Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2013/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 29 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐỊNH MỨC, NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ PHÂN BỔ QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 04/02/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải về việc quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

Ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh tại văn bản số 453/HDND ngày 06/11/2013;

Xét đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh tại Văn bản số 26/QBTĐB-HĐQL, ngày 25/11/2013; của Quỹ Bảo trì đường bộ tại Văn bản số 24/QBTĐB ngày 22/11/2013, ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải tại Văn bản số 3729/SGTVT-QLGT ngày 13/11/2013, của Sở Tài chính tại Văn bản số 2589/STC-NS ngày 20/11/2013, Văn bản thẩm định của Sở Tư pháp số 971/BC-STP ngày 22/11/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về định mức, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch HĐQL và các thành viên Quỹ Bảo trì đường bộ, Giám đốc Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh; Chủ tịch HĐQL và các thành viên Quỹ Đầu tư phát triển, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Quỹ BTĐBTW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐỊNH MỨC, NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ PHÂN BỔ QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 29/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định về định mức, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ.

2. Đối tượng áp dụng.

Kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh được phân bổ cho đơn vị quản lý đường tỉnh (Sở Giao thông Vận tải); đơn vị quản lý đường huyện (UBND huyện, thành phố, thị xã). Theo phân cấp quản lý, UBND huyện, thành phố, thị xã phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ cho các đơn vị quản lý đường xã (UBND xã, phường, thị trấn).

Điều 2. Nguyên tắc phân bổ

1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hợp lý.

2. Kinh phí bảo trì đường bộ sử dụng đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, hiệu quả.

3. Ngoài nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh phân bổ theo Quyết định này, các địa phương tự cân đối nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì đường bộ của địa phương quản lý.

Điều 3. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm:

- Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là xe ô tô) do Hội đồng Quản lý Quỹ trung ương phân chia cho Quỹ địa phương.

- Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô) sau khi đã trừ phần trích để lại cho UBND cấp xã theo quy định.

- Ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ bao gồm: Nguồn thực hiện duy tu bảo dưỡng và bảo trí công trình giao thông nông thôn theo quy định của Nghị quyết 112/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nguồn sự nghiệp giao thông của ngân sách tỉnh được phân bổ trong dự toán NSNN hàng năm (không kể các khoản chi phí: duy tu đường sông; khen thưởng; xăng xe kiểm tra và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp) và nguồn ngân sách bổ sung khác do HĐND tỉnh quyết định (nếu có).

- Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

1. Cơ quan quản lý đường bộ trong quy định này gồm: Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

2. Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh gọi tắt là Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh gọi tắt là Hội đồng quản lý Quỹ.

3. Hệ thống đường huyện, đường xã, đường thôn xóm và trục chính nội đồng sau đây gọi chung là đường giao thông nông thôn (GTNT).

4. Công tác bảo trì đường bộ bao gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất:

- Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là các thao tác kỹ thuật được làm thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận công trình. Công việc này được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng ngày trong suốt cả năm, nhằm hạn chế tối đa sự gia tăng từ hư hỏng nhỏ thành hư hỏng lớn, để đảm bảo giao thông vận tải đường bộ được an toàn, thông suốt và êm thuận.

- Sửa chữa định kỳ gồm sửa chữa vừa và sửa chữa lớn. Trong đó, sửa chữa vừa là sửa chữa những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận, kết cấu công trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng khai thác đường bộ và gây mất ATGT; sửa chữa lớn là công việc sửa chữa tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu cho công trình.

- Sửa chữa đột xuất là công việc sửa chữa công trình đường bộ chịu các tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy nổ hoặc những tác động đột xuất khác dẫn tới những hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo giao thông liên tục.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy định mức phân bổ vốn quản lý, bảo trì đường bộ

1. Trên cơ sở kế hoạch chi hàng năm của Quỹ, đầu năm Hội đồng quản lý Quỹ sẽ xem xét quyết định phân bổ 90% kế hoạch để chi các nội dung chi của Quỹ, để lại dự phòng 10% kinh phí.

Nguồn dự phòng (10%) để lại Quỹ sẽ được sử dụng cho công tác sửa chữa đột xuất như bị thiên tai, địch họa, sự cố kỹ thuật công trình….Cuối năm nếu nguồn dự phòng không phải sử dụng cho các công tác trên thì phân bổ bổ sung cho sửa chữa các công trình giao thông cấp thiết trên địa bàn.

2. Hàng năm Quỹ dành 35% kinh phí chi bảo trì công trình đường bộ để chi cho công tác bảo trì hệ thống đường tỉnh, 65% còn lại phân bổ cho các địa phương trong tỉnh để bảo trì hệ thống đường đô thị và đường GTNT.

3. Tỷ lệ phân bổ tại các khoản 1 và 2 Điều này, trong trường hợp cần thiết, giao Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải.

Điều 5. Quy định sử dụng vốn cho các định ngạch bảo trì đường bộ

1. Kinh phí bảo trì công trình đường bộ được phân bổ tại khoản 2 Điều 4 của quy định này, được sử dụng tối đa 20% cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, 80% còn lại để thực hiện công tác sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa, sửa chữa lớn)

2. Phần kinh phí quản lý, bảo trì cho đường đô thị, đường GTNT sẽ được Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, phân bổ trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Điều 6 của Quy định này.

3. Đối với công tác sửa chữa định kỳ.

Hàng năm các cơ quan quản lý đường bộ, lập danh mục các tuyến đường có nhu cầu sửa chữa định kỳ theo thứ tự ưu tiên gửi Quỹ Bảo trì đường bộ tổng hợp, trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét và quyết định danh mục cụ thể.

Điều 6. Tiêu chí phân bổ vốn bảo trì đường đô thị, đường GTNT

1. Các tiêu chí xác định hệ thống quy đổi

Tiêu chí về mặt kỹ thuật gồm: Tổng chiều dài các tuyến đường được giao quản lý; Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tuyến; tình trạng kỹ thuật của công trình.

Tiêu chí về tình trạng đường sá của các địa phương: Phân thành 4 loại tốt, trung bình, xấu và rất xấu. Căn cứ báo cáo hàng năm của các địa phương để xác định cụ thể.

Tiêu chí về điều kiện tự nhiên - xã hội gồm: Điều kiện chung về địa hình, địa chất, thủy văn; tuyến đi qua khu vực đông dân cư, gần trường học, chợ, trạm y tế…

Tiêu chí về điều kiện phát triển kinh tế: Thu ngân sách hàng năm trên địa bàn, mức sống bình quân trên địa bàn, khả năng huy động các nguồn vốn đóng góp của người dân (càng khó khăn hệ số càng cao).

Tiêu chí về khả năng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn: Kế hoạch thu trên đầu phương tiện đăng ký, số thực thu nộp vào tài khoản của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước.

Từ các tiêu chí trên xác định 6 hệ số chủ yếu gồm:

- Hệ số về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật (K1).

+ Thành phố Hà Tĩnh, các tuyến phố có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cao lấy hệ số 2,0

+ Thị xã Hồng Lĩnh các tuyến đô thị cơ bản đã vào cấp lấy hệ số 1,5.

+ Các tuyến giao thông nông thôn thuộc các huyện quản lý (đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, trục chính nội đồng), ngoài một số tuyến đường huyện đạt cấp V, cấp VI, còn lại chủ yếu là đường GTNT loại C và phần lớn đường ngõ xóm là không vào cấp, lấy hệ số bình quân là 1.

- Hệ số về tình trạng chất lượng công trình (K2)

+ Chất lượng tốt hệ số: K= 1,00.

+ Chất lượng trung bình: K= 1,05.

+ Chất lượng xấu: K= 1,10.

+ Chất lượng rất xấu: K= 1,15.

- Hệ số địa hình (K3): Địa hình đồng bằng lấy bằng 1, miền núi lấy 1,05.

- Hệ số về điều kiện phát triển kinh tế (K4):

+Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh lấy hệ số 1.

+ Các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh lấy hệ số 1,05.

+ Các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê lấy hệ số 1,10.

- Hệ số về khả năng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn (K5): Hệ số K5 được xác định trên cơ sở kết quả thu phí của từng địa phương của năm kề trước đó.

+ Hoàn thành kế hoạch lấy hệ số 1.

+ Vượt thu 10-20% nhân hệ số 1,05; vượt thu trên 20% nhân hệ số 1,10

+ Không hoàn thành kế hoạch sẽ nhân hệ số giảm tương ứng.

- Hệ số cân đối mức phân bổ kinh phí (KCD).

Mức chênh lệch kinh phí sau khi phân bổ theo 5 tiêu chí K1, K2, K3, K4, K5 giữa các địa phương không vượt quá mức tối đa là 3,5 lần. trường hợp lớn hơn mức tối đa thì tổng phần kinh phí chênh lệch đó được phân bổ đều cho tất cả các địa phương (G).

2. Công thức tính

Gi

=

Q

x lqđi + GCD (đồng)

LQĐTT

Trong đó:

- Q là tổng kinh phí dự kiến phân bổ cho các địa phương

- Gi là kinh phí BTĐB được phân bổ cho huyện thứ i.

- LQĐTT là tổng chiều dài đường bộ quy đổi toàn tỉnh được tính theo công thức sau: LQĐTT = lqđ1+lqđ2+lqđ3+…+lqđn (km).

- lqđi là tổng chiều dài đường bộ quy đổi của huyện thứ I được tính theo công thức sau: lqđi = ltti x K1xK2xK3xK4xK5 (km).

- ltt là chiều dài đường bộ thực tế của từng huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. (km)

- K1, K2, K3, K4, K5: là các hệ số được xác định tại Khoản 1 Điều này.

- G: là mức kinh phí được phân bổ cho các địa phương từ tổng phần kinh phí chênh lệch quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Tổ chức thực hiện.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã; Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh; Quỹ đầu tư phát triển tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, Quỹ có trách nhiệm tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề xuất những điều khoản cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong Quy định này, định kỳ 6 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.