Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 629/1999/QĐ-UB | Quảng Ninh, ngày 23 tháng 3 năm 1999 |
"V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.
- Căn cứ vào Luật bảo vệ và phát triển rừng ban hành ngày 19/8/1991.
- Căn cứ vào Nghị định số: 22/CP ngày 9/3/1995 của Chính phủ ban hành Quy định về công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
- Căn cứ vào Chỉ thị số: 19/1998/CT-TTg ngày 17/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng.
- Xét đề nghị của Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 629/1999/QĐ-UB ngày 23/3/1999 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh)
Điều 1: Quy định này quy định những yêu cầu về nghiệp vụ kỹ thuật, các tiêu chuẩn, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng áp dụng cho các đối tượng rừng trong toàn Tỉnh.
Điều 2: Ngành Kiểm lâm căn cứ vào tình hình diễn biến thời tiết hàng ngày và hàng tuần trong mùa khô hanh, để dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp, thông tin dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và liên lạc báo cáo từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, xóm, các đơn vị kinh doanh trong năm, nhất là mùa khô từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
Điều 3: Ngành kiểm lâm và chính quyền các cấp huyện, xã, thôn, xóm, các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi chung là chủ rừng), các cơ quan đơn vị căn cứ Quy định này để chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.
Điều 4: Ngành Kiểm lâm và các chủ rừng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể ở cơ sở mà áp dụng kỹ thuật xây dựng băng trắng, băng xanh, qui vùng sản xuất nương rẫy, chòi canh, xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy, xây dựng hệ thống thông tin trong các cộng đồng dân cư về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Mục I: Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 5: Ngành Kiểm lâm tham mưu giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) và các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thành lập ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng do chủ tịch hoặc phó chủ tịch làm trưởng ban, kiểm lâm làm phó ban thường trực, đại diện các ngành hữu quan tham gia làm uỷ viên, xây dựng phương án chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở, nhất là trong suốt mùa khô hanh, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm.
Điều 6: 1/ Lực lượng kiểm lâm ở Hạt, Đội kiểm lâm cơ động ở vùng trọng điểm, vào thời kỳ cao điểm dễ xẩy ra cháy rừng phải được tổ chức thành các nhóm công tác từ 2-3 người, có nhóm trưởng. Từ 3-5 nhóm họp thành một tổ, do tổ trưởng phụ trách. lực lượng này được triển khai đến tận thôn, xóm, hướng dẫn các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nội qui, qui ước phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc diện tích các chủ rừng quản lý bảo vệ. Thành lập các tổ, đội tình nguyện bảo vệ rừng ở cơ sở từ 15 đến 20 người để cùng với lực lượng kiểm lâm đặc trách phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương và ở từng vùng trọng điểm.
2/ ở thôn, xóm lập tổ, đội tình nguyện bảo vệ rừng gồm 15-20 người, ở các nông lâm trường, đơn vị vũ trang ở trong rừng và ven rừng có 15-30 người. Lực lượng này phải được trang bị các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng và được huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật cùng lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát, canh gác diện tích rừng được giao.
Điều 7: Hàng năm dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, ngành Kiểm lâm phải có kế hoạch cụ thể mở các đợt tuyên truyền giáo dục dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và hướng dẫn các chủ rừng phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi mình quản lý.
Mục II: Dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp và thông tin cấp dự báo cháy rừng.
Điều 8: Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả. Chi cục kiểm lâm phối hợp với Trung tâm bảo vệ rừng số I của Bộ, đài khí tượng thuỷ văn tỉnh tiến hành dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp trong mùa khô hanh bao gồm 4 nội dung sau:
1/ Xây dựng trạm dự báo cháy rừng để đo, tính các nhân tố môi trường liên quan đến vật liệu cháy hàng ngày và dài ngày ( tuần khí tượng do đài khí tượng thuỷ văn tỉnh cung cấp).
2/ Xác định thời kì dễ phát sinh cháy rừng, phục vụ cho việc lập kế hoạch phòng cháy và chữa cháy rừng.
3/ Đo tính chỉ tiêu cấp dự báo cháy rừng hàng ngày và dài ngày theo 5 cấp (từ cấp 1 đến cấp 5).
4/ Phải đảm bảo thông tin thông suốt dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong mùa khô trên qui mô toàn tỉnh.
Điều 9: Xây dựng hệ thống trạm dự báo cháy rừng gồm trạm chính và các trạm phụ, bố trí lực lượng dự báo và thông tin cấp cháy.
- Trạm chính: Hàng ngày đo 3 lần vào 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ; đo và vào sổ sách các số liệu: nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy, độ ẩm đất, tốc độ gió, lượng mưa... để tính toán và thông tin cấp cháy rừng hàng ngày cho các cơ sở có biện pháp phòng và sẵn sàng chữa cháy.
Trạm phụ: đặt ở các hạt kiểm lâm, các lâm trường có nhiệm vụ đo bổ sung các yếu tố: lượng mưa, nhiệt độ lúc 13 giờ, vật liệu cháy... để bổ sung số liệu cấp cháy cho trạm chính, góp phần nâng cao độ chính xác về dự báo cho toàn vùng.
Điều 10: Khi dự báo ở cấp 1 (ít có khả năng cháy rừng). Hạt kiểm lâm phối hợp với uỷ ban nhân dân các xã và các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư về phòng cháy, chữa cháy rừng và hướng dẫn phát, dọn nương rẫy đúng kỹ thuật.
Điều 11: Khi dự báo đến cấp 2 (có khả năng cháy rừng): Hạt kiểm lâm phối hợp với uỷ ban nhân dân các xã và các chủ rừng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bố trí người canh gác, chuẩn bị lực lượng và phương tiện thường trực sẵn sàng đập tắt lửa khi mới xảy ra cháy rừng. Dự báo viên tiếp tục đo tính và thông báo cấp cháy kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 12: Khi dự báo đến cấp 3 (dễ xảy ra cháy rừng): Hạt kiểm lâm phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các xã tăng cường đôn đốc các chủ rừng chú trọng việc phòng cháy, cấm phát, đốt rừng làm nương rẫy, tổ chức lực lượng thường xuyên canh phòng nhất là vùng rừng trọng điểm dễ cháy như: rừng trồng, rừng non tái sinh, rừng thông và rừng thông đang khai thác nhựa, rừng có nhiều cỏ tranh, cây bụi, lau, sậy, le, dây leo..
- Lực lượng canh phòng phải trực trên chòi canh, trên các trạm gác 10/24 giờ trong ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ).
- Khi phát hiện có cháy rừng nhân viên gác rừng gõ kẻng báo động và báo cáo khẩn cấp cho Hạt kiểm lâm, Uỷ ban nhân dân xã huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời.
Điều 13: Khi dự báo cháy rừng đến cấp 4 (cấp nguy hiểm), thời tiết hanh khô kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng, hạt kiểm lâm tham mưu cho uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã củng cố lực lượng, khẩn trương triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng phải kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy rừng.
- Lực lượng canh phòng phải thường xuyên gác trên chòi canh, tuần tra ngoài hiện trường rừng dễ cháy đảm bảo 12/24 giờ (từ 10 đến 22 giờ) trong ngày, nhất là các giờ cao điểm (từ 11 giờ đến 17 giờ), phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, không được để lửa lan tràn rộng.
- Dự báo viên phải nắm chắc tình hình khí tượng thuỷ văn để dự báo cấp cháy và thông tin kịp thời tới các Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng.
Điều 14: Khi dự báo đến cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), thời tiết khô hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh; Uỷ ban Nhân dân các huyện trực tiếp chỉ đạo Hạt kiểm lâm và các xã kiểm tra đôn đốc tới các chủ rừng triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy. Kiểm tra chặt chẽ không cho người và phương tiện ra vào rừng tuỳ tiện. Nghiêm cấm tuyệt đối việc dùng lửa trong rừng và ven rừng đối với người ra vào rừng.
- Lực lượng canh phòng trên các chòi canh và các vùng trọng điểm dễ cháy phải đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày.
- Khi xảy ra cháy rừng, Uỷ ban Nhân dân các cấp có quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, cùng với lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng để dập tắt ngay. Tất cả các vụ cháy rừng đều phải lập biên bản tìm nguyên nhân, thủ phạm và có biện pháp xử lý nghiêm.
Điều 15: Trong mùa khô hanh phải duy trì sự hoạt động của các ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, hệ thống thông tin liên lạc phải được thông suốt.
Mục III: Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa
Điều 16: Băng trắng và băng xanh nhằm ngăn cách, hạn chế lửa lan rộng ra xung quanh và phân chia khu rừng dễ cháy thành những lô, khoảnh.
Điều 17: Các chủ rừng khi thiết kế trồng rừng nhất thiết phải thiết kế thi công hệ thống đường băng trắng hoặc băng xanh gắn với quy hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông trong các khu rừng. Nếu độ dốc trên 25 độ thì không được làm băng trắng mà phải trồng cây xanh trên băng cùng với việc trồng rừng ngay năm đó, không được để đất trống gây xói mòn, rửa trôi, phá vỡ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường.
Điều 18: Nguyên tắc làm đường băng trắng: Chỉ áp dụng đối với các loại rừng trồng mới và những rừng thông già đang khai thác nhựa. Khi xây dựng bằng trắng phải chặt bỏ cây cỏ, lau, sậy tạp bụi, chỉ để lại những cây lá rộng có khả năng ngăn lửa. Năm sau phải tiến hành trồng các loài cây khó cháy để tạo thêm băng xanh hỗn giao.
Điều 19: Nguyên tắc làm đường băng xanh: Phải xây dựng hệ thống đường băng xanh bằng những loài cây khó cháy; Chỉ áp dụng cho các khu rừng trồng mới và cũ dễ xảy ra cháy rừng.
Điều 20: Độ rộng của đường băng được quy định cho cả băng trắng, băng xanh là 10-15m, đối với rừng trồng đã khép tán và rừng tự nhiên độ rộng của đường băng phải lớn hơn chiều cao cây rừng.
Điều 21: Loài cây trồng trên băng cản lửa: Lựa chọn tập đoàn cây bản địa (cây lá rộng), cây chứa nhiều nước, có khả năng chịu nhiệt độ cao, vỏ dầy, không rụng lá trong mùa khô, cây có sức tái sinh hạt và chồi mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh để tạo thành đai rừng phòng cháy rừng.
Mục IV: Xây dựng chòi canh gác lửa rừng.
Điều 22: Nguyên tắc bố trí chòi canh:
a) Chòi canh phải đặt ở vị trí có tầm nhìn xa nhất (tối thiểu 10-15 km) để dễ dàng phát hiện các đám khói hoặc lửa cháy mới xuất hiện, đánh kẻng báo động cháy rừng và huy động kịp thời lực lượng, phương tiện đến dập lửa rừng không để lửa cháy lan.
b) Chòi canh phải có độ cao hơn chiều cao của cây rừng.
Chòi gác lửa: Đặt ở vị trí trung tâm của khu rừng dễ cháy, tầng trên có tầm nhìn xa 10 -15 km, làm chòi bằng sắt hoặc nguyên liệu bền chắc sẵn có ở địa phương, đảm bảo sử dụng lâu bền (theo mẫu cục Kiểm lâm đã thiết kế thống nhất trong cả nước).
c) Chòi canh phải đảm bảo an toàn cho việc sử dụng, khi xây dựng chòi canh phải có thang lên xuống, xung quanh chân chòi phải dọn sạch cây trong phạm vi bán kính 20-30 m, có một gian nhà 4 cửa để quan sát 4 phía, có bản đồ khu vực rừng cần bảo vệ, ống nhòm, kẻng báo động, cờ hiệu, bộ đàm, thông tin về các đám khói và cháy rừng, có thu lôi chống sét, có phòng ở tầng dưới cho nhân viên nghỉ ngơi thay nhau gác.
Điều 23: Tổ chức hoạt động ở chòi canh :
Mỗi chòi có 3 người thay nhau làm việc. Vào thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô, chòi canh phải có người làm việc thường xuyên đảm bảo 24/24 giờ/ngày. Khi nhân viên quan sát phát hiện thấy các đám khói và cháy rừng phải xác định rõ toạ độ, mức độ quy mô, báo cáo ngay về trung tâm chỉ huy và báo động để huy động kịp thời lực lượng phương tiện đến dập tắt lửa, không để lửa cháy và lan tràn lớn.
Mục V: Biện pháp kỹ thuật xử lý thực bì làm giảm vất liệu cháy rừng
Điều 24: Dọn thực bì:
Hàng năm trước khi bước vào đầu mùa khô (từ cuối tháng 8 đầu tháng 9) ở những khu rừng dễ cháy (rừng trồng), dưới sự hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật nghiệp vụ của Kiểm lâm, chủ rừng phải thực hiện dọn thực bì theo dải, theo băng rộng từ 10-15 m dọc các đường lô, khoảnh, tiểu khu.
Mục V: Bảo vệ rừng trong sản xuất nương rẫy
Điều 25: Quy vùng đất đai làm nương rẫy.
a) Đối với đồng bào cư trú trên các vùng cao, vùng biên giới thuộc các huyện: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Quảng Hà, Hoành Bồ; Hạt kiểm lâm phải phối hợp với Ban định canh định cư huyện thực hiện tốt việc quy hoạch vùng đất lâm nghiệp tạm thời để làm nương rẫy cho dân. Phải thực hiện đúng quy hoạch, phân vùng vạch rõ ranh giới, có cọc mốc ngoài thực địa, lập bản đồ quy hoạch phân loại đất đai dành cho sản xuất nương rẫy đến tận thôn, bản, xóm, hộ gia đình.
b) Trong những diện tích được phép sản xuất nương rẫy: Hạt kiểm lâm phải hướng dẫn đồng bào về kỹ thuật phát dọn thực bì và làm đường bằng cản lửa. Khi tiến hành đốt thực bì, yêu cầu đốt vào lúc gió nhẹ theo hướng ngược chiều gió để tránh cháy lan ra rừng xung quanh.
c) Khi đốt thực bì phải có người canh gác, cứ 10 đến 15 m phải có một người canh gác trên băng không để lửa cháy lan vào rừng. Khi đốt phải báo cáo với ban lâm nghiệp xã và tổ đội bảo vệ rừng của thôn, bản, đốt xong phải kiểm tra toàn bộ cho đến khi lửa tắt hẳn mới ra về.
Điều 26: Phải kết hợp chặt chẽ giữa qui vùng sản xuất nông nghiệp trên đất rừng với giao khoán rừng, định canh định cư, thâm canh nương rẫy cũ, xây dựng kinh tế vườn đồi, trang trại đến hộ gia đình theo mô hình RVAC, xây dựng ruộng bậc thang chống xói mòn đất, bảo vệ rừng, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy rừng trong suốt mùa hanh khô. Hàng năm vào thời kỳ từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau các hạt kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra hướng dẫn đồng bào làm nương đúng kỹ thuật trên những vùng đất đai đã được quy hoạch không để đồng bào phát đốt rừng trái phép để làm nương rẫy.
Điều 27: Phát hiện cháy và huy động lực lượng chữa cháy: Khi phát hiện cháy rừng, Uỷ ban Nhân dân xã, Hạt Kiểm lâm sở tại và các chủ rừng phải huy động kịp thời lực lượng, phương tiện tại chỗ, sử dụng cuốc, xẻng, cào, dao, cành cây xanh... để làm dụng cụ dập lửa không để lửa cháy tràn lan.
Điều 28: Biện pháp giới hạn đám cháy:
Trong điều kiện thời tiết khô hạn, độ ẩm vật liệu dưới 20%, khi cháy rừng phải:
Phát tạo ngay băng trắng đón đầu ngọn lửa theo một cự ly phù hợp, thi công xong trước khi lửa tràn đến. Trên băng phải dọn vật liệu cháy ra phía ngoài ngọn lửa cháy tới. Mặt khác phải dùng cây xanh dập lửa là có hiệu quả nhất và không tốn kém.
Điều 29: An toàn lao động khi chữa cháy:
a) Khi chữa cháy, lực lượng chữa cháy phải: Được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như giày, dụng cụ dập lửa rừng là dao, cuốc, xẻng và cành cây xanh. Trường hợp người tham gia dập lửa rừng mà bị thương phải được đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu bị thương nặng hoặc tử vong phải lập biên bản để giải quyết chính sách chế độ.
b) Lực lượng chữa cháy phải được tập huấn nghiệp vụ, khi chữa cháy phải được bố trí theo tổ, nhóm có người điều hành thống nhất, có bộ đàm chỉ huy. Nếu chữa cháy bằng hoá chất, bằng cơ giới phải thực hiện các thao tác đúng kỹ thuật, an toàn lao động. Phải có chế độ bồi dưỡng vật chất và khen thưởng cho người tham gia chữa cháy.
c) Nguyên tắc bố trí lực lượng, phương tiện khi chữa cháy:
Nếu ngọn lửa cháy về cả 2 phía trái và phải thì đội hình chữa cháy phải bố trí thành từng nhóm gồm 8 đến 10 người, lực lượng chữa cháy tiến từ phía trước đám cháy về cả hai phía trái và phải, dùng nước hoặc đất, cát, hoá chất hay, cành cây tươi dập lửa, bao vây không cho lửa lan tràn. Đội hình bao vây khép kín về phía đầu ngọn lửa và dập cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn.
- Sử dụng các dụng cụ chữa cháy như: cào, cuốc, xẻng, dao, bình xịt đeo vai, xe ô tô, mìn định hướng, lựu đạn chữa cháy, máy bay, xe ủi, lợi dụng nguồn nước, đất, cát hoặc hoá chất như P2O5, K2PO4, H3PO4, CO2 để làm giảm các yếu tố tham gia quá trình cháy: vật liệu, ô xy và nhiệt.
KINH PHÍ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
Điều 30: Hàng năm Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào Thông tư liên Bộ số 06/TT-LB ngày 22/1/1996 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Về hướng dẫn lập kế hoạch quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng" có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan lập dự toán kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng trên toàn tỉnh, gửi Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét và trình Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 31: Hàng năm các chủ dự án, Lâm trường và chủ rừng cũng phải trích một số kinh phí từ các nguồn đầu tư phát triển, khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng và nguồn lợi từ rừng để chi cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trực tiếp tại đơn vị mình quản lý.
Điều 32: Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng và phát hiện, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng; thì được khen thưởng và hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.
Điều 33: 1/ Các tổ chức, cá nhân vi phạm vào việc gây hậu quả cháy rừng thì tuỳ theo mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2/ Các chủ rừng, nếu để rừng bị cháy do không thực hiện đầy đủ các nội dung trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định này thì tuỳ theo mức độ thiệt hại mà bị xử lý theo pháp luật.
Điều 34: 1/ Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với các ngành: Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, Chi cục Phát triển lâm nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở trong quá trình thực hiện Quy định này.
2/ Những vụ cháy rừng xẩy ra ở địa phương, Kiểm lâm sở tại phải chủ động phối hợp với các ngành chức năng điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân, tìm thủ phạm gây cháy; lập biên bản, có biện pháp xử lý nghiêm và phải báo cáo về cấp trên theo mẫu thống nhất.
Điều 35: Trong qúa trình thực hiện nếu có gì vướng mắc yêu cầu các ngành, Uỷ ban Nhân dân các địa phương phản ánh kịp thời về Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.
- 1Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 3Nghị định 22/CP năm 1995 ban hành bản quy định phòng cháy, chữa cháy rừng
- 4Thông tư liên bộ 06TT/LB năm 1996 hướng dẫn lập kế hoạch, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừngTài Chính - Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 5Chỉ thị 19/1998/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng và chữa cháy rừng do Chính Phủ ban hành
- 6Chỉ thị 20/1998/CT-UB tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng do Tỉnh Hòa Bình ban hành
- 7Quyết định 3084/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Dự án Nâng cao năng lực phòng, chữa cháy rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2014 - 2016
Quyết định 629/1999/QĐ-UB quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 629/1999/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/03/1999
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Ngô Đình Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra