Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 22/CP NGÀY 09 THÁNG 03 NĂM 1995 VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản quy định về phòng cháy, chữa chấy rừng.

Điều 2.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan kiểm lâm các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY ĐỊNH
VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 22-CP ngày 9 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Cháy rừng là một thảm hoạ gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Các cấp, các ngành và tất cả công dân - đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn rừng và ven rừng, có nghĩa vụ bảo vệ rừng, chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 2.- Uỷ ban Nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi địa phương mình.

Chủ rừng phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và phải chịu trách nhiệm về rừng do mình quản lý bị cháy.

Cơ quan kiểm lâm các cấp có trách nhiệm giúp chính quyền các cấp chỉ đạo, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm lâm các cấp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY RỪNG

Điều 3.- Cục Kiểm lâm là cơ quan chỉ đạo chuyên ngành, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Lâm nghiệp trong việc chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan khí tượng thuỷ văn tổ chức công tác dự báo cháy rừng, quy hoạch, xác định các trọng điểm cháy rừng trên bản đồ và trên thực địa; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và kiểm tra, tổng hợp tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng trong cả nước.

Điều 4.- Các cơ quan Kiểm lâm địa phương có trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân các cấp xây dựng cấp dự báo cháy rừng và chỉ đạo thực hiện công tác dự báo cháy rừng đến cơ sở; lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng và trang bị các phương tiện cần thiết về phòng cháy chữa cháy rừng; tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng trong các cộng đồng dân cư; kiểm tra, thanh tra việc thi hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các vi phạm quy định đó.

Cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh phải kịp thời thông báo thời vụ khô hanh cho từng vùng.

Điều 5.- Cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm lâm thuộc Bộ Lâm nghiệp trong việc mua sắm các trang bị, phương tiện chuyên dùng về phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn việc tổ chức và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng và xác định nguyên nhân cháy.

Điều 6.- Mọi chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng sau đây:

1- Đối với diện tích rừng tập trung, chủ rừng phải xây dựng các công trình phòng cháy như: đường ranh cản lửa, kênh mương ngăn lửa, chòi canh lửa, biển báo, biển cấm lửa, hệ thống thông tin liên lạc, cải tạo, xây dựng suối, hồ, đập, kênh mương... để dự trữ nước chữa cháy rừng. Đồng thời phải chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2- Đối với diện tích rừng phân tán của nhiều chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm địa phương phải xây dựng phương án phòng cháy rừng và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các chủ rừng có trách nhiệm thực hiện và có nghĩa vụ đóng góp kinh phí để thực thi phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

3- Khi thiết kế trồng rừng tập trung, phải thiết kế các công trình phòng cháy rừng và phải được cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh thông qua. Không trồng rừng ở những nơi chưa thiết kế các công trình phòng cháy rừng; khi trồng rừng phải đồng thời thi công ngay các công trình phòng cháy rừng.

4- Trong trồng rừng- nhất là trồng các loại cây dễ cháy như thông, tràm và các cây họ dầu khác cần áp dụng các biện pháp lâm sinh như trồng rừng hỗn giao nhiều tầng, xây dựng băng xanh cản lửa; xây dựng băng xanh cản lửa phải chọn những loài cây có khả năng chịu lửa.

5- Ở những trọng điểm dễ cháy và ở những nơi có điều kiện thực hiện thì áp dụng biện pháp tu bổ, chăm sóc, vệ sinh rừng hoặc biện pháp "Đốt trước có điều kiện" vào trước mùa khô hanh, nhằm làm giảm nguồn vật liệu cháy.

6- Trong mùa khô hanh phải tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng và kịp thời cứu chữa khi cháy rừng xẩy ra.

7- Có kế hoạch từng bước trang bị những thiết bị và phương tiện phòng, chữa cháy rừng cần thiết, kết hợp giữa thủ công với cơ giới để từng bước hiện đại hoá công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 7.- Cấm đốt lửa trong rừng với các trường hợp sau đây:

1- Đốt các khu rừng dễ cháy như rừng thông, rừng tràm, rừng khộp, tre nứa; rừng mới trồng, rừng non tái sinh trong mùa khô hanh; những đồi cỏ tranh, lau lách, năn sậy... dễ gây cháy lan vào rừng.

2- Đốt lửa ở khu vực bãi gỗ.

3- Đốt lửa trong các khu vực rừng đặc dụng.

4- Dùng lửa để săn bắt chim thú, bắt ong, hạ cây, lấy củi, dọn đường, đốt đồng cỏ để lấy cỏ non và các hành vi dùng lửa vô ý thức gây cháy rừng.

Điều 8.- Các trường hợp được đốt lửa trong rừng (không thuộc phạm vị quy định tại Điều 7).

1- Đốt nương rẫy, phải tuân thủ theo quy định tại Điều 21 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trước khi đốt, chủ rẫy phải làm đường ranh cản lửa bao quanh; chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan vào rừng và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt.

2- Đốt xử lý thực bì chuẩn bị đất trồng rừng phải tuân theo quy định phòng cháy tại khoản 1, Điều 8 bản quy định này.

3- Đốt lửa để đun nấu, sinh hoạt, sưởi ấm trong rừng, phải tránh nơi có nhiều vật liệu cháy khô và khi dùng lửa xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Điều 9.- Ở những nơi đường sắt đi qua các khu rừng dễ cháy, ngành đường sắt có trách nhiệm:

1- Cùng với Bộ Lâm nghiệp quy định cụ thể những đoạn đường cần phải làm đường ranh cản lửa, rộng tối thiểu 5m kể từ chân đường sắt vào rừng (thuộc hành lang bảo vệ đường sắt); ngành đường sắt phối hợp với các chủ rừng thường xuyên phát quang và dọn sạch lau, cỏ, cây bụi hàng năm.

2- Thống nhất với Bộ Lâm nghiệp quy định những đoạn đường phải cắm biển đóng hộp tro và cấm xả than; những đoạn đường cho phép tài xế xe lửa được xả than và trong lúc xả than phải xả nước để làm tắt hẳn tàn lửa.

3- Khi tàu đi qua khu vực rừng dễ cháy, ngành đường sắt có trách nhiệm nhắc nhở hành khách không được ném tàn lửa vào rừng.

Điều 10.- Ở những khu rừng có đường dây điện cao thế đi qua, hàng năm cơ quan quản lý đường dây điện cao thế phải dọn sạch vật liệu cháy ở phía dưới đường dây, nằm trong hành lang bảo vệ đường dây điện.

Điều 11.- Ở các khu rừng du lịch, cơ quan quản lý du lịch phải có nội quy hướng dẫn cụ thể cho khách du lịch về những nơi dành cho cắm trại, nơi không được phép sử dụng lửa, những quy định phòng cháy, chữa cháy rừng, giáo dục ý thức phòng cháy rừng cho khách du lịch.

Ban quản lý các khu rừng du lịch chịu trách nhiệm tổ chức việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vị quản lý của mình.

Điều 12.- Mọi tổ chức và cá nhân khi tiến hành các hoạt động ở trong rừng và ven rừng phải tuân theo các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 13.- Bộ Lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm) có trách nhiệm xây dựng các công trình phòng cháy trọng điểm như: Hệ thống đường ranh cản lửa chính, các chòi canh cố định... ở những vùng trọng điểm dễ cháy lớn.

Chương 3:

CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 14.- Khi xảy ra cháy rừng, Uỷ ban Nhân nhân các cấp có trách nhiệm và có quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để kịp thời chữa cháy rừng.

Điều 15.- Mọi tổ chức và cá nhân hoạt động ở trong rừng và ven rừng có trách nhiệm: khi phát hiện cháy rừng phải báo ngay cho chủ rừng hoặc cơ quan Kiểm lâm gần nhất; đồng thời phải triển khai ngay các biện pháp dập lửa; phải chấp hành lệnh huy động về người và phương tiện để chữa cháy rừng.

Điều 16.- Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xin hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn; bảo đảm an toàn và bồi dưỡng thoả đáng cho những người tham gia chữa cháy rừng.

Chương 4:

KINH PHÍ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 17.- Nguồn kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng:

1- Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách (gồm chi phí thường xuyên cho hoạt động nghiệp vụ, trang bị chuyên dùng, xây dựng cơ bản) cho lực lượng Kiểm lâm làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để lực lượng này xây dựng các công trình phòng cháy, hướng dẫn, kiểm tra các chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và cùng với lực lượng khác ở địa phương như: Công an, Quân đội, lực lượng quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

2- Các địa phương bố trí trong ngân sách khoản dự bị phí để khắc phục thiên tai mất mùa, cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.

3- Kinh phí do các chủ rừng đầu tư cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi đất lâm nghiệp được Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích kinh doanh lâm nghiệp.

Điều 18.- Về kế hoạch kinh phí:

1- Đối với những diện tích rừng do cơ quan Kiểm lâm giúp chính quyền các cấp quản lý, nhất là các vùng rừng trọng điểm, thì cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh lập kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng và kế hoạch tài chính trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp lâm nghiệp của Nhà nước.

2- Đối với những diện tích đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thì hàng năm chủ rừng phải lập kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng và kế hoạch tài chính để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3- Hàng năm, địa phương nào có rừng bị cháy gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân thì Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho nhân dân trong vùng bị thiệt hại.

Điều 19.- Để quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí dành cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu về nghiệp vụ kỹ thuật, cơ quan Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chương 5:

THƯỞNG PHẠT

Điều 20.- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng thì được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước. Người nào mà tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng mà bị thương tật, thiệt hại tính mạng hoặc tài sản thì được giải quyết theo quy định các chính sách hiện hành.

Điều 21.- Người nào vi phạm những quy định của Nghị định này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, phải bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 22.- Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bản quy định này đối với các cấp, các ngành trong phạm vi cả nước; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lâm nghiệp chỉ đạo thực hiện bản quy định này.

Điều 23.- Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây về phòng cháy, chữa cháy rừng trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 22/CP năm 1995 ban hành bản quy định phòng cháy, chữa cháy rừng

  • Số hiệu: 22-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/03/1995
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 13/02/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản