Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 29 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát tỉnh Nghệ An thành Vườn quốc gia Pù Mát;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-UBND ngày 02/10/2008 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức;

Xét đề nghị của Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát tại Tờ trình số 02/TTr-VQG ngày 06 tháng 01 năm 2009 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 23/TTr-SNV ngày 16 tháng 01 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan; Chủ tịch UBND huyện Con Cuông và Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 48/2009/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Vị trí, chức năng.

1. Vị trí:

Vườn Quốc gia Pù Mát là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Vườn Quốc gia Pù Mát có đầy đủ tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Trụ sở đặt tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

2. Chức năng: Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan trong phạm vi của Vườn. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng trong phạm vi địa giới của Vườn.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn.

1. Quản lý, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu; phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên trên diện tích được giao:

a) Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.

- Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố thiên nhiên khác.

- Phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại và sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan.

b) Phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo tồn tính đa dạng sinh học.

c) Tham gia xây dựng các chương trình, dự án và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án các hoạt động thu hút cộng đồng tham gia quản lý, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.

d) Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá cảnh quan trong Vườn.

2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

a) Tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển cộng đồng, thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu và nguy cấp.

b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Vườn.

c) Xây dựng các Chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức triển khai sau khi được phê duyệt.

d) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm.

đ) Xây dựng Chương trình, dự án hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được duyệt theo phân cấp của UBND tỉnh.

e) Nghiên cứu các mô hình Lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, khuyến nông, ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.

3. Tổ chức Dịch vụ môi trường:

a) Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái của Vườn và tổ chức thực hiện. Tạo nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng.

b) Tổ chức liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái theo quy hoạch và quy định hiện hành; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng đã ký kết.

c) Tuyên truyền, giáo dục môi trường nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, môi trường cho khách du lịch và cộng đồng; thực hiện các hoạt động quảng bá, tiếp thị để thu hút khách du lịch.

4. Trình UBND tỉnh các chương trình, dự án đầu tư. Là chủ đầu tư các dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và được UBND tỉnh giao.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn trong Vườn và vùng đệm.

6. Lập, thẩm định, giám sát và thực hiện các dự án có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học; Vườn thực vật; cây xanh; cây cảnh; mô hình nông lâm; khi được cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền giao.

7. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng theo Điều 61 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

8. Quản lý tài chính, tài sản được giao; thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.

9. Quản lý bộ máy tổ chức; cán bộ công chức, viên chức; chế độ tiền lương; khen thưởng, kỷ luật theo phân cấp của UBND tỉnh và các quy định hiện hành của Nhà nước.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 3. Tổ chức bộ máy.

1. Lãnh đạo: Giám đốc và 2 - 3 Phó Giám đốc.

Giám đốc là người đứng đầu Vườn Quốc gia Pù Mát; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Vườn. Phó Giám đốc giúp Giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc thực hiện theo quy định của nhà nước.

2. Các phòng chuyên môn:

a) Phòng Kế hoạch - Tài chính.

b) Phòng Tổ chức - Hành chính.

c) Phòng Nghiên cứu Khoa học - Cứu hộ động vật hoang dã - Hợp tác quốc tế;

3. Các đơn vị trực thuộc:

a) Hạt Kiểm lâm Vườn, bao gồm:

+ Văn phòng Hạt.

+ Đội Kiểm lâm cơ động;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Thơi;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Đình;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Bu;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Kèm;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cò Phạt;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Phà Lài;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Yên;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cao Vều;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam Hợp;

+ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lục Dạ;

b) Trung tâm Giáo dục môi trường - Du lịch sinh thái và dịch vụ;

Điều 4. Biên chế.

Biên chế Vườn Quốc gia Pù Mát được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển, yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2009: 94 biên chế (điều chuyển từ Chi cục Kiểm lâm sang 84 biên chế và bổ sung mới 10 biên chế), cụ thể:

Biên chế hành chính bao gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc Vườn và cán bộ quản lý tại Hạt Kiểm lâm Vườn là 46 biên chế.

Biên chế sự nghiệp: 48 người.

Ngoài ra, theo yêu cầu nhiệm vụ đơn vị được hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức của Vườn quốc gia Pù Mát do Giám đốc Vườn quyết định trên cơ sở chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức của nhà nước, phù hợp với trình độ năng lực và điều kiện thực tiễn của đơn vị.

Công tác tuyển dụng, thuyên chuyển cán bộ, công chức, viên chức của Vườn thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm thi hành:

1. Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát xây dựng quy chế hoạt động, quy định chức năng nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ theo phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh Nghệ An.

2. Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Pù Mát trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc chưa phù hợp, Vườn quốc gia Pù Mát tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 48/2009/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Vườn quốc gia Pù Mát do Tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 48/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Phan Đình Trạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản