Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 483/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 04 tháng 3 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU BÔNG VẢI TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 41/TTr-SNN ngày 11 tháng 02 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Quy hoạch Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tỉnh Sơn La đến năm 2020 với các nội dung sau:

1. Quan điểm phát triển

Phát triển vùng nguyên liệu bông vải theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của cây bông, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái; Chú trọng xây dựng và mở rộng diện tích vùng chuyên canh bông có tưới; Xây dựng các trang trại trồng bông ở nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển cây bông vải; Gắn với chế biến sản phẩm bông, vải sợi và hình thành và phát triển các làng nghề may, gia công phục vụ may mặc xuất khẩu.

Phát triển quy mô vùng nguyên liệu bông vải trên địa bàn tỉnh Sơn La theo quy định Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 nhằm đáp ứng, cung cấp nguyên liệu bông xơ sản xuất trong nước cho ngành dệt may.

Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cùng hỗ trợ của Nhà nước cho đầu tư phát triển cây bông vải, gắn kết lợi ích giữa gia công chế biến, tiêu thụ với lợi ích của người trồng bông.

Khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu bông vải theo một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây: Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với đại diện tổ chức của nông dân hoặc nông dân; Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân; Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân; Liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân”.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển vùng nguyên liệu bông vải gắn với phát triển công nghiệp chế biến Bông vải với quy mô hợp lý trên cơ sở sử dụng hiệu quả đất đai ở các vùng hoang hóa, khô cằn, đất trống đồi núi trọc và những nơi canh tác nông nghiệp đạt năng suất thấp, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở các vùng khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng, cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xúc tiến thương mại, tạo sản lượng và giá cả ổn định, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, tạo lợi ích và động lực cho người sản xuất, kinh doanh. Góp phần giảm nhập siêu bông cho ngành dệt may Việt Nam, đạt được mục tiêu chung của Chương trình phát triển cây Bông vải của toàn quốc.

Khuyến khích các thành phần kinh tế vào việc phát triển vùng nguyên liệu bông vải.

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn để từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư, giữ vững trật tự an ninh chính trị trên địa bàn.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020

Diện tích đạt 5.100 ha trong đó phát triển diện tích bông có tưới là 450 ha, tổng sản lượng đạt 7.365 tấn bông hạt.

Phát triển cơ sở chế biến bông, sợi, công nghiệp phụ trợ từ sản phẩm Bông vải. Tỷ trọng Bông hạt được sơ chế, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng trên địa bàn đạt trên 80%.

Hình thành 01 trại sản xuất giống bông. Tạo việc làm cho 10.000 lao động.

- Đến năm 2025

Diện tích đạt 15.886 ha trong đó phát triển diện tích Bông có tưới 880 ha; Sản lượng đạt 24.862 tấn.

Hình thành và phát triển ít nhất 01 cơ sở chế biến bông quy mô trên 15.000 tấn bông hạt/năm gắn với chế biến bông xơ, chế biến tách hạt, đóng gói, bảo quản sợi tại huyện Phù Yên; Ít nhất 02 nhà máy cán bông cơ sở tại huyện Sông Mã và huyện Mường La đáp ứng cán bông đóng kiện với công suất trên 3.000 tấn bông hạt/năm/nhà máy, thuận lợi cho việc vận chuyển. Tạo việc làm cho 25.000 lao động.

3. Nội dung Quy hoạch Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

a) Quy hoạch diện tích, sản lượng trồng bông

- Diện tích trồng bông đến năm 2020: 5.100 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 450 ha; năm 2025: 15.886 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 880 ha. Cụ thể các huyện như sau:

+ Huyện Phù Yên: Đến năm 2020: 1.136 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 200 ha; Đến năm 2025: 4.829 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 306 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Tân Phong, Bắc Phong, Nam Phong, Đá Đỏ, Tường Tiến, Tường Hạ, Tường Phong, Sập Sa, Suối Bau và Tường Thượng.

+ Huyện Bắc Yên: Đến năm 2020: 1.128 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 150 ha; Đến năm 2025: 4.534 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 350 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Song Pe, Làng Chiếu, Mường Khoa, Tạ Khoa, Chim Vàn, Hua Nhàn, Hồng Ngài, Phiêng Ban, Chiềng Sại, Bắc Ngà và Phiêng Côn.

+ Huyện Yên Châu: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 380 ha; Đến năm 2025: 380 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Sập Vạt, Chiềng Đông, Chiềng Hặc.

+ Huyện Mai Sơn: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 344 ha; Đến năm 2025: 1.067 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Tà Hộc, Chiềng Chăn, Chiềng Nơi và Phiêng Pằn.

+ Huyện Mộc Châu: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 400 ha; Đến năm 2025: 650 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Hua Păng, Quy Hướng, Tân Hợp, Nà Mường và Tà Lại.

+ Huyện Sông Mã: Đến năm 2020: 500 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 100 ha; Đến năm 2025: 2.193 ha, trong đó diện tích trồng bông có tưới: 224 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Yên Hưng, Nậm Ty, Chiềng En, Chiềng Sơ, Mường Lầm, Chiềng Cang, Chiềng Khoong và Đứa Mòn.

+ Huyện Sốp Cộp: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 261 ha; Đến năm 2025: 500 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Dồm Cang, Búng Bánh, Sốp Cộp và Mường Và.

+ Huyện Thuận Châu: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 486 ha; Đến năm 2025: 948 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Tông Cọ, Mường Khiêng, Chiềng Ngàm, Liệp Tè và Bó Mười.

+ Huyện Mường La: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 240 ha; Đến năm 2025: 380 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Pi Toong và Hua Trai.

+ Huyện Quỳnh Nhai: Diện tích trồng bông vải không tưới đến năm 2020: 225 ha; Đến năm 2025: 405 ha. Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tại các xã: Chiềng Ơn, Nậm Ét và Mường Sại.

- Sản lượng bông đến năm 2020 đạt 7.365 tấn; năm 2025 đạt 24.862 tấn.

b) Quy hoạch xây dựng trại sản xuất hạt giống bông và các trạm giống cung cấp giống cho vùng trồng bông

- Giai đoạn 2015 - 2020: Xây dựng 1 cơ sở sản xuất giống bông tại xã Tường Hạ, huyện Phù Yên với quy mô 50 ha.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng 02 cơ sở sản xuất giống bông tại huyện Sông Mã (xã Nà Nghịu) và huyện Mường La (xã Pi Tong) với quy mô 50 ha.

c) Quy hoạch xây dựng cơ sở chế biến và cơ sở thu mua

- Đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến Bông, sợi, chiết xuất tinh dầu, thức ăn gia súc tại Cụm công nghiệp Gia Phù huyện Phù Yên với công suất nhà máy dự kiến đầu tư 15.000 tấn bông hạt/năm.

- Nâng cấp nhà máy cán bông ở Song Pe, Bắc Yên. Xây dựng mới 2 nhà máy cán bông cơ sở đáp ứng cán bông đóng kiện trước khi vận chuyển tại Mường La (công suất dự kiến 5.000 tấn bông hạt/năm) và Sông Mã công suất dự kiến đầu tư là 3.000 tấn bông hạt/năm;

- Xây dựng 04 nhà máy ép dầu hạt bông, sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ trên địa bàn huyện Phù Yên, Sông Mã, Bắc Yên, Mai Sơn.

d) Dự kiến một số giống cây bông vải trồng trong vùng quy hoạch

VN 01- 02; VNKS - 35; VN 01- 3; VN 04 - 04; VN20; VN35; VN 04 - 3.

đ) Định hướng chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Khuyến khích Công ty Cổ phần Bông Việt Nam; Công ty Dệt May Vĩnh Phúc; Công ty Bông Miền Bắc; Công ty Bông Tây Nguyên và các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bông vải theo hướng liên kết sản xuất theo quy định tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

- Dự án đầu tư xây dựng 1 cụm nhà máy chế biến bông sợi tại Gia Phù -Phù Yên với công suất 15.000 tấn/năm.

- Dự án đầu tư 02 nhà máy cán bông tại huyện Sông Mã và Mường La với công suất 5 tấn bông hạt/năm.

- Dự án đầu tư xây dựng 01 cơ sở chế biến các sản phẩm phụ từ cây bông.

- Dự án trồng và kinh doanh bông với diện tích 5.100 ha.

- Dự án đầu tư 01 cơ sở sản xuất giống bông tại huyện Phù Yên.

- Dự án đầu tư 02 trạm bông tại huyện Mường La và Sông Mã.

- Dự án xây dựng mô hình trang trại trồng bông chuyên canh tại vùng chuyên canh ven sông như huyện: Phù Yên, Bắc Yên và Sông Mã.

- Dự án phục tráng giống Bông màu địa phương; Dự án nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn giống Bông có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện tỉnh Sơn La; Dự án áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong khâu sản xuất, chế biến, sản phẩm phụ trợ từ cây Bông vải.

- Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bông vải trên địa bàn tỉnh Sơn La.

5. Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch

Tổng nhu cầu vốn phát triển vùng nguyên liệu bông vải: 165.833 triệu đồng. Trong đó:

- Phân theo giai đoạn:

+ Giai đoạn 2015 - 2020: 50 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2021 - 2025: 116 tỷ đồng.

- Phân theo nguồn vốn:

+ Vốn ngân sách Nhà nước: 33 tỷ đồng.

+ Vốn hợp pháp khác (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…): 133 tỷ đồng.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có dự án đầu tư trong các lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu bông vải gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết trên địa bàn các huyện nằm trong vùng quy hoạch.

Bố trí vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước từ các nguồn vốn của các chương trình, dự án như nguồn vốn: Xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp từ nguồn giành cho chương trình khuyến nông; tập huấn, tuyên truyền lấy từ nguồn ngân sách tỉnh; đào tạo nghề cho lao động nông thôn lấy từ nguồn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ; Chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ.

b) Giải pháp về giống, sản xuất và chế biến

Khuyên khích sử dụng các giống bông công nghiệp (bông F1, bông thuần) phù hợp với vùng sinh thái, có năng suất cao, phù hợp với các điều kiện tự nhiên của địa phương và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất kinh doanh.

Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm bông vải, làm tăng giá trị nguyên liệu; góp phần đắc lực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Hình thành các nhà máy chế biến sơ sợi và các sản phẩm khác từ cây bông vải tại các Cụm công nghiệp trong vùng nguyên liệu tập trung tại huyện Phù Yên, Bắc Yên với các nhà máy cán bông, kéo sợi; chế biến các sản phẩm từ hạt bông như dầu bông, thức ăn gia súc.

Phát triển hệ thống thu mua, bảo quản, để đảm bảo tiêu thụ kịp thời sản phẩm cho nông dân. Hướng dẫn người dân liên kết chặt chẽ với các công ty doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích giữa người sản xuất và cơ sở thu mua thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để phát triển bông vải ổn định và lâu dài.

Phát huy tốt vai trò của hợp tác xã, liên kết giữa các hộ gia đình hay doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm. Xây dựng mô hình trang trại bông theo kiểu liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân trong điều kiện quy mô diện tích đất của các hộ nông dân phân tán hoặc nhỏ hơn quy mô trang trại. Mô hình trang trại bông theo kiểu liên kết sản xuất giúp cho việc đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật.

c) Giải pháp về cơ chế chính sách

Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ; Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

Xây dựng chính sách hỗ trợ, bảo hiểm sản xuất cho người nông dân khi xảy ra thiên tai và hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư mua sắm máy móc thiết bị trong phát triển vùng nguyên liệu bông vải.

d) Giải pháp về nguồn nhân lực

Mở lớp tập huấn để từng bước nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng nguyên liệu bông vải; Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; Tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có sự liên kết giữa các bên có liên quan trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm bông.

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ cấp xã trong công tác quản lý Dự án, giám sát việc ký kết, thực hiện hợp đồng của các bên với người dân thuộc xã quản lý, quản lý phát triển sản xuất theo quy hoạch.

đ) Giải pháp về khoa học công nghệ

Thực hiện tích cực công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất bông.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất bông cho năng suất chất lượng cao, chịu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu bông vải. Quan tâm công tác bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả sản xuất bông.

Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch bông cho nông dân; mở rộng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận giữa nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu.

Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải trong chế biến bông; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

e) Giải pháp về bảo vệ môi tr­ường

Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của ngành bảo vệ thực vật trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc bông.

Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc canh tác trên đất dốc; Cơ giới hóa; Đưa các giống lai, biến đổi gen và nhập khẩu; Áp dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến các sản phẩm từ bông.

Áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng các thiết bị hiện đại cả trong dây chuyền chế biến cũng như xử lý chất thải trong các cơ sở sản xuất và chế biến các mặt hàng có sử dụng bông vải.

f) Giải pháp về tuyên truyền

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây bông vải đảm bảo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao thu nhập. Phát triển cây bông vải phải đảm bảo bền vững về môi trường sinh thái.

g) Các giải pháp khác

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thành lập hiệp hội sản xuất và tiêu thụ bông tại các vùng tập trung quy mô lớn.

Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bông; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ bông theo chuỗi giá trị.

7. Tổ chức thực hiện quy hoạch

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện phối hợp với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây bông vải tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển cây bông vải trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổ chức công bố, công khai nội dung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bông vải trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai quy hoạch; kịp thời cập nhật về sản xuất, thông tin về thị trường, tiến bộ khoa học, công nghệ để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Kiểm tra đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về thường trực UBND tỉnh.

c) Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển cây bông vải trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 theo đúng quy định. Trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Chương trình Phát triển cây bông vải.

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Chương trình Phát triển cây bông vải theo quy định của pháp luật.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường ở nơi có dự án đầu tư trồng cây bông vải và xây dựng nhà máy chế biến.

- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp chế biến bông vải, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến bông vải trên địa bàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây bông vải; Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến cây bông vải.

d) Ủy ban nhân dân các huyện có trồng bông vải

UBND các huyện thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án quy hoạch theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, quán triệt tổ chức thực hiện Chương trình phát triển bông vải; công khai, minh bạch các diện tích đất dự kiến phục vụ vào phát triển vùng nguyên liệu bông vải và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ bông vải.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai Chương trình phát triển bông vải.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện: Mộc Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- TT. UBND tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Huyện ủy, UBND các huyện: Mộc Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 4;
- Lưu: VT, Mạnh-KTN, 148 bản.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đức Hải

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU BÔNG VẢI TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Quy mô

Dự kiến tổng mức đầu tư
 (Triệu đồng)

Thời gian thực hiện

1

Dự án đầu tư cơ sở chế biến bông gắn với vùng nguyên liệu.

 

 

 

 

-

Xây dựng 1 cụm nhà máy chế biến bông sợi

Huyện Phù Yên

15.000 tấn bông hạt/năm

8.500

2016 - 2025

-

Xây dựng nhà máy cán bông

Huyện Sông Mã

5 tấn bông hạt/năm

2.000

2016 - 2025

-

Xây dựng nhà máy cán bông

Huyện Mường La

3 tấn bông hạt/năm

1.500

2016 - 2025

2

Dự án xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm phụ từ cây bông.

Huyện Phù Yên

10 tấn/năm

8.000

2016 - 2025

3

Dự án trồng và kinh doanh bông.

10 huyện của tỉnh Sơn La

5.100 ha

127.500

2015 - 2020

4

Dự án xây dựng trại giống bông.

Huyện Phù Yên

50 ha

6.000

2016 - 2020

5

Dự án xây dựng trạm bông.

Sông Mã, Mường La

2 ha

3.000

2016 - 2020

6

Xây dựng mô hình trang trại trồng bông chuyên canh tại vùng chuyên canh

Các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã

1 ha

4.000

2015 - 2020

7

Dự án về nghiên cứu khoa học

Tỉnh Sơn La

 

3.000

2015 - 2020

8

Dự án chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bông vải trên địa bàn tỉnh Sơn La

Tỉnh Sơn La

 

300

2015 - 2020

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 483/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch Phát triển vùng nguyên liệu bông vải tỉnh Sơn La đến năm 2020

  • Số hiệu: 483/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/03/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Bùi Đức Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản