Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2024 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 7721/TTr-BCT ngày 01 tháng 12 năm 2022 và các Văn bản số 4111/BCT-DKT ngày 29 tháng 6 năm 2023, số 6137/BCT-DKT ngày 06 tháng 9 năm 2023 và số 9266/BCT-DKT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý gắn với sản xuất, tiêu thụ trong nước và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
2. Đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho đầu tư phát triển bền vững ngành than.
3. Phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư khai thác và kinh doanh than. Phát huy tối đa nội lực kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý thăm dò, khai thác, sàng tuyển - chế biến, vận chuyển và sử dụng than.
4. Thực hiện thương mại than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa với thị trường than thế giới; từng bước chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh và phù hợp thông lệ của thị trường quốc tế.
5. Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy sản xuất sạch hơn và kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; hài hòa với phát triển du lịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn văn hóa; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; gắn với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; đảm bảo an toàn trong sản xuất.
6. Nghiên cứu đầu tư hiệu quả ra nước ngoài để khai thác than (loại than Việt Nam phải nhập khẩu) và đưa về Việt Nam sử dụng nhằm giảm dần lượng than phải nhập khẩu; chủ động tìm kiếm thị trường nhập khẩu than ổn định, lâu dài với khối lượng lớn bảo đảm giá cạnh tranh, hiệu quả và phù hợp với thị trường, thông lệ quốc tế để phục vụ phát triển các ngành kinh tế trong nước phù hợp nhu cầu theo từng giai đoạn phát triển.
7. Triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn. Thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện.
II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Về thăm dò và khai thác than
- Tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có; đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than Đông Bắc, hoàn thành công tác thăm dò đến đáy tầng than Bể than An Châu nhằm xác minh và nâng cấp trữ lượng than đảm bảo đủ độ tin cậy theo quy định để huy động vào thiết kế khai thác.
- Đổi mới và áp dụng công nghệ thăm dò, khai thác than tiên tiến, đặc biệt đối với những khu vực nằm ở độ sâu lớn, điều kiện địa chất phức tạp. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên than.
- Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò thích hợp để thăm dò Bể than sông Hồng trong giai đoạn đến năm 2030. Phấn đấu hoàn thành thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá xong tài nguyên Bể than sông Hồng trong giai đoạn 2031 -2045.
- Tập trung phát triển, duy trì các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, Mỏ hiện đại, Mỏ sản lượng cao, Mỏ an toàn”. Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững; khai thác an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên than. Tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác than; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò.
- Đầu tư một số đề tài/đề án/dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.
- Khuyến khích các địa phương có các điểm than trữ lượng nhỏ đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu tại chỗ; chú trọng công tác khai thác than bùn làm nhiên liệu và phân bón phục vụ nhu cầu của ngành nông, lâm nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để thăm dò, khai thác than (loại than Việt Nam phải nhập khẩu) bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác (không bao gồm than bùn) giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 45 - 50 triệu tấn/năm và giảm dần trong giai đoạn 2031 - 2045 (đạt khoảng 38 - 40 triệu tấn vào năm 2045).
- Phấn đấu đưa vào vận hành khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng trước năm 2040 để tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).
2. Về sàng tuyển và chế biến than
- Phát triển công tác sàng tuyển và chế biến than theo hướng nâng cao tỷ lệ sàng tuyển và chế biến than tập trung trong toàn ngành; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng than phù hợp theo thị trường theo từng giai đoạn.
- Duy trì, cải tạo các nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có kết hợp việc duy trì hợp lý các cụm sàng mỏ; đầu tư xây dựng mới nhà máy sàng tuyển tập trung theo từng khu vực để đảm bảo yêu cầu chế biến than.
- Chế biến than sản xuất trong nước kết hợp với pha trộn than nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm theo thị trường, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
- Thực hiện công tác sàng tuyển và chế biến than tại các mỏ địa phương phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, công suất các dự án mỏ; xây dựng các cơ sở chế biến than bùn tập trung với công nghệ tiên tiến theo hướng ưu tiên chế biến ra các sản phẩm có chất lượng sử dụng cho ngành nông, lâm nghiệp và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
3. Về thị trường than
- Hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu,...) và đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than sau năm 2030.
- Hoàn thành việc nghiên cứu, thí điểm áp dụng chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, trong đó có xem xét đến việc dự trữ than.
4. Về công tác an toàn và bảo vệ môi trường
- Thực hiện tiêu chí mỏ “An toàn - Hiện đại - Thân thiện với môi trường”; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát hữu hiệu các yếu tố rủi ro trong sản xuất than.
- Phát triển ngành than trở thành ngành kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, hài hòa, thân thiện với môi trường, cộng đồng và các ngành kinh tế khác; phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống sụt, lún đất,... Nghiên cứu khai thác và sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
- Bảo vệ môi trường ngành than gắn với mục tiêu giảm phát thải khí mà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
5. Về công tác phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh than
- Xây dựng mới, hoàn thiện các công trình trên mặt bằng phù hợp nhu cầu sử dụng của từng dự án khai thác, sàng tuyển, chế biến than và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, phòng chống thiên tai, hiệu quả sản xuất than, đáp ứng linh hoạt nhu cầu phát triển quỹ đất trong tương lai.
- Tổ chức hệ thống vận tải phù hợp năng lực sản xuất than từng khu vực với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế.
- Cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các cảng nội địa tại các vùng sản xuất than phục vụ xuất, nhập và pha trộn than với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu cải tạo, mở rộng cảng chuyên dùng hiện có của các hộ tiêu thụ để có thể trực tiếp nhập khẩu, trung chuyển than cho các tàu có trọng tải phù hợp khi chưa hình thành cảng tập trung tại các khu vực.
- Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu than; triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn theo khu vực với loại hình cảng hợp lý, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường để phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu, pha trộn than đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về cơ chế chính sách
- Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng theo hướng thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của đất nước trong tương lai.
- Rà soát, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;... để bảo đảm phát triển các dự án ngành than đáp ứng mục tiêu của Chiến lược.
- Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá than minh bạch do thị trường quyết định.
- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng than rà soát, hoàn thiện các quy định về dự trữ than, bảo đảm đáp ứng yêu cầu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; trong đó có tính đến dự phòng để ứng phó với những trường hợp rủi ro trong việc nhập khẩu than, biến động cực đoan của thời tiết.
2. Về tổ chức
- Tập trung hóa sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các mỏ có quy mô sản lượng lớn.
- Cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp than theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh. Tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả.
3. Về tài chính và đầu tư
- Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác điều tra, tìm kiếm cơ bản nguồn tài nguyên than trong nước từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn ưu đãi.
- Đa dạng hóa nguồn và hình thức huy động vốn để đầu tư phát triển ngành than, nhất là đối với hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than và các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than hiện chưa làm chủ được công nghệ.
- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành than thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm có tích lũy và tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các dự án đầu tư từ vốn tự tích lũy của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy việc đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi công bằng cho ngành than phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
4. Về nguồn nhân lực
- Chủ động hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành than; tăng cường hợp tác, liên doanh với nước ngoài trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành, phù hợp yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách về lao động, tiền lương, phúc lợi để thu hút lao động (đặc biệt là lao động trong mỏ hầm lò) nhằm tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài với ngành than, đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề cao.
5. Về khoa học - công nghệ, an toàn, môi trường
- Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn và sử dụng than, quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn và điều hành sản xuất than (đặc biệt là công nghệ đào chống lò, khai thác than dưới mức -300m Bể than Đông Bắc; công nghệ thăm dò, khai thác Bể than sông Hồng) phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm tài nguyên than; nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu giữ và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng than; nghiên cứu chuyển đổi công nghệ đốt than sang đốt kèm than với nhiên liệu sinh khối, amoniac,... để hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong công tác chế biến than thành các dạng năng lượng sạch, sản phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ than.
- Phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong chế tạo thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh mỏ và xử lý môi trường vùng than,...
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp than phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong công tác thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, pha trộn, dự trữ, sử dụng than và tái sử dụng đất đá thải mỏ.
6. Về quản trị kinh doanh, kiểm soát chi phí và quản trị rủi ro
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ranh giới mỏ và tài nguyên, khoáng sản trong quá trình quản lý, sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than.
- Hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu công nghệ, tiêu chuẩn cơ sở, định mức kinh tế - kỹ thuật; thiết lập hệ thống cơ chế nhận dạng, đánh giá, phòng ngừa, xử lý rủi ro trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành than với lộ trình cụ thể, phù hợp các giai đoạn phát triển của thị trường năng lượng.
1. Bộ Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan triển khai Chiến lược này.
- Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, theo dõi thực thi pháp luật; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao và quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các đề án, chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao và làm chủ công nghệ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển ngành than.
2. Các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản; thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ ranh giới mỏ, bảo vệ tài nguyên than trên địa bàn quản lý theo quy định.
- Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản than tại địa phương theo quy định.
4. Các doanh nghiệp, tổ chức liên quan
a) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc
- Tiếp tục chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển bền vững ngành than; thực hiện tốt vai trò là những đầu mối chủ đạo trong việc cung cấp than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện; chủ động và tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp than uy tín trên thế giới có nguồn than ổn định dài hạn để đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu.
- Khai thác, chế biến, cung ứng than theo quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển ngành than được duyệt; đảm bảo cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký, đặc biệt là đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện theo các hợp đồng mua bán/cung cấp than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn ký với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than.
- Tích cực, chủ động tìm kiếm và phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực, có công nghệ phù hợp nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, lựa chọn phương pháp thăm dò thích hợp để triển khai các đề tài/đề án/dự án khai thác thử nghiệm và tiến tới khai thác công nghiệp hiệu quả Bể than sông Hồng.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chế biến than thành các dạng năng lượng sạch, sản phẩm khác (dùng cho luyện kim, khí hóa than để sản xuất các loại sản phẩm khí phù hợp phục vụ các ngành năng lượng và công nghiệp,...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ than; đề xuất, tiếp nhận các chương trình/dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững ngành than trong tình hình mới. Xây dựng lộ trình, kế hoạch/chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với từng loại hình, công nghệ khai thác, chế biến than bảo đảm thực hiện các mục tiêu Chiến lược.
- Phối hợp với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có đủ năng lực để nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng trung chuyển than.
- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.
b) Các hộ sử dụng than
- Chủ động rà soát các công đoạn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng than; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển đổi công nghệ đốt than nhằm tăng tính tự chủ trong việc chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất và phù hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược tại Quyết định này và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn 413/BVHTTDL-BQTG năm 2017 xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành
- 2Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 9897/VPCP-CN năm 2023 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 2Công văn 413/BVHTTDL-BQTG năm 2017 xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành
- 3Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Công văn 9897/VPCP-CN năm 2023 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 55/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 55/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/01/2024
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra