Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 623/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ ĐẾN NĂM 2015 CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH VÀ KẾ HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI TẠI CÁC BỆNH VIỆN DỰ KIẾN ĐẦU TƯ TỪ DỰ ÁN HỖ TRỢ XỬ LÝ CHẤT THẢI BỆNH VIỆN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2038/QĐ-TTG ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 30/2009/QĐ-UBND ngày 12/8/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 27/8/2009 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-BYT ngày 22/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Văn kiện Dự án "Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện" sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Quyết định số 3078/QĐ-BYT ngày 26/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án "Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện" sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới;

Căn cứ Công văn số 5581/BYT-VPB1 ngày 24/8/2012 của Bộ Y tế về việc đầu tư của Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện;

Xét đề nghị của Liên ngành: Sở Y tế - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Tài chính - Sở Tài nguyên và Môi trường - Sở Xây dựng - Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Môi trường) và đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 222/TTr-SYT ngày 15/10/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể quản lý chất thải y tế đến năm 2015 của tỉnh Bình Định và Kế hoạch quản lý chất thải tại các bệnh viện dự kiến đầu tư từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (sau đây gọi tắt là Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch quản lý chất thải), được Sở Y tế lập kèm theo Tờ trình số 222/TTr-SYT ngày 15/10/2012; với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Xử lý các yếu tố nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường của chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Cơ bản đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể nêu trong Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn y tế giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011.

- Đầu tư xây lắp trang bị hệ thống chất thải rắn và chất thải lỏng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bình Định; trong đó ưu tiên đầu tư:

+ Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế để xử lý theo cụm các bệnh viện đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế QCVN 02:2008/BTNMT, được đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong;

+ Hệ thống xử lý chất thải lỏng đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT được đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong và Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn.

- Nâng cao năng lực cho các cán bộ có liên quan về quản lý, vận hành, quan trắc, kiểm định hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải y tế.

II. Nội dung thực hiện chủ yếu:

1. Trong Kế hoạch tổng thể:

a. Xử lý và tiêu hủy chất thải rắn y tế.

- Đầu tư mua sắm phương tiện phân loại, thu gom, vận chuyển nội bộ, lưu giữ tạm thời, hố chôn rác sau xử lý tại các cơ sở y tế;

- Đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển chất thải rắn nguy hại;

- Đầu tư mua sắm thiết bị xử lý chất thải rắn nguy hại, trong đó ưu tiên đầu tư cho các công nghệ xử lý chất thải không đốt, thân thiện với môi trường;

b. Thu gom và xử lý nước thải y tế.

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, trong đó ưu tiên đầu tư cho các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải;

- Xây dựng hố thu gom bùn.

c. Nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế.

- Tăng cường cơ cấu tổ chức quản lý chất thải y tế;

- Nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế, kết hợp với đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức.

2. Trong Kế hoạch quản lý chất thải:

a. Lựa chọn các bệnh viện tham gia: Trên cơ sở tiêu chí các bệnh viện được tham gia Dự án do Bộ Y tế phê duyệt, tỉnh Bình Định dự kiến lựa chọn 05 bệnh viện tham gia Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn và Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong.

b. Các nội dung đầu tư.

- Đầu tư mua sắm 03 hệ thống xử lý chất thải rắn y tế với công nghệ khử khuẩn bằng vi sóng kết hợp cắt nghiền, đặt tại: Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn và Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế với công nghệ xử lý hóa lý kết hợp xử lý sinh học bậc 3 trong các module composite chế tạo sẵn có hoặc không sử dụng màng lọc, đặt tại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viên Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong và Bệnh viện Đa khoa thành phố Quy Nhơn

- Đầu tư mua sắm hậu cần nội bộ (thùng đựng rác, thùng đựng bơm kim tiêm, xe đẩy rác, công cụ dụng cụ phục vụ công tác quản lý chất thải y tế. . . ) và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế cho các cán bộ liên quan của 05 bệnh viện dự kiến lựa chọn đầu tư.

III. Nguồn kinh phí thực hiện:

1. Nguồn kinh phí: Sử dụng nguồn vốn ODA từ Dự án "Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện" do Bộ Y tế quản lý, cấp phát; vốn đối ứng cho Dự án từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

2. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến: 93.436.632.000 đồng (Chín mươi ba tỷ, bốn trăm ba mươi sáu triệu, sáu trăm ba mươi hai ngàn đồng chẵn).

Kinh phí thực hiện dự kiến tính cho từng bệnh viện như sau:

TT

Tên đơn vị

Tổng cộng (1.000 đồng)

Trong đó

Quy đổi ra đô la Mỹ (USD)

vốn ODA (1.000 đồng)

vốn đối ứng (1.000 đồng)

1

Bệnh viện ĐK tỉnh

30.048.771

29.960.627

88.144

1442.710

2

Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn

9.106.211

9.072.349

33.862

437.210

3

Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh

17.687.629

17.640.731

46.898

849.224

4

Bệnh viện ĐK KV Bồng Sơn

1 8.1 00.395

18.050.965

49.430

869.041

5

Bệnh viện ĐK KV Phú Phong

1 8.493.626

1 8.442.895

50.731

887.921

 

 

Tổng cộng

93.436.632

93.167.567

269.065

4.486.107

Tỷ giá hạch toán ngoại tệ quy đổi: 1 USD = 20.828 đồng (theo thông báo của Kho bạc Nhà nước - Bộ Tài chính tại Thông báo số 3164/TB-KBNN ngày 01/11/2012).

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Y tế chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được UBND tỉnh và Bộ Y tế phê duyệt nội dung và kinh phí; bảo đảm thực hiện Kế hoạch theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, có hiệu quả và đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Trực tiếp chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc xây dựng Kế hoạch quản lý chất thải y tế của đơn vị, cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí và nhân lực để thực hiện quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng, theo Quy chế quản lý chất thải y tế và các quy định về phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.

- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế trong toàn tỉnh.

- Quản lý tốt việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở hành nghề y tế tư nhân.

- Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý và xử lý chất thải y tế trong toàn ngành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:

- Thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường; Cấp mới, cấp lại và thu hồi Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Cấp mới, cấp gia hạn, cấp điều chỉnh Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, Cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. . .

- Tổ chức hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, tranh tra về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải của các cơ sở y tế.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm:

Thẩm định dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu về xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị . . . phục vụ quản lý chất thải y tế; Cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

4. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đơn giá thiêu hủy chất thải rắn y tế nguy hại bằng lò đốt tập trung của tỉnh.

5. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm:

Quy hoạch thiết kế xây dựng bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh. Quy hoạch thiết kế xây dựng các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải đô thị. Tham gia ý kiến thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng các công trình y tế phải đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải y tế.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham gia kiểm định về công nghệ xử lý chất thải, về chất lượng thiết bị xử lý chất thải trước và sau khi mua sắm, lắp đặt.

7. Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh chịu trách nhiệm:

Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý chất thải trong các cơ sở y tế, phát hiện các sai phạm và xử phạt các vi phạm hành chính hoặc điều tra khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm về môi trường.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:

Đề xuất đưa chỉ tiêu quản lý và xử lý chất thải y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải y tế trên địa bàn.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo mục tiêu, tiến độ đề ra, có hiệu quả và đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Tài nguyên và Môi Trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 623/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tổng thể quản lý chất thải y tế đến năm 2015 của tỉnh Bình Định và Kế hoạch quản lý chất thải tại bệnh viện dự kiến đầu tư từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện

  • Số hiệu: 623/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Mai Thanh Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản