Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 510/2009/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 27 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên “Về thủ tục và công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh”.

Điều 2. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY ĐỊNH

VỀ THỦ TỤC VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 510/2009/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng trong công tác đối ngoại theo đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ta. Căn cứ Quyết định số 101/QĐ-TW ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; Pháp lệnh số 24/1999/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 4 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Nhập cảnh, Xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”; Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh “Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”; Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29 tháng 01 năm 2002 của Bộ Công an - Bộ Ngoại giao về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Thông tư số 02/2008/TT-BNG ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Ngoại giao về việc hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước và ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Thông tư số 27/TT-BCA(A11) ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Bộ Công an về việc hướng dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Nghị định số 67/CP ngày 31 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành “Quy chế hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam”; Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; Quy chế 03-QC/TU ngày 03 tháng 10 năm 2006 của Tỉnh ủy Phú Yên về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy khóa XIV; Nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên quy định về công tác xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh.

Điều 1. Quy định này quy định về thủ tục và công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nêu tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 trong Quy định này khi đến địa phương phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 3. Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp thì được xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực.

Chương II

ĐỐI VỚI CÁC ĐOÀN NHẬP CẢNH VÀO PHÚ YÊN

Điều 4. Đối với các đoàn nhập cảnh

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và để quản lý tốt công tác đối ngoại của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi tắt là cơ quan, doanh nghiệp) có nhu cầu mời các đoàn hoặc cá nhân đại diện (sau đây gọi chung là đoàn) ở ngoài nước đến Phú Yên để tham quan, tiếp thị thu hút đầu tư, thực hiện dự án, hướng dẫn kỹ thuật… (gọi tắt là làm việc) thì phải báo cáo xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh qua Phòng Ngoại vụ, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho phép thì cơ quan, doanh nghiệp gửi công văn đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an làm thủ tục cho đoàn nhập cảnh. Trong báo cáo nêu rõ về chương trình, nội dung làm việc, thời gian, địa điểm làm việc và nghỉ ngơi. Nếu các đoàn có nhu cầu giúp bố trí chỗ ở thì các cơ quan, doanh nghiệp phải bố trí ở các địa điểm khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường; vì nhu cầu công việc, nếu khách cần bố trí nghỉ ngơi gần công trình làm việc mà nơi đó cách xa trung tâm thành phố, thị trấn không có khách sạn, nhà nghỉ thì cơ quan, doanh nghiệp bố trí cho khách nghỉ ngơi ở khu tập thể hoặc Ban quản lý công trình nhưng phải ở phòng riêng đảm bảo an ninh; không được bố trí nghỉ ở nhà riêng của cá nhân; đồng thời báo cáo cho Phòng Quản lý Xuất - Nhập cảnh và Phòng Nghiệp vụ chuyên ngành Công an tỉnh (gọi tắt là Công an tỉnh).

2. Đối với đoàn đến làm việc đột xuất (không thuộc diện mời của cơ quan, doanh nghiệp), để đảm bảo công tác đối ngoại và thông lệ quốc tế thì cơ quan, doanh nghiệp tiếp khách bình thường, khi đoàn có nhu cầu làm việc thì phải nhanh chóng báo cáo xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung, đồng thời báo cáo cho Công an tỉnh.

3. Đối với các đoàn đến Phú Yên nhưng được các Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương giới thiệu về làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp thì báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh.

4. Trong thời gian đoàn đến làm việc, Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung, chương trình làm việc đã xin phép, nếu đoàn khách có đề nghị vượt ngoài chương trình, nội dung đã đăng ký mà những nội dung đó đã có kế hoạch, quy hoạch, quy định của tỉnh để thu hút đầu tư thì cơ quan, doanh nghiệp chủ động làm việc; ngoài ra phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết và đồng ý mới thực hiện; chịu trách nhiệm về hoạt động của đoàn trong thời gian làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp; giáo dục cán bộ nhân viên thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc quy chế quan hệ tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài; đảm bảo thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình tiếp xúc làm việc.

5. Khi kết thúc chương trình, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp phải báo cáo kết quả làm việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 5. Hội nghị, hội thảo quốc tế

1. Hội nghị, hội thảo quốc tế trong Quy định này là hội nghị, hội thảo do các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức hoặc đăng cai có sự tham gia hoặc tài trợ của nước ngoài; do các cơ quan, tổ chức nước ngoài tổ chức tại tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cho phép việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh trong phạm vi quyền hạn quản lý nhà nước của mình. Các cơ quan, doanh nghiệp khi có nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế thì làm tờ trình có xác nhận của ngành chủ quản, xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh qua Phòng Ngoại vụ. Trong tờ trình cần nêu rõ: mục đích, nội dung, địa điểm, thời gian, địa điểm tham quan, khảo sát (nếu có), kinh phí, số lượng người tham dự, địa điểm ăn nghỉ của người nước ngoài, người nước ngoài tham gia (họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu, cơ quan công tác…). Khi có ý kiến đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế thì các cơ quan, doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng như nội dung văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi hội nghị, hội thảo kết thúc.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp có báo cáo định kỳ (6 tháng 1 lần, vào ngày 20 tháng 6 và tháng 12) về hội nghị, hội thảo quốc tế của đơn vị mình về Ủy ban nhân dân tỉnh, để Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo về Chính phủ.

Điều 6. Đối với các đoàn phóng viên, báo chí, phát thanh truyền hình nước ngoài đến hoạt động tại Phú Yên

Các cơ quan, doanh nghiệp khi có nhu cầu tiếp và làm việc với các đoàn phóng viên, báo chí nước ngoài thì cần phải có văn bản xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh, hồ sơ cần có:

1. Văn bản xin phép tiếp và làm việc với phóng viên nước ngoài (nêu rõ nội dung, thời gian và địa điểm làm việc, nơi ăn nghỉ của khách, địa điểm đi tham quan hoặc quay phim, chụp ảnh (nếu có)).

2. Giấy phép hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài được Vụ Thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

3. Hộ chiếu, thị thực người nước ngoài (bản photo).

Chương III

ĐỐI VỚI ĐOÀN XUẤT CẢNH

Điều 7. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước

1. Các cơ quan, doanh nghiệp cử đoàn ra nước ngoài phải nhằm mục đích, yêu cầu nhiệm vụ cần thiết cho công tác của cơ quan, đồng thời phải lựa chọn cử những cán bộ đi công tác có trình độ năng lực, đủ tiêu chuẩn chính trị, chức danh được quy định theo yêu cầu để đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định cử ra nước ngoài công tác.

2. Những cán bộ, viên chức được các tổ chức nước ngoài mời đi dự hội thảo, tham quan, khảo sát… thì cơ quan, doanh nghiệp quản lý cán bộ, viên chức đó phải nghiên cứu cân nhắc, nếu thấy nhân sự hoặc nội dung công việc không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình thì có quyền từ chối.

3. Các cơ quan, doanh nghiệp cần giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ viên chức thuộc mình quản lý. Mọi cán bộ, viên chức khi có quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải báo cáo tổ chức quản lý mình.

Điều 8. Trách nhiệm của cán bộ, viên chức được cử ra nước ngoài

1. Cán bộ, viên chức được cử ra nước ngoài phải thực hiện nghiêm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng và Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về việc ra nước ngoài, quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài.

2. Cán bộ, viên chức được cử ra nước ngoài phải do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho phép và báo cho cơ quan Công an tỉnh, đồng thời được phổ biến những vấn đề cần thiết khi hoạt động ở nước ngoài.

3. Trong thời gian làm việc, công tác ở nước ngoài, nghiêm cấm cán bộ, công chức tiết lộ bí mật của nhà nước, bí mật nội bộ; chỉ được đi lại hoạt động theo chương trình, nội dung công việc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép trước khi đi, không được tự ý tách khỏi đoàn để giải quyết việc cá nhân.

4. Trưởng đoàn có trách nhiệm điều hành chỉ đạo quá trình hoạt động của đoàn theo đúng chương trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt. Quản lý và đôn đốc các thành viên của đoàn trong thời gian ở nước ngoài, tránh tình trạng để cho các thành viên trong đoàn đi lại tự do không xin phép. Khi bị đe doạ xâm hại đến tính mạng, tài liệu, tài sản của đoàn hoặc các thành viên trong đoàn thì phải kịp thời báo cáo ngay cho nhà chức trách của nước sở tại và cơ quan đại diện của nước ta ở đó để can thiệp.

5. Các đoàn sau khi đi công tác nước ngoài trở về, Trưởng đoàn báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động của đoàn trong thời gian ở nước ngoài, để Ủy ban nhân dân tỉnh nắm bắt được thông tin về nội dung hoạt động của đoàn, để có hướng chỉ đạo tốt công tác đối ngoại của tỉnh trong giai đoạn đến (nếu đoàn do Bộ, Ngành Trung ương tổ chức thì người đi nước ngoài tự báo cáo hoặc lấy báo cáo chung của đoàn gửi).

Điều 9. Quy trình thủ tục cử cán bộ đi công tác nước ngoài

Khi có thư mời, giấy triệu tập hội nghị, hội thảo hoặc có nhu cầu đi công tác theo yêu cầu của cơ quan đơn vị, thủ tục đi nước ngoài phải được tiến hành trình tự như sau:

1. Đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cán bộ cấp trưởng, cấp phó khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy:

Đơn vị làm tờ trình xin phép Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh (trong tờ trình nêu rõ: nội dung công tác, thời gian đi, kinh phí chuyến đi) chuyển đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy, khi Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến đồng ý thì chuyển đến Phòng Ngoại vụ - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Phòng Ngoại vụ làm quyết định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký (và công văn gửi Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh để xin cấp hộ chiếu công vụ và công hàm cho cán bộ, viên chức đi nước ngoài nếu chưa có hộ chiếu hoặc cần xin thị thực).

2. Đối với các trường hợp không thuộc diện nêu trên:

- Đơn vị làm tờ trình xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh có xác nhận của ngành chủ quản gửi đến Phòng Ngoại vụ - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh kèm theo thư mời và sơ yếu lý lịch (trong tờ trình nêu rõ: nội dung công tác, thời gian đi, kinh phí chuyến đi); sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, Phòng Ngoại vụ làm quyết định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký (và công văn gửi Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh để xin cấp hộ chiếu công vụ và công hàm cho cán bộ, viên chức đi nước ngoài nếu chưa có hộ chiếu hoặc cần xin thị thực).

- Đối với cán bộ, công chức đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài từ 01 tháng trở lên: đơn vị làm tờ trình xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh có xác nhận của ngành chủ quản gửi đến Phòng Ngoại vụ - Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh kèm theo thư mời và sơ yếu lý lịch (trong tờ trình nêu rõ: nội dung công tác, thời gian đi, kinh phí chuyến đi); ngoài ra cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Nội vụ về chuyên môn của cán bộ được cử đi học tập ở nước ngoài có phù hợp với nội dung, mục đích khóa học hay không; văn bản thẩm định của Sở Nội vụ gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến và ký quyết định cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài.

3. Đối với cán bộ, nhân viên đi nước ngoài về việc riêng:

Cán bộ thuộc cơ quan, địa phương nào ra quyết định bổ nhiệm, điều động thì Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan đó được phép quyết định cho phép đi nước ngoài về việc riêng. Khi có nhu cầu cho cán bộ đi nước ngoài về việc riêng, Thủ trưởng cơ quan được ủy quyền phải có văn bản thông báo, đồng thời thông báo mẫu chữ ký của Thủ trưởng và con dấu của cơ quan về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Phòng Ngoại vụ, Phòng Quản lý Xuất - Nhập cảnh (Công an tỉnh) để thuận lợi trong việc quản lý và giải quyết thủ tục hồ sơ.

Điều 10. Thời gian xét duyệt hồ sơ

Sau khi nhận được hồ sơ thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải khẩn trương thẩm tra xem xét về đối tượng, thủ tục để trả lời cho các cơ quan, doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Điều 11. Hồ sơ xin cấp hộ chiếu

1. Hộ chiếu ngoại giao, công vụ:

- Quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Văn bản của Ban Đối ngoại Trung ương thông báo cho Bộ Ngoại giao ý kiến đồng ý của Bộ Chính trị (đối với đồng chí giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương).

- Văn bản đồng ý của Văn phòng Chính phủ thông báo cho Bộ Ngoại giao ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ (đối với đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Đối với đoàn hoặc cá nhân đi có những hoạt động liên quan đến nội dung văn hóa, nghệ thuật, báo chí, phim ảnh thì cần có thêm công văn đồng ý về nguyên tắc cử đoàn đi của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Nếu đi nước ngoài mà nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực tôn giáo thì thực hiện theo Nghị định 26/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ.

- Đối với các cơ quan, tổ chức thuộc sự quản lý của Trung ương theo ngành dọc thì phải có văn bản đồng ý của cơ quan chủ quản cấp trên.

- Thư mời của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc của các Bộ, ngành Trung ương triệu tập đi công tác nước ngoài.

- Đơn xin cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ (theo mẫu của Bộ Ngoại giao) có dán ảnh 4x6cm (phong nền trắng theo tiêu chuẩn xuất cảnh) và 02 ảnh kèm theo, có xác nhận và đóng dấu giáp lai lên ảnh của cơ quan đang công tác (ảnh chụp thẳng, đầu để trần, không đeo kính và chụp không quá 01 năm).

2. Đối với hộ chiếu phổ thông:

Cán bộ, viên chức và cá nhân đến liên hệ với Phòng Quản lý Xuất - Nhập cảnh (Công an tỉnh) để được hướng dẫn thủ tục.

Điều 12. Về quản lý hộ chiếu

1. Hộ chiếu ngoại giao, công vụ: Ủy ban nhân dân tỉnh giao tổ chức của cơ quan quản lý cán bộ, viên chức quản lý hộ chiếu của cán bộ đơn vị mình.

2. Hộ chiếu phổ thông: giao cho cán bộ được cấp hộ chiếu tự quản lý hộ chiếu của mình. Tổ chức của cơ quan, đơn vị quản lý danh sách. Khi cán bộ có nhu cầu đi nước ngoài thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan chủ quản. Nếu cán bộ nào sai phạm thì bị xử lý theo đúng quy định của nhà nước.

Điều 13. Quy định này thay thế Quyết định số 2609/2004/QĐ-UB ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc ban hành Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên “về thủ tục và công tác quản lý Xuất cảnh, Nhập cảnh trên địa bàn tỉnh”. Các văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đúng với những nội dung trong bản Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp cần bổ sung, sửa đổi, thay thế thì báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 510/2009/QĐ-UBND quy định về thủ tục và công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 510/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Ngọc Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản