Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ KHÁM CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 45/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2019 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2018; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo kết quả giám sát số 45/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2019 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2018 và nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh đã được quan tâm, chú trọng; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Hệ thống tổ chức, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế được tăng cường nhân lực y tế được tăng cường; nhân lực y tế được bổ sung và được đào tạo thường xuyên; chất lượng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và các dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện hàng năm được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân; công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị được tăng cường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh được tăng lên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về khám chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được quan tâm, chú trọng.

Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế với tổng số 3.110 giường bệnh (GB); 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế các huyện, thành phố; có 03 bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành với 500 GB; có 209 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập được cấp phép hoạt động, trong đó có 01 bệnh viện đa khoa với 250 GB, còn lại là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở chẩn trị y học cổ truyền. Tổng số cán bộ biên chế trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế là 4.408 người; trong đó: bác sỹ có 1.160 người, đạt tỷ lệ 10,6 bác sĩ trên vạn dân.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất được tỉnh quan tâm bố trí với tổng mức đầu tư công nâng từ 4% giai đoạn 2010-2015 lên 7% nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh cho ngành Y tế giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã bố trí 3.193,374 tỷ đồng; đặc biệt tỉnh tập trung xây dựng hoàn chỉnh hai công trình trọng điểm của tỉnh là Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 GB, Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 500 GB; xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên giai đoạn 2, đầu tư xây dựng TTYT huyện Vĩnh Tường giai đoạn 3, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo giai đoạn 2, đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên giai đoạn I và đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất của một số Trung tâm Y tế tuyến huyện; đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết số 94/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Công tác đầu tư trang thiết bị y tế được tỉnh quan tâm; tỉnh bố trí khoảng 220 tỷ đồng cho các đơn vị y tế mua trang thiết bị y tế; các đơn vị y tế tự trang bị thêm một số trang thiết bị y tế từ nguồn thu của đơn vị. Đến nay, danh mục các trang thiết bị tại các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 82,6% tại tuyến và 42,4 % vượt tuyến; tại các trung tâm y tế tuyến huyện đạt 62% tại tuyến và 5,7% vượt tuyến, danh mục các loại trang thiết bị hiện có tại các trạm y tế tuyến xã đạt 82% tại tuyến.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế được tỉnh quan tâm coi trọng, bố trí ngành y được cử đi nâng cao trình độ chuyên môn; có 633 bác sĩ, đạt 54,6% tổng số bác sĩ toàn ngành được đào tạo dài hạn 6 năm; có 527 bác sĩ, đạt 45,4% tổng số bác sĩ toàn ngành được đào tạo chuyên tu hoặc liên thông; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện Sản-Nhi có số bác sĩ được đào tạo dài hạn 6 năm đạt 92-94% tổng số bác sĩ; toàn tỉnh có 48/70 tiến sỹ và bác sỹ chuyên khoa 2 được cử đi đào tạo đạt 68,6% tổng số người theo chỉ tiêu; có 155/145 bác sỹ chuyên khoa 1 và thạc sỹ được cử đi đào tạo, đạt 106,9% tổng số người theo chỉ tiêu; trong tổng số 4.408 cán bộ toàn ngành, có 2.021 người có trình độ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 45,8%. Tỷ lệ bác sĩ có trình độ cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Y tế, đạt trung bình là 54,5%; các chỉ tiêu theo kế hoạch giao hàng năm đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch; có 06/13 chỉ tiêu của Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05/12/2016 của Tỉnh ủy đạt và vượt mục tiêu nghị quyết. Một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên) như: nút mạch máu u xơ tử cung, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch gan, phẫu thuật u tủy vi phẫu, xạ hình xương, can thiệp mạch... đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng; 100% các đơn vị y tế ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán khám chữa bệnh BHYT; số bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương ngày giảm dần. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường với 241 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, đã xử lý phạt vi phạm hành chính đối với 26 cơ sở với tổng số tiền phạt là 420,4 triệu đồng; dừng hoạt động với 34 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện kiểm tra liên ngành đối với 22 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thu hồi về Quỹ BHYT với số tiền 6,7 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại một số các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện còn thiếu, xuống cấp, lạc hậu không đáp ứng được quy mô hiện tại và nhu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng đang xây dựng chưa đi vào hoạt động; Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên chưa có trụ sở phải mượn tạm địa điểm để hoạt động. Một số trung tâm y tế cấp huyện cơ sở hạ tầng xuống cấp; thiết kế xây dựng ban đầu không đồng bộ lạc hậu. Danh mục các loại trang thiết bị hiện có tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh mới đạt bình quân khoảng 60-70%, tuyến huyện đạt khoảng 50%; Tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa 2 và tương đương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên còn thấp, mới đạt trung bình 10% (chỉ tiêu cần đạt của Bộ Y tế đến năm 2020 là 20%); tỷ lệ bác sĩ có trình độ trên đại học tại các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại chưa đạt yêu cầu của Bộ Y tế, đạt trung bình 31% (chỉ tiêu của Bộ Y tế đến năm 2020 là 50%); tỷ lệ bác sĩ trên số Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật viên chưa đảm bảo quy định. Do vậy, ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh. Công tác đào tạo chuyên ngành bác sỹ gia đình và đào tạo chuẩn chức danh cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 03-NQ/TU còn vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể của trung ương về cơ chế tài chính, chưa xây dựng được Kế hoạch đào tạo chuyên ngành bác sỹ gia đình và đào tạo chuẩn chức danh cho trạm y tế xã. Chính sách thu hút, ưu đãi đối với cán bộ y tế có trình độ sau đại học theo Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh còn vướng mắc, không hiệu quả. Công tác chỉ đạo tuyến của các trung tâm y tế tuyến huyện đối với các trạm y tế cấp xã chưa được coi trọng; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nên tình trạng chuyển tuyến điều trị còn cao. Việc bố trí số giường bệnh theo kế hoạch chưa phù hợp so với nhu cầu thực tế khám chữa bệnh nên dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được triển khai thực hiện. Công tác xã hội hóa y tế còn nhiều hạn chế. Công tác phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với các cơ sở khám chữa bệnh chưa chặt chẽ; việc phân bổ số thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cơ sở khám chữa bệnh.

Nhiều trạm y tế cấp xã không sử dụng hết công năng của các phòng làm việc gây lãng phí về cơ sở vật chất. Một số trạm y tế cấp xã có số lượng bệnh nhân đến khám bệnh hàng ngày rất ít, là một trong những nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực tại các trạm y tế cấp xã. Còn Trạm Y tế thị trấn Thanh Lãng chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế do không đảm bảo về cơ sở vật chất; trụ sở làm việc của một số trạm y tế cấp xã đã xuống cấp nhiều song chưa được sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh và chương trình mục tiêu y tế quốc gia; một số trạm y tế có thiết bị nhưng chưa bố trí được nhân viên biết sử dụng thiết bị. Việc bố trí biên chế cho một số trạm y tế cấp xã chưa phù hợp, chưa đúng theo quy định; tỷ lệ trạm y tế cấp xã có nữ hộ sinh trung học hoặc y sĩ sản nhi chưa đạt 100% theo quy định về các chỉ tiêu y tế cơ bản. Số thuốc phục vụ cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quá ít, không đáp ứng nhu cầu của người bệnh, chưa đảm bảo theo quy định của Thông tư số 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Một số trạm y tế cấp xã chưa thực hiện đúng các quy định về hành nghề y, dược tư nhân, chưa phát huy được hiệu quả của vườn thuốc nam phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bằng thuốc nam.

Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp liên ngành, giữa ngành với chính quyền các cấp trong đầu tư xây dựng hạ tầng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng UBND cấp huyện đã ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn cấp huyện. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở thiếu kiểm tra, giám sát, thậm chí buông lỏng công tác quản lý, có tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; việc phát hiện, xử lý các vi phạm về chính sách khám chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Công tác tuyên truyền chưa sâu, còn dàn trải. Ý thức chấp hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT của một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, doanh nghiệp, người dân chưa cao, nên tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHYT, lạm dụng Quỹ BHYT vẫn còn xảy ra; việc chi phí cho công tác khám chữa bệnh ở một số cơ sở vẫn chưa đảm bảo theo quy định dẫn đến tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh bị cơ quan BHXH không thanh toán với so tiền lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa xử lý nghiêm các sai phạm. Việc bố trí nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cao chưa thực sự hấp dẫn; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tuy đã được quan tâm, chú trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Công tác phối hợp giữa cấp, các ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa kịp thời.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chính sách về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT có nhiều sự thay đổi, còn nằm rải rác ở nhiều văn bản, thiếu tính đồng bộ, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn. Tỷ lệ bình quân bệnh nhân vào viện điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là 16,37% (theo số liệu cuối năm 2018) cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước là 8,91%), là một trong những nguyên nhân gia tăng chi phí khám chữa bệnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác khám chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập về công tác khám chữa bệnh hiện nay mà Đoàn giám sát đã chỉ ra. Thực hiện hoàn thành và có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05/12/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI và Kế hoạch số 80-KH/TU ngày 29/01/2018 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo, thu hút các chuyên gia y tế giỏi có trình độ cao về công tác tại tỉnh để đảm bảo đến năm 2020 đạt về số lượng bác sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ, chuyên khoa II và tiến sĩ tại các tuyến theo quy định của Bộ Y tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện các kỹ thuật phân tuyến theo mục tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU đề ra. Có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được biệt phái, đào tạo bồi dưỡng và thu hút giai đoạn 2017 - 2021.

3. Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, điều dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, chăm sóc người cao tuổi và cung cấp các dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu của người có thu nhập cao, người nước ngoài sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh.

4. Rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở, từ đó điều chỉnh quy hoạch lại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế, nhất là các trạm y tế xã, phường, thị trấn, phát triển hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo có chất lượng.

5. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực: Ung bướu, tim mạch, sản, nhi, ngoại chấn thương và các lĩnh vực khác, phát triển mạng lưới khoa vệ tinh ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện.

6. Ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh cho ngành y tế, đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho ngành y tế đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi đạt tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại; xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên giai đoạn II; đồng thời đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số Trung tâm Y tế huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương.

7. Chỉ đạo UBND cấp huyện, thành phố đầu tư sửa chữa các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã xuống cấp để duy trì đạt chuẩn quốc gia bền vững theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Bình Xuyên khẩn trương đầu tư xây dựng Trạm Y tế thị trấn Thanh Lãng đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm 2019.

8. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến; bảo đảm tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân, tỷ lệ giữa bác sĩ và điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên theo lộ trình. Chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao để có những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến. Quan tâm đào tạo bác sĩ gia đình và đào tạo đạt chuẩn chức danh cho trạm y tế cấp xã theo Nghị quyết số 03-NQ/TU.

9. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, phát triển lĩnh vực y, dược cổ truyền với tiềm năng lợi thế của tỉnh về nguồn dược liệu. Quy hoạch vùng trồng cây thuốc dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, phát triển công nghệ sau thu hoạch bào chế, sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và trong nước.

10. Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và hành nghề y dược tư nhân. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Đảng ủy Khối các cơ quan, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực các huyện, thành ủy; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc;
- CPVP, CV Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Lưu: VT, TH(01).L(100).

CHỦ TỊCH




Trần Văn Vinh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2019 về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 46/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Trần Văn Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản