Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2016/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, CỦNG CỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

Căn cứ Thông tư số 48/2015/TT-BCA ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quy định về mức hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Theo đề nghị của Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tại Tờ trình số 1867/TTr-CPT-P1(TH) ngày 04 tháng 11 năm 2016 về việc ban hành Đề án xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 – 2020 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 218/BC-STP ngày 02 tháng 11 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020.

Điều 2. Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND cấp xã; các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Ngọc Căng

 

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG, CỦNG CỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59 /2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng; theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 289 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 17 người, thiệt hại trực tiếp do cháy, nổ gây ra ước tính khoảng 274 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập 242 đội dân phòng với 2.348 đội viên, trong đó: Thành lập ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có 90 đội (thành phố Quảng Ngãi: 61 đội; Bình Sơn: 6 đội; Trà Bồng: 7 đội; Mộ Đức: 3 đội; Đức Phổ: 6 đội; Bà Tơ: 7 đội); thành lập ở thôn thuộc xã đồng bằng có 132 đội (Bình Sơn: 62 đội; Trà Bồng: 4 đội; Mộ Đức: 5 đội; Đức Phổ: 47 đội; Ba Tơ: 14 đội); thành lập ở thôn thuộc xã miền núi có 16 đội (Trà Bồng: 12 đội; Tây Trà: 4 đội); thành lập ở thôn thuộc xã hải đảo có 4 đội (Lý Sơn: 4 đội).

Phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua phát triển chưa đồng đều; Dân phòng là một trong bốn lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân, cũng là một trong các lực lượng phòng cháy, chữa cháy thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ nhưng chưa được xây dựng, củng cố, hoạt động còn yếu, kém hiệu quả, chưa được tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; tính tự giác tham gia của các thành viên trong lực lượng dân phòng còn hạn chế; kinh phí phục vụ cho các đội dân phòng hoạt động chưa được ngân sách bố trí, đầu tư.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh hiện nay được thành lập có 5 phòng phụ trách 14 huyện, thành phố; mỗi phòng phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở 3 huyện (trừ Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 phụ trách 1 huyện và 1 thành phố). Do địa bàn quá rộng nên việc nhận tin, điều động lực lượng, phương tiện đến những nơi xảy ra cháy ở xa trụ sở đóng quân sẽ không kịp thời và hiệu quả nên việc xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng dân phòng sẽ góp phần hết sức quan trọng trong việc xử lý tin báo cháy ban đầu, ngăn chặn cháy lớn, cháy lan, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân, nhất là những nơi ở xa trụ sở đóng quân của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015.

2. Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013.

3. Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

4. Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

5. Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

6. Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ

Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

7. Thông tư số 48/2015/TT-BCA ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang phục chữa cháy của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

8. Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

9. Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quy định về mức hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM, PHẠM VI ÁP DỤNG, MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm xây dựng Đề án

- Công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị và toàn dân; trong đó lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy giữ vai trò nòng cốt tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chỉ thị của Đảng, các chỉ thị, chương trình hành động về công tác phòng cháy, chữa cháy của Chính phủ.

- Việc xây dựng Đề án nhằm củng cố, phát triển vững mạnh lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy phát triển vững chắc.

2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Đề án này trình bày về việc xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 – 2020.

Đối tượng áp dụng là lực lượng dân phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Mục tiêu

Phấn đấu xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy trước mắt và lâu dài; thực sự là tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng của cộng đồng dân cư, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, tổ chức vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thôn, tổ dân phố, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cụ thể:

- Hàng năm, số vụ cháy do lực lượng dân phòng chữa cháy kịp thời đạt trên 50% trong tổng số vụ cháy xảy ra trên địa bàn thôn, tổ dân phố.

- Đảm bảo 100% thành viên của lực lượng dân phòng được huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Đảm bảo 100% thành viên của lực lượng dân phòng được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- 100% các đội dân phòng được thành lập xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, chương trình hoạt động, quy định chế độ trực, chế độ sinh hoạt định kỳ.

- Mỗi năm có thêm 25% tổ dân phố được bố trí kinh phí để trang bị trang phục, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng.

- Đảm bảo 100% Đội trưởng, Đội phó và các thành viên của Đội dân phòng được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT- BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Kiện toàn tổ chức lực lượng dân phòng tại các xã, phường, thị trấn theo mô hình thích hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương:

Năm 2017: 70% các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có đội dân phòng; 100% tổ dân phố trên địa bàn huyện và 20% các thôn thuộc xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đội dân phòng.

Năm 2018: 80% các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và 30% các thôn thuộc xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đội dân phòng.

Năm 2019: 90% các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và 40% các thôn thuộc xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đội dân phòng.

Năm 2020: 100% các tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và 50% các thôn thuộc xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đội dân phòng.

4. Yêu cầu

- Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong đó lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy giữ vai trò nòng cốt tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chỉ thị của Đảng, các chỉ thị, chương trình hành động về công tác phòng cháy, chữa cháy của Chính phủ.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về xây dựng, củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh

1.1. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo UBND các cấp trong việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng dân phòng đảm bảo ổn định, lâu dài; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng kết hợp với xây dựng giải pháp, chính sách sách phù hợp gắn với nâng cao chất lượng công tác huấn luyện đảm bảo lực lượng dân phòng nắm vững quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ được giao làm nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở, mỗi thành viên của đội dân phòng là một tuyên truyền viên ở cơ sở, có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra những người dân xung quanh cùng thực hiện các nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành.

1.2. Đội dân phòng là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy tại thôn, tổ dân phố trong địa bàn xã, phường, thị trấn; tổ chức hướng dẫn hoạt động của các tổ tự quản về phòng cháy và chữa cháy ở các xóm, làng, khu dân cư trong thôn, tổ dân phố; phối hợp với các tổ chức quần chúng khác trong địa bàn cùng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Đội dân phòng thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Đề xuất Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy ở thôn, tổ dân phố.

b) Tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, tổ dân phố chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thể lệ, quy tắc, quy ước, nội quy an toàn

phòng cháy, chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy ở thôn, tổ dân phố, xóm, làng, khu dân cư.

c) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy ở thôn, tổ dân phố, xóm, làng, khu dân cư.

d) Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho người dân ở thôn, tổ dân phố.

đ) Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương và những nơi khác khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

e) Phối hợp với Công an viên, các tổ chức quần chúng tự quản khác ở địa phương tham gia bảo đảm an ninh, trật tự.

g) Trong khi thi hành nhiệm vụ, lực lượng dân phòng phải sử dụng trang phục thống nhất đã được trang bị theo quy định của Bộ Công an.

1.3. Thành lập Đội dân phòng và tiêu chuẩn của thành viên đội dân phòng

a) Đội dân phòng được thành lập theo địa bàn thôn, tổ dân phố; là đại diện của các lực lượng tự quản về phòng cháy và chữa cháy của các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, trên cơ sở giới thiệu của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã) có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập các đội dân phòng, bổ nhiệm các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng. Hàng năm, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố rà soát, đề xuất Trưởng Công an cấp xã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp bổ sung, thay đổi thành viên đội dân phòng để phù hợp với thực tế tại địa phương.

Tùy theo tình hình cháy, nổ, đặc điểm và số lượng dân cư trên địa bàn để xác định số thành viên của mỗi đội dân phòng, trước mắt từ năm 2017 – 2020, đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thành lập không quá 15 thành viên, có 1 Đội trưởng và 1 Đội phó nhằm đảm bảo kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng và kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, cụ thể:

Năm 2017, có 110 đội dân phòng được thành lập mới: ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có 80 đội (thành phố Quảng Ngãi: 57 đội; Tư Nghĩa: 7 đội; Nghĩa Hành: 6 đội; Sơn Hà: 10 đội); thành lập ở thôn thuộc xã đồng bằng có 24 đội (Mộ Đức: 4 đội; Tư Nghĩa: 5 đội; Nghĩa Hành: 5 đội; Minh Long: 3 đội; Sơn Tịnh: 5 đội; Sơn Hà: 2 đội); thành lập ở thôn thuộc xã miền núi có 6 đội (Minh Long: 2 đội; Sơn Tây: 4 đội). Tổng số đội dân phòng trên địa bàn tỉnh là 352 (đã thành lập năm 2016: 242; thành lập mới: 110).

Năm 2018, có 112 đội thành lập mới: ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có 17 đội (thành phố Quảng Ngãi: 17 đội); thành lập ở thôn thuộc xã đồng bằng có 83 đội (thành phố Quảng Ngãi: 22 đội; Mộ Đức: 10 đội; Ba Tơ: 9 đội; Tư Nghĩa: 10 đội; Nghĩa Hành: 10 đội; Minh Long: 4 đội; Sơn Tịnh: 9 đội; Sơn Hà: 9 đội); thành lập ở thôn thuộc xã miền núi có 10 đội (Trà Bồng: 4 đội; Tây Trà: 4 đội; Sơn Tây: 2 đội); thành lập ở thôn thuộc xã bãi ngang ven biển có 2 đội (Mộ Đức: 2 đội). Tổng số đội dân phòng trên địa bàn tỉnh là 464 (đã thành lập đến năm 2017: 352; thành lập mới: 112).

Năm 2019, có 105 đội thành lập mới: ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có 17 đội (thành phố Quảng Ngãi: 17 đội); thành lập ở thôn thuộc xã đồng bằng có 64 đội (thành phố Quảng Ngãi: 7 đội; Mộ Đức: 5 đội; Ba Tơ: 9 đội; Tư Nghĩa: 10 đội; Nghĩa Hành: 10 đội; Sơn Tịnh: 10 đội; Sơn Tây: 10 đội; Sơn Hà: 3 đội); thành lập ở thôn thuộc xã miền núi có 24 đội (Ba Tơ: 4 đội; Tây Trà: 4 đội; Minh Long: 4 đội; Sơn Hà: 12 đội). Tổng số đội dân phòng trên địa bàn tỉnh là 569 (đã thành lập đến năm 2018: 464; thành lập mới: 105).

Năm 2020, có 113 đội thành lập mới: ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có 17 đội (thành phố Quảng Ngãi: 17 đội); thành lập ở thôn thuộc xã đồng bằng có 57 đội (thành phố Quảng Ngãi: 7 đội; Mộ Đức: 7 đội; Tư Nghĩa: 13 đội; Nghĩa Hành: 14 đội; Minh Long: 9 đội; Sơn Tịnh: 7 đội); thành lập ở thôn thuộc xã miền núi có 39 đội (Trà Bồng: 4 đội; Ba Tơ: 12 đội; Tây Trà: 6 đội; Sơn Tây: 5 đội; Sơn Hà: 12 đội). Tổng số đội dân phòng trên địa bàn tỉnh là 682 (đã thành lập đến năm 2019: 569; thành lập mới: 113).

c) Điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên đội dân phòng: là công dân từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, đến 55 tuổi đối với nữ; thường xuyên có mặt tại nơi cư trú; đủ sức khỏe; lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; ưu tiên bố trí Đội trưởng, Đội phó dân phòng là đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, quân nhân xuất ngũ, chiến sỹ nghĩa vụ trong Công an nhân dân đã xuất ngũ.

1.4. Hoạt động và quan hệ công tác của đội dân phòng

a) Đội trưởng đội dân phòng chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Đội; Đội phó là người giúp việc cho Đội trưởng theo sự phân công của Đội trưởng; định kỳ đội dân phòng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác của Đội cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.

b) Định kỳ hàng tháng, Đội dân phòng họp một lần để kiểm điểm, đánh giá những công tác đã triển khai thực hiện trong tháng và đề ra kế hoạch công tác của tháng tới (trường hợp đột xuất có thể triệu tập họp bất thường). Thành phần dự họp là các thành viên của đội dân phòng, có sự tham dự của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn. Địa điểm sinh hoạt: Nhà văn hóa thuộc Tổ dân phố và ở các thôn (nếu có) hoặc nhà của các thành viên thuộc đội dân phòng nơi thuận lợi cho việc sinh hoạt.

c) Đội dân phòng chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn.

d) Đối với cấp uỷ, chính quyền xã, phường, thị trấn: Đội dân phòng chịu sự lãnh đạo điều hành của cấp uỷ, chính quyền xã, phường, thị trấn.

đ) Trưởng Công an xã, phường, thị trấn là người tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp thành lập Đội dân phòng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng.

e) Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố là người đề xuất với Trưởng Công an xã, phường, thị trấn để tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động của đội dân phòng.

g) Đối với các tổ chức quần chúng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành, các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn thôn, tổ dân phố thì đội dân phòng có quan hệ phối hợp để cùng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

2. Giải pháp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng

a) Hàng năm, Chủ tịch UBND cấp xã cử lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo chương trình, kế hoạch của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

b) Cán bộ, đội viên đội dân phòng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung: kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy; biện pháp phòng cháy; phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy; phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy; phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Từ 16 đến 24 giờ đối với trường hợp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu; Tối thiểu là 16 giờ đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi giấy này hết thời hạn sử dụng.

3. Giải pháp về đầu tư mua sắm trang phục, phương tiện phòng cháy và chữa cháy

a) Tập trung trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng được thành lập ở tổ dân phố, ưu tiên những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao.

Năm 2017: có 55/170 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy ( thành phố Quảng Ngãi: 55 đội)

Năm 2018: có 110/187 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (đã trang bị năm 2017 là 55 đội; trang bị mới cho 55 đội gồm: thành phố Quảng Ngãi: 35 đội; Bình Sơn: 2 đội; Tư Nghĩa: 3 đội; Nghĩa Hành: 2 đội; Mộ Đức: 1 đội; Đức Phổ: 2 đội; Ba Tơ: 3 đội; Sơn Hà: 4 đội; Trà Bồng: 3 đội).

Năm 2019: có 166/204 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (đã trang bị năm 2017 và 2018 là 110 đội, trang bị mới cho 56 đội gồm: thành phố Quảng Ngãi: 40 đội; Bình Sơn: 2 đội; Tư Nghĩa: 2 đội; Nghĩa Hành: 2 đội; Mộ Đức: 1 đội; Đức Phổ: 2 đội; Ba Tơ: 2 đội; Sơn Hà: 3 đội; Trà Bồng: 2 đội); đồng thời, cấp lại quần áo mới cho 55 đội đã được cấp năm 2017 theo quy định.

Năm 2020: có 221/221 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (đã trang bị năm 2017, 2018, 2019 là 166 đội, trang bị mới cho 55 đội gồm: thành phố Quảng Ngãi: 39 đội; Bình Sơn: 2 đội; Tư Nghĩa: 2 đội; Nghĩa Hành: 2 đội; Mộ Đức: 1 đội; Đức Phổ: 2 đội; Ba Tơ: 2 đội; Sơn Hà: 3 đội; Trà Bồng: 2 đội), đồng thời cấp lại mũ chữa cháy cho 55 đội đã trang cấp năm 2017, cấp lại quần áo chữa cháy cho 55 đội đã được cấp năm 2018 theo quy định.

b) Đối với những thôn thuộc xã có khu dân cư tập trung các căn nhà có nguy cơ cháy, nổ cao mà khi xảy ra cháy có nguy cơ trở thành cháy lớn thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng ở những thôn này trên cơ sở đề xuất của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh.

c) Cán bộ, đội viên dân phòng được trang cấp trang phục, quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng theo quy trình, quy định, nếu để mất mát, hư hỏng, sử dụng không đúng mục đích thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, đội viên đội dân phòng quy định tại Điều 35, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, được thực hiện như sau:

a) Mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng: Hỗ trợ hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở đối với Đội trưởng đội dân phòng và 25% mức lương cơ sở đối với Đội phó đội dân phòng.

b) Thành viên đội dân phòng được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 35, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014. Trường hợp bị tai nạn, bị thương, bị chết thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Tài chính.

c) Cán bộ, đội viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền 1,5 ngày lương cơ sở theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

d) Cán bộ, đội viên đội dân phòng trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy bị tai nạn hoặc bị chết: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Tài chính.

III. KINH PHÍ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng và Đội phó dân phòng

Kinh phí hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng được tính theo mức lương cơ sở; trong đó:

a) Đối với đội trưởng, đội phó thuộc đội dân phòng được thành lập ở tổ dân phố do ngân sách phường, thị trấn bảo đảm.

b) Đối với đội trưởng, đội phó thuộc đội dân phòng được thành lập ở thôn thuộc xã của thành phố Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng (trừ các xã bãi ngang ven biển, xã hải đảo) thì sử dụng 40% ngân sách xã và ngân sách huyện hỗ trợ 60%.

c) Đối với đội trưởng, đội phó thuộc đội dân phòng được thành lập ở thôn thuộc xã miền núi, các xã bãi ngang ven biển, xã hải đảo do ngân sách huyện hỗ trợ 50% và ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.

d) Trong quá trình lập dự toán ngân sách hàng năm sẽ phân loại khả năng thu – chi ngân sách từng xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố để có phương án cân đối cụ thể trình HĐND cùng cấp và HĐND tỉnh quyết định.

đ) Những xã gặp khó khăn ngân sách không bảo đảm chi, huyện hỗ trợ chi cho đội trưởng, đội phó dân phòng.

2. Định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng

2.1. Một đội dân phòng được trang bị các phương tiện phòng cháy và chữa cháy với số lượng như sau:

STT

Phương tiện

Đơn vị tính

Số lượng

Niên hạn sử dụng

1

Khóa mở trụ nước những nơi có trụ nước chữa cháy

Chiếc

01

Hỏng thay thế

2

Bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg

Bình

06

Theo quy định của nhà sản xuất

3

Bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg

Bình

06

Theo quy định của nhà sản xuất

4

Mũ chữa cháy

Chiếc

01 người/01 chiếc

3 năm

5

Quần áo chữa cháy

Bộ

01 người/01 bộ

2 năm

6

Găng tay chữa cháy

Đôi

01 người/01 đôi

Hỏng thay thế

7

Ủng chữa cháy

Đôi

01 người/01 đôi

Hỏng thay thế

8

Đèn pin chuyên dụng

Chiếc

02

Hỏng thay thế

9

Câu liêm, bồ cào

Chiếc

02

Hỏng thay thế

10

Dây cứu người

Cuộn

02

Hỏng thay thế

11

Hộp sơ cứu có kèm theo các dụng cụ cứu thương

Hộp

01

Hỏng thay thế

12

Thang chữa cháy

Chiếc

01

Hỏng thay thế

13

Loa pin

Chiếc

02

Hỏng thay thế

14

Khẩu trang lọc độc

Chiếc

01 người/ 01 chiếc

Hỏng thay thế

2.2. Kinh phí mua sắm trang phục, phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng do ngân sách cấp tỉnh bảo đảm.

3. Kinh phí huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy và các khoản kinh phí khác

1. Kinh phí trợ cấp cán bộ, đội viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do ngân sách cấp xã đảm bảo cân đối.

2. Kinh phí bồi dưỡng thành viên đội dân phòng được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy do cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền điều động, huy động chi trả.

3. Kinh phí thanh toán chi phí khám chữa bệnh, chế độ trợ cấp đối với thành viên đội dân phòng được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền bị tai nạn, bị thương, bị chết; Chế độ đối với cán bộ, đội viên dân phòng trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị tai nạn, bị chết, thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh

a) Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành phố lập kế hoạch thực hiện đề án. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp xã, cấp huyện, hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án.

b) Hàng năm phối hợp với Sở Tài chính lập dự dự trù kinh phí phục vụ mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng; kinh phí hỗ trợ cho đội trưởng, đội phó dân phòng và các khoản chi khác. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính thẩm tra, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức triển khai thực hiện.

2. Sở Tài chính

Cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, căn cứ Đề án được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh tổng hợp dự toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm, trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn các địa phương, cơ sở sử dụng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho đội trưởng, đội phó dân phòng.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

b) Phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh trong tổ chức, triển khai thực hiện Đề án, hướng dẫn UBND xã tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động của các Đội dân phòng trên địa bàn để có kế hoạch xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của Đội dân phòng.

c) Căn cứ Đề án được phê duyệt, bố trí dự toán chi ngân sách huyện, thành phố hàng năm, đồng thời chỉ đạo chính quyền cấp xã đảm bảo kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm, để thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp.

4. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các đội dân phòng; củng cố, kiện toàn tổ chức của đội dân phòng trên địa bàn. Chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng Công an cấp xã tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập các đội dân phòng, bổ nhiệm các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Hằng năm, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố rà soát, đề xuất Trưởng Công an cấp xã tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp bổ sung, thay đổi thành viên đội dân phòng để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

b) Rà soát, cử đội viên dân phòng tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật theo hướng dẫn của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh.

c) Căn cứ Đề án được phê duyệt, bố trí kinh phí dự toán chi ngân sách cấp xã hàng năm, đảm bảo nhiệm vụ chi theo phân cấp.

5. Đội trưởng, Đội phó và thành viên đội dân phòng

- Thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại điểm 1 mục II Đề án này.

- Có trách nhiệm chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều động trong tổ chức, hoạt động, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và điều động tham gia chữa cháy của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy; có trách nhiệm bảo quản trang phục, quản lý, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy trình, quy định.

6. Các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nội dung của Đề án./.

 

PHỤ LỤC

DỰ TRÙ KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY CHO ĐỘI DÂN PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59 /2016/UBND-NC ngày 17 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Điều 1. Kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho một đội dân phòng có 15 thành viên

Đội dân phòng được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo danh mục với tổng kinh phí là 91.580.000 (Chín mươi bốn triệu, năm trăm tám mươi nghìn đồng) gồm:

1. Khóa mở trụ nước những nơi có trụ nước chữa cháy: 400.000 đ/chiếc x 1 chiếc = 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng).

2. Bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg: 295.000 đ/bình x 6 bình = 1.770.000 ( Một triệu bảy trăm bảy mươi nghìn đồng).

3. Bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg: 630.000đ/bình x 6 bình = 3.780.000 (Ba triệu bảy trăm tám mươi nghìn đồng).

4. Mũ chữa cháy: 820.000 đ/chiếc x 15 chiếc = 12.300.000 (Mười hai triệu, ba trăm nghìn đồng).

5. Quần áo chữa cháy: 1.900.000đ/bộ x 15 = 28.500.000 (Hai mươi tám triệu, năm trăm nghìn đồng).

6. Găng tay chữa cháy: 760.000 đ/đôi x 15 bộ = 11.400.000 (Mười một triệu, bốn trăm nghìn đồng).

7. Ủng chữa cháy: 1.200.000 đ/đôi x 15 đôi = 18.000.000 (Mười tám triệu đồng).

8. Đèn pin chuyên dụng: 940.000đ/chiếc x 2 chiếc = 1.880.000 (Một triệu, tám trăm tám mươi nghìn đồng).

9. Câu liêm, bồ cào: 330.000đ/chiếc x 2 chiếc = 660.000 (Sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).

10. Dây cứu người: 3.500.000đ/cuộc x 02 x cuộc = 7.000.000 (Bảy triệu đồng).

11. Hộp sơ cứu có kèm theo các dụng cụ cứu thương: 1.750.000đ/hộp x 1 hộp = 1.750.000 (Một triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng).

12. Thang chữa cháy: 1.980.000đ/chiếc x 1 chiếc = 1.980.000 (Một triệu, chín trăm tám mươi nghìn đồng).

13. Loa pin: 480.000đ/chiếc x 2 chiếc = 960.000 (Chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

14. Khẩu trang lọc độc: 80.000đ/chiếc x 15 chiếc = 1.200.000 (Một triệu, hai trăm nghìn đồng).

Điều 2. Kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng giai đoạn 2017 – 2020

Hàng năm có thêm 25% tổ dân phố được bố trí kinh phí để trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng. Tổng kinh phí dự kiến trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho đội dân phòng giai đoạn 2017-2020 là: 24.050.680.000đ (Hai mươi bốn tỷ, không trăm năm mươi triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng); trong đó:

1. Năm 2017: Có 55/170 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy, với số tiền là:

91.580.000đ x 55 đội = 5.036.900.000đ (Năm tỷ, không trăm ba mươi sáu triệu, chín trăm nghìn đồng).

2. Năm 2018: Có 110/187 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (trang bị mới cho 55 đội), với số tiền là:

91.580.000đ x 55 đội = 5.036.900.000đ (Năm tỷ, không trăm ba mươi sáu triệu, chín trăm nghìn đồng).

3. Năm 2019: Có 166/204 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (trang bị mới cho 56 đội, cấp lại quần áo mới cho 55 đội đã được cấp năm 2017 theo quy định), với số tiền là:

(91.580.000đ x 56 đội + 55 đội x 15 chiếc/đội x 1.900.000đ/bộ) = 6.695.980.000đ

(Sáu tỷ, sáu trăm chín lăm triệu, chín trăm tám mươi nghìn đồng).

4. Năm 2020: Có 221/221 đội dân phòng ở tổ dân phố đã thành lập được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (trang bị mới cho 55 đội, cấp lại mũ chữa cháy đã cấp cho 55 đội đã trang cấp năm 2017, cấp lại quần áo chữa cháy cho 55 đội đã được cấp năm 2018 theo quy định), với số tiền là:

(91.580.000đ x 55 đội + 55 đội x 15 chiếc/đội x 820.000đ/chiếc + 55 đội x 15 bộ x 1.900.000đ/bộ) = 7.280.900.000đ (Bảy tỷ, hai trăm tám mươi triệu, chín trăm nghìn đồng).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 59/2016/QĐ-UBND năm 2016 Đề án Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 59/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản