Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4659/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 23 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN TRE LUỒNG THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2378/QĐ-TTg ngày 06/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam;

Căn cứ Công thư số VFD-COP/2014/21JULY/06 ngày 21/7/2014 của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng chiến lược phát triển tre luồng Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 3088/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Tổ công tác Hợp tác quốc tế phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa ngày 22/9/2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Công văn số 510/SNgV-HTQT ngày 25/11/2014 về việc đề nghị phê duyệt Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020 ngày 25/11/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên Kế hoạch: Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Cơ quan thực hiện: Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa.

3. Phạm vi thực hiện: Trên phạm vi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

4. Mục tiêu kế hoạch: Xây dựng Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa đến năm 2020, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế vào phát triển lĩnh vực tre luồng của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Nội dung kế hoạch:

I. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa

- Xu hướng thế giới về sử dụng các sản phẩm tre luồng thay thế sản phẩm từ gỗ ngày càng rõ rệt.

- Thanh Hóa có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho sự phát triển của các loài tre luồng và là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, tuy nhiên việc quản lý chất lượng rừng luồng, giá trị gia tăng từ các sản phẩm còn thấp.

- Các tổ chức quốc tế quan tâm và cam kết hỗ trợ tỉnh xây dựng kế hoạch.

II. Giới thiệu tổng quan về tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu tổng quan về tỉnh Thanh Hóa về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, địa hình, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa.

III. Tổng quan về tình hình sản xuất tre luồng hiện nay

Nhận định, phân tích và dự báo những thay đổi, tác động của bối cảnh quốc tế (xu hướng sử dụng vật liệu tre luồng thay thế sản phẩm gỗ, các quy định về ưu tiên sản phẩm xanh, thân thiện môi trường…) và trong nước (chính sách, thực trạng trồng và sản xuất, tiêu thụ…) đến việc thực hiện kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa.

IV. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá chung những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh Thanh Hóa khi thực hiện Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa.

V. Tầm nhìn, sứ mệnh

a) Tầm nhìn

Xác định tầm nhìn cho kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

b) Sứ mệnh

Đưa ra tầm nhìn cho kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

VI. Mục tiêu

- Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ngành tre luồng của tỉnh.

- Huy động, kêu gọi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân vào phát triển ngành tre luồng của tỉnh.

- Lồng ghép chương trình phát triển ngành tre luồng vào chương trình tăng trưởng xanh của tỉnh.

- Hợp tác quốc tế phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa.

VII. Nội dung kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa

a) Kế hoạch 1: Phát triển và quản lý bền vững nguồn tre luồng của tỉnh:

- Về hợp tác nghiên cứu kỹ thuật, đưa các giống tre luồng mới hiệu quả và phù hợp vào trồng tại địa phương.

- Về bảo vệ và phát triển rừng tre luồng hiện có.

- Về trồng mới và nâng cấp, cải thiện quản lý khai thác các giống tre luồng hiện có.

b) Kế hoạch 2: Phát triển sản xuất kinh doanh ngành tre luồng

- Về phát triển các sản phẩm.

- Về phát triển thị trường.

- Về phát triển doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.

- Về phát triển hệ thống cung cấp thông tin về tre luồng Thanh Hóa.

- Về phát triển khoa học công nghệ sản xuất, chế biến.

- Về phát triển các sản phẩm phụ phẩm tre luồng, xử lý môi trường

c) Kế hoạch 3: Xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tre luồng

- Về chính sách quản lý và phát triển rừng.

- Về chính sách khuyến khích kinh doanh và đầu tư.

- Về chính sách khuyến khích chuyển giao, nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ.

d) Kế hoạch 4: Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển tre luồng của tỉnh

- Về thiết lập và phát triển quan hệ với các Đại sứ quán, cơ quan phát triển, tổ chức quốc tế.

- Về thiết lập và mở rộng quan hệ với các tỉnh thành phố nước ngoài trong lĩnh vực tre luồng.

VIII. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp thực hiện kế hoạch 1: Phát triển và quản lý bền vững nguồn tre luồng.

- Nghiên cứu, đầu tư cải thiện các giống tre luồng hiện có, phát triển và thử nghiệm các giống tre luồng mới.

- Xây dựng các trang trại mô hình trình diễn.

- Xây dựng khu bảo tồn, quản lý và phát triển tre luồng.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân trồng luồng về kỹ thuật và thời gian thu hoạch của tre luồng, đảm bảo chất lượng cây luồng khi đưa ra thị trường.

- Xây dựng mới các vườn ươm.

b) Giải pháp thực hiện kế hoạch 2: Phát triển sản xuất kinh doanh ngành tre luồng.

- Hỗ trợ thành lập mới hoặc cải thiện các cơ sở hiện có về chế biến, sản xuất tre luồng.

- Xây dựng các cơ sở thu mua, tập kết nguyên liệu tre luồng.

- Xây dựng các làng nghề truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm tre luồng, đảm bảo phát triển ngành hàng bền vững.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường sản phẩm tre luồng, website tre luồng Thanh Hóa.

- Tổ chức hội chợ, xây dựng gian hàng giới thiệu triển lãm về ngành hàng tre luồng.

- Thành lập các văn phòng giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm tre luồng tại các tỉnh, thành phố khác trong và ngoài nước.

- Xây dựng các công viên, khu du lịch sinh thái tre luồng.

- Thành lập Hội các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm tre luồng tỉnh Thanh Hóa.

c) Giải pháp thực hiện kế hoạch 3: xây dựng các chính sách hỗ trợ cho phát triển tre luồng.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ đất đai cho cá nhân và cộng đồng để trồng và phát triển tre luồng.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ cho người chăm sóc, thu hoạch tre luồng tự nhiên.

- Xây dựng chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giống tre luồng mới.

d) Giải pháp thực hiện kế hoạch 4: xây dựng các đề án, dự án kêu gọi viện trợ từ các tổ chức PCPNN, các cơ quan phát triển, các doanh nghiệp, các quốc gia.

- Xây dựng danh mục dự án, chương trình kêu gọi viện trợ NGO từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan phát triển, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam.

- Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư FDI, ODA trong lĩnh vực tre luồng.

- Xây dựng các kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế với các tỉnh, thành phố nước ngoài trên thế giới để hợp tác phát triển tre luồng.

IX. Tiến độ thực hiện kế hoạch

Bước 1: Điều tra, khảo sát, tập hợp số liệu, tài liệu; tổng hợp các kết quả nghiên cứu, phân tích về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng phát triển tre luồng hiện nay. Thời gian hoàn thành 30/12/2014.

Bước 2: Phân tích, tổng hợp bối cảnh phát triển tre luồng thế giới và trong nước hiện nay; xây dựng các báo cáo về thực trạng nguồn nguyên liệu và hoàn thiện bản đồ phân bố tre luồng của tỉnh; thực trạng việc sản xuất, chế biến, kinh doanh và thị trường ngành tre luồng tỉnh. Thời gian hoàn thành 28/02/2015.

Bước 3: Xây dựng các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển tre luồng Thanh Hóa. Thời gian hoàn thành 30/3/2015.

Bước 4: Xác định các lĩnh vực ưu tiên trọng tâm; xây dựng danh mục các đề án dự án kêu gọi hỗ trợ, đầu tư. Thời gian hoàn thành 30/5/2015.

Bước 5: Hoàn thiện kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa. Thời gian hoàn thành 20/6/2015.

Bước 6: Báo cáo và trình duyệt Kế hoạch. Thời gian hoàn thành quý III/2015.

X. Dự trù kinh phí

Từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn huy động tài trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế.

XI. Sản phẩm của đề án

- Báo cáo chính thức Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa.

- Danh mục các chương trình, dự án kêu gọi hợp tác đầu tư, tài trợ, viện trợ vào lĩnh vực tre luồng của tỉnh.

- Báo cáo về thực trạng nguồn nguyên liệu và hoàn thiện bản đồ phân bố tre luồng của tỉnh.

- Báo cáo về thực trạng các cơ sở chế biến, sản xuất và kinh doanh, thị trường ngành tre luồng của tỉnh.

Điều 2.

1. Sở Ngoại vụ căn cứ nội dung Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm triển khai thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật; chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch 4: tăng cường hợp tác quốc tế phát triển tre luồng của tỉnh; tổng hợp các kế hoạch của các đơn vị để xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch 1: phát triển và quản lý bền vững nguồn tre luồng của tỉnh, kế hoạch 3: các chính sách hỗ trợ cho phát triển tre luồng và đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch 1, 3 thuộc Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này.

3. Sở Công thương có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch 2: phát triển sản xuất, kinh doanh ngành tre luồng và đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch 2 thuộc Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Sở Ngoại vụ lập dự toán kinh phí xây dựng Kế hoạch, thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

5. Các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm giải quyết các công việc liên quan đến đơn vị mình, đồng thời phối hợp, tạo điều kiện để đơn vị chủ quản triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Ngoại vụ, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và PTNT; Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4659/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề cương Kế hoạch phát triển tre luồng Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 4659/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản