Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5151/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC TỔ CHỨC PHÁP Y TÂM THẦN ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Giám định Tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Căn cứ Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các tổ chức pháp y tâm thần đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) bao gồm các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

Thực hiện nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám định tư pháp, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam và Điều kiện thực tế của các địa phương;

Góp Phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định pháp y tâm thần, đáp ứng yêu cầu của công tác tố tụng và phục vụ cho người dân có nhu cầu.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển mạng lưới các tổ chức pháp y tâm thần với phân vùng hợp lý, nhằm góp Phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Xây dựng mạng lưới các tổ chức pháp y tâm thần trong toàn quốc:

- 05 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, bao gồm: Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền núi phía Bắc, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ.

- 02 Viện Pháp y tâm thần Trung ương bao gồm: Viện Pháp y tâm thần Trung ương Hà Nội, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

b) Phân công trách nhiệm thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần của các Viện, các Trung tâm hợp lý, đáp ứng kịp thời công tác trưng cầu giám định pháp y tâm thần, bảo đảm chính xác và hiệu quả phục vụ công tác Điều tra, giải quyết các vụ án liên quan đến giám định pháp y tâm thần của các cơ quan Điều tra, tố tụng trên địa bàn được phân công

c) Bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý, giám sát chặt chẽ của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp đối với công tác giám định pháp y tâm thần, đồng thời phát huy được tính chủ động, tích cực của các tổ chức pháp y tâm thần trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Thành lập 05 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế:

a) Thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền núi phía Bắc tại tỉnh Phú Thọ trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Phú Thọ.

- Trung tâm có trụ sở riêng tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 9 tỉnh: Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

- Quy mô: Trung tâm có ít nhất 50 giường bệnh để theo dõi các đối tượng trước, trong và sau khi giám định pháp y tâm thần.

b) Thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung tại thành phố Huế trên cơ sở Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế,

- Trung tâm có trụ sở riêng tại thành phố Huế.

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 07 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

- Quy mô: Trung tâm có ít nhất 70 giường bệnh để theo dõi các đối tượng trước, trong và sau khi giám định pháp y tâm thần.

c) Thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trung tâm có trụ sở riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh;

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

- Quy mô: Trung tâm có ít nhất 70 giường bệnh để theo dõi các đối tượng trước, trong và sau khi giám định pháp y tâm thần.

d) Thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở Bộ phận (Khoa Giám định tư pháp) thuộc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.

- Trung tâm có trụ sở riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột;

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 07 tỉnh bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng.

- Quy mô: Trung tâm có ít nhất 50 giường bệnh để theo dõi các đối tượng trước, trong và sau khi giám định pháp y tâm thần;

đ) Thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ tại Thành phố Cần Thơ trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Cần Thơ.

- Trung tâm có trụ sở riêng tại Thành phố Cần Thơ.

- Thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 08 tỉnh bao gồm: Thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang.

- Quy mô: Trung tâm có ít nhất 50 giường bệnh để theo dõi các đối tượng trước, trong và sau khi giám định pháp y tâm thần;

2. Kiện toàn Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Hà Nội nhằm đáp ứng vai trò là đầu mối tham mưu cho Bộ Y tế chỉ đạo hoạt động giám định pháp y tâm thần trong cả nước

a) Viện Pháp y tâm thần Trung ương có trụ sở tại: Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Có chức năng là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo chuyên môn cho các tổ chức pháp y tâm thần trong toàn quốc. Trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cho các Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền núi phía Bắc, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung.

b) Quy mô: Viện có 250 giường bệnh.

c) Về cơ cấu tổ chức thuộc Viện:

+ Có từ 07 đến 09 Phòng chức năng,

+ Có ít nhất 07 Khoa chuyên môn.

d) Thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần cho 19 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

3. Thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Phân viện phía Nam thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Cụ thể:

a) Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có trụ sở tại: thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Có chức năng trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cho Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ.

b) Quy mô: Viện có 250 giường bệnh.

c) Về cơ cấu tổ chức thuộc Viện:

+ Có từ 07 đến 09 Phòng chức năng,

+ Có ít nhất 07 Khoa chuyên môn.

d) Thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần cho 10 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.

IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Lộ trình đến Quý I năm 2015

- Thành lập và triển khai hoạt động 05 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế.

- Xây dựng Đề án kiện toàn, tăng cường năng lực cho Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Hà Nội.

- Trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa trên cơ sở nâng cấp Phân viện phía Nam thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

2. Lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020

Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các Viện Pháp y tâm thần Trung ương và các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực để đáp ứng nhu cầu giám định của các cơ quan tố tụng.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức pháp y tâm thần qua việc triển khai xây dựng Đề án thành lập các Trung tâm pháp y tâm thần trực thuộc Bộ xin ý kiến thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trình Bộ trưởng Bộ Y tế Quyết định thành lập các trung tâm Pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế.

Xây dựng Đề án kiện toàn, tăng cường năng lực cho Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Hà Nội và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

2. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Thành lập bộ môn tâm thần tại các Trường Đại học Y - Dược (đối với các trường đại học Y - Dược chưa có bộ môn tâm thần) để đào tạo, đào tạo liên tục cán bộ chuyên môn sâu về tâm thần, pháp y tâm thần; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn miễn học phí cho các sinh viên được đào tạo chuyên khoa tâm thần, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh theo quy định tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020.

3. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực giám định viên pháp y tâm thần. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ phụ cấp đặc thù phù hợp với tính chất công việc đặc thù, nhằm bù đắp, trả công thỏa đáng cho người làm việc trong lĩnh vực pháp y tâm thần.

4. Đầu tư và tài chính: Thu hút đầu tư từ các nguồn tài chính, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho phát triển mạng lưới các tổ chức Pháp y tâm thần trực thuộc Bộ Y tế. Tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong xã hội để thực hiện quy hoạch khi được phê duyệt. Có kế hoạch làm việc với các địa phương có Trung tâm pháp y tâm thần khu vực đóng trên địa bàn để bố trí quỹ đất cho các Trung tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định pháp y tâm thần.

5. Hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học. Có kế hoạch cử công chức, viên chức chuyên ngành pháp y tâm thần tham gia học tập trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hội nghị về chuyên ngành pháp y tâm thần với các nước trên thế giới và trong khu vực.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Bộ Y tế.

- Là cơ quan thường trực tham mưu cho Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước phù hợp với Điều kiện kinh tế, xã hội thực tế tại địa phương có Trung tâm pháp y tâm thần đóng trên địa bàn của tỉnh.

- Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm pháp y tâm thần khu vực đóng trên địa bàn, đảm bảo các Điều kiện cần thiết về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... để Trung tâm pháp y tâm thần khu vực đi vào hoạt động.

2. Trách nhiệm của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.

a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch, báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt; chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu đề xuất nguồn kinh phí thực hiện Quy hoạch, báo cáo Bộ trưởng phê duyệt, bảo đảm các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực pháp y tâm thần theo kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm.

c) Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo chủ trì phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học về pháp y tâm thần, báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt; chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

d) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án thành lập các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực, đề án kiện toàn, nâng cao năng lực Viện Pháp Y tâm thần Trung ương tại Hà Nội và đề án thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế chuyên ngành pháp y tâm thần trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt.

đ) Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế chủ trì, phối hợp với các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Pháp y tâm thần Trung ương và các Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường của các tỉnh có Trung tâm khu vực đặt trụ sở và kế hoạch về quỹ đất cho Trung tâm, thiết kế mô hình trụ sở làm việc, quy định trang thiết bị của Trung tâm.

e) Các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khác triển khai thực hiện Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

g) Viện Pháp y tâm thần Trung ương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Y tế, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Hướng dẫn công tác chuyên môn, chỉ đạo tuyến đối với các tổ chức pháp y tâm thần theo quy hoạch; đánh giá nguồn lực, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho các công chức, viên chức và người lao động làm việc trong chuyên ngành Pháp y tâm thần.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nội vụ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW
- Viện Pháp Y tâm thần Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến