Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO
ĐIỀU HÀNH GIÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/QĐ-BCĐĐHG

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các thành viên của Ban Chỉ đạo điều hành giá, thành viên Nhóm giúp việc và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, BCĐĐHG, (3b).

TRƯỞNG BAN




PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Văn Ninh

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-BCĐĐHG ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho Ban Chỉ đạo điều hành giá được thành lập theo Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Điều 3. Nguyên tắc chỉ đạo và điều hành chung

1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; các biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 4. Chế độ hoạt động của Ban Chỉ đạo

1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ vào tuần đầu tiên hàng Quý hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết theo quyết định của Trưởng Ban chỉ đạo. Bên cạnh việc họp trực tiếp để thảo luận, Ban Chỉ đạo có thế lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản.

2. Trưởng ban (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) là người chủ trì và kết luận tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo.

3. Báo cáo, đề xuất của Ban Chỉ đạo được gửi lên Thủ tướng Chính phủ; đồng thời được gửi cho các thành viên, tổ chức nơi thành viên công tác; các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

4. Đối với những vấn đề điều hành, quản lý giá phức tạp và/hoặc có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và/hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ban Chỉ đạo có thể mời các chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức và cá nhân có liên quan tham gia góp ý.

5. Các nội dung thảo luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến thảo luận của các thành viên, ý kiến kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo và các tài liệu liên quan được bảo quản, bảo mật theo quy định của pháp luật.

6. Căn cứ tình hình và nội dung cụ thể, Ban Chỉ đạo tổ chức thảo luận, hội thảo; khảo sát, nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo thông tin định kỳ

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành có trách nhiệm cập nhật các thông tin về diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả; biện pháp điều hành, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng; cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến điều hành giá hoặc có tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu hoặc mặt bằng giá; dự báo; các kiến nghị, đề xuất (nếu có). Cụ thể:

- Bộ Công Thương: Báo cáo diễn biến cung cầu, thị trường giá cả trong nước và quốc tế các mặt hàng: Xăng dầu, điện, than, xi măng, thép, sữa, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); đề xuất các giải pháp điều hành, quản lý ở các khâu quy hoạch, sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, tiêu dùng nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng này.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo diễn biến cung cầu, thị trường giá cả các mặt hàng: lúa gạo, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối, đường, vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật; đề xuất các giải pháp điều hành, quản lý ở các khâu quy hoạch, sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, tiêu dùng nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng này.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Báo cáo tình hình điều hành chính sách tiền tệ, thị trường vàng, ngoại hối (Đô la Mỹ); đề xuất các biện pháp điều hành, quản lý nhằm kiềm chế lạm phát; ổn định thị trường vàng, ngoại hối (Đô la Mỹ).

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế; tổng quan thị trường giá cả; phân tích chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá xuất nhập khẩu hàng hóa, các hệ thống chỉ tiêu quốc gia khác; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước; đề xuất giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

- Bộ Y tế: Báo cáo diễn biến cung cầu, giá cả thị trường mặt hàng thuốc phòng, chữa bệnh cho người; giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; tình hình thực hiện kê khai giá các mặt hàng; đề xuất biện pháp điều hành, bình ổn giá các mặt hàng này.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Báo cáo về tình hình giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí) tại các cơ sở giáo dục công lập; đề xuất biện pháp điều hành, bình ổn giá loại hình dịch vụ này.

- Bộ Giao thông vận tải: Báo cáo diễn biến cung cầu, giá cả thị trường giá dịch vụ cảng biển; đề xuất biện pháp điều hành, bình ổn giá mặt hàng này.

- Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo về tình hình giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông, bao gồm cả giá dịch vụ bưu chính viễn thông công ích theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông; đề xuất biện pháp điều hành, bình ổn giá loại hình dịch vụ này.

- Bộ Xây dựng: Báo cáo diễn biến cung cầu, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đề xuất biện pháp điều hành giá loại hình tài sản này.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất ở tại các đô thị lớn; đề xuất biện pháp điều hành giá loại hình tài sản này.

- Các Bộ, ngành khác: Chủ động báo cáo về diễn biến giá cả, cung cầu,... đối với các hàng hóa, dịch vụ do Bộ, ngành mình quản lý.

b) Các hội đồng, tổ công tác liên ngành có liên quan đến điều hành giá (Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Tổ Điều hành thị trường trong nước; Tổ Điều hành xuất khẩu gạo;...) gửi các báo cáo, đề xuất tại các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng, Tổ công tác.

c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Hiệp hội kinh doanh Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Hiệp hội Mía đường Việt Nam; Hiệp hội Phân bón Việt Nam; Hiệp hội Gas; Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam: Báo cáo các thông tin về chi phí, giá thành; diễn biến giá cả; cân đối cung cầu; kế hoạch sản xuất kinh doanh và các thông tin liên quan khác; các kiến nghị, đề xuất (nếu có).

Các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, hiệp hội các ngành hàng khác: báo cáo về diễn biến giá cả, cung cầu... trường hợp có biến động bất thường đối với các hàng hóa, dịch vụ mình sản xuất, kinh doanh.

2. Báo cáo khi có sự điều chỉnh (tăng/giảm) giá hoặc điều hành giá

a) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá (quy định tại điều 19 Luật giá): các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp theo thẩm quyền báo cáo về phương án giá, quyết định điều chỉnh giá, sự thay đổi các yếu tố hình thành giá, các yếu tố sản xuất, kinh doanh đầu vào dẫn đến điều chỉnh.

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá: các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp theo thẩm quyền báo cáo các nội dung liên quan đến kiến nghị áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Luật giá.

c) Trường hợp thực hiện hiệp thương giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan báo cáo hồ sơ hiệp thương giá theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.

3. Báo cáo thông tin đột xuất

Trong trường hợp có diễn biến bất thường về giá cả hàng hóa dịch vụ thiết yếu, quan trọng hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ban Chỉ đạo; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan, đơn vị tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm chủ động và kịp thời báo cáo thông tin về Ban Chỉ đạo (tình hình giá cả, nguyên nhân,...); đồng thời phối hợp với Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các biện pháp bình ổn giá để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Nội dung các báo cáo, đề xuất và các tài liệu có liên quan được bảo quản, bảo mật theo quy định.

5. Phương thức và thời gian báo cáo

a) Báo cáo định kỳ được lập cho hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng và cả năm.

b) Thời gian gửi báo cáo định kỳ: Trước ngày 25 hàng tháng đối với báo cáo tháng; trước ngày 25 của tháng cuối cùng trong kỳ báo cáo đối với báo cáo 3 tháng, 6 tháng và báo cáo năm.

Riêng báo cáo, đề xuất của các Hội đồng, Tổ công tác liên ngành tại điểm b, khoản 1 Điều này được gửi về Ban Chỉ đạo sau cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng, Tổ công tác liên ngành.

c) Báo cáo bằng văn bản được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Địa chỉ: 28 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); đồng thời gửi email đến:

Email: dieuhanhgia@mof.gov.vn

Điều 6. Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo

Thành lập Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 6 Quyết định số 690/QĐ-TTg như sau:

1. Nhiệm vụ của Nhóm giúp việc

a) Xây dựng báo cáo phục vụ các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo, các cuộc thảo luận, hội thảo do Ban Chỉ đạo tổ chức. Tổng hợp và báo cáo kết quả cuộc họp, thảo luận, hội thảo, trình Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

b) Xây dựng báo cáo 6 tháng và thường niên hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

c) Xây dựng chương trình và nội dung tổ chức các hội thảo khoa học, học tập, nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước.

d) Thực hiện công tác văn phòng, điều kiện vật chất, kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, các thành viên Nhóm giúp việc.

Việc điều chỉnh danh sách thành viên Nhóm giúp việc do Phó trưởng Ban Chỉ đạo quyết định cho phù hợp trong từng thời kỳ. Thường trực nhóm giúp việc do Trưởng nhóm giúp việc phân công.

Nhóm giúp việc, được sử dụng con dấu của Bộ Tài chính để triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

2. Thành phần của Nhóm giúp việc

a) Trưởng nhóm: Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính;

b) Phó Trưởng nhóm:

+ Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương;

+ Lãnh đạo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính;

c) Các thành viên khác gồm Lãnh đạo cấp Cục, Vụ của các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ban, ngành khác.

3. Quyền hạn và trách nhiệm của Nhóm giúp việc

a) Trưởng nhóm

- Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về hoạt động của Nhóm giúp việc;

- Phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng nhóm và các thành viên trong Nhóm giúp việc; điều hành chung hoạt động của Nhóm giúp việc.

- Được huy động thành viên khác để thực hiện nhiệm vụ của Nhóm giúp việc.

b) Phó Trưởng nhóm: Giúp Trưởng nhóm điều hành hoạt động chung của Nhóm giúp việc theo phân công của Trưởng nhóm.

c) Thành viên Nhóm giúp việc

- Tham dự và chuẩn bị ý kiến tham gia tại các cuộc họp, thảo luận định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất của Nhóm giúp việc. Chịu trách nhiệm trước Trưởng nhóm về những nội dung được phân công.

- Báo cáo Trưởng Nhóm giúp việc các nội dung liên quan trực tiếp đến điều hành giá hoặc có tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu hoặc mặt bằng giá trong phạm vi lĩnh vực được phân công phụ trách tại cơ quan công tác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Quy chế này. Phương thức và thời gian báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Quy chế này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo, trình Trưởng ban Chỉ đạo xem xét sửa đổi, bổ sung./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 60/QĐ-BCĐĐHG năm 2014 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá

  • Số hiệu: 60/QĐ-BCĐĐHG
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Điều hành giá
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: 29/09/2014
  • Số công báo: Từ số 883 đến số 884
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản