Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 534/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 05 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 225/TTr-STNMT ngày 24/7/2015 về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum (có Phương án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản;
- Các sở, ban ngành;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT-KTN3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Tuy

 

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC
(Kèm theo Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 của UBND tỉnh)

I. Sự cần thiết và căn cứ để xây dựng Phương án

1. Sự cần thiết

Ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách.

2. Căn cứ xây dựng phương án

Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 22/8/2013, Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 22/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

II. Đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ gồm

Khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được điều tra phát hiện, chưa được điều tra phát hiện, chưa cấp phép khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa mỏ; khu vực cấm hoạt động khoáng sản (1.111 vị trí, khu vực, tuyến với tổng diện tích 297.421,31 ha)1 và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (732 vị trí với tổng diện tích 335,96 ha)2 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 443/QĐ-QĐ-UBND ngày 22/8/2013 và Quyết định số 254/QĐ-QĐ-UBND ngày 22/5/2014.

III. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm: Khoáng sản là loại tài sản hữu hạn và hầu hết không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao; bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Mục tiêu: Lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, xử lý kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, kiên quyết ngăn chặn tiến đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

IV. Thực trạng về công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, bước đầu đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể: công tác quản lý bảo vệ chưa tốt, chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số điểm nằm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tái diễn, trong khi chính quyền các địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa đồng bộ, đặc biệt là công tác phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và việc ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa nghiêm.

Công tác quản lý và trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã đôi lúc, đôi nơi còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, để kéo dài tạo điểm nóng như: Khoáng sản vàng tại xã Đắk Pét, xã Đắk Nhoong, xã Đắk Long, xã Đắk Blô, sông Pô Kô (huyện Đăk Glei); sông Pô Kô (huyện Ngọc Hồi), xã Đăk Tre (huyện Kon Rẫy), xã Tân Cảnh, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô), xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) và xã Hiếu (huyện Kon Plông); cát, sỏi lòng sông ĐăkBla (thành phố Kon Tum)... Ngoài các điểm khoáng sản nêu trên, một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản lén lút, trái phép cần tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

V. Giải pháp thực hiện

- Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- UBND các huyện, thành phố:

+ Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp hữu hiệu nhằm xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật.

+ Bố trí nguồn ngân sách cho UBND cấp xã nơi có khoáng sản bị khai thác trái phép để thực hiện công tác bảo vệ; chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với lực lượng Công an, các Đồn Biên phòng quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng theo đúng quy định, kiên quyết trục xuất các đối tượng lưu trú bất hợp pháp và không cho đăng ký tạm trú với lý do không chính đáng. Tổ chức kiểm tra, thu giữ các phương tiện, thiết bị khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật, bảo đảm ngăn chặn kịp thời các đối tượng khai thác trái phép.

- Các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân tại những địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhưng không chủ động đề xuất tham mưu các biện pháp xử lý hoặc không có biện pháp xử lý hữu hiệu, để tình trạng khai thác trái phép tái diễn, kéo dài.

VI. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản hướng dẫn, triển khai kịp thời có hiệu quả Luật Khoáng sản và các các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

- Cung cấp thông tin, số liệu: về tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản chưa khai thác; các khu vực có tài nguyên khoáng sản đã cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho UBND các huyện, thành phố biết để có phương án bảo vệ; chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố quản lý đất dành riêng tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ trong Phương án này; định kỳ hàng tháng, tổng hợp báo cáo kết quả công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn về UBND tỉnh.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; chính sách và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn xác định cụ thể các khu vực quy hoạch khoáng sản ngoài thực địa làm cơ sở theo dõi việc triển khai quy hoạch và quản lý chặt chẽ các hoạt động khoáng sản theo quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; các cơ sở chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

3. Sở Xây dựng

Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; chính sách và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp khai thác sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương theo quy định, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước hàng năm.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch tăng cường công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng (các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam...): Ngoài chức năng nhiệm vụ được giao về bảo vệ và phát triển rừng, phải có biện pháp ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến...) trái phép trong lâm phần mình quản lý3. Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết tình trạng trên để phối hợp xử lý.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi ngoài chức năng nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý các công trình thủy lợi, phải có biện pháp ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến...) trong phạm vi bảo vệ của các công trình thủy lợi do đơn vị đang quản lý theo quy định. Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết tình trạng trên để phối hợp xử lý.

6. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Có biện pháp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về Quy chế khu vực biên giới đất liền của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong khu vực biên giới; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trong khu vực biên giới.

- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng trong khu vực biên giới, ngoài việc thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giao, có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát hiện xử lý, cung cấp thông tin kịp thời về hoạt động khoáng sản trái phép, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trong khu vực biên giới.

7. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản vì lý do quốc phòng, an ninh; chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phối hợp, hỗ trợ công tác truy quét hoạt động khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật khi có đề nghị của chính quyền địa phương

8. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực quản lý bảo vệ, phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết để phối hợp xử lý.

9. Sở Giao thông Vận tải, cơ quan Điện lực, Bưu điện và đơn vị cấp thoát nước thuộc các huyện, thành phố

Ngoài thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi quản lý bảo vệ của công trình kết cấu hạ tầng giao thông, công trình cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, thông tin liên lạc... theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông báo kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng biết để phối hợp xử lý.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản trên địa bàn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản cho doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên để thực hiện tốt quy định của pháp luật về khoáng sản; vận động nhân dân tích cực đấu tranh với các hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản.

- Công khai quy hoạch khoáng sản đã được duyệt, khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực chưa cấp phép; xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp với UBND các địa phương giáp ranh (thuộc tỉnh) trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực giáp ranh. Triển khai và chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan thực hiện có hiệu quả Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính.

- Thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các hành vi thăm dò, khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng giải tỏa, truy quét các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trường hợp xảy ra điểm nóng hoặc vượt quá khả năng xử lý của địa phương phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng để có chỉ đạo và hỗ trợ.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chức năng nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản thuộc địa bàn quản lý; phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên khoáng sản.

- Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đối với UBND cấp xã. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với Chủ tịch UBND cấp xã và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép.

- Nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép không được phát hiện xử lý kịp thời, trở thành điểm nóng, tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp huyện nơi để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

VII. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan

- Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

- Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản.

VIII. Tổ chức thực hiện

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Phương án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Phương án. Định kỳ hàng tháng và 01 năm, các sở ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Phương án.

Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố báo cáo kịp thời UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.



1 Liên quan đến: Đất lịch sử - văn hóa: 17 vị trí, diện tích 45,19 ha; Rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên: 99 tiểu khu, diện tích 93.402,79 ha: Rừng phòng hộ: 180 tiểu khu, diện tích 179.957,57 ha; Đất an ninh: 35 vị trí, diện tích 82,09 ha; Đất quốc phòng: 153 vị trí, diện tích 2.107,34 ha; Đất dành riêng tôn giáo: 76 vị trí, diện tích 54,35 ha; Công trình kết cấu hạ tầng giao thông: 16 vị trí - tuyến, diện tích 7.630,33 ha; Công trình thủy lợi, thủy điện đê kè: 504 vị trí, diện tích 13.384,49 ha; Công trình cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, thông tin liên lạc: 31 vị trí - tuyến, diện tích 757,16 ha.

2 Liên quan đến: Đất di tích lịch sử chưa được xếp hạng: 731 vị trí, diện tích 326,64 ha; đất quốc phòng, an ninh: 01 vị trí, diện tích 9,32 ha

3 Liên quan đến rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên 99 tiểu khu, diện tích 93.202,6 ha và rừng phòng hộ 180 tiểu khu, diện tích 182.915,06 ha (theo kết quả kiểm kê rừng tại Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 534/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 534/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Đức Tuy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản