Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2010/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 23 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ về Chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc Ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 331/TTr-SNV, ngày 27 tháng 9 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND, Ngày 23 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Phần I

TÌNH HÌNH VÀ THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới Campuchia, đến nay Tây Ninh có 09 huyện, thị xã (05 huyện khu vực biên giới) có 95 xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Gồm 82 xã (trong đó 20 xã khu vực biên giới), 8 thị trấn, 5 phường và 495 ấp, khu phố (chia ra 440 ấp, 55 khu phố);

- Về cơ cấu chức vụ, chức danh cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ, gồm:

+ Cán bộ cấp xã: 11 chức vụ;

+ Công chức cấp xã: 07 chức danh;

+ Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 18 chức danh; ở ấp, khu phố: 03 chức danh;

+ Công an viên ở cấp xã; Công an viên ở ấp, khu phố;

+ Dân quân thường trực; ấp, khu Đội trưởng;

- Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố là 9.139 người, trong đó:

+ Cán bộ, công chức cấp xã: 2.305 người;

+ Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 2.023 người; ở ấp, khu phố: 1.485 người;

+ Công an viên ở cấp xã: 285 người;

+ Công an viên ở ấp, khu phố: 986 người;

+ Dân quân thường trực: 1.560 người;

+ Ấp, Khu Đội trưởng: 495 người.

 (Kèm biểu 01: Danh sách tên các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã)

II. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở CẤP XÃ (tính đến thời điểm 31/12/2009)

1. Về cơ cấu số lượng, chất lượng của cán bộ, công chức ở cấp xã

- Về cơ cấu số lượng: Tổng số là 1.812 người, trong đó: Cán bộ chuyên trách là 1.012 người, công chức cấp xã là 800 người; cán bộ chuyên trách, gồm: Bí thư Đảng ủy 94 người, Phó Bí thư Đảng ủy 83 người, Thường trực Đảng ủy 03 người, Chủ tịch HĐND 12 người, Phó Chủ tịch HĐND 93 người, Chủ tịch UBND 87 người, Phó Chủ tịch UBND 169 người, còn lại 471 người là Trưởng 05 đoàn thể xã; Công chức cấp xã, gồm: Trưởng Công an 83 người, Chỉ huy Trưởng quân sự 94 người, Văn phòng - Thống kê 171 người, Địa chính - Xây dựng 129 người, Tài chính - Kế toán 114 người, Tư pháp - Hộ tịch 116 người, Văn hóa - Xã hội 93 người;

- Về cơ cấu chất lượng:

+ Về độ tuổi: dưới 30 tuổi có 467 người, chiếm 25,77%, từ 31 - 55 tuổi có 1.273 người, chiếm 70,26%, từ 56 tuổi trở lên có 72 người, chiếm 3,97%;

+ Chưa tốt nghiệp văn hóa cấp III: 363 người, chiếm 20,03%;

+ Tốt nghiệp văn hóa cấp III: 1.449 người, chiếm 79,97%;

+ Chưa đạt chuẩn lý luận chính trị: 475 người, chiếm 26,21%;

+ Chưa đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ: 743 người, chiếm 41%;

+ Chưa đạt chuẩn quản lý nhà nước: 1.249 người, chiếm 68,93%;

- Ngoài ra, đa số cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo tin học căn bản (trình độ A), thực tế mỗi xã chỉ có một vài công chức biết sử dụng tin học thông thường, do bản thân tự học là chính;

- Riêng 20 xã khu vực biên giới giáp Campuchia với 397 cán bộ, công chức, trong những năm gần đây tỉnh mới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức xã biên giới. Do đó, đa số cán bộ, công chức các xã biên giới, còn hạn chế việc nói, viết chữ Khmer, hầu hết tự học hỏi đồng nghiệp, chấp vá, dẫn đến hạn chế trong quan hệ làm việc, khi cần thiết;

- Về chính trị: Đảng viên 1.223 người, chiếm 67,49%, còn lại không có đảng viên 589 người, chiếm 32,51%. Trong đó: Đảng ủy viên 681 người, chiếm 37,58%; Huyện, Thị ủy viên 78 người, chiếm 4,30%; tham gia HĐND cấp xã 820 người, cấp huyện 92 người, vừa cấp xã, cấp huyện, thị 60 người;

- Cán bộ chuyên trách: Thiếu chuẩn lý luận chính trị cần đào tạo, bồi dưỡng là 141 người, chiếm 13,93%; thiếu chuẩn quản lý hành chính nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng là 791 người, chiếm 78,16%; thiếu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cần đào tạo, bồi dưỡng là 632 người, chiếm 62,45% (đối với cán bộ cấp xã trước mắt đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước thay cho đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ);

- Công chức cấp xã: Thiếu chuẩn lý luận chính trị cần đào tạo, bồi dưỡng là 334 người, chiếm 41,75%; thiếu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cần đào tạo, bồi dưỡng là 108 người, chiếm 13,5%; thiếu chuẩn quản lý hành chính nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng là 606 người, chiếm 75,75%.

(Kèm biểu 02: Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã).

2. Về cơ cấu số lượng, chất lượng của cán bộ không chuyên trách ở cấp xã

- Số lượng: Tổng số là 5.751 người, trong đó: Cán bộ 05 đoàn thể là 651 người, cán bộ các ban Đảng là 362 người, cán bộ Hội Chữ thập đỏ là 95 người, cán bộ Hội Người cao tuổi là 95 người, Phó Trưởng Công an là 168 người, Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự là 147 người, cán bộ chuyên môn khác là 541 người, Bí thư Chi bộ ấp, khu phố là 486 người, Trưởng ấp, khu phố là 493 người, Phó trưởng ấp, khu phố là 493 người, Công an viên là 721 người, Dân quân thường trực là 1.499 người;

- Chất lượng:

+ Độ tuổi: Dưới 30 tuổi có 2.463 người chiếm 42,83%, từ 31 - 55 tuổi có 2.923 người chiếm 50,83%, trên 56 tuổi có 365 người chiếm 6,34%;

+ Chưa tốt nghiệp văn hóa cấp III: 3.461 người chiếm 60,18%;

+ Tốt nghiệp văn hóa cấp III: 2.290 người chiếm 39,82%;

+ Chưa đạt chuẩn lý luận chính trị: 3.691 người chiếm 64,18%;

+ Chưa đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ: 4.851 người chiếm 84,35%;

- Về chính trị: Đảng viên 2.378 người chiếm 41,35%, còn lại không có đảng viên 3.373 người chiếm 58,65%. Trong đó Đảng ủy viên xã là 166 người chiếm 2,89%; Huyện, Thị ủy viên 01 người chiếm 0,01%; tham gia HĐND cấp xã là 758 người, cấp huyện 03 người.

(Kèm biểu 03: Thực trạng đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã)

3. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cấp xã từ năm 2006-2010

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 03/5/2007 của Tỉnh ủy Tây Ninh về đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Trong những năm qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính quyền cơ sở đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là các chức danh chuyên môn. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng từ năm 2006 - 2010 đã tổ chức được 15 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, với 1.555 học viên tham dự.

4. Những mặt làm được, chưa làm được và nguyên nhân

a) Mặt làm được:

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND, ngày 20/12/2007 Ban hành Quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài (nay sửa đổi bổ sung thành Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND, ngày 15/01/2010). Đây là cơ sở pháp lý, để các ngành, các cấp chủ động tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức an tâm khi được cử đi học;

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn với tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã;

- Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp bước đầu đã quan tâm, thấy được trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, vì đây là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

b) Mặt chưa được:

- Qua phân tích thực trạng cơ cấu chất lượng, cho thấy một số cán bộ, công chức ở cấp xã vẫn còn thiếu tiêu chuẩn so với quy định, như kiến thức am hiểu pháp luật, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là xử lý công vụ, kỹ năng tham mưu quản lý, điều hành;

- Ý thức trách nhiệm, tự rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian qua chưa tốt.

c) Nguyên nhân:

- Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cấp xã thời gian qua chưa được thường xuyên, chặt chẽ, một số địa phương khi cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ, công chức. Hàng năm, các địa phương chưa chủ động đánh giá tiêu chuẩn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã, để làm cơ sở trong việc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng;

- Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo chưa được các ngành, các cấp quan tâm. Do đó, sau nhiều năm đào tạo nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức thiếu tiêu chuẩn;

- Nhiều địa phương không chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, công chức kế thừa, để luân phiên đi học, nhất là những cán bộ, công chức hoạt động thực tiễn tốt thì địa phương không bố trí cho đi học;

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực trạng những mặt được, chưa được và nguyên nhân của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cấp xã trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 như sau:

Phần II

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Mục tiêu chung

Xây dựng, chuẩn hóa và từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức và cố gắng phấn đấu những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn thiếu chuẩn được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định; 10% cán bộ, công chức ở cấp xã được đào tạo liên thông lên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 20% công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị;

- Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ chủ chốt ở cấp xã đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và 50% công chức ở cấp xã đạt trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ;

- Phấn đấu đến năm 2020, 50% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách các xã khu vực biên giới biết viết, nói tiếng Khmer.

Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn I (2011-2013) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

- Phấn đấu 50% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn thiếu tiêu chuẩn được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Ngoài ra, phấn đấu 10% công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị để làm nguồn cán bộ kế cận số cán bộ chủ chốt nghỉ việc, nghỉ hưu...;

- Phấn đấu 05% cán bộ, công chức ở cấp xã được đào tạo liên thông lên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Phấn đấu 25% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách các xã khu vực biên giới được đào tạo, bồi dưỡng biết viết, nói tiếng Khmer, để thuận lợi trong quan hệ công tác;

- Phấn đấu đào tạo một số con em cán bộ, diện chính sách, nghèo, dự nguồn cán bộ, công chức, sinh viên tình nguyện về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh, để thay thế số cán bộ, công chức cấp xã thiếu chuẩn và không có khả năng đào tạo.

b) Giai đoạn II (2013-2015) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

- Phấn đấu 100% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn thiếu tiêu chuẩn được tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Ngoài ra, phấn đấu 10% công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị để làm nguồn cán bộ kế cận số cán bộ chủ chốt nghỉ việc, nghỉ hưu...;

- Phấn đấu 05% cán bộ, công chức ở cấp xã được đào tạo liên thông lên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Phấn đấu 25% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách các xã khu vực biên giới được đào tạo, bồi dưỡng biết viết, nói tiếng Khmer để thuận lợi trong quan hệ công tác;

- Phấn đấu đào tạo một số con em cán bộ, diện chính sách, nghèo, dự nguồn cán bộ, công chức, sinh viên tình nguyện về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh để thay thế số cán bộ, công chức cấp xã thiếu chuẩn và không có khả năng đào tạo.

II. NỘI DUNG, ĐIỀU KIỆN, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

1. Nội dung

- Lý luận chính trị;

- Quản lý hành chính nhà nước;

- Chuyên môn nghiệp vụ như: Công an, Quân sự, Địa chính - Xây dựng, Tài chính - Kế toán, Pháp lý, Văn hóa - Xã hội, Lao động tiền lương, Văn thư lưu trữ…;

- Nghiệp vụ của các đoàn thể;

- Tin học;

- Ngoại ngữ: Chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức các xã khu vực biên giới và khuyến khích học các ngoại ngữ khác.

2. Điều kiện

Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc Ban hành Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cấp xã theo các điều kiện cơ bản sau:

- Đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia đào tạo trình độ trung cấp và tương đương trở lên về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ phải đảm bảo tuổi đào tạo theo quy định, đủ điều kiện về tiêu chuẩn văn hóa;

- Đối với cán bộ, công chức ở cấp xã tham gia đào tạo liên thông lên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải đảm bảo dưới 35 tuổi, đủ điều kiên về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định liên thông của ngành học;

- Đối với sinh viên tình nguyện, dự nguồn cán bộ, công chức và con em cán bộ nghèo, diện chính sách tham gia đào tạo các nội dung phải đảm bảo tuổi đào tạo theo quy định và đủ điều kiện về tiêu chuẩn văn hóa;

- Số cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, nếu tự ý bỏ việc hoặc nghỉ việc mà không được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho thôi việc thì chịu trách nhiệm bồi thường chi phí đã đào tạo theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức

Có 2 hình thức đào tạo, bồi dưỡng cơ bản là tập trung và tại chức (vừa học, vừa làm và theo cụm huyện).

III. NHU CẦU VÀ CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở CẤP XÃ

1. Giai đoạn I (2011-2013)

- Dự kiến số lượng đào tạo, bồi dưỡng là: 5.038 người, trong đó: Đào tạo là: 772 người, bồi dưỡng là: 4.266 người;

- Dự kiến số lớp đào tạo, bồi dưỡng là: 103 lớp, trong đó:

+ Đào tạo: 15 lớp, chia ra: 02 lớp đại học, 13 lớp trung cấp. Cụ thể:

∙ 01 đại học hành chính Nhà nước, 01 đại học pháp lý;

∙ 05 trung cấp lý luận chính trị; 03 trung cấp quản lý hành chính nhà nước; 02 trung cấp công an; 01 trung cấp quân sự; 01 trung cấp văn hóa xã hội; 01 trung cấp quản lý đất đai;

+ Bồi dưỡng: 85 lớp, chia ra: 14 lý luận chính trị, 18 quản lý hành chính nhà nước, 29 chuyên môn, nghiệp vụ, 14 tin học, 10 Khmer.

a) Cán bộ cấp xã: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.135 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 70 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 37 người;

+ Bồi dưỡng là 33 người (bồi dưỡng các chức danh của 05 đoàn thể xã).

- Về quản lý hành chính nhà nước: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 193 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 93 người;

+ Bồi dưỡng là 100 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo, bồi dưỡng là 307, trong đó:

+ Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 257 người, chia ra:

∙ Bồi dưỡng 174 người (bồi dưỡng các chức danh của 05 đoàn thể xã);

∙ Đào tạo trình độ trung cấp là 83 người;

+ Đào tạo liên thông lên trình độ đại học là 50 người;

- Về tin học: Bồi dưỡng là 456 người chưa biết sử dụng;

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ ở 20 xã biên giới là 109 người.

b) Công chức cấp xã: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.105 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: Đào tạo, bồi dưỡng là 247 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 112 người (chuẩn hóa 32 người, nguồn kế cận 80 người);

+ Bồi dưỡng là 135 người.

- Về quản lý hành chính nhà nước: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 303 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 48 người;

+ Bồi dưỡng là 255 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo là 94 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để chuẩn hóa là 54 người;

+ Đào tạo liên thông lên trình độ đại học là 40 người.

- Về tin học: Bồi dưỡng là 235 người chưa biết sử dụng.

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ ở 20 xã biên giới là 90 người.

c) Những người hoạt động không chuyên trách: Đào tạo, bồi dưỡng là 2.933 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: Đào tạo, bồi dưỡng là 635 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để làm nguồn là 75 người;

+ Bồi dưỡng là 560 người.

- Về quản lý hành chính nhà nước: Bồi dưỡng là 541 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.452 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để làm nguồn là 180 người;

+ Bồi dưỡng là 1.272 người.

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu bồi dưỡng số cán bộ ở 20 xã biên giới là 306 người.

2. Giai đoạn II (2013-2015)

- Dự kiến số lượng đào tạo, bồi dưỡng là: 5.037 người, trong đó: Đào tạo là: 771 người, bồi dưỡng là: 4.266 người;

- Dự kiến số lớp đào tạo, bồi dưỡng là: 103 lớp, trong đó:

+ Đào tạo: 15 lớp, chia ra: 02 đại học, 13 trung cấp. Cụ thể:

∙ 01 đại học hành chính nhà nước, 01 đại học pháp lý;

∙ 04 trung cấp lý luận chính trị, 03 trung cấp quản lý hành chính nhà nước, 02 trung cấp công an, 02 trung cấp quân sự, 01 trung cấp văn hóa xã hội, 01 trung cấp quản lý đất đai;

+ Bồi dưỡng: 85 lớp, chia ra: 14 lý luận chính trị, 18 quản lý hành chính nhà nước, 29 chuyên môn, nghiệp vụ, 14 tin học, 10 Khmer.

a) Cán bộ cấp xã: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.134 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 70 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 37 người;

+ Bồi dưỡng là 33 người (bồi dưỡng các chức danh của 05 đoàn thể xã).

- Về quản lý hành chính nhà nước: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 192 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 93 người;

+ Bồi dưỡng là 99 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo, bồi dưỡng là 307, trong đó:

+ Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 257 người, chia ra:

∙ Bồi dưỡng 174 người (bồi dưỡng các chức danh của 05 đoàn thể xã);

∙ Đào tạo trình độ trung cấp là 83 người;

+ Đào tạo liên thông lên trình độ đại học là 50 người.

- Về tin học: Bồi dưỡng là 456 người chưa biết sử dụng.

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ ở 20 xã biên giới là 109 người.

b) Công chức cấp xã: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.104 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: Đào tạo, bồi dưỡng là 247 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 111 người (chuẩn hóa 31 người, nguồn kế cận 80 người);

+ Bồi dưỡng là 136 người.

- Về quản lý hành chính nhà nước: Đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa là 303 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp là 48 người.

+ Bồi dưỡng là 255 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo, bồi dưỡng là 94 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để chuẩn hóa là 54 người;

+ Đào tạo liên thông lên trình độ đại học là 40 người;

- Về tin học: Bồi dưỡng là 235 người chưa biết sử dụng;

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ ở 20 xã biên giới là 90 người.

c) Những người hoạt động không chuyên trách: Đào tạo, bồi dưỡng là 2.933 người, trong đó:

- Về lý luận chính trị: đào tạo, bồi dưỡng là 635 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để làm nguồn là 75 người;

+ Bồi dưỡng là 560 người.

- Về quản lý hành chính nhà nước: Bồi dưỡng là 541 người.

- Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đào tạo, bồi dưỡng là 1.452 người, chia ra:

+ Đào tạo trình độ trung cấp để làm nguồn là 180 người;

+ Bồi dưỡng là 1.272 người.

- Về ngoại ngữ (Khmer): Chủ yếu bồi dưỡng số cán bộ ở 20 xã biên giới là 306 người.

(Kèm biểu 04 và biểu 05: Nhu cầu và chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

giai đoạn I và II: 2011 - 2015)

IV. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở CẤP XÃ ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng chung

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Do đó, định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đến năm 2020 chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã đủ tiêu chuẩn theo quy định, xác định cấp xã là nền tảng vững chắc cho hệ thống hoạt động của bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện;

Đến năm 2020, trình độ, năng lực cán bộ chủ chốt ở cấp xã phải tương đương với cán bộ chủ chốt các phòng, ban cấp huyện. Công chức ở cấp xã phải là những công chức hành chính chuyên nghiệp theo hướng nâng cao, chuyên sâu, được trang bị kiến thức về quản lý hành chính nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức văn hóa, văn minh công sở, về đạo đức, tác phong cán bộ, công chức, thực sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

2. Mục tiêu đến năm 2020

- Phấn đấu 100% các chức danh chủ chốt ở cấp xã phải đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học, lý luận chính trị cao cấp, ngoại ngữ và tin học đủ chuẩn theo quy định. Đặc biệt 100% cán bộ chủ chốt ở các xã biên giới biết viết, nói tiếng Khmer, để thuận lợi trong quan hệ công tác;

- Phấn đấu 100% các chức danh công chức ở cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ và tin học đủ chuẩn theo quy định, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, tác phong văn hóa công sở, làm việc chuyên nghiệp và chuyên môn sâu, coi trọng tiêu chuẩn đạo đức để trực tiếp tiếp xúc và giải quyết yêu cầu hành chính của công dân… đặc biệt 100% công chức ở các xã biên giới biết viết, nói tiếng Khmer, để thuận lợi trong quan hệ công tác;

- Phấn đấu 100% những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ và được bồi dưỡng tin học.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để đảm bảo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được thực hiện tốt, hàng năm, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần tổ chức thực hiện các nội dung sau:

- Giao UBND các huyện, thị xã:

+ Sắp xếp ổn định cán bộ, công chức ở cấp xã ít nhất 01 nhiệm kỳ, để thực hiện công tác quy hoạch gắn với công tác đào tạo lâu dài. Trước mắt, rà soát số cán bộ, công chức thiếu tiêu chuẩn nhưng còn trẻ và số cán bộ, công chức dự nguồn để đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn;

+ Căn cứ vào kế hoạch này của UBND tỉnh và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của từng địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của huyện, thị mình quản lý và gửi kế hoạch về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) tổng hợp;

+ Hàng năm, có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ sơ cấp và tương đương về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố tại các Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng của huyện, thị xã;

+ Hàng năm, vào cuối tháng 6 UBND các huyện, thị xã gửi kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của năm về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước … về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) tổng hợp, giúp UBND tỉnh lập kế hoạch, dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

- Các ngành, cơ sở đào tạo nghiên cứu biên soạn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố;

- Giao Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm để phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Sở Nội vụ tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch và theo dõi, kiểm tra, giúp UBND tỉnh sơ kết, tổng kết hàng năm việc thực hiện kế hoạch này.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện: 13 tỷ đồng, trong đó: Đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã là 07 tỷ; đào tạo, bồi dưỡng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố là 06 tỷ.

Nguồn kinh phí thực hiện: Cán bộ, công chức ở cấp xã thực hiện từ nguồn kinh phí của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu phố thực hiện từ nguồn kinh phí của tỉnh cấp hàng năm.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc vấn đề gì, đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phản ánh đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để kịp thời giải quyết./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 50/2010/QĐ-UBND về Chỉ tiêu cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã giai đoạn 2011–2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 50/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/11/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Võ Hùng Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản