Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 5935/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 11 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 835/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 26 tháng 10 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã  hội, Giám đốc Công an tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5935/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh thuận)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các cơ quan phối hợp ở cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng, chỉ đạo, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp.

1. Bảo đảm thống nhất công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn; tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.

2. Hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, giữa các cơ quan của tỉnh với địa phương và giữa các cơ quan chức năng ở địa phương cùng cấp trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức đã được pháp luật quy định.

3. Bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Điều 3. Nội dung phối hợp.

1. Xây dựng các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Quản lý địa bàn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có môi trường dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; phát hiện, điều tra, đấu tranh, xử lý các vi phạm về tệ nạn mại dâm.

3. Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mại dâm; thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, vay vốn, tạo việc làm cho phụ nữ có nguy cơ cao; giúp đỡ người bán dâm chữa trị, giáo dục tái hoà nhập cộng đồng.

Điều 4. Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. 

1. Cơ quan chủ trì ở cấp tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; ở các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh do Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố.

2. Cơ quan phối hợp ở cấp tỉnh và địa phương là các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội được Ủy ban nhân dân cùng cấp phân công thực hiện nhiệm vụ phối hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm. Trường hợp, trong mỗi sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đơn vị liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm thì phân công một đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với cơ quan chủ trì.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ trì.

1. Cơ quan chủ trì ở cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình, chính sách, kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm, trong đó xác định nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị phối hợp.

2. Cơ quan chủ trì ở cấp huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành (dài hạn, hằng năm, 6 tháng) về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong đó xác định nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị phối hợp.

3. Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, chính sách, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp và các điều kiện bảo đảm khác; duy trì mối liên hệ với các cơ quan phối hợp về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

5. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá và định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện hoạt động phối hợp.

6. Yêu cầu cơ quan phối hợp cử cán bộ có khả năng tham gia các hoạt động phối hợp; gửi các quyết định về chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp để tổ chức thực hiện.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan phối hợp.

1. Căn cứ vào phân công của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia, chỉ đạo hệ thống trong ngành thực hiện theo tiến độ, bảo đảm chất lượng.

2. Cử và tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, công chức được cử tham gia phối hợp liên ngành.

1. Thực hiện các nhiệm vụ được phân công, kế hoạch công tác phối hợp của cơ quan chủ trì và báo cáo lãnh đạo cơ quan về kết quả phối hợp theo quy định.

2. Tham gia góp ý, chủ động đề xuất các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm.

3. Được tiếp cận thông tin, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; được khen thư­ởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan khi không hoàn thành nhiệm vụ phối hợp liên ngành.

Điều 8. Kinh phí thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành.

Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh và huyện, thành phố theo Luật Ngân sách Nhà nước; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Chương 2:

CƠ CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG LIÊN NGÀNH

Điều 9. Thành lập Tổ công tác liên ngành

Tổ công tác liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm đ­ược thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn.

a) Ở cấp tỉnh và cấp huyện: do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động. Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành ở cấp tỉnh do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhiệm; ở cấp huyện do Trưởng phòng Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhiệm. Thành viên gồm đại diện các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp liên quan;

b) Ở cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã): căn cứ vào yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc thành lập, chỉ định thành viên và ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành, giao Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Tổ trưởng.

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành.

1. Tổ công tác liên ngành có chức năng tham mưu, tư vấn cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tham gia hướng dẫn, triển khai các kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ:

a) Tham gia xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn, kế hoạch dài hạn và hằng năm ở các cấp để thực hiện chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm;

b) Tham gia hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;

c) Tham gia chuẩn bị nội dung của các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề; đề xuất các phương án xử lý những vấn đề vượt quá thẩm quyền của sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh và huyện, thành phố;

d) Giúp cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành định kỳ và đột xuất việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm thuộc chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh và huyện, thành phố.

Điều 11. Phối hợp kiểm tra liên ngành.

1. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ nội dung kiểm tra, thời gian, tiến độ thực hiện, phân công trách nhiệm của từng thành viên.

2. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành. Trường hợp cán bộ được phân công tham gia Tổ công tác liên ngành không thể tham gia kiểm tra liên ngành phải có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan cử người thay thế.

3. Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho cơ quan chủ trì và thông báo đến địa phương, đơn vị được kiểm tra để thực hiện những kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành.

4. Việc kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm quy định tại Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ do Đội kiểm tra liên ngành 178 (thành lập và hoạt động theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện.

Điều 12. Phối hợp xử lý tụ điểm mại dâm ở địa bàn giáp ranh.

1. Đối với tụ điểm mại dâm xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa các xã, phường, thị trấn hoặc giữa các huyện, thành phố thuộc tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện, thành phố tại nơi có tụ điểm mại dâm có trách nhiệm chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền; đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện, thành phố giáp ranh phối hợp giải quyết trên cơ sở cam kết giữa Ủy ban nhân dân các xã hoặc các huyện giáp ranh. Nếu việc phối hợp không hiệu quả hoặc trường hợp tụ điểm mại dâm quá phức tạp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện, thành phố tại địa bàn giáp ranh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

2. Đối với việc xử lý tụ điểm mại dâm xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có địa bàn giáp ranh có trách nhiệm chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có địa bàn giáp ranh phải xây dựng chương trình, kế hoạch và cam kết phối hợp hành động khi cần thiết.

Điều 13. Phối hợp trao đổi thông tin.

1. Trường hợp cần thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, các cơ quan phối hợp có trách nhiệm trao đổi, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Nếu từ chối cung cấp thông tin, cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Cơ quan chủ trì có trách nhiệm thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để cơ quan phối hợp nắm chắc tình hình phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Khi nhận được các nguồn tin, tài liệu liên quan đến các đường dây, tổ chức hoạt động tội phạm về mại dâm trong tỉnh hoặc liên tỉnh, các cá nhân, cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý trực tiếp chỉ đạo giải quyết; đồng thời thông báo với các cơ quan liên quan để phối hợp đấu tranh, phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Điều 14. Chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết.

1. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các nội dung hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

2. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, cơ quan phối hợp có trách nhiệm gửi báo cáo đến cơ quan chủ trì kết quả thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm của đơn vị mình để cơ quan chủ trì tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

3. Trư­ờng hợp quá kỳ báo cáo mà các cơ quan phối hợp không có báo cáo thì cơ quan chủ trì gửi thông báo bằng văn bản cho thủ trưởng các cơ quan phối hợp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào phạm vi, chức năng, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh.

Điều 16. Tham gia phối hợp và giám sát.

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan triển khai và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 17. Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm và Quy chế này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5935/QĐ-UBND năm 2007 ban hành quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 5935/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Đỗ Hữu Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản