Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂNDÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2006/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 12 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/2006/NQ-HĐND NGÀY 04/5/2006 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI ĐẤT MÀU VÀ KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương; Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 07/7/2006 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn kèm theo Quyết định số 19/2001/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Nam;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 783/TTr-NN& PTNT-KT ngày 08/8/2006;

Để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/2006/NQ-HĐND NGÀY 04/5/2006 CỦA HĐND TỈNH VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI ĐẤT MÀU VÀ KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2006/QĐ-UBND Ngày 12/10/2006 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về “tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động với những nội dung cụ thể như sau:

I. QUÁN TRIỆT QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương là yêu cầu bức thiết cần phải quan tâm nhằm giải quyết lương thực tại chỗ, sản xuất lương thực hàng hóa, góp phần hữu hiệu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

2. Thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp là chính.

3. Ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi đất màu cho những vùng có suất đầu tư thấp, mang lại hiệu quả nhanh, thiết thực. Xây dựng công trình thủy lợi nhỏ cho những vùng đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là miền núi. Tiến hành kiên cố kênh mương những đoạn xung yếu qua vùng cát mất nước nhiều, vùng thâm canh cao, vùng tưới bằng công trình trạm bơm điện, vùng thị trấn, thị tứ để tạo cảnh quan.

4. Đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư như vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích tư nhân, cơ sở đầu tư bằng vốn vay ngân hàng và lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, tổ chức khác để thực hiện.

5. Tổ chức tuyên truyền, vận động cho mọi người dân nhận thức tham gia thực hiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tổ chức công khai dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã phường trong việc quyết định đóng góp của nông dân.

II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu:

Căn cứ vào khả năng ngân sách của tỉnh và các nguồn vốn khác, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định tổng mức bố trí để thực hiện chương trình trong ngân sách hàng năm.

- Từ năm 2006 trở đi toàn tỉnh tập trung đầu tư xây dựng mỗi năm ít nhất 10 công trình thủy lợi hoá đất màu, chú ý tập trung thí điểm ở các vùng bãi bồi ven các sông Thu Bồn - Vu Gia, Tam Kỳ và Trường Giang. Kết hợp với vốn ngân sách tỉnh, các huyện, thị xã cân đối nguồn ngân sách địa phương và tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ khác; mỗi huyện, thị xã tập trung thực hiện mỗi năm ít nhất từ 3 đến 5 công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi đất màu, để đến năm 2010 diện tích được tưới tăng thêm là 4.000ha, trong đó lúa 1.000ha và màu 3.000ha.

2. Kiên cố hóa kênh mương:

Từ năm 2006 - 2010 tiếp tục đầu tư kiên cố 800km kênh loại III và 90km kênh loại II với tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương đóng góp cho kênh loại III là 120 tỷ đồng, phần còn lại là vốn ngân sách tỉnh, huyện thị xã và các nguồn vốn khác.

Phân ra các năm như sau:

Năm

Kênh loại II

Kênh loại III

Kế hoạch vốn tỉnh

(tỷ đồng)

Địa phương đóng góp 50% (tỷ đồng)

Chiều dài (km)

Vốn

(tỷ đồng)

Chiều dài (km)

Vốn

(tỷ đồng)

Kênh loại II

Kênh loại III (50%)

2006

10

6

100

30

6

15

15

2007

30

18

150

45

18

22.5

22.5

2008

40

24

200

60

24

30

30

2009

40

24

200

60

24

30

30

2010

30

18

150

45

18

22.5

22.5

Cộng

150

90

800

240

90

120

120

Trong giai đoạn này, tiến hành kiên cố hóa kênh mương đi qua vùng đất cát mất nước nhiều, kênh của các trạm bơm, kênh mương vùng thâm canh cao, kênh mương vùng thị trấn, thị tứ và các HTX có khả năng thực hiện, đặc biệt chú ý đến phần kênh mương trong hệ thống các công trình thủy lợi do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý đã phân cấp cho các địa phương.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

- Thực hiện việc phân cấp đầu tư XDCB của tỉnh cho các huyện, thị xã và Quyết định 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố kênh mương; Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 07/7/2006 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn kèm theo Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Nam. Để được giao kế hoạch năm đến thì trong tháng 10 hàng năm các địa phương phải nộp đủ hồ sơ (Dự án đầu tư đối với công trình thủy lợi từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc đối với kênh loại II, báo cáo đầu tư đối với công trình thủy lợi dưới 3 tỷ đồng hoặc thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với kênh loại III) được duyệt. Kế hoạch, chỉ tiêu phải được thông báo vào đầu năm (tháng 1, 2) để tổ chức triển khai thi công và hoàn thành trong năm.

- Năm 2006 chọn 3 xã ở các huyện Đại Lộc, Điện bàn và Duy Xuyên có bãi bồi ven sông nhưng chưa có công trình thủy lợi hóa đất màu để xây dựng thí điểm công trình thủy lợi đất màu nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo triển khai trên diện rộng.

- Các huyện, thị xã phải lập xong kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương hàng năm trình UBND tỉnh vào tháng 10 để tổng hợp và báo cáo HĐND tỉnh xem xét quyết định nguồn vốn đầu tư năm sau.

IV. PHẦN GIAO NHIỆM VỤ

Để thực hiện Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh đạt hiệu quả, UBND tỉnh phân giao nhiệm vụ các ngành và địa phương như sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT là đơn vị quản lý ngành về mặt Nhà nước có trách nhiệm thay mặt UBND tỉnh điều hành chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa kênh mương.

- Theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công trình thủy lợi hóa đất màu thí điểm để rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. Tham mưu UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu và qui trình lập dự toán của các công trình thuộc chương trình kiên cố kênh mương loại III nhằm giảm giá thành xây dựng.

- Giám sát việc thực hiện chương trình theo kế hoạch, quy hoạch của ngành và chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi về mặt kỹ thuật đảm bảo công trình ổn định, lâu dài.

- Tranh thủ các dự án và nguồn vốn của nước ngoài, của Trung ương cũng như tham mưu lồng ghép các chương trình và nhất là ưu tiên xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới cho vùng chuyên canh cây công nghiệp nhằm phát triển kinh tế hàng hóa.

- Tiếp tục triển khai kế hoạch phân cấp công trình thủy lợi cho địa phương hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán vận hành khai thác đối với công trình thủy lợi trong hệ thống hiện do Công ty Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh quản lý (hiện đã bàn giao 3 trạm bơm cho huyện Điện Bàn).

- Phối hợp với các đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

- Trong năm 2006 tập trung chỉ đạo xây dựng 1 đến 2 xã có công trình thủy lợi hóa đất màu thí điểm nhằm rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng trong những năm kế tiếp.

2. Sở Tài chính:

- Cân đối kế hoạch tài chính hàng năm để tham mưu UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ vốn đúng như tiến độ của Nghị quyết.

- Tìm cách tạo nguồn và cơ chế huy động vốn nhằm tăng cường nguồn vốn cho chương trình thực hiện có hiệu quả.

- Tham mưu cho UBND Tỉnh cân đối ngân sách và khả năng trả nợ và có phương án vay vốn trong kế hoạch hàng năm để vay theo cơ chế của Chính phủ đầu tư kiên cố hóa kênh mương.

- Kiểm soát vốn ngân sách và phân bổ vốn hỗ trợ kịp thời để kích cầu thực hiện tiến độ đề ra.

- Hướng dẫn địa phương, cơ sở nghiệm thu, quyết toán các hạng mục đầu tư trong quá trình thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương.

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001 của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 07/7/2006 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố kênh mương và giao thông nông thôn kèm theo Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Nam.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

- Xây dựng tiêu chí phân bổ nguồn vốn XDCB của tỉnh cho kiên cố kênh mương loại II, thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu. Tổng hợp kế hoạch kiên cố hóa kênh loại II, kế hoạch thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu vào tháng 10 hàng năm để báo cáo UBND tỉnh cân đối vốn trình HĐND tỉnh quyết định kịp triển khai thực hiện trong đầu năm đến.

- Lập kế hoạch vay vốn hỗ trợ của Trung ương hàng năm để thực hiện kiên cố hóa kênh mương.

4. Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các thủ tục đất đai xây dựng công trình thủy lợi và xử lý đất thừa, thiếu nếu có trong việc thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương được nhanh chóng, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và tư nhân đầu tư vốn xây dựng.

5. Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm đôn đốc Kho bạc huyện, thị xã kiểm soát và giải ngân nhanh, nhất là kênh loại III nhằm tạo điều kiện thực hiện đạt tiến độ.

6. Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cũng như chủ động giúp tỉnh lập kế hoạch tìm nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình.

7. Đề nghị UBMT Tổ quốc, đoàn thể và Hội các cấp trong kế hoạch hàng năm của tổ chức mình tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của nhằm thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh có kết quả và thể hiện bằng những công trình thiết thực mang tên tổ chức mình ở địa phương.

- UBMTTQVN tỉnh vận động các Hội, các đoàn thể, các đơn vị tổ chức kinh tế và kêu gọi nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ tham gia hỗ trợ góp phần thực hiện chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương.

- Hội Nông dân Việt Nam tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Hội Nông dân cơ sở vận động nông dân tham gia đóng góp công sức, tiền của và có thể vận động những nông dân có nghề xây dựng thành lập các tổ, nhóm thực hiện công trình kiên cố kênh mương loại III nhằm tạo điều kiện thu nhập thêm hoặc giảm bớt mức đóng góp trực tiếp bằng tiền.

- Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức hội cơ sở vận động nữ nông dân tham gia và động viên tạo mọi điều kiện cho người thân tham gia thực hiện chương trình kiên cố kênh mương ở địa phương.

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đoàn cơ sở vận động thanh niên nông thôn thành những tổ nhóm xung kích tham gia xây dựng công trình ở địa phương.

- Hội Cựu chiến binh tỉnh chỉ đạo các hội cơ sở vận động hội viên tham gia vào các công việc giám sát việc thực hiện các công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương loại III; thực hiện, giám sát triển khai kênh loại II trên địa bàn.

- Tổ chức phổ biến quán triệt Nghị quyết của HĐND tỉnh và Chương trình hành động của UBND tỉnh đến người dân.

- Lập kế hoạch thực hiện hàng năm phù hợp với yêu cầu điều kiện của từng địa phương và đúng theo quy định, trong đó xác định rõ nguồn đầu tư của địa phương và đóng góp của nhân dân. Phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ kịp thời cho các địa phương và lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, các tổ chức được đầu tư trên địa bàn để thực hiện chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương đạt kết quả cao.

- Mỗi huyện, thị tổ chức triển khai ít nhất một xã điểm thực hiện thủy lợi hóa đất màu để rút kinh nghiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

- Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp giám sát các địa phương trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện công trình để đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chất lượng đã đề ra.

9. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương loại III trong phạm vi đơn vị mình.

- Đây là công trình có sự đóng góp của nhân dân nên tổ chức nhân dân họp bàn thống nhất đóng góp xây dựng để kế hoạch xây dựng có tính khả thi cao.

- Tổ chức triển khai huy động lao động tiến hành xây dựng công trình có sự giám sát của người hưởng lợi, nghiệm thu quyết toán báo cáo với cơ quan Nhà nước và công khai trước dân.

- Được tổ chức thành lập các tổ đội xây dựng ở các xã phường, thôn xóm, HTX, những nông dân có tay nghề xây dựng để làm kiên cố kênh mương loại III.

- Kiểm soát nguồn vốn đóng góp của nhân dân và công khai tất cả các nguồn vốn đóng góp xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương kịp thời và rộng rãi nhằm huy động toàn lực thực hiện chương trình có hiệu quả.

- Tiếp nhận, quản lý và đưa vào sử dụng các công trình trên địa bàn được bàn giao; bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm sử dụng hiệu quả lâu dài.

10. Các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình) ở địa phương tăng thời lượng phát chương trình khuyến nông - khuyến lâm- khuyến ngư để tuyên truyền, hướng dẫn và đưa tin kịp thời người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương.

11. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn với tình quân dân tham gia thực hiện, có những công trình tình nghĩa về thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương.

12. Văn phòng UBND tỉnh:

Có trách nhiệm giúp UBND tỉnh đôn đốc các địa phương, các ngành thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo kịp thời để tỉnh có hướng chỉ đạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, các địa phương, các ngành ngoài việc thực hiện các biện pháp cụ thể nêu trên cần:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động của tỉnh đến từng người dân, tạo sự nhận thức sâu sắc trong nhân dân để mọi người cùng tích cực tham gia đóng góp thực hiện.

- Phát động phong trào thi đua xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương rộng khắp trên địa bàn. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và kịp thời khen thưởng các đơn vị, địa phương có thành tích cao để động viên kích cầu tham gia nhằm hoàn thành tốt nội dung của Nghị quyết./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006-2010

  • Số hiệu: 49/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản