ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2006/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 16/NQ-TU NGÀY 21/5/2004 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VÀ KẾ HOẠCH SỐ 61/KH-UB NGÀY 25/8/2004 CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN SÓC SƠN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các Nghị định, thông tư hướng dẫn của Nhà nước;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị quyết 16/NQ-TU ngày 21/5/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 61/KH-UB ngày 25/8/2004 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2004 - 2010;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 308/TTr-KH&ĐT ngày 27 tháng 4 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Mục tiêu ban hành Quyết định này nhằm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-TU ngày 21/5/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 61/KH-UB ngày 25/8/2004 của UBND Thành phố về phát triển kinh tế xã hội huyện Sóc Sơn.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh:
Cơ chế chính sách cụ thể trong Quyết định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan và thực hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2010.
Điều 3. Ngoài các cơ chế chính sách cụ thể nêu trong Quyết định này, việc thực hiện các chính sách ưu đãi khác về khuyến khích đầu tư trong nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 4. Một số cơ chế, chính sách cụ thể:
1. Tài chính, ngân sách:
a. Ngoài nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn phân cấp đầu tư hàng năm cân đối theo kế hoạch, căn cứ nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cấp, thủ tục và tiến độ thực hiện các dự án, Thành phố đảm bảo cân đối nguồn vốn cho các dự án đã giao tại Kế hoạch 61/KH-UB và các Quyết định phê duyệt dự án của UBND Thành phố.
b. Cho phép để lại toàn bộ nguồn kinh phí thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất do UBND huyện Sóc Sơn được tổ chức đấu giá, nguồn thưởng vượt thu của huyện hàng năm để đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Huyện Sóc Sơn.
c. Cơ chế triển khai các dự án đầu tư tại Kế hoạch 61/KH-UB của UBND Thành phố:
- Đầu năm kế hoạch, Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính trình UBND và HĐND Thành phố bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm trong kế hoạch 61/KH-UB đã có đủ thủ tục theo quy định.
- Trong năm kế hoạch, ngoài các dự án đã ghi kế hoạch đầu năm, các dự án trọng điểm trong Kế hoạch 61/KH-UB được triển khai thi công khi có đủ thủ tục và đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn. Trường hợp chưa có kế hoạch bổ sung nguồn vốn, UBND huyện Sóc Sơn báo cáo UBND Thành phố xem xét việc cho phép triển khai theo cơ chế nhà thầu ứng vốn thi công, không tính lãi và trượt giá, được hoàn trả khi Thành phố bố trí kế hoạch vốn. Sở KH&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu, đề xuất nguồn vốn bổ sung, báo cáo UBND Thành phố quyết định.
2. Chính sách về đất đai:
a. Đối với đất kẹt, nhỏ lẻ trong vùng dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch xây dựng, cho phép UBND huyện Sóc Sơn giao quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành, giá đất xác định theo giá thị trường.
b. Cho phép UBND huyện Sóc Sơn lựa chọn giao quyền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Trường hợp số lượng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất lớn hơn khả năng cung cấp, thực hiện theo phương thức đấu giá quyền thuê đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định.
c. Áp dụng đơn giá thuê đất bằng 0,5 lần so với đơn giá thuê đất theo quy định đối với các dự án thực hiện thuê đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn kể từ sau ngày quyết định này có hiệu lực.
3. Hỗ trợ phát triển công nghiệp:
a. Thành phố hỗ trợ đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp như sau:
- Đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do huyện chủ trì làm chủ đầu tư tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư: Ngân sách Thành phố cấp vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án (chi phí lập thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, chi phí rà phá bom mìn, chi phí khác); Ngân sách ứng 100% kinh phí đền bù GPMB, trong đó 50% do Ngân sách cấp 50% còn lại UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm thu hồi của các nhà đầu tư; kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cụm công nghiệp (bao gồm: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện…).
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào (sử dụng chung đến chân hàng rào doanh nghiệp): Tùy theo khả năng, Ngân sách Thành phố có thể ứng vốn trước để thi công, UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm thu hồi của các nhà đầu tư tham gia sản xuất trong cụm công nghiệp hoàn trả ngân sách Thành phố. Trường hợp Ngân sách chưa bố trí kế hoạch, phần hạ tầng xây lắp trong hàng rào triển khai theo phương thức đấu thầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện xây lắp, thu hồi hoàn trả sau.
- Đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư: UBND Thành phố sẽ xem xét quyết định trong từng dự án cụ thể đảm bảo phù hợp với chính sách hiện hành của Nhà nước.
b. Chính sách hỗ trợ, đào tạo lao động cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong cụm công nghiệp và trên địa bàn huyện Sóc Sơn:
- Ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận lao động địa phương tối đa đến một triệu đồng/lao động để đào tạo nghề.
- Giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp:
a. Căn cứ vùng quy hoạch nông nghiệp ổn định, Ngân sách thành phố đầu tư 100% các tuyến kênh loại 1, 2 và giao UBND huyện Sóc Sơn quyết định đầu tư các tuyến kênh loại 3 theo phương thức ngân sách cấp là chủ yếu và có huy động một phần vốn góp của dân.
b. Miễn thu thủy lợi chi phí đối với sản xuất nông nghiệp từ năm 2006 trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp Sở Tài chính, UBND huyện Sóc Sơn xây dựng cơ chế và phương thức quản lý, thực hiện (bao gồm cả diện tích sản xuất nông nghiệp sử dụng các công trình thủy lợi do xã quản lý).
5. Phát triển lâm nghiệp:
a. Tăng suất đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng từ 175.000 đồng/ha lên 250.000 đồng/ha.
b. Đối với rừng phòng hộ - đặc dụng: Ngân sách cấp kinh phí hàng năm cho các công tác chăm sóc, nâng cấp, trồng bổ sung và quản lý bảo vệ rừng, phòng hộ, đặc dụng bằng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn phân cấp cho huyện.
c. Đối với rừng sản xuất: cho phép UBND huyện Sóc Sơn giao hoặc tổ chức đấu giá quyền sử đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển rừng theo quy hoạch được duyệt. UBND huyện Sóc Sơn chủ trì xây dựng Quy chế quản lý và phát triển rừng sản xuất trình UBND Thành phố phê duyệt.
6. Hỗ trợ đầu tư các dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện:
a. Tiếp tục thực hiện dự án Tổng thể giảm nghèo của 8 xã còn nhiều hộ nghèo theo Quyết định của UBND Thành phố đã phê duyệt. Bổ sung kinh phí Ngân sách đầu tư thay cho phần vốn huy động của dân trong các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp nước trên địa bàn vùng 8 xã nghèo đã được UBND Thành phố phê duyệt.
b. Cho phép triển khai dự án giảm nghèo đối với các xã có trên 15% số hộ nghèo (theo chuẩn mới) theo cơ chế như vùng 8 xã nghèo đã được Thành phố phê duyệt.
7. Phân cấp quản lý đầu tư và quy hoạch:
a. Phê duyệt dự án đầu tư: Ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn được quyết định đầu tư các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách phân cấp cho huyện quản lý. Các dự án huyện phê duyệt phải đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn.
b. Quy hoạch: Ngoài các quy định của Thành phố về phân cấp phê duyêt quy hoạch, cho phép UBND huyện Sóc Sơn được:
- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực trung tâm thị trấn (180 ha) đảm bảo nguyên tắc phù hợp cơ cấu quy hoạch đã được Thành phố duyệt.
- Thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng đối với các dự án cụ thể có quy mô dưới 3 ha (ngoài vùng trung tâm thị trấn) trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt, trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết, phải có thỏa thuận chuyên ngành của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Căn cứ cơ chế chính sách cụ thể tại điều 4 quyết định này, Giám đốc các sở ngành liên quan và UBND huyện Sóc Sơn theo phân công và chức năng nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, hàng năm các Sở ngành, UBND huyện Sóc Sơn rà soát và đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách đã ban hành ra Quyết định này để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn về pháp luật của Nhà nước, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định.
Điều 6. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành có liên quan; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Chủ tịch UBND Huyện Sóc Sơn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị định 92/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội
- 2Luật Đầu tư 2005
- 3Pháp lệnh về Thủ đô Hà Nội năm 2000
- 4Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 5Luật Đất đai 2003
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật xây dựng 2003
- 8Nghị quyết 06/2013/NQ-HĐND về chính sách áp dụng cho thị xã Tam Điệp thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị, giai đoạn 2013-2016 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 9Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2011 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng
Quyết định 57/2006/QĐ-UBND ban hành cơ chế, chính sách cụ thể thực hiện Nghị quyết 16/NQ-TU và Kế hoạch số 61/KH-UB về phát triển kinh tế xã hội huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 57/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/05/2006
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Quý Đôn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/05/2006
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực