Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 543/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP THAN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Căn cứ Kế hoạch tại Điều 1 của Quyết định này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, DKT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

 

KẾ HOẠCH

CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP THAN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 543/QĐ-BCT ngày 18 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Thực hiện Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược phát triển ngành than), Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành than, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển ngành than thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.

2. Là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành than phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Là cơ sở để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành than, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và điều chỉnh mục tiêu của Chiến lược (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình thực tế mỗi giai đoạn.

II. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm và mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành than:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chiến lược phát triển ngành than một cách sâu, rộng đến mọi thành phần kinh tế. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai và mức độ, khả năng đạt được các mục tiêu của Chiến lược.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành than theo từng năm và giai đoạn. Đề xuất điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển ngành than; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Công Thương trong việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành than.

3. Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và của Bộ Công Thương trong từng thời kỳ.

III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Hàng năm, các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao của Kế hoạch này đề xuất kinh phí thực hiện theo quy định.

2. Nguồn kinh phí: Kinh phí chi thường xuyên của Bộ Công Thương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực có liên quan đến Chiến lược phát triển ngành than thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược; tăng cường phối hợp, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ:

- Có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao tại mục III và Phụ lục kèm theo Quyết định này bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu; tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành trong lĩnh vực phụ trách, kịp thời báo cáo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đơn vị được giao phụ trách.

- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể trong thực hiện Kế hoạch này; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Dầu khí và Than để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chiến lược ngành than khi có yêu cầu.

3. Giao Vụ Dầu khí và Than chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành than.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị chủ động báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ phụ trách xem xét, đồng thời cung cấp thông tin về Vụ Dầu khí và Than để tổng hợp./.

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 55/QĐ-TTG NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH THAN
(Kèm theo Quyết định số 543/QĐ-BCT ngày 18 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

STT

Nội dung thực hiện

Hình thức/Kết quả thực hiện[1]

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời hạn

1

Tổ chức theo dõi việc triển khai và đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành than

Báo cáo

Vụ Dầu khí và Than

Các Cục/Vụ: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Khoa học và Công nghệ

Hàng năm

2

Chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than thực hiện đúng các mục tiêu, định hướng đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành than

Văn bản chỉ đạo, đôn đốc

Vụ Dầu khí và Than

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

3

Rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về nội dung trong quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Chiến lược phát triển ngành than

Báo cáo

Vụ Dầu khí và Than

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2024

4

Rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về nội dung trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Chiến lược phát triển ngành than và các Chiến lược, Quy hoạch liên quan

Báo cáo

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2024

5

Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý (xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư, quy định của pháp luật chuyên ngành,... và các văn bản pháp lý khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương) đối với lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng theo hướng thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của đất nước trong tương lai

Báo cáo

Các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao

Vụ Pháp chế; các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm, định kỳ

6

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá than minh bạch do thị trường quyết định

Báo cáo

Vụ Dầu khí và Than

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

7

Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than với chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường hợp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết

Văn bản chỉ đạo, đôn đốc

- Vụ Dầu khí và Than (đối với việc dự trữ than cho các ngành sản xuất khác ngoài điện)

- Cục Điều tiết điện lực (đối với việc dự trữ than cho sản xuất điện)

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Hóa chất; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

8

Chỉ đạo tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các mỏ có quy mô sản lượng lớn

Văn bản chỉ đạo, đôn đốc

Vụ Dầu khí và Than

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Vụ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

9

Thúc đẩy việc đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi công bằng cho ngành than phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam

Báo cáo; Văn bản chỉ đạo, đôn đốc

- Vụ Dầu khí và Than

- Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

- Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Vụ Kế hoạch - Tài chính; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

10

- Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn và sử dụng than, quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn và điều hành sản xuất than (đặc biệt là công nghệ đào chống lò, khai thác than dưới mức -300m Bể than Đông Bắc; công nghệ thăm dò, khai thác Bể than sông Hồng) phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

- Đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm tài nguyên than

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong công tác chế biến than thành các dạng năng lượng sạch, sản phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ than

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong chế tạo thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh mỏ và xử lý môi trường vùng than,...

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong công tác thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn, dự trữ, sử dụng than và tái sử dụng đất đá thải mỏ

Báo cáo

Vụ Khoa học công nghệ

Vụ Dầu khí và Than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

11

Nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu giữ và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng than

Báo cáo

Vụ Khoa học công nghệ

Vụ Dầu khí và Than; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

12

Nghiên cứu chuyển đổi công nghệ đốt than sang đốt kèm than với nhiên liệu sinh khối, amoniac,... để hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Báo cáo

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Dầu khí và Than; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên

13

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ranh giới mỏ và tài nguyên, khoáng sản trong quá trình quản lý, sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than

Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát

Vụ Dầu khí và Than

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Định kỳ theo kế hoạch, đột xuất

14

Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu công nghệ, tiêu chuẩn cơ sở, định mức kinh tế - kỹ thuật

Báo cáo, tiêu chuẩn, định mức liên quan

Các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên, định kỳ

15

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đưa các nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành than, vai trò của ngành công nghiệp than; các chính sách, pháp luật chuyên ngành về khoáng sản (than) vào kế hoạch truyền thông hàng năm của Bộ để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai Chiến lược

Ấn phẩm, bài báo, hội nghị, hội thảo

Văn phòng Bộ

Vụ Pháp chế; Vụ Dầu khí và Than; các cơ quan, đơn vị liên quan

Thường xuyên, định kỳ

16

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghiệp than do Bộ Công Thương quản lý

Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra; Kết luận thanh tra, kiểm tra

- Thanh tra Bộ

- Vụ Dầu khí và Than

- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Định kỳ theo kế hoạch, đột xuất

 



[1] Đối với các nhiệm vụ không xác định thời hạn cụ thể, thời hạn xây dựng các sản phẩm (Báo cáo; Văn bản chỉ đạo, đôn đốc;...) tùy thuộc vào kết quả theo dõi, kiểm tra, giám sát thực tế thực hiện đối với từng công việc cụ thể để đảm bảo thực hiện được Chiến lược ngành than.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 543/QĐ-BCT năm 2024 Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 543/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Hồng Diên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản