Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 480/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN ĐIỀU CHỈNH  QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN PHÍA TÂY ĐÔ THỊ VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành ngày 16/9/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật quy hoạch;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh V/v phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 110/TTr-SXD-QHKT ngày 19/02/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

2. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc.

3. Lý do điều chỉnh quy hoạch:

3.1. Có sự thay đổi mục tiêu của chiến lược phát triển KT-XH giữa kỳ Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 so với kỳ Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 “Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”.

3.2. Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/3/2014. Tuy nhiên, quá trình xác định vị trí địa điểm các cơ sở xử lý chất thải rắn trên thực địa chưa phù hợp với quy hoạch; cơ chế, chính sách đầu tư chưa rõ ràng, chưa đồng bộ nên việc triển khai quy hoạch gặp nhiều khó khăn, việc xử lý chất thải rắn chưa có bước chuyển biến, gây khó khăn cho các công việc tiếp theo. Mặt khác, Quy hoạch quản lý CTR vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 14/10/2016. Tại Khoản 3, Điều 2 giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc): “Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

3.3. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016, cần rà soát một số nội dung quy hoạch các khu vực phát triển công nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp định hướng phát triển tỉnh Vĩnh Phúc.

3.4. Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 17/10/2019. Trong đó, xác định một số xã thuộc huyện Sông Lô, Lập Thạch và Tam Dương là đô thị loại V.

3.5. Cập nhật làm chính xác hướng tuyến, một số dự án giao thông liên kết vùng.

4. Quy mô, tính chất. Giữ nguyên không thay đổi theo nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 22/8/2014.

5. Mục tiêu quy hoạch:

- Xây dựng đồng bộ hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng liên huyện phía Tây, tạo điều kiện cho các đô thị phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội.

- Làm cơ sở cho lập và điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, và các dự án quan trọng. Là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý và đề xuất cơ chế chính sách quản lý vùng.

6. Các yêu cầu nội dung nghiên cứu điều chỉnh:

6.1. Đánh giá thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây đô thị Vĩnh Phúc.

- Đánh giá thực trạng sử dụng đất, việc thực hiện quy hoạch các vùng chức năng.

- Đánh giá tình hình phát triển hệ thống giao thông vùng và các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật như nền xây dựng, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt, thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn và quản lý nghĩa trang.

6.2. Dự báo phát triển:

- Dự báo tăng trưởng về kinh tế, xã hội, lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đất đai.

- Dự báo quy mô dân số đô thị, nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng liên huyện phía Tây.

6.3. Điều chỉnh định hướng Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050:

a) Định hướng cơ cấu và kế hoạch sử dụng đất:

- Định hướng cơ cấu và kế hoạch sử dụng đất liên vùng trên cơ sở phát triển mạng lưới đô thị cân đối, hài hòa nhằm sử dụng đất đai tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình đô thị hóa.

- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, các khu vực phát triển công nghiệp, du lịch đảm bảo phù hợp định hướng phát triển tỉnh Vĩnh Phúc

- Khoanh vùng bảo vệ các khu vực như khu vực an ninh - quốc phòng, rừng phòng hộ, di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, cảnh quan thiên nhiên có giá trị.

b) Định hướng quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan:

- Điều chỉnh và bổ sung mạng lưới các không gian tự nhiên vùng liên huyện phía Tây; phân bổ, bảo tồn các đặc trưng vùng cảnh quan nông nghiệp vùng trung du, hệ thống sông hồ... gắn với các chiến lược về cảnh quan, môi trường đối với vùng liên huyện phía Tây trong quá trình đô thị hóa.

- Định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan tại các đô thị và kiến trúc ở các vùng ngoại thành, các khu vực phát triển cụm điểm dân cư nông thôn.

c) Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

- Xác định hệ thống khung giao thông đồng bộ, phát triển kết nối mạng lưới giao thông của vùng liên huyện phía Tây và mạng lưới giao thông của vùng tỉnh Vĩnh Phúc gắn với mạng lưới đường bộ quan trọng hiện có.

- Đề xuất cải tạo nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có, nâng cấp một số tuyến quan trọng, từng bước đưa vào cấp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.

- Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng: Điều chỉnh chiến lược cấp nước; nghiên cứu xác định nghĩa trang và khu vực xử lý chất thải rắn cấp vùng cho phù hợp.

d) Đánh giá môi trường chiến lược:

- Rà soát các quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường tại khu vực rừng trồng, các nguồn tài nguyên khoáng sản lớn.

- Rà soát và nghiên cứu kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong vùng. Giải quyết và đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm giao thông.

7. Thành phần hồ sơ quy hoạch: Theo Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

7.1. Thành phần bản vẽ:

- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng;

- Sơ đồ hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất; hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000;

- Các sơ đồ về phân vùng và định hướng phát triển không gian vùng, tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000;

- Các sơ đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật cấp vùng: giao thông, cao độ nền, thoát nước mặt, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang, tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000;

7.2. Các văn bản: Thuyết minh, phụ lục số liệu, các văn bản pháp lý có liên quan; dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch.

8. Kinh phí.

8.1. Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.

8.2. Dự toán kinh phí:

Tổng cộng: 423.940.000,0 đồng (Bằng chữ: Bốn trăm hai mươi ba triệu, chín trăm bốn mươi nghìn đồng chẵn)

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Thời gian thực hiện: Từ Quý II đến Quý III năm 2020.

2. Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ đầu tư: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc;

- Cơ quan thẩm định quy hoạch: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc;

- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; UBND các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 480/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, dự toán điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng liên huyện phía Tây đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 480/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Chí Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản