Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 55/2006/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 28 tháng 06 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ KIÊN CỐ HÓA ĐƯỜNG GIAO THÔNG LIÊN THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐND ngày 06/01/2006 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc phê chuẩn thỏa thuận của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh giữa hai kỳ họp trình kỳ họp thứ 5;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về đầu tư kiên cố hóa đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Giao cho Sở giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh Lào Cai, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Được phép tuyên truyền trên Báo, Đài PTTH tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Huyện ủy, HĐND các huyện, TP;
- Lưu VT, TH, GT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Vạn

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐẦU TƯ KIÊN CỐ HÓA ĐƯỜNG GIAO THÔNG LIÊN THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng đầu tư

Quy định này áp dụng trong đầu tư rải cấp phối móng mặt đường và xây dựng công trình thoát nước vĩnh cửu cho các tuyến đường giao thông liên thôn loại B-GTNT, chiều rộng nền đường: 4m, rãnh dọc rộng: 0,8m (đã được xây dựng ở giai đoạn I) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Công việc gồm: Đào sửa nền đường, đào khuôn đường, đào sửa rãnh dọc, đắp phụ lề đường, sản xuất và vận chuyển vật liệu, rải mặt bằng vật liệu hạt cứng, xây dựng công trình thoát nước vĩnh cửu.

Điều 2. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn

1. Rải cấp phối móng mặt đường: Theo tiêu chuẩn rải móng mặt đường bằng vật liệu hạt cứng và chiều dày đã lu lèn tối thiểu 14cm, mặt đường rộng 3m, độ dốc ngang 4%, dốc ngang lề đường 5%, lu lèn đảm bảo độ chặt. Vật liệu hạt cứng rải móng mặt đường là sỏi suối, đá thải, đá tận dụng. Vật liệu hạt cứng chiếm 85% trong cấp phối. Đất dính, cát chiếm 15%, đường kính hạt cứng lớn nhất trong cấp phối là 70mm.

2. Xây dựng công trình thoát nước: Cống bản (50*50)cm, cống tròn Ø75, Ø100 theo tiêu chuẩn thiết kế đường GTNT 22-TCN-210-92 và qui trình, qui phạm thi công hiện hành. Tải trọng thiết kế cho công trình thoát nước là H13 - X60. Những vị trí có lưu lượng nước lớn, phải làm cầu hoặc cống khẩu độ lớn hơn 1m, thì các huyện lập dự án đầu tư riêng theo kế hoạch phân bổ hàng năm.

3. Phòng Hạ tầng kinh tế huyện phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng đường liên thôn của xã (hoặc Ban phát triển xã) căn cứ hồ sơ hoàn công nền của giai đoạn I và thực tế tuyến đường tiến hành khảo sát, đăng ký đường cũ, lập hồ sơ thiết kế rải cấp phối móng mặt đường và xây dựng công trình thoát nước trình UBND huyện phê duyệt.

Công tác khảo sát, thiết kế đường giao thông liên thôn thực hiện đơn giản, đo, vẽ hướng tuyến mặt cắt dọc, cắt ngang để thiết kế mặt đường và công trình thoát nước. Tại các vị trí đặt cống phải khảo sát, đo đạc, tính toán và thiết kế theo quy định hiện hành cho phù hợp và an toàn.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguồn lực đầu tư

1. Nhân dân đóng góp: Đường giao thông liên thôn do nhân dân xây dựng, quản lý, khai thác và bảo dưỡng.

- Nguồn lực do nhân dân tự làm bằng lao động công ích, lao động xã hội, đóng góp kinh phí, vật liệu và các nguồn lực khác do UBND xã lập kế hoạch để huy động.

- Phần nhân dân tự thực hiện gồm: Đào sửa nền đường, đào khuôn đường, làm rãnh xương cá, xếp đá vỉa, đào sửa rãnh dọc, đắp phụ lề đường, rải cấp phối móng mặt đường và các công việc hoàn thiện khác.

2. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ những phần việc mà nhân dân không làm được, theo hình thức khoán gọn cho từng loại hình cụ thể như sau:

a) Mức khoán gọn bình quân cho nhân công, văn phòng phẩm của công tác khảo sát thiết kế, quá trình thực hiện quản lý dự án:

- Đăng ký đường cũ, khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công mặt đường: 01 triệu đồng/1km; hướng dẫn kỹ thuật thi công, giám sát, lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công công trình: 01 triệu đồng/1km.

- Công trình thoát nước: khảo sát đo đạc, lập hồ sơ bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công cống: 0,2 triệu đồng/1cống. Hướng dẫn kỹ thuật thi công, giám sát, lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công công trình: 0,3 triệu đồng/1cống.

- Không tính kinh phí khảo sát thiết kế đối với những vị trí đặt ống thép Ø100mm - Ø300mm để thoát nước ngang qua đường.

b) Mức khoán gọn bình quân để xây dựng mặt đường theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Điều 2 bản Quy định này được duyệt là 60 triệu đồng/1km bao gồm các công việc: Sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu và lu lèn mặt đường.

Trường hợp sử dụng vật liệu làm mặt đường với mỏ vật liệu là cấp phối tự nhiên, vật liệu hỗn hợp khác có chất lượng thấp hơn các loại cấp phối được quy định tại Điều 2 bản Quy định này, thì mức hỗ trợ bình quân khoán gọn là: 40 triệu đồng/1km.

Với mức khoán gọi quy định tại điểm này, khuyến khích các xã huy động nguồn lực làm các loại mặt đường có kết cấu tốt hơn như: Mặt đường cấp phối đá dăm tiêu chuẩn, đá dăm nước, mặt đường bê tông xi măng, xây dựng ngầm, tràn vĩnh cửu, gia cố rãnh dọc.

c) Mức khoán gọn bình quân để xây dựng, hoàn thiện công trình thoát nước được duyệt là: 10 triệu đồng/1cống thoát ngang Ø75; 12 triệu đồng/1cống thoát nước ngang Ø100; 8 triệu đồng/1cống bản 50*50. Trường hợp đặt ống thép Ø150mm, dày 3mm trở lên, đặt ở chiều sâu so với mặt đường tối thiểu là 30cm: 0,20 triệu đồng/1m dài ống.

3. UBND xã (Ban quản lý dự án xây dựng đường liên thôn của xã hoặc Ban phát triển xã) thống nhất với nhân dân để mọi người hưởng ứng tự nguyện tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công, huy động nguồn lực để rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước các tuyến đường giao thông liên thôn.

UBND các xã căn cứ vào loại vật liệu rải mặt đường, cự ly vận chuyển vật liệu, mức độ khó khăn của từng tuyến đường để chủ động điều chỉnh, khoán gọn kinh phí cho từng đoạn đường, tuyến đường trong phạm vi vốn được phân bổ cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các tuyến đường trong năm kế hoạch cùng có khả năng triển khai thi công và hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ.

4. Khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tích cực tham gia đóng góp trong việc tạo điều kiện hỗ trợ cho nhân dân các thôn bản hoàn thành chương trình rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn.

Điều 4. Lập kế hoạch rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường giao thông liên thôn.

1. Các xã, các thôn bản căn cứ vào tình hình thực tế mạng lưới đường trong xã, trong thôn mình để lựa chọn đăng ký danh mục các tuyến đường đề nghị rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước theo các tiêu chí sau:

- Các tuyến đường liên thôn đảm bảo tiêu chuẩn loại B-GTNT, chiều rộng nền Bn=4m, rãnh dọc rộng 0,8m, độ dốc dọc tối đa không quá 13%.

- Tập trung ưu tiên rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước các tuyến đường liên thôn đi qua nhiều thôn bản, các vùng đông dân cư, các tuyến đường thiết yếu cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cho xóa đói, giảm nghèo.

2. Các xã lập danh mục và kế hoạch dự kiến kinh phí hỗ trợ rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước các tuyến đường liên thôn trên địa bàn, báo cáo UBND huyện (thông qua Phòng Hạ tầng kinh tế), gửi sở Giao thông vận tải tổng hợp thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục công trình đầu tư rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn và giao tổng mức vốn hỗ trợ cho UBND các huyện, thành phố vào tháng 9 hàng năm, trước năm kế hoạch (riêng năm 2006 thực hiện ngay sau khi Qui định này có hiệu lực thi hành).

3. Cuối năm kế hoạch, căn cứ khối lượng thực hiện, UBND các xã tổng hợp thông qua Phòng Hạ tầng kinh tế trình UBND huyện, thành phố điều chỉnh kinh phí đầu tư cho các công trình trong tổng mức vốn đã được giao, UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư giữa các huyện, thành phố.

Điều 5. Triển khai thực hiện

1. UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quyết định phê duyệt danh mục công trình được đầu tư rải cấp phối, xây dựng công trình thoát nước và tổng mức vốn hỗ trợ của UBND tỉnh cho từng huyện để phân bổ kinh phí hỗ trợ cho từng xã, Phòng Hạ tầng kinh tế huyện tiến hành khảo sát thực tế các tuyến đường, kiểm tra độ dốc dọc, chiều rộng nền để lập hồ sơ sửa chữa hoàn thiện nền trước khi rải mặt đường.

2. Giao cho UBND các xã, phường, thị trấn là chủ đầu tư việc rải cấp phối, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn. UBND các xã, phường, thị trấn chủ động lập kế hoạch quản lý, huy động các nguồn lực để tổ chức, triển khai thực hiện. Có quyền tự chủ trong chi tiêu để xây dựng đường liên thôn, nhưng không được để thất thoát và sử dụng sai mục đích.

Điều 6. Nghiệm thu công trình hoàn thành

1. Thành phần nghiệm thu bàn giao công trình gồm: Phòng Hạ tầng kinh tế huyện, thành phố, cán bộ chịu trách nhiệm khảo sát thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát thi công, lập hồ sơ hoàn công, Ban quản lý dự án xây dựng đường liên thôn của xã, Trưởng thôn bản nhận bàn giao quản lý, khai thác và bảo dưỡng.

b. Nội dung và trình tự nghiệm thu bàn giao:

a) Nghiệm thu chiều dài tuyến đường hoàn thành theo thực tế.

b) Nghiệm thu chất lượng công trình: Vật liệu làm mặt đường, chiều dày, chiều rộng, độ chặt, độ bằng phẳng, độ dốc ngang mặt đường, lề đường theo thiết kế.

c) Nghiệm thu công trình thoát nước: Công tác khảo sát thiết kế, thi công, các bước nghiệm thu chuyển bước thi công, xác định vị trí cống, cao trình móng cống, mác bê tông, mác vữa, vật liệu xây dựng cống, móng cống, cốt thép cống, bê tông ống cống, lắp đặt cống, lấp đất trên cống, xây tường đầu, tường cánh cống, sân cống, xử lý hạ lưu chống sói và nghiệm thu các công việc hoàn thiện khác đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế và các quy định về đầu tư xây dựng hiện hành.

d) Lập hồ sơ hoàn công công trình.

đ) Lập biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Điều 7. Quyết toán vốn đầu tư công trình:

1. Sau khi hoàn thành bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng chậm nhất là sau 03 tháng chủ đầu tư (UBND các xã) phải lập hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư gửi về Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

2. Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình theo quy định.

3. Hồ sơ trình duyệt quyết toán vốn đầu tư bao gồm:

a) Tờ trình xin phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình của chủ đầu tư;

b) Báo cáo quyết toán vốn đầu tư;

c) Hồ sơ khảo sát thiết kế công trình;

d) Hợp đồng giao khoán giữa chủ đầu tư với bên nhận khoán;

e) Biên bản thanh lý hợp đồng giữa chủ đầu tư với bên nhận khoán;

g) Các biên bản nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào sử dụng; nghiệm thu chuyển bước thi công, nghiệm thu giai đoạn hoàn thành, nghiệm thu công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

h) Bảng kê số công lao động thực hiện, kinh phí đóng góp.

i) Hồ sơ hoàn công gồm: Bản vẽ, khối lượng và giá trị thực tế thi công; hóa đơn, chứng từ có liên quan đến mua vật tư, vật liệu phục vụ thi công.

Điều 8. Quản lý cấp phát vốn hỗ trợ của Nhà nước.

1. Vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường liên thôn được quản lý cấp phát thanh toán qua Kho bạc nhà nước huyện, thành phố theo quy định hiện hành và các hướng dẫn của Tỉnh.

2. Các loại văn bản, giấy tờ tạm ứng kinh phí: Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn và thống nhất, in ấn các biểu mẫu, giấy tờ có liên quan đến công tác thanh toán, tạm ứng phần kinh phí do Nhà nước hỗ trợ để tổ chức thực hiện một cách thuận tiện nhất và đúng với quy định.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn

1. Thành lập Ban quản lý dự án nâng cấp đường liên thôn (hoặc lấy Ban phát triển xã tổ chức thực hiện, bổ sung cán bộ giao thông nếu chưa có). Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban, cán bộ giao thông là Phó ban Thường trực, các thành viên gồm: cán bộ tài chính, cán bộ tăng cường, Trưởng các thôn bản. Trưởng ban phân công cụ thể cho từng thành viên để thực hiện từ bước lập kế hoạch, tổ chức huy động các nguồn lực và nhân dân thôn bản tham gia xây dựng đường, thực hiện nghiệm thu thanh toán, bàn giao công trình hoàn thành. Tuyên truyền phổ biến và vận động nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp kinh phí, nguyên vật liệu và ngày công để nâng cấp đường liên thôn. Thực hiện quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

2. Chỉ đạo Trưởng thôn, bản, tổ dân phố họp dân để phổ biến quy định của UBND tỉnh, đồng thời xác định trách nhiệm của mọi người trong thôn bản đối với việc rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn. Thông báo kế hoạch vốn hỗ trợ của Nhà nước cho từng tuyến đường, bàn bạc với nhân dân để thống nhất thời gian, huy động nguồn lực, tổ chức lực lượng, chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu triển khai thi công hoàn thành tuyến đường đảm bảo chất lượng, an toàn, phối hợp Ban quản lý dự án xã (hoặc Ban phát triển xã) công khai việc thanh toán chi tiêu kinh phí hỗ trợ để nhân dân được biết.

3. Nhiệm vụ xây dựng đường giao thông liên thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng của xã, phường, thị trấn trong việc đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch. Xã, phường, thị trấn nào không hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đường giao thông liên thôn, thi công không đảm bảo chất lượng thì xã, phường, thị trấn đó được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND huyện

1. Trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ban quản lý dự án nâng cấp đường liên thôn các xã thực hiện tốt phong trào phát triển giao thông liên thôn trên địa bàn, đảm bảo tính hiệu quả của vốn hỗ trợ để động viên được mọi nguồn lực góp phần tham gia hoàn thành xây dựng đường liên thôn.

2. Chỉ đạo Phòng Hạ tầng kinh tế các huyện, thành phố phối hợp với Ban quản lý dự án nâng cấp đường liên thôn của xã để tổ chức thực hiện từ khâu khảo sát thiết kế đến thi công công trình, xác định vị trí của mỏ vật liệu tập trung và vật liệu tận dụng trên tuyến để có kế hoạch khai thác; Hướng dẫn, giám sát kỹ thuật, đôn đốc, kiểm tra các Xã thực hiện chương trình rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường liên thôn trong năm kế hoạch; Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn, bản tại hiện trường để việc thực hiện thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn lao động. Có trách nhiệm báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Nhiệm vụ xây dựng đường giao thông liên thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh và là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch của huyện. Vì vậy các huyện phải tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đường giao thông liên thôn theo kế hoạch giao, đảm bảo chất lượng công trình khi đưa vào khai thác sử dụng. Huyện, thành phố nào không hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đường giao thông liên thôn, thi công công trình không đảm bảo chất lượng thì được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Điểu 11. Khen thưởng

1. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đường giao thông liên thôn được khen thưởng theo quy định của UBND tỉnh.

2. Kết thúc năm kế hoạch, UBND các huyện, thành phố bình chọn đơn vị hội đủ tiêu chuẩn là tiêu tiểu xuất sắc nhất trong phong trào xây dựng đường liên thôn, đạt trên 3m đường rải cấp phối móng mặt đường, xây dựng công trình thoát nước đường loại B-GTNT/khẩu/năm để đề nghị tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, kèm theo tiền thưởng là 5 triệu đồng.

3. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông liên thôn được xem xét đề nghị tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 55/2006/QĐ-UBND về Quy định đầu tư kiên cố hóa đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 55/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 09/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản