Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÀO CAI
LIÊN SỞ GTVT-TC-KH&ĐT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT

Lào Cai, ngày 30 tháng 9 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2013/QĐ-UBND NGÀY 30/7/2013 CỦA UBND TỈNH LÀO CAI VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ GTVT "V/v ban hành hướng dẫn lựa chọn qui mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai Ban hành Quy định về đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Liên Sở: Sở Giao thông vận tải-Sở Tài chính-Sở Kế hoạch & Đầu tư Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 28 /2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai cụ thể như sau:

I. Kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT):

1. Đăng ký danh mục xây dựng các tuyến đường:

- Ưu tiên đầu tư các tuyến đường đến thôn bản, đường liên thôn bản; các tuyến đường đi qua nhiều thôn bản, các vùng đông dân cư, các tuyến đường thiết yếu cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo. Cần ưu tiên đầu tư bê tông hóa một số tuyến đường trục quan trọng, đường liên thôn thiết yếu của xã. Các tuyến đường trục thôn, đường nội đồng, các tuyến đường liên thôn là đường đất, đường ngõ, xóm sẽ thực hiện rải cấp phối móng mặt đường chống trơn lầy. Các tuyến còn là đường đất, nên làm đường cấp phối để tạo một lớp móng đường chống trơn lầy và tạo độ chặt chẽ của móng đường sau một thời gian sử dụng, khai thác. Khi móng đường đã ổn định, lúc đó mới làm mặt đường bê tông, sẽ hiệu quả hơn.

- Các tuyến đường được chọn: Dễ làm trước, khó làm sau.

2. Trình tự lập, phân bổ kế hoạch:

Quy trình lập kế hoạch thực hiện theo quy định Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, Bộ KH & ĐT, Bộ Tài Chính và Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh và các văn bản điều chỉnh, bổ sung (nếu có), trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xã, các chủ đầu tư cần lưu ý thực hiện một số bước cụ thể:

Bước 1: Các xã hướng dẫn thôn, bản tiến hành họp bàn với dân để thống nhất lựa chọn cụ thể danh mục đường giao thông thực hiện trong năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các yêu cầu ưu tiên đầu tư, theo cơ chế quy định tại Quyết định số 28 /2013/QĐ-UBND. Các thôn tổng hợp danh mục đề nghị đầu tư, gửi UBND xã (biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này);

Bước 2: UBND xã chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát tổng hợp danh mục của các thôn trình UBND huyện, thành phố (biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này);

Bước 3: UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát và tổng hợp đăng ký kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, thành phố (theo biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này) gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bước 4: Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát tổng hợp nhu cầu xây dựng đường GTNT toàn tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bước 5: Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, cân đối các nguồn vốn thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giao kế hoạch vốn cho các huyện, thành phố;

Bước 6: Căn cứ kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao, UBND các huyện, thành phố giao kế hoạch cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Chủ đầu tư chủ động đăng ký và hợp đồng nhu cầu cung cấp xi măng (nếu làm đường bê tông) với đơn vị cung ứng theo kế hoạch tiến độ của mình để đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao trong năm;

Bước 7: Tiếp nhận, quản lý, sử dụng và chế độ báo cáo lượng xi măng được cung ứng cụ thể như sau:

- Đơn vị cung ứng xi măng có trách nhiệm: Vận chuyển xi măng từ nhà máy sản xuất xi măng đến đến địa điểm tập kết của tuyến đường (mà ô tô vào được) theo nhu cầu đăng ký và hợp đồng của các xã đảm bảo về mặt thời gian, khối lượng và chất lượng sản phẩm; báo cáo công khai định kỳ trước ngày 25 hàng tháng về tình hình cung ứng xi măng với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới.

- Phần vận chuyển còn lại (ô tô không đến được) các xã có trách nhiệm huy động nhân dân tự vận chuyển, không sử dụng kinh phí hỗ trợ.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Quản lý đô thị có trách nhiệm: Hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch đăng ký và hợp đồng nhu cầu xi măng, bố trí nhân lực tiếp nhận, quản lý, sử dụng xi măng; tổ chức theo dõi, giám sát việc sử dụng xi măng đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu.

3. Nguồn vốn bố trí:

Vốn vay tín dụng ưu đãi; Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương; Vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia; Ngân sách địa phương (các cấp tỉnh, huyện, xã); nguồn do Doanh nghiệp ủng hộ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

II. Nội dung chủ yếu trong thi công nâng cấp đường giao thông nông thôn

1. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đường GTNT:

- Tập trung ưu tiên thực hiện trước đối với các tuyến đường từ xã đến các thôn, đường liên thôn.

- Đường từ xã đến các thôn, đường liên thôn, đường trục thôn đăng ký làm mặt đường bê tông là đường có chiều rộng nền đường là Bn=4,0m trở lên. Đường nội đồng có chiều rộng nền đường là Bn=3,0m trở lên.

- Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn là đường trục chính, đường liên thôn bản là đường thiết yếu, chiều rộng mặt đường BTXM là Bm=3m trở lên. Các tuyến đường giao thông nông thôn còn lại, nếu không huy động đủ nguồn lực để làm đường có chiều rộng mặt đường Bm=3m, thì đăng ký danh mục tuyến đường với UBND huyện để huyện thẩm định, cho phép điều chỉnh, làm đường có chiều rộng mặt đường Bm=2,5m hoặc chiều rộng mặt đường tối thiểu Bm=2m. Kết quả thẩm định của huyện là cơ sở để lập kế hoạch trình UBND tỉnh.

- Đường cấp A dùng cho phương tiện giao thông cơ giới loại trung, có tải trọng trục tiêu chuẩn để thiết kế là: 6 tấn/trục. Tổng trọng lượng xe (tải trọng hàng + tải trọng xe) không lớn hơn 8 tấn. Đường cấp B dùng cho phương tiện giao thông thô sơ (xe súc vật kéo hoặc xe cơ giới nhẹ)có tải trọng trục tiêu chuẩn để thiết kế là: 2,5 tấn/trục và tải trọng kiểm toán là 1 tấn/trục bánh sắt. Tổng trọng lượng xe (tải trọng hàng + tải trọng xe) không lớn hơn 2,8 tấn.

- Thiết kế công trình thoát nước ngang trên đường như cầu, cống với tải trọng H13-X60, các nội dung khác theo quyết định số 28 /2013/QĐ-UBND ngày 30 / 7 /2013 của UBND tỉnh Lào Cai.

- Tại các vị trí nút giao: Xử lý thoát nước rãnh dọc, bằng cách đặt cống ngang đường (nếu có). Các góc giao nhau cần được vuốt tròn với bán kính tối thiểu là 10 m (có bản vẽ chi tiết tại nút giao để nhân dân dễ thực hiện).

- Các tuyến đường cần bố trí đoạn mở rộng đường theo quy định, để xe ô tô ngược chiều có thể tránh nhau. Phần khối lượng mặt đường tăng, do xử lý tại các nút giao và đoạn mở rộng đường để ô tô tránh nhau, được tính bổ sung kinh phí hỗ trợ theo định mức.

2. Thi công rải cấp phối móng, mặt đường chống trơn lầy:

a) Thi công gồm các bước sau:

Bước 1: Hoàn thiện, sửa nền đã có.

Bước 2: Thi công thoát nước: cống, rãnh, kè….Thi công cống tròn BTCT, được thực hiện theo trình tự sau:

- Xác định cọc tim vị trí cống.

- Xây dựng đường tránh tạm, đặt cống thoát nước tạm bảo đảm giao thông, để thi công cống chính.

- Lên ga để đào móng cống (đảm bảo kích thước móng, cao độ)

- Xử lý địa chất nền móng (nếu có), xây dựng móng cống

- Lắp đặt ống cống, làm khe nối.

- Thi công lớp phòng nước

- Xây dựng tường đầu cống, cánh cống, sân cống thượng hạ lưu.

- Đắp đất xung quanh cống và gia cố thượng hạ lưu cống.

- Công tác hoàn thiện và dỡ bỏ đường tạm

Bước 3: Công tác chuẩn bị và thi công mặt đường:

- Lên ga, cắm hệ thống cọc tim và các cọc hai bên phần xe chạy để xác định được vị trí của phần mặt đường phục vụ cho thi công.

- Chuẩn bị khuôn đường, làm móng đường và chuẩn bị vật liệu làm mặt đường. Lòng khuôn đường phải dốc sang hai bên 1 đến 2 %, sau đó lu 2 -3 lượt cho chặt. Phải làm các rãnh xương cá thoát nước. Khai thác và gia công vật liệu để chuẩn bị chuyển đến nơi thi công.

- Chuẩn bị vật liệu: Vật liệu hạt cứng rải móng mặt đường là: Sỏi suối, đá thải, đá tận dụng (Các loại vật liệu đá phải đảm bảo cường độ và các chỉ tiêu cơ lý khác).Vật liệu hạt cứng chiếm 85% thể tích trong cấp phối; cát, đất dính chiếm 15%. Đường kính hạt cứng lớn nhất trong cấp phối là 70mm. Hạt cứng đóng vai trò cốt liệu, cát là chất chèn, đất dính là chất liên kết..

- Vận chuyển vật liệu đến địa điểm thi công và bố trí hợp lý ở lề đường hoặc lòng đường, không làm trở ngại cho các công tác khác.

- Khuyến khích tận dụng vật liệu khai thác đá tại chỗ, đá do nổ mìn để rải mặt đường.

- Rải vật liệu cấp phối theo chiều dày h thiết kế. Chiều dày lớp cấp phối rải khi chưa lu lèn bằng 1,3 chiều dày thiết kế..

- Trộn vật liệu, có thể rải vật liệu thành lớp và trộn bằng tay hoặc sử dụng các loại máy bừa, máy san, hoặc các máy có trâu bò kéo.

- Tưới nước đều đến khi vật liệu có độ ẩm tốt nhất (cách thử đơn giản là nắm đủ vật liệu trong bàn tay, bóp chặt, nếu không thấm nước ra kẽ tay và khi mở bàn tay ra mà vật liệu không rời theo là được. Ngược lại nước rỉ ra kẽ tay là quá nước, hoặc vật liệu rời theo tay là quá khô.

- Lu mặt đường: Có thể tiến hành bằng các loại lu bánh cứng hay lu bánh hơi. Nếu không có điều kiện, có thể dùng các loại máy ủi, máy kéo bánh lốp để lu lèn loại mặt đường này. Tiến hành lu: Lu từ mép vào tim đường, vết lu sau đè lên vết lu trước 10 – 15 cm, phải bảo đảm 20 lượt lu. Tưới nước (khoảng 3 lít/m2), để đảm bảo độ ẩm thích hợp, thì khi lu lèn, mới đảm bảo độ chặt (khi xe lu chạy không còn hằn vết bánh lu là được).

- Làm lớp bảo vệ: Sau 1 vài ngày sẽ rải 1 lớp cát sạn làm lớp bảo vệ cho mặt đường.

Bước 4: Công tác hoàn thiện

Tu bổ bề mặt phần xe chạy và sửa chữa lại lề đường (lu lèn lại, bạt lề…), ở những chỗ chưa đảm bảo chất lượng hoặc bị phá hỏng do hoạt động của xe máy hay do đổ chứa vật liệu

Bước 5: Công tác nghiệm thu, hoàn công.

- Nghiệm thu chiều dài tuyến đường thực hiện và chất lượng công trình gồm: Nghiệm thu vật liệu trước khi làm mặt đường, nghiệm thu chiều dày, chiều rộng, độ chặt (Có thể theo kinh nghiệm: Không thể dùng tay cậy đá lên hoặc không còn vệt bánh lu). Mặt đường bằng phẳng, êm thuận. Độ dốc ngang mặt đường, độ dốc siêu cao (dốc một bên về bụng đường cong), dốc lề đường theo thiết kế.

- Nghiệm thu công trình thoát nước: Nghiệm thu công tác khảo sát thiết kế, nghiệm thu chuyển bước thi công: xác định vị trí cống, cao trình móng cống, mác bê tông, mác vữa, vật liệu xây dựng cống, móng cống, cốt thép cống, bê tông ống cống, lắp đặt cống, lấp đất trên cống, xây dựng tường đầu, tường cánh cống, sân cống, xử lý hạ lưu chống sói và nghiệm thu các công việc hoàn thiện khác đảm bảo chất lượng theo hồ sơ thiết kế và các quy định về đầu tư xây dựng hiện hành.

- Lập biên bản nghiệm thu hoàn thành, lập hồ sơ hoàn công, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

b) Một số lưu ý trong quá trình thi công

- Vật liệu: Dù là đá thải, đá tận dụng nhưng vẫn phải đảm bảo cường độ, kích cỡ và các tính chất cơ lý khác.

- Trộn vật liệu đá, cát, đất phải đều, đúng tỷ lệ, đảm bảo độ ẩm.

- Khi thi công khuôn đường, cần làm các rãnh xương cá để thoát nước lòng đường khi trời mưa.

- Cấp phối phải có độ ẩm thích hợp (không khô quá, không ướt quá) thì lu lèn mới đảm bảo độ chặt .

- Đảm bảo dộ dốc ngang và siêu cao mặt đường .

- Mặt đường hoàn thành phải bằng phẳng, êm thuận.

- Vật liệu: cát, đá, thép, xi măng, vữa, đá xây, cống, rãnh, bê tông phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về cường độ và các chỉ tiêu cơ lý khác.

- Thi công cống ngang thoát nước trước khi rải mặt đường.

- Đất đắp trên cống theo thiết kế, và đảm bảo chiều dày tối thiểu là 0,5m. Khi đầm lèn đất đắp ở trên cống và hai bên cống, không được làm ảnh hưởng tới chất lượng của cống.

- Vị trí cống, cường độ nền móng, sân cống, gia cố cống phải đảm bảo về chất lượng theo thiết kế.

c) Công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường: Quá trình thi công, đồng thời kết hợp với việc làm tốt công tác an toàn lao động. Cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn, kiểm tra người dân thực hiện bảo đảm an toàn lao động tuyệt đối trong thi công: thi công trên mái dốc, thi công đào dưới mặt đất, hố cống, thi công máy kết hợp với thủ công v.v., và kết hợp với việc bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ..

d) Công tác giám sát cộng đồng: Thực hiện công tác giám sát cộng đồng theo quy định để góp phần nâng cao tính tự chủ của người dân trong công tác bảo đảm chất lượng công trình.

3. Thi công mặt đường bê tông xi măng:

a) Lớp móng đường:

-Khi thiết kế mặt đường BTXM, thì nền đường yêu cầu phải đảm bảo độ chặt và ổn định, đồng nhất. Lớp móng dưới lớp BTXM sau khi thi công phải đạt các yêu cầu bằng phẳng và đồng đều về cường độ. Kích thước hình học (bề rộng, độ dốc ngang, độ dốc dọc) theo thiết kế và thoát nước tốt.

-Thi công lớp móng là mặt đường cũ: làm vệ sinh, vá ổ gà, bù phụ lại mặt đường cũ cho đủ chiều dày thiết kế. Trường hợp có các hố bùn, rác hoặc nền đất yếu thì phải đào vét bỏ bùn rác, lớp đất yếu và thay bằng vật liệu như vật liệu làm nền và mặt đường cũ. Tạo mui luyện (nếu có). Lu lèn lớp móng đường cho bằng phẳng đến khi không còn vết hằn lu, mặt đường không bị bong bật là đạt yêu cầu.

-Thi công lớp cát đệm: lớp đệm dưới tấm bê tông có tác dụng chống mất nước của bê tông, tạo phẳng cho tấm, giảm ma sát. Tạo khuôn đường, đổ và san vật liệu cát làm lớp đệm, san thành hình mui luyện và lu lèn lớp đệm chặt và phẳng. Có thể dùng cát hạt vừa và nhỏ có chiều dày từ 3 đến 5cm.

b) Quản lý chất lượng vật liệu dùng trong BTXM:

- Cốt liệu lớn (Loại đá 2x4cm): Có thể từ đá dăm nghiền, từ cuội sỏi, đường kính lớn nhất là 40mm; Đá đảm bảo cường độ, đúng kích cỡ, sạch, không bị phong hoá; Đá dăm phải có dạng hình khối. Hạt thoi dẹt chiếm không quá 3-5% theo khối lượng.

- Cốt liệu nhỏ (Cát vàng): đảm bảo sạch, không lẫn chất hữu cơ và tạp chất (trường hợp cát bẩn phải được rửa sạch), thường dùng cát hạt vừa, đảm bảo chất lượng. Không dùng cát hạt mịn, cát phù sa, để đổ bê tông.

- Xi măng: Mác xi măng Poóc lăng có mác PC≥ 30, xi măng phải đảm bảo chất lượng theo các chỉ số quy định của tiêu chuẩn việt nam, không bị vón cục. (Sục tay vào bao xi măng thấy mịn, mát là XM còn tốt). Kho chứa xi măng cần cao ráo, không bị ẩm ướt. Nên xếp xi măng 10 bao 1 chồng. Xi măng để 3 tháng phải được kiểm tra thường xuyên và được xếp đảo lại.

- Nước: Nước dùng để đổ BTXM là loại nước sạch, không dùng nước ruộng, ao hồ chứa nhiều bùn, lẫn tạp chất dầu, mỡ; không dùng nước phù sa, nước thải sinh hoạt, nước mặn…

c) Mác bê tông xi măng

Sử dụng mác bê tông 200 (đá 2x4cm). Khối lượng xi măng: tính cho đường cấp A (BTXM dày 16cm, Bm=3m) là 163 tấn/km (lượng xi măng Poóc lăng, mác PC≥ 30 lấy trung bình là 340kg/m3 bê tông). Khi thiết kế tỷ lệ phối hợp bê tông xi măng, mà lượng xi măng lớn hoặc nhỏ hơn mức hỗ trợ của tỉnh, thì lấy theo lượng xi măng đã được thiết kế, huyện tự điều chỉnh phần xi măng chênh lệch từ chỗ thừa sang thiếu, hoặc tự bù).

- Khi thiết kế mặt đường, với bê tông xi măng mác 200, đổ tại chỗ, trên cơ sở tham khảo tài liệu hướng dẫn của Bộ GTVT (tài liệu này đã cấp cho các Phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng QLĐT các huyện, thành phố trong các đợt tập huấn về GTNT) và các quy định khác có liên quan.

- Thí dụ tham khảo: tính cho một cối trộn: BTXM mác 200, trộn, đầm bê tông bằng máy, độ sụt 2-4cm, cỡ đá 2x4cm, dmax=40mm. Theo bảng có mã hiệu C213 tập định mức có XM là 323kg/m3 x 5%(chống thấm nước) =340kg/m3, cát 0,471m3, đá dăm 0,882m3, nước 175 lít. Để trộn 1 bao XM là 50kg cần cát 69,26lít, đá 129,7 lít, nước 25,7lít. Thiết kế hộc, thùng đong cát: 25x30x92,3cm, hộc đong đá (đong 2 lần): 25x30x86,4cm và xô đựng nước tính cho đủ 25,7 lít, có thể điều chỉnh tăng giảm nước do độ ẩm của cát, đá.

d)Ván khuôn: Tùy điều kiện của mỗi địa phương, vật liệu dùng làm ván khuôn có thể bằng bằng gỗ tấm, thép tấm, thép góc hình L hoặc U có chiều cao h từ 16 cm trở lên… Để cố định ván khuôn trong quá trình thi công sử dụng cọc ghim bằng tre, gỗ hoặc thép để ghim định vị thành ván khuôn. Yêu cầu trong quá trình thi công ván khuôn phải chắc chắn, không cong vênh, xe dịch.

đ) Trộn bê tông: Mác bê tông từ 200 trở lên, trộn bê tông bằng máy.

- Cho 15 % đến 20% nước vào thùng trộn, sau đó đổ xi măng, cát, đá, đồng thời đổ dần và liên tục phần nước còn lại (phải tính toán đong lượng vật liệu cho phù hợp 1 cối trộn là 1 bao xi măng, đong vật liệu bằng các dụng cụ tự tạo: hộc, thùng…).

- Trường hợp trộn tay (áp dụng với đường ngõ xóm): Phải kê sàn để trộn, không trộn trực tiếp trên nền đất, để tránh mất nước xi măng. Có các hộc gỗ, xô, để đong lượng đá, lượng cát và nước phù hợp 1 cối trộn là một bao xi măng. Trộn đều cát và xi măng trước, sau đó cho đá, trộn đều thành hỗn hợp khô, cuối cùng cho nước, trộn đều, đến khi hỗn hợp đồng màu, tránh cho việc trộn bê tông quá khô hoặc quá nhão, làm giảm cường độ bê tông.

e)Vận chuyển hỗn hợp vữa BTXM, phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Tránh bị phân tầng, chảy nước xi măng; Tránh bị rơi vãi bê tông.

- Dùng các dụng cụ như: xô, chậu, xe rùa đẩy tay để vận chuyển bê tông, cự ly vận chuyển không nên xa quá 150m.

g) Trình tự đổ và đầm bê tông:

- Đổ bê tông liên tục hết toàn bộ chiều dày tấm bê tông, đổ lần lượt từng tấm bê tông. Các tấm bê tông được xác định bởi vị trí để khe biến dạng (khe co) theo chiều dọc và chiều ngang mặt đường.

- Tránh hất cao và xa làm phân tầng bê tông. Khi đổ bê tông không nên đổ ở chiều cao quá 1,5m để tránh phân tầng bê tông.

- Đầm bê tông: Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình đổ bê tông, đầm bê tông đúng kỹ thuật, đầm kỹ, làm cho bê tông chặt chẽ, không rời rạc, tạo mặt bê tông bằng phẳng.

+ Đầm máy: Dùng đầm dùi loại 600W, đầm bàn loại 1,2-1,6kw. Thời gian đầm một chỗ là 45-60 giây. Hai vệt đầm đè lên nhau 10cm.

+ Đầm tay: Dùng xà beng hoặc các đoạn sắt đường kính 18 – 20mm, chiều dài khoảng 1,2m để đầm bê tông, nhất là đầm ở cạnh và ở các góc tấm bê tông, đầm đảm bảo độ đặc chắc của bê tông. Trên mặt bê tông xuất hiện lớp vữa xi măng nổi lên, thì dùng bàn xoa, xoa cho mặt bê tông phẳng và tạo dốc ngang (nếu có).

Lưu ý:

+Tổng thời gian trộn bê tông, đổ bê tông, vận chuyển bê tông, đầm và hoàn thiện 1 cối trộn bê tông, không kéo dài quá thời gian ninh kết của xi măng, thường không quá 1giờ 30 phút (với loại xi măng ninh kết nhanh), 3 giờ (với loại xi măng ninh kết chậm). Quá thời gian quy định trên, bê tông sẽ bị hỏng, không đạt yêu cầu về cường độ thiết kế và phải loại bỏ.

+ Sau 12 giờ sau khi thi công, có thể tháo ván khuôn cạnh, và thanh gỗ tạo khe co. Khi tháo phải nhẹ nhàng, tránh làm sứt mẻ bê tông. Sau 10 ngày có thể làm khe trét matíc nhựa vào khe co.

h) Tạo khe co: Mặt đường BTXM rộng 3 m, 2,5m thì làm khe co ở tim đường, chia đôi mỗi bên 1,5m hoặc 1,25m.

- Theo dọc tuyến đường, cứ 3m lại bố trí một khe co ngang đường.

- Có thể tạo khe co bằng thanh gỗ dài bằng bề rộng tấm bê tông, tiết diện hình thang là 1cm x 1,5cm. Chiều cao thanh gỗ là 6cm, cần quét dầu, để dễ tháo.

- Có thể dùng giấy dầu, gấp nhiều lớp dày 1cm làm khe co.

- Sau 10 ngày, tiến hành trét matíc nhựa hoặc bao gai tẩm nhựa đường vào khe co, để tránh nước trên mặt đường chảy vào khe co, làm hỏng nền đường. Cách làm matíc nhựa: dùng 60% nhựa đường, đun nóng 120 độ C, sau đó trộn đều 30% bột đá và 10% cát vàng.

i) Bảo dưỡng bê tông và đảm bảo giao thông:

- Sau khi đổ bê tông xong, từ 4 đến 6 giờ (thời gian bê tông đang ninh kết) nên hạn chế cho bê tông tiếp xúc với nắng, mưa bằng cách phủ lên mặt bê tông 1 lớp cát hoặc rơm, rạ, sau đó tưới nước để giữ ẩm. Hai ngày đầu, cứ sau 2 giờ đồng hồ tưới 1 lần. Những ngày sau khoảng 3-5 giờ tưới một lần tùy theo nhiệt độ không khí, nhưng phải đảm bảo độ ẩm liên tục cho bê tông đến ngày thứ 14 (đạt 70% cường độ). Không bảo dưỡng bê tông để có độ ẩm liên tục, bê tông sẽ bị giòn và giảm tới 30% cường độ thiết kế.

Bê tông sau 28 ngày mới cơ bản gần đạt 100% cường độ. Trong thời gian bảo dưỡng bê tông, yêu cầu không cho vật nặng hoặc người đi lại trên bê tông và được tưới nước, giữ ẩm thường xuyên. Phải có phương án đảm bảo giao thông trong thời gian thi công bê tông như lót cầu, ván để đi lại, triển khai thi công ½ mặt đường, phần đường còn lại phục vụ đảm bảo giao thông.v.v.

k) Công tác kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao:

- Các bước nghiệm thu: theo quy định về nghiệm thu mặt đường BTXM, như nghiệm thu về chất lượng nền đường, móng đường, chất lượng vật liệu, và chất lượng bê tông, kích thước hình học mặt đường đã hoàn thành về chiều dài, rộng, chiều dày bê tông, tài liệu hoàn công…

m) Các lưu ý khi đổ BTXM mặt đường:

- Nền đường phải thoát nước tốt khi trời mưa, để đảm bảo nền luôn được khô ráo, đủ cường độ trước khi đổ bê tông.

- Đang đổ bê tông gặp trời mưa to, phải dừng đổ bê tông, muốn đổ bê tông tiếp, phải được xử lý vết nối theo quy trình đổ BTXM quy định (Cán bộ kỹ thuật, giám sát thi công hướng dẫn xử lý vết nối).

- Cán bộ kỹ thuật, giám sát thi công hướng dẫn đảm bảo an toàn lao động, an toàn điện, và phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong khi thi công đổ BTXM.

- Cần đổ BTXM một đoạn đường ngắn thí điểm, để rút kinh nghiệm, phục vụ cho thi công các đoạn đường tiếp theo.

- Cần có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thường xuyên, kết hợp với giám sát cộng đồng, để đảm bảo chất lượng thi công đường BTXM.

- Có biện pháp quản lý tải trọng cho phép khi thông xe, để tránh gây phá hoại đường và làm tốt công tác quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đường BTXM sau khi đã đưa vào sử dụng.

- Trên cơ sở nội dung Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30 / 7 /2013 của UBND tỉnh Ban hành quy định về đầu tư xây dựng đường GTNT trên địa bàn tỉnh Lào Cai và những nội dung chủ yếu nêu trong hướng dẫn của văn bản này, cần tham khảo thêm các tài liệu về xây dựng mặt đường bê tông, để hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện xây dựng đường GTNT bằng BTXM đảm bảo chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư.

n) Công tác giám sát cộng đồng, công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường: Nội dung giống như nội dung công tác giám sát cộng đồng, công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường phần thi công rải cấp phối móng mặt đường.

III. Nội dung chủ yếu trong công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng các tuyến đường sau khi được xây dựng hoàn thành:

1.Có biện pháp cụ thể để quản lý hành lang an toàn giao thông và mốc lộ giới theo quy hoạch đã được công bố.

2.Có giải pháp hữu hiệu để quản lý xe bánh xích, xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường và qua các cầu, ngầm, đặc biệt là đường bê tông xi măng, một số cầu yếu và các cầu treo trên tuyến đường đến trung tâm xã, đến thôn bản.

- Rà soát việc cắm các biển báo hạn chế tải trọng trên các tuyến đường GTNT, đặc biệt là các tuyến đường liên thôn đã hoàn thành mặt đường bê tông. Các xã, thôn bản có thể đưa nội dung quản lý đường liên thôn, đường bê tông vào Hương ước của thôn bản, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia tích cực trong việc bảo vệ và duy tu, sửa chữa đường. Căn cứ hồ sơ thiết kế để cắm biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng trên trục xe” lưu thông trên đường và “hạn chế trọng lượng xe” khi qua cầu.

+ Trường hợp một số cầu ngầm trên tuyến đường có thiết kế tải trọng xe qua cầu thấp, thí dụ tham khảo: cầu Nậm Tôn là loại cầu yếu chưa được nâng cấp, trọng lượng xe qua cầu Nậm Tôn không quá 8 tấn, do vậy trọng lượng xe lưu thông trên đường tỉnh 160 có thể cắm biển hạn chế dưới 8 tấn (chưa kể cầu Đen nằm trên tuyến đang bị hư hỏng, cần phải xác định lại tải trọng qua cầu).

- Các phòng Kinh tế và Hạ tầng, Quản lý Đô thị các huyện, thành phố tham mưu đầy đủ cho UBND huyện, thành phố trong việc cấp, thu hồi giấy phép thi công đối với các tổ chức, cá nhân thi công công trình trên tuyến đường GTNT đang khai thác để đảm bảo an toàn giao thông theo Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 26/6/2008 của UBND tỉnh Lào Cai Ban hành quy định một số điểm cụ thể về quản lý, xây dựng khai thác và bảo dưỡng hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh Lào Cai và hướng dẫn các xã, thôn bản triển khai tốt công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đảm bảo giao thông thông suốt hệ thống đường GTNT, nhất là các đường liên thôn bằng bê tông.

IV. Cấp phát tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ:

1. Hình thức cấp phát vốn:

a) Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ: Căn cứ Quyết định giao kế hoạch vốn của UBND tỉnh, Sở Tài chính thông báo chuyển vốn sang KBNN tỉnh, KBNN tỉnh có trách nhiệm làm thủ tục chuyển vốn cho KBNN các huyện, thành phố để tạm ứng, thanh toán vốn cho chủ đầu tư theo quy định.

b) Đối với nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ: Căn cứ Quyết định giao kế hoạch vốn của UBND huyện, thành phố, Phòng Tài chính Kế hoạch thông báo vốn sang KBNN huyện, thành phố để tạm ứng, thanh toán vốn cho chủ đầu tư theo quy định.

2. Hồ sơ ban đầu do chủ đầu tư gửi một lần đến KBNN nơi mở tài khoản thanh toán trong cả quá trình thực hiện công trình, bao gồm:

a) Thủ tục đăng ký xin mở tài khoản: Giấy xin mở tài khoản, giấy đăng ký mẫu dấu, chữ ký gửi bộ phận kế toán để làm căn cứ mở tài khoản (các loại mẫu giấy tờ này do KBNN các huyện, thành phố cung cấp);

b) Quyết định thành lập Ban quản lý dự án: 02 bản

c) Quyết định giao kế hoạch vốn của UBND huyện, thành phố (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có);

d) Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có);

e) Hợp đồng giao khoán công việc giữa chủ đầu tư với Trưởng thôn, hoặc hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư với đơn vị thi công, khảo sát thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát công trình... (Hợp đồng giao khoán công việc theo mẫu đính kèm hướng dẫn này).

3. Tạm ứng vốn đầu tư:

a) Chủ đầu tư (UBND xã) được tạm ứng tối đa bằng 70% định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để tổ chức thi công công trình (nhưng không vượt kế hoạch vốn của công trình được giao trong năm). Kinh phí tạm ứng được chia làm 02 đợt:

+ Đợt 1 được tạm ứng tối đa bằng 30% định mức kinh phí hỗ trợ sau khi đã có hợp đồng giao khoán công việc hoặc hợp đồng kinh tế với đơn vị thi công.

+ Đợt 2 được tạm ứng tối đa bằng 40% định mức kinh phí hỗ trợ khi công trình đã thi công có giá trị vật tư, vật liệu đưa vào sử dụng hoặc có giá trị khối lượng hoàn thành trên 30% định mức kinh phí hỗ trợ;

b) Hồ sơ gửi KBNN để làm thủ tục tạm ứng vốn: Ngoài hồ sơ ban đầu chủ đầu tư còn phải gửi bổ sung các chứng từ sau (theo mẫu đính kèm theo hướng dẫn này):

- Giấy rút vốn đầu tư (mẫu C3-01/NS hoặc mẫu C3-02/NS);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (Phụ lục 05 Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính);

- Khi tạm ứng đợt 2, chủ đầu tư gửi bổ sung thêm Biên bản nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào sử dụng hoặc Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (Phụ lục 3a Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính);

4. Thanh toán khối lượng hoàn thành:

a) Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải làm ngay thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành (bao gồm cả phần kinh phí đã tạm ứng).

b) Hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành: Ngoài hồ sơ ban đầu, chủ đầu tư còn phải gửi đến KBNN nơi mở tài khoản giao dịch các chứng từ sau (theo mẫu đính kèm theo hướng dẫn này):

- Biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng;

- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành đề nghị thanh toán (Phụ lục 3a Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính);

- Giấy rút vốn đầu tư (mẫu C3-01/NS hoặc mẫu C3-02/NS);

- Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn đầu tư (mẫu C3-03/NS);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (Phụ lục 05 Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính);

5. KBNN huyện, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư làm các thủ tục, hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn tại KBNN;

6. Thanh toán kinh phí mua vật liệu, vận chuyển vật liệu (xi măng, cát, đá sỏi…): Thực hiện theo hướng dẫn của sở Tài chính tại Công văn số 675/STC-QLNS ngày 14/6/2012, Công văn số 1158/STC-QLNS này 28/9/2012, Công văn số 1496/STC-QLNS này 17/12/2012 và các văn bản hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung.

7. Kế toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình:

a) Chủ đầu tư (UBND xã) phải mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các khoản ủng hộ, đóng góp theo quy định về quản lý vốn đầu tư XDCB hiện hành. Các loại sổ sách kế toán chủ yếu cần mở để theo dõi hạch toán ở xã bao gồm:

- Sổ theo dõi các khoản đóng góp của dân (mẫu S15-X);

- Số theo dõi đầu tư XDCB (mẫu S18-X);

- Số chi tiết vật liệu (mẫu S20-X);

- Sổ kho (mẫu S21-X) nếu có nhập, xuất kho vật liệu;

- Giấy báo ngày công lao động (mẫu C62-X);

- Bảng kê các khoản đóng góp bằng hiện vật (mẫu C63-X);

b) Chậm nhất là trong 03 tháng, kể từ ngày công trình được xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng Chủ đầu tư (UBND xã) phải lập hồ sơ báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, phòng Tài chính-Kế hoạch huyện, thành phố thẩm tra quyết toán xong và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

c) Hồ sơ trình duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình:

- Quyết định phê duyệt Báo cáo KTKT gồm cả kế hoạch đấu thầu, Quyết định phê duyệt chỉ định thầu.

- Hồ sơ Báo cáo KTKT xây dựng công trình (thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, báo cáo khảo sát…).

- Tờ trình xin phê duyệt và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.

- Bản vẽ hoàn công và giá trị quyết toán (A-B), hóa đơn chứng từ có liên quan đến mua vật tư, vật liệu thi công.

- Hợp đồng giao khoán giữa Chủ đầu tư và bên nhận thầu (giao khoán).

- Biên bản nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào sử dụng xây dựng công trình.

- Biên bản nghiệm thu: công việc (chuyển bước thi công), nghiệm thu giai đoạn hoàn thành, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

- Bảng kê ngày công lao động theo từng ngày, tổng hợp cả công trình; vật liệu, vật tư nhân dân, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đóng góp có xác nhận của các bên có liên quan để làm cơ sở quyết toán giá trị tài sản ban giao. Trong đó:

+ Đơn giá vật liệu, vật tư: Tính theo dự toán đã được phê duyệt tại nơi xây dựng công trình.

+ Định mức ngày công và đơn giá: Căn cứ khối lượng công việc thực hiện, khi lập dự toán tính toán định mức ngày công theo quy định tại Công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng, đơn giá nhân công áp tại thời điểm phê duyệt và tổng hợp tách riêng thành một nội dung chi phí.

- Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường GPMB (nếu có).

d) Về biểu mẫu trong báo cáo quyết toán của chủ đầu tư lập theo các biểu số: 01,02,03,04,05,07,08/QLDA, ban hành kèm theo Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở Hướng dẫn một số nội dung chủ yếu trong quá trình thực hiện xây dựng đường GTNT, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng, Quản lý Đô thị và các Phòng ban liên quan hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tập huấn tại hiện trường cho cán bộ và nhân dân các xã, thôn bản, để thực hiện tốt việc thi công đường đảm bảo kỹ thuật, chất lượng.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 0 2/LS-GTVT-TC-KHĐT này 28/ 02/2013 của liên Sở: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các huyện, thành phố báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết thuộc thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
GIÁM ĐỐC




Nguyễn Trọng Hài

SỞ TÀI CHÍNH
GIÁM ĐỐC




Nông Văn Hưng

SỞ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ
GIÁM ĐỐC




Đặng Xuân Phong

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Các Sở TN&MT, Xây dựng, Công thương, NN&PTNT, Kho bạc NN tỉnh;
- Văn phòng ĐPXDNTM; Các Sở, ngành có liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Kho Bạc huyện, thành phố;
- Phòng KT&HT, QLĐT các huyện, thành phố;
- Đơn vị cung ứng XM;
- Lưu VT các Sở GTVT, STC, SKH&ĐT.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT năm 2013 thực hiện Quyết định 28/2013/QĐ-UBND Quy định về đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 30/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nông Văn Hưng, Nguyễn Trọng Hài, Đặng Xuân Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản