Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5106/QĐ-UBND-CN

Nghệ An, ngày 24 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH GIAO THÔNG VẬN TẢI HUYỆN ĐÔ LƯƠNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về việc quy hoạch xây dựng; số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải Văn bản số 1823/SGTVT-KHTH ngày 14/11/2011 về việc báo cáo thẩm định Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải với các nội dung như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: UBND huyện Đô Lương.

3. Quan điểm phát triển

- Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên đầu tư phát triển tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cho việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của huyện, đảm bảo đạt các tiêu chí quốc gia về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Quy hoạch hệ thống giao thông phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành khác của huyện cũng như của tỉnh.

- Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ huyện Đô Lương phải hợp lý, đảm bảo sự kết nối thuận lợi từ mạng lưới đường bộ địa phương gồm đường tỉnh, đường huyện, đường chuyên dùng, đường xã, đường nội thị đến mạng lưới đường bộ quốc gia (Quốc lộ) nằm trên địa bàn huyện cũng như cân đối với các loại hình giao thông khác (như đường thuỷ, đường sắt), giữa các vùng chuyên canh sản xuất, vùng nguyên liệu với các tụ điểm công nghiệp chế biến, giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ.

- Chú trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng giao thông hiện có. Đồng thời đẩy mạnh việc nâng cấp và xây dựng mới các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, trước hết là các tuyến đường huyện, đường chuyên dùng, đường xã, các trục giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tiềm năng to lớn của nhân dân, của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tập trung đầu tư các công trình giao thông có trọng điểm, đúng quy hoạch và phải có giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế, không dàn trải, kéo dài.

- Tổ chức đưa các loại hình vận tải hành khách, hàng hóa và phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện địa phương vào hoạt động khai thác, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, hành khách.

- Tích cực đưa khoa học kỹ thuật, vật liệu mới, sử dụng vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để đông đảo nhân dân tự quản lý, tự làm có sự hướng dẫn về kỹ thuật.

- Dành quỹ đất hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch sử dụng đất cho cơ sở hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành ở tỉnh cũng như các phòng, ban của huyện.

4. Mục tiêu phát triển

- Có một mạng lưới đường hợp lý, liên hoàn, thông suốt bao gồm các tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 15, đường tỉnh 533, đường vào nhà máy xi măng Đô Lương, các tuyến đường quan trọng của tỉnh, các tuyến đường huyện, đường nội thị, đường chuyên dùng, đường xã, đường thôn xóm. Gắn kết hệ thống giao thông của huyện với hệ thống giao thông Quốc gia, của tỉnh, giao thông các huyện lân cận; khai thác tối đa các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh.

- Về quy mô: Đưa dần hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo TCVN 4054-2005, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị. Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Đường thôn xóm đạt loại A theo 22 TCN 210-92, trở lên. Phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

- Về kết cấu mặt đường:

+ Đến năm 2015: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa. 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, tối thiểu 50% đường thôm xóm được cứng hóa.

+ Đến năm 2020: 100% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, tối thiểu 70% đường thôm xóm được cứng hóa.

- Đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Xác định được lộ giới và nhu cầu sử dụng đất để phát triển giao thông trong tương lai.

- Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường Giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì.

- Về vận tải: Tổ chức dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu vận tải của huyện và khu vực, các vùng phụ cận đảm bảo giao thông thông suốt, nhanh chóng và an toàn.

- Công nghiệp giao thông: Tập trung phát triển công nghiệp cơ khí, bảo dưỡng, sửa chữa các loại phương tiện vận tải thông dụng trên địa bàn huyện.

- Tổ chức các hoạt động của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác trong lĩnh vực GTVT; tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT, quản lý quy hoạch, chống lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ nhằm thực hiện tốt trật tự xã hội và an toàn giao thông.

5. Nội dung và quy mô quy hoạch

5.1 Quy hoạch đường bộ

5.1.1 Quy hoạch mạng lưới Quốc lộ, đường tỉnh và một số tuyến quan trọng, đoạn qua huyện Đô Lương (Theo Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 60/2009/QĐ-UBND ngày 30/6/2009).

a) Quy hoạch Quốc lộ:

(1) Quốc lộ 7

Điểm đầu Km24 +500 tại xã Hoà Sơn, điểm cuối Km 40+300 tại xã Nam Sơn, dài 15,8 km. Quy hoạch với quy mô 4 làn xe cơ giới, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị, đường gom qua khu đông dân cư. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp với quy mô đường cấp III đồng bằng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(2) Quốc lộ 46

Điểm đầu Km65 + 00 tại xã Thuận Sơn giáp Thanh Hưng - Thanh Chương, điểm cuối Km74 + 500 tại thị Trấn Đô Lương, dài 9,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp IV. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch.

(3) Quốc lộ 15

Điểm đầu Km273 +000 tại xã Giang Sơn Đông, điểm cuối Km319 + 000 tại xã Mỹ Sơn, dài 46,35 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp III. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch.

b) Quy hoạch đường tỉnh

(1) Đường tỉnh 533

Điểm đầu giao QL7 tại Km39 + 900 xã Nam Sơn, điểm cuối giáp xã Cát Văn huyện Thanh Chương, dài 3,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp IV. Giai đoạn 2011 - 2015 giữ nguyên hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp với quy mô như quy hoạch.

(2) Đường vào nhà máy xi măng Đô Lương

Điểm đầu giao QL7 tại Km28 + 700 xã Thịnh Sơn, điểm cuối Km5 + 500 nhà máy xi măng, dài 5,5 km. Hiện đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, tình trạng tốt. Giai đoạn 2011 - 2020 giữ nguyên như hiện trạng.

c) Tuyến đường quan trọng của tỉnh

(1) Đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương) - Tân Long (Tân Kỳ)

Điểm đầu nối với đường N5 khu công nghiệp Nam Cấm, điểm cuối xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, dài 57 km, đoạn qua huyện Đô Lương dài 25,5 km (trong đó trùng với đường vào Nhà máy xi măng Đô Lương 5,5 km). Quy hoạch với quy mô đường 4 làn xe. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng tuyến với quy mô đường cấp III. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư xây dựng đoạn đến Đô Lương theo quy hoạch.

(2) Đường Nghi Thái - Nghi Vạn - Đô Lương

Điểm đầu Nghi Thái, điểm cuối Đô Lương, dài 60 km. Đoạn qua huyện Đô Lương dài 15,5 km (trong đó trùng với đường Cổ Văn Truông Bồn (ĐH 8) 13 km). Quy hoạch đoạn qua huyện Đô Lương cấp V. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

5.1.2. Quy hoạch đường giao thông nông thôn

a) Quy hoạch đường huyện

Quy hoạch 31 tuyến, tổng chiều dài 235,7 km, theo thứ tự như sau:

(1) ĐH1. Tuyến Thịnh - Bài - Giang

Điểm đầu giao QL 7 tại Km30, xã Thịnh Sơn, điểm cuối giao QL 15 tại Km276 +070, xã Giang Sơn Đông, dài 16,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V đồng bằng. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(2) ĐH2. Tuyến Khuôn - Đại Sơn

Điểm đầu giao đường Thịnh - Bài - Giang (ĐH 1) tại Km3 +250 xã Thịnh Sơn, đi qua QL 7 tại Km28 +200 xã Hoà Sơn, điểm cuối giao ĐH8 tại Km6 +500, xã Đại Sơn, dài 18,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V đồng bằng. Giai đoạn 2010 - 2015: Giữ nguyên hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(3) ĐH3. Tuyến Ngọc - Lam - Bồi

Điểm đầu giao QL15 tại Km285 +350 xã Tràng Sơn, điểm cuối giáp xã Ngọc Sơn, huyện Anh Sơn, dài 8,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V đồng bằng. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(4) ĐH4. Tuyến dọc sông đào

Điểm đầu giao QL 15 tại Km287 +00 cầu Ba ra xã Tràng Sơn, điểm cuối xã Hoà Sơn, dài 11 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(5) ĐH5. Tuyến Yên - Đà

Điểm đầu giao QL 7 tại Km32 +200, xã Yên Sơn, điểm cuối giao QL 15 tại Km289 +135, xã Đà Sơn, dài 3 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch.

(6) ĐH6. Tuyến Quang - Nhân

Điểm đầu giao đường Khuôn - Đại Sơn (ĐH 2) tại Km6 +100, xã Quang Sơn, điểm cuối giao QL 15 tại Km313 +00, xã Nhân Sơn, dài 5,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(7) ĐH7. Tuyến Hiến - Mỹ - Nhân

Điểm đầu giao đường Khuôn - Đại Sơn (ĐH 2) tại Km11 +370, xã Hiến Sơn, điểm cuối giao đường Quang Nhân (ĐH 6) tại Km5 +100, xã Nhân Sơn, dài 7,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(8) ĐH8. Tuyến Cổ Văn - Truông Bồn

Điểm đầu giao QL 15 tại Km314 + 020, xã Nhân Sơn, điểm cuối xã Đại Sơn (giáp huyện Yên Thành), dài 13 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 -2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(9) ĐH 9. Tuyến Thượng Sơn - Mỹ Thành

Điểm đầu giao đường Khuôn - Đại Sơn (ĐH 2) tại Km7 +00, xã Thượng Sơn, điểm cuối xã Thượng Sơn giáp huyện Yên Thành, dài 4 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(10) ĐH10. Tuyến Văn - Bài

Điểm đầu giao QL 7 tại Km31 +800, xã Văn Sơn, điểm cuối giao đường Thịnh - Bài - Giang (ĐH 1) tại Km2 +500 xã Thịnh Sơn, dài 3 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(11) ĐH11. Tuyến thị trấn - Đông Sơn

Điểm đầu giao QL 15 tại Km288 +651, ngã tư thị trấn, điểm cuối giao đường Tràng - Minh (ĐH 16) tại Km3 +850, xã Đông Sơn, dài 2 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V, đoạn trong đô thị theo quy hoạch đường đô thị. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(12) ĐH12. Tuyến Nam - Bắc - Đặng

Điểm đầu giao QL 7 tại Km35 +700, xã Đặng Sơn, điểm cuối giao QL 7 tại Km 38+700, xã Nam Sơn, dài 7 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(13) ĐH13. Tuyến Tràng - Bài

Điểm đầu giao QL 15 tại Km287 +00, cầu Ba ra xã Tràng Sơn, điểm cuối giao đường Thịnh - Bài - Giang (ĐH 1) tại Km11 +300, xã Đông Sơn, dài 6 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(14) ĐH 14. Tuyến Lam - Giang Đông

Điểm đầu giao đường Ngọc - Lam - Bồi tại Km4 +320, xã Lam Sơn, cắt qua QL 15 tại Km275 + 500 xã Giang Sơn Đông, điểm cuối xã Giang Sơn Đông, giáp xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, dài 13,3 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(15) ĐH 15. Tuyến Bồi - Hồng

Điểm đầu giao đường Ngọc - Lam - Bồi (ĐH 3) tại Km2 +250, xã Bồi Sơn, điểm cuối giao đường Thịnh - Bài - Giang (ĐH 1) tại Km14 +300, xã Hồng Sơn, dài 8,5 km (trong đó có nhánh 2 từ nhà máy bột giấy Bồi Sơn đi ĐH 14 dài 1,5 km). Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(16) ĐH16. Tuyến Tràng - Minh

Điểm đầu xã Tràng Sơn, điểm cuối xã Minh Sơn, dài 17,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(17) ĐH 17. Tuyến Giang Sơn Đông - Lâm nghiệp - Tân Kỳ

Điểm đầu giao QL 15 tại Km275 +100, xã Giang Sơn Đông, điểm cuối giáp xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, dài 7 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(18) ĐH 18. Tuyến Minh Sơn - Thái Sơn

Điểm đầu giao đường Tràng Minh (ĐH 16) tại Km16 +00, xã Minh Sơn, điểm cuối giao đường Khuôn - Đại (ĐH 2) tại Km4 +446, xã Thái sơn, dài 3,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(19) ĐH 19. Tuyến Hiến Sơn - Đại Sơn

Điểm đầu giao đường Khuôn Đại Sơn (ĐH 2) tại Km10 +250, xã Hiến Sơn, điểm cuối giao đường Cổ Văn - Truông Bồn (ĐH 8) tại Km10 +370, xã Đại Sơn, dài 7 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(20) ĐH 20. Tuyến Tân - Xuân - Thuận

Điểm đầu giao đường Tràng - Minh (ĐH 16) tại Km13 +550, xã Tân Sơn, cắt qua QL 15 tại Km294 +500, xã Xuân Sơn, điểm cuối bến Ghềnh xã Thuận Sơn, dài 12,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(21) ĐH 21. Tuyến Tràng - Đông - Bài - Minh Thành

Điểm đầu giao đường Tràng - Minh (ĐH 16) tại Km3 +200, xã Đông Sơn, điểm cuối xã Bài Sơn, giáp xã Minh Thành, huyện Yên Thành, dài 8,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(22) ĐH 22. Tuyến Lưu Sơn - Cát Văn

Điểm đầu giao QL 7 tại Km35 +030, điểm cuối xã Lưu Sơn, giáp huyện Thanh Chương, dài 3 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(23) ĐH 23. Tuyến Dinh - Lạt, đoạn qua Đô Lương

Điểm đầu giáp xã Tây Thành, huyện Yên Thành, điểm cuối giao QL 15 tại xã Giang Sơn Đông, dài 4,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp IV. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(24) ĐH 24. Tuyến đường du lịch Giang Sơn

Điểm đầu giao với QL 15 tại Km273 +900, xã Giang Sơn Đông, điểm cuối hồ Mộ Dạ, xã Giang Sơn Tây, dài 6,4 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

* Quy hoạch 05 tuyến đường xã lên đường huyện

(25) ĐH 25. Tuyến ĐT533 - Hậu cứ Nam Sơn

Điểm đầu giao ĐT 533, điểm cuối hậu cứ huyện đội Đô Lương tại xã Nam Sơn, giáp xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, dài 5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(26) ĐH 26. Tuyến Hồng - Giang

Điểm đầu giao QL15 tại Km277 +150, xã Hồng Sơn, điểm cuối trụ sở mới xã Giang Sơn Tây, Km3+100 đường Giang Đông - Lâm nghiệp - Tân Kỳ (ĐH 17), dài 4,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(27) ĐH 27. Tuyến Trù - Mỹ

Điểm đầu giao đường Khuôn - Đại Sơn (ĐH 2) tại xã Trù Sơn, điểm cuối giao QL 15 tại Km317 +900, xã Mỹ Sơn, dài 6,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp theo quy hoạch.

(28) ĐH 28. Tuyến Tân Sơn - Thịnh Sơn

Điểm đầu giao đường Tràng - Minh (ĐH 16), gần Uỷ ban nhân dân xã Tân Sơn; điểm cuối giao QL 7 tại Km29 +150 (UBND xã Thịnh Sơn), dài 4 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên như hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

(29) ĐH 29. Tuyến Đại Sơn - Truông Băng

Điểm đầu xã Đại Sơn, giáp xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, điểm cuối giáp xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, dài 12 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Giữ nguyên hiện trạng. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

* Xây dựng mới 2 tuyến

(30) ĐH 30. Tuyến Quốc lộ 7 - Bắc Sơn

Điểm đầu giao QL7 tại Km36 +300, xã Đặng Sơn, qua cầu Chợ Trung (quy hoạch), điểm cuối giao đường Ngọc - Lam - Bồi (ĐH 3) tại Km5 +100, dài 3,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(31) ĐH 31. Tuyến thị trấn - Đà Sơn - Trung Sơn

Điểm đầu giao với đường đôi thị trấn, điểm cuối gặp Quốc lộ 46, giao tại ranh giới Đà Sơn và Trung Sơn, dài 3,5 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

b) Quy hoạch đường nội thị

Quy hoạch đường nội thị trấn Đô Lương theo quy hoạch chi tiết thị trấn Đô Lương đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2865/QĐ-UBND.CN ngày 22/6/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương.

c) Quy hoạch hệ thống đường chuyên dùng

Quy hoạch 3 tuyến, tổng chiều dài 9 km, theo thứ tự như sau:

(1) ĐCD 1. Đường vận chuyển nguyên liệu đất sét phục vụ Nhà máy xi măng Đô Lương

Điểm đầu từ mỏ sét Động Giang, điểm cuối tại nhà máy xi măng Đô Lương, dài 2,8 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(2) ĐCD 2. Đường vào nhà máy sắn Thanh Chương

Điểm đầu giao QL 15 tại Km315 +400; Điểm cuối giáp xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, dài 3,2 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp VI. Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

(3) ĐCD 3. Đường từ đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) - Tân Long (Tân Kỳ) - Khu công nghiệp Lạc Sơn

Điểm đầu giao đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương) - Tân Long (Tân Kỳ) tại ranh giới xã Tân Sơn và Thịnh Sơn, điểm cuối giao QL 15 tại khu công nghiệp xã Lạc Sơn, dài 3 km. Quy hoạch với quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư xây dựng với quy mô như quy hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020: Tăng cường công tác quản lý và bảo trì tuyến đường.

d) Quy hoạch hệ thống đường xã

- Toàn huyện có 176 tuyến, tổng chiều dài 325 km (Hiện trạng 188 tuyến, trừ đường nội thị và 5 tuyến quy hoạch lên đường huyện). Từ năm 2011 - 2020: Nâng cấp cải tạo và làm mới các tuyến đường xã theo tiêu chuẩn tối thiểu đạt đường cấp VI. Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa và bê tông xi măng hóa đến năm 2015 tối thiểu đạt 70%, đến năm 2020 đạt 100%.

- Mục tiêu thực hiện chương trình nông thôn mới huyện Đô Lương (Theo Quyết định số 3875/QĐ-UBND-NN ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020):

+ Đến hết năm 2011 hoàn thành quy hoạch nông thôn mới theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đến năm 2015: 20% số xã, tương đương 6 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới theo tiêu chí tại Quyết định số 491/QĐ-TTg.

+ Đến năm 2020: 50% số xã tương đương với 17 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới theo tiêu chí tại Quyết định số 491/QĐ-TTg.

Vì vậy, UBND huyện cần nghiên cứu lựa chọn các xã nông thôn mới để xác định quy hoạch, phân kỳ đầu tư cho hợp lý, tối thiểu đạt kế hoạch của tỉnh đề ra.

e) Quy hoạch hệ thống đường thôn, xóm

Toàn huyện có 904 tuyến, với tổng chiều dài là 898,4 km. Từ năm 2011 - 2020: Nâng cấp cải tạo và làm mới các tuyến đường thôn xóm đạt loại A trở lên. Tỷ lệ đường được cứng hóa đến năm 2015 tối thiểu đạt 50%, đến năm 2020 tối thiểu đạt 70%.

5.2. Quy hoạch đường sắt

Quy hoạch tuyến đường sắt từ Tân Kỳ, qua Đô Lương xuống ga Diễn Châu, điểm đầu từ Tân Long (Tân Kỳ), điểm cuối nối ga Diễn Châu, dài 74 km. Đoạn qua Đô Lương dài 20 km. Xây dựng ga đường sắt tại Đô Lương. Giai đoạn 2016 - 2020 tiến hành đầu tư xây dựng.

5.3. Quy hoạch đường thủy nội địa

a) Các tuyến đường thủy nội địa, bến khách ngang sông

- Tăng cường công tác quản lý các tuyến đường thủy nội địa do huyện quản lý, đầu tư kè chống xói lở bờ sông bảo vệ công trình giao thông, khu dân cư...

- Các bến khách ngang sông: Nâng cấp đảm bảo hoạt động an toàn. Đối với bến có kế hoạch xây dựng cầu, tiếp tục nâng cấp bến cho đến khi các cầu thay thế bến được xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

b) Cảng thuỷ nội địa

Xây dựng cảng hàng hoá Chợ Sỏi tại xã Lưu Sơn. Vị trí Km120 phía tả ngạn sông Lam. Quy mô cảng cấp IV. Năng lực xếp dỡ đạt 100.000 tấn/năm.

c) Xây dựng các cầu qua sông Lam

Xây dựng 3 cầu qua sông Lam, bao gồm 1 cầu treo và 2 cầu BTCT. Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng 1 cầu treo. Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng 2 cầu BTCT.

TT

Tên cầu

Địa điểm

Quy mô

Giai đoạn thực hiện

1

Cầu treo Bến Mượu

Bến Mượu, nối xã Bồi Sơn sang xã Bắc Sơn

Cầu treo, dài 290 m, B=2,6 m, Đoàn xe tải trọng 2,5 tấn xe trước cách xe sau 10m; hoặc người đi bộ 150 kg/m2

2011 - 2015

2

Cầu Chợ Trung

Bến đò chợ Trung, nối xã Bắc Sơn sang xã Ngọc Sơn

Cầu BTCT, dài 250 m, B=7 m, H30-XB80

2016 - 2020

3

Cầu Đò Cung

Xã Trung Sơn sang xã Cát Văn (Thanh Chương)

Cầu BTCT, dài 300 m, B=7 m, H30-XB80

2016 - 2020

5.4. Quy hoạch vận tải

a) Quy hoạch các tuyến vận tải

- Vận tải hành khách: Phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với địa hình, kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân. Mở rộng, nâng cao chất lượng các tuyến vận tải khách đường bộ theo tuyến cố định đến các tỉnh thành phố trong cả nước, đến các huyện trong tỉnh...

- Vận tải hàng hoá: Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho bốc xếp, vận chuyển, lưu kho để phục vụ cho vận tải hàng hoá.

b) Quy hoạch bến xe, bãi đậu xe

Quy hoạch 01 bến xe khách và 02 bãi đậu xe. Tổng quỹ đất 18.000 m2, cụ thể:

- Bến xe khách Yên Sơn, đã được đầu tư xây dựng với quy mô diện tích 6.000 m2, đạt tiêu chuẩn loại III.

- Bãi đậu xe Chợ Lường ở xã Tràng Sơn, quy mô 8.000 m2. Giai đoạn 2011- 2015 tiến hành đầu tư xây dựng như quy hoạch.

- Bãi đậu xe thị trấn, quy mô 4.000 m2. Giai đoạn 2011- 2015 tiến hành đầu tư xây dựng như quy hoạch.

5.5. Quy hoạch phát triển công nghiệp giao thông

Duy trì hỗ trợ các doanh nghiệp sửa chữa phương tiện ô tô, xe máy. Thu hút đầu tư xây dựng thêm các cơ sở sửa chữa phương tiện vận tải và các cơ sở dịch vụ như bán hàng, bảo trì,...

3.6. Tổng hợp vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư a) Tổng số: 4.422,12 tỷ đồng

Trong đó:

- Đường bộ: 4.137,52 tỷ đồng

- Đường sắt: 94 tỷ đồng

- Đường thủy nội địa: 190,6 tỷ đồng

b) Giai đoạn đầu tư

- Giai đoạn 2011 - 2015: 2.398,19 tỷ đồng

- Giai đoạn 2015 - 2020: 2.023,93 tỷ đồng

5.7. Tính toán diện tích sử dụng đất dành cho giao thông (giao thông tĩnh, động)

Đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho giao thông trên địa bàn toàn huyện là 1.808,67 ha (chiếm 5,15% diện tích tự nhiên của huyện).

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

6.1. Công tác quản lý Nhà nước

- Công bố quy hoạch, Quản lý quy hoạch, cắm mốc lộ giới:

+ UBND huyện công bố công khai sau khi có quyết định của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển giao thông vận tải huyện Đô Lương; xây dựng cơ chế, quy định phân công, phân cấp quản lý đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm, bản.

+ Tổ chức cắm mốc quy hoạch, lộ giới, hành lang bảo vệ công trình giao thông: đường bộ, đường sông... để quản lý, đảm bảo ATGT, để các tổ chức, đơn vị và nhân dân xây dựng các công trình đúng quy định quy hoạch không để lấn chiếm, vi phạm.

+ Các xã cần tổ chức giải toả hành lang ATGT đặc biệt là các nơi đường hiện nay quá hẹp để tránh sau này mở rộng phải giải tỏa nhiều, để nhân dân xây dựng ổn định.

- Quản lý về đầu tư xây dựng:

+ Nâng cao chất lượng thiết kế các dự án giao thông. Chú ý đảm bảo chất lượng công trình, tổ chức giao thông, hệ thống ATGT và môi trường.

+ Nâng cao năng lực các Ban quản lý dự án của huyện, xã. Phân cấp, xét duyệt quản lý dự án phù hợp với năng lực cán bộ.

+ Tăng cường công tác kiểm định chất lượng.

+ Với công trình nhà nước và nhân dân cùng làm phải đảm bảo thực hiện đúng quy định và công khai.

+ Nâng cao chất lượng các quá trình đầu tư từ lập dự án, TKKT, dự toán, đấu thầu, xây dựng, nghiệm thu, bảo hành.

- Quản lý sử dụng, bảo trì đường giao thông:

+ Tăng cường và nâng cao chất lượng việc duy tu sửa chữa thường xuyên, kịp thời.

+ Đối với các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh: UBND huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và thực hiện một cách nghiêm túc việc chấp hành bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

+ Đối với các đường huyện: Do UBND huyện quản lý và chịu trách nhiệm về khai thác và bảo trì. UBND huyện có trách nhiệm phổ biến tới từng xã trong huyện về tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và những quy định của pháp luật về vấn đề này, đồng thời xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

+ Đường xã: Do UBND xã quản lý và chịu trách nhiệm về khai thác và bảo trì. UBND xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân trong xã các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, song song với việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

+ Đường thôn, xóm: Do UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, UBND xã có thể phân công cho trưởng thôn, xóm hàng năm lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, thông qua hội nghị toàn dân, sau đó trình UBND xã quyết định.

6.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Đào tạo cán bộ giao thông huyện, xã đáp ứng được các yêu cầu quản lý giao thông, quản lý xây dựng.

- Bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn vào các lĩnh vực chuyên ngành.

- Có các chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ chuyên ngành giao thông vận tải về công tác tại địa phương.

6.3. Giải pháp về vốn

- Tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, hỗ trợ của tỉnh để có vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.

- Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài như vốn WB, ADB, ODA, JBIC, các tổ chức Quốc tế khác...

- Chú trọng việc lồng ghép các chương trình, dự án để phối hợp các nguồn vốn trong đầu tư xây dựng.

- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

- Huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng đường giao thông bằng nhiều hình thức: kinh phí, ngày công, vật liệu…

- Bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án.

6.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhằm thu hút tối đa nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông. Ban hành các quy chế, cơ chế nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, quản lý quy hoạch, kế hoạch, quản lý vốn đầu tư và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện về phương tiện, người điều khiển phương tiện... tham gia kinh doanh vận tải đường bộ. Có các cơ chế nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động ở các vùng khó khăn...

6.5. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Phổ biến và ứng dụng các giải pháp KHKT và công nghệ để áp dụng các tiến bộ KHKT vào xây dựng để giảm vốn đầu tư, tận dụng tối đa nguyên vật liệu và nhân lực tại chỗ của địa phương. Tuỳ thuộc đặc điểm từng vùng để lựa chọn kết cấu phù hợp; đường thôn xóm, đường vùng bị ngập nên dùng bê tông xi măng; đường huyện, đường trục chính trong xã, đường chuyên dùng, đoạn qua khu đông dân cư nên dùng đường nhựa hoặc bê tông xi măng.

- Áp dụng thiết kế mẫu với những công trình có địa chất ổn định, kết cấu đơn giản.

- Xây dựng các tuyến đường hoàn chỉnh về công trình, về hệ thống cọc tiêu, biển báo, hộ lan và các hệ thống ATGT.

6.6. Giải pháp về đảm bảo an toàn giao thông

- Hoàn thiện hệ thống văn bản, kiện toàn tổ chức quản lý an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

- Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

6.7. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, các quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng, khai thác các công trình giao thông và khai thác vận tải. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nâng cao chất lượng giám sát và quản lý bảo vệ môi trường. Thực hiện đánh giá tác động môi trường từ khâu lập dự án đầu tư. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư xây dựng công trình và các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

- Công trình giao thông và phương tiện hoạt động trên địa bàn huyện phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Giao chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông, chính quyền địa phương, cơ quan tư vấn và các cơ quan liên quan tổ chức cắm mốc thực địa, công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch & Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND huyện Đô Lương; Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Hồ Đức Phớc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5106/QĐ-UBND-CN năm 2011 phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020

  • Số hiệu: 5106/QĐ-UBND-CN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản