Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 50/1999/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 1999 - 2000

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 01/LĐTBXH-TCDN ngày 02 tháng 01 năm 1999 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 (kèm theo Quyết định này) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Kế hoạch: Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000.

2. Cơ quan quản lý Kế hoạch: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Mục tiêu của Kế hoạch:

Năm 1999 đào tạo nghề cho 670.000 người, trong đó 120.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 550.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.

Năm 2000 đào tạo nghề cho 780.000 người, trong đó 150.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 630.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 13,4% để thực hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22% vào cuối năm 2000.

4. Một số quan điểm chỉ đạo phát triển đào tạo nghề:

Đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực và gắn với giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động.

Có chính sách và cơ chế đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề để phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo nghề, mở rộng và đa dạng hoá các loại hình dạy nghề ngắn hạn (nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm) và đào tạo nghề dài hạn (nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động).

Nhà nước quản lý thống nhất về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo nghề, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các Trường và Trung tâm dạy nghề.

Ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư có trọng điểm để hình thành những cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.

5. Nhiệm vụ đào tạo nghề giai đoạn 1999-2000:

a) Quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương.

b) Củng cố và phát triển các trường dạy nghề trọng điểm, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nghề ngắn hạn.

c) Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy nghề.

d) Đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động; từng bước đào tạo nghề phổ cập cho người lao động, trong đó ưu tiên đào tạo, phổ cập nghề cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá nông thôn và đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.

đ) Hoàn thiện các chính sách cơ bản:

- Chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân

- Chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề.

- Chính sách đối với cán bộ, giáo viên dạy nghề.

- Chính sách đối với học sinh học nghề.

- Chính sách sử dụng những người có trình độ nghề cao.

e) Tăng ngân sách cho đào tạo nghề và đổi mới cơ chế cấp phát, quản lý và sử dụng ngân sách cho đào tạo nghề.

g) Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nghề.

6. Kinh phí của Kế hoạch:

a) Nguồn kinh phí đầu tư:

- Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).

- Nguồn đóng góp của học viên.

- Nguồn vốn viện trợ và tín dụng.

- Các nguồn vốn khác.

b) Kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch sẽ được cụ thể hoá và bố trí cho từng nội dung hoạt động của Kế hoạch.

Điều 2. Giao cho các cơ quan sau đây quản lý và thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định hiện hành về kế hoạch hoá.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm đủ và kịp thời ngân sách Nhà nước để thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; cấp ngân sách cho các ngành, các địa phương và hướng dẫn cơ quan tài chính cấp phát kinh phí theo chỉ tiêu đến từng cơ sở dạy nghề theo chỉ tiêu kế hoạch đã được sự thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ quyết định về chính sách phân luồng vào các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; phân luồng vào các trường dạy nghề, các trường trung học chuyên nghiệp và các trường cao đẳng, đại học đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 của ngành, địa phương mình; báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000.

6. Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí của người thợ và của công tác đào tạo nghề đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các đoàn thể quần chúng về việc các đoàn thể quần chúng tham gia thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999 - 2000 trong phạm vi hoạt động của đoàn thể mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 1999 - 2000
(Kèm theo Quyết định số 50/1999/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ

NĂM 1999

Phần 1

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ

I- KẾT QUẢ:

Kể từ khi thành lập và sau 10 năm đổi mới (1987-1996), đến nay công tác Dạy nghề đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực cung cấp cho các ngành kinh tế, các địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc,

- Đã hình thành hệ thống các cơ sở dạy nghề đa dạng rộng khắp đất nước bao gồm:

129 trường dạy nghề chính quy của các Bộ, ngành, địa phương và các Tổng công ty Nhà nước.

Trường, lớp dạy nghề của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, liên doanh với nước ngoài, các làng nghề, phố nghề.

125 trung tâm dịch vụ việc làm nằm trong hệ thống quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

86 Trung tâm dạy nghề (TTDN) Quận, Huyện, Thị xã

320 Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp.

Nhiều trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp có đào tạo nghề công nhân, đặc biệt có hàng chục trường Trung học kỹ thuật và chuyên nghiệp nhưng chủ yếu là đào tạo nghề công nhân.

- Hàng năm toàn bộ hệ thống đã đào tạo nghề cho khoảng 500.000 người.

- Việc thực hiện chủ trương xã hội hoá, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đã làm tăng quy mô đào tạo, trong đó dạy nghề ngắn hạn đã phát triển mạnh tạo cơ hội cho người lao động có việc làm.

- Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...) bước đầu được cải thiện.

II- TỒN TẠI:

Cùng với những kết quả đã đạt được nói trên, trong thời gian qua công tác Dạy nghề cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém và nổi cộm những vấn đề sau:

- Chưa hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống luật pháp và chính sách về đào tạo và phát triển nghề.

- Sự bất cập về nguồn lực là một trong những yếu tố làm cho quy mô nhỏ bé, chương trình đào tạo nghề chậm đổi mới, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy thiếu và lạc hậu.

- Đào tạo nghề chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, với chiến lược kinh tế vùng, chưa gắn với sản xuất và thị trường sức lao động.

- Đào tạo công nhân kỹ thuật (CNKT), nhân viên nghiệp vụ (NVNV) giảm sút và đang có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng khi bước vào CNH, HĐH đất nước. Từ năm 1977 đến 1997 số trường đào tạo nghề giảm từ 366 trường xuống còn 174 trường (giảm 52%) và quy mô đào tạo giảm từ 25 vạn xuống còn 10 vạn (giảm 60%). Đến ngày 30/6/1998 số trường đào tạo nghề chỉ còn lại 129 trường, giảm 45 trường so với đầu năm 1997. Hiện nay còn có 15 tỉnh không có trường dạy nghề, kể cả trường của Trung ương và địa phương. Số lượng và qui mô các trường còn nhỏ nhưng lại chồng chéo, phân bố không hợp lý về địa bàn và về cơ cấu ngành nghề.

- Tổ chức quản lý Nhà nước về dạy nghề còn bất cập với nhiệm vụ được giao.

- Hệ thống các trường, lớp, cơ sở đào tạo nghề đa dạng, đa cấp, đan xen do đó khó khăn trong việc quản lý.

- Hệ thống dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng, đa dạng phong phú về ngành nghề của thị trường lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa có trường đào tạo các nghề công nghệ cao, thiếu các trường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề ngắn hạn chưa được kiểm soát về nội dung, chương trình và chất lượng đào tạo.

Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ 2 - khoá VIII đã đánh giá: "Giáo dục chuyên nghiệp nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật có lúc suy giảm mạnh, mất cân đối lớn về cơ cấu trình độ trong đội ngũ lao động ở nhiều ngành sản xuất. Quy mô đào tạo hiện nay quá nhỏ bé, trình độ thiết bị lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đạị hoá."

III- NGUYÊN NHÂN:

1/ Hệ thống các trường dạy nghề và cơ sở dạy nghề chưa được quy hoạch phát triển phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội: chưa có các trường đào tạo nghề chất lượng cao; nhiều trường dạy nghề đã chuyển thành trường Trung học chuyên nghiệp mà chủ yếu vẫn đào tạo nghề; các trường dạy nghề phân bố không hợp lý trên các vùng lãnh thổ (nhiều tỉnh không có một trường dạy nghề nào); ngành nghề đào tạo của các trường vừa thiếu, vừa thừa (nhiều trường cùng đào tạo một số nghề và ở trên cùng một địa bàn; có những nghề chưa có trường nào đào tạo); các cơ sở dạy nghề ngắn hạn chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã còn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hầu như không có cơ sở dạy nghề.

2/ Chính sách đối với các cơ sở dạy nghề, người dạy nghề, người học nghề và đặc biệt là chính sách đối với những người có bằng nghề, chứng chỉ nghề chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để thu hút và khuyến khích mọi người dạy nghề và học nghề.

3/ Cơ cấu đào tạo bất hợp lý, tỷ trọng dành cho đào tạo nghề quá thấp. Ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề giảm mạnh: Tỷ lệ ngân sách chi cho đào tạo nghề trong tổng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đào tạo vừa thấp lại vừa có xu hướng giảm. (năm 1991 là 8,7%, năm 1996 là 4%). Việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề và cấp phát ngân sách đào tạo nghề được thực hiện theo cơ chế phân bổ cho các Bộ, Ngành, địa phương theo kế hoạch tổng hợp mà không cụ thể chỉ tiêu, ngân sách đào tạo nghề cấp cho từng cơ sở dạy nghề và không xác định số lượng chỉ tiêu đào tạo của từng nghề. Cơ chế phân bổ ngân sách về đào tạo nghề đó đã làm khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, tạo "khe hở" cho việc sử dụng ngân sách chi cho đào tạo nghề vào mục đích khác và làm cho hiệu quả sử dụng ngân sách chi cho đào tạo nghề thấp.

4/ Buông lỏng quản lý Nhà nước về Đào tạo nghề

Từ năm 1987 đến 1997 công tác quản lý đào tạo nghề không được quan tâm đúng mức và bị thu hẹp dần, điều hành ở cấp Trung ương phân tán, gặp nhiều khó khăn, hiệu lực giảm, theo đó cơ quan quản lý về đào tạo nghề ở các Bộ, ngành và đặc biệt ở các địa phương co hẹp dần có nơi chỉ còn một, hai người, theo dõi công tác này.....

Tình trạng buông lỏng trong chỉ đạo thực hiện phát triển đào tạo nghề cũng như quản lý Nhà nước về đào tạo nghề diễn ra ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

5/ Các ngành, các cấp chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của đào tạo nghề trong sự phát triển kinh tế xã hội vì vậy chưa có sự quan tâm đúng mức. Do địa vị xã hội của người công nhân bị coi nhẹ, lương bổng thấp và trong khi xã hội còn coi trọng về khoa cử, bằng cấp, nên đại đa số thanh niên đến tuổi lao động muốn vào đại học, không muốn học nghề.

Ngoài các nguyên nhân chủ quan nêu trên còn có nguyên nhân khách quan sau:

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ở Châu á và các tác động mặt trái của cơ chế thị trường, làm cho sản xuất gặp khó khăn, nhiều ngành nghề phải thu hẹp qui mô, một số xí nghiệp phải giải thể hoặc chuyển đổi mục tiêu, lại chưa có hệ thống thông tin về thị trường sức lao động, nên học sinh tốt nghiệp nghề khó tìm việc làm, làm cho đào tạo nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phần 2

I- MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGHỀ ĐẾN NĂM 2000 VÀ 2010:

1/ Phải thực sự coi đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực đồng thời coi đào tạo nghề cũng là bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đào tạo nghề phải được tăng nhanh về cả quy mô, chất lượng, hiệu quả và tạo ra cơ cấu lao động hợp lý hơn cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển đào tạo nghề phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, gắn với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, vùng dân cư, với từng địa phương, gắn với thị trường sức lao động theo quan hệ cung - cầu trong nước và quốc tế.

Song song với việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động công nghiệp và dịch vụ, phải coi trọng và tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà chủ yếu là đào tạo ngắn hạn các nghề trồng trọt; chăn nuôi; nuôi trồng đánh bắt thuỷ, hải sản; sơ chế, chế biến và bảo quản nông, lâm, ngư sản và các nghề truyền thống.

2/ Thực hiện xã hội hoá đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo nghề. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, các loại hình trường lớp. Người học nghề và người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng góp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

3/ Nhà nước thống nhất quản lý về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo nghề, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống trường và TTDN; cấp phát bằng, chứng chỉ; định hướng và hướng dẫn đối với các cơ sở dạy nghề quy mô nhỏ.

4/ Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động chưa có việc làm, tạo việc làm mới cho những người lao động mất việc làm trong quá trình sắp xếp lại lao động và cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước.

5/ Bên cạnh việc thực hiện công bằng xã hội trong đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho đông đảo người lao động cần đầu tư có trọng điểm để tạo nên một bộ phận đào tạo nghề chất lượng cao làm chuẩn mực và để đào tạo đội ngũ CNKT, NVNV có khả năng tham gia cạnh tranh trong thị trường sức lao động trong nước và quốc tế.

6/ Nhà nước và địa phương các cấp tăng ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề, đồng thời có chính sách, cơ chế hợp lý, đẩy mạnh xã hội hoá để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước. Nguồn ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cho các cơ sở đào tạo CNKT, NVNV và cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

II- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:

Từ nay đến năm 2000 đào tạo nghề phải phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng theo hai hướng:

1/ Đào tạo nghề dài hạn.

Đào tạo nghề dài hạn (bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo lại) để có một đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề, đủ khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Theo hướng này sẽ củng cố, nâng cấp các trường hiện có thuộc các ngành, các địa phương để hình thành 15 trường trọng điểm ở các vùng kinh tế bằng vốn vay ADB; hỗ trợ cho các tỉnh chưa có trường dạy nghề mở trường dạy nghề mới hoặc nâng cấp TTDN thành trường dạy nghề; hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường dạy nghề hiện có kể cả các trường dạy nghề thuộc các Tổng Công ty nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ thuật cho các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.

2/ Đào tạo nghề ngắn hạn.

Mở rộng và đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề ngắn hạn (dạy nghề tổ chức theo lớp học - vừa học lý thuyết vừa thực hành; dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng hoặc tại nơi sản xuất - chủ yếu rèn luyện kỹ năng thực hành nghề; chuyển giao công nghệ - truyền lại cho người học nghề những công nghệ mới, bí quyết công nghệ được sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh) nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Theo hướng này có các hình thức đào tạo sau:

- Đào tạo nghề dịch vụ, nghề chế biến nông - lâm - hải sản tại các TTDN ở các quận, huyện.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: các nghề trồng trọt (trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực, thực phẩm, trồng rừng); nghề nuôi gia cầm, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản do hệ thống các Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm (thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Trung tâm khuyến ngư (thuộc ngành hải sản) và các Trung tâm đào tạo của Hội người làm vườn Việt Nam (VACVINA) thực hiện và chủ yếu theo hình thức đào tạo lưu động đến tận xã, thôn, bản làng.

- Đào tạo các nghề truyền thống tại các làng nghề, kết hợp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ nâng cấp 18 TTDN bằng nguồn viện trợ của Thuỵ Sĩ; phấn đấu tăng số TTDN ở các quận, huyện. Hỗ trợ các Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, các Trung tâm khuyến ngư, và các Trung tâm đào tạo VACVINA trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tại các địa bàn trọng điểm (Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu long, các tỉnh ven biển, các tỉnh miền núi). Trong 2 năm tới, hỗ trợ cho khoảng 10 làng nghề truyền thống (Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tây, Huế...) phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

III- NHIỆM VỤ VÀ MỤC TIÊU:

1/ Nhiệm vụ:

Trong giai đoạn 1998-2000 công tác đào tạo nghề có nhiệm vụ:

Quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương, từng vùng kinh tế của cả nước. Tăng cường đầu tư, củng cố và phát triển các trường dạy nghề, xây dựng 15 trường dạy nghề trọng điểm, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nghề ngắn hạn. Tăng số TTDN ở các quận, huyện bằng 30% tổng số quận, huyện. Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy nghề. Đào tạo công nhân lành nghề đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động. Từng bước đào tạo phổ cập nghề cho mọi người lao động trong đó ưu tiên đào tạo, phổ cập nghề cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy việc chuyển cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá nông thôn và đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.

2/ Mục tiêu.

a. Mục tiêu lâu dài:

Đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động, đào tạo phổ cập nghề cho người lao động.

b. Mục tiêu cụ thể đến năm 2000.

Năm 1999 đào tạo nghề cho 670.000 người, trong đó 120.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 550.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.

Năm 2000 đào tạo nghề cho 780.000 người, trong đó 150.000 người được đào tạo nghề dài hạn và 630.000 người được đào tạo nghề ngắn hạn.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề1 đạt 13,4% để thực hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo2 đạt 22% vào cuối năm 2000.

IV- KẾ HOẠCH VÀ DỰ BÁO

Chỉ tiêu/Năm

1997

1998

1999

2000

Tổng dân số (triệu người)

76,7 *

78,1

79,5

81,0

Tổng số lao động đang làm việc

36,99 *

38,0

39,0

40,0

Số lao động được qua đào tạo nghề trong năm

- Trong đó:

- Có bằng

- Có chứng chỉ

400.000 **

50.000 **

350.000 **

546.000

96.000

450.000

670.000

120.000

550.000

780.000

150.000

630.000

Tổng số lao động đã qua đào tạo nghề

3.400.000 **

3.946.000

4.607.000

5.386.000

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

16% ***

17,8 % ***

19-20%-

22%

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

9%

10,4%

11,8%

13,4%

Nguồn: * Số liệu của Tổng cục thống kê

** Số liệu của Bộ GD-ĐT

*** Số liệu của Bộ KH-ĐT

Phần 3

NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG YẾU

Để thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo nghề vào năm 2000 đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ những giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã đề ra trong đó cần tập trung thực hiện vào các giải pháp trọng yếu sau:

I- QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ:

- Từ nay đến hết tháng 3 năm 1999 các Bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch hệ thống các cơ sở dạy nghề. Quy hoạch hệ thống các cơ sở dạy nghề của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, của các Bộ, ngành do thủ trưởng Bộ, ngành duyệt sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Trên cơ sở quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở đào tạo nghề trong toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Những nội dung chính khi xây dựng dự án quy hoạch:

1/ Đối tượng quy hoạch:

Bao gồm tất cả các cơ sở dạy nghề, kể cả các trường nghề chính quy và các cơ sở dạy nghề dài hạn, ngắn hạn (bao gồm công lập và ngoài công lập).

2/ Những nội dung cơ bản:

2.1. Điều tra, khảo sát đánh giá về nguồn nhân lực và thị trường sức lao động của địa phương, ngành.

2.2. Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và ngành để xác định nhu cầu nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo.

2.3. Điều tra đánh giá năng lực các cơ sở đào tạo nghề hiện có:

- Số cơ sở dạy nghề hiện có (Đối với địa phương tính tất cả các cơ sở dạy nghề hoạt động trên địa bàn lãnh thổ).

- Cơ sở vật chất kỹ thuật; số lượng, chất lượng giáo viên.

- Các ngành nghề đào tạo; quy mô đào tạo.

- Các hình thức đào tạo.

2.4. Tiến hành quy hoạch sắp xếp lại màng lưới các cơ sở đào tạo, các loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề.

Trong quá trình quy hoạch cần lưu ý các vấn đề sau:

2.4.1. Quy hoạch sắp xếp lại các trường đào tạo giáo viên dạy nghề:

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trường sư phạm kỹ thuật (SPKT) Nam Định và Trường SPKT Vinh để tăng quy mô đào tạo và nâng cấp 2 trường này thành 2 trường Cao đẳng SPKT.

- Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ đề án chuyển Trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật I Hưng Yên và cơ sở 116 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh kể cả xưởng 1A Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Trường cán bộ quản lý dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề) về Tổng cục Dạy nghề.

- Nghiên cứu, lập đề án để chuẩn bị cho việc mở thêm một trường Cao đẳng SPKT Đà Nẵng để đào tạo giáo viên dạy nghề cho các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

- Cho phép một số trường có khả năng được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề cho các giáo viên dạy nghề của các TTDN ở địa phương.

2.4.2. Quy hoạch sắp xếp lại các trường dạy nghề và các TTDN.

- Soát xét lại các trường Trung học chuyên nghiệp vừa được đổi từ các trường dạy nghề trong năm 1997-1998 theo hướng những trường nào chủ yếu đào tạo công nhân thì chuyển lại thành trường dạy nghề.

- Chọn và đầu tư nâng cấp 15 trường dạy nghề hiện có thành các trường đào tạo nghề chất lượng cao bằng nguồn vốn ADB.

- Hỗ trợ cho những tỉnh chưa có trường dạy nghề mà có nhu cầu để mở ở mỗi tỉnh một trường dạy nghề hoặc nâng cấp một TTDN thành trường dạy nghề. Những địa phương còn chưa có trường dạy nghề có nhu cầu mở trường dạy nghề cần xây dựng đề án xác định quy mô, ngành nghề đào tạo, trên cơ sở nhu cầu thực tế về đào tạo nghề phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, dự toán kinh phí cần thiết cho việc xây dựng trường và các điều kiện khác, trong đó cần dự kiến nguồn lực do địa phương đầu tư và những nội dung cần hỗ trợ của Nhà nước (kinh phí, đào tạo giáo viên,...) Căn cứ vào mục tiêu ngành nghề đào tạo của trường, Tổng cục dạy nghề sẽ chọn và giao nhiệm vụ cho các Trường đào tạo nghề có nhiều kinh nghiệm liên kết hỗ trợ về nội dung, chương trình, giảng dạy trong thời gian đầu theo hình thức chuyển giao công nghệ .

- Các Công ty lớn có nhu cầu đào tạo nghề nhiều cần xúc tiến mở trường dạy nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Các tỉnh, thành phố nhất là các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh ven biển miền Trung (phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế biển), các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa cần có kế hoạch mở rộng mạng lưới các TTDN. Phấn đấu từ nay đến năm 2000 số TTDN ở các quận, huyện bằng 30% tổng số quận, huyện.

Đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp phát triển nhưng hệ thống dạy nghề còn rất mỏng, cần được hỗ trợ để từ nay đến năm 2000 mở thêm 20 TTDN ở các huyện và thành lập 3 trường dạy nghề ở 3 tỉnh còn chưa có một trường dạy nghề nào (Long An, Kiên Giang, Trà Vinh) để phục vụ sản xuất, chế biến nông sản, hải sản và các ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng... ở địa phương.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề xây dựng các đề án nâng cấp 3 cơ sở dạy nghề vừa được bàn giao về Tổng cục Dạy nghề theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm có: Đề án đầu tư nâng cấp cho trường Dạy nghề cho người tàn tật Trung ương I ở Sơn Tây và trường Dạy nghề cho người tàn tật Trung ương II ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, thành 2 trường dạy nghề chất lượng cao và Đề án đầu tư nâng cấp và thay đổi mục tiêu của TTDN cho trẻ em lang thang ở Đông Anh, Hà Nội thành Trường đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động.

- Giao cho Tổng cục dạy nghề trực tiếp quản lý Trường công nhân cơ điện Việt Bắc là trường trước đây trực thuộc Tổng cục dạy nghề (hiện nay trường này đang là đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên). Trường Công nhân cơ điện Việt Bắc từ trước đến nay được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lao Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hoà Bình), và chủ yếu đào tạo nghề cho con em người dân tộc (55 - 65% học sinh là người dân tộc). Đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô của trường để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, nhằm góp phần thực hiện chính sách dân tộc và công bằng xã hội (năm 1998 có 900 người xin vào học ở trường, nhưng trường chỉ được tuyển 250 người theo chỉ tiêu được giao).

- Khuyến khích việc thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài quốc lập nhằm huy động các nguồn lực của các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân trong và ngoài nước, thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo nghề.

II- GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH:

1/ Chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân:

Để có cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với yêu cầu cơ cấu lao động của thị trường lao động, Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân ngoài mục đích tạo ra cơ cấu lao động hợp lý còn nâng cao hiệu quả kinh tế trong giáo dục và đào tạo và sẽ làm giảm áp lực đối với các trường PTTH, các trường THCN, cao đẳng và đại học. Mặt khác chính sách này sẽ tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội tiếp tục học tập để nâng cao trình độ.

Tỷ lệ phân luồng cho các cấp, bậc đào tạo do Chính phủ quy định. Riêng hệ thống dạy nghề dự kiến tiếp nhận học sinh vào học nghề năm học 1999 - 2000 như sau:

- Tiếp nhận 20 - 25% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề.

- Tiếp nhận 25 - 30% học sinh tốt nghiệp PTTH vào học nghề.

Tỷ lệ nói trên cần được tăng dần trong những năm tiếp theo.

2/ Chính sách đối với các cơ sở đào tạo nghề:

- Chính sách ưu đãi thuế thu nhập đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.

- Ưu tiên mức thuế phù hợp đối với hoạt động sản xuất kết hợp thực hành nghề của các cơ sở dạy nghề.

- Ưu tiên cấp quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở dạy nghề hoặc cho thuê đất, thuê nhà, xưởng để mở cơ sở dạy nghề với giá ưu đãi.

- Đối với các trường dạy nghề thuộc các Tổng công ty Nhà nước, Tổng cục Dạy nghề xây dựng đề án nghiên cứu phân loại các Tổng công ty kinh doanh có lãi, kinh doanh thua lỗ để đề xuất chính sách phù hợp theo hướng tiếp tục duy trì và phát triển các trường dạy nghề hiện có và giảm dần chi ngân sách nhà nước cho các trường thuộc Tổng công ty

- Các cơ sở dạy nghề được mua các trang thiết bị cũ được thanh lý của các doanh nghiệp trong nước để làm thiết bị giảng dạy và thực hành.

- Cho phép một số trường dạy nghề, TTDN đạt tiêu chuẩn cơ sở dạy nghề chất lượng cao tổ chức bồi dưỡng, thi cấp bằng nghề và chứng chỉ nghề cho những người có tay nghề nhưng chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo bằng hình thức truyền nghề.

3/ Chính sách đối với cán bộ, giáo viên dạy nghề:

Đào tạo nghề có đặc thù riêng so với các bậc học khác, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng đối với giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề, như:

- Chế độ phụ cấp nghề nghiệp (phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng hiện vật làm nghề độc hại, phụ cấp lương độc hại)

- Chế độ bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề.

- Cụ thể hoá tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề đạt danh hiệu "Giáo viên ưu tú", "Giáo viên nhân dân".

4/ Chính sách đối với học sinh học nghề:

Ngoài các chế độ chung đối với học sinh của hệ thống giáo dục, cần có một số chế độ chính sách khác nhằm khuyến khích người lao động nhất là thanh thiếu niên vào học ở các cơ sở dạy nghề như:

- Điều chỉnh hợp lý mức học bổng cho học sinh học nghề so với sinh viên để khuyến khích học nghề.

- Miễn giảm học phí và cấp học bổng cho những học sinh học các nghề có điều kiện lao động nặng nhọc và độc hại hoặc khó tuyển, học sinh đào tạo theo địa chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Dành tỷ lệ lớn tuyển học sinh học nghề từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bộ đội phục viên và đối tượng thuộc diện chính sách có đủ trình độ văn hoá để phục vụ cho các vùng kinh tế.

- Lao động nông thôn không có điều kiện thoát ly sản xuất, được phép học từng học phần trong mỗi đợt, khi học hết chương trình được thi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng nghề hoặc chứng chỉ nghề tương ứng với chương trình đào tạo.

- Nhà nước đầu tư và khuyến khích học sinh đi học một số nghề cần thiết ở nước ngoài.

5/ Chính sách đối với những người có bằng hoặc chứng chỉ nghề:

- Điều chỉnh chế độ tiền lương đối với công nhân, đặc biệt là công nhân có tay nghề cao và công nhân làm những nghề có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc những nghề có điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc và độc hại.

- Ban hành danh mục những nghề bắt buộc người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp nghề hoặc chứng chỉ nghề. Người sử dụng lao động chỉ được phép tuyển dụng những người có bằng tốt nghiệp nghề hoặc chứng chỉ nghề để bố trí làm những nghề nói trên.

- Những người có bằng tốt nghiệp nghề và chứng chỉ nghề được ưu tiên vay vốn để tạo việc làm theo nghề đã được đào tạo.

- Tổ chức thường xuyên phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi và có chế độ phụ cấp cho những người đạt tiêu chuẩn thợ giỏi các cấp (quốc gia, ngành, tỉnh, thành phố). Tôn vinh giá trị xã hội của người công nhân, phong tặng danh hiệu cao quý "bàn tay vàng" cho những người thợ giỏi.

III- TĂNG NGÂN SÁCH CHO ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ CẤP PHÁT, QUẢN LÝ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH CHO ĐÀO TẠO NGHỀ:

1/ Tăng ngân sách cho đào tạo nghề:

Tăng tỷ lệ ngân sách Nhà nước cho đào tạo nghề trong tổng ngân sách cho Giáo dục và Đào tạo lên 6,5% vào năm 1999 và 7,3% vào năm 2000.

 

Năm 1999

(Kế hoạch)

Năm 2000

(Dự kiến)

Ghi chú

Tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo trong Tổng chi NSNN

14,5 %

15 %

 

Tổng NSNN chi cho Giáo dục và Đào tạo (tỷ đồng)

13.853,7

15.048

 

Tỷ lệ ngân sách cho đào tạo nghề trong tổng ngân sách GD-ĐT

6,5%

7,3%

Năm 1998 là 4,5%

Ngân sách Nhà nước cho đào tạo nghề (tỷ đồng)

866,4

1.100

 

- Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất và tập trung cấp cho các trường theo chỉ tiêu đào tạo, cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; cho việc hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường dạy nghề hiện có, đầu tư dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có việc dạy nghề làm vườn (trồng cây ăn quả, nuôi cá, nuôi gia cầm... , của Hội người làm vườn Việt Nam (VACVINA), nghề nông - lâm của các Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, dạy nghề nuôi trồng đánh bắt hải sản của các Trung tâm khuyến ngư; xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao; xây dựng trường đào tạo công nhân phục vụ cho xuất khẩu lao động ở Đông Anh Hà Nội; nghiên cứu xây dựng 10 chương trình đào tạo nghề, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật; thử nghiệm và áp dụng các phương pháp dạy nghề tiên tiến.

- Nhà nước cần có chương trình mục tiêu cho đào tạo nghề và tập trung vào 2 chương trình mục tiêu chính:

* Chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên nhằm đạt 8.000 giáo viên dạy nghề vào năm 2000.

* Chương trình tăng cường cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề (15 trường) và một số TTDN nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng trũng và ở các tỉnh mới tách.

2/ Đổi mới cơ chế cấp phát, quản lý sử dụng ngân sách cho đào tạo nghề:

Để đảm bảo ngân sách chi cho đào tạo nghề được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả đòi hỏi phải đổi mới cơ chế cấp phát, quản lý sử dụng ngân sách cho đào tạo nghề theo hướng sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối và bố trí kế hoạch hàng năm về đào tạo nghề trên cơ sở thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy chế kế hoạch hoá hiện hành. Kế hoạch đào tạo nghề được giao cho các cơ sở dạy nghề thông qua các Bộ, ngành và địa phương nhưng kế hoạch đó phải được cụ thể hoá đối với từng cơ sở dạy nghề, cụ thể hoá theo cơ cấu nghề và theo chương trình đào tạo (dài hạn, ngắn hạn).

- Ngành Tài chính có trách nhiệm bố trí và bảo đảm Ngân sách Nhà nước cấp cho Kế hoạch đào tạo nghề đã được duyệt, theo quy định của Luật ngân sách. Trước mắt việc cấp phát và quản lý kinh phí cho công tác dạy nghề được thực hiện thông qua cơ quan chủ quản, tiến tới cơ quan tài chính cấp trực tiếp cho các cơ sở đào tạo nghề.

- Bộ Tài chính chủ trì, với sự phối hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành hoàn thiện các định mức và đổi mới cơ chế chính sách chi tiêu tài chính trong lĩnh vực dạy nghề nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cho dạy nghề.

- Ngân sách chi thường xuyên cho đào tạo nghề ngoài việc chi đào tạo nghề chính quy, dài hạn cần phải chi cho việc đào tạo nghề phục vụ cho các chương trình mục tiêu kinh tế xã hội của các ngành, các địa phương (như đào tạo nghề phục vụ cho chương trình mía đường, chương trình đánh bắt cá xa bờ, chương trình 5 triệu ha rừng, vv...) và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc chi cho đào tạo nghề ngắn hạn được xác định tương ứng với thời gian và chi phí cho từng nghề đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn phục vụ cho các chương trình do các Bộ, ngành, địa phương đề nghị và Tổng cục Dạy nghề thẩm định, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định.

- Các cơ quan quản lý về dạy nghề của các địa phương và các Bộ, ngành có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch dạy nghề đã được duyệt của các cơ sở dạy nghề và báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội kết quả đào tạo nghề của địa phương, bộ, ngành mình.

IV- TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ:

1/ Thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà Nước về đào tạo nghề:

1.1. Thành lập và kiện toàn phòng dạy nghề ở các địa phương trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội theo quy định tại Nghị định 33/1998/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-LĐTBXH-TCCP của Ban TCCBCP và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1.2. Kiện toàn bộ máy tổ chức của Tổng cục Dạy nghề: Kiện toàn các đơn vị trực thuộc Tổng cục Dạy nghề theo quy định tại Nghị định 33/1998/NĐ-CP, và có đề án trình Chính phủ thành lập một số đơn vị sự nghiệp nhằm mục đích tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ quản lý Nhà nước:

- Thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học về dạy nghề .

- Thành lập Tạp chí dạy nghề

- Thành lập Trung tâm sản xuất và cung ứng trang thiết bị dạy nghề.

1.3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của hệ thống quản lý về dạy nghề.

1.4. Thiết lập và tăng cường mối quan hệ công tác thường xuyên chặt chẽ giữa Tổng cục dạy nghề với các tổ chức quản lý công tác dạy nghề của các Bộ, ngành, địa phương.

2/ Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề:

2.1. Bổ sung, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề:

- Quy chế tổ chức và hoạt động của các loại cơ sở đào tạo nghề: công lập, ngoài công lập.

- Quy chế thi tuyển, kiểm tra, thi tốt nghiệp.

2.2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và quy định về đào tạo nghề:

- Nghị định về đào tạo nghề (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về học nghề của Bộ luật Lao động và quy định về dạy nghề của Luật Giáo dục)

- Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý đào tạo nghề ở các địa phương và các Bộ, ngành Trung ương.

- Phân định trách nhiệm về đào tạo nghề đối với các ngành, các cấp và doanh nghiệp.

- Quy định về việc cấp phát, quản lý, sử dụng và kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho đào tạo nghề.

- Các chuẩn về trường, trung tâm, lớp; các chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn và định mức về đội ngũ giáo viên.

- Thẩm định, ban hành 10 bộ chương trình đào tạo chuẩn cho các nghề đào tạo ngắn hạn.

- Chế độ báo cáo định kỳ quý, 6 tháng, 1 năm và đột xuất về đào tạo nghề.

2.3. Xây dựng các chế độ, chính sách về lĩnh vực đào tạo nghề

- Chính sách đối với cơ sở dạy nghề; giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; học sinh học nghề và những người có bằng nghề, chứng chỉ nghề.

3/ Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo nghề:

- Quản lý chặt chẽ các Trường dạy nghề, TTDN thông qua việc đăng ký; cấp giấy phép dạy nghề; cấp bằng, chứng chỉ nghề; định hướng và hướng dẫn hoạt động đối với các cơ sở dạy nghề quy mô nhỏ.

- Tổng cục Dạy nghề, các cơ quan quản lý về đào tạo nghề của các địa phương và các ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy phạm pháp luật về đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai sót, tồn tại của các cơ sở đào tạo nghề, phát hiện các điển hình tốt để nhân rộng và phát hiện các quy định chưa hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành.

4/ Tăng cường hợp tác quốc tế về dạy nghề đối với các nước trong khu vực và thế giới.

- Đa dạng hoá các hình thức hợp tác quốc tế về dạy nghề như: Khảo sát trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, tập huấn; liên kết đào tạo nghề ở Việt Nam; đưa đi đào tạo ở nước ngoài những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao mà ở Việt Nam còn chưa đủ điều kiện để đào tạo; đưa giáo viên, học sinh đi thực tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ; tham gia các cuộc thi học sinh giỏi nghề khu vực và quốc tế.

- Tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở dạy nghề trong nước

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức nước ngoài đầu tư về dạy nghề ở Việt Nam.

V- NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA XÃ HỘI VỀ VAI TRÒ VỊ TRÍ CỦA ĐÀO TẠO NGHỀ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, TẠO NÊN PHONG TRÀO HỌC NGHỀ, LẬP NGHIỆP:

- Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các trường học và toàn thể xã hội, làm cho toàn xã hội và chính người lao động thấy được đào tạo nghề là động lực cải thiện cuộc sống của chính họ và phát triển đất nước, giá trị của trình độ nghề nghiệp đối với vấn đề bảo đảm việc làm trong nền kinh tế thị trường.

- Xây dựng chương trình phối hợp giữa Tổng cục Dạy nghề với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về việc tuyên truyền giáo dục dạy nghề.

- Đưa phong trào thi học sinh giỏi nghề, giáo viên dạy giỏi các trường, TTDN trở thành hoạt động thường xuyên của từng cơ sở và trên phạm vi cả nước.

- Phát động đợt thi đua rộng lớn ở tất cả các cơ sở đào tạo nghề trong toàn quốc lập thành tích kỷ niệm 30 năm (1969-1999) ngày thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật.

Phần 4

I. KINH PHÍ HÀNG NĂM SẼ ĐƯỢC CỤ THỂ HOÁ CHO TỪNG NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 1999 - 2000

II. NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:

- Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (bao gồm cả Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).

- Nguồn đóng góp của học viên.

- Nguồn vốn viện trợ và tín dụng.

- Các nguồn vốn khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 50/1999/QĐ-TTG phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999-2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 50/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản