Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59-TTg

Hà Nội , ngày 04 tháng 2 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CHO NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI HỒI HƯƠNG VỀ VIỆT NAM.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Trưởng ban Ban Việt kiều Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng hồi hương về Việt Nam (sau đây gọi tắt là người xin hồi hương) thuộc các trường hợp sau đây được Bộ Nội vụ xét cho hồi hương cư trú tại Việt Nam:

a) Người già từ 60 tuổi trở lên và trẻ em dưới 16 tuổi nếu có thân nhân ruột thịt là công dân Việt Nam ở trong nước bảo lãnh đảm bảo cuộc sống.

b) Người có trình độ học vấn trên đại học hoặc có tay nghề bậc cao thuộc các ngành nghề chuyên môn mà Việt Nam đang cần, nếu có cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân ở trong nước tiếp nhận về làm việc.

c) Người đang là thành viên hội đồng quản trị các dự án đầu tư ở Việt Nam thuộc diện ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam xác nhận.

Điều 2. Đối với người xin hồi hương không thuộc diện quy định tại Điều 1 Quyết định này, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Ngoại giao, Ban Việt kiều Trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định.

Điều 3. Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp sau đây thuộc diện chưa xét cho hồi hương:

1. Người không quốc tịch hoặc mang quốc tịch nước ngoài.

2. Người không rõ nguồn gốc, lai lịch và hoàn cảnh xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

3. Người xuất cảnh trái phép và người xuất cảnh hợp pháp nhưng ở lại nước ngoài trái phép mà thời gian cư trú của họ ở nước ngoài chưa được 5 năm kể từ ngày họ xuất cảnh.

4. Không có công dân Việt Nam ở trong nước bảo lãnh hoặc người bảo lãnh chưa đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Quyết định này.

5. Người xin hồi hương đe doạ an ninh quốc gia và an toàn xã hội của Việt Nam.

Điều 4. Công dân Việt Nam ở trong nước muốn bảo lãnh cho thân nhân hồi hương phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

- Có hộ khẩu thường trú;

- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không có nghĩa vụ thi hành án hình sự, dân sự và quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật trong thời điểm đứng ra bảo lãnh.

- Có khả năng bảo đảm cuộc sống cho thân nhân sau khi hồi hương được uỷ ban nhân dân phường, xã nơi cư trú xác nhận.

Điều 5.

1. Hồ sơ xin hồi hương gồm:

a) Đơn xin hồi hương (theo mẫu của Bộ Nội vụ).

b) Giấy bảo lãnh của thân nhân trong nước (theo mẫu của Bộ Nội vụ).

c) Các giấy tờ có liên quan đến lý do, mục đích xin hồi hương theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

2. Hồ sơ xin hương nộp tại cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ quyền cấp thị thực Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Người xin hồi hương có thể trực tiếp hoặc thông qua thân nhân ở trong nước nộp hồ sơ xin hồi hương cho Bộ Nội vụ (Cục quản lý xuất nhập cảnh).

Điều 6.

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm:

- Hướng dẫn thủ tục và tiếp nhận hồ sơ của người xin hồi hương. Trong 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ) phải gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về ban Việt kiều Trung ương.

- Thông báo cho người xin hồi hương biết kết quả cấp phép hồi hương và giải quyết các thủ tục cần thiết cho người được phép hồi hương nhập cảnh Việt Nam.

2. Ban Việt kiều Trung ương có trách nhiệm:

- Trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về) phải có ý kiến nhận xét, đề xuất và chuyển hồ sơ cho Bộ Nội vụ (Cục quản lý Xuất nhập cảnh).

- Trong 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời kết quả xét duyệt của Bộ Nội vụ phải thông báo cho Bộ ngoại giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài biết kết quả cấp phép hồi hương.

- Phối hợp với Bộ Nội vụ giải thích trả lời các yêu cầu, khiếu nại của người xin hồi hương.

3. Bộ Nội vụ (Cục quản lý xuất nhập cảnh) trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phải hoàn thành việc xem xét, trả lời kết quả cấp phép hồi hương cho ban Việt kiều Trung ương. Trường hợp đương sự nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Nội vụ thì việc trả lời kết quả cấp phép hồi hương phải gửi cho ban Việt kiều Trung ương và người xin hồi hương hoặc thân nhân của họ ở trong nước.

Điều 7. Phép hồi hương do Bộ Nội vụ cấp có giá trị trong 12 tháng kể từ ngày cấp; quá thời hạn trên nếu người được cấp phép hồi hương chưa nhập cảnh Việt Nam thì phải làm lại thủ tục.

Điều 8.

1. Người xin hồi hương phải nộp một khoản tiền lệ phí hồi hương theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Người được phép hồi hương khi về nước được mang về Việt Nam tiền bạc, tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Người được hồi hương đã về địa phương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phải nộp cho công an tỉnh, thành phố các giấy tờ tuỳ thân để làm thủ tục đăng ký nhân khẩu thường trú, và xin cấp giấy chứng minh nhân dân.

4. Người hồi hương đã đăng ký thường trú tại Việt Nam, được hưởng mọi quyền và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Điều 9. Bộ Tài chính quy định việc thu nộp, sử dụng lệ phí hồi hương sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Ban Việt kiều Trung ương.

Điều 10. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1994.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng ban Ban Việt kiều Trung ương trong 45 ngày kể từ ngày ban hàng quyết định này ra thông tư liên bộ hướng dẫn thực hiện.

Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 59-TTg năm 1994 về việc giải quyết cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 59-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/02/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/03/1994
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/04/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản