Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 505/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc;
- TTr Phan Thị Thắng;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KHTC (Locvt).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-BCT ngày 28 tháng 2 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Thực hiện Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Kế hoạch hành động nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xác định trong Chiến lược liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương để đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

2. Kế hoạch hành động là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Kế hoạch hành động là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược; đồng thời là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược trong trường hợp cần thiết.

II. YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung công việc, các nhiệm vụ dựa trên những yêu cầu cơ bản sau đây:

1. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm cũng như các mục tiêu Chiến lược đã đề ra:

1.1. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai; hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược và xây dựng các báo cáo định kỳ hàng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện.

1.2. Tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược; giám sát quá trình thực hiện; đánh giá mức độ và khả năng đạt được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và cuối thời kỳ của Chiến lược, đề xuất điều chỉnh mục tiêu phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.

2. Cụ thể hóa các yêu cầu tổ chức thực hiện Chiến lược; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp.

3. Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và của ngành Công Thương trong từng thời kỳ.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cục Công nghiệp phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Rà soát, quy hoạch hợp lý các ngành công nghiệp, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, có tiềm năng, thế mạnh để ưu tiên phát triển gắn liền với tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy hoạch phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ để tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Cục Công Thương địa phương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất thông qua Chương trình khuyến công quốc gia và các Chương trình, đề án có liên quan khác để góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và hoạt động kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

3. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Bố trí nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu như hạ tầng điện, chợ... để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

4. Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ

- Chú trọng hợp tác phát triển thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia); khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết để tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ và các thị trường mới, song song với bảo vệ sản xuất, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam và lợi ích của người tiêu dùng.

- Khẩn trương tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

5. Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

- Kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển các kênh phân phối và thương mại điện tử; phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới phù hợp đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

6. Văn phòng Bộ

Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp và thương mại cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

7. Vụ Kế hoạch - Tài chính

- Hàng năm bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế để thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

- Khẩn trương tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện; tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho ngành Công Thương; chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh:

- Có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu; tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành trong lĩnh vực phụ trách, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đơn vị được giao phụ trách.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương trước ngày 01 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ và gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chiến lược.

- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bên liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành các ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

3. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch hành động; Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Kế hoạch hành động này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 505/QĐ-BCT năm 2023 Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 505/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/02/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Hồng Diên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản