Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 577/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 26 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định;

Căn cứ Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn xây dựng Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 271/TTr-SNN ngày 30 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ngành, địa phương kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc hoặc các nội dung chưa có quy định về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần I

KHUNG KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ

I. Bối cảnh/sự cần thiết phải ban hành

Những năm gần đây, công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên các vùng biển, hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản đã được các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm phối hợp đạt được nhiều kết quả tích cực; hàng năm số lượng tàu cá Khánh Hòa hoạt động khai thác ven bờ giảm dần, trong khi số tàu hoạt động khai thác xa bờ tăng mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn một số khó khăn như: Tình trạng tàu cá hoạt động nghề lưới kéo khai thác sai vùng hoạt động vẫn còn diễn ra; việc ghi và nộp nhật ký khai thác của các tàu cá chưa thường xuyên; đôi khi vẫn còn tình trạng tàu cá của Khánh Hòa bị nước ngoài bắt giữ tại các vùng biển chồng lấn; phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không mua nguyên liệu trực tiếp từ các chủ tàu cá mà phải thông qua chủ nậu, nên chưa chủ động trong việc cung cấp các giấy tờ liên quan đến lô hàng (giấy phép khai thác, sổ nhật ký,...); việc theo dõi, giám sát hành trình của tàu cá chưa được đồng bộ. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam thời gian qua chưa đủ để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp đã dẫn đến hệ quả là Ủy ban Châu Âu rút “Thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải cấp bách xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh để tập trung nguồn lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp góp phần khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm:

1. Chỉ ra các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tình hình vi phạm pháp luật về khai thác hải sản đang diễn ra trên vùng biển được giao quản lý, đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của các nước.

2. Nhận ra các vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng; những bất cập hạn chế trong công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

II. Mục đích

Kế hoạch thanh tra, kiểm soát được thực hiện một cách hiệu quả nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

III. Phạm vi/nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

Căn cứ vào đặc điểm nghề cá, đội tàu cá, ngư dân khai thác, ngư trường khai thác (bao gồm vùng biển nước ngoài), mùa vụ khai thác, sản phẩm thủy sản lên cảng và nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác đến nhà máy chế biến có liên quan hoặc có nghi ngờ liên quan đến các hoạt động khai thác bất hợp pháp (IUU)... Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Việt Nam và tuân thủ theo các quy định quốc tế, bao gồm:

1. Kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến.

2. Kiểm tra tàu cá khi cập bến, lên cá.

3. Kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển.

4. Phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

IV. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát

Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tham gia thực hiện Kế hoạch này được quy định cụ thể như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

a) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên biển và tại cảng cá

- Chi cục Thủy sản tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá.

+ Tổ chức bộ phận để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá (gọi tắt là Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá - Fisheries Control Office).

Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá (Văn phòng đại diện) bao gồm lực lượng thủy sản (Chi cục Thủy sản; Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản) và Bộ đội Biên phòng là cơ quan phối hợp. Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phân công, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu Văn phòng đại diện và các thành viên. Văn phòng đại diện được phép sử dụng con dấu cơ quan của người được giao nhiệm vụ đứng đầu Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm tham mưu, điều phối, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch và theo quy định của pháp luật.

+ Xây dựng Quy chế phối hợp với các lực lượng có liên quan để kiểm soát nghề cá tại địa bàn quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để thực hiện: Kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến, kiểm tra tàu cá cập bến, lên cá và kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển.

+ Xây dựng Quy chế làm việc của Văn phòng đại diện. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo và việc xử lý tàu vi phạm.

b) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu

- Giai đoạn tàu nước ngoài vận chuyển nguyên liệu hải sản vào cảng tại Khánh Hòa.

Chi cục Thú y: Phối hợp với Hải quan, Cảng vụ, các cơ quan đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài theo hướng dẫn của Cục Thú y.

- Giai đoạn từ cảng đến nhà máy chế biến xuất khẩu.

Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 3: Tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xác nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu và theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cơ quan phối hợp

a) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên biển và tại cảng cá

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Bố trí cán bộ tham gia Văn phòng đại diện thường trực tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh để phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của tàu cá và thuyền viên ra vào cảng.

b) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu

Hải quan phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ và các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài; kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàu nước ngoài vận chuyển nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ khai thác IUU cập cảng tại Khánh Hòa.

Phần II

NGUỒN LỰC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT NGHỀ CÁ

I. Nguồn lực, cơ sở vật chất

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá lại nguồn lực bao gồm cán bộ thanh tra, kiểm tra; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng, cụ thể:

- Bố trí Văn phòng đại diện tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh bao gồm: Cảng cá Đại Lãnh, cảng cá Vĩnh Lương, cảng cá Hòn Rớ và cảng cá Đá Bạc.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực thường trực 24/24 giờ tại Văn phòng đại diện để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khi tàu cá xuất bến, cập bến và trong quá trình hoạt động trên biển. Số lượng người làm việc tại Văn phòng đại diện tại cảng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều động từ các đơn vị trực thuộc và sự phân công của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Đảm bảo các điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ. Trang bị máy tính, máy in, máy fax, điện thoại, máy VHF, ICOM... (số Fax, điện thoại, tần số liên lạc được công khai để chủ tàu/thuyền trưởng được biết và bắt buộc chủ tàu/thuyền trưởng phải thông báo/điện thoại cho Văn phòng đại diện tại cảng trước khi tàu xuất bến và khi sắp cập bến trước 02 giờ để Văn phòng chủ động bố trí cán bộ kiểm tra); cung cấp các văn phòng phẩm phục vụ cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Kết nối, sử dụng dữ liệu thông tin quản lý về tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, thông tin về thuyền viên tàu cá để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cảng và trên biển; cập nhật các thông tin vào dữ liệu phần mềm quản lý nghề cá.

- In ấn, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản có liên quan phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. In ấn sổ tay hướng dẫn quy trình, các bước về thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá; danh bạ điện thoại của các cơ quan đơn vị phối hợp.

 - Hàng năm, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng, đảm bảo xăng dầu, nhiên liệu cho các tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được giao quản lý.

- Sử dụng hệ thống thông tin đài bờ và thông tin giám sát tàu cá MOVIMAR và các kênh thông tin khác để kiểm tra, phân tích, quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá và lấy bằng chứng vi phạm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

 II. Yêu cầu đối với cán bộ thanh tra, kiểm soát

Bố trí sử dụng các cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá có trình độ chuyên môn phù hợp; tổ chức tập huấn, đào tạo các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển và tại cảng. Đảm bảo các cán bộ tham gia thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá phải nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của kế hoạch kiểm soát nghề cá và các quy định của pháp luật thủy sản Việt Nam và quy định quốc tế và khu vực về IUU fishing.

III. Các hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá

1. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên biển và tại cảng cá.

a) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu rời bến

Thành phần tham gia kiểm tra: Các cán bộ của Văn phòng đại diện (lực lượng thủy sản, biên phòng) thực hiện theo Quy chế phối hợp và Quy chế làm việc.

Nội dung, quy trình kiểm tra:

Bước 1: Trước khi tàu xuất bến, chủ tàu/thuyền trưởng phải thông tin, thông báo trực tiếp hoặc sử dụng điện thoại, thông tin liên lạc cho Văn phòng đại diện tại cảng trước 02 giờ để bố trí cán bộ kiểm tra.

Bước 2: Chủ tàu/thuyền trưởng phải xuất trình hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin cho Văn phòng đại diện tại cảng để đối chiếu, kiểm tra.

Bước 3: Kiểm tra hồ sơ tàu cá: Sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản (ngư trường, vùng biển khai thác, đối tượng khai thác...), chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng, sổ danh bạ thuyền viên tàu cá...

Bước 4: Kiểm tra thực tế:

- Kiểm tra các trang thiết bị đảm bảo an toàn, hàng hải trên tàu: Đèn, phao áo cứu sinh, thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình (nếu có);

- Kiểm tra ngư cụ;

- Số lượng thuyền viên.

Bước 5: Kết quả kiểm tra: Xác nhận tàu đã được kiểm tra, khai báo các thông tin đảm bảo đủ các điều kiện cho tàu trước khi đi biển. (Mẫu giấy kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản tại Phụ lục I).

Trường hợp tàu cá và thuyền viên không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện theo quy định thì không đóng dấu xác nhận và tàu không được rời bến.

b) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu về bến

Thành phần tham gia kiểm tra: Các cán bộ của Văn phòng đại diện (lực lượng thủy sản, biên phòng) thực hiện theo Quy chế phối hợp và Quy chế làm việc.

Nội dung, quy trình kiểm tra:

Bước 1: Trước khi tàu cập cảng cá, chủ tàu thông tin, thông báo bằng các kênh thông tin liên lạc (điện thoại, máy VHF, ICOM..) cho Văn phòng đại diện trước 02 giờ để bố trí cán bộ kiểm tra.

Bước 2: Khi cập bến chủ tàu/thuyền trưởng phải khai báo các thông tin cập cảng vào mẫu tại Phụ lục I cho Văn phòng đại diện tại cảng nơi tàu cập bến để đối chiếu kiểm tra.

Bước 3: Thu nhật ký khai thác, kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được, kiểm tra ngư cụ.

Bước 4: Kiểm tra đối chiếu các thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác. Trường hợp có nghi vấn hoặc phát hiện tàu cá khai thác IUU thì Văn phòng đại diện sử dụng dữ liệu thông tin từ hệ thống thông tin giám sát hoạt động tàu cá (trạm bờ VX 1700; MOVIMAR - Trung tâm Thông tin Kiểm ngư/Cục Kiểm ngư cung cấp...) để kiểm tra.

Bước 5: Khi phát hiện tàu cá/chủ tàu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật về thủy sản, Văn phòng đại diện tiến hành lập biên bản giao các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Bước 6: Khi đáp ứng đầy đủ các quy định, Văn phòng đại diện sẽ đóng dấu xác nhận vào mẫu tại Phụ lục I.

c) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển (vùng biển ven bờ, vùng lộng)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản:

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch sử dụng phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được giao quản lý.

- Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng kiểm ngư, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển để hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

- Báo cáo kết quả tuần tra, số liệu tình hình vi phạm (báo cáo thống kê, tổng hợp số liệu xử lý vi phạm) cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản (Cục Kiểm ngư) để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 25 hàng tháng và phải được thông báo cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng.

2. Kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu

a) Giai đoạn tàu nước ngoài vận chuyển nguyên liệu hải sản cập cảng tại Khánh Hòa

Chi cục Thú y phối hợp với Hải quan, Cảng vụ, các cơ quan đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài theo hướng dẫn của Cục Thú y, bao gồm:

- Kiểm tra đối với nguyên liệu thủy sản tạm nhập, tái xuất, tái nhập, chuyển khẩu quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

- Kiểm tra nguồn gốc đối với nguyên liệu nhập khẩu được chế biến sau đó xuất khẩu đi EU, thị trường khác và được tiêu thụ tại Việt Nam.

b) Giai đoạn từ cảng đến nhà máy chế biến xuất khẩu

Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 3 phối hợp với Chi cục Thú y và các cơ quan đơn vị có liên quan kiểm tra thực hiện xác nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu và theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Mục tiêu và các ưu tiên

Mục tiêu kiểm soát chính: Đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát, thanh tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đầy đủ, minh bạch và cách tiếp cận đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn kiểm tra để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động IUU theo các hướng dẫn của EC, mục tiêu cụ thể:

a) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu rời bến

100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi tàu xuất bến, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các tàu nằm trong danh sách vi phạm, các tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước.

b) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu về bến, lên cá

- 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng; thu nộp nhật ký khai thác; kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được; kiểm tra ngư cụ, kích thước mắt lưới.

- Đảm bảo kiểm tra, thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác: Cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ theo khuyến nghị của EC.

 c) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển

 - Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Ưu tiên tập trung kiểm tra đối với các nhóm tàu làm các nghề khai thác có nguy cơ thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép cao (nghề giã cào; sử dụng xung điện, chất nổ; sử dụng các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi...).

- Ngăn chặn đánh bắt sai vùng, sai tuyến..., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thủy sản.

- Sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị kiểm soát, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý.

d) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu

- Kiểm tra đối với nguyên liệu tạm nhập tại kho ngoại quan và sau đó tái xuất: 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và kiểm tra thực tế khi có dấu hiệu vi phạm.

- Kiểm tra đối với nguyên liệu nhập khẩu được chế biến sau đó xuất khẩu đi EU: 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và kiểm tra thực tế.

- Kiểm tra đối với nguyên liệu nhập khẩu được chế biến sau đó xuất khẩu đi thị trường khác: 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và kiểm tra thực tế 10% theo yêu cầu của EC.

- Kiểm tra đối với nguyên liệu nhập khẩu được chế biến sau đó được sử dụng tại Việt Nam: 100% tàu phải khai báo thông tin trước khi cập cảng và kiểm tra thực tế 5%.

4. Tiêu chuẩn kiểm tra

 Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định các tiêu chuẩn kiểm tra được xác định dựa trên các văn bản pháp luật và quy định hướng dẫn và căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể nghề cá của địa phương, cụ thể:

- Xác định các tiêu chuẩn kiểm tra cho mỗi loại nghề khai thác, đội tàu khai thác, hoạt động kiểm soát (trên biển, trên đất liền, giám sát, kiểm tra chéo tại các nhà máy chế biến...) theo cách tiếp cận đánh giá rủi ro.

- Các tiêu chuẩn kiểm tra cần được xác định rõ ràng theo từng năm và loại hoạt động kiểm soát: Ví dụ như số lần kiểm tra trên biển dựa trên số lần khai thác/số đội tàu, % cập bến hoặc sản lượng khai thác được kiểm tra, số lần kiểm tra các nhà máy chế biến...). Đối với mỗi loại nghề khai thác, cần xác định tần suất kiểm tra dựa trên cách tiếp cận đánh giá rủi ro.

5. Lựa chọn tiêu chí kiểm tra

Các tiêu chí kiểm tra cho các đối tượng ưu tiên kiểm tra cần phải được xác định dựa trên các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của việc không tuân thủ cần lưu ý, cảnh báo (hồ sơ rủi ro) để đánh dấu “Mã rủi ro” cho tàu khai thác (rất cao, cao, trung bình, thấp, rất thấp) để theo dõi và có các biện pháp kiểm soát, xử lý.

Danh sách các chỉ tiêu (có thể chưa đầy đủ): Lịch sử tuân thủ của tàu/ngư dân/thuyền trưởng/nhà máy chế biến, hạn mức hoặc cường lực khai thác liên quan đến loài cá được khai báo (nguy cơ không báo cáo), giá thành các loài khai thác, sản lượng chế biến, thiết bị trên tàu (ví dụ: VMS, nhật ký điện tử, quan sát viên), mùa khai thác (ví dụ: Mùa cấm sử dụng các thiết bị dẫn dụ cá) và ngư trường.

Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc thực hiện các thủ tục hành chính và các hoạt động kiểm tra.

Phần III

ĐÁNH GIÁ, PHẢN HỒI VÀ RÀ SOÁT

I. Đánh giá và chỉ đạo

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kiểm tra, hướng dẫn; chỉ đạo; tổ chức đánh giá các hoạt động của cơ quan giám sát tại cảng và các bên liên quan:

- Báo cáo và theo dõi đối với mỗi hoạt động kiểm tra (báo cáo thanh tra phải được lưu trong cơ sở dữ liệu) và phân tích thường xuyên (xây dựng quy trình chất lượng, bảng điểm và thống kê) ít nhất một năm một lần để đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và tác động của kế hoạch đến những đối tượng hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và buôn bán (bao gồm cả người khai thác, chế biến, thương mại thủy sản) đối với việc tuân thủ pháp luật.

- Thông tin phản hồi được cung cấp tới tất cả các cơ quan (kết luận về tác động của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với việc tuân thủ pháp luật, các loại vi phạm đã được xác định và theo dõi).

- Hiệu quả của hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá được củng cố hoàn thiện bằng việc xác định rõ quy trình chất lượng trong các hoạt động thanh, kiểm tra và bằng sự đánh giá của cơ quan cấp trên và các cơ quan phối hợp đối với với thực hiện các mục tiêu đã được xác định cũng như quy trình thanh, kiểm tra.

II. Rà soát, điều chỉnh

Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, giám sát nên được rà soát theo sự đánh giá để phù hợp với những ưu tiên, mục tiêu, mục đích và sự phân bổ phương tiện thanh tra, kiểm tra đối với sự phát triển của các hoạt động đánh khai thác và vấn đề tuân thủ pháp luật.

III. Trách nhiệm tham gia của các bên

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài việc tham gia của các cơ quan chức năng, việc tham gia, hợp tác của ngư dân sẽ góp phần triển khai thực hiện thành công Kế hoạch.

Đề nghị, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển có trách nhiệm chủ động phối hợp, lên kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để nâng cao nhận thức cho ngư dân.

Trên đây là Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

 

PHỤ LỤC I

MẪU GIẤY KIỂM TRA, KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN KHÁNH HÒA
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN....
--------

GIẤY XÁC NHẬN

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN

 

Số:...........

A. KIỂM TRA KHI TÀU RỜI CẢNG

Thời gian tàu rời cảng:......................................

1. Tên tàu:.................................................................... Số đăng ký:...................................

Tên chủ tàu:................................................................. Sđt:................................................

Địa chỉ:................................................................................................................................

2. Cảng/bến:................................................................. Sđt:...............................................

Địa chỉ:................................................................................................................................

3. Kiểm tra hồ sơ:

 Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá

 Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá

 Các chứng chỉ của người làm việc trên tàu cá

 Giấy phép khai thác

 Giấy chứng nhận an toàn tàu cá

 Nhật ký khai thác

 Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm với tàuđối  trên 90 CV

4. Kiểm tra thực tế:

Kiểm tra trang bị an toàn, thông tin liên lạc

 Phương tiện cứu sinh

 Thiết bị vô tuyến điện

........................... Thiết bị khác:

 Phương tiện tín hiệu

 Thiết bị hàng hải

 

 

 

 

 

Thiết bị giám sát hành trình

................................................... Có/Tên thiết bị:

 Không

Kiểm tra ngư cụ khai thác (tên ngư cụ):...............................................................................

 Nghề lưới kéo

 Nghề câu

 Nghề lưới vây

 Nghề chụp mực

 Nghề lưới rê

.......................... Nghề khác

 Kích thức mắt lưới đúng quy định

Số lượng thuyền viên...........................................................................................................

Chủ tàu/thuyền trưởng
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Văn phòng đại diện tại cảng
(Ký, đóng dấu xác nhận)

B. KIỂM TRA KHI TÀU VÀO CẢNG

Thời gian tàu cập cảng:...................................

1. Cảng/bến:................................................................. Sđt:.................................................

Địa chỉ:..................................................................................................................................

2. Khai báo sản lượng:

Mã loài

Tên loài

Ước tính sản lượng

Sản lượng sau khi cân/kiểm tra

Mã loài

Tên loài

Ước tính sản lượng

Sản lượng sau khi cân/kiểm tra

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng trọng lượng (kg/tấn)

 

 

 

Chủ tàu/thuyền trưởng
(Ký, ghi rõ họ tên)

Văn phòng đại diện tại cảng
(Ký, đóng dấu xác nhận)

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 577/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 577/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/02/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Đào Công Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản