Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 472/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 13 tháng 4 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Giao thông Đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số: 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số: 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số: 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số: 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số: 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số: 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số: 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số: 342/SXD-QHKT ngày 31/3/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành “Quy định tạm thời về quản lý san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn“ với những nội dung sau:
I. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về công tác quản lý nhà nước về san ủi, lấp, đào, vận chuyển đất đào, đắp nền khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
II. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
2. Cá nhân, hộ gia đình xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ thực hiện việc san ủi, đắp đất khi cải tạo mặt bằng, phát sinh khối lượng đất san nền thừa cần vận chuyển đổ đi nơi khác, hoặc khai thác đất ở vị trí khác về đắp nền công trình.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc san ủi, đào, đắp đất khi cải tạo mặt bằng trong diện tích đất nông nghiệp được giao để nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp.
4. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc đào, đắp mái ta-luy công trình, nhà ở khi có nguy cơ sạt lở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với các trường hợp san ủi, đào đắp khẩn cấp do thiên tai và các trường hợp đặc thù khác thì thực hiện theo quy định hiện hành (công trình khẩn cấp theo quy định).
5. Các cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý san ủi, đào vận chuyển đất thừa đổ đi và đào, vận chuyển đất đắp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
III. Giải thích từ ngữ
1. Cải tạo mặt bằng
a) Cải tạo mặt bằng là quá trình thi công san gạt, đào đắp, tạo mặt bằng nhằm đạt được cao độ phù hợp với mục đích sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đồng ý chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ là mặt bằng được san ủi, đắp đất đạt đến cao độ quy hoạch ghi trong giấy phép xây dựng được cấp hoặc cao độ san nền công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
b) Cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình là san ủi, đào đắp tạo mặt bằng nhằm đạt được cao độ phù hợp cho canh tác, tăng hiệu quả sử dụng đất (riêng đất lúa thực hiện theo Nghị định số: 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa).
c) San, bạt, đắp mái ta-luy công trình, nhà ở là nhằm chống sạt lở bảo vệ an toàn công trình khi có nguy cơ sạt lở.
2. Đất san, ủi khai thác để đắp nền công trình chủ yếu là đất đồi, đất bạc màu, đất pha cát, sạn, sỏi chỉ dùng để san, ủi, đắp nền công trình, không có giá trị sử dụng cao hơn.
IV. Nguyên tắc quản lý, san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng
1. Việc san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận thì việc san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng chỉ được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; bảo đảm cao độ san ủi, đào đắp theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.
2. Đối với việc san ủi, đào đắp khi cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để sản xuất, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo cao độ thiết kế trong phương án cải tạo đất nông nghiệp và không làm thay đổi mục đích sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Mọi hoạt động san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị, nông thôn và môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực; không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất lân cận; việc vận chuyển đất trong quá trình san, ủi phải bảo đảm đúng tải trọng xe, phù hợp với cấp đường vận chuyển, giữ gìn vệ sinh môi trường; vị trí khai thác để đắp nền công trình và vị trí tập kết đổ đất thừa trong quá trình san, ủi mặt bằng công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chấp thuận hoặc vị trí đã được quy định.
4. Khi xây dựng công trình có liên quan đến san ủi, đào đắp mà phải vận chuyển đất thừa đổ đi nơi khác hoặc khai thác vận chuyển đất từ nơi khác đến để đắp nền công trình; ngoài việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, các tổ chức, cá nhân còn phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng Văn bản việc san ủi, vận chuyển đất trong quá trình thi công cải tạo mặt bằng công trình (sau đây gọi là Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất).
5. Việc san, ủi cải tạo mặt bằng phải tuân thủ theo Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.
I. Các loại công trình san ủi, đào đắp đất gồm
1. San ủi, đào đắp đất tạo mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình.
2. San ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng đất nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp.
3. San ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng cho công trình, nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình.
4. San ủi, đào đắp đất chống sạt lở cho công trình, nhà ở đang sử dụng.
II. Loại công trình san ủi, đào đắp đất phải có Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cấp có thẩm quyền
1. Đối với các công trình xây dựng, nhà ở có vận chuyển đất thừa đổ đi hoặc khai thác đất ở nơi khác vận chuyển về đắp nền; ngoài việc được cấp giấy phép xây dựng, còn phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản tại quy định này.
2. Đối với cải tạo mặt bằng đất nông lâm nghiệp, đất ở có vận chuyển đất thừa đổ đi hoặc khai thác đất ở nơi khác vận chuyển về đắp nền phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản tại Quy định này.
3. Đối với các trường hợp san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng nêu trên có khối lượng đào đắp ≤ 50m3 đất thì không cần có Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cấp có thẩm quyền.
III. Điều kiện chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản
1. Thực hiện theo nguyên tắc quản lý san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng nêu tại Mục IV Phần I.
2. Đối với công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng phải có hồ sơ thiết kế san nền (hồ sơ thiết kế, Dự án đầu tư xây dựng) phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt hoặc chấp thuận. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải hồ sơ san ủi, đào đắp đất được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Đối với việc san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để sản xuất, phải có phương án phát triển sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.
3. Phương tiện thi công, vận chuyển đất dư thừa đổ đi hoặc khai thác đất vận chuyển về đắp công trình, tải trọng xe phải phù hợp với cấp đường trong khu vực thi công và của toàn đô thị; bảo đảm an toàn cho công trình lân cận, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị và cảnh quan khu vực.
IV. Thẩm quyền ban hành, gia hạn và thu hồi Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất
1. Đối với các công trình xây dựng thuộc Dự án đầu tư xây dựng (Báo cáo kinh tế kỹ thuật) thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất là Sở Xây dựng.
2. Đối với các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng (hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật); công trình chống sạt lở và nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng là Phòng Kinh tế và Hạ tầng đối với các huyện hoặc Phòng Quản lý đô thị đối với thành phố Bắc Kạn.
3. Đối với các công trình san, ủi cải tạo mặt bằng đất nông, lâm nghiệp, cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất là Phòng Nông nghiệp đối với các huyện hoặc Phòng Kinh tế đối với thành phố Bắc Kạn.
4. Cơ quan nào ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất thì có quyền gia hạn và thu hồi Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất. Trường hợp ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất sai thẩm quyền thì Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Văn bản.
V. Hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình có khối lượng đất san lấp đất dư thừa phải đổ đi hoặc phải khai thác đào, vận chuyển đất tại vị trí khác về đắp nền công trình có khối lượng vận chuyển đất ≥ 50m3 trở lên (ngoài giấy phép xây dựng được cấp theo Luật Xây dựng, còn phải có Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
a) Văn bản đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng thực hiện Dự án.
b) Bản sao công chứng giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai: Quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng của cấp có thẩm quyền.
c) Bản sao công chứng giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án hoặc chủ trương đầu tư xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền cấp.
d) Bản vẽ thiết kế và thuyết minh phần san nền của Dự án hoặc công trình đã được thẩm định và phê duyệt (kèm theo văn bản báo cáo thẩm định và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền).
e) Bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) của Dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo quyết định phê duyệt hoặc xác nhận của cấp có thẩm quyền.
g) Sơ đồ vị trí, địa điểm đổ đất đối với công trình san, gạt mặt bằng công trình có phát sinh khối lượng đất dư thừa vận chuyển đi; hoặc sơ đồ vị trí, địa điểm khai thác đất cần vận chuyển đến đắp nền công trình.
h) Hợp đồng thi công, trong đó có: Biện pháp thi công, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khối lượng đất vận chuyển đất đổ đi hoặc đắp nền công trình, thời gian thi công; cam kết nộp phí bảo vệ môi trường.
2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng cho công trình, nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình có vận chuyển đất đổ đi hoặc chở đất về đắp nền công trình có khối lượng đất vận chuyển ≥ 50m3; ngoài việc cấp giấy phép xây dựng được cấp theo Luật Xây dựng, còn phải có Văn bản chấp thuận san, ủi công trình, nhà ở riêng lẻ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
a) Văn bản đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình.
b) Bản sao công chứng (chứng thực) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình chủ sở hữu đã chuyển mục đích sang đất ở đô thị hoặc nông thôn phù hợp với vị trí và diện tích san ủi hoặc có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và kèm theo chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
c) Bản vẽ, sơ đồ mặt bằng công trình, nhà ở riêng lẻ kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình hoặc Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
d) Biện pháp thi công cải tạo mặt bằng và bản cam kết bảo vệ môi trường: Mô tả, nêu rõ vị trí, địa điểm nơi đổ đất dư thừa khi san ủi mặt bằng hoặc vị trí khai thác đất để đắp nền công trình; biện pháp thi công, phương tiện vận chuyển đất; giải pháp bảo vệ môi trường, khối lượng vận chuyển; thời gian thi công; cam kết nộp phí bảo vệ môi trường.
3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để sản xuất nông lâm nghiệp có khối lượng đất vận chuyển đất đào, đắp ≥ 50m3; phải có Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cấp có thẩm quyền.
a) Văn bản đề nghị chấp thuận san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp.
b) Bản sao công chứng (chứng thực) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân về sử dụng đất nông nghiệp.
c) Dự án cải tạo hoặc phương án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để phát triển sản xuất được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận hoặc phê duyệt (sau khi đã được cơ quan chuyên môn thẩm định).
d) Hồ sơ thiết kế san nền của Dự án hoặc phương án cải tạo mặt bằng đất nông, lâm nghiệp; báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu theo quy định cần có) hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.
e) Biện pháp thi công cải tạo mặt bằng: Sơ đồ vị trí địa điểm cải tạo; bản vẽ thiết kế san nền, đào đắp cải tạo mặt bằng; khối lượng đào đắp; phương tiện thi công; vị trí đổ đất dư thừa và cự ly vận chuyển hoặc vị trí khai thác đất về đắp nền tôn tạo mặt bằng để sản xuất; biện pháp bảo vệ môi trường; thời gian thi công; cam kết nộp phí bảo vệ môi trường.
4. Hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp, bạt mái ta-luy chống sạt lở cho công trình đang sử dụng có khối lượng san bạt mái ta-luy vận chuyển đất đổ đi hoặc đào đất ở nơi khác về đắp mái ta-luy, kè công trình có khối lượng ≥ 50m3 phải có văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cấp có thẩm quyền.
a) Văn bản đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất chống sạt lở công trình.
b) Bản sao công chứng (chứng thực) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân về sử dụng đất của công trình và vị trí sạt lở.
c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nguy cơ sạt lở công trình.
d) Hồ sơ thiết kế san bạt mái ta-luy hoặc đào đắp mái ta-luy để chống sạt lở và bảo vệ công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.
e) Biện pháp thi công cải tạo mặt bằng: Sơ đồ vị trí địa điểm thi công chống sạt lở công trình; bản vẽ thiết kế san bạt mái ta-luy, đào đắp bảo vệ chân công trình; khối lượng đào đắp; phương tiện thi công; vị trí đổ đất dư thừa và cự ly vận chuyển hoặc vị trí khai thác đất về đắp nền tôn tạo mặt bằng để sản xuất; biện pháp bảo vệ môi trường; thời gian thi công; cam kết nộp phí bảo vệ môi trường.
VI. Nội dung chủ yếu của Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất
Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có các nội dung chính sau:
1. Tên công trình (Dự án đầu tư xây dựng).
2. Tên và địa điểm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (chủ đầu tư) được chấp thuận san ủi, đắp đất.
3. Địa điểm, vị trí công trình san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng.
4. Loại công trình; mục đích san ủi, đắp đất.
5. Chỉ giới xây dựng (đào, đắp).
6. Cao độ san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng.
7. Khối lượng đất san, ủi; khối lượng đất đắp nền.
8. Vị trí, địa điểm đổ đất dư thừa khi san nền hoặc vị trí khai thác đất để đắp nền công trình (vị trí, địa điểm đã được cơ quan chuyên môn thẩm định và được cấp có thẩm quyền chấp thuận).
9. Khối lượng vận chuyển đất, đá; cự ly vận chuyển; phương tiện vận chuyển; tải trọng xe; cung đường vận chuyển (căn cứ cấp đường đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, cho phép).
10. Biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của cơ quan môi trường.
11. Thời gian thi công theo tiến độ của Dự án hoặc cam kết của chủ đầu tư. Trường hợp công trình, nhà ở riêng lẻ không phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật thì thời gian thi công do cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất quy định.
12. Thời hạn của Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất (theo thời hạn của giấy phép xây dựng được cấp cho công trình hoặc Dự án).
VII. Các bước thực hiện việc chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản của cơ quan có thẩm quyền
1. Việc ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng cho các Dự án đầu tư xây dựng công trình (cùng đồng thời với quy trình cấp giấy phép xây dựng) được thực hiện theo các bước sau:
a) Chủ đầu tư nộp 03 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cùng với hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (theo phân cấp về cấp giấy phép xây dựng); cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, nếu hồ sơ đáp ứng theo quy định thì ghi giấy biên nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông Vận tải xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất về bảo vệ môi trường, tài nguyên và phương tiện thi công, vận chuyển phù hợp với cấp đường. Nếu hồ sơ không đáp ứng các điều kiện để chấp thuận thì chuyển trả hồ sơ và thông báo cho chủ đầu tư biết để hoàn thiện; nếu hồ sơ đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cùng với giấy phép xây dựng.
2. Các bước ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng cho công trình, nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình (thực hiện cùng với quy trình cấp giấy phép xây dựng).
a) Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất cùng với giấy phép xây dựng (trường hợp san ủi để xây dựng công trình, nhà ở) hoặc hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất (đối với trường hợp chỉ san ủi cải tạo mặt bằng và chống sạt lở) tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố; cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, nếu hồ sơ đáp ứng theo quy định thì ghi giấy biên nhận để nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét về môi trường và căn cứ vào cấp đường đã được cơ quan chuyên môn cho phép (Sở Giao thông Vận tải) để ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất. Nếu hồ sơ không đáp ứng các điều kiện thì chuyển trả hồ sơ, thông báo cho chủ đầu tư biết để hoàn thiện; nếu hồ sơ đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cùng với thủ tục cấp giấy phép xây dựng (trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng).
3. Các bước ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp để sản xuất nông lâm nghiệp.
a) Chủ đầu tư nộp 03 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố; cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, nếu hồ sơ đáp ứng theo quy định thì ghi giấy biên nhận để nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Nông nghiệp xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất; trường hợp phải vận chuyển đào đắp đất cần xem xét cấp đường, phương tiện thi công vận chuyển theo ý kiến của Sở Giao thông Vận tải. Nếu hồ sơ đủ điều kiện để ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất, cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi (đối với hồ sơ Dự án phải gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến bằng văn bản, trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất). Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì trả lại theo quy định.
4. Thời gian xem xét và ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất
- Đối với trường hợp hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất được cấp đồng thời với giấy phép xây dựng thì thời gian xem xét và cấp Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cùng với thời gian cấp giấy phép xây dựng.
- Đối với trường hợp hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất không cấp đồng thời với giấy phép xây dựng thì thời gian xem xét và ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất như sau: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất xử lý, xem xét trong thời hạn 15 ngày làm việc.
- Trường hợp đến thời hạn ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Văn bản chấp thuận phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại Khoản này.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SAN, ỦI ĐẤT KHI CẢI TẠO MẶT BẰNG CÔNG TRÌNH
I. Trách nhiệm của các Sở, Ngành liên quan
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về quy định đổ đất dư thừa khi san nền và khai thác đất để đắp nền theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản.
b) Thẩm định, cho ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường của công trình san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng.
c) Thẩm định, cho ý kiến về môi trường, đất đai đối với vị trí đổ đất dư thừa phát sinh trong quá trình san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng công trình.
d) Ban hành văn bản chấp thuận đào, vận chuyển đất đắp nền công trình có diện tích ≥ 01ha hoặc có khối lượng vận chuyển đất ≥ 10.000m3.
e) Hướng dẫn việc thu nộp các nghĩa vụ tài chính đối với việc thu phí bảo vệ môi trường (ký quỹ phục hồi môi trường, tiền khai thác đắp nền, phí môi trường…).
g) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, môi trường, khai thác đất, đổ đất… trong quá trình san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng công trình của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Xây dựng.
a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình lập Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình ( thiết kế san nền, đào đắp); hướng dẫn về việc ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất để cải tạo mặt bằng công trình theo quy định này và hướng dẫn Văn bản đề nghị chấp thuận san ủi, đào đắp đất và Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cho từng loại công trình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thực hiện ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất theo thẩm quyền.
b) Thẩm định, kiểm tra hoặc cho ý kiến về Hồ sơ đề nghị ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất của cấp huyện chuyển đến xin ý kiến trước khi ban hành Văn bản chấp thuận.
c) Thẩm định, kiểm tra cho ý kiến về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị đối với các vị trí đổ đất dư thừa khi san nền công trình hoặc vị trí khai thác đất để đắp nền công trình theo quy định (khi được đề nghị).
d) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động xây dựng, trật tự xây dựng đô thị trong quá trình xây dựng và san ủi, đắp đất tạo mặt bằng để xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.
e) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi các Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất hoặc cải tạo mặt bằng không đúng quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Sở Giao thông Vận tải
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố tải trọng cho phép của các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (đường quốc lộ, đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã và đường trong các đô thị) để làm căn cứ ban hành Văn bản chấp thuận vận chuyển đất khi san nền chở đất dư thừa đổ vào nơi quy định hoặc khai thác đất vận chuyển đắp nền công trình.
b) Cho ý kiến về phương tiện cơ giới thi công, tải trọng các loại xe phù hợp với cấp đường và cung đường vận chuyển khi cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất xin ý kiến bằng văn bản.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các xe cơ giới, phương tiện thi công vận chuyển đất theo quy định của pháp luật.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về lập phương án cải tạo đất nông nghiệp để sản xuất.
b) Thẩm định, kiểm tra, cho ý kiến về phương án cải tạo đất nông nghiệp để sản xuất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi cơ quan ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất có văn bản xin ý kiến.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất nông nghiệp, mục đích sử dụng đất theo phương án cải tạo mặt bằng để sản xuất.
5. Công an tỉnh Bắc Kạn
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố, các huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về chở quá tải, vận chuyển đất sai tuyến đường được quy định trong Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất cấp cho công trình và đổ đất không đúng nơi quy định.
b) Kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển đất đá đào, đắp thi công công trình không có giấy phép vận chuyển của cấp có thẩm quyền cấp hoặc các phương tiện thi công đào, đắp không có Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp.
6. Sở Tài chính
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, cấp huyện về việc thu lệ phí, phí cấp phép xây dựng, giấy phép san ủi, đắp đất, phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
b) Kiểm tra việc thu các nguồn phí, lệ phí và việc thu, nộp ngân sách cũng như chi cho việc bảo dưỡng sửa chữa đường, vệ sinh đường phố, bảo vệ môi trường…
7. Cơ quan thuế
Hướng dẫn và thu nộp các khoản thuế, phí theo quy định.
II. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Lập Quy hoạch các vị trí đổ đất dư thừa khi san nền công trình và các vị trí khai thác đất để đắp nền công trình tại các địa phương cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo cảnh quan môi trường.
b) Quản lý và chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với Ủy ban nhân dân huyện) hoặc phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với Ủy ban nhân dân thành phố), kiểm tra và tổ chức ban hành Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng trong địa giới hành chính do mình quản lý.
c) Giải quyết các thủ tục về đất đai, cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình san, ủi cải tạo mặt bằng.
d) Xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
e) Kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp san, ủi cải tạo mặt bằng không có Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất hoặc thi công san, ủi không đúng với Văn bản chấp thuận được ban hành; đổ đất không đúng nơi quy định, hoặc khai thác đất đắp không đúng vị trí được ban hànhVăn bản chấp thuận khai thác và quá trình vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường, vượt quá tải trọng…
g) Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường; ký quỹ môi trường, lệ phí ban hành Văn bản chấp thuận… quản lý các nguồn thu từ san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng để bảo vệ môi trường.
h) Báo cáo định kỳ, hàng năm về công tác ban hành Văn bản chấp thuận san, ủi trên địa bàn với Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.
a) Xác nhận và giải quyết các thủ tục theo thẩm quyền đối với các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng trong khu đất được giao sử dụng trong địa giới hành chính do mình quản lý.
b) Tiếp nhận các văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi tổ chức san, ủi cải tạo mặt bằng trong địa bàn xã (phường, thị trấn) quản lý để kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công.
c) Kiểm tra, giám sát, lập biên bản xử lý vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền theo quy định.
d) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý các vị trí đổ đất dư thừa trong quá trình san nền hoặc vị trí khai thác đất đắp nền trong địa giới hành chính do mình quản lý.
III. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng để xây dựng công trình, nhà ở hoặc cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp
a) Khi cải tạo mặt bằng có san ủi, đắp đất để xây dựng công trình, nhà ở và cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp phải đề nghị được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận san ủi, đào đắp đất bằng Văn bản.
b) Hoàn thiện các giấy tờ, hồ sơ đề nghị chấp thuận san ủi, đắp đất theo Quy định này.
c) Thông báo bằng văn bản và kèm theo Văn bản chấp thuận san ủi, đào đắp, vận chuyển đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi công san, gạt công trình trước khi thi công san ủi, đắp đất cải tạo mặt bằng.
d) Có trách nhiệm thực hiện đúng theo Văn bản chấp thuận san ủi, đắp đất được cấp: San nền đúng thiết kế, chấp hành chở đất đúng tải trọng xe và vận chuyển theo đúng tuyến đường quy định trong Văn bản chấp thuận được ban hành; bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
e) Nộp phí, lệ phí về bảo vệ môi trường, cấp giấy san ủi, đắp đất, ký quỹ bảo vệ môi trường và các loại phí, lệ phí khác theo quy định.
g) Có trách nhiệm hoàn công, hoàn thổ công trình khai thác đất hoặc vị trí đổ đất dư thừa theo quy định.
IV. Xử lý vi phạm trong hoạt động thi công san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thi công san, ủi cải tạo mặt bằng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
a) Bị tạm dừng thi công san ủi, đào đắp đất cải tạo mặt bằng trường hợp chưa có Văn bản cho phép san ủi, đắp đất hoặc thi công sai Văn bản chấp thuận được ban hành;
b) Bị thu hồi Văn bản chấp thuận trong trường hợp vi phạm đã bị xử lý nhưng không khắc phục trong thời gian quy định hoặc đã bị xử lý nhưng cố tình vi phạm;
c) Ngoài việc xử lý nêu trên thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quý định của luật pháp, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho thi công san ủi, đào đắp đất gây ra.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có phát sinh, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân và đơn vị có liên quan phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 2Quyết định 36/2015/QĐ-UBND quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 3Quyết định 06/2017/QĐ-UBND Quy định về quản lý, khai thác và vận chuyển đất san lấp khi san gạt cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Luật khoáng sản 2010
- 3Luật đất đai 2013
- 4Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 5Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6Luật Xây dựng 2014
- 7Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
- 8Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 9Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 10Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 11Thông tư 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 12Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 13Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 14Thông tư 15/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 15Quyết định 36/2015/QĐ-UBND quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 16Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản
- 17Quyết định 06/2017/QĐ-UBND Quy định về quản lý, khai thác và vận chuyển đất san lấp khi san gạt cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Quyết định 472/QĐ-UBND năm 2017 Quy định tạm thời về quản lý san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- Số hiệu: 472/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/04/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Nông Văn Chí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra