Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4653/QĐ-BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2017 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA “CÀ PHÊ VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1818/QĐ-BKHCN ngày 07/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 với các yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ và sản phẩm được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án khung đã được phê duyệt tại Điều 1 theo các quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và các văn bản khác có liên quan đến Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ ÁN KHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA "CÀ PHÊ VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
1. Tên sản phẩm: Cà phê Việt Nam chất lượng cao
2. Căn cứ pháp lý
- Quyết định 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020
- Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020.
- Quyết định số 1818/QĐ-BKHCN ngày 07/7/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia.
3. Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia: Bộ Nông nghiệp và PTNT
4. Phạm vi, đối tượng
- Phạm vi: Đề án xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, các nội dung chủ yếu về nghiên cứu chọn tạo giống và phát triển công nghệ, đầu tư sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, tạo lập thương hiệu, phát triển thị trường; đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm cà phê trên cả nước, ưu tiên cho các vùng chủ lực là Tây Nguyên (gồm các tỉnh Đắk Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), Bắc Trung bộ (Quảng Trị), Trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên) đến năm 2020.
- Đối tượng: Các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cà phê, hợp tác xã, người sản xuất và cơ quan quản nhà nước các cấp có liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2018-2023 và tầm nhìn 2030.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu kinh tế - xã hội
- Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Năng suất cà phê vối đạt 2,7 tấn/ha, cà phê chè đạt 2,0 tấn/ha.
- Nâng cao thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: đến 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013/2014.
- Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.
- Tăng cường và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ cho một số cơ sở nghiên cứu nhà nước, một số doanh nghiệp đạt trình độ khu vực và quốc tế.
2.2. Mục tiêu khoa học và công nghệ
a) Chọn tạo và công nhận 4 giống cà phê chất lượng cao, gồm 02 giống cà phê vối (công nhận sản xuất thử năm 2019, chính thức năm 2023); 02 giống cà phê chè (công nhận chính thức 01 giống năm 2020 và 01 giống năm 2023). Các giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường, trồng tập trung, chống chịu được một số sâu bệnh hại chính và thích ứng điều kiện ngoại cảnh bất thuận, là giống chủ lực trong sản xuất ít nhất 20 năm, được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, được doanh nghiệp nhận chuyển giao, chuyển nhượng quyền tác giả và đưa vào dự án đầu tư sản xuất cà phê chất lượng cao.
b) Xây dựng và chuyển giao các gói kỹ thuật công nghệ sản xuất cà phê chất lượng cao, bao gồm: quản lý vật tư đầu vào, áp dụng cơ giới hóa trong trồng trọt, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hữu cơ sinh học, sử dụng nguồn và tưới nước tiết kiệm, trồng xen phù hợp và giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu; giảm tổn thất sau thu hoạch, cải tiến kỹ thuật phơi sấy, chế biến, bảo quản và tích trữ cà phê, tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
c) Phát triển các mô hình, vùng nguyên liệu tập trung đạt tiêu chuẩn chứng nhận trong nước và quốc tế, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 5-7%; xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao được công nhận.
d) Nâng cao được tiềm lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản xuất thương mại cho các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất, chế biến thương mại sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế.
III. CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Nghiên cứu và phát triển công nghệ
a) Nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo 4 giống cà phê mới (chè và vối) chất lượng cao, cỡ hạt to, đồng đều, chín tập trung thích hợp cho các vùng sinh thái (Giống thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng cao, đặc sản).
b) Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch; nghiên cứu làm chủ công nghệ chế biến cà phê chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao.
c) Nghiên cứu cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại sản phẩm cà phê chất lượng cao quy mô hàng hóa; xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến; xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
2. Hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất và thương mại hóa sản phẩm
a) Hỗ trợ đầu tư sản xuất và hoàn thiện quy trình nhân giống cà phê in vitro theo hướng quy mô công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đạt tổng quy mô 1-2 triệu cây giống/năm.
b) Hoàn thiện quy trình canh tác cà phê chất lượng cao bền vững theo hướng GAP (quản trị tốt vùng nguyên liệu với diện tích 50-80 nghìn ha mỗi năm từ sản xuất đến tiêu thụ). Quy trình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và trồng xen phù hợp; Quy trình sơ chế, bảo quản cà phê nhân nông hộ.
c) Hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch.
d) Hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao (thử nghiệm, khuyến nông, trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới). Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm.
đ) Thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
3. Hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ
a) Hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống cà phê đạt trình độ khu vực và quốc tế.
b) Hỗ trợ kinh phí để tăng cường và nâng cao năng lực phát triển công nghệ trong chế biến, xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao cho một số doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến thị phần phát triển cà phê ở nước ta.
IV. SẢN PHẨM DỰ KIẾN CỦA ĐỀ ÁN KHUNG
1. Về nghiên cứu và phát triển công nghệ
a) Đến năm 2023 tạo ra được 4 giống cà phê chất lượng cao mới (trong đó 2 giống cà phê vối và 2 giống cà phê chè) có năng suất, chất lượng tốt (cỡ hạt, hàm lượng cafein, hương thơm đạt tiêu chuẩn), có giá trị hàng hóa cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận, được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; là giống cà phê chủ lực trong sản xuất ít nhất 20 năm; được doanh nghiệp nhận chuyển giao, chuyển nhượng quyền tác giả và được đưa vào dự án đầu tư sản xuất cà phê.
b) Sản xuất 15-18 tấn hạt giống cà phê chất lượng cao phục vụ trồng mới 18-20.000 ha; 4-6 triệu cây giống vườn ươm để trồng mới (tái canh) 4-5 nghìn ha; 1,5-2,5 triệu cây giống lá sò để trồng mới từ 1,3-1,5 nghìn ha.
2. Về quy trình công nghệ
a) Quy trình công nghệ nhân giống cà phê chất lượng cao in vitro theo hướng quy mô công nghiệp (1-2 triệu cây giống tốt/năm), giống thích ứng với biến đổi khí hậu (hạn, mưa trái vụ);
b) Quy trình canh tác cà phê chất lượng cao bền vững theo hướng GAP (quản trị tốt vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hữu cơ, sinh học, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, kỹ thuật canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, cây trồng xen, che bóng... nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát khí thải nhà kính bảo đảm an toàn thực phẩm cà phê, bảo vệ môi trường cho các vùng sản xuất cà phê chính của Việt Nam);
c) Quy trình công nghệ thu hoạch, bảo quản cà phê chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 5-7%.
d) Quy trình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và trồng xen phù hợp; Quy trình sơ chế, bảo quản cà phê nhân nông hộ.
đ) Quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật), chế biến sâu cà phê chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
3. Về mô hình, sản phẩm hàng hóa
a) 04 giống cà phê chất lượng cao được công nhận chính thức, đăng ký bảo hộ và chuyển giao trồng trong vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị có truy nguyên nguồn gốc.
b) Tối thiểu có 10 doanh nghiệp đủ năng lực triển khai mô hình công nghệ nhân giống in vitro cà phê chất lượng cao (1-2 triệu cây giống tốt) và sản xuất giống cây (15-18 tấn hạt giống; 5,5-8,5 triệu cây giống vườn ươm và cây lá sò loại 1/năm) để phục vụ trồng mới cà phê ở các vùng dự án.
c) Tối thiểu có 10 doanh nghiệp tham gia trực tiếp xây dựng mô hình liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Quy mô tại mỗi tỉnh trồng giống mới 5-10 nghìn ha/năm hoặc trồng tái canh từ 20-30 ngàn ha/năm. Quản trị tốt vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung 50-80 ngàn ha, xây dựng bộ chỉ số vùng trồng cà phê chất lượng cao.
d) Có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê giai đoạn năm 2020-2030.
đ) Xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.
4. Hiệu quả tác động
4.1. Hiệu quả về khoa học và công nghệ
- Giải quyết được những hạn chế hiện nay về khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, tạo cơ sở để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.
- Đội ngũ cán bộ KHCN sẽ được nâng cao trình độ trong các lĩnh vực nghiên cứu như công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững và ATVSTP, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và các phương pháp tiếp cận thị trường, nâng cao chuỗi giá trị.
- Cơ sở vật chất các đơn vị nghiên cứu được tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm cà phê trước mắt và lâu dài.
4.2. Hiệu quả kinh tế
- Sản xuất cà phê theo hướng tập trung, cơ giới hóa, gắn với thị trường, phát triển bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
- Nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng và tăng thu nhập cho nông dân, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đến 2020 thu nhập của nông dân tối thiểu tăng 3-5%, đến năm 2023 tăng 5-7% so với năm 2015. Lộ trình sau năm 2025 giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam có thương hiệu tương đương với cà phê trên thế giới cùng loại.
- Tổ chức sản xuất tốt, gắn kết chặt chẽ hơn các tác nhân trong chuỗi, đảm bảo tính trách nhiệm và chia sẻ giá trị công bằng, hợp lý hơn đối với các tác nhân trong chuỗi, tăng cường hợp tác chuỗi bền vững
4.3. Hiệu quả xã hội
- Đảm bảo bền vững phát triển ngành hàng cà phê quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu nhân dân về chất lượng cà phê tiêu dùng nội địa.
- Góp phần quan trọng nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe người lao động; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
- Góp phần xây dựng thương hiệu và bản sắc văn hóa cà phê Việt Nam.
4.4. Hiệu quả bảo vệ môi trường
Góp phần chuyển đổi sản xuất cà phê theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng có hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước lâu dài, bền vững.
1. Giải pháp huy động nguồn kinh phí thực hiện đề án
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng, gồm:
- Ngân sách nhà nước: 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị; 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).
- Ngân sách từ các doanh nghiệp, nông dân, vốn vay tín dụng: 60 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 200-300 ngàn ha cà phê chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu hàng hóa; 20 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống sấy, kho bảo quản, chế biến; 10 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường).
2. Giải pháp phát triển nguồn lực
- Tăng cường liên kết sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp tham gia Đề án.
- Nâng cấp cải tạo hệ thống tưới, khu vực nhân giống cà phê gốc, nâng cấp trang thiết bị nhà kho, sân phơi, tích trữ và chế biến.
3. Giải pháp hỗ trợ nghiên cứu
- Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp chủ yếu sẽ huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay tín dụng để đầu tư cho nghiên cứu, nhập nội công nghệ, chuyển giao công nghệ; sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.
- Hợp tác với chuyên gia các nước và các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, vật liệu, công tác nghiên cứu với các cán bộ của các đơn vị tham gia đề án.
4. Giải pháp về vốn, ưu đãi thuế và sử dụng đất
- Ưu tiên các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu tham gia trong đề án được áp dụng các chính sách tín dụng nông nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (NĐ 210/CP); chính sách hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch (QĐ 68/TTg); chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa (QĐ 62/TTg) theo quy định hiện hành của Nhà nước
- Đề nghị Nhà nước có định hướng hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao tập trung quy mô lớn. Ưu tiên giao đất, cho thuê đất để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sấy, chế biến và nhà kho chứa cà phê.
5. Giải pháp hỗ trợ về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường
- Ưu tiên áp dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Coi trọng phát triển cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
6. Giải pháp tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao
- Quy hoạch vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao tập trung.
- Doanh nghiệp tiêu thụ cà phê đóng vai trò trung tâm liên kết với nông dân và các doanh nghiệp khác trong tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư đầu vào trên vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý sản phẩm Quốc gia theo Quyết định số 1818/QĐ-BKHCN ngày 7/7/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công đơn vị chủ quản sản phẩm quốc gia, thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất cà phê nguyên liệu hàng hóa tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung... phù hợp với quy hoạch chung của cả nước; ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê trên địa bàn; ưu tiên ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cà phê; tổng hợp báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê.
3. Các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp liên quan: Đề xuất dự án KH&CN, nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với mục tiêu, nội dung của đề án, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Chương trình sản phẩm Quốc gia.
4. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đề xuất các dự án đầu tư sản xuất phù hợp với nội dung, mục tiêu của đề án, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Chương trình sản phẩm Quốc gia./.
- 1Thông tư 10/2014/TT-BCT quy định thực hiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Thông tư 07/2015/TT-BKHCN quy định việc đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 3Quyết định 2277/QĐ-BNN-VPĐP năm 2017 về phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 4184/QĐ-BNN-TCTS năm 2017 về phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Tôm nước lợ (gồm: Tôm sú và Tôm thẻ chân trắng) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 4428/QĐ-BNN-TT năm 2018 về Quy trình tái canh cà phê chè do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Quyết định 3702/QĐ-BNN-TT năm 2018 về Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng trong vườn cà phê vối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 2441/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 10/2013/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 3Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 4Thông tư 10/2014/TT-BCT quy định thực hiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5Thông tư 07/2015/TT-BKHCN quy định việc đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 6Nghị định 15/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 7Quyết định 787/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2277/QĐ-BNN-VPĐP năm 2017 về phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 9Quyết định 4184/QĐ-BNN-TCTS năm 2017 về phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Tôm nước lợ (gồm: Tôm sú và Tôm thẻ chân trắng) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Quyết định 1818/QĐ-BKHCN năm 2017 về phân công Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 11Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 4428/QĐ-BNN-TT năm 2018 về Quy trình tái canh cà phê chè do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 13Quyết định 3702/QĐ-BNN-TT năm 2018 về Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng trong vườn cà phê vối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 4653/QĐ-BNN-KHCN năm 2017 về phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 4653/QĐ-BNN-KHCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/11/2017
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Lê Quốc Doanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/11/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra