UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 614/QÐ-UBND.HC | Thành phố Cao Lãnh, ngày 26 tháng 5 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lấn thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X;
Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 95/SGTVT-KHKT ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Sở Giao thông Vận tải về việc phê duyệt đề án Phát triển giao thông nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển giao thông nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
Điều 2. Giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban ngành Tỉnh liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành Tỉnh: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 614/QĐ-UBND.HC ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
I. Sơ lược vị trí địa lý, hành chính và tình hình kinh tế tỉnh Đồng Tháp:
Tỉnh Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 162km, có ranh giới giáp các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang và thành phố Cần Thơ, có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 52km, với 2 cửa khẩu chính là Thường Phước và Dinh Bà. Phần lớn diện tích của Tỉnh nằm trong vùng chịu ảnh hưởng lũ Sông Tiền và Sông Hậu, hàng năm nước lũ ngập kéo dài khoảng 3 tháng, mức độ ngập sâu từ 1,0m ÷ 3,0m tuỳ theo địa hình.
Các đơn vị hành chính trực thuộc Tỉnh gồm có 09 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố, Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp với hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn, 72% lực lượng lao động đang làm việc và sinh sống nhờ vào các hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; đây là khu vực còn nhiều tiềm năng cho phát triển trong tương lai, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp lực lượng lao động cho xã hội; do đó nông thôn cần phải được phát triển toàn diện, bền vững và ổn định, để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; đặc biệt hệ thống giao thông nông thôn đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
II. Hiện trạng hệ thống giao thông:
Hiện tại có 2 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ và đường sông, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm cả giao thông nông thôn trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, Nhà nước tập trung huy động nhiều nguồn vốn, phối hợp với sự đóng góp của nhân dân, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đến nay mạng lưới giao thông trong tỉnh cơ bản hình thành và đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại cho nhân dân.
1. Đường bộ:
a. Quốc lộ: trên địa bàn Tỉnh có 05 tuyến quốc lộ bao gồm: QL30, QL80, QL54, QLN1 và QLHCM với tổng chiều dài trên 190km, trong đó có một số tuyến đang được Trung ương đầu tư nâng cấp (QL80, QL54, QL30, QLHCM) và một số tuyến dự kiến đầu tư trong thời gian tới (QLN1).
b. Đường tỉnh: gồm có 15 đường tỉnh có số hiệu từ ĐT841 đến ĐT855 với tổng chiều dài trên 462Km. trong đó:
- Mặt đường láng nhựa: 227Km
- Mặt đường cấp phối: 55Km
- Còn lại là đường đất và chưa đắp nền: 180Km
c. Giao thông nông thôn: nối liền các xã và ấp khu vực nông thôn.
- Quy mô nền đường hầu hết rộng 4m - 7m, chủ yếu kết hợp sử dụng các tuyến bờ bao hiện có ven hệ thống kênh rạch, hàng năm thường bị lũ tác động gây sạt lỡ.
- Mặt đường: tỷ lệ bê tông hoá hoặc nhựa hoá mặt đường ngày càng tăng nhanh, đến cuối năm 2008 khối lượng xây dựng mặt đường đạt được như sau:
* Đường huyện : tổng chiều dài 774,5km
Trong đó :
- Mặt đường bê tông xi măng: 235,6 km
- Mặt đường láng nhựa: 412,2 km
- Mặt đường cấp phối: 21,8 km
- Còn lại là đường đất: 104,9 km
* Đường xã : Tổng chiều dài 1.169,1km
Trong đó :
- Mặt bê tông xi măng: 496,9 km
- Mặt đường láng nhựa: 116,0 km
- Mặt đường cấp phối: 97,6 km
- Còn lại là đường đất: 458,6 km
* Đường đô thị: tổng chiều dài 244,5km trong đó có 37,2km đường bê tông xi măng, 171,9km đường nhựa, 9,7km đường cấp phối và 25,7km đường đất.
2. Đường thủy:
Luồng tàu Sông Hậu và Sông Tiền là trục giao thông đường thủy quan trọng nhất của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng; địa bàn tỉnh Đồng Tháp có mật độ hệ thống kênh mương khá dày, nên việc khai thác giao thông đường thủy rất thuận lợi, đặc biệt một số tuyến kênh lớn phục vụ rất tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá:
- Kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.
- Kênh Đồng Tiến.
- Kênh An Phong- Mỹ Hòa.
- Kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Các trục kênh này giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải, liên kết hệ thống giao thông nội vùng với các tuyến chính của Sông Tiền và Sông Hậu; Đặc biệt có một số tuyến giao thông thủy quốc gia đã và đang được đầu tư nâng cấp, với số lượng phương tiện lưu thông rất lớn như Sông Sa Đéc – Lấp Vò, Kênh Nguyễn Văn Tiếp... trong tương lai các tuyến kênh này sẽ ngày càng đóng góp quan trọng cho giao thông đường thủy.
Ngoài ra do mạng lưới giao thông đường thủy phát triển đều khắp, đã hình thành tự nhiên hệ thống cảng và bến thuỷ nội địa tại các trung tâm kinh tế.
III. Kết quả đầu tư hệ thống giao thông nông thôn từ 2001-2008:
1. Kết quả thực hiện:
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Đồng Tháp về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2001-2010 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX).
Những năm qua Tỉnh huy động nhiều nguồn vốn cho phát triển giao thông nông thôn, bao gồm: ngân sách Nhà nước Tỉnh, vốn Trung ương, vốn vay ODA, vốn nhân dân đóng góp…kết quả đầu từ năm 2001 đến năm 2008 như sau:
Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án giao thông 2001-2008:
Danh mục | Tổng Vốn đầu tư (Tr.đ) | Nguồn vốn (Triệu đồng) | |||
TW hổ trợ GTĐP | Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | Nhân dân đóng góp | ||
Tổng số | 815.195 | 80.014 | 188.393 | 428.058 | 118.670 |
- Đường huyện | 263.882 | 56.242 | 92.148 | 101.137 | 14.295 |
- Đường xã | 551.313 | 23.772 | 96.245 | 326.921 | 104.375 |
2. Đánh giá kết quả thực hiện:
a. Những ưu điểm:
- Được sự quan tâm của Trung ương, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và đặc biệt là nhân dân nông thôn ủng hộ, tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn, với tinh thần tự nguyện; cho đến nay hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển đều khắp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm Quốc phòng, An ninh.
- Phần lớn các tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng trên cơ sở kết hợp nền bờ bao của công trình thủy lợi, nên hạn chế một phần chi phí đầu tư và giảm đáng kể chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Quy chế dân chủ cơ sở triển khai thực hiện mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng giao thông nông thôn tại các địa phương, được nhân dân đồng tình; trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án, được nhân dân theo dõi, giám sát, hồ sơ và thủ tục đầu tư được công khai hóa cho nhân dân giám sát, từ đó nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
b. Khó khăn và tồn tại:
- Tuy có nhiều cố gắng trong huy động vốn đầu tư xây dựng giao thông của các cấp chính quyền và nhân dân, song do nguồn tài chính còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, chỉ mới phục vụ được nhu cầu đi lại bình thường, chưa đáp ứng đầy đủ cho việc sử dụng vận chuyển hàng hóa để phát triển kinh tế; đến nay nhiều tuyến đường vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư nâng cấp, hoặc có đầu tư nhưng chưa đồng bộ giữa đường và cầu nên khả năng lưu thông vận chuyển hàng hóa chưa được thuận lợi.
- Hầu hết diện tích tỉnh Đồng Tháp nằm trong khu vực có nền đất yếu và ngập sâu, bị chia cắt bởi nhiều kênh, rạch nên chi phí đầu tư xây dựng giao thông rất cao, ngoài ra vật liệu xây dựng không sẳn có, nên việc bảo trì, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất khó khăn và tốn kém.
- Hiện tại Tỉnh còn 5 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm, 10 xã đường ôtô đi được 1 mùa và 13 xã cù lao đi lại bằng phà, đò; trên nhiều tuyến đường xã hiện nay vẫn còn sử dụng cầu gổ tạm và đò ngang.
- Công tác giải phóng mặt bằng đã trở thành vấn đề phức tạp trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, khối lượng bồi thường giải tỏa lớn nên không tránh khỏi các sai sót, dẫn đến khiếu nại của người dân, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án.
- Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn phức tạp và thường xuyên thay đổi chính sách, các chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, nắm bắt các quy định mới làm chậm tiến độ thực hiện dự án; đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật chuyên ngành đang từng bước kiện toàn nhưng vẫn thiếu nghiêm trọng, công tác quản lý các dự án xây dựng giao thông nhìn chung còn nhiều khó khăn.
- Biến động giá cả vật tư và tình hình tài chính khó khăn của các đơn vị trúng thầu thi công, làm chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành công trình.
- Công tác lập quy hoạch, kế hoạch trong đầu tư xây dựng giao thông và thực hiện quy chế phối hợp giữa các Sở ban ngành Tỉnh và huyện thị chưa chặt chẽ, nên việc chọn danh mục đầu tư của huyện thị thiếu nhất quán, thường xuyên thay đổi, dẫn đến danh mục đầu tư không phù hợp với tiêu chí đề ra.
- Công tác vận động nhân dân đóng góp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm còn gặp trở ngại, một số huyện vùng sâu người dân còn khó khăn nên rất khó vận động dân đóng góp kinh phí đầu tư, các địa phương chỉ có thể vận động thực hiện một số công trình có quy mô nhỏ, kinh phí đầu tư không lớn, những nơi công trình đi qua vùng dân cư thưa thớt, càng khó thực hiện hơn.
IV. Phương hướng phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020:
Mạng lưới giao thông nông thôn hiện tại cơ bản đã hình thành và phân bổ đều khắp, nhiều năm qua được tập trung đầu tư xây dựng, hơn 50% các tuyến đường được nâng cấp mặt đường bằng nhựa và bê tông xi măng, tuy nhiên quy mô đường còn hẹp và hệ thống cầu chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tình hình mới, những hạn chế này đang kiềm hãm phát triển sản xuất ở nông thôn.
1. Mục tiêu xây dựng giao thông nông thôn:
a. Mục tiêu chung:
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/12/2008 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
Nhiệm vụ sắp tới là xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Mục tiêu đến năm 2010 phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Đến năm 2020 xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị, phát triển giao thông nông thôn đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới, gắn kết liên hoàn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm cho việc giao thông đi lại và vận chuyển hàng hoá đến trung tâm xã được thuận lợi và thông suốt quanh năm (cơ bản hoàn thành đường ô tô đến trung tâm xã).
b. Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2010 xe cơ giới 4 bánh đến được trung tâm các xã; xe tải dưới 8 tấn đến được một số xã có trung tâm kinh tế phát triển khá; xây dựng mới các bến phà phục vụ xe ô tô đến trung tâm xã vùng cù lao.
- Đến năm 2020, nâng cấp hệ thống đường hiện có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, xe tải nặng đến được trung tâm kinh tế lớn của các huyện thị, xe tải nhẹ đến được các thị trấn (đô thị loại 5), đường từ trung tâm xã đến các cụm, tuyến dân cư đi lại quanh năm.
2. Quy mô xây dựng đường giao thông nông thôn đến năm 2010:
a. Đường huyện:
- Các tuyến được xây dựng mới đầu tư theo đúng cấp kỹ thuật (tối thiểu là cấp V đồng bằng), các tuyến đường hiện có sẽ được khôi phục, nâng cấp, nâng cao chất lượng mặt đường bằng bê tông hoặc láng nhựa, đạt tiêu chuẩn từ cấp VI trở lên, gắn kết với các hệ thống đường trong Tỉnh để đảm bảo giao thông thuận tiện, không gây ô nhiễm môi trường trong mùa mưa lũ.
- Những đoạn đường đi qua đô thị, khu kinh tế được nâng lên 1 cấp.
- Thay thế các cầu tạm, cầu yếu bằng cầu bê tông cốt thép, sửa chữa duy tu các cầu tạm còn sử dụng được, đảm bảo thông xe từ 5 tấn trở lên.
- Các tuyến đường xây dựng mới, ưu tiên xây dựng cầu kiên cố đồng bộ với đường về tải trọng.
b. Đường xã:
- Các tuyến đường hiện có, xem xét nâng cấp đảm bảo nền rộng từ 5m trở lên, bê tông hoá hoặc từng bước nhựa hoá mặt đường, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm, không gây ô nhiễm môi trường.
- Các tuyến đường dự kiến phát triển mới sẽ được xây dựng đúng cấp theo quy hoạch (tối thiểu từ cấp VI trở lên).
- Xoá cầu gỗ tạm và cầu khỉ thay bằng cầu sắt hoặc bê tông cốt thép.
c. Giao thông nội đồng:
- Là các trục đường đi sâu vào khu vực sản xuất nông nghiệp, kết hợp với các bờ bao thủy lợi nội đồng, hình thành đường giao thông, phục vụ vận tải hàng nông sản, vật tư nông nghiệp và giao thông các phương tiện phục vụ nông nghiệp như máy cày, máy gặt, máy suốt lúa... phục vụ mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa nông thôn.
- Trước mắt chọn cấp đường thiết kế để xây dựng nền đường, bảo đảm quy mô về chiều rộng, tải trọng và cao độ thiết kế phù hợp cho từng vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của xe cơ giới chuyên dùng trong mùa khô.
3. Định hướng phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020:
Đến năm 2020 cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn hệ thống giao thông của Tỉnh, xây dựng mạng lưới đường bộ đảm bảo tính gắn kết liên hoàn giữa hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn; từng bước mở rộng phát triển mạng lưới giao thông đến vùng sâu, vùng xa và ưu tiên phát triển giao thông cho các vùng kinh tế trọng điểm, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển mạnh hơn mạng lưới giao thông nông thôn đến tận các ấp, mở rộng lòng đường, bê tông hóa hoặc nhựa hóa mặt đường các tuyến đường huyện, đường xã còn lại, bê tông hóa các cầu đạt tải trọng H8 trở lên, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng, các phương tiện cơ giới hiện đại có thể giao thông quanh năm đến trung tâm xã.
- Đối với đường huyện: nối từ huyện đến trung tâm xã, những tuyến đường này có tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của mỗi huyện, phục vụ thường xuyên vận tải bằng xe cơ giới, nên cần phải xây dựng đạt chất lượng phù hợp nhu cầu phục vụ, trong thời gian tới các tuyến đường huyện khi đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới phải bảo đảm chiều rộng tối thiểu lưu thông 2 làn xe (2,75m x 2 + 1,0m x 2 = 7,50m) ứng với đường cấp V trong tiêu chuẩn TCVN 4054:2005; trường hợp đường đi qua khu dân cư đông dân, chiều rộng lề đường phải thỏa mãn nhu cầu bố trí một hàng cột điện, khoảng trống dành cho đi bộ, rãnh thoát nước và có thể bố trí thêm cây xanh, lề đường mỗi bên tối thiểu là 3m, quy hoạch chiều rộng toàn bộ nền đường và hành lang đường tối thiểu là 11,50m.
- Đường xã, đường xuống khóm, ấp và đường ra các cánh đồng, tùy theo nhu cầu phát triển giao thông của từng giai đoạn, chọn loại đường với quy mô phù hợp cho nhu cầu sử dụng; về định hướng phát triển lâu dài, đường xã phục vụ được các phương tiện giao thông cơ giới hạng trung, tải trọng trục tiêu chuẩn thiết kế là 6,0 tấn/trục, chiều rộng mặt cắt ngang đường 01 làn xe (3,5m+1,5mx2) đạt cấp VI đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005, đường xã quy mô 01 làn xe phải bố trí các điểm tránh và quay đầu xe; các loại đường giao thông nông thôn khác thiết kế tải trọng trục tiêu chuẩn là 2,50 tấn/trục, chiều rộng nền đường từ 3,5m – 4,0m, mặt đường rộng từ 2,5m – 3,0m tương ứng với đường giao thông nông thôn loại B, phục vụ phương tiện sản xuất nông nghiệp, phương tiện giao thông thô sơ và xe tải nhẹ.
4. Đường Thủy:
Tiến hành lập lại quy hoạch đường thủy, đến năm 2010 phân cấp rõ về quản lý hệ thống sông, kênh, rạch giữa Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện thị xã, thành phố.
- Xác định rõ danh mục và ban hành phân cấp quản lý theo quy định của Nhà nước.
- Điều tra khảo sát lập hồ sơ theo dõi toàn bộ các tuyến, để có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và lập kế hoạch đầu tư khi cần thiết.
- Đầu tư nâng cấp tuyến Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, tạo tuyến vận tải đường thủy liên tỉnh nối từ Sông Tiền đến Sông Hậu.
- Các tuyến giao thông đường thủy khác, chưa xem xét đầu tư nâng cấp trong giai đoạn này, tận dụng hiện trạng sẳn có, duy tu sửa chữa để phục vụ khai thác vận tải.
5. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2009 - 2020:
Đơn vị tính: Triệu đồng
TT | Huyện, thị và thành phố | Tổng cộng | Đường huyện | Đường xã |
| Tổng cộng | 4.471.600 | 2.528.600 | 1.943.000 |
1 | Thị xã Hồng Ngự | 353.100 | 226.900 | 126.200 |
2 | Huyện Tân Hồng | 395.600 | 243.700 | 151.900 |
3 | Huyện Tam Nông | 314.800 | 108.000 | 206.800 |
4 | Huyện Thanh Bình | 576.200 | 495.100 | 81.100 |
5 | Huyện Cao Lãnh | 554.700 | 235.000 | 319.700 |
6 | Thành phố Cao Lãnh | 266.700 | 224.500 | 42.200 |
7 | Huyện Tháp Mười | 464.900 | 95.900 | 369.000 |
8 | Huyện Lấp Vò | 394.900 | 123.700 | 271.200 |
9 | Huyện Lai Vung | 400.400 | 386.700 | 13.700 |
10 | Thị xã Sa Đéc | 271.100 | - | 271.100 |
11 | Huyện Châu Thành | 479.200 | 389.100 | 90.100 |
Ghi chú: huyện Hồng Ngự mới chia tách có chương trình bổ sung sau.
* Phân kỳ đầu tư:
Khối lượng đầu tư dự kiến có 3 giai đoạn:
- Nhóm công trình thực hiện giai đoạn 2009 - 2010: các công trình giao thông cần khắc phục những khiếm khuyết đã được đầu tư giai đoạn trước, các công trình cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Nhóm công trình thực hiện giai đoạn 2011 - 2015: các tuyến đường trục chính gắn kết mạng lưới giao thông toàn tỉnh, có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
- Nhóm công trình thực hiện giai đoạn 2016-2020: nâng cấp và hiện đại hoá một số công trình giao thông, để tăng cường năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Đơn vị tính Triệu đồng
TT | Loại đường | Tổng vốn đầu tư | Giai đoạn đầu tư | ||
2009-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | |||
| Tổng số | 4.471.600 | 284.800 | 2.007.500 | 2.179.300 |
| Đường huyện | 2.528.600 | 231.400 | 1.236.000 | 1.083.000 |
| Đường xã | 1.943.000 | 53.400 | 771.500 | 1.118.100 |
* Về nguồn vốn đầu tư:
Dự kiến huy động các nguồn vốn sau: ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh, ngân sách huyện, vốn ODA và vốn nhân dân đóng góp (đóng góp bằng tiền hoặc đóng góp bằng ngày công lao động); ngoài ra có thể kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng giao thông theo phương thức BT, BOT…
* Cơ cấu các nguồn vốn đầu tư:
- Các huyện biên giới và các huyện kinh tế khó khăn gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam nông, Tháp Mười sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư 90% từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu; còn lại 10% chi phí sẽ do ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn khác để thực hiện.
- Các huyện, thị xã, thành phố còn lại: Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh vốn ngân sách Trung ương, Tỉnh và vốn các chương trình mục tiêu bố trí hỗ trợ 50%, ngân sách cấp huyện và các nguồn huy động khác 50%.
Tỷ lệ đóng góp giữa ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã và nguồn huy động nhân dân do huyện, thị xã và thành phố quyết định, thuộc địa bàn.
Cơ cấu vốn | Tổng cộng | Đường huyện | Đường xã |
|
| ||||
Tổng cộng | 4.471.600 | 2.528.600 | 1.943.000 |
|
- Vốn TW và Tỉnh (tỉnh cân đối khoảng 12%) | 3.077.640 | 1.732.140 | 1.345.500 |
|
- Vốn huyện, thị thành phố và các nguồn quy động khác | 1.393.960 | 796.460 | 597.500 |
|
- Để phát huy hiệu quả Đề án, cần quy hoạch lại hệ thống giao thông toàn Tỉnh, phấn đấu đến năm 2010 mạng lưới đường đến trung tâm các huyện, thị xã và các vùng trọng điểm kinh tế đều được nâng cấp hoàn chỉnh (nhựa hoá mặt đường, kiên cố hoá hệ thống cầu).
- Các huyện, thị xã và thành phố lập quy hoạch hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn; xây dựng chương trình và kế hoạch đầu tư cụ thể theo thứ tự ưu tiên đối với mạng lưới giao thông đường huyện, xã, khóm, ấp; xác định danh mục công trình cần đầu tư, dựa trên khả năng huy động và cân đối được nguồn vốn theo kế hoạch từng năm và từng nhiệm kỳ, chủ động trong công tác kế hoạch hoá, tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đuợc thuận lợi và đúng pháp luật.
- Trong công tác đầu tư, cần phải kết hợp nhiều nguồn vốn, đồng thời đầu tư tập trung theo công trình hoặc tuyến công trình và có sự kết hợp tốt cho việc khai thác đa mục tiêu, bảo đảm dự án đầu tư phát huy hiệu quả tốt nhất; ngoài ra để giảm bớt khó khăn về vốn, cần tăng cường kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT....
- Phối hợp với các viện, trường đại học và các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ xây dựng các loại mặt đường sử dụng vật liệu mới, vật liệu tại chổ, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, tìm giải pháp giảm giá thành xây dựng; đào tạo hướng dẩn kỹ thuật thi công, quản lý và bảo dưởng công trình giao thông cho cán bộ cấp cơ sở, đồng thời phổ cập rộng rải các tài liệu kỹ thuật, kiến thức cơ bản về giao thông nông thôn cho các tầng lớp nhân dân, để mọi người đều có ý thức đóng góp xây dựng và bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông; hàng năm bố trí kế hoạch vốn để duy tu sửa chữa các công trình giao thông nông thôn.
- Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc đầu tư cũng như bảo vệ công trình giao thông, tạo được phong trào quần chúng nhân dân ũng hộ mạnh mẽ xây dựng giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sự tham gia của cộng đồng dân cư cùng với sự hổ trợ của Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác, tạo thành xu thế toàn dân cùng tham gia xây dựng và bảo vệ công trình giao thông nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
- Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các huyện, thị xã và thành phố về quản lý, xây dựng mạng lưới đường giao thông nông thôn (đường huyện và đường xã), các tuyến đường vào vùng nguyên liệu, khu, cụm công nghiệp thực hiện quản lý và đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước, riêng đường nội bộ của xóm, ấp và đường ra các cánh đồng do cộng đồng dân cư hưởng lợi trên địa bàn quyết định.
- Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ban ngành Tỉnh liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh bố trí kế hoạch vốn từ các nguồn: vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước, cân đối ngân sách Tỉnh, vay vốn Kho bạc Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu đề án này.
- Uỷ ban nhân dân Tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phê duyệt thiết kế mẫu, xác định suất đầu tư phù hợp cho các huyện, thị xã, thành phố (suất đầu tư cho từng vùng phải được cập nhật giá thường xuyên theo biến động của thị trường); nghiên cứu, áp dụng và hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình quản lý kỹ thuật chất lượng đối với hệ thống đường huyện, đường xã.
- Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn, xây dựng chương trình thực hiện Đề án, trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn; hàng năm bố trí kế hoạch vốn cho duy tu sửa chữa đường bộ và đường giao thông nông thôn được phân cấp lý; kết hợp các chương trình, dự án khác với việc xây dựng giao thông nông thôn, để phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.
- Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh về phát triển giao thông nông thôn; thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai hóa và quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình giao thông, làm cho mọi người dân đều thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cùng tham gia đóng góp công sức, kinh phí cho công tác xây dựng giao thông nông thôn, góp phần làm giảm áp lực về cân đối ngân sách cho vấn đề này; tăng cường công tác quản lý và bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi của cơ quan quản lý; động viên khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác xây dựng giao thông nông thôn.
Tỉnh Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong phát triển giao thông đường thuỷ, do tận dụng được hệ thống kênh mương sẳn có để lưu thông vận tải mà không phải đầu tư nhiều kinh phí; song hệ thống giao thông đường bộ còn chậm phát triển, nguyên nhân là do suất đầu tư xây dựng công trình giao thông rất cao, mặt khác nguồn vốn huy động còn gặp khó khăn; tuy nhiên nhờ có sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong Tỉnh, sau nhiều năm tập trung nguồn lực đầu tư, đến nay mạng lưới giao thông cơ bản được cải thiện, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng được nhu cầu giao thông đị lại bình thường của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Trong thời gian tới việc đầu tư hoàn chỉnh theo hướng hiện đại và phát triển mở rộng hệ thống giao thông sẽ tiếp tục được ưu tiên, nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và giao thông nông thôn nói riêng phải được thực hiện trước một bước, để tạo điều kiện tốt cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, Quốc phòng, An ninh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
- 1Quyết định 217/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 2Quyết định 39/2012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn thuộc 65 xã đạt tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015
- 3Quyết định 4056/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề cương và dự toán lập Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020
- 4Quyết định 2639/QĐ-UBND năm 2012 điều chỉnh Quy định phê duyệt, ban hành thiết kế mẫu, đơn giá xây dựng mặt đường và cống thoát nước thuộc Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 217/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
- 5Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2002 đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 39/2012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn thuộc 65 xã đạt tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015
- 7Quyết định 4056/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề cương và dự toán lập Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2020
- 8Quyết định 2639/QĐ-UBND năm 2012 điều chỉnh Quy định phê duyệt, ban hành thiết kế mẫu, đơn giá xây dựng mặt đường và cống thoát nước thuộc Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015
Quyết định 614/QĐ-UBND.HC năm 2009 phê duyệt Đề án Phát triển giao thông nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- Số hiệu: 614/QĐ-UBND.HC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/05/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Trương Ngọc Hân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực