Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 515/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ NƯỚC DẰN VÀ CẶN NƯỚC DẰN CỦA TÀU NĂM 2004

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 197/NQ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ về việc gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004;

Căn cứ nội dung Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 4866/TTr-BGTVT ngày 08 tháng 5 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Phụ lục kèm theo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ theo Phụ lục;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ;
- Lưu: VT, QHQT(2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Lưu Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ NƯỚC DẰN VÀ CẶN NƯỚC DẰN CỦA TÀU NĂM 2004
(Kèm theo Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của Công ước quốc tế về Kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 (Công ước BWM 2004);

b) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, nâng cao hiệu quả quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu biển tại cảng biển và vùng biển Việt Nam.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 phải bảo đảm hài hòa và thống nhất với quy định của các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên;

b) Việc thực hiện Kế hoạch phải đồng bộ, phù hợp quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan được giao chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch phải tích cực chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả;

d) Bảo đảm sự quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, cơ quan, địa phương, kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch;

đ) Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nhiệm vụ:

- Tham gia, phối hợp với các nước thành viên công ước trong việc thực hiện các hoạt động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm biển, sự phá hủy hệ sinh thái bản địa bởi các sinh vật ngoại lai được vận chuyển thông qua nước dằn tàu. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Tiến hành ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để triển khai đầy đủ, toàn diện các quy định của Công ước BWM 2004. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030;

- Thực hiện kiểm tra nhà nước cảng biển đối với các tàu nước ngoài đến cảng của Việt Nam, bao gồm cả việc thực hiện đo đạc, lấy mẫu, đánh giá nước dằn của tàu phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước cảng biển (nếu có). Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Tổ chức triển khai việc kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận quốc tế quản lý nước dằn tàu theo yêu cầu của Công ước BWM 2004, cấp chứng nhận Hệ thống quản lý nước dằn. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Xác định và công bố các vị trí trao đổi nước dằn phù hợp với quy định của Công ước BWM 2004 nếu cần thiết. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có liên quan; các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam không tuân thủ các quy định của Công ước BWM 2004 (bao gồm vùng nước cảng biển, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế). Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Xúc tiến hợp tác kỹ thuật với các quốc gia thành viên để thực hiện trao đổi kinh nghiệm, đào tạo Sỹ quan nhà nước cảng biển, cán bộ kỹ thuật, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học về quản lý nước dằn tàu. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Tranh thủ việc tham gia các cuộc họp IMO để xúc tiến hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực thực thi và bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong việc thực thi Công ước BWM 2004. Thời gian thực hiện: Hàng năm;

- Đàm phán đề xuất sửa đổi các quy định của Công ước BWM 2004 đến Tổ chức Hàng hải quốc tế và các quốc gia thành viên nhằm phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực và quốc tế. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp và hợp tác trong khu vực từ Tổ chức Hàng hải quốc tế và của các tổ chức và các quốc gia trong quá trình thực thi các quy định của Công ước BWM 2004. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Xây dựng và bố trí kinh phí cho hoạt động đo đạc, lấy mẫu, đánh giá nước dằn của tàu phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước cảng biển. Thời gian thực hiện: Hàng năm;

- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Công ước BWM 2004 tới các cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển và các tổ chức cá nhân có liên quan. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Đào tạo, tập huấn kiến thức các nội dung của Công ước BWM 2004 cho các sỹ quan kiểm tra tàu biển, đăng kiểm viên và cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Thời gian thực hiện: Hàng năm;

- Thông báo các hành động kiểm soát đến các tàu tiến hành kiểm tra, đồng thời gửi đến Chính quyền hàng hải của tàu được kiểm tra về vi phạm đó. Ngoài ra, thông báo cho các cảng tới của tàu tất cả thông tin liên quan về sự vi phạm mà tàu không thể thực hiện khắc phục. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển hệ thống quản lý, xử lý nước dằn tàu. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Quyết định miễn trừ đối với các tàu của một Thành viên Công ước mà chỉ hoạt động trong vùng nước thuộc quyền tài phán của Việt Nam và miễn trừ lắp đặt Hệ thống quản lý nước dằn cho các tàu biển thực hiện một chuyến hành trình hoặc các chuyến hành trình giữa các cảng hoặc cảng biển cụ thể; hoặc cho một tàu hoạt động dành riêng giữa các cảng hoặc địa điểm. Thời gian thực hiện: Thường xuyên;

- Rà soát, đàm phán các thỏa thuận với các quốc gia thành viên Công ước BWM 2004 để triển khai áp dụng quy định miễn trừ của Công ước BWM 2004.

2. Trách nhiệm và phân công thực hiện

a) Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Mục 1, Phần II, trừ các nhiệm vụ giao bộ, ngành khác chủ trì;

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai áp dụng các quy định của Công ước BWM 2004 và các sửa đổi, bổ sung của Công ước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước BWM 2004 có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc tiến hành biện pháp chỉ đạo, điều hành hoặc biện pháp khác để thực hiện Công ước BWM 2004;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước BWM 2004 có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp Công ước BWM 2004 bị vi phạm;

- Xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Công ước BWM 2004 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định cách hiểu và áp dụng quy định của Công ước BWM 2004 trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng quy định đó;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng các quy định kiểm soát, quản lý nước dằn tàu tại Việt Nam;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong hoạt động hợp tác quốc tế thực thi Công ước BWM 2004.

b) Bộ Ngoại giao

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong hoạt động hợp tác quốc tế thực thi Công ước BWM 2004;

- Tổng hợp báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, trong đó có nội dung về thực hiện Công ước BWM 2004 trong báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế;

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước BWM 2004.

c) Bộ Tư pháp

- Đôn đốc việc xây dựng, trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước BWM 2004;

- Thẩm định sự phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật với Công ước BWM 2004 mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo thẩm quyền.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải cũng như trong việc triển khai các nhiệm vụ nêu tại Mục 1, Phần II;

- Chủ trì điều tra, đánh giá hiện trạng sinh vật biển và sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai trong vùng biển Việt Nam;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kiểm soát và quản lý ô nhiễm biển bởi sinh vật ngoại lai được vận chuyển thông qua nước dằn tàu;

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tham gia, phối hợp với các nước thành viên công ước trong các hoạt động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm biển, phá hủy hệ sinh thái bản địa bởi các sinh vật ngoại lai được vận chuyển thông qua nước dằn.

đ) Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.

e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Triển khai thực hiện các quy định của Công ước đối với các tàu thuộc phạm vi quản lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước BWM 2004.

- Kiến nghị hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước BWM 2004 có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ.

g) Các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan

Triển khai thực hiện Công ước BWM 2004 mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên quan đến quy định của Công ước.

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước BWM 2004 có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

h) Doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tuân thủ Công ước BWM 2004 mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Công ước BWM 2004 được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

2. Huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào thực hiện Công ước BWM 2004 và phát triển công nghệ quản lý và kiểm soát nước dằn tàu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan bổ sung nhiệm vụ thực thi các Công ước BWM 2004 vào chương trình, kế hoạch công tác của mình và chủ động thực hiện các nhiệm vụ cần thiết khác nhằm thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.

2. Giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thường trực thực hiện Công ước BWM 2004, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước.

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CHỊU TRÁCH NHIỆM THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC BWM
(Kèm theo Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng;

2. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh;

3. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình;

4. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định;

5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình;

6. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

7. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An;

8. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh;

9. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình;

10. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị;

11. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế;

12. Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng;

13. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam;

14. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi;

15. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định;

16. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên;

17. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa;

18. Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận;

19. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận;

20. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

21. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;

22. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang;

23. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre;

24. Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh;

25. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng;

26. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu;

27. Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau;

28. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 515/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/06/2024
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/06/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản