Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 620/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THUỐC ĐÔNG DƯỢC THUỘC BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Dược ngày 06/04/2016;

Căn cứ Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế về quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Thông tư số 32/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế về quy định tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Thông tư số 37/2011/TT-BYT ngày 26/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Chương trình Công tác của UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh Về việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”;

Căn cứ Thông báo số 55/TB-UBND ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 26/TTr-SYT ngày 21/02/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc.

Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THUỐC ĐÔNG DƯỢC THUỘC BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 29/3/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ

- Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, quan điểm là “Phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam”;

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Trong đó đưa ra nhiệm vụ và giải pháp “Đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền ,… phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu;

- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó có nhiệm vụ và giải pháp “…phát triển y dược học cổ truyền; kết hợp chặt chẽ, khoa học trong quy trình điều trị giữa y học hiện đại, y học cổ truyền và phục hồi chức năng trong các cơ sở khám chữa bệnh”.

- Kế hoạch số 80-KH/TU ngày 29/01/2018 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ mục tiêu và giải pháp “Xây dựng một số khoa, lĩnh vực mũi nhọn, thiết yếu trong hoạt động khám chữa bệnh, tạo bước đột phá về uy tín và sự hài lòng của người bệnh đối với ngành y tế…Triển khai hiệu quả chính sách quốc gia về y dược cổ truyền…phát triển công nghệ sau thu hoạch, bào chế, sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu”.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Dược ngày 06/4/2016;

- Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;

- Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Trong đó đưa ra giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để bào chế các bài thuốc y học cổ truyền dưới dạng bào chế hiện đại;

- Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 của Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện;

- Thông tư số 37/2011/TT-BYT ngày 26/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh. Trong đó Bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh có nhiệm vụ: “Tổ chức bào chế, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và nhân dân trên địa bàn”;

- Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong đó quy định “Cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền dưới dạng bào chế hiện đại (thuốc viên nang, viên nén, thuốc cốm, thuốc nước và các dạng bào chế hiện đại khác) không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này triển khai áp dụng GMP quy định tại Phần II - Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này”.

- Thông tư số 32/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế về quy định tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong đó quy định “Trường hợp Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức chế biến, bào chế thuốc cổ truyền để bán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền khác trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì phải triển khai áp dụng quy định tại Phụ lục VI và Phụ lục VII Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế”;

- Quyết định số 4682/QĐ-BYT ngày 10/11/2020 của Bộ Y tế về Ban hành danh mục trang thiết bị sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền;

- Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 của Hội Đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về giao quyền tự chủ về tài chính cho 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2019-2021;

- Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”;

- Quyết định số 1736/QĐ- SYT ngày 29/06/2018 của Sở Y tế Vĩnh Phúc về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc. Trong đó, Bệnh viện Y Dược cổ truyền có chức năng“Tổ chức bào chế, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và nhân dân trên địa bàn; Tổ chức bào chế, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng”.

III. CĂN CỨ THỰC TIỄN

Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc có quy mô 170 giường kế hoạch. Trung bình hàng năm khám 15.000 lượt, điều trị nội trú 4.500 đến 5.000 lượt, cao điểm đạt trên 350 bệnh nhân nội trú/ngày với trên 100 diện bệnh theo ICD. Người bệnh có độ tuổi phổ biến từ 50 đến 80 với đa bệnh lý về suy giảm chức năng, rối loạn chuyển hóa, thoái hóa xương khớp, bệnh hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thận tiết niệu sinh dục mãn tính. Đây là nhóm bệnh có đáp ứng tốt với thuốc cổ truyền có tác dụng chăm sóc sức khỏe “êm dịu”, không can thiệp, điều biến hệ miễn dịch, sức đề kháng. Phục hồi chức năng hoạt động các cơ quan trong cơ thể, phục hồi di chứng liệt do bệnh mạch máu hay chấn thương, giảm đau mạn tính, ổn định tâm - thần kinh. Có hiệu quả rõ rệt với bệnh mãn tính hoặc bệnh do virus...; Ít phản ứng phụ, phù hợp với cơ địa người cao tuổi hoặc suy mòn do bệnh kéo dài.

Trên địa bàn có 13 đơn vị y tế công lập và 01 Bệnh viện tư nhân triển khai khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong đó trung bình hàng năm thực hiện khám 48.000 lượt, điều trị nội trú 17.000 lượt bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Năm 2021 có 12.532 lượt người bệnh điều trị nội trú được điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, chiếm 27% tổng số người bệnh điều trị nội trú tại các đơn vị khám chữa bệnh công lập toàn tỉnh. Tuy nhiên việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các cơ sở y tế mới dừng lại ở các kỹ thuật châm cứu xoa bóp, thuốc từ dược liệu của các công ty dược qua đấu thầu, một số ít đơn vị có thuốc thang, chưa sử dụng thuốc thuốc y học cổ truyền bào chế dưới dạng hiện đại hay dạng cao đan hoàn tán truyền thống, tỷ lệ thuốc có nguồn gốc thuốc nam thấp.

Bào chế sản phẩm thuốc cổ truyền được triển khai tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc ngay từ ngày đầu thành lập năm 1968. Hiện nay Bệnh viện đã triển khai bào chế 36 sản phẩm thuốc cổ truyền khác nhau với các dạng cao đan hoàn tán và bào chế hiện đại. Các sản phẩm của Bệnh viện đều là bài thuốc cổ phương, bài thuốc kinh nghiệm được vận dụng điều trị hàng chục năm tại Bệnh viện và đã được đánh giá khoa học qua các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và cấp cơ sở. Nguyên liệu của các sản phẩm được lấy hoàn toàn từ thuốc nam, cây thuốc bản địa như sản phẩm bột Bình vị, Cảnh kiên tý thang.... trong đó có khoảng 2,5-3 tấn thuốc nam được lấy từ các Hợp tác xã và các công ty trong tỉnh, khoảng 1-1,5 tấn nguyên liệu được mua từ các tỉnh khác trong nước.

Trung bình hàng năm có 4.500 lượt người bệnh nội trú (chiếm 100% bệnh nhân điều trị nội trú), 9.500 lượt người bệnh ngoại trú (chiếm 63% lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú) được sử dụng thuốc cổ truyền do Bệnh viện bào chế với tổng giá trị tiền thuốc trung bình 3,2 tỷ/năm, chiếm 61,33 % tổng thanh toán tiền thuốc điều trị bảo hiểm y tế nội trú, ngoại trú tại Bệnh viện.

Khoa Dược thuộc Bệnh viện có 29 viên chức lao động, trong đó: Dược sĩ trên đại học 04; dược sĩ đại học 06; dược sĩ trung cấp, dược tá 09; cán bộ khác 10. Khoa Dược có hoạt động chính là bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền phục vụ cho khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Triển khai bào chế thuốc cổ truyền là giải pháp chủ yếu để Bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Cơ sở hạ tầng của khoa Dược được đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay đã xuống cấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền; trang thiết bị khoa Dược thiếu, cấu hình lạc hậu, sản phẩm bào chế ra độ tinh khiết thấp, khối lượng sử dụng lớn, thời gian bảo quản ngắn. Viên chức lao động khoa Dược tuy đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực, vị trí công tác xong chưa được đào tạo về thực hành tốt sản xuất thuốc cổ truyền. Cơ cấu tổ chức khoa Dược không đủ điều kiện để thành lập phòng Kiểm nghiệm, phòng Đảm bảo chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở “Thực hành tốt sản xuất” thuốc cổ truyền.

Như vậy, với khoa Dược Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc hiện nay không đáp ứng được “Tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất” thuốc cổ truyền theo quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế và không đảm bảo lộ trình “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có tổ chức bào chế thuốc cổ truyền phải công bố việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn bào chế thuốc cổ truyền theo quy định tại Thông tư này trước ngày 31 tháng 12 năm 2023” theo quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế. Bệnh viện không đủ điều kiện tiếp tục bào chế và sử dụng thuốc do Bệnh viện bào chế cho người bệnh, không thanh toán viện phí Bảo hiểm y tế cho người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú nếu không đảm bảo lộ trình quy định. Bệnh viện mất đi: một mũi nhọn, mũi đột phá phát triển về chất lượng, uy tín trong khám chữa bệnh; mất đi những kinh nghiệm, bài thuốc hay đã đang được phát huy tốt trong thời gian qua; mất đi khả năng chủ động về chất lượng và thời gian nhằm đáp ứng nhanh kịp thời cho người bệnh; mất đi nguồn thu giúp Bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Người bệnh mất đi cơ hội được sử dụng thuốc sớm ngay khi vào viện, mất cơ hội sử dụng sản phẩm có hiệu quả đã triển khai tại Bệnh viện nhiều chục năm qua. Việc trồng dược liệu, triển khai bài thuốc gia truyền của nhân dân trong tỉnh mất cơ hội tiếp cận cơ sở đủ điều kiện chế biến nâng tầm giá trị. Chi phí của người bệnh và chi quỹ bảo hiểm y tế tăng do Bệnh viện không chủ động được về chất lượng dược liệu, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, không đáp ứng thuốc kịp thời ngay sau khi người bệnh vào viện vì không có dạng chế phẩm được bào chế sẵn dẫn đến thời gian điều trị kéo dài.

Trong khi đó, phát triển thuốc cổ truyền đang được các nước trên thế giới rất chú trọng, đặc biệt Trung Quốc đã bào chế sản phẩm thuốc cổ truyền dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch. Tại Việt Nam một số Bệnh viện Y học cổ truyền đã và đang phát triển bào chế thuốc cổ truyền rất mạnh mẽ như Bệnh viện Y học cổ tuyền Thái Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh…..

Hơn nữa, Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo có khí hậu quanh năm mát mẻ với 9.358,8 ha diện tích rừng tự nhiên, phù hợp cho phát triển dược liệu, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Nhiều dược liệu đặc hữu được các tổ chức, cá nhân bảo tồn phát triển như Cát sâm, Trà hoa vàng, Sâm bố chính, Ba kích, Sa nhân, Khôi nhung, Cà gai leo, Hoàng đằng, Cốt toái bổ được nhân dân bảo tồn và phát triển với hàng trăm hecta. Điển hình có Hợp tác xã đầu tư và phát triển nông lâm dược liệu Thanh Lộc đạt tiêu chuẩn ORGANIC quốc tế (Mỹ và EU) trồng cây dược liệu phổ biến là Cát sâm và Trà hoa vàng; Hợp tác xã thuốc nam Tam Đảo với hàng trăm hecta Ba kích và nhiều dược liệu quý, dược liệu đặc hữu như Cát sâm, Hà thủ ô, Sâm cau, Gối hạc, sa nhân, Thảo quả, Khôi tía, Thiên niên kiện, Sói rừng, Trà hoa vàng, Thiên môn, hy thiêm, Đinh lăng … với sản lượng 50-60 tấn dược liệu thô/năm. Các vườn thuốc được trồng trải dài các xã dọc theo chân dãy núi Tam Đảo. Ngoài ra còn có vùng trồng dược liệu Ba kích tại huyện Lập Thạch của Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam, vùng trồng dược liệu Ba kích tại xã Đạo Trù huyện Tam Đảo của Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Tâm Bình được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO. Tuy nhiên giá trị thu được từ dược liệu của các Hợp tác xã còn bấp bênh, giá thành thấp vì hầu hết còn bán dưới dạng thô, bị thương lái ép giá. Trung tâm Thuốc đông dược được phát triển sẽ tạo thành chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã, hộ nông dân trồng dược liệu ở khâu thu mua, bào chế thành sản phẩm hiện đại, góp phần nâng giá trị trồng cây dược liệu tại địa phương. Tạo thành chuỗi phát triển kinh tế từ trồng dược liệu, bào chế thành sản phẩm hiện đại, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh.

Từ cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn trên, việc phát triển Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế, bảo tồn, phát huy, phát triển ưu thế về Y học cổ truyền, về cây dược liệu đặc hữu và phát triển kinh tế địa phương phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG BỆNH VIỆN VÀ CÔNG TÁC BÀO CHẾ THUỐC TẠI BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VĨNH PHÚC

I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VĨNH PHÚC

1. Vị trí

Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc là đơn vị sự nghiệp y tế hạng II, trực thuộc Sở Y tế, là bệnh viện chuyên khoa về Y Dược cổ truyền của tỉnh; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho Bạc Nhà nước theo quy định pháp luật.

2. Chức năng

Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại theo quy định; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo y, dược và các đơn vị có nhu cầu.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn

Được quy định tại Thông tư số 37/2011/TT-BYT ngày 26/10/2011 của Bộ Y và Quyết định số 1736/QĐ- SYT ngày 29/06/2018 của Sở Y tế Vĩnh Phúc. Trong đó có nhiệm vụ tổ chức chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền; bào chế thuốc cổ truyền, chế phẩm từ dược liệu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và nhân dân trên địa bàn; tổ chức chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền; bào chế thuốc cổ truyền, chế phẩm từ dược liệu đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường dưới dạng thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

II. QUY MÔ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHÂN LỰC, CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ TRANG THIẾT BỊ

1. Quy mô, tổ chức bộ máy và nhân lực

- Bệnh viện có quy mô 170 giường kế hoạch.

- Tổ chức bộ máy: Ban Giám đốc gồm 01 Phó Giám đốc phụ trách, 01 Phó Giám đốc; Có 05 phòng chức năng (phòng Tổ chức - Hành chính; phòng Tài chính - Kế toán; phòng Kế hoạch tổng hợp; phòng Quản lý chất lượng; phòng Điều dưỡng), 08 khoa (khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực & Chống độc; khoa Nội - Nhi; khoa Ngoại - Phụ - Ngũ quan; Khoa VLTL - Phục hồi chức năng; khoa Châm cứu Dưỡng sinh; khoa Khám bệnh đa khoa; khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh; khoa Dược)

- Tổng số cán bộ viên chức và người lao động: 191 người (148 cán bộ viên chức, hợp đồng 43), trong đó: 66 Bác sĩ; 19 Dược sĩ; 75 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên; 31 cán bộ khác.

- Khoa dược có 29 cán bộ (04 dược sĩ chuyên khoa I; 06 dược sĩ đại học; 03 cao đẳng; 04 trung cấp; 02 dược tá; 10 cán bộ khác) có 01 Trưởng khoa, 02 Phó Trưởng khoa, Khoa Dược có các tổ, bộ phận: hành chính; kho và cấp phát; bộ phận kiểm soát, kiểm nghiệm, dược lâm sàng; tổ sản xuất.

2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

2.1. Cơ sở vật chất

- Bệnh viện xây dựng mới năm 2005 trên diện tích 28.722,8 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 12.765 m2. Khoa Dược có 2 khối nhà, khối nhà 1 tầng có 792 m2, khối nhà 3 tầng có 1.176 m2 sàn.

- Bệnh viện có đầy đủ hệ thống sân vườn, đường đi nội bộ cây xanh, vườn thuốc nam tạo cảnh quang, lưu giữ gen quý và phục vụ học tập. Có hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Hệ thống trạm biến áp riêng đảm bảo công suất sử dụng.

- Khoa Dược có 02 khối nhà: Khối nhà điều chế dược 01 tầng, diện tích sàn 792 m2; Khối nhà Khoa dược 03 tầng, diện tích sàn 1.176 m2; Nhà thuốc Bệnh viện, diện tích 28 m2.

2.2. Trang thiết bị y tế

- Trang thiết bị của Bệnh viện mới chỉ đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. So với định mức quy định tại Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 của UBDN tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị y tế chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế số đầu trang thiết bị đạt 19,98%; Theo Quyết định số 4682/QĐ-BYT ngày 10/11/2020 của Bộ Y tế về Ban hành Danh mục trang thiết bị sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, số trang thiết bị tại Bệnh viện đạt 10,5%.

- Riêng thiết bị cho công tác dược hiện có 16 thiết bị còn hoạt động được bằng: 14,8% theo định mức tại Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 của UBDN tỉnh; 5,8% theo Quyết định số 4682/QĐ-BYT ngày 10/11/2020 của Bộ Y tế.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ

1. Kết quả khám chữa bệnh

- Số lượt bệnh nhân khám bệnh, điều trị nội trú, ngoại trú tăng dần hàng năm. Từ năm 2015 đến năm 2019: Số lượt khám bệnh tăng 54%, số bệnh nhân điều trị ngoại trú tăng hơn 90%, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 9%, công suất sử dụng giường bệnh tăng 12%. Trong năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm hơn nhưng công suất sử dụng giường bệnh vẫn đạt khoảng 100%-120%.

- Tỷ lệ triển khai dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến năm 2021 đạt 81,7% dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực YHCT.

2. Kết quả bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền

Bệnh viện có truyền thống bào chế cao đan hoàn tán hơn 50 năm nay, ngay từ khi Bệnh viện mới thành lập đã sản xuất thuốc các dạng như: thuốc bột; viên hoàn cứng; viên hoàn mềm; cao thuốc; rượu thuốc; cốm thuốc... Có nhiều sản phẩm được bào chế hoàn toàn từ thuốc nam hiện nay còn đang dùng cho người bệnh điều trị nội và ngoại trú.

Bệnh viện đã sản xuất 36 sản phẩm thuốc cổ truyền với nhiều dạng thuốc khác nhau. Tuy vậy các sản phẩm do Bệnh viện sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền của Bộ Y tế ban hành, thời gian bảo quản ngắn, nhiều dạng chế phẩm khó sử dụng, khó bảo quản.

3. Đào tạo chuyển giao kỹ thuật

- Hàng năm Bệnh viện có chuyển giao kỹ thuật châm kim dài, châm xuyên huyệt, cấy chỉ, phương pháp kê đơn thuốc thang, xây dựng bài thuốc sản xuất chế phẩm cho các đơn vị tuyến huyện.

- Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đã hỗ trợ cho các Trung tâm Y tế huyện: Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc triển khai bào chế thuốc cổ truyền dạng cao lỏng, các sản phẩm là: Dưỡng tâm thang, Bổ huyết thang, Dưỡng cốt thang, Thoái hóa xương khớp, Dưỡng tâm bổ khí với số lượng đủ cho người bệnh dùng tại tuyến huyện.

4. Công tác tài chính

Bệnh viện đã thực hiện được cân đối thu chi và thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ năm 2018 có tích lũy, chi thu nhập tăng thêm cho viên chức người lao động từ 0,25 -0,7 triệu đồng/người/tháng.

Phần thứ ba

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THUỐC ĐÔNG DƯỢC THUỘC BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VĨNH PHÚC

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Đảm bảo tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất (GMP) vị thuốc, thuốc cổ truyền nhằm: đáp ứng điều kiện thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện và tại các đơn vị y tế trong tỉnh; nâng cao chất lượng vị thuốc, thuốc cổ truyền trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực tự chủ tài chính cho đơn vị; giảm chi phí cho người bệnh và chi quỹ Bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả nghiên cứu, thừa kế, bảo tồn, phát triển vùng dược liệu, bài thuốc hay; đem lại hiệu quả kinh tế cho chuỗi trồng thu hái dược liệu, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh và góp phần bảo tồn bản sắc, thể hiện tinh thần tự lực của Bệnh viện, của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2024, Trung tâm được cấp chứng nhận đạt GMP thuốc cổ truyền, GMP vị thuốc cổ truyền.

- Từ năm 2023, thực hiện bào chế được 12-15 sản phẩm thuốc cổ truyền với 3 dạng: trà túi lọc, viên hoàn cứng, thuốc nước đóng ống đáp ứng cho điều trị 5.000 - 6.000 người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện. Từ năm 2024, đáp ứng tăng thêm cho 3.000 - 3.500 người bệnh tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

- Nghiên cứu, thừa kế, bảo tồn, phát triển 01 sản phẩm/năm là bài thuốc hay/cây thuốc đặc hữu tại địa phương.

2. Phạm vi triển khai

Triển khai một cơ sở bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền đạt đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất vị thuốc, thuốc cổ truyền dạng trà túi lọc, viên hoàn cứng, thuốc nước đóng ống.

3. Địa điểm thực hiện đề án

Tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG ĐỀ ÁN

1. Phương án phát triển Trung tâm Thuốc đông dược

Trung tâm Thuốc đông dược được thành lập trên cơ sở phát triển khoa Dược của Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc.

1.1. Tên gọi & trụ sở

- Tên gọi: “TRUNG TÂM THUỐC ĐÔNG DƯỢC VĨNH PHÚC” thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc

- Trụ sở: Đặt tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc, đường Nguyễn Tất Thành, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

1.2. Địa vị pháp lý

- Con dấu: Không có con dấu riêng, sử dụng con dấu của Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc.

- Tài khoản: Không có tài khoản riêng, các hoạt động thu chi của Trung tâm như một khoa của Bệnh viện, được hạch toán chung vào nguồn thu của Bệnh viện.

1.3. Vị trí, chức năng

- Vị trí: Trung tâm Thuốc đông dược là đơn vị chuyên môn thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc, chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc Bệnh viện theo quy định của pháp luật.

- Chức năng: Trung tâm có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc Bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm: đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; bào chế vị thuốc, thuốc cổ truyền theo tiêu chuẩn GMP thuốc cổ truyền đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa chữa bệnh nội trú, ngoại trú tại Bệnh viện và các đơn vị y tế trong tỉnh.

1.4. Nhiệm vụ

- Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của khoa Dược bệnh viện được quy định tại Điều 3, Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 của Bộ Y tế Quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện;

- Lập kế hoạch bào chế dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chất lượng cho nhu cầu điều trị và thử nghiệm lâm sàng nhằm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị và các yêu cầu chữa bệnh khác trong và ngoài Bệnh viện.

- Quản lý, triển khai bào chế dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, phát triển sản phẩm mới, phục vụ các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu trong và ngoài Bệnh viện theo quy định hiện hành.

- Thực hiện công tác kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng tham gia công tác đánh giá lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong của thuốc cổ truyền do Trung tâm sản xuất.

- Phối hợp với các tập thể, cá nhân thực hiện công tác đánh giá và xây dựng bài thuốc, hoàn thiện qui trình sản xuất thuốc, xây dựng tiêu chuẩn thuốc y học cổ truyền. Hoàn thiện và nộp báo cáo hoạt động chế biến, bào chế thuốc cổ truyền về cơ quan có thẩm quyền định kỳ hàng năm theo quy định

- Tham gia theo dõi, quản lý, hạch toán tài chính của Trung tâm và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Bệnh viện giao.

1.5. Cơ cấu tổ chức

- Lãnh đạo: 01 Giám đốc Trung tâm, 01 Phó Giám đốc trung tâm

- Các bộ phận trực thuộc:

1- Khoa Dược: Thực hiện chức năng được quy định tại Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 của Bộ Y tế Quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện

2- Khoa Bào chế: Thực hiện chức năng bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền.

3- Phòng Kiểm nghiệm (QC - Quality Control): Có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra từng công đoạn trong quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm, bán thành phẩm; Thực hiện chức năng kiểm nghiệm, xác định chất lượng dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền bào chế tại Trung tâm theo tiêu chuẩn cơ sở từ khâu bào chế, bảo quản, lưu thông.

4- Phòng Đảm bảo chất lượng (QA Quality Assurance) và dịch vụ khách hàng: Thực hiện chức năng quản lý chất lượng, đảm bảo sản phẩm tạo ra sẽ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng như đã đăng ký. Thông qua việc xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và giám sát, đo lường các tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra; thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin khách hàng.

1.6. Biên chế, người lao động

- Biên chế của Trung tâm là biên chế sự nghiệp, nằm trong tổng biên chế của Bệnh viện được cấp có thẩm quyền giao hàng năm theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và lao động hợp đồng do Bệnh viện ký với người lao động.

- Tổng số cán bộ, người lao động dự kiến 29, trong đó: Dược sĩ đại học và trên đại học 11; dược sĩ trung cấp, dược tá 12; cán bộ khác 6.

1.7. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

a) Cơ sở vật chất

Triển khai hoạt động Trung tâm Thuốc đông dược gồm toàn bộ khoa Dược hiện hữu với khối nhà 1 tầng 792 m2, Toàn bộ khối nhà 3 tầng có 1.176 m2 sàn.

Vị trí khoa Dược hiện tại nằm ở góc đông bắc khuôn viên Bệnh viện, giáp cổng số 2 khi triển khai không phá vỡ quy hoạch Bệnh viện, đảm bảo cho hoạt động của cơ sở 2 - Bệnh viện Dã chiến số 1 và đảm bảo Trung tâm có quy mô sản xuất, quy trình một chiều theo theo tiêu chuẩn GMP thuốc cổ truyền, GMP vị thuốc cổ truyền.

b) Trang thiết bị y tế

Danh mục thiết bị y tế của Trung tâm Thuốc đông dược có trong danh mục định mức thiết bị y tế quy định tại Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 của UBND tỉnh và Quyết định số 4682/QĐ-BYT ngày 10/11/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục trang thiết bị sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

(Chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo)

1.8. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính

a) Cơ chế hoạt động

- Trung tâm Thuốc đông dược hoạt động theo quy chế hoạt động của Trung tâm và quy chế hoạt động chung của Bệnh viện.

- Trung tâm Thuốc đông dược chịu sự chỉ đạo toàn diện về tổ chức bộ máy nhân sự, quản lý điều hành hoạt động bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền từ Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc theo quy định của pháp luật.

- Trung tâm Thuốc đông dược có mối quan hệ hợp tác, liên kết trong nghiên cứu, thông tin thuốc, đào tạo nguồn nhân lực y tế và phát triển năng lực bào chế, nghiên cứu, kiểm nghiệm với các dự án, đề án, chương trình, tổ chức trong nước và quốc tế và các cơ sở đào tạo khác theo quy định của Bệnh viện.

- Giám đốc Trung tâm chỉ đạo, điều hành và quản lý chung mọi mặt hoạt động của Trung tâm Thuốc cổ truyền, chịu sự quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Bệnh viện.

b) Cơ chế tài chính

Trung tâm thực hiện cơ chế tài chính chung của Bệnh viện (tự đảm bảo chi thường xuyên) như một khoa, phòng của Bệnh viện; chịu sự quản lý, theo dõi về tài chính của Giám đốc Bệnh viện và theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Lộ trình phát triển Trung tâm Thuốc đông dược

2.1. Năm 2022

- Xây dựng, ban hành Đề án và thành lập Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc.

- Thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hoàn thiện khu vực bào chế thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn GMP. Đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ.

2.2. Năm 2023

Tiếp tục thực hiện cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị hoàn thiện khu vực bào chế dược liệu, vị thuốc cổ truyền, chiết tách dược liệu, kho dược, kiểm nghiệm và đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ.

2.3. Năm 2024

- Tiếp tục thực hiện đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ

- Hoàn thiện thủ tục cấp chứng nhận GMP thuốc cổ truyền, GMP vị thuốc cổ truyền từ Cục Y Dược cổ truyền. (Chi tiết nội dung các bước tại phụ lục 2 kèm theo)

3. Kinh phí thực hiện Đề án

3.1. Dự toán kinh phí: 37.000 triệu đồng

(Bằng chữ: Ba mươi bảy tỷ đồng chẵn)

 (Chi tiết tại Phụ lục số 3,4,5,6,8 kèm theo)

Trong đó:

1.

Chi cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất

18.200

Triệu đồng

2.

Mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị dây chuyền sản xuất,…

18.000

Triệu đồng

3.

Đào tạo chuyển giao công nghệ

500

Triệu đồng

4.

Hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận GMP; tổ chức tổng kết Đề án

300

Triệu đồng

3.2 Nguồn kinh phí:

1.

Nguồn ngân sách nhà nước chi sự nghiệp:

34.500

Triệu đồng

2.

Nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Bệnh viện:

2.500

Triệu đồng

3.3 Phân kỳ đầu tư

a) Năm 2022:

- Chi cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất

- Trang thiết bị y tế, thiết bị dây chuyền sản xuất,…

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ:

- Nguồn vốn:

Ngân sách nhà nước

Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

16.400

8.200

8.000

200

 

15.600

800

Triệu đồng

Triệu đồng

Triệu đồng

Triệu đồng

 

Triệu đồng

Triệu đồng

b) Năm 2023:

- Chi cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất

- Trang thiết bị y tế, thiết bị dây chuyền sản xuất,…

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ:

- Nguồn vốn:

Ngân sách nhà nước

Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

20.200

10.000

10.000

200

 

18.900

1.300

Triệu đồng

Triệu đồng

Triệu đồng

Triệu đồng

 

Triệu đồng

Triệu đồng

c) Năm 2024:

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ:

- Chi khác: (Đăng ký giấy chứng nhận GMP với Cục Y Dược cổ truyền; Hội nghị)

- Nguồn vốn:

Ngân sách nhà nước

Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

400

100

 

 


300

400

Triệu đồng

Triệu đồng

 

 


Triệu đồng

Triệu đồng

4. Hiệu quả của Đề án

4.1. Hiệu quả về mặt xã hội

- Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về: bảo tồn, phát huy, phát triển nền y học cổ truyền; là cơ sở quy tụ, nghiên cứu, ứng dụng, bảo tồn và phát triển bài thuốc, cây thuốc hay đang lưu truyền trong dân gian; phát triển công nghiệp dược, xây dựng mũi nhọn thiết yếu trong hoạt động khám, chữa bệnh của tỉnh; tạo thành chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã, hộ nông dân trồng dược liệu ở khâu thu mua, bào chế thành sản phẩm hiện đại, góp phần nâng giá trị trồng cây dược liệu tại địa phương; tạo bước đột phá về uy tín và sự hài lòng của người bệnh đối với ngành Y tế; nâng cao uy tín của người dân với sự lãnh đạo của Đảng nhà nước tại địa phương.

- Đối với Bệnh viện, ngành Y tế:

Tạo một mũi nhọn, mũi đột phá về uy tín, chất lượng, khẳng định được vị trí, thế mạnh về sử dụng thuốc từ thảo dược trong công tác điều trị nâng cao sức khỏe nhân dân của Bệnh viện, tăng tỷ lệ người dân được điều trị bằng Y học cổ truyền, được điều trị kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại.

Phát huy năng lực của cán bộ Bệnh viện, triển khai nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, ứng dụng sản phẩm thuốc cổ truyền do Bệnh viện bào chế tới các đơn vị y tế trong tỉnh. Đảm bảo điều kiện Bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên và nâng cao đời sống cán bộ viên chức.

Cải tạo cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị thiết yếu trong danh mục quy định, đáp ứng tiêu chuẩn bào chế dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền. Từng bước thực hiện hiện đại hóa Y học cổ truyền, bảo tồn, kế thừa, phát triển bài thuốc kinh nghiệm hay của Bệnh viện.

Hoạt động của Trung tâm sẽ góp phần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ dược sĩ, bác sĩ của Bệnh viện, bác sĩ, lương y trong toàn tỉnh, từ đó góp phần phát triển nhân lực chuyên ngành YHCT, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thuốc cổ truyền bào chế dưới dạng hiện đại của Trung tâm được triển khai tại các đơn vị y tế trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, nâng tỷ lệ sử dụng y học cổ truyền, thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch về kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Đối với người bệnh, nhân dân Vĩnh Phúc:

Được thụ hưởng thành quả của truyền thống chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược êm dịu, an toàn, hiệu quả ở cấp độ hiện đại, tiện lợi, nâng cao chất lượng sức khỏe với chi phí phù hợp do trung tâm bào chế;

Trung tâm Thuốc đông dược là cơ sở, điều kiện hỗ trợ hệ thống Lương y trong tỉnh triển khai các bài thuốc gia truyền đạt tiêu chuẩn góp phần quy tụ, kế thừa, bảo tồn, phát triển một bộ phận văn hóa của nhân dân.

Trung tâm Thuốc đông dược được thành lập sẽ tạo thành chuỗi khép kín từ quy hoạch nuôi trồng dược liệu đặc hữu - du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh - cơ sở bào chế dược liệu đạt chuẩn GMP và chăm sức sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền tạo nên hướng đi cho phát triển bền vững kinh tế vùng.

Việc phát triển Trung tâm còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lĩnh vực y tế, lĩnh vực phát triển vùng dược liệu, du lịch gắn với chữa bệnh, phát huy, phát triển ưu thế về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống của nhân dân trong tỉnh.

4.2. Hiệu quả về mặt kinh tế

- Đối với Bệnh viện:

Tạo ra nguồn thu từ bào chế dược liệu, thuốc cổ truyền. Dự kiến doanh thu của Trung tâm đạt 8-10 tỷ đồng/năm để Bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, có tích lũy góp phần làm tăng nguồn thu chung cho toàn Bệnh viện.

Bào chế dược liệu, thuốc cổ truyền góp phần giúp Bệnh viện chủ động chất lượng, dạng thuốc hiện đại, hiệu quả, tiện sử dụng là một mũi nhọn, mũi đột phá về uy tín, chất lượng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng thu hút người bệnh, gia tăng sử dụng các dịch vụ y tế, từ đó tăng nguồn thu, tăng tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và nâng cao đời sống cho cán bộ viên chức Bệnh viện.

- Đối với người bệnh: Giảm chi quỹ Bảo hiểm y tế từ 2-5 tỷ đồng/năm, tương đương giảm 1 -2 ngày điều trị trung bình của người bệnh nội trú, do:

Được sử dụng thuốc có chất lượng, có hiệu quả bệnh nhanh khỏi - giảm ngày điều trị trung bình.

Thay vì thực hiện quy trình khám bệnh - kê đơn - bốc thuốc thang - sắc thuốc uống (Thông thường sau khi vào viện bệnh nhân phải đợi trung bình từ 2 - 3 ngày mới được uống thuốc sắc) thì với quy trình kê đơn, lĩnh thuốc cổ truyền đã được bào chế sẵn, người bệnh được uống thuốc ngay ngày đầu vào viện - giảm ngày điều trị (trung bình người bệnh giảm 02 ngày điều trị tương đương 900.000-940.000 VNĐ/lượt người bệnh điều trị nội trú, như vậy so với năm 2021 sẽ tiết kiệm được tương đương 4,41- 4,606 tỷ đồng).

Giá thành thuốc rẻ: thuốc cổ truyền được bào chế trên dây chuyền hiện đại, có khối lượng mẻ lớn, giá chỉ được tính theo chi phí đầu vào và tích lũy không quá 10%, không mất chi phí bản quyền, truyền thông;

Dạng bào chế tinh chất, dễ sử dụng, đáp ứng nhanh giúp cho người bệnh chuyển từ điều trị nội trú sang ngoại trú.

- Nâng giá trị trồng dược liệu, giá trị bài thuốc gia truyền tại địa phương tạo cơ hội phát triển vùng dược liệu, phát triển kinh tế vùng trên ưu thế khí hậu, thổ nhưỡng, danh lam thắng cảnh của địa phương.

- Dự kiến bình quân 1 năm: tổng thu/năm khoảng 10,0 tỷ đồng; chi dược liệu, nhiên liệu, vật tư đầu đầu vào 5,0 tỷ đồng; chi lương các khoản phụ cấp, bảo hiểm, chi khác là 3,464 tỷ đồng; chênh lệch thu chi 1,536 tỷ đồng. Bệnh viện sử dụng nguồn thu này để tái đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, tăng thu nhập cho cán bộ y tế và đảm bảo các điều kiện khác đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. (Chi tiết tại phụ lục 7 kèm theo)

Phần thứ tư

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Các giải pháp trong Đề án này thực hiện cho giai đoạn 2022-2024. Năm 2024 sẽ tổng kết quá trình thực hiện Đề án, các nhiệm vụ và các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo sẽ được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nếu cần thiết. Cụ thể như sau:

1. Thành lập Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy.

2. Cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị theo lộ trình. Hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận GMP thuốc cổ truyền, GMP vị thuốc cổ truyền. (Chi tiết tại Phụ lục 8 kèm theo)

3. Triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu, đánh giá chuẩn hóa chất lượng các chế phẩm truyền thống của Bệnh viện theo dạng, thuốc trà túi lọc, thuốc viên hoàn cứng và thuốc nước đóng ống.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản phẩm sản xuất mới thông qua kế thừa, nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc gia truyền trong Hội Đông y tỉnh.

5. Phát triển, liên kết từ 2-3 hợp tác xã trồng thuốc nam đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, nâng cao chất lượng chế phẩm YHCT.

6. Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh trong việc giới thiệu, phát triển chế phẩm chăm sóc sức khỏe, liên kết vùng dược liệu với du lịch sinh thái.

Phần thứ năm

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Quyết định thành lập Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án; định kỳ báo cáo sơ, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án, tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính

Thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nội dung trong Đề án thuộc nguồn ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp); phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thuộc nguồn chi sự nghiệp theo đúng quy định hiện hành.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thanh toán chi phí thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền được sản xuất từ Trung tâm Thuốc Đông dược và sử dụng điều trị người bệnh.

4. Các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện Đề án.

5. Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc

- Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm; tổ chức triển khai thực hiện Đề án, chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của Đề án; xây dựng nội dung hoạt động và dự trù kinh phí triển khai Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Căn cứ vào nội dung Đề án, phối hợp với các cơ quan đơn vị có kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế, kèm dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Duy trì và phát triển các kỹ thuật chuyên môn, công nghệ đã được chuyển giao, bảo đảm kết quả bền vững của Đề án.

- Tổ chức tuyên truyền cho người dân sử dụng các chế phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe. Ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng thuốc cổ truyền, tạo ưu thế thuốc từ dược liệu, từng bước xây dựng vùng dược liệu gắn với du lịch sinh thái, phát huy ưu thế vùng khí hậu thổ nhưỡng của địa phương.

- Đối ứng kinh phí từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để triển khai các nội dung trong Đề án này; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

- Thực hiện định kỳ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án, báo cáo Sở Y tế và các cơ quan liên quan.

Trên đây là Đề án phát triển Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc triển khai thực hiện./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 620/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển Trung tâm Thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 620/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Việt Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản