Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 23 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục ban hành năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;

Căn cứ Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về lãnh đạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1377/TTr-SGDĐT ngày 01 tháng 9 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tại văn bản số 1016/BC-STP ngày 27 tháng 10 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Đề án).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

ĐỀ ÁN

PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM 5 TUỔI TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

ĐẶT VẤN ĐỀ

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Giáo dục mầm non (sau đây viết tắt là GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ và tâm hồn của trẻ em Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua Chương trình GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này.

Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX đều nhấn mạnh nhiệm vụ “chăm lo phát triển giáo dục mầm non”; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003 - 2015 với mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em đều hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng để chuẩn bị đi học tiểu học.

Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006 - 2015 nêu rõ: “Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho GDMN; hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển GDMN. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; từng bước thực hiện đổi mới nội dung, ph­ương pháp GDMN, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục”.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GDMN ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi, trẻ em 5 tuổi chưa được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng, thể lực, về tâm lý sẵn sàng đi học. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng yếu kém của các cấp học sau.

Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, xác định: “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư và cơ cấu lại chi ngân sách cho các mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Ưu tiên ngân sách cho phổ cập giáo dục tiểu học miễn học phí; phổ cập trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) 5 tuổi, trước mắt còn có thu học phí, …”

Ngày 09 tháng 02 năn 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (sau đây viết tắt là PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Để cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về phát triển GDMN, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015 nhằm nâng cao chất lượng GDMN nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, chuẩn bị cho trẻ em ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1; tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập ở các giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bền vững.

II. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc Hội khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2009.

2. Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.

3. Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

4. Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục 2005.

5. Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015.

6. Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2007 - 2010.

7. Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015.

8. Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về lãnh dạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2011 - 2015.

Phần II

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH GDMN TỈNH NINH THUẬN NĂM HỌC 2010 - 2011 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 120/2008/QĐ-UBND CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

A. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON NĂM HỌC 2010 - 2011

I. Những kết quả đạt được

1. Phát triển mạng lưới trường lớp và quy mô:

Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 87 trường mầm non, tăng 2 trường so với năm học trước, trong đó có 72 trường công lập, chiếm tỷ lệ 82,75%; 15 trường tư thục chiếm tỷ lệ 17,24%.

Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư, các vùng miền trong tỉnh, đáp ứng phần lớn nhu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non.

Quy mô GDMN ổn định và phát triển, số trẻ đến nhà trẻ ổn định, trẻ mẫu giáo ra lớp tăng; đặc biệt trẻ em năm tuổi ra lớp tăng nhanh. Năm học 2010 - 2011, tổng số trẻ đến trường, lớp là 20.096 cháu, tăng 581 trẻ so với năm học trước, trong đó số trẻ nhà trẻ đến nhà trẻ và trường mầm non đạt 10,75%, trẻ mẫu giáo đạt 58,77%, riêng trẻ em 5 tuổi đã học ở trường, lớp mầm non là 9.605 cháu, đạt 93,99% số trẻ em trong độ tuổi. (Biểu số 1: Thống kê ra lớp năm học 2010-2011)

Các xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế phát triển, số trẻ đến các trường mầm non luôn ở mức cao: trẻ độ tuổi nhà trẻ đến nhóm, lớp đạt từ 20,6%([1])-22,4%([2]), tỷ lệ trẻ đến lớp mẫu giáo đạt từ 60-81%, trẻ em năm tuổi ra lớp xấp xỉ đạt từ 95-97,8%. Các xã vùng nông thôn huy động được 34% trẻ độ tuổi mẫu giáo và từ 85-90% trẻ em năm tuổi ra lớp. Các xã vùng núi đều có nhiều nỗ lực huy động trẻ đến trường và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của nhân dân.

2. Chất lượng chăm sóc GDMN: để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh việc triển khai Chương trình GDMN, thực hiện chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong toàn tỉnh và thực hiện các chuyên đề giáo dục lễ giáo, âm nhạc, tạo hình, phòng chống suy dinh dưỡng, làm quen với chữ cái, nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với văn học và chữ viết, làm quen với toán.

Chương trình GDMN mới được thực hiện từ năm học 2009 - 2010 tại 79 trường mầm non của 7 huyện, thành phố trong tỉnh, tạo chuyển biến tốt trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cuối năm học 2010 - 2011 cả tỉnh có 727 nhóm, lớp thực hiện chương trình GDMN mới, trong đó có 386 lớp mẫu giáo 5 tuổi chiếm 100% số lớp mẫu giáo 5 tuổi trong toàn tỉnh, với 9.451 trẻ 5 tuổi chiếm tỷ lệ 98,39% số trẻ mầm non năm tuổi ra lớp.

Các lớp có trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện tăng cường Tiếng Việt cho trẻ thông qua chương trình GDMN mới phù hợp với tình hình và điều kiện của từng địa bàn.

Trong năm học 2010 - 2011 có 9.580 trẻ được tổ chức ăn tại trường, chiếm 49,73%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng còn 6,21% ở nhà trẻ và 8,6% ở mẫu giáo, giảm so với năm học trước 0,8% ở nhà trẻ và 1,2% ở mẫu giáo.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý của các trường mầm non được đẩy mạnh. Hiện tại đã có 81 trường mầm non ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều phần mềm sáng tạo về công tác tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, 78 trường được kết nối internet, chiếm 89,6% tổng số trường đã tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý cập nhật kiến thức mới.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non trong tỉnh bình quân hàng năm giảm xuống từ 0,5-1%. Các cháu mẫu giáo 5 tuổi học tại trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và những nơi có điều kiện đều được chuẩn bị các kỹ năng, trẻ tự tin, hứng thú khám phá, nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập ở tiểu học.

3. Phát triển đội ngũ giáo viên: công tác xây dựng, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ giáo viên được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Thực hiện Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về phê duyệt Đề án xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010, toàn tỉnh và các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tập trung nguồn lực mở rộng nhiều hình thức đào tạo, liên kết, phối hợp với các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ để chuẩn hoá, nâng chuẩn; tổ chức bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, cập nhật kiến thức cho giáo viên phù hợp với điều kiện địa phương.

Đến nay đã có trên 85,55% giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn trung cấp sư phạm mầm non trở lên, trong đó 29,96% trên chuẩn và có khoảng 99,2% đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định.

Hầu hết giáo viên mầm non có phẩm chất, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ, sáng tạo trong công tác quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ, luôn có ý thức học tập để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều kiện học tập và làm việc, các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm, khen thưởng và các quyền lợi khác cho đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập được quan tâm, từng bước cải thiện thu nhập, ổn định đội ngũ.

4. Ngân sách và cơ sở vật chất trường học: cơ sở vật chất trường, lớp học của GDMN được cải thiện đáng kể. Nhiều phòng học được xây dựng mới, số phòng học kiên cố và bán kiên cố không ngừng tăng lên, từng bước xoá dần các phòng học tạm và phòng học mượn. Năm học 2010 - 2011, cả tỉnh đã có 668 phòng học (chiếm tỷ lệ 91,63%), trong đó có 176 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 26,34%, toàn quốc 41,9%), 359 phòng bán kiên cố (chiếm tỷ lệ 53,74%, toàn quốc 37,3%). Từ năm 2005 - 2010, các huyện, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; cải tạo, củng cố và xây dựng 115 sân chơi ngoài trời, trang bị các thiết bị đồ chơi bổ ích cho 79 sân chơi trong các trường mầm non. Từng bước xây dựng và trang bị khu bếp đạt tiêu chuẩn quy định ở các trường, lớp bán trú; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho GDMN đã được quan tâm đầu tư, hiện có 82 trường đã trang bị 140 máy vi tính; nối mạng internet cho 78 trường nhằm tạo điều kiện cho trẻ em học tập, khám phá và cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có điều kiện trao đổi, cập nhật kiến thức GDMN.

Công tác xã hội hoá phục vụ cho hoạt động GDMN được đẩy mạnh, chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục. Đến cuối năm học 2010 - 2011 đã có 15 trường mầm non ngoài công lập, trong tổng số 87 trường mầm non trong tỉnh, chiếm 17,24% (chưa kể đến các cơ sở nhóm, lớp mầm non tư thục khác).

Nhân dân đóng góp 100% chi phí hoạt động tại các trường mầm non tư thục. Năm 2010 đã huy động đóng góp từ nguồn ngoài ngân sách hơn 8,5 tỷ đồng cho GDMN, chiếm bằng tổng số kinh phí xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và trang bị cho trường, lớp mầm non.

Phong trào làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo phát triển sâu rộng trong các cơ sở GDMN, lôi cuốn sự tham gia của nhân dân, các đoàn thể góp sức cùng đội ngũ giáo viên đã bổ sung trang bị thiết bị, đồ chơi ngày càng phong phú phục vụ cho hoạt động dạy và học.

II. Một số hạn chế, yếu kém

1. Mạng lưới trường lớp, quy mô trẻ đến trường:

- Mạng lưới trường, lớp, mầm non chưa đủ phủ kín các địa bàn để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các vùng, miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa còn bị hạn chế. Năm học 2010 - 2011, vẫn còn nhiều thôn, bản ở xa chưa có phòng học để mở lớp mẫu giáo. Ở một số huyện, thành phố, việc xây dựng quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị chưa gắn với quy hoạch đất đai để xây dựng trường, lớp mầm non đã dẫn đến tình trạng, một số trẻ em ở lứa tuổi mầm non ở đây không được đến trường.

- Tỷ lệ huy động trẻ đến trường chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Việc huy động trẻ đến trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Năm học 2010 - 2011, vùng đồng bào dân tộc có 2.873 trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi nhưng trẻ em ra lớp mới chiếm tỷ lệ 86,9% (2.873/ 2.498), còn 13,1% trẻ em dân tộc thiểu số độ tuổi 5 tuổi không được đến trường chủ yếu là do thiếu trường, lớp học (ở một số tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Kon Tum, Trà Vinh tỷ lệ huy động đạt 100%). Tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày còn rất thấp (chiếm tỷ lệ 45,9%).

2. Chất lượng chăm sóc GDMN: chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp; phần lớn trẻ em dân tộc thiểu số chưa đảm bảo được vốn tiếng Việt cần thiết để lĩnh hội kiến thức ở bậc học phổ thông. Năm học 2010 - 2011 có 62,4% số lớp mẫu giáo (244/391) với 5.144 cháu (53,7%) chỉ học 1 buổi/ngày ở lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Tình hình duy trì sĩ số đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã miền núi chưa cao.

Khó khăn về trường, lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đã tạo ra sự phân cực lớn về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn với thành thị và những nơi thuận lợi về kinh tế - xã hội.

Chương trình chăm sóc GDMN mới đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp chăm sóc GDMN. Tuy nhiên, các điều kiện để triển khai đại trà (đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị đồ chơi đồng bộ) đặc biệt đối với nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em miền núi, vùng dân tộc chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh để ban hành chính thức nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tiếng Việt của trẻ em tại vùng này, kinh phí triển khai còn quá thiếu.

Hiện vẫn còn 02 nhóm trẻ tư thục và 154 trẻ 5 tuổi học trong các nhóm, lớp mầm non tư thục không đủ điều kiện cấp phép không thực hiện chương trình GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mà chỉ tập trung dạy trẻ học đọc, học viết.

3. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN hiện nay: năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 831 giáo viên, trong đó có 120 giáo viên chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 14,44%. Tuy tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo khá cao, nhưng phần lớn giáo viên được đào tạo chắp vá, qua nhiều hệ, nhiều loại hình đào tạo, nên năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo. Giáo viên dạy ở các vùng dân tộc miền núi có trên 110 người nhưng đa số chưa biết tiếng dân tộc, trong khi số giáo viên người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ không đáng kể (17,4%) trong đó hầu hết là giáo viên dân tộc Chăm.

Mặt khác, khó khăn về chủ trương tuyển dụng, làm cho đội ngũ giáo viên mầm non thường xuyên thiếu, cuối năm học 2010 - 2011, còn thiếu là 110 giáo viên mầm non.

Hiện nay số cán bộ quản lý các trường mầm non thiếu rất nhiều (có trường 7-9 điểm trường, cá biệt, trường hạng 1 nhưng chỉ có 01 cán bộ quản lý). Đặc biệt, đội ngũ nhân viên trong trường mầm non (văn thư, thủ quỹ, bảo vệ và cán bộ y tế) hầu hết đều không có.

Chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý GDMN còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo ra được động lực để giáo viên tự rèn luyện về phẩm chất, nâng cao năng lực chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở GDMN. Đặc biệt, đối với 12% giáo viên ngoài biên chế chỉ được hợp đồng 9 tháng theo năm học, thời gian nghỉ hè không có lương, không được tham gia các lớp bồi dưỡng hè và trong những năm hợp đồng vẫn luôn là ở mức lương khởi điểm (bậc 1), có trường hợp giáo viên hợp đồng trên 5 năm nhưng vẫn hợp đồng theo mức lương trên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa được đổi mới, chất lượng chưa cao; đào tạo ở các trường sư phạm chậm đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo giáo viên mầm non, ít gắn với thực tiễn; chương trình dạy tiếng dân tộc cho giáo viên công tác tại vùng dân tộc còn nhiều bất cập, đặc biệt là vùng học sinh dân tộc Raglai.

4. Ngân sách và cơ sở vật chất trường, lớp học: ngân sách Nhà nước chi cho GDMN còn thấp (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 24 tháng 02 năm 2003 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính, ngân sách chi cho GDMN ít nhất là 10% ngân sách giáo dục thường xuyên. Trên toàn tỉnh, cơ cấu ngân sách Nhà nước theo cấp học cho mầm non chỉ đạt 8,7% vào năm 2006, 9,35% năm 2007 và 9,27% vào năm 2008); chưa có dự án, chương trình mục tiêu quốc gia dành để giải quyết nhiệm vụ riêng của GDMN.

So sánh về tỷ lệ chi của Nhà nước và của người dân cho GDMN ở một số tỉnh bạn, cho thấy tỷ lệ ngân sách Nhà nước chi cho GDMN trong tỉnh thấp hơn so với mức bình quân các tỉnh khác trong toàn quốc (Ninh Thuận: Nhà nước 38,6%, gia đình người học 61,4%; toàn quốc: xây dựng cơ bản 41%, hoạt động chuyên môn 6%, trường đạt chuẩn quốc gia 12%, lương 41%).

Tỷ lệ phòng học kiên cố của GDMN còn thấp. Trong số 337 phòng học của lớp mầm non 5 tuổi, hiện tại chỉ có 41 phòng học được xây kiên cố (chiếm tỷ lệ 12,2%). Số còn lại có 199 phòng bán kiên cố (chiếm tỷ lệ 59%), 51 phòng học tạm, 45 phòng học nhờ nhà dân và đình chùa (chiếm tỷ lệ 28,8%).

Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách phát triển giáo dục mầm non và 3 năm thực hiện Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh chỉ mới có 02 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (tỷ lệ 2,29%).

III. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

1. Nhận thức của chính quyền các cấp, của các bậc phụ huynh, của xã hội về vai trò, vị trí của GDMN, đặc biệt là mầm non 5 tuổi chưa đầy đủ, chưa thấy hết ý nghĩa của việc liên thông, đồng bộ và công bằng của GDMN với giáo dục phổ thông. Chưa có chính sách ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển GDMN nói chung và GDMN cho trẻ em 5 tuổi nói riêng.

2. Công tác quản lý, chỉ đạo phát triển GDMN nói chung và phát triển GDMN cho trẻ em năm tuổi nói riêng trong nhiều năm qua chưa đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu.

3. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế. Chậm đổi mới phương pháp, thiếu điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin cập nhật kiến thức.

4. Chưa có được nguồn vốn riêng để phát triển GDMN, thiếu cơ sở vật chất, kinh phí là nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng giáo dục GDMN nhìn chung còn yếu kém. Nhiều nơi do khó khăn về trường, lớp và cơ sở vật chất, nên nhiều trẻ em 5 tuổi không được đến lớp, hoặc đến nhưng chỉ học 1 buổi, trẻ không được chăm sóc, nuôi dạy một cách chu đáo.

B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 120/2008/QĐ-UBND NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2008 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GDMN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2007 - 2015.

I. Kết quả đạt được: GDMN Ninh Thuận qua 4 năm đã từng bước củng cố và mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy mạnh về phát triển quy mô và chất lượng GDMN, cụ thể thực hiện chỉ tiêu qua 4 năm như sau:

Nội dung

Mục tiêu theo QĐ 120 đến 2010

Tỷ lệ đạt sau 4 năm

Vượt chỉ tiêu

Chưa đạt

Trẻ đến nhà trẻ

8%

10,75%

2,75%

 

Trẻ đến mẫu giáo

67%

58,77%

 

x

Trẻ 5 tuổi đến lớp

85%

93,99%

8,99%

 

Trẻ đạt chuẩn phát triển

80%

92%

12%

 

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng

dưới 11%

dưới 9%

2%

 

Cha mẹ được cung cấp kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ

70%

85%

15%

 

Tỷ lệ cơ sở tiếp cận nội dung chương trình GDMN

100%

100%

x

 

Tỷ lệ cơ sở tiếp cận với tin học

33,3%

93,1%

59,8%

 

Qua bảng tổng hợp trên có thể thấy GDMN Ninh Thuận qua 4 năm thực hiện Quyết định 120 của Ủy ban nhân dân tỉnh đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Số lượng trường trọng điểm hoạt động theo hình thức công lập tự chủ tài chính ở mỗi huyện, thành phố đều đạt theo chỉ tiêu (có 01 đến 02 trường). Chế độ cử tuyển giáo viên mầm non ở các vùng dân tộc thiểu số được duy trì và thực hiện hằng năm.

II. Tồn tại, hạn chế:

Trong 4 năm qua, việc xây dựng cơ sở vật chất và trường đạt chuẩn quốc gia tuy có nhiều biện pháp chỉ đạo thực hiện song đều không đạt được các chỉ tiêu đề ra theo quy định, cụ thể:

- Với chỉ tiêu đến năm 2010 phấn đấu 10% (khoảng 8 trường) đạt chuẩn quốc gia song đến nay toàn tỉnh chỉ có 02 trường được công nhận đạt chuẩn.

- Tình trạng phòng học tạm, học nhờ và thiếu phòng học còn rất nhiều như: tỷ lệ phòng học bán kiên cố 53,74%; tỷ lệ phòng học tạm, học nhờ 19,91%. Số phòng học còn thiếu so với số lượng trẻ theo quy định Điều lệ trường mầm non, tỷ lệ huy động trẻ theo mục tiêu Đề án và số phòng phục vụ cho mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi trên ngày khoảng 150 phòng. Trong 4 năm qua, tỉnh rất quan tâm trong việc đầu tư trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục cho cấp học mầm non (trên 1,8 tỷ trong 2 năm 2007, 2008) nhưng chỉ đáp ứng chưa đến 10% số lớp trong tỉnh.

- Với mục tiêu phấn đấu có 90% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, trong đó có 50 % đạt trên chuẩn song đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra (hiện nay toàn tỉnh, kể cả tư thục, trên 85,55% giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó 29,96% trên chuẩn).

- Với mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý các trường công lập đều là Đảng viên, song một số huyện, thành phố vẫn không thực hiện được.

III. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Đề án Phát triển GDMN tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 2015 được phê duyệt, ngoài nguồn kinh phí của chương trình kiên cố hoá trường học giai đoạn 2008 - 2012, phần bố trí kinh phí hằng năm cho việc thực hiện Đề án chưa được quan tâm, do đó việc thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng cơ sở vật chất, xoá phòng học tạm, học nhờ, trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia chưa đạt được mục tiêu theo yêu cầu.

- Các đơn vị mầm non tư thục trả lương cho giáo viên chưa thoả đáng nên giáo viên khi ra trường thường ít về công tác tại các đơn vị tư thục. Hiện nay tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn tại các đơn vị tư thục phổ biến từ 45 đến 55%, thậm chí có đơn vị giáo viên chưa đạt chuẩn chiếm gần 70%.

- Trong nhiều năm qua việc phát triển Đảng viên tại các trường mầm non ít được địa phương chú ‎ý, do đó việc bổ nhiệm cán bộ quản lí là đảng viên theo quy định của Nhà nước ở một số đơn vị chưa thực hiện được.

Phần III

QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU PCGDMN CHO TRẺ EM NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Quan điểm chỉ đạo

- Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển GDMN, tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên; ưu tiên đầu tư các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa theo hướng xây dựng các trường công lập kiên cố, đạt chuẩn.

- PCGDMN cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả tỉnh.

- Việc chăm lo để mọi trẻ em 5 tuổi được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá với trách nhiệm lớn hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển GDMN.

- Đổi mới nội dung chương trình, ph­ương pháp GDMN theo nguyên tắc bảo đảm đồng bộ, phù hợp, tiên tiến, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung: bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày/năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1; đến năm 2015 tỉnh đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp đảm bảo đến năm 2015, có 95% số trẻ em năm tuổi được học 2 buổi/ngày;

- Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở GDMN được học Chương trình GDMN, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, bảo đảm 100% giáo viên dạy trẻ em năm tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2011, phấn đấu đến 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá;

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện, thành phố đến năm 2015 đạt 10% (theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XII và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt) làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ GDMN, trong đó ưu tiên cho miền núi, vùng sâu, vùng xa;

- Đưa số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em năm tuổi từ 55% năm 2012 lên 85% năm 2014 và 100% năm 2015.

III. Điều kiện, tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ em năm tuổi

1. Điều kiện phổ cập:

a) Có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn;

b) Trường, lớp có bộ thiết bị tối thiểu để thực hiện Chương trình GDMN mới; ở vùng thuận lợi có thêm các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với vi tính để học tập;

c) Đủ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trung cấp sư phạm mầm non trở lên; giáo viên được hưởng thu nhập và các chế độ khác theo thang bảng lương giáo viên mầm non;

d) Trẻ em trong các cơ sở GDMN được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, được chăm sóc giáo dục theo Chương trình GDMN mới, trẻ em dân tộc được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

2. Tiêu chuẩn phổ cập:

2.1. Đối với xã, phường, thị trấn:

a) Đảm bảo các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị, đồ chơi trong các trường, lớp mầm non năm tuổi;

b) Huy động 95% trở lên số trẻ em 5 tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 85% số trẻ trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo chương trình GDMN mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009; ở vùng đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc ít người, trẻ được chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1;

c) Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 90% trở lên;

d) Tỷ lệ suy dinh dưỡng dưới 10%;

2.2. Đối với huyện, thành phố: bảo đảm 90% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ em năm tuổi;

2.3. Đối với tỉnh: bảo đảm 100% số huyện, thành phố thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi và được công nhận phổ cập vào năm 2015.

Phần IV

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ em năm tuổi: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương PCGDMN cho trẻ em năm tuổi trong các cấp, các ngành, trong toàn xã hội và các bậc cha mẹ, làm cho mọi người nhận thức rõ PCGDMN cho trẻ em năm tuổi có chất lượng là thể hiện tính ưu việt của của chế độ ta trong giáo dục và chăm sóc trẻ em, là quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng, để được sự đồng thuận, sự hưởng ứng, giúp đỡ từ phụ huynh, nhân dân và các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội.

Thực hiện lồng ghép các hình thức và phương tiện truyền thông khác nhau như Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và địa phương, các hội nghị, hội thảo để phổ biến các nội dung của Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi, tạo điều kiện cho các tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các bậc cha mẹ và toàn xã hội hiểu rõ và tham gia thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.

2. Công tác huy động trẻ em năm tuổi đến lớp: hàng năm, huy động hầu hết trẻ em năm tuổi đến lớp mẫu giáo để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, duy trì và giữ vững số trẻ dưới năm tuổi đến các cơ sở GDMN dưới nhiều hình thức. Đến năm 2015, quy mô trẻ mầm non năm tuổi đến lớp của cả tỉnh là 10.379, trong đó công lập là 9.341, chiếm tỷ lệ 90,0%; ngoài công lập là 1.038, chiếm 10,0%.

(Biểu 1: Quy mô trẻ em 5 tuổi đến lớp công lập và ngoài công lập giai đoạn 2011-2015)

- Đưa chỉ tiêu PCGDMN cho trẻ em năm tuổi vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương hàng năm, để chỉ đạo thực hiện. Hàng năm đưa kết quả việc thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, bình xét gia đình văn hoá và đơn vị văn hoá. Cấp ủy, chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn phối hợp vận động các gia đình đưa trẻ em năm tuổi đến trường, lớp học 2 buổi/ngày.

- Hỗ trợ trẻ năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thư­ờng trú tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi n­ương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước 120 nghìn đồng/tháng/trẻ (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường, phòng chống suy dinh dưỡng; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ một phần học phí nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

- Phát huy các sáng kiến của nhân dân, cộng đồng, động viên các bậc phụ huynh đăng ký đưa trẻ đến trường, lớp để thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.

- Tổ chức các loại hình trường lớp phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ em năm tuổi được đến trường: các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, 100% số trẻ em năm tuổi được học tại các trường công lập từ năm 2010. Vùng nông thôn đồng bằng, phần lớn trẻ em được học tại các trường công lập có thu học phí; duy trì, giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có, phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

- Các thành phố, thị trấn huy động 100% trẻ em năm tuổi đến lớp; trong đó đa số trẻ được học tại các trường công lập có thu học phí; một bộ phận trẻ (khoảng 30% số trẻ) học tại các trường ngoài công lập; giữ vững số trẻ dưới năm tuổi công lập ra lớp không thấp hơn mức hiện có.

Khuyến khích các huyện, thành phố có điều kiện và khả năng thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2012, tập trung nâng cao chất lượng, đồng thời từng bước phát triển mầm non dưới năm tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của của nhân dân.

3. Đổi mới nội dung chương trình và công tác chăm sóc giáo dục trẻ:

- Triển khai thực hiện đại trà Chương trình GDMN mới đối với 417 lớp mầm non năm tuổi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; chấm dứt việc dạy trước Chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non năm tuổi.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu đến 2015 có 100% số trường được tiếp cận với tin học.

- Phối hợp với Y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ (tiêm chủng mở rộng, phòng chống một số bệnh), phòng chống suy dinh dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Triển khai và hướng dẫn sử dụng bộ Chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi.

4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN:

a) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập và thực tiễn đổi mới GDMN: đến năm 2015, đảm bảo đủ giáo viên dạy lớp mầm non năm tuổi theo định mức quy định là 2 giáo viên/lớp (bình quân 1 lớp 25 trẻ) với tổng số giáo viên là 830 người, trong đó giáo viên ngoài công lập là 74 chiếm khoảng 8,9%; đội ngũ cán bộ quản lý là 224 người, trong đó công lập 173 người chiếm 79,0%.

(Biểu số 2: Số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giai đoạn 2011 - 2015)

- Từ 2011 - 2015 đào tạo nâng chuẩn và đào tạo mới 398 giáo viên, trong đó đào tạo để đạt chuẩn và trên chuẩn cho 48 giáo viên, đào tạo để tuyển mới 341 giáo viên để bổ sung dạy lớp mầm non năm tuổi; tăng tỷ lệ giáo viên người dân tộc, cử tuyển khoảng 100 giáo viên cho các vùng khó khăn với nguồn tuyển tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông tại các thôn, bản.

- Tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho giáo viên để thực hiện chương trình GDMN mới; chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng của giáo viên người dân tộc.

- Xây dựng và mở rộng mô hình dạy tiếng dân tộc Raglai cho giáo viên công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc Raglai;

b) Xây dựng chính sách hợp lý và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:

- Nhà nước hỗ trợ ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý đang hợp đồng ở các cơ sở GDMN công lập theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ; các cơ sở GDMN tư thục bảo đảm chế độ lương cho giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở GDMN công lập và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định hiện hành.

- Có chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn nhằm đảm bảo chất lượng PCGDMN cho trẻ em năm tuổi tại các vùng này như: thời gian công tác 5 năm được điều chuyển về vùng thuận lợi, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, ...

- Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non dạy trẻ dưới năm tuổi.

5. Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị giáo dục, bảo đảm ngân sách cho các lớp mầm non năm tuổi:

a) Xây dựng đủ phòng học cho mầm non năm tuổi: xây dựng đủ phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi từ ngân sách Nhà nước; đảm bảo tất cả các xã khó khăn và vùng dân tộc đều có trường với quy mô ít nhất 3 lớp ở trung tâm và các điểm lớp lẻ có phòng học được xây kiên cố theo hướng chuẩn hoá.

- Thực hiện kiên cố hoá trường, lớp học; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn và các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường, lớp mầm non năm tuổi. Từ 2010 đến 2012 xây mới và nâng cấp từ nguồn kiên cố hoá; xây dựng bổ sung mới 363 phòng học và khoảng 56.230m2 khối phòng chức năng theo tiêu chuẩn được quy định tại Điều lệ trường mầm non, bảo đảm có khoảng 417 phòng học vào năm 2015 cho lớp mầm non 5 tuổi. (Biểu 3 và 4: Nhu cầu phòng học và phòng chức năng giai đoạn 2010 - 2015 loại hình công lập)

- Xây dựng tại huyện Bác Ái trong danh mục tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời hỗ trợ xây dựng 40 trường tại các huyện, thành phố trong tỉnh, trường mầm non 16 tháng 4, với quy mô 7 nhóm, lớp/trường, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo mức độ I.

(Biểu số 5: Phụ lục Danh sách các trường học đăng ký đạt chuẩn quốc gia)

b) Đảm bảo đủ thiết bị và đồ chơi để thực hiện Chương trình GDMN mới, nâng cao chất lượng GDMN cho trẻ em năm tuổi:

- Xây dựng và cung cấp 1 lần khoảng 417 bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non năm tuổi để thực hiện Chương trình GDMN mới và bộ nội thất dùng chung cho các lớp học, cung cấp đủ số thiết bị cho các nhóm/lớp dưới năm tuổi có đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDMN mới.

- Cung cấp khoảng 85 bộ thiết bị phần mềm trò chơi làm quen với tin học cho các trường, lớp có điều kiện.

- Hàng năm bổ sung, thay thế đồ chơi rẻ tiền mau hỏng trong các bộ thiết bị đã cấp bằng ngân sách thường xuyên.

- Trang bị 70 bộ đồ chơi ngoài trời để đảm bảo đến năm 2015 có khoảng 83% số trường có bộ đồ chơi ngoài trời;

c) Bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, GDMN năm tuổi:

- Ngân sách Nhà nước chi cho GDMN theo hướng tính định mức theo số trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn và từng bước nâng định mức chi thường xuyên cho trẻ mẫu giáo hàng năm từ 5,2 triệu đồng/trẻ/năm từ năm 2011 lên 7,3 triệu đồng/trẻ/năm vào năm 2015, bảo đảm khoảng 20% ngân sách GDMN được chi cho hoạt động chuyên môn.

- Vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa bao gồm 15 xã đặc biệt khó khăn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ và 5 xã bãi ngang ven biển, Nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non công lập và đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, bố trí đủ giáo viên để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

- Ở hầu hết các vùng nông thôn, Nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động và bảo đảm 75-80% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên; phần còn lại được huy động sự đóng góp của cha mẹ trẻ.

- Đối với khu vực thành phố, vùng kinh tế phát triển, Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho chi thường xuyên cho trường công lập tự chủ một phần với mức độ khác nhau (từ 50-60%), phần còn lại được huy động từ đóng góp của cha mẹ trẻ; đối với các cơ sở ngoài công lập Nhà nước có chính sách hỗ trợ.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về PCGDMN cho trẻ em năm tuổi:

- Lồng ghép các chương trình, dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và nguồn lực hợp lý của nhân dân để thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Địa phương chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất theo nhu cầu thực tế, tổ chức hỗ trợ bữa ăn học đường cho trẻ ở nông thôn và các vùng khó khăn; kinh phí ngân sách bảo đảm đào tạo và trả lương giáo viên, hỗ trợ xây dựng phòng lớp học, phòng chức năng, nhà công vụ giáo viên, hỗ trợ trẻ em nghèo. Cha mẹ trẻ có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;

- Khuyến khích, huy động và ban hành cơ chế để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập phù hợp với Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá;

- Tại các vùng khó khăn có giải pháp thích hợp, huy động sự đóng góp công sức lao động của nhân dân cùng với ngân sách Nhà nước để xây dựng trường, lớp; kết hợp chính sách của địa phương với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức ăn bán trú hoặc thực hiện chương trình bữa ăn học đường tại lớp cho tất cả trẻ em năm tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để dạy tiếng Việt cho trẻ;

- Thực hiện việc phát triển các loại hình hoạt động theo quy định, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm đủ trường, lớp để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.

Phần V

KINH PHÍ

(Được xây dựng trên cơ sở Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015)

I. Nhu cầu kinh phí

1. Kinh phí xây dựng phòng học, phòng chức năng và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia: 480,8 tỷ đồng, bao gồm:

- Đầu tư xây dựng 363 phòng học để đạt tỷ lệ 1 lớp/1 phòng học với tỷ lệ kiên cố 100% từ năm 2013, mức chi phí đầu tư xây dựng bình quân một phòng diện tích 110m2 (đối với thành phố thị xã là 3,3 triệu đồng/m2; nông thôn là 3,5 triệu đồng/m2; miền núi, vùng sâu là 3,8 triệu đồng/m2), tổng cộng từ 2011 - 2015 tổng kinh phí xây dựng là 144,1 tỷ đồng;

- Đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ khối phòng chức năng khoảng 56.230m2, từ 2011 - 2015 tổng kinh phí là 168,69 tỷ đồng;

- Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho huyện Bác Ái khó khăn và các huyện, thành phố trong tỉnh, trường mầm non 16 tháng 4, với quy mô 7 nhóm, lớp/trường, bình quân 4,2 tỷ /trường; và có 40 trường theo đăng ký của mỗi huyện; dự kiến chi từ Chương trình mục tiêu (CTMT) giai đoạn 2011 - 2015, bắt đầu bố trí ngân sách từ năm 2011 trở đi. Tổng cộng là 168 tỷ đồng.

(Biểu 6: Nhu cầu kinh phí xây dựng phòng học, phòng chức năng và trường mầm non đạt chuẩn)

2. Kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ chơi: 22,385 tỷ đồng, bao gồm:

- Chi mua sắm trang thiết bị: 417 bộ thiết bị, đồ chơi tối thiểu cho các lớp mầm non 5 tuổi, bình quân 14,75 triệu đồng/bộ; tổng số tiền là: 6,150 tỷ đồng.

- Mua thiết bị nội thất dùng chung: 11,009 tỷ, (417 bộ, đơn giá 26,4 triệu/bộ);

- Mua 70 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non là 3,441 tỷ đồng, (49,150 triệu/ bộ);

- Mua 85 bộ thiết bị cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ, tin học: 1,785 tỷ đồng cho 1/3 số phòng học cho địa bàn thành phố, 1/5 số phòng học cho đồng bằng và 1/8 số phòng cho miền núi; bình quân mỗi bộ là 21 triệu đồng.

(Biểu 7: Nhu cầu mua sắm trang thiết bị, đồ chơi giai đoạn 2011 - 2015)

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em đến lớp là 27,05 tỷ đồng, bao gồm:

- Chi bồi dưỡng giáo viên từ sơ cấp lên trung cấp, thời gian đào tạo là 15 tháng cho 48 giáo viên với kinh phí đào tạo từ năm 2011- 2015 là 552 triệu đồng (chi phí đào tạo 2011 là 7,0 triệu đồng/năm/sinh viên (10 tháng); năm 2014 với chi phí đào tạo là 12,8 triệu đồng/năm) (không kể giáo viên nâng chuẩn từ trung cấp, cao đẳng lên cao đẳng và đại học);

- Chi đào tạo mới giáo viên trình độ cao đẳng thời gian đào tạo là 30 tháng cho 352 giáo viên với kinh phí đào tạo từ năm 2011 - 2015 là 8,14 tỷ đồng (chi phí đào tạo năm 2011 là 7,0 triệu đồng/năm (10 tháng) năm 2015 là 14,8 triệu/năm). Tổng số chi đào tạo, bồi dưỡng từ 2011 - 2015 là 8,69 tỷ đồng;

(Biểu 8: Chi đào tạo bồi dưỡng giáo viên giai đoạn 2011 - 2015)

- Chi trợ cấp cho trẻ em mầm non 5 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ không có nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; cha mẹ thuộc diện nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em là dân tộc thiểu số. Mức trợ cấp 120 nghìn đồng/tháng (một năm học 9 tháng), bình quân khoảng 3.500 trẻ em/năm được hưởng. Tổng số tiền trợ cấp từ năm 2011 - 2015 là 18,361 tỷ đồng.

(Biểu 9: Chi hỗ trợ cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015)

II. Cân đối nguồn kinh phí ước thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011 - 2015

Tổng kinh phí thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi là 530,24 tỷ đồng trong đó:

1. Ngân sách Nhà nước: 435,94 tỷ đồng, bao gồm:

a) Ngân sách địa phương hàng năm: ngân sách địa phương: là 25,00 tỷ đồng (bình quân 5,0 tỷ đồng/năm);

b) Ngân sách đề nghị Trung ương bổ sung để thực hiện Đề án: tổng kinh phí đề nghị bổ sung từ năm 2011 - 2015 là 410,94 tỷ đồng.

2. Nguồn ngân sách khác: 94,30 tỷ đồng bao gồm:

- Học phí ở các trường công lập tổng cộng từ 2011 - 2015 là 10,7 tỷ chiếm khoảng 2,02% trong tổng nguồn kinh phí chi cho thực hiện Đề án.

- Người dân chi học phí tại các trường ngoài công lập tổng cộng từ 2011 - 2015 là 4,7 tỷ chiếm khoảng 0,9% trong tổng nguồn kinh phí chi thực hiện Đề án.

- Tài trợ cộng đồng và các thành phần kinh tế khác: tổng cộng từ 2011 - 2015 là 78,90 tỷ.

(Biểu 10: Cân đối nguồn tài chính thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015)

Phần VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Lộ trình thực hiện: việc thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi được chia làm 2 giai đoạn, tương ứng với thời gian kết thúc Đề án kiên cố hoá trường học 2008 - 2012 của Chính phủ và khả năng thực hiện Chương trình GDMN mới.

1. Giai đoạn 2011 đến 2012:

- Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án, để chính quyền các cấp, các tổ chức và cá nhân ủng hộ, nhằm huy động từ 90-95% trẻ 5 tuổi ở mọi vùng đến lớp;

Tập trung vào đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số chưa được đến trường (13,1%) ở vùng khó khăn để bảo đảm 80% trẻ được học 2 buổi/ngày; vùng nông thôn huy động đạt 90% số trẻ mẫu giáo 5 tuổi thực hiện phổ cập;

- Thực hiện phân bổ và tăng ngân sách thường xuyên hàng năm theo định mức trên trẻ cho số trẻ công lập, bảo đảm 100% kinh phí cho trẻ tại vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn và các trường công lập vùng nông thôn; có chính sách hỗ trợ đối với trẻ thuộc hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách học tại trường ngoài công lập;

- Xây dựng mới 203 phòng học cho lớp mầm non năm tuổi ở các xã khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đồng bào dân tộc thiểu số và vùng nông thôn; tất cả các trường, lớp công lập đều đảm bảo tỷ lệ 1 lớp/1 phòng học; xây mới 22.000m2 khối phòng chức năng, phụ trợ và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em dân tộc, hộ nghèo bình quân 3500 trẻ/năm;

- Thành lập thêm các trường tư thục ở thành phố, thị xã;

- Thực hiện chương trình GDMN mới cho khoảng 395 lớp mầm non năm tuổi; trong đó thành phố, thị xã có 58 lớp; nông thôn đồng bằng 234 lớp và miền núi, vùng sâu vùng dân tộc 103 lớp;

- Cung cấp bộ thiết bị tối thiểu cho 395 lớp mầm non năm tuổi thực hiện chương trình mới, cung cấp 55 bộ đồ chơi và phần mềm trò chơi để cho trẻ làm quen với ứng dụng tin học cho trường, lớp có điều kiện;

- Bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn cho 48 giáo viên sơ cấp lên trình độ chuẩn và đào tạo bổ sung 353 giáo viên;

- Bổ sung chính sách, để giáo viên mầm non ngoài công lập được trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non; nghiên cứu, bổ sung các chế độ chính sách cho giáo viên và trẻ em thực hiện PCGDMN cho trẻ năm tuổi ở miền núi, nông thôn và các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn;

- Huy động thêm nguồn lực từ cộng đồng và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng;

- Sơ kết giai đoạn 1.

2. Giai đoạn 2013 đến 2015:

- Tiếp tục tập trung vào đối tượng trẻ em vùng khó khăn, vùng nông thôn để huy động đạt 100% số trẻ mầm non năm tuổi thực hiện phổ cập (trừ các trường hợp bất khả kháng);

- Phân bổ và tăng ngân sách thường xuyên hàng năm theo định mức trên trẻ cho trẻ học ở các trường, lớp công lập tại vùng đặc biệt khó khăn và vùng nông thôn; hỗ trợ đối với trẻ diện chính sách học tại các cơ sở ngoài công lập;

- Tiếp tục thực hiện xây mới 203 phòng học còn thiếu, 150 phòng học tăng thêm giai đoạn 2;

- Tiếp tục hoàn thiện 22.000m2 khối phòng chức năng, phụ trợ của giai đoạn một và 24.000m2 còn lại của giai đoạn 2 và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em dân tộc, hộ nghèo bình quân 3500 trẻ/năm;

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên đạt trình độ cao đẳng và đào tạo mới, bổ sung khoảng 40 giáo viên trong 3 năm; cung cấp tiếp 35 bộ đồ chơi và phần mềm trò chơi để cho trẻ làm quen với công nghệ thông tin cho trường, lớp có điều kiện;

- Cung cấp bộ thiết bị tối thiểu cho 26 lớp mẫu giáo năm tuổi thực hiện chương trình mới; bổ sung thiết bị, đồ chơi phải thay thế sau 3 năm;

- Thực hiện các chính sách hợp lý cho giáo viên và cán bộ quản lý;

- Nâng cao chất lượng các lớp thực hiện Chương trình GDMN mới và thực hiện Chương trình GDMN cho các lớp tăng thêm, đặc biệt ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;

- Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án phổ cập mẫu giáo năm tuổi, chuẩn bị cho giai đoạn 2016 - 2020.

II. Trách nhiệm của các sở, ban ngành

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011 - 2015; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, xây dựng các Đề án chi tiết, cụ thể hoá những nội dung của Đề án này để triển khai thực hiện;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư cho PCGDMN cho trẻ em năm tuổi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2011 - 2015, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Hướng dẫn và triển khai bộ Chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi; hướng dẫn tiêu chuẩn và quy trình công nhận PCGDMN cho trẻ em năm tuổi;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản pháp quy, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi tại địa phương; củng cố và kiện toàn lại ban chỉ đạo phổ cập xoá mù chữ tại địa phương;

- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án; tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban ngành địa phương tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi và phát triển GDMN, bảo vệ quyền trẻ em được học đầy đủ Chương trình GDMN trước khi vào học lớp 1;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ em mầm non.

3. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng trong các trường, lớp mầm non theo các mục tiêu phổ cập; phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục tại gia đình.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, thẩm định kế hoạch, đầu tư cho PCGDMN cho trẻ em năm tuổi vào Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2011 - 2015 và lồng ghép các chương trình, nguồn kinh phí khác trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn đầu tư để triển khai thực hiện.

5. Sở Tài chính:

- Bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho GDMN để đảm bảo các mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án; kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định của Luật Ngân sách;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lập dự toán, quyết toán ngân sách thuộc Đề án theo quy định hiện hành và triển khai cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015.

6. Sở Nội vụ: hướng dẫn chính sách mới đối với giáo viên mầm non, tham mưu sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về giáo viên, cán bộ quản lý GDMN thuộc các loại hình nhà trường phù hợp với tình hình thực tế địa phương; bố trí đủ giáo viên cho các cơ sở GDMN.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quy hoạch và dành quỹ đất cho xây dựng đủ các công trình trường, lớp học, phòng chức năng, theo hướng đạt chuẩn.

8. Ủy ban nhân dân các cấp:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch theo đúng quy định Nhà nước cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn;

- Chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt trên 95%;

- Chỉ đạo việc dành quỹ đất, xây dựng đủ phòng học, bảo đảm thuận tiện cho việc thu hút trẻ em đi học trên địa bàn; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDMN mới; thực hiện nghiêm các chính sách phát triển GDMN do các cấp ban hành liên quan đến phát triển GDMN của địa phương; bảo đảm bố trí đủ ngân sách chi cho phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi và GDMN nói chung theo quy định hiện hành;

- Chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và các chế độ chính sách khác đối với giáo viên mầm non trên địa bàn theo đúng quy định;

- Huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ về cơ sở vật chất, giáo viên và tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em dân tộc, miền núi để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi có chất lượng;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện PCGDMN cho trẻ năm tuổi trên địa bàn.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, các tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực phát triển GDMN, vận động trẻ em đến lớp, thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi.

 

Biểu 1

QUY MÔ TRẺ EM NĂM TUỔI ĐẾN LỚP CÔNG LẬP VÀ NGOÀI CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

NỘI DUNG

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Mẫu giáo 5 tuổi

 

 

 

 

 

 

Tỷ lệ huy động

95,0%

95,5%

96,0%

96,5%

97,0%

98,0%

Số học sinh 5 tuổi

9.771

9.740

9.884

10.030

10.177

10.379

- Công lập

9.067

8.961

9.044

9.127

9.210

9.341

- Ngoài công lập

704

779

840

903

967

1.038

Tỷ lệ % ngoài công lập

7,2%

8,0%

8,5%

9,0%

9,5%

10%

Dân số 5 tuổi

10.286

10.199

10.296

10.394

10.492

10.591

1. Thành phố

 

 

 

 

 

 

Dân số

2.336

2.452

2.453

2.476

2.499

2.523

Tỷ lệ huy động

98,2

98,5

98,7

99,0

99,5

99,8

Số học sinh 5 tuổi

2.294

2.415

2.421

2.451

2.487

2.518

- Công lập

1.682

1.741

1.715

1.711

1.714

1.716

- Ngoài công lập

654

711

738

765

785

807

Tỷ lệ % ngoài công lập

28,0%

29,0%

30,1%

30,9%

31,4%

32,0%

2. Thị trấn, nông thôn

 

 

 

 

 

 

Dân số

6.002

5.730

5.807

5.863

5.918

5.974

Tỷ lệ huy động

91,5%

92,3%

93,1%

93,9%

94,2%

94,7%

Số học sinh 5 tuổi

5.492

5.289

5.406

5.505

5.575

5.657

- Công lập

5.442

5.221

5.304

5.367

5.393

5.426

- Ngoài công lập

50

68

102

138

182

231

Tỷ lệ % ngoài công lập

0,91

1,29

1,89

2,51

3,26

4,08

3. Vùng đặc biệt khó khăn

 

 

 

 

 

 

Dân số

1.948

2.017

2.036

2.055

2.075

2.094

Tỷ lệ huy động

88,5%

89,8%

91,1%

92,4%

93,7%

93,7%

Số học sinh 5 tuổi

1.724

1.811

1.855

1.899

1.944

1.962

- Công lập

1.724

1.811

1.855

1.899

1.944

1.962

- Ngoài công lập

0

0

0

0

0

0

Tỷ lệ % ngoài công lập

0,0%

0,0%

0,0%

0,0%

0,0%

0,0%

 

Biểu 2

SỐ LƯỢNG GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

NỘI DUNG

2011

2012

2013

2014

2015

Số giáo viên/lớp

2

2

2

2

2

I. Tổng cộng giáo viên

778

790

802

814

830

 - Công lập

720

732

738

744

756

 - Ngoài công lập

58

58

64

70

74

1. Thành phố

162

162

164

166

168

 - Công lập

114

114

114

114

114

 - Ngoài công lập

48

48

50

52

54

2. Thị trấn, nông thôn

418

420

420

422

428

 - Công lập

408

410

406

404

408

 - Ngoài công lập

10

10

14

18

20

3. Vùng đặc biệt khó khăn

198

206

216

228

234

 - Công lập

198

206

216

228

234

 - Ngoài công lập

-

-

-

-

 -

II. Cán bộ quản lý

212

214

214

219

224

 - Công lập

175

177

177

177

177

 - Ngoài công lập

37

37

37

42

47

III. Số giáo viên cần nâng chuẩn

 

 

 

 

 

Số giáo viên cần đào tạo, bồi dưỡng

48

-

-

-

-

IV. Số giáo viên còn thiếu

 

 

 

 

 

Số giáo viên cần tuyển hàng năm

341 

12 

12 

12 

16 

 

Biểu 3

SỐ LƯỢNG PHÒNG HỌC LOẠI HÌNH CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

NỘI DUNG

2010

2011

2012

2013

2014

2015

I. Tổng cộng phòng học

366

389

395

401

407

417

Tỷ lệ lớp kiên cố

16,7

30,8

 64,5

94,7

100

100

Số phòng kiên cố

52

120

255

380

407

415

Số phòng bán kiên cố

170

155

100

21

-

-

1. Thành phố

41

58

58

58

58

59

Tỷ lệ lớp/phòng học

0,7

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

- Tỷ lệ kiên cố

19,5

50

80

100

100

100

- Tỷ lệ bán kiên cố

68,3

50

20

Số phòng kiên cố

8

29

46

58

58

59

Số phòng bán kiên cố

28

28

12

-

-

-

2. Thị trấn, nông thôn

228

232

234

235

235

241

Tỷ lệ lớp/phòng học

0,7

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

- Tỷ lệ kiên cố

10,5

17,7

54,3

 91,1

 100

100

- Tỷ lệ bán kiên cố

2,9

41,8

28,6

8,9 

-

-

Số phòng kiên cố

24

41

127

214

235

241

Số phòng bán kiên cố

75

97

67

21

-

-

3. Vùng đặc biệt khó khăn

97

99

103

108

114

117

Tỷ lệ lớp/phòng học

 0,9

1,00

1,00

1,00

1,00

1,00

- Tỷ lệ kiên cố

20,6

50

 80

100

100

100

- Tỷ lệ bán kiên cố

69,0

30

20

Số phòng kiên cố

20

50

82

108

114

117

Số phòng bán kiên cố

67

30

21

-

-

-

 

Biểu 4

NHU CẦU KHỐI PHÒNG HỌC CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

Huyện, thành phố

Nhu cầu khối phòng học chức năng giai đoạn 2011 - 2015

Tổng cộng diện tích xây dựng (m2)

Nhóm 1: khối phòng hành chính quản trị và phòng chức năng

Nhóm 2: khối phòng phục vụ học tập

Diện tích xây dựng (m2)

Số vốn đầu tư (trđ)

Diện tích xây dựng (m2)

Số vốn đầu tư (trd)

1

Ninh Phước

3.234,90

10.352

6.959,96

22.272

10.194,86

2

Ninh Sơn

2.322,55

7.432

5.909,40

18.910

8.231,9

3

Ninh Hải

2.605,15

8.336

6.566,00

21.011

9.171,1

4

Bác Ái

2.077,25

6.647

5.778,08

18.490

7.855,33

5

Thuận Bắc

1.600,00

5.120

4.202,24

13.447

5.802,24

6

Thuận Nam

1.525,65

4.882

3.676,96

11.766

5.202,61

7

Phan Rang-Tháp Chàm

2.810,10

8.992

6.959,96

22.272

9.770,06

 

Tổng cộng

16.175,60

51.762

40.052,60

128.168

56.228,20

 

Biểu 5

DANH SÁCH CÁC XÃ, PHƯỜNG, HUYỆN, THÀNH PHỐ ĐĂNG KÝ ĐẠT CHUẨN PHỔ CẬP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

STT

Xã, phường, thị trấn

Năm đạt chuẩn

STT

Xã, phường, thị trấn

Năm đạt chuẩn

I

TP Phan Rang-Tháp Chàm

2013

IV

Huyện Thuận Bắc

2012

1

Phường Đô Vinh

2011

1

Xã Công Hải

2012

2

Phường Bảo An

2011

2

Xã Lợi Hải

2012

3

Phường Phước Mỹ

2011

3

Xã Phước Chiến

2012

4

Phường Kinh Dinh

2011

4

Xã Phước Kháng

2012

5

Phường Tấn Tài

2011

5

Xã Bắc Sơn

2012

6

Phường Phủ Hà

2012

6

Xã Bắc Phong

2012

7

Phường Đạo Long

2012

V

Huyện Ninh Hải

2014

8

Phường Mỹ Đông

2012

1

Xã Phương Hải

2012

9

Phường Mỹ Bình

2012

2

 Xã Khánh Hải

2012

10

Phường Mỹ Hải

2012

3

Xã Tri Hải

2012

11

Xã Văn Hải

2012

4

Xã Thanh Hải

2013

12

Phường Đài Sơn

2013

5

Xã Xuân Hải

2013

13

Phường Mỹ Hương

2013

6

Xã Vĩnh Hải

2013

14

Phường Thanh Sơn

2013

7

Xã Nhơn Hải

2014

15

Phường Đông Hải

2013

8

Xã Tân Hải

2014

16

Xã Thành Hải

2013

9

Xã Hộ Hải

2014

II

Huyện Ninh Sơn

2013

VI

Huyện Bác Ái

2015

1

Thị trấn Tân Sơn

2011

1

Xã Phước Hoà

2013

2

Xã Nhơn Sơn

2011

2

Xã Phước Đại

2013

3

Xã Mỹ Sơn

2012

3

Xã Phước Chính

2013

4

Xã Lâm Sơn

2012

4

Xã Phước Bình

2013

5

Xã Lương Sơn

2012

5

Xã Phước Tiến

2013

6

Xã Quảng Sơn

2012

6

Xã Phước Thành

2014

7

Xã Hoà Sơn

2013

7

Xã Phước Tân

2014

8

Xã Ma Nới

2013

8

Xã Phước Trung

2014

 

 

 

9

Xã Phước Thắng

2015

III

Huyện Ninh Phước

2013

VII

Huyện Thuận Nam

2013

1

Xã Phước Dân

2012

1

Xã Nhị Hà

2012

2

Xã An Hải

2012

2

Xã Phước Minh

2012

3

Xã Phước Sơn

2012

3

Xã Phước Hà

2012

4

Xã Phước Vinh

2012

4

Xã Cà Ná

2012

5

Xã Phước Thuận

2012

5

Xã Phước Nam

2012

6

Xã Phước Hải

2012

6

Xã Phước Dinh

2012

7

Xã Phước Thái

2013

7

Xã Phước Diêm

2013

8

Xã Phước Hậu

2013

8

Xã Phước Ninh

2013

9

Xã Phước Hữu

2013

 

 

 

 

Biểu 6

NHU CẦU KINH PHI XÂY DỰNG PHÒNG HỌC, PHÒNG CHỨC NĂNG VÀ TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Năm

Xây dựng thêm phòng học mới

Xây dựng khối phòng chức năng

Xây dựng trường đạt chuẩn

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

Số lượng

(phòng)

Kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(m2)

Kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(trường)

Kinh phí

 (tỷ đồng)

2011

68

27,0

12.000

36

2

8,4

71,4

2012

135

53,6

10.000

30

6

25,2

108,8

2013

125

49,6

15.000

45

9

37,8

132,4

2014

27

10,7

10.200

30,6

16

67,2

108,5

2015

8

3,2

9.030

27,09

7

29,4

59,7

Cộng

363

144,1

56.230

168,69

40

168

480,8

 

Biểu 7

NHU CẦU MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ, ĐỒ CHƠI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Năm

Thiết bị cho 1 lớp học

Thiết bị nội thất dùng chung cho một lớp

Đồ chơi ngoài trời cho một trường mầm non

Thiết bị cho trẻ em  làm quen với ngoại ngữ - tin học

Tổng kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng (bộ)

Kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(bộ)

Kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(bộ)

Kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(bộ)

Kinh phí

(tỷ đồng)

2011

317

4,68

317

8,37

20

0,98

35

0,74

14,77

2012

74

1,11

74

1,95

15

0,74

20

0,42

4,22

2013

12

0,18

12

0,32

15

0,74

10

0,21

1,45

2014

6

0,09

6

0,16

10

0,49

10

0,21

0,95

2015

8

0,12

8

0,21

10

0,49

10

0,21

1,03

Cộng

417

6,18

417

11,01

70

3,44

85

1,79

22,42

 

Biểu 8

CHI ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Năm

Bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên

Đào tạo mới giáo viên

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

Số lượng (giáo viên)

Kinh phí (tỷ đồng)

Số lượng (giáo viên)

Kinh phí (tỷ đồng)

2011

48

0,55

341

7,06

7,61

2012

-

-

12

0,25

0,25

2013

-

-

12

0,25

0,25

2014

-

-

12

0,25

0,25

2015

-

-

16

0,33

0,33

Cộng

48

0,55

352

8,14

8,69

 

Biểu 9

CHI HỖ TRỢ CHO TRẺ NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Năm

Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi khu vực thành thị

Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi khu vực đồng bằng

Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi khu vực miền núi

Tổng số trẻ em được hỗ trợ ăn trưa

Tổng kinh phí

(tỷ đồng)

Số lượng

(trẻ em)

Kinh phí (tỷ đồng)

Số lượng

(trẻ em)

Kinh phí (tỷ đồng)

Số lượng

(trẻ em)

Kinh phí (tỷ đồng)

2011

207

0,22

1.383

1,49

1.948

2,10

3.538

3,82

2012

143

0,15

1.269

1,37

2.017

2,18

3.429

3,70

2013

149

0,16

1.342

1,45

2.017

2,18

3.508

3,79

2014

168

0,18

1.235

1,33

1.879

2,03

3.282

3,54

2015

126

0,14

1.362

1,47

1.756

1,90

3.244

3,50

Cộng

793

0,85

6.591

7,11

9.617

10,39

17.001

18,36

 

Biểu 10

CÂN ĐỐI NGUỒN TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PCGDMN CHO TRẺ EM NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Đơn vị: tỷ đồng

NỘI DUNG

2011 - 2015

2011

2012

2013

2014

2015

I. Nhu cầu kinh phí (1+2+3)

530,24

97,6

116,97

137,89

113,25

65,56

1. Đầu tư xây dựng CSVC

480,8

71,4

108,8

132,4

108,5

59,7

- Xây dựng phòng học

144,1

27

53,6

49,6

10,7

3,2

- Xây dựng khối phòng chức năng

168,7

36

30

45

30,6

27,1

- Xây dựng 40 trường chuẩn

168

8,4

25,2

37,8

67,2

29,4

Nguồn vốn thực hiện

480,8

71,4

108,8

132,4

108,5

59,7

- Ngân sách khác dành cho xây dựng cơ bản

88,43

16,38

18,09

21,14

16,81

16,01

- Vốn đầu tư XDCB hàng năm từ trung ương

392,37

54,92

90,81

111,26

91,69

43,69

+ Vốn ODA

144,2

16,6

34,5

42,7

35,8

14,6

+ Vốn Chương trình MTQG 2011-2015

248,17

38,32

56,31

68,56

55,89

29,09

2. Mua sắm thiết bị, đồ chơi

22,39

14,77

4,22

1,45

0,95

1,03

- Đồ chơi cho 1 lớp học

6,15

4,68

1,11

0,18

0,09

0,12

- Thiết bị nội thất dùng chung

11,01

8,37

1,95

0,32

0,16

0,21

- Đồ chơi ngoài trời

3,44

0,98

0,74

0,74

0,49

0,49

- Thiết bị làm quen ngoại ngữ - tin học

1,79

0,74

0,42

0,21

0,21

0,21

Nguồn vốn thực hiện

22,39

14,77

4,22

1,45

0,95

2,03

- Ngân sách khác dành cho mua sắm

2,25

0,8

0,44

0,38

0,33

0,33

- Ngân sách địa phương

20,14

13,97

3,78

1,07

0,62

1,7

3. Đào tạo bồi dưỡng giáo viên và trợ cấp cho trẻ em 5 tuổi

27,05

11,43

3,95

4,04

3,8

3,83

- Bồi dưỡng cho giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn

0,55

0,55

 

 

 

 

- Đào tạo mới giáo viên

8,14

7,06

0,25

0,25

0,25

0,33

- Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi

18,36

3,82

3,7

3,79

3,55

3,5

Nguồn vốn thực hiện

27,05

11,43

3,95

4,04

3,8

3,83

- Ngân sách địa phương

4,86

0,5

1,2

1,56

1,1

0,5

- Ngân sách Trung ương bổ sung

18,57

9,98

1,89

1,64

2,21

2,85

- Ngân sách khác dành cho đào tạo, BD

3,62

0,95

0,86

0,84

0,49

0,48

II. Nguồn kinh phí thực hiện (1+2+3)

530,24

97,6

116,97

137,89

113,25

65,56

1. Ngân sách địa phương hàng năm

25

14,47

4,98

2,63

1,72

2,2

Ngân sách địa phương

25

14,47

4,98

2,63

1,72

2,2

2. Ngân sách Trung ương bổ sung

410,94

64,9

92,7

112,9

93,9

46,54

- Chương trình MTQG 2011 - 2015

266,74

48,3

58,2

70,2

58,1

31,94

- Dự án ODA

144,2

16,6

34,5

42,7

35,8

14,6

3. Nguồn ngân sách khác

94,3

18,13

19,39

22,36

17,63

16,82

- Học phí công lập

10,7

2,4

2,1

2,2

2,3

1,7

- Học phí trường ngoài công lập

4,7

0,8

0,7

0,9

1,1

1,2

- Tài trợ cộng đồng và các thành phần kinh tế

78,9

14,93

16,59

19,26

14,23

13,92

[1] Thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn.

[2] Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2011/QĐ-UBND về đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 49/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản