Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 467/2003/QĐ-UB | Thanh hoá, ngày 12 tháng 02 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10;
- Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;
- Căn cứ Nghị quyết số 03 NQ/TU ngày 04/11/2002 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá về phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp;
- Căn cứ Nghị quyết số 28/2003/NQ-HĐNDK14 của HĐND tỉnh khoá XIV kỳ họp thứ 8 ngày 12/01/2003;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Công nghiệp Thanh Hoá tại tờ trình số 44 TTr/CN ngày 20/01/2003.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Điều 2. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan, chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện và những vướng mắc, kiến nghị báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Kèm theo Quyết định số 467/2003/QĐ-UB ngày 12 tháng 02 năm 2003 của UBND tỉnh Thanh Hoá)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và địa bàn áp dụng:
1- Đối tượng:
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) ở trong và ngoài tỉnh đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thuộc các ngành nghề dưới đây:
- Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, thủy tinh;
- Sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, dệt, may, cơ khí nhỏ;
- Chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề;
- Sản xuất phân bón, hóa chất;
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
2. Địa bàn đầu tư:
Khu vực 1: Thành phố Thanh Hoá, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Sầm Sơn.
Khu vực 2: Các huyện: Đông Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định.
Khu vực 3: Các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như Thanh, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hoá, Quan Sơn, Thường Xuân.
Điều 2. Các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng quy định ở khoản 1, Điều 1 nêu trên được hưởng những ưu đãi khuyến khích đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước hoặc chính sách ưu đãi của tỉnh quy định tại chương II của Quy định này.
Chương II
Những quy định cụ thể
A - Chính sách về đất đai:
Điều 3. Về mặt bằng tổ chức sản xuất:
- UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND huyện), căn cứ vào định hướng phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương và của tỉnh, lập quy hoạch sử dụng đất, bố trí vị trí thuận lợi cho phát triển CN-TTCN, giành đất xây dựng các cụm công nghiệp, cụm nghề. Trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng đất thì hàng năm vẫn phải lập kế hoạch sử dụng đất và giành vị trí đất thuận lợi để giải quyết cho các chủ đầu tư có mặt bằng thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.
- Đối với các cơ sở sản xuất CN-TTCN đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với các quy định của pháp luật thì được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Cơ sở sản xuất có nhu cầu mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất (kể cả cho khai thác khoáng sản), UBND xã, huyện có trách nhiệm giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuê mặt bằng. Hộ có đất bị thu hồi được đền bù theo quy định hiện hành của Nhà nước và được ưu tiên tuyển dụng lao động vào làm việc tại cơ sở sản xuất (nếu đủ điều kiện).
Trường hợp đất đang sử dụng hợp pháp, nay chuyển sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ hộ được tạo điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất.
Điều 4. Về tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
- Tiền thuê đất: Giá thuê đất là mức giá thấp nhất theo khung giá do UBND tỉnh quy định tại thời điểm ký hợp đồng thuê đất và được miễn tiền thuê đất trong thời gian 10 năm đầu kể từ khi ký hợp đồng thuê đất và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo (đối với các cơ sở thuộc khu vực 1); được miễn hoàn toàn tiền thuê đất (đối với các cơ sở thuộc khu vực 2 và 3).
- Tiền chuyển mục đích sử dụng đất: được miễn 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho những dự án đầu tư thuộc khu vực 3; giảm 70% đối với những dự án đầu tư thuộc khu vực 2; giảm 50% đối với những dự án đầu tư thuộc khu vực 1.
Điều 5. Về thực hiện thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
- Tổ chức hoặc cá nhân phải có đơn xin thuê đất theo quy định tại Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở địa chính, phòng địa chính các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm cung cấp mẫu và hướng dẫn làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
+ Thời gian làm thủ tục đối với những đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của cấp huyện (hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã) không quá 15 ngày.
+ Đối với những đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của cấp tỉnh (doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh), trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, sở Địa chính phải trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 6. Đầu tư cơ sở hạ tầng cụm CN-TTCN, làng nghề:
- Hàng năm các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí giành đất xây dựng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; huy động các nguồn vốn tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thuê đất để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
- Các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép làm chủ đầu tư cụm công nghiệp - TTCN. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thẩm định dự án theo Quy chế đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Các hạng mục hạ tầng cụm CN- TTCN, bao gồm: hệ thống giao thông vận tải; hệ thống điện; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống thoát nước, sau khi được phê duyệt, được ngân sách Nhà nước (TW, tỉnh, huyện) hỗ trợ một phần (theo thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28/9/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 132/TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ).
- Cơ sở hạ tầng trong cụm CN - TTCN được đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp, kể cả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn kích cầu (nếu có). Các dự án thuộc đối tượng ưu đãi và có tính khả thi cao được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách nhưng tối đa không quá 30%.
b. Ưu đãi về tài chính - tín dụng:
Điều 7. ưu đãi thực hiện đầu tư:
Các cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, những dự án sản xuất thuộc đối tượng quy định tại mục 1, Điều 1, thu hút trên 100 lao động (đối với khu vực 1), trên 70 lao động (đối với khu vực 2), trên 30 lao động (đối với khu vực 3) còn được hưởng các ưu đãi sau đây:
- Đối với những dự án có mức đầu tư từ 100 triệu trở lên được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí lập dự án (cấp sau khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh).
- Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích được bố trí để vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển với lãi suất ưu đãi. Trường hợp phải vay vốn của các ngân hàng thương mại, được hỗ trợ chênh lệch lãi suất theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Các cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc nghề sản xuất chiếu cói, đan lát, dệt, may, sử dụng trên 300 lao động, các ngành nghề khác sử dụng từ 200 lao động trở lên, có ký kết hợp đồng lao động lâu dài, đóng đủ BHXH, BHYT và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động theo Luật Lao động, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 lần 1 triệu động cho 1 lao động.
Điều 8. Ưu đãi về thuế:
Các cơ sở sản xuất mới được hưởng ưu đãi về thuế như sau:
1.Thuế Giá trị gia tăng (thuế VAT):
Trong năm thứ 2 và thứ 3 kể từ khi đi vào sản xuất kinh doanh, nếu cơ sở sản xuất nộp thuế VAT tăng so với năm trước thì được tỉnh hỗ trợ 50% số thuế VAT nộp tăng nói trên.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Khu vực 1: được hỗ trợ lại bằng 100% số thuế đã nộp trong 3 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và 50% cho 4 năm tiếp theo;
Khu vực 2: được hỗ trợ lại bằng 100% số thuế đã nộp trong 5 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và 50% cho 6 năm tiếp theo;
Khu vực 3: được hỗ trợ lại bằng 100% số thuế đã nộp trong 7 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và 50% cho 10 năm tiếp theo.
3. Thuế nhập khẩu: được miễn thuế nhập khẩu cho số máy móc thiết bị phải nhập để tạo tài sản cố định thuộc dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Các nghệ nhân, hợp tác xã, hiệp hội mở các lớp truyền nghề, dạy nghề cho lao động, được thu tiền học của học viên trên nguyên tắc thỏa thuận và được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền nghề.
5. Các cơ sở ngành nghề nông thôn được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại điều 12 Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 3/9/1998 của Chính phủ.
Sở Tài chính - Vật giá chủ trì, phối hợp với Cục thuế thực hiện chính sách này.
c. về khoa học - công nghệ và đào tạo
Điều 9. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở: Khoa học Công nghệ - Môi trường, Tài chính-Vật giá và các ngành liên quan, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trình UBND tỉnh quyết định ban hành và tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện.
Điều 10. Các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để thực hiện đề tài, dự án KH&CN phù hợp với mục tiêu của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh, được hỗ trợ bằng 1/3 số tiền phải trả thù lao cho tác giả (theo Nghị định số 45/1998 NĐ-CP của Chính phủ). Các hoạt động dịch vụ KHCN được hỗ trợ vốn sự nghiệp khoa học không lãi suất (từ nguồn kinh phí KHCN), mức cho vay từ 40-100% giá trị hợp đồng dịch vụ KH & CN.
Điều 11. Địa phương, cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo, dạy nghề cho 50 lao động trở lên (thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng), ổn định việc làm từ 6 tháng trở lên để khôi phục, phát triển làng nghề, ngành nghề, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần 350.000 đồng/01 lao động.
Điều 12. Các cơ sở sản xuất CN - TTCN có nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật cao là người địa phương (thời gian đào tạo liên tục từ 6 tháng đến 3 năm) được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí đào tạo nghề trên cơ sở quyết toán hợp đồng đào tạo. Các cơ sở đào tạo của nhà nước phải ưu tiên giành chỉ tiêu đào tạo cho cơ sở ngành nghề nông thôn trong phạm vi kế hoạch kinh phí hàng năm Nhà nước cấp.
Điều 13. Hàng năm, sở Công nghiệp phối hợp với Ban tổ chức chính quyền tỉnh lập kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý (chủ doanh nghiệp, kế toán trưởng và cán bộ KHKT) cho các cơ sở SXKD của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và tổ chức truyền nghề của các nghệ nhân.
d. về thị trường và tiêu thụ sản phẩm
Điều 14. Khuyến khích các cơ sở sản xuất ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở khác. Các cơ sở tham gia xuất khẩu được hưởng các chính sách quy định tại điều 2, Quyết định số 3431/2002/QĐ-UB, ngày 21 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Thanh Hoá về chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Sở Công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Từng huyện, căn cứ điều kiện cụ thể, có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.
Hàng năm, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính- Vật gía có trách nhiệm cân đối ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách tại Quy định này.
Các sở, ban, ngành có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công và phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điều 16. Hàng năm, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố xét các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát triển công nghiệp -TTCN, làng nghề gửi Sở Công nghiệp tổng hợp trình UBND tỉnh khen, thưởng kịp thời.
Những cá nhân, cơ quan, tổ chức cố tình gây khó khăn hoặc cản trở cho việc phát triển công nghiệp-TTCN, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
- 1Bộ luật Lao động 1994
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 3Nghị định 45/1998/NĐ-CP Hướng dẫn chuyển giao công nghệ
- 4Nghị định 68/1998/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thuế tài nguyên sửa đổi
- 5Nghị định 51/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi
- 6Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông tư 79/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Bộ Tài chính ban hành
- 8Nghị quyết 28/2003/NQ-HĐNDK14 tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2002; nhiệm vụ năm 2003 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XIV, kỳ họp thứ 8 ban hành
- 9Quyết định 3431/2002/QĐ-UB về chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
Quyết định 467/2003/QĐ-UB về Quy định tạm thời chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
- Số hiệu: 467/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/02/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Phạm Minh Đoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra