Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60-CP

Hà Nội , ngày 05 tháng 04 năm 1976 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LIỆT SĨ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, để thể hiện đầy đủ hơn nữa sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Chính phủ đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Hội đồng Chính phủ quyết định như sau.

I. XÂY DỰNG NGHĨA TRANG, ĐÀI KỶ NIỆM, BIA GHI CÔNG LIỆT SĨ

Xây dựng nghĩa trang, đài kỷ niệm, bia ghi công liệt sĩ là để ghi lại lâu dài công lao to lớn của liệt sĩ, cổ vũ tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, dũng cảm, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

1. Nghĩa trang liệt sĩ.

Liệt sĩ hy sinh ở địa phương nào, thì chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở địa phương đó có trách nhiệm giữ gìn phần mộ, cất bốc và quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ đã sẵn có; nơi nào chưa có thì xây dựng thành nghĩa trang liệt sĩ mới của xã, huyện, hoặc tỉnh, thành phố.

Nghĩa trang liệt sĩ phải đặt ở những nơi có ý nghĩa tiêu biểu, có phong cảnh đẹp, cao ráo, thuận tiện cho việc đi lại thăm viếng, phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Phải hết sức tránh lấy ruộng đất canh tác nhất là những nơi mầu mỡ để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ.

Các nghĩa trang liệt sĩ phải được xây dựng trang nghiêm, đẹp, có phong cách dân tộc, đó là những công trình văn hoá, những di tích lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.

Những nghĩa trang liệt sĩ chưa đạt yêu cầu nói trên cần phải được dần dần tu sửa lại.

2. Đài kỷ niệm liệt sĩ.

 Đài kỷ niệm liệt sĩ được xây dựng ở những nơi là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước, của từng tỉnh, thành phố và ở những nơi đã xảy ra sự kiện lịch sử đặc biệt mà có một số liệt sĩ đã hy sinh.

Đài kỷ niệm liệt sĩ phải được xây dựng đẹp, bền, có phong cách dân tộc.

3. Bia ghi công liệt sĩ.

Ở các nguyên quán của liệt sĩ thì xây dựng bia ghi công liệt sĩ.           

Nhà nước cấp kinh phí, vật tư để tiến hành cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng đài kỷ niệm và nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố.

Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được huy động và sử dụng công lao động nghĩa vụ của nhân dân địa phương, theo chế độ đã quy định, để tiến hành các công việc xây dựng đài kỷ niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố.

Việc xây dựng đài kỷ niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh, thành phố phải có quy hoạch và được thực hiện dần từng bước với tinh thần hết sức trọng thị, đồng thời tránh phô trương lãng phí. Trước mắt, phải khẩn trương để hoàn thành sớm việc cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ; nơi có khó khăn thì chậm nhất đến hết năm 1977 cũng phải làm xong việc này. Trong thời gian nói trên, tỉnh nào có điều kiện thì xây dựng một vài nghĩa trang liệt sĩ.

Việc xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ và bia ghi công liệt sĩ ở xã, do chính quyền xã và các đoàn thể nhân dân ở trong xã dựa vào công sức của mình mà xây dựng.

Bộ Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo việc cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ và xây dựng các nghĩa trang, bia ghi công liệt sĩ; Bộ Văn Hóa chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng các đài kỷ niệm liệt sĩ; các Bộ Quốc Phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Vật tư theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm cùng Bộ Thương binh và xã hội, Bộ Văn hoá thực hiện những công việc nói trên.

II. CHĂM SÓC, GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Nhà nước và nhân dân ta có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ có một đời sống ổn định và yên vui cả về tinh thần cũng như vật chất.

Đối với gia đình liệt sĩ không thuộc diện được trợ cấp tiền tuất hàng tháng (hy sinh trong thời kỳ chống Pháp) nếu có người không có sức lao động thì được xét trợ cấp theo Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962, theo mức trợ cấp mỗi người một tháng là 10 đồng, mỗi gia đình một tháng không quá 30 đồng, từng thời hạn là 12 tháng trong một năm, do ngân sách địa phương đài thọ; nếu ngân sách địa phương không đủ đài thọ thì ngân sách trung ương bổ sung.

Đối với bố mẹ liệt sĩ già yếu và tàn tật, không có người thân thuộc trực tiếp chăm sóc thì tổ chức nhà an dưỡng để nuôi dưỡng tập trung. Khi vào nhà an dưỡng, nếu các khoản trợ cấp được lĩnh của bố mẹ liệt sĩ nói trên, chưa đủ mức sinh hoạt phí 25 đồng một tháng, thì được trợ cấp cho đủ 25 đồng. Kinh phí về việc tổ chức, quản lý nhà an dưỡng của bố mẹ liệt sĩ nói trên do ngân sách trung ương đài thọ.

III. CHĂM SÓC, GIÁO DỤC CON LIỆT SĨ

Chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ là vừa để thể hiện đền ơn trả nghĩa những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa nhằm bồi dưỡng, đào tạo các con liệt sĩ thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, những người lao động có văn hoá, có chuyên môn kỹ thuật giỏi, những cán bộ có đạo đức và tài năng để xây dựng đất nước.

Chính quyền địa phương phải cùng với các đoàn thể địa phương phối hợp với gia đình liệt sĩ, chăm lo cho các con liệt sĩ được yên vui, no ấm, được đi học, và có đủ điều kiện để học tập tốt; hàng năm, các cháu có đủ tiêu chuẩn để được lên lớp, thi hết cấp và thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt. Trong việc chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ đi đôi với việc giáo dục văn hoá và nghề nghiệp, phải chú trọng giáo dục các cháu cả về phẩm chất đạo đức cách mạng để các cháu phát huy được truyền thống vẻ vang của gia đình.

Đối với con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ mà không có người thân thuộc trực tiếp săn sóc, nuôi dưỡng, thì chính quyền và đoàn thể ở địa phương có trách nhiệm trước hết phải tích cực vận động nhân dân đảm nhiệm việc nuôi dạy các cháu, bằng các hình thức như giao cho từng gia đình, hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp nhận nuôi hoặc đỡ đầu các cháu; tập trung các cháu vào một xã có phong trào khá về chấp hành chính sách thương binh liệt sĩ để giao cho các gia đình tốt nhận nuôi các cháu, các cháu học tại trường của địa phương, có sự theo dõi, kèm cặp giúp đỡ của nhà trường, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở trong xã.

Sau khi đã tích cực giải quyết theo hướng trên đây, mà vẫn còn một số con liệt sĩ chưa có nơi đảm nhiệm việc nuôi dạy, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tổ chức các trại để nuôi dậy tập trung các cháu và cho các cháu học tại trường của địa phương. Trại có một số giáo viên và nhân viên để quản lý trông nom, kèm cặp, dạy dỗ các cháu học tập ngoài giờ học tập ở trường.

Riêng đối với con liệt sĩ bị tàn tật nặng (bại liệt, câm và điếc...) nếu còn nhỏ, chưa đến tuổi thành niên, thì được tổ chức thành trại riêng để vừa nuôi dưỡng tập trung, vừa dạy văn hoá và dạy nghề cho các cháu.

Các con liệt sĩ mồ côi, tàn tật nói trên, ngoài tiêu chuẩn được trợ cấp tiền tuất hàng tháng, khi vào ở trại, được trợ cấp thêm cho đủ sinh hoạt phí hàng tháng 25 đồng.

Kinh phí về việc tổ chức, quản lý các trại nuôi dạy con liệt sĩ do ngân sách trung ương đài thọ.

Bộ Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành quyết định này.

Đối với miền Nam sẽ có quy định riêng.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Nguyễn Duy Trinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết Định 60-CP năm 1976 bổ sung chính sách đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 60-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản