) Biển tên ngôi nhà;

d) Biển số tầng nhà;

đ) Biển số cầu thang;

e) Biển sơ đồ khu nhà, nhóm nhà.

Điều 12. Quy cách và cấu tạo của biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng

1. Màu sắc và chất liệu của các loại biển nêu tại Quy chế này có nền màu xanh lam sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng; được làm bằng sắt tráng men hoặc nhôm lá dập, dày 1mm đối với các loại biển số nhà quy định tại Khoản 1, Điều 11 Quy chế này; dày 1,5 mm đối với các loại biển chỉ dẫn công cộng quy định tại Khoản 2, Điều 11 Quy chế này.

2. Kích thước của từng loại biển được quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Quy chế này.

Điều 13. Thông tin trên biển số nhà, căn hộ, tầng hầm nhà chung cư, biển chỉ dẫn công cộng

1. Thông tin trên biển số nhà, căn hộ, tầng hầm nhà chung cư thực hiện theo nguyên tắc quy định tại chương II Quy chế này.

2. Thông tin trên biển chỉ dẫn công cộng được quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Quy chế này.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ, BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

Điều 14. Gắn biển số nhà cho nhà mặt đường, mặt phố, nhà trong ngõ, nhà trong ngách

1. Mỗi nhà được gắn 01 biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, ngõ, ngách khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, phố, ngõ, ngách thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, ngõ, ngách có mặt cắt ngang lớn hơn.

2. Biển số nhà được gắn tại cửa đi sát hè hoặc đường (đối với đường không có vỉa hè) phía trên giữa cửa đi chính hoặc được gắn tại tường bên trái (theo chiều từ ngoài nhìn vào nhà), cạnh cửa đi chính của ngôi nhà, ở vị trí chiều cao là hai mét (2m) tính từ vỉa hè hiện có, trường hợp đường không có vỉa hè hoặc nhà trong ngõ, ngách thì chiều cao 2m được tính từ mặt đường, ngõ, ngách hiện có.

Trường hợp nhà có hàng rào sát hè hoặc đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính, phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài vào nhà) ở độ cao là hai mét (2m) tính từ vỉa hè hiện có, trường hợp đường không có vỉa hè hoặc nhà có hàng rào trong ngõ, ngách thì chiều cao 2m được tính từ mặt đường, ngõ, ngách hiện có.

Điều 15. Gắn biển số căn hộ của nhà chung cư

Mỗi căn hộ được gắn một biển số. Biển số căn hộ được gắn tại vị trí sát phía trên chính giữa cửa đi chính của căn hộ.

Điều 16. Gắn biển tên ngõ, ngách; tên ngôi nhà trong khu nhà, nhóm nhà; tên tầng nhà, tên cầu thang; biển sơ đồ khu nhà, nhóm nhà

1. Biển tên ngõ, ngách được gắn tại: Điểm đầu, điểm cuối của ngõ ngách; các điểm giao giữa các ngõ, ngách (nếu có); các điểm gãy khúc trong ngõ, ngách, (nếu có). Trường hợp với các ngõ, ngách cụt thì chỉ gắn tại điểm đầu, tại các điểm giao và tại các điểm gãy khúc (nếu có).

Biển tên ngõ, ngách được gắn trên cột thép tròn Ø90 mm cao 2,5m kể từ mặt hè hoặc mặt ngõ, ngách (không kể phần cột chôn ngầm). Tùy từng vị trí cụ thể, có thể được phép gắn biển tên ngõ, ngách vào tường nhà có vị trí dễ quan sát.

2. Biển tên ngôi nhà trong nhóm nhà được gắn trên tường của mặt đứng chính và hai bức tường đầu hồi của ngôi nhà. Tại mặt đứng, biển được đặt tại vị trí tầng 1 trong trường hợp nhà một tầng và tại tầng 2 trong trường hợp nhà nhiều tầng. Tại bức tường đầu hồi, biển được đặt tại vị trí có độ cao bằng hai phần ba chiều cao nhà trong trường hợp nhà cao từ mười bảy mét (17m) trở xuống và chín mét (9m) trong trường hợp nhà cao trên mười bảy mét.

3. Biển số tầng nhà được gắn tại giữa mảng tường chân cầu thang hoặc giữa mảng tường của lồng cầu thang của mỗi tầng. Vị trí đặt biển có độ cao là hai mét (2m) tính từ sàn của tầng nhà tương ứng.

4. Biển số cầu thang được gắn tại mảng tường phía trên chính giữa cổng đơn nguyên có cầu thang đó.

5. Biển sơ đồ khu nhà và nhóm nhà được đặt tại một góc của khu nhà, nhóm nhà trên vỉa hè, đường (đối với đường chưa có vỉa hè) gần lối ra vào khu nhà nhóm nhà đó và được cấu tạo bằng khung thép L 30x30 và gắn trên cột thép Ø90 mm.

Chương V

NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TỒN TẠI VỀ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ

Điều 17. Nguyên tắc xử lý tồn tại về đánh số, gắn biển số nhà tại các tuyến giao thông đã được đánh số, gắn biển số nhà

1. Việc đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại Quy chế này áp dụng đối với những khu vực mới xây dựng. Đối với phố cũ, khu vực đã có số nhà trước đây thì cơ bản giữ nguyên.

2. Các trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 và Điều 14 Quy chế này:

a) Các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát với số lượng trên 30% số nhà toàn tuyến;

b) Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; Các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên;

c) Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới và số lượng nhà trên đoạn nối dài có quá 24 nhà xây dựng mới chưa có số nhà;

d) Các ngõ, ngách của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên;

đ) Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới.

3. Các trường hợp thực hiện chèn số nhà và nhập số nhà:

a) Trường hợp nhà xây mới xen trên đất của khuôn viên nhà cũ thì đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và chữ số phụ là chữ cái in hoa tiếng Việt. Nếu hình thành nhiều nhà mới thì chữ số phụ lấy theo thứ tự A, B, C và chữ cái tiếp theo, chiều xác định theo chiều tăng số nhà của tuyến giao thông.

b) Trường hợp nhà được xây gộp từ nhiều nhà cũ đã có các số nhà thì số nhà xây gộp là số nhà cũ có số nhỏ hơn.

c) Trường hợp cải tạo từ nhà thấp tầng thành nhà nhiều tầng nhiều căn hộ, có nhiều chủ sở hữu hoặc sử dụng thì số nhà cũ được sử dụng làm tên của ngôi nhà và thực hiện đánh số cho các căn hộ trong nhà theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

d) Trường hợp phân tách thành hai nhà mặt tiền trở lên (do phát sinh thêm chủ sở hữu) thì nhà đầu tiên giáp với nhà có số nhỏ hơn được mang tên số nhà cũ và những nhà tiếp sau được đánh số bằng tên ghép của số nhà cũ và chữ cái in hoa tiếng Việt theo thứ tự A, B, C và các chữ cái tiếp theo; chiều xác định (A, B, C...) theo chiều tăng số nhà của tuyến giao thông.

Chương VI

QUẢN LÝ, BẢO TRÌ BIỂN SỐ NHÀ, BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

Điều 18. Trách nhiệm quản lý biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng

1. Người sử dụng nhà có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ biển số nhà đã được gắn, không được tùy tiện thay đổi vị trí gắn biển. Khi biển số nhà bị hư hỏng bị mất, chủ sở hữu nhà (hoặc người sử dụng) phải làm tờ kê khai đăng ký gắn biển số nhà gửi UBND cấp phường để thay biển số mới.

2. UBND cấp phường có trách nhiệm quản lý biển chỉ dẫn công cộng sau khi hoàn thành nghiệm thu công tác gắn biển.

Điều 19. Kinh phí bảo trì biển chỉ dẫn công cộng

Hàng năm, UBND cấp phường tổ chức tổng hợp tình trạng hư hỏng, mất biển chỉ dẫn công cộng, báo cáo UBND cấp huyện để xây dựng kế hoạch bảo trì hoặc thay thế hàng năm. UBND cấp huyện bố trí ngân sách để cấp kinh phí duy tu, bảo trì biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn.

Chương VII

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ, KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH SỐ, GẮN BIỂN SỐ NHÀ VÀ BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

Điều 20. Cấp Giấy chứng nhận số nhà

1. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận số nhà là chủ sở hữu nhà đã được đánh số, gắn biển số nhà theo Quy chế này kể cả trường hợp trước đây đã đánh số nhà nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận số nhà. Trường hợp nhà thuộc sở hữu nhà nước thì cấp cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng. Trường hợp nhà có nhiều chủ sở hữu thì mỗi chủ sở hữu được cấp riêng một Giấy chứng nhận số nhà theo biển số nhà đó.

Giấy chứng nhận số nhà được sử dụng khi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm thủ tục liên quan đến địa chỉ, không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.

2. Quy cách, cách viết Giấy chứng nhận số nhà; mẫu sổ tổng hợp gắn biển số nhà, cấp Giấy Chứng nhận số nhà được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 kèm theo Quy chế này.

Điều 21. Đánh số, gắn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận số nhà theo yêu cầu

Việc đánh số, gắn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận số nhà theo yêu cầu của chủ sở hữu nhà và cơ quan, tổ chức chỉ thực hiện trong trường hợp tuyến đường giao thông đã thực hiện xong việc đánh số, gắn biển số nhà nhưng biển số nhà bị mất, hư hỏng; tách, nhập nhà (trường hợp chèn số và nhập số nhà); xây thêm nhà trong cùng khuôn viên và xây mới theo quy hoạch chi tiết xây dựng trên tuyến giao thông có quỹ số nhà dự trữ.

Điều 22. Kinh phí đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng và lệ phí cấp biển số nhà

1. Kinh phí để khảo sát, lập phương án, đánh số và kinh phí để sản xuất, gắn biển chỉ dẫn công cộng (tên ngõ, ngách) được sử dụng ngân sách huyện, thành phố.

2. Kinh phí để sản xuất, gắn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp theo quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện tại thời điểm thực hiện gắn biển số nhà.

3. Kinh phí để sản xuất biển số căn hộ nhà chung cư, biển nhóm nhà, ngôi nhà, biển chỉ dẫn nhóm công cộng tại khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi chưa đặt tên các tuyến đường giao thông) và kinh phí gắn biển do Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng chi trả; khi lập dự án đầu tư, Chủ đầu tư phải dự trù kinh phí để thực hiện.

4. Giá thành các loại biển lấy theo giá sản xuất thực tế của thị trường hoặc theo báo giá của nhà cung cấp đã được thẩm định giá tại thời điểm thực hiện gắn biển số nhà.

5. Trường hợp các nhà trên tuyến giao thông đã được đánh số, gắn biển số nhà nay phải đánh lại theo quy định tại khoản 2 Điều 17, kinh phí để đánh số, sản xuất và gắn lại biển số nhà do ngân sách huyện, thành phố chi trả.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Quy chế này;

2. Kiểm tra, đôn đốc công tác đánh số, gắn biển số nhà của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;

3. Phối hợp với UBND cấp huyện giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà; chủ trì cùng UBND cấp huyện chốt số nhà đối với các tuyến đường liên huyện, thành phố và trong các trường hợp việc đánh số nhà có ảnh hưởng đến nhiều huyện, thành phố; Thỏa thuận phương án đánh số gắn biển nhóm nhà, ngôi nhà tại khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh theo văn bản đề nghị Chủ đầu tư dự án.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1. Xây dựng, triển khai kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn theo Quy chế này.

2. Dự trù kinh phí, bố trí ngân sách huyện, thành phố để thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng; bảo trì biển chỉ dẫn công cộng hàng năm và thực hiện thanh quyết toán kinh phí cấp biển số nhà theo quy định.

3. Chỉ đạo phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế và Hạ tầng và các phòng, ban chức năng liên quan của huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn theo địa bàn tổ chức khảo sát, xây dựng phương án đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.

4. Tổ chức cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được gắn biển.

5. Thống kê và lập danh sách các tuyến giao thông thuộc địa bàn huyện, thành phố quản lý đủ điều kiện để được đặt tên theo quy định nhưng chưa có tên; báo cáo, đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố của Ủy ban nhân dân tỉnh để đặt tên.

6. Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng về tiến độ và kết quả thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng.

7. Hợp đồng với tổ chức có năng lực về công nghệ, thiết bị để sản xuất biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng; nghiệm thu việc sản xuất, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng và bàn giao cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn quản lý.

8. Gửi bản sao Giấy chứng nhận số nhà đến các cơ quan, tổ chức có liên quan quy định tại Điều 28 Quy chế này để thực hiện việc cập nhật số nhà vào tài liệu quản lý.

9. Thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 26 Quy chế này.

10. Thanh tra, xử lý các vi phạm về quản lý đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 25 của Quy chế đánh số, gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn

1. Triển khai thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và theo trách nhiệm được giao tại Quy chế này.

2. Lập sổ tổng hợp gắn biển số nhà và cấp Giấy chứng nhận số nhà (theo mẫu biểu tổng hợp quy định tại Phụ lục 3 Quy chế này) theo địa bàn quản lý; trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thẩm định cấp Giấy chứng nhận số nhà. Sổ tổng hợp được lập thành 03 bộ, lưu 01 bộ, chuyển Phòng Quản lý đô thị (phòng Kinh tế và Hạ tầng) 02 bộ để lưu 01 bộ và gửi Sở Xây dựng 01 bộ lưu hồ sơ quản lý biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.

3. Trả Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ký Giấy chứng nhận số nhà và yêu cầu người nhận ký xác nhận vào sổ tổng hợp quy định tại Khoản 2, Điều này.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn chấp hành quy định về đánh số và gắn biển số nhà theo Quy chế này; tuyên truyền, giải thích, vận động các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành việc đánh số nhà tại các khu vực phải đánh lại số nhà theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Quy chế này.

5. Thực hiện việc quản lý các biển chỉ dẫn công cộng theo địa bàn.

6. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo thẩm quyền, báo cáo và kiến nghị xử lý với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố những trường hợp vượt quá thẩm quyền theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 25 của Quy chế đánh số, gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 26. Trách nhiệm của Chủ đầu tư các khu nhà, nhóm nhà, nhà chung cư

1. Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn có trách nhiệm lập phương án đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng, kèm văn bản gửi Sở Xây dựng để thỏa thuận phương án.

2. Đăng ký với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo địa bàn để kiểm tra việc thực hiện đánh số và gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo phương án thỏa thuận của Sở Xây dựng cho các công trình thuộc dự án đã xây dựng xong trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

Điều 27. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Điện lực Lai Châu, Công ty Cấp nước và các cơ quan có liên quan khác

Sau khi nhận được bản sao Giấy chứng nhận số nhà do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố gửi đến, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều này lập kế hoạch tổ chức cập nhật các biến động thông tin về số nhà trong hồ sơ quản lý chuyên ngành để làm các thủ tục liên quan đến địa chỉ trên các giấy tờ giao dịch và các hồ sơ liên quan khác. Trong đó, ưu tiên giải quyết ngay những hồ sơ theo đề nghị điều chỉnh, chỉnh lý thông tin trên các giấy tờ giao dịch và hồ sơ có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cá nhân.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được đánh số, gắn biển số nhà, cấp giấy chứng nhận số nhà

1. Quản lý biển số nhà theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 Quy chế này.

2. Đóng góp kinh phí sản xuất, gắn biển số nhà theo quy định.

3. Khi Giấy chứng nhận số nhà bị thất lạc hoặc hư hỏng, cơ quan, tổ chức cá nhân có trách nhiệm đăng ký để được cấp lại Giấy chứng nhận số nhà theo Quy chế này.

4. Liên hệ với các cơ quan quy định tại Điều 28 Quy chế này để làm các thủ tục liên quan đến địa chỉ trên các giấy tờ giao dịch và hồ sơ có liên quan sau khi được cấp Giấy chứng nhận số nhà.

5. Nghiêm cấm việc tự ý đặt số nhà, thay đổi số nhà, treo biển số nhà trái với quy định của quy chế này.

Điều 29. Điều khoản thi hành

Các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh trước đây có liên quan đến công tác đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trái với quy định tại Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng phản ánh kịp thời, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Phụ lục số 1

(Kèm theo Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 06 tháng11 năm 2017 của UBND tỉnh Lai Châu)

KÍCH THƯỚC CỦA TỪNG LOẠI BIỂN SỐ NHÀ, BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

1. Biển số nhà mặt đường, phố, nhà trong ngõ, nhà trong ngách (rộng x cao):

a. Biển có 1 hoặc 2 chữ số: 200 mm x 150 mm;

b. Biển có 3 chữ số: 230 mm x 150 mm;

c. Biển có 4 chữ số: 260 mm x 150 mm.

2. Biển số căn hộ chung cư hoặc phòng (rộng x cao):

a. Biển có 3 chữ số: 170 mm x 100 mm;

b. Biển có 4 chữ số: 190 mm x 100 mm;

3. Biển tên ngõ, ngách (rộng x cao):

a. Biển tên ngõ: 560 mm x 320 mm;

b. Biển tên ngách: 420 mm x 240 mm;

4. Biển tên nhóm nhà, ngôi nhà (rộng x cao): 850 mm x 650 mm;

5. Biển tên tầng (rộng x cao): 300 mm x 300 mm;

6. Biển tên cầu thang (rộng x cao): 300 mm x 300 mm;

7. Biển sơ đồ khu nhà, nhóm nhà: tùy thuộc quy mô của khu nhà hoặc nhóm nhà nhưng diện tích biển sơ đồ không quá 4m2.

 

Phụ lục số 2

(Kèm theo Quyết định số: 63 /2017/QĐ-UBND ngày 06 tháng11 năm 2017 của UBND tỉnh Lai Châu)

THÔNG TIN TRÊN BIỂN CHỈ DẪN CÔNG CỘNG

1. Biển tên ngõ, ngách:

a. Biển tên ngõ: Được thể hiện thành 02 dòng, dòng thứ nhất thể hiện tên ngõ đã có tên riêng (nếu có) hoặc tên ngõ lấy tên số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngõ; dòng thứ hai thể hiện tên đường, phố.

Ví dụ 1: Ví dụ 2:

Ngõ Trần Can Ngõ 209

Phố Nguyễn Khuyến Đường Trần Phú

b. Biển tên ngách: Trường hợp, ngách của ngõ có tên riêng, biển tên ngách được thể hiện thành hai dòng, dòng thứ nhất thể hiện tên ngách (lấy theo số nhà nhỏ hơn nằm kề trước đầu ngách); dòng thứ hai thể hiện tên ngõ.

Ví dụ:

Ngách...

Ngõ Trần Can

Trường hợp, tên ngõ lấy theo tên số nhà, biển tên ngách được cấu tạo gồm: tên ngách và tên ngõ, được ngăn cách bằng dấu gạch chéo "/"

Ví dụ: Ngách Z/Y (được đọc là Ngách Y, ngõ Z)

2. Biển tên ngôi nhà trong khu nhà, nhóm nhà: Thể hiện tên ghép của tên khu nhà hoặc nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong khu nhà hoặc nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4).

3. Biển tên tầng nhà: Thể hiện số tầng nhà. Ví dụ: Tầng 2

4. Biển tên cầu thang: Thể hiện chữ số mà cầu thang đó mang tên. Ví dụ: 1

5. Biển sơ đồ khu nhà, nhóm nhà: Thể hiện tên riêng và sơ đồ mặt bằng khu nhà hoặc nhóm nhà.

 

Phụ lục số 3

(Kèm theo Quyết định số : 63 /2017/QĐ-UBND ngày 06 tháng11 năm 2017 của UBND tỉnh Lai Châu)

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN/THÀNH PHỐ ……(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà;

Căn cứ Quyết định số ..... /2017/QĐ-UBND ngày …/…/2017 của UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn tỉnh Lai Châu,(2)

Ủy ban nhân dân…………………………….(3) Chứng nhận ngôi nhà (căn hộ) của ông/bà hoặc cơ quan, tổ chức có tên sau: ...................................................................... (4)

được mang số: ................................................................................................................................

.............................................................................................................................. (5) kể từ ngày ký,

thay cho số nhà cũ: ...................................................................................................................... (6)

Giấy chứng nhận này được sử dụng khi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm các thủ tục liên quan đến địa chỉ./.

 

 

…………, ngày…….. tháng……. năm 20…..
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

Giấy chứng nhận số:……………… (7)
Quyển ………… tờ…………..

 

 

 

 

 

1. QUY CÁCH GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

- Kích thước của Giấy chứng nhận số nhà (rộng x cao) 210mm x 150mm; kích thước khung (rộng x cao) 190mm x 130mm.

- Phôi Giấy chứng nhận số nhà in trên giấy bìa cứng, nền trắng, chữ in màu đen (riêng cụm từ "GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ" in màu đỏ).

2. CÁCH VIẾT GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

(1) - Ghi tên Huyện, Thành phố;

(2) - Ghi số, ngày tháng của Quyết định ban hành Quy chế này;

(3) - Ghi tên UBND huyện, thành phố như (1);

(4) - Ghi tên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp chứng nhận số nhà

(5) - Ghi số nhà mới, cụ thể:

+ Số nhà mặt đường: Ghi đầy đủ số nhà và tên phố, tên phường, xã, thị trấn

Ví dụ: 120, đường Nguyễn Trãi, phường Quyết Tiến.

+ Số nhà trong ngõ:

Trường hợp ngõ có tên riêng: Ghi số nhà + tên ngõ + tên phố + tên phường, xã, thị trấn. Ví dụ: Số nhà 12, ngõ Trần Can, phố Nguyễn Khuyến, phường Đông Phong.

Trường hợp ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường: Ghi số nhà + tên ngõ theo dạng số + tên phố + tên phường, xã, thị trấn. Ví dụ: Số nhà 06, ngõ 209, đường Trần Phú, phường Tân Phong.

+ Số nhà trong ngách:

Trường hợp ngách xuất phát từ ngõ có tên: Ghi số nhà + tên của ngách + tên ngõ + tên phố + tên phường, xã, thị trấn. Ví dụ: Số nhà 20, ngách 10, Ngõ Trần Can, phố Nguyễn Khuyến, phường Đông Phong.

Trường hợp Ngách xuất phát từ ngõ đặt theo dạng số: Ghi số nhà + tên ngách + tên phố + tên phường, xã, thị trấn. Ví dụ: Số nhà 08, ngách 28/5, đường Trần Phú, phường Tân Phong (số 28 là số nhà mặt phố đường Trần Phú liền kề phía trước ngõ; số 5 là số nhà của ngõ 28 đường Trần Phú liền kề phía trước ngách).

(6) - Phần số nhà cũ: Ghi địa chỉ số nhà đang dùng theo hộ khẩu, nếu không có hộ khẩu thì khi theo địa chỉ số nhà đang dùng trong các giấy tờ khác liên quan đến nhà, đất ở vị trí đó. Nếu không có địa chỉ số nhà cũ thì ghi là "không"

(7) Phần ghi số Giấy chứng nhận số nhà: Theo số thứ tự liên tục trên địa bàn từng huyện, thành phố được đánh số trong sổ lưu của huyện, thành phố.

3. MẪU SỐ TỔNG HỢP GẮN BIỂN SỐ NHÀ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN SỐ NHÀ

Số TT

Họ và tên

Địa chỉ cũ

Số nhà (địa chỉ mới)

Tình trạng gắn biển số nhà

Giấy chứng nhận số nhà

Số Giấy chứng nhận

Chủ nhà ký nhận

Đã gắn

Chưa gắn

Đã cấp

Chưa cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 63/2017/QĐ-UBND về Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 63/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Đỗ Ngọc An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản