Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 579/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 16 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 665/TTr- SKHĐT ngày 30 tháng 12 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có quy mô phù hợp với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao sức khỏe cộng đồng và sức cạnh tranh của các sản phẩm động vật của tỉnh trên thị trường.

- Huy động được các nguồn lực tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Quy hoạch đến năm 2020

Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Sản lượng thịt qua các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt 25% tổng sản lượng thịt toàn tỉnh.

b) Định hướng đến năm 2025

Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Sản lượng thịt qua các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt 60% tổng sản lượng thịt toàn tỉnh.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

1.1. Thành phố Sơn La

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho các xã, phường thuộc thành phố Sơn La.

- Đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Sơn La có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Panh, xã Chiềng Xôm với công suất khoảng 20 con trâu, bò, ngựa/ngày; 150 con lợn, dê/ngày; 1000 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Sơn La có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại bản Panh, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La từ tập trung bán công nghiệp, loại II lên tập trung công nghiệp, loại I với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

1.2. Huyện Mộc Châu

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Nà Bó 2, xã Mường Sang với công suất khoảng 20 con trâu, bò, ngựa/ngày; 150 con lợn, dê/ngày; 1000 con gia cầm/ngày. Đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho trung tâm huyện Mộc Châu và các xã lân cận.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II lên quy mô công nghiệp, loại I tại bản Nà Bó 2, xã Mường Sang với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

1.3. Huyện Vân Hồ

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

1.4. Huyện Yên Châu

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Thín, xã Sặp Vạt với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại bản Thín, xã Sặp Vạt với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1.000 con gia cầm/ngày.

1.5. Huyện Mai Sơn

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

01 cơ sở giết mổ tập trung thủ công, loại III tại bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn với công suất khoảng 10 con trâu, bò, ngựa/ngày; 100 con lợn, dê/ngày; 500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Nhạp, xã Cò Nòi với công suất dự kiến 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê và khoảng 1.000 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025, trên địa bàn huyện có 03 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn từ tập trung thủ công, loại III lên tập trung bán công nghiệp, loại II với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II lên quy mô công nghiệp, loại I tại bản Nhạp, xã Cò Nòi với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Un, xã Mường Bon với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

1.6. Huyện Mường La

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Nà Kè, thị trấn Mường La với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

- Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại bản Nà Kè, thị trấn Mường La với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

- 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại tiểu khu 2, xã Mường Bú với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

1.7. Huyện Thuận Châu

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Huông, xã Chiềng Ly với công suất dự kiến 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê và khoảng 1000 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II lên quy mô công nghiệp, loại I tại bản Huông, xã Chiềng Ly với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Bai B, xã Tông Lạnh với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

1.8. Huyện Quỳnh Nhai

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại khu tái định cư Phiêng Nèn, xã Mường Giàng với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại khu tái định cư Phiêng Nèn, xã Mường Giàng với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

1.9 Huyện Sông Mã

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu với công suất dự kiến 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê và khoảng 1000 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 02 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II lên quy mô công nghiệp, loại I tại bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Búa, xã Chiềng Khương với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

1.10. Huyện Sốp Cộp

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại bản Pom Khăng, xã Sốp Cộp với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại bản Pom Khăng, xã Sốp Cộp với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

1.11. Huyện Bắc Yên

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại tiểu khu 3, thị trấn Bắc Yên với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm: Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III lên quy mô bán công nghiệp, loại II tại tiểu khu 3, thị trấn Bắc Yên với công suất đạt 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê; 1000 con gia cầm/ngày.

1.12. Huyện Phù Yên

- Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo nhu cầu cung cấp thịt qua giết mổ tập trung cho thị trấn và các xã lân cận thuộc huyện.

- Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II tại bản Phố, xã Huy Bắc với công suất dự kiến 20 con trâu, bò; 150 con lợn, dê và khoảng 1000 con gia cầm/ngày.

- Định hướng đến năm 2025, trên địa bàn huyện có 03 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gồm:

Nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, loại II lên quy mô công nghiệp, loại I tại bản Phố, xã Huy Bắc với công suất đạt 30 con trâu, bò; 200 con lợn, dê; 1500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công , loại III tại bản Lá, xã Gia Phù với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thủ công, loại III tại xã Mường Cơi với công suất dự kiến 10 con trâu, bò; 100 con lợn, dê và khoảng 500 con gia cầm/ngày.

1.13. Căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương có thể phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các địa điểm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố và bảo đảm các điều kiện theo quy định trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

2. Bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ cho giết mổ gia súc, gia cầm

- Mở mới và nâng cấp 4,5 km đường giao thông trục chính vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn 12 huyện, thành phố theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A.

- Xây dựng hệ thống cấp điện gồm: 9,6 km đường dây 35 KV, đường dây 22 KV và các trạm biến áp công suất 50 KVA cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

- Xây dựng 19 công trình cấp nước (trạm bơm, đường ống, bể xử lý nước…) cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

- Xây dựng 19 công trình xử lý nước thải cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

3. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2025

- Dự án đầu tư xây dựng 19 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Chương trình, dự án hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống điện, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải cho các dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Chương trình, dự án tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y.

4. Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch

Tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch: 263.013.000.000 đồng. Trong đó:

- Phân theo nguồn vốn: Ngân sách nhà nước: 83, 997 tỷ đồng; Nguồn vốn hợp pháp khác (doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, ODA, phi chính phủ…): 179,016 tỷ đồng.

- Phân theo giai đoạn

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 153,621 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2021 - 2030: 109,392 tỷ đồng.

5. Các giải pháp thực hiện

5.1. Giải pháp về vận động tuyên truyền

- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ quản lý, người kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm và người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung tư vấn và trang bị cho người tiêu dùng kiến thức để tự bảo vệ mình. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, quảng cáo, tờ rơi…, và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn dân về việc sử dụng thực phẩm an toàn.

- Giới thiệu và quảng bá các cơ sở thực hiện tốt, đồng thời kiên quyết tẩy chay các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.

5.2. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có dự án hoặc phương án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hướng bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Bố trí và sử dụng có hiệu quả vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các nguồn vốn của các chương trình, dự án để phục vụ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung như nguồn vốn: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp và quy định tại các văn bản có liên quan.

- Xã hội hóa các hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, đối tác công tư để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

5.3. Giải pháp về đất đai

- Tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất phục vụ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bố trí, cân đối đất đai để xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, được ưu đãi cao nhất về thu tiền sử dụng đất và thời gian sử dụng đất đối với các dự án đầu tư giết mổ cơ sở gia súc, gia cầm tập trung.

5.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại các văn bản có liên quan.

- Nghiên cứu, bổ sung, ban hành mới chính sách hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm mang tính đặc thù của địa phương như: Chính sách hỗ trợ về đất đai, cơ sở hạ tầng, tín dụng, đào tạo nâng cao năng lực…

5.5. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động giết mổ, chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm.

- Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý các cấp.

- Áp dụng những tiến bộ mới vào công nghệ xử lý môi trường, xử lý nước thải, phân, lông và chất rắn hữu cơ bằng công nghệ sinh học.

5.6. Giải pháp về môi trường

- Đối với các hộ giết mổ nhỏ lẻ cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

- Tăng cường biện quản lý để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Các cơ sở, điểm giết mổ phải có kế hoạch hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, tự xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của cơ quan chức năng về môi trường.

- Trước mắt ứng dụng các mô hình xử lý môi trường có hiệu quả và thiết thực như:

+ Mô hình gom phân vào bao kết hợp xây dựng hệ thống Biogas phân giải phần chất thải còn lại trong nước rửa cơ sở giết mổ. Khuyến khích đầu tư máy phát điện từ nguồn Biogas hoặc sử dụng khí sinh học từ Biogas vào tiêu dùng.

+ Mô hình sử dụng hệ thống bể lắng, xả nước đã được xử lý theo hệ thống tiêu chung hoặc ra ao chứa 2 cấp (2 ao), ao sau nước thải có thể sử dụng nuôi cá (mô hình này một số nơi đã ứng dụng) đem lại thu nhập đáng kể từ nuôi cá.

- Về lâu dài, thử nghiệm mô hình xử lý hiện đại khác để ứng dụng rộng rãi các mô hình phù hợp như.

+ Xử lý toàn bộ chất thải bằng phương pháp Biogas kết hợp phát điện để điện khí hóa toàn bộ các hoạt động của cơ sở giết mổ và làm dịch vụ cung cấp điện hoặc bán khí.

+ Xử lý chất thải của cơ sở giết mổ bằng công nghệ sinh học: Theo hệ thống dẫn khí áp lực âm (chìm dưới đất) chuyển về giếng thu chất thải, các chất được thải tất ra để sản xuất phân hữu cơ, chất thải lỏng được chuyển vào hệ thống yếm khí, sau đó được bổ sung các men sinh học và chuyển sang bể lên men, sau khi lên men được chuyển sang sục khí. Sau khi xử lý, nước được chuyển sang các bể chứa dùng tưới cây bóng mát, cây ăn trái trong khu chăn nuôi hoặc xả ra môi trường.

+ Sử dụng các chế phẩm sinh học (nước CTAIR-1 và CTAIR-2) nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

- Xử lý nghiêm (phạt hành chính, không cấp phép, siết chặt đầu ra,…) các cơ sở, hộ giết mổ không có biện pháp xử lý chất thải.

5.7. Giải pháp về thị trường tiêu thụ

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong xử lý đối với trường hợp buôn bán sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.

- Tổ chức và xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ chăn nuôi với thương nhân kinh doanh gia súc, gia cầm; Giữa cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ với thương nhân thuộc các thành phần kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên…; Tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết giữa 4 nhà trên cơ sở xử lý hài hòa lợi ích của các bên tham gia theo quy luật thị trường; Hình thành các kênh tiêu thụ chủ lực, cấp độ lớn với sự tham gia của những doanh nghiệp, thương nhân nòng cốt tại địa phương và các tỉnh lân cận, với hệ thống chợ đầu mối, hệ thống thu mua, phân phối cấp vùng và cấp tỉnh.

- Tổ chức hệ thống phân phối, mạng lưới tiêu thụ theo hướng tạo thuận lợi cho các thương nhân kinh doanh đa dạng các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giết mổ; Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng, phát triển và từng bước hình thành các chợ bán buôn tập trung, chợ đầu mối bán buôn chuyên doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới mua bán cố định, cùng với việc tổ chức rộng rãi các đơn vị mua bán lưu động thuộc mọi thành phần kinh tế, đa dạng hóa phương thức thu mua...

- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm; tạo điều kiện cho việc kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối với các đơn vị sản xuất, chế biến trong việc tiêu thụ; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gia súc, gia cầm của tỉnh trên các phương tiện truyền thông…

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức công bố, công khai nội dung quy hoạch Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai quy hoạch; kịp thời cập nhật về sản xuất, thông tin về thị trường, tiến bộ khoa học, công nghệ để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Tăng cường các hoạt động chuyên môn về các lĩnh vực: Phòng chống dịch bệnh, quản lý sử dụng hoá chất, thuốc thú y trong sản xuất chăn nuôi; Chế biến và bảo quản sản phẩm có nguồn gốc động vật; Quản lý Nhà nước về chất lượng nông lâm thuỷ sản; Các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm; Thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực giết mổ theo thẩm quyền được giao.

- Cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- Kiểm tra đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về thường trực UBND tỉnh.

3. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý nhà nước đối với quy hoạch Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo đúng quy định. Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về cân đối, bố trí vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình, dự án trong quy hoạch trên cơ sở các dự án hoặc phương án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo lộ trình đề ra trong quy hoạch. Hướng dẫn các chủ đầu tư lập và thực hiện các dự án đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt.

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cân đối trong nguồn vốn Ngân sách tỉnh thực hiện các Chương trình, dự án trong quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường ở nơi có dự án hoặc phương án đầu tư Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

- Sở Công thương:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ chức sắp xếp hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ, chế biến đảm bảo thuận tiện và vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường các hoạt động khuyến công, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ trong các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, chế biến, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường ở các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; Xây dựng các đề tài, dự án, đề án nghiên cứu khoa học có liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào xử lý môi trường tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm tị các cơ sở giết mổ, chế biến; tăng cường công tác hướng dẫn, truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đến người tiêu dùng.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- UBND các huyện, thành phố thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án quy hoạch theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch; Công khai, minh bạch các diện tích đất dự kiến phục vụ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện di dời, xóa bỏ có lộ trình các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, nội thành, nội thị và khu tập trung đông dân cư…

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng; Kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán các sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vân chuyển, kinh doanh, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép…

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai nhiệm vụ có liên quan tới giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn địa phương quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sơn La; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- TT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Mnh KT, 26 bản.

CHỦ TỊCH




C
ầm Ngọc Minh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 579/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt dự án Quy hoạch Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 579/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Cầm Ngọc Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản