Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2015/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 11 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CỦA NGHỀ LƯỚI KÉO (GIÃ CÀO) TRÊN VÙNG BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản;

Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 153/TTr-SNN ngày 13 tháng 10 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (ngư dân thường gọi là nghề giã cào) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, với nội dung như sau:

1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

a) Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo trên vùng biển tỉnh Bình Thuận.

b) Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận; các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển.

2. Cấm hoạt động khai thác có thời hạn đối với nghề lưới kéo đôi (giã cào bay) trong năm

Cấm nghề lưới kéo đôi công suất lớn hơn 150 CV/chiếc (ngư dân thường gọi là nghề giã cào bay) hoạt động khai thác thủy sản trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 7 hàng năm trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận.

3. Cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo

Không cho phép đóng mới phát triển tàu cá để làm nghề lưới kéo (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề lưới kéo đôi); chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác của nghề lưới kéo.

4. Cấp giấy phép khai thác thủy sản cho nghề lưới kéo

a) Không cho phép tàu cá đang hoạt động nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo;

b) Không cấp mới giấy phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo.

5. Trách nhiệm của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương vùng biển

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định tại Quyết định này.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản nghề lưới kéo trên vùng biển của tỉnh; quản lý hoạt động đóng mới tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho nghề lưới kéo đúng theo các quy định tại Quyết định này; lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.

- Theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

- Phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho ngư dân nhằm thực hiện đúng quy định của tỉnh về quản lý hoạt động của nghề lưới kéo;

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương chủ động phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản, lực lượng biên phòng, kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

c) Các sở, ngành liên quan:

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo; phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.

6. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Quyết định này được xử lý theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận: 
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Tổng cục Thủy sản;
- UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên;
- Chủ tịch, các PCT và Ủy viên UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, NCPC, TH, KTN. Đức (34b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương