Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 463/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 07 tháng 3 năm 2016 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2016 CỦA TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương này 19/6/2015;
Xét Tờ trình số 368/TTr-SYT, ngày 26/02/2016 của Giám đốc Sở Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 của tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Kinh phí thực hiện được sử dụng trong dự toán năm 2016 từ nguồn sự nghiệp y tế.
(Kèm Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2016; các phụ lục).
Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả kết thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM:
1. Tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới, khu vực:
Trong những năm đầu của thế kỷ 21, trên thế giới phát sinh nhiều loại dịch bệnh mới như: SARS, cúm A (H5N6), tay-chân-miệng, tiêu chảy huyết tán do E.coli, viêm đường hô hấp cấp tính nặng do chủng mới của vi rút corona MERS-CoV, bệnh do virus Ebola, sự bùng phát trở lại bệnh sởi, sự gia tăng số người mắc viêm gan mãn tính.
Đến tháng 12 năm 2015, MERS- CoV đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới với số người mắc bệnh là 1.154 người nhiễm và 434 người tử vong, bên cạnh đó bệnh Ebola vẫn còn diễn biến ở một số Quốc gia của Châu Phi.
2. Tình hình bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam:
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, nước ta đã giữ vững được thành quả loại trừ các bệnh: Đậu mùa, bại liệt, dịch hạch, uốn ván sơ sinh. Một số bệnh: Tả, sốt rét, sởi từng bước được đẩy lùi. Các bệnh có vắc xin: Ho gà, bạch hầu... đã giảm số mắc hàng chục đến hàng trăm lần so với trước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao: Sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, cúm, dại, thương hàn. Một số bệnh mới nổi có tỷ lệ tử vong cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đại dịch: Cúm A(H5N1), Cúm A(H7N9), viêm đường hô hấp cấp tính nặng do chủng mới của vi rút Corona, Ebola, dịch hạch.
Trong năm 2015, ghi nhận khu vực phía Nam có 39.217 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, trong đó có 5 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2014 số trường hợp mắc giảm 29,96 %, số trường hợp tử vong giảm 0,008; sốt xuất huyết có 49.899 trường hợp mắc bệnh, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2014, số ca tử vong tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2014 (19 ca); viêm não mô cầu: 3 ca, số mắc và số tử vong giảm so với năm 2014; 473 ca mắc bệnh thương hàn giảm 11,3 % so với cùng kỳ năm 2014; bệnh Sởi 2.067 ca giảm 87,1 % so với cùng kỳ năm 2014 không có trường hợp tử vong do sởi; 41 trường hợp mắc ho gà; dịch Bạch hầu xuất hiện ở Quảng Nam với 13 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Trong năm 2015, không ghi nhận trường hợp nào mắc cúm AH5N1.
3. Tình hình bệnh truyền nhiễm tại tỉnh Vĩnh Long:
Bệnh tay chân miệng tăng cao ở tháng 3, tháng 4, cao điểm là tháng 5 sau đó giảm dần đến tháng 6, nhưng trung bình mỗi tuần có trên 30 cas mắc; tuy nhiên, tổng số cas mắc tay chân miệng năm 2015 giảm 1.464 cas so với cùng kỳ năm 2014 và không có cas tử vong.
Sốt xuất huyết xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương, số mắc tăng 190 cas, diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, những tháng mùa mưa bệnh có chiều hướng tăng dần, đã có 02 trường hợp tử vong tại Vũng Liêm và Tam Bình.
Các bệnh dịch nguy hiểm khác như: Cúm A (H5N1), tả, não mô cầu được giám sát chặt chẽ, liên tục, trong năm chưa ghi nhận trường hợp mắc nào trên địa bàn tỉnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng: Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh có vắc xin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván sơ sinh, Bại liệt, Viêm gan B, Hib, Sởi) nên tỷ lệ mắc giảm dần hàng năm; sau khi thực hiện chiến dịch tiêm vét sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi và chiến dịch tiêm vắc xin Sởi- Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trong năm 2014 thì số cas mắc sởi của năm 2015 giảm đáng kể; năm 2015 chỉ có 01 ca sởi lâm sàng, không ghi nhận trường hợp mắc Rubella trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Cùng với cả nước, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai thực hiện, tập huấn chuyên môn đến công tác truyền thông, giám sát. Đối với từng loại dịch bệnh, có phương án, kế hoạch riêng nhằm giảm số cas mắc và tử vong. Các chiến dịch, hoạt động truyền thông nhằm huy động sự hưởng ứng tham gia của các cấp uỷ, chính quyền và toàn thể người dân được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã như: Chiến dịch tiêm vét sởi cho đối tượng từ 9- 24 tháng, chiến dịch tiêm vắc xin sởi- Rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi, chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 12- 36 tháng tuổi, triển khai hoạt động hưởng ứng Chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh TCM; ngày Môi trường thế giới; ngày thế giới phòng chống sốt rét, phòng chống lao, HIV/AIDS; phòng chống bệnh dại,…
II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN:
1. Công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh:
Thực hiện sự chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều công văn, trong đó đã ban hành Quyết định số 563/QĐ-UBND, ngày 13/4/2015 về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2015 của tỉnh Vĩnh Long.
2. Công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, báo cáo:
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế rà soát, tham mưu để củng cố và duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; Duy trì giao ban hoạt động ngành hàng tháng, cần thiết giao ban đột xuất. Triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất về hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại một số địa phương là điểm nóng dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 48/2010/TT-BYT , ngày 31/12/ 2010 của Bộ Y tế.
3. Công tác đầu tư tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Kinh phí phòng chống, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm năm 2015 trên địa bàn tỉnh là 4.026.000.000 đ (Bốn tỷ, không trăm hai mươi sáu triệu đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia, các Dự án.
4. Công tác chuyên môn, kỹ thuật:
Thành lập đoàn giám sát y tế, giám sát hỗ trợ các huyện có số cas mắc sốt xuất huyết cao; giám sát trọng điểm tại huyện Mang Thít và huyện Vũng Liêm.
Phun hoá chất chủ động diện rộng 38 xã có nguy cơ cao và mở 04 chiến dịch diệt lăng quăng cho 60 xã có nguy cơ ngay từ những tháng đầu năm 2015.
Tập huấn: Điều trị sốt xuất huyết cho cán bộ y tế xã phường, quản lý phần mềm sốt xuất huyết cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện; Tập huấn xử lý ổ dịch nhỏ, trong năm phát hiện 115 ổ dịch nhỏ và đã xử lý được 112 ổ dịch đạt tỷ lệ 97,39%. Tổ chức ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần 3.
Tập huấn điều trị bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế tuyến xã, phường; Tập huấn kỹ năng đáp ứng nhanh trong phòng chống dịch cho các đội đặc nhiệm tuyến huyện. Phun hoá chất các phòng học trước khai giảng năm học mới năm 2015. Thành lập đoàn giám sát y tế thường xuyên đi giám sát hỗ trợ các huyện có số ca mắc tay chân miệng tăng cao.
Tổ chức tiêm vắc xin Sởi - Rubella đợt III cho trẻ từ 11-14 tuổi, kết quả thực hiện đạt trên 95% theo kế hoạch.
5. Công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
Phối hợp Tổ truyền thông của khoa kiểm soát dịch bệnh Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện truyền thông phòng chống tay chân miệng, phòng chống sâu răng tại xã Bình Hoà Phước, Long An của huyện Long Hồ.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông, giáo dục sức khoẻ để phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh tại những nơi nguy cơ cao: Trường học, khu công nghiệp.
6. Công tác phối hợp liên ngành:
Sở Y tế đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn; Ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nhằm tăng cường chỉ đạo mạng lưới y tế kiểm soát công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý.
III. HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN HẠN CHẾ:
1. Hạn chế:
Công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2015 tuy đã đạt được một số kết quả tốt. Nhưng hiện nay, tỉnh gặp phải các khó khăn, tồn tại khách quan và chủ quan như sau:
- Do nhiệm vụ riêng của từng ngành, nên công tác phối hợp đôi khi chưa được chặt chẽ;
- Công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, chỉ tập trung khi có dịch bệnh xảy ra;
- Công tác thông tin và báo cáo về tình hình dịch bệnh của một số địa phương chưa kịp thời;
- Công tác giám sát, kiểm tra tình hình phòng, chống dịch ở cơ sở của các đơn vị có liên quan chưa thường xuyên.
2. Nguyên nhân:
2.1. Nguyên nhân khách quan:
- Dịch bệnh diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành cả nước, một số bệnh mới nổi do vi-rút không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc xin dự phòng, các biện pháp phòng chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu nên có khả năng lây truyền, bùng phát thành dịch lớn như cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi,....
- Do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng bất thường hoặc thay đổi quy luật của một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm AH1N1, H5N6, H7N9, ho gà,…
- Sự biến động về dân cư, đô thị hoá, sự biến chủng của vi sinh vật, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, cũng như một số dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện nguy cơ gây dịch bệnh trở lại.
- Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ở nước ta nói chung và tỉnh Vĩnh Long còn thụ động, chủ yếu giám sát trường hợp mắc bệnh dựa vào cơ sở khám chữa bệnh công; giám sát phát hiện sớm và giám sát trọng điểm trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng mới triển khai đối với một số bệnh: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi
- Tháng 09 hàng năm là tháng khai giảng năm học mới, nên nguy cơ của dịch bệnh tay chân miệng từ những người lành mang mầm bệnh là điều khó tránh khỏi.
2.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Chính quyền một số địa phương thiếu sự chỉ đạo thường xuyên đối với công tác phòng chống dịch; đồng thời, giao phó công tác chủ yếu này cho ngành Y tế.
- Lãnh đạo một số Trung tâm Y tế chưa tham mưu tốt cho chính quyền địa phương để hỗ trợ hoạt động của ngành Y tế.
- Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia thường xuyên các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
- Hệ thống thông tin, báo cáo dịch chưa đáp ứng yêu cầu, do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đầu tư kinh phí nhân lực còn hạn chế.
- Cán bộ làm công tác y tế dự phòng tại tuyến y tế cơ sở kiêm nhiệm nhiều chương trình, dự án làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoàn thành công tác chuyên môn về phòng chống dịch.
- Việc chẩn đoán xác định căn nguyên còn nhiều khó khăn do hệ thống phòng xét nghiệm ở các tuyến còn thiếu trang thiết bị, cán bộ chưa được đào tạo lại hoặc tập huấn chuyên môn theo định kỳ.
- Từng địa phương chưa đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch để rút kinh nghiệm.
- Lực lượng nhân viên y tế khóm ấp tuy đông, nhưng chất lượng hoạt động không đồng đều, thiếu sự giám sát hỗ trợ thường xuyên của Trạm Y tế nên chưa làm tốt được chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế khóm - ấp được quy định tại Thông tư số 39/2010/TT-BYT , ngày 10/9/2010 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.
KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2016 TẠI TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ vào diễn biến, tình hình các bệnh truyền nhiễm năm 2015, dự báo tình hình dịch bệnh năm 2016 của tỉnh Vĩnh Long; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số lượng mắc có thể tăng cao, một số bệnh có nguy cơ gây dịch như: Sởi, tay chân miệng, tả, tiêu chảy; sốt xuất huyết; cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), bệnh do liên cầu lợn và bệnh dại, MERS-CoV, Ebola, bệnh do vi rút Zika,...
1. Mục tiêu:
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tập trung vào các dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương có tỷ lệ mắc cao như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, cúm A( H5N1), cúm A (H1N1), tả/tiêu chảy; khống chế kịp thời không để bệnh dịch mới nổi bùng phát, như: Viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, thương hàn, rota virus, thuỷ đậu, quai bị, ho gà, bệnh liên cầu lợn,... Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, giám sát chủ động phòng chống dịch bệnh tại các tuyến, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh tại địa phương. Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, không để bệnh dịch xâm nhập vào địa phương, không gây dịch lớn. Tăng cường năng lực phòng xét nghiệm trong lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản vận chuyển, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán tác nhân gây bệnh.
2. Chỉ tiêu chuyên môn:
- 100% bệnh, dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.
- > 90 % cán bộ làm công tác phòng chống dịch được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
- 100% nhân viên y tế xã, phường được cung cấp kiến thức giám sát, báo cáo, thực hành xử lý dịch theo đúng quy định.
- Giảm 5 - 10% số mắc, chết bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2010 - 2015.
1. Rà soát, bổ sung hoạt động, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người, Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; thường xuyên nắm bắt thông tin và có biện pháp chống dịch kịp thời. Duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên môn của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
2. Triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh năm 2016.
3. Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đảm bảo đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống dịch của tỉnh trong năm 2016; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ban ngành khác trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm gia cầm ở người.
4. Tăng cường và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh; công tác thông tin truyền thông phải đảm bảo tính chính xác, đúng quy định của pháp luật, tránh gây tâm lý hoang mang làm ảnh hưởng đến các hoạt động an ninh xã hội.
5. Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tuyến tỉnh, huyện, xã, đặc biệt tăng cường thực hiện các nội dung Quy chế phối hợp giữa cơ sở y tế hệ dự phòng và cơ sở khám chữa bệnh thuộc hệ điều trị. Củng cố hệ thống giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch: Tả, tay chân miệng, sốt xuất huyết và cúm.
6. Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là hệ dự phòng sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch lớn hoặc xảy ra đại dịch.
7. Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết khác, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nếu xảy ra dịch lớn hoặc xảy ra đại dịch; củng cố đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới, cấp cứu tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ điều trị về tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
8. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp thu thập thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
9. Xã hội hoá công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp.
Để thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch bệnh trong năm 2016 đạt hiệu quả, Ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương tập trung, chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:
1. Tăng cường công tác truyền thông, truyền thông về nguy cơ của dịch bệnh nguy hiểm đến sức khoẻ người dân; phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, để mọi người biết cách phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
2. Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, quản lý tốt địa bàn dân cư.
3. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước.
4. Hướng dẫn chuyên môn, báo cáo theo đúng quy định của Trung ương và địa phương.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, báo cáo theo quy định.
6. Xây dựng kế hoạch về kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chú trọng các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong đến mức thấp nhất có thể; phát huy tối đa các biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắc xin đặc biệt là các hoạt động của chương trình tiêm chủng quốc gia.
7. Các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
8. Quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học về tác nhân gây bệnh, về véc tơ truyền bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
9. Kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí phòng chống dịch bệnh năm 2016 của tỉnh Vĩnh Long là 5.827.596.000 đồng (năm tỷ, tám trăm hai mươi bảy triệu, năm trăm chín mươi sáu ngàn đồng) bao gồm các nguồn: Kinh phí phòng chống dịch bệnh từ các Chương trình y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng; Kinh phí phòng chống dịch bệnh của tỉnh; Kinh phí phòng chống dịch bệnh từ các nguồn hợp pháp khác.
1. Sở Y tế:
- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; trong kế hoạch, Sở Y tế cần xây dựng các phương án dự phòng phù hợp với cấp độ dịch bệnh; đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch phòng chống dịch bệnh các cấp tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch: Bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân sự, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
- Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp (phong toả vùng có dịch, đóng cửa trường học, huy động bệnh viện dã chiến,.) hoặc xây dựng kế hoạch diễn tập phòng chống dịch bệnh khi cần thiết.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát, báo cáo chặt chẽ tình hình dịch bệnh của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chốt kiểm dịch; thực hiện tiêu độc, khử trùng đối với các cơ sở hoạt động liên quan đến thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; thông báo đến Ngành Y tế các ổ dịch bùng phát hoặc tái phát, để cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người và các bệnh truyền từ động vật có nguy cơ lây sang người.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh việc thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhằm góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với Sở Công thương và các ban, ngành liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ và lưu thông gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với cơ quan chức năng Ngành Y tế tổng kiểm tra đánh giá sự sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh của các địa phương.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với Ngành Y tế trong tuyên truyền giáo dục công tác bảo vệ và nâng cao sức khoẻ học đường, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khống chế dịch bệnh tại các trường học nếu có xảy ra; chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
- Phân công cán bộ cụ thể phụ trách theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học. Y tế trường học chủ động thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện, cách ly, thông báo cho cơ sở y tế gần nhất, thường xuyên cho học sinh thực hành rửa tay sạch.
- Tạo mối liên kết chặt chẽ từ các trường mẫu giáo, tiểu học đóng trên địa bàn với y tế địa phương, thực hiện hệ thống giám sát, thông tin báo cáo dịch hai chiều (Y tế - Trường học, Trường học - Y tế).
4. Sở Tài chính:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế để giải quyết những công việc có liên quan đến tài chính, phục vụ cho công tác phòng chống dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đáp ứng cho công tác phòng chống dịch, bệnh khẩn cấp và kéo dài (nếu có) trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính xem xét, bố trí kinh phí kịp thời cho nhu cầu mua sắm các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm, trang thiết bị, sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, bệnh của các đơn vị thuộc Ngành Y tế và các đơn vị có liên quan đề nghị.
- Tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các tổ chức (nếu có) trong công tác chống dịch, xây dựng kế hoạch tài chính phục vụ công tác phòng chống dịch thường xuyên và đột xuất trình UBND tỉnh phê duyệt.
6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch trong các dịp tết, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức tuyên truyền về các bệnh dịch nguy hiểm trên các băng rôn, khẩu hiệu,...trên các trục đường chính, nơi đông người.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo công tác thông tin, báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch tới mọi người dân, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội, du lịch, giao lưu quốc tế và không gây hoang mang trong nhân dân. Chú ý tuyên truyền trực quan, dễ hiểu, dễ thực hiện; Phối hợp với các ngành hữu quan tuyên truyền đa dạng hình thức trên hệ thống đài, báo, cơ quan, đơn vị, trường học,.
- Theo dõi thông tin về tình hình dịch trong nước và quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, để báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh tỉnh.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long; Báo Vĩnh Long:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các chuyên mục phòng chống dịch bệnh; đưa tin, bài tuyên truyền kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về phòng chống dịch bệnh để mọi người dân hiểu và thực hiện.
9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long:
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và toàn dân hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Phát động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân”.
10. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông và quản lý bệnh nhân, xử lý nguồn bệnh tại cộng đồng.
- Phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch bệnh để kịp thời thu thập, tiếp cận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo yêu cầu.
- Chỉ đạo và kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, trực tiếp điều hành công tác tổ chức giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch quyết liệt, sâu sát, nắm chắc thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo theo dõi và kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa bàn được phân công.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức cho người dân để tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.
- Vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm,... để tăng hiệu quả phòng bệnh và các phong trào thi đua bảo vệ, nâng cao sức khoẻ; cùng giám sát dịch bệnh, báo cáo kịp thời cho các đơn vị chức năng gần nhất khi phát hiện dịch bệnh./.
KẾ HOẠCH KINH PHÍ CHI TIẾT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
Đơn vị tính: Đồng
Số TT | Nội dung | Dự toán kinh phí TW | Dự toán kinh phí địa phương | Tổng cộng |
I. KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG CÁC DỊCH BỆNH THƯỜNG XUYÊN | ||||
1 | Chương trình phòng, chống SXH (Phụ lục II) | 1.097.392.000 | 1.651.165.000 | 2.748.557.000 |
2 | Chương trình TCMR (Phụ lục III) | 499.307.000 | 596.444.000 | 1.095.751.000 |
Cộng ( I ): | 1.596.699.000 | 2.247.609.000 | 3.844.308.000 | |
II. KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG CHỦ ĐỘNG CÁC DỊCH BỆNH HUY ĐỘNG TỪ NGUỒN ĐỊA PHƯƠNG | ||||
3 | Kế hoạch phòng chống tay chân miệng (Phụ lục IV) |
| 436.958.000 | 436.958.000 |
4 | Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm A (H5N1), (H1N1) (Phụ lục V) |
| 211.782.000 | 211.782.000 |
5 | Kế hoạch phòng, chống bệnh mới nổi(Cúm A (H7N9), (H5N6), Ebola, Sởi, bại liệt, dịch hạch.)(Phụ lục VI) |
| 719.744.000 | 719.744.000 |
6 | Kế hoạch phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, tả (Phụ lục VII) |
| 55.000.000 | 55.000.000 |
7 | Kế hoạch phòng chống dại (Phụ lục VIII) |
| 183.540.000 | 183.540.000 |
8 | Tiêm vắc xin MR bổ sung 16 - 17 tuổi (Phụ lục III) | 49.624.000 | 326.640.000 | 376.264.000 |
| Cộng ( II ) | 49.624.000 | 1.933.664.000 | 1.983.288.000 |
| Tổng cộng | 1.646.323.000 | 4.181.273.000 | 5.827.596.000 |
KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
1. Mục tiêu chung:
Giảm tỉ lệ chết, giảm tỉ lệ mắc, khống chế không để dịch lớn xảy ra, xã hội hoá các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.
2. Chỉ tiêu:
STT | NỘI DUNG | CHỈ TIEU |
1 | Khống chế tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết | <0,09% |
| Khống chế tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết nặng | <1,8% |
2 | Giảm tỉ lệ mắc/100.000 dân do sốt xuất huyết so với trung bình 10 năm giai đoạn 2006 -2015. | 5% |
3 | Tỷ lệ bệnh nhân nghi sốt xuất huyết được chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh. | 7 % |
4 | Tỷ lệ bệnh nhân nghi sốt xuất huyết được chẩn đoán bằng phân lập virus. | 3 % |
5 | Giám sát dịch tễ chủ động: . Số xã tuyến tỉnh thực hiện giám sát côn trùng . Số xã tuyến huyện thực hiện giám sát côn trùng | 2 xã 1 xã |
6 | Tỷ lệ xã được tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng 2 lần/năm | 10 % |
7 | Tỷ lệ xã được tổ chức phun hoá chất diệt muỗi chủ động 2 lần/năm | 10 % |
8 | Tỷ lệ ổ dịch được xử lý | > 90 % |
3. Giải pháp thực hiện:
3.1. Công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo:
Củng cố, phát huy vai trò của Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân địa phương, nâng cao vai trò chỉ đạo của chính quyền các cấp.
Tăng cường tham mưu đúng, kịp thời cho Uỷ ban nhân dân các cấp về công tác phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho chính quyền các cấp về hoạt động phòng chống sốt xuất huyết theo tài liệu dành cho cán bộ chính quyền.
Tổ chức định kỳ hội nghị phòng, chống sốt xuất huyết do Uỷ ban nhân dân các cấp chủ trì trực tiếp chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp với Ngành Y tế trong các hoạt động phòng, chống tại cộng đồng.
Từ quý I/2016 lập kế hoạch phối hợp chính quyền - y tế - giáo dục trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.
Đề cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện bản cam kết không có lăng quăng trong nhà với UBND xã. Kiểm tra việc thực hiện cam kết tại cơ sở.
Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ (T4G) tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
3.2. Tăng cường củng cố hệ thống giám sát, ngăn chặn dịch bùng phát:
Thực hiện đúng “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue” (SXHD) ban hành kèm theo Quyết định số 3711/QĐ-BYT , ngày 19/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Gắn kết giữa dịch tễ, xét nghiệm, côn trùng trong giám sát thường quy, giám sát trọng điểm để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng kết quả xét nghiệm, điều tra véc tơ trong giám sát.
3.2.1. Giám sát ca bệnh:
- Triển khai các hoạt động giám sát ca bệnh theo quy định, thực hiện nghiêm chế độ thống kê báo cáo số cas mắc, chết do SXHD theo lứa tuổi và theo phân độ lâm sàng.
- Áp dụng quản lý bệnh nhân SXH bằng phần mềm tin học cho tuyến huyện, thị xã, thành phố. Sử dụng phần mềm, ứng dụng kết quả trong giám sát, thống kê báo cáo, xác định ổ dịch, xử lý ổ dịch trong vòng 48 giờ.
- Thực hiện thường xuyên báo cáo ngày, tuần, phản hồi thông tin cho tuyến dưới.
- Xây dựng đường cong chuẩn dự báo dịch từ tỉnh đến xã.
- Phối hợp chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị trong việc báo cáo ngày danh sách ca bệnh nhập viện, chuyển độ, thay đổi chẩn đoán thành sốt xuất huyết sau khi nhập viện.
3.2.2. Giám sát huyết thanh, vi rút:
- Tăng cường công tác lấy mẫu huyết thanh, xét nghiệm tìm kháng thể và phân lập vi rút nhằm phát hiện kịp thời tỷ lệ vi rút lưu hành trong cộng đồng, sự chuyển hướng của các týp vi rút, góp phần dự báo dịch. Xây dựng mạng lưới tin học quản lý xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết dengue từ tỉnh đến huyện.
- Thực hiện giám sát huyết thanh, vi rút sớm trong 6 tháng đầu năm, phân bố chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương.
Lưu ý: Lấy mẫu PLVR dựa trên những mẫu có kết quả xét nghiệm NS1 dương tính để tăng tỉ lệ phân lập được vi rút Dengue.
Chỉ tiêu | BVĐK tỉnh | LH | MT | VL | TB | TO | BM | BT | Tổng cộng |
Mac-Elisa | 160 | 00 | 00 | 00 | 15 | 15 | 05 | 05 | 200 |
PL Virus | 60 | 00 | 00 | 00 | 15 | 15 | 05 | 05 | 100 |
3.2.3. Giám sát côn trùng:
- Tỉnh chọn hai xã điểm và mỗi huyện chọn một xã điểm (8 xã điểm của 8 huyện) thực hiện giám sát Vectơ thường xuyên hàng tháng và báo cáo. Điều tra ổ lăng quăng nguồn tại ít nhất 2 huyện điểm 2 lần/năm.
- Tăng cường giám sát, theo dõi biến động của quần thể véc tơ tại các điểm hàng tháng để có các biện pháp can thiệp thích hợp và kịp thời.
- Hướng dẫn giám sát phát hiện ổ lăng quăng, chủ động phòng, chống tại hộ gia đình, hướng dẫn phun hoá chất diệt muỗi đúng và hiệu quả.
3.3. Giảm tỷ lệ chết:
“Định bệnh sớm, điều trị đúng” nhằm làm giảm tỷ lệ chết/sốt xuất huyết dengue nặng tại các cơ sở điều trị ”. Tuân thủ các quy định về phân tuyến, tiếp nhận, lọc bệnh, chuyển viện an toàn, quản lý bệnh nhân sốt xuất huyết dengue tại hệ thống y tế tư nhân.
- Thực hiện đúng nội dung tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue” ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-BYT , ngày 16/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của cán bộ y tế bao gồm bác sĩ và điều dưỡng ở khoa nhi và khoa nhiễm.
- Trang bị phương tiện truyền thông, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ truyền thông tuyến huyện.
- Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị từ tỉnh đến huyện, tuân thủ quy chế giao ca trực.
- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo ca bệnh, tử vong theo đúng quy định.
3.4. Giảm tỷ lệ mắc:
Triển khai kịp thời, có chất lượng các biện pháp phòng, chống chủ động.
3.4.1. Các biện pháp diệt véc tơ:
- Thiết lập hệ thống nuôi cá ăn lăng quăng từ tỉnh đến xã, đảm bảo có mạng lưới nuôi và phân phối cá tại ấp và trường học.
- Tổ chức thí điểm diệt lăng quăng dựa vào học sinh trung học, ký hợp đồng trách nhiệm giữa Trung tâm Y tế Dự phòng - Trạm Y tế - Nhà trường.
- Giám sát đánh giá hiệu quả hàng tháng.
3.4.2. Mô hình phòng chống véc tơ chủ động:
- Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng: Ít nhất 2 lần/năm vào đầu mùa mưa và đỉnh dịch cho các xã có nguy cơ, có thể kết hợp với chiến dịch truyền thông ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Huy động mọi nguồn lực, đảm bảo giảm mật độ muỗi, lăng quăng sau chiến dịch.
- Tổ chức phun hoá chất diệt muỗi: Tổ chức chiến dịch phun hoá chất chủ động cho các xã có nguy cơ theo đúng chỉ định. Tổ chức chiến dịch dập dịch diện rộng cho các xã theo đúng quy định, kỹ thuật, thời gian và số lần phun hoá chất.
3.4.3. Phát hiện sớm, đáp ứng nhanh phòng, chống dịch sốt xuất huyết:
- Tăng cường năng lực cán bộ trong công tác phòng chống dịch.
- Dự trữ hoá chất, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có dịch.
- Ứng dụng kết quả giám sát dịch tễ triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch.
3.5. Truyền thông:
- Tăng cường công tác giáo dục truyền thông, nâng cao trình độ hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết dengue, cách phòng chống đến từng hộ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền thông, phát thanh, báo đài, tờ rơi, áp phích chủ yếu làm thay đổi hành vi kiểm soát lăng quăng của các hộ gia đình.
- Xây dựng các đoạn phim tuyên truyền ngắn (Spost thời lượng 30 giây) về chiến dịch diệt lăng quăng trên sóng địa phương. Xây dựng các chương trình truyền thông bằng tiếng dân tộc.
- Kết hợp chiến dịch quốc gia ngày làm sạch môi trường, ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết để vận động cộng đồng cùng tham gia phòng chống sốt xuất huyết dengue.
- Đưa nội dung phòng chống sốt xuất huyết dengue vào chương trình ngoại khoá của trường tiểu học, trung học, vận động thành phong trào thi đua diệt bọ gậy tại mỗi hộ gia đình của học sinh ở các xã điểm.
3.6. Tập huấn:
TT | Nội dung | Đơn vị thực hiện | Địa điểm | Đối tượng | Thời gian |
1 | 01 lớp chẩn đoán và điều trị SXHD | TTYTDP tỉnh, BVĐK tỉnh | BVĐK tỉnh | CB điều trị tuyến tỉnh, huyện | Tháng 6/2016 |
2 | 08 lớp chẩn đoán và điều trị SXHD | TTYT huyện | BVĐK huyện | CB điều trị tuyến xã phường | Tháng 6/2016 |
3 | 01 lớp giám sát dịch tễ, thống kê báo cáo | TTYTDP tỉnh | TTYTDP tỉnh | CB chuyên trách SXH tuyến huyện | Tháng 6/2016 |
4 | Ứng dụng phần mềm trong xử lý số liệu, thống kê báo cáo, bản đồ dịch tễ, xây dựng đường cong dự báo dịch | TTYTDP tỉnh | TTYTDP tỉnh | CB chuyên trách SXH tuyến huyện | Tháng 6/2016 |
5 | 01 lớp Phương pháp điều tra, xử lý dịch, kỹ thuật giám sát lăng quăng nguồn, kỹ thuật phun hoá chất | TTYTDP tỉnh | TTYTDP tỉnh | CB chuyên trách SXH tuyến huyện | Tháng 6/2016 |
6 | 08 lớp giám sát dịch tễ, phương pháp điều tra, xử lý dịch, kỹ thuật giám sát lăng quăng nguồn, kỹ thuật phun hoá chất | TTYTDP huyện | TTYT huyện | CB chuyên trách SXH tuyến xã | Tháng 6/2016 |
7 | 11 lớp kiến thức và các biện pháp phòng chống bệnh SXH, kỹ năng tuyên truyền | TTYTDP huyện | UBND xã | Cộng tác viên | Tháng 6/2016 |
8 | 16 lớp kiên thức và các biện pháp phòng chống bệnh SXH | TTYTDP huyện | UBND xã | Chính quyền, ban ngành, đoàn thể | Tháng 6/2016 |
9 | 02 lớp cho giáo viên học sinh | TTYTDP tỉnh | Trường học | GV - HS cấp 2 | Tháng 6/2016 |
4. Kinh phí thực hiện: 2.748.558.000 đồng:
- Ngân sách trung ương cấp: 1.097.392.000 đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.651.165.000 đồng.
KẾ HOẠCH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
1. Mục tiêu:
- Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt và duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh.
- Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng > 95%
- Giảm tỷ lệ mắc các bệnh /100.000 dân, trong đó:
+ Sởi: Khống chế dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc < 2/100.000 dân.
+ Bạch hầu < 0,01/100.000 dân.
+ Ho gà < 0,1/100.000 dân.
2. Chỉ tiêu:
Số liệu năm 2016 dân số: 1.057.743 người.
Số huyện, thị xã, thành phố: 6 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố.
Số xã phường: 109
Số xã tiêm chủng thường xuyên: 109
Số khóm ấp: 846
Tỷ lệ sinh: 1,43
Trẻ < 1 tuổi: 15.126 trẻ
Phụ nữ có thai: 15.126 người.
Phụ nữ 14 - 15 cần tiêm vaccine uốn ván: 19.416 người.
Trẻ 18 tháng 15.936 trẻ
Trẻ tiêm VNNB 63.219 trẻ
Số bệnh viện tuyến tỉnh: 03
Số bệnh viện tuyến huyện: 10
Chỉ tiêu | Kế hoạch năm 2016 |
Tỷ lệ huyện không có ca uốn ván sơ sinh | 100% |
Tỷ lệ trẻ < 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin ( lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib) | > 95% |
Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván | > 95% |
Tỷ lệ phụ nữ diện sinh đẻ được tiêm phòng uốn ván | > 95% |
Tỷ lệ trẻ được tiêm mũi 2 vắc xin sởi- Rubella | > 95% |
Tỷ lệ trẻ tiêm nhắc DTC4 | > 95% |
Tỷ lệ trẻ tiêm ngừa viêm não Nhật Bản | > 95% |
Đối tượng đăng ký tiêm chủng năm 2016:
TT | ĐỊA PHƯƠNG | TRẺ < 1 TUỔI | PNCT | PN tuổi sinh đẻ | Trẻ 18 tháng |
1 | TP. Vĩnh Long | 1.870 | 1.870 | 2.051 | 2.025 |
2 | H. Long Hồ | 2.152 | 2.152 | 1.617 | 2.362 |
3 | H. Mang Thít | 1.488 | 1.488 | 2.336 | 1.620 |
4 | H. Vũng Liêm | 2.387 | 2.387 | 3.105 | 2.023 |
5 | H. Tam Bình | 2.298 | 2.298 | 3.746 | 2.282 |
6 | H. Trà Ôn | 2.018 | 2.018 | 3.188 | 2.512 |
7 | TX. Bình Minh | 1.365 | 1.365 | 1.919 | 1.523 |
8 | H. Bình Tân | 1.548 | 1.548 | 1.454 | 1.589 |
| Cộng | 15.126 | 15.126 | 19.416 | 15.936 |
3. Những hoạt động trọng tâm năm 2016:
- Đảm bảo nhu cầu vắc xin cho công tác tiêm chủng: Phân phối vắc xin theo nhu cầu các huyện.
- Triển khai các hoạt động bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt: Tổ chức tập huấn, lồng ghép giám sát sởi - bại liệt tại tuyến cho cán bộ hệ y tế dự phòng và hệ điều trị.
- Tăng cường công tác giám sát liệt mềm cấp/bại liệt: Lồng ghép hoạt động tăng cường giám sát liệt mềm cấp/bại liệt trong củng cố quản lý, giám sát hỗ trợ, kiểm tra đánh giá công tác TCMR ở các tuyến.
- Mỗi ngày đến bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thành phố, thị xã tìm kiếm tích cực các bệnh truyền nhiễm trong CT- TCMR
- Phấn đấu đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh trên 100% xã/phường, thị trấn.
- Phấn đấu đạt mục tiêu loại trừ sởi năm 2017.
- Đảm bảo trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản trên quy mô xã.
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp của năm 2015 tiêm vét vào đầu năm 2016 và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng hàng tháng.
- Đảm bảo trên 90% trẻ <1 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin viêm gan B và trên 70% trẻ được tiêm mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh.
- Tăng cường kết hợp giữa hệ y tế dự phòng và hệ điều trị trong việc tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh < 24 giờ đầu sau sinh.
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát các bệnh trong TCMR.
- Kết hợp với hệ điều trị, y tế tư nhân trong công tác giám sát bệnh trong TCMR; lồng ghép giám sát liệt mềm cấp - sởi - UVSS.
- Đảm bảo tỷ lệ chết sơ sinh được phát hiện trên 4% và không điều tra sót các trường hợp nghi uốn ván sơ sinh.
- Tăng cường công tác giám sát bệnh sởi phấn đấu 90% các trường hợp nghi sởi được điều tra; 100% các trường hợp nghi sởi được chẩn đoán bằng huyết thanh học; chú trọng kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học, trong việc phát hiện, cách ly trẻ mắc bệnh để tránh lây lan.
- Củng cố đội ngũ chuyên trách giám sát các ca bệnh trong TCMR thông qua tập huấn, giám sát hỗ trợ.
- Đảm bảo trên 90% báo cáo tình hình bệnh truyền nhiễm ở trẻ em (tuần, tháng) và các phiếu điều tra ca bệnh đạt tiêu chuẩn kịp thời, đầy đủ và chính xác.
- An toàn tiêm chủng: Tăng cường đảm bảo chất lượng vắc xin.
- Kiểm tra an toàn tiêm chủng ít nhất 3 lần trong năm tại các xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng hệ thống giám sát các cas phản ứng phụ sau tiêm vắc xin, thông báo ngay các trường hợp phản ứng về y tế dự phòng tỉnh, để báo cáo về khu vực và quốc gia.
- Tập huấn lại cho cán bộ tiêm chủng.
- Công tác tuyên truyền: Kết hợp Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ thực hiện tuyên truyền, vận động trong cộng đồng, quan tâm vùng khó khăn, vùng sâu và những vùng có nguy cơ.
- Công tác giám sát hỗ trợ - kiểm tra đánh giá: Củng cố Ban Chỉ đạo TCMR các cấp; thường xuyên kết hợp giữa các ban, ngành, các dự án, tổ chức kiểm tra giám sát và đánh giá theo mẫu quy định; trao đổi thông tin sau giám sát hỗ trợ, kiểm tra đánh giá.
3.1. Tiêm chủng mở rộng thường xuyên:
3.1.1. Nội dung hoạt động trọng tâm:
- Ngày 5 - 10 hàng tháng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh kết hợp với Khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS thành phố, thị xã, huyện, giám sát tiêm chủng thường xuyên các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
- Từ ngày 25 đến ngày 4 tháng sau, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm kết hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát, tìm kiếm tích cực bệnh nhân nghi ngờ liệt mềm cấp, sởi, uốn ván sơ sinh/chết sơ sinh và các bệnh truyền nhiễm trong CT-TCMR tại các bệnh viện huyện, thị xã, thành phố, tỉnh.
- Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2016, kiểm tra các hoạt động của CT-TCMR 6 tháng đầu năm 2016.
- Cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2016, sơ kết công tác TCMR 6 tháng đầu năm 2016 đề ra kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2016.
- Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2016, kiểm tra đánh giá hoạt động TCMR năm 2016.
- Cuối năm 2016, tổng kết công tác tiêm chủng và đề ra kế hoạch năm 2017.
3.1.2. Biện pháp thực hiện:
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào số trẻ, số phụ nữ có thai, nữ từ 15- 35 tuổi giao chỉ tiêu cho các trạm y tế thực hiện.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng thường xuyên từ ngày 5-10 hàng tháng cho toàn bộ 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phải có kế hoạch dự trù vắc xin viêm gan B để kịp thời cấp cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; bệnh viện huyện đảm bảo có đủ vắc xin để tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh.
- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp vắc xin 2 tháng/chuyến đến Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố vào ngày cuối tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11.
- Ngày 4 hàng tháng, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cấp vắc xin và bơm kim tiêm cho các trạm y tế.
- Ngày 5 - 10 hàng tháng, trạm y tế tuyến xã thực hiện tiêm chủng thường xuyên.
- Các xã, phường, thị trấn gửi báo cáo thực hiện tiêm chủng lên Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố sau khi kết thúc tiêm chủng thường xuyên hàng tháng.
- Khi báo cáo tiêm chủng phải báo cáo tình hình sử dụng vắc xin, bơm kim tiêm và nhu cầu tháng sau.
- Tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên.
- Sơ kết rút kinh nghiệm và tổng kết đánh giá cuối năm.
- Khuyến cáo hạn chế việc thay đổi cán bộ chuyên trách TCMR, nếu có thay đổi cán bộ mới phải được đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và quản lý về TCMR.
3.2. Tiêm chủng mở rộng theo chiến dịch:
Thực hiện Quyết định số 16/QĐ-BYT , ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “ Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi- rubella cho đối tượng trẻ 18 tháng và đối tượng 16-17 tuổi” và Công văn số 44/VSDTTƯ ngày 13 tháng 01 năm 2016 của của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về việc triển khai tiêm vắc xin Sởi- Rubella cho đối tượng 16 - 17 tuổi trên toàn quốc.
3.2.1. Biện pháp thực hiện:
- Xây dựng kế hoạch tiêm ngừa Sởi- Rubella cho đối tượng 16 - 17 tuổi trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2016, trong đó:
Mục tiêu: Đạt >90 % số đối tượng trong diện tiêm chủng được tiêm vắc xin Sởi -Rubella (MR), đảm bảo thực hiện an toàn tiêm chủng theo các quy định của Bộ Y tế.
Đối tượng, thời gian, phạm vi, hình thức và phương thức triển khai: Đối tượng là học sinh lớp 11 và lớp 12 trung học phổ thông và đối tượng ngoài trường học từ 16 - 17 tuổi tại các vùng nguy cơ hoặc nơi xảy ra dịch (sinh từ ngày 01/01/1998 đến ngày 31/12/1999), triển khai đồng loạt tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
- Thành lập Ban Chỉ đạo các tuyến tỉnh, huyện, xã.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella.
- Tổ chức Hội nghị triển khai.
- Tập huấn.
- Điều tra đối tượng.
- Lập danh sách trẻ.
- Tuyên truyền.
- Thành lập đoàn giám sát, kiểm tra công việc chuẩn bị trước trong và sau chiến dịch.
- Thống kê, báo cáo theo đúng quy định.
3.2.2. Hoạt động chuyên môn:
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách điểm tiêm tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
- Tổ chức bàn tiêm theo Quyết định 3029/QĐ-BYT , ngày 21/8/2013 “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng”; Tổ chức buổi tiêm chủng theo Quyết định số 1731/QĐ-BYT , ngày 16/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thông tư số 12/2014/TT- BYT, ngày 20 tháng 3 năm 2014 “ Hướng dẫn sử dụng vắc xin trong tiêm chủng”.
- Quản lý vật tư, vắc xin trong tiêm chủng mở rộng theo Quyết định số 1730/QĐ-BYT , ngày 16 tháng 5 năm 2014 của Bộ Y tế.
- Theo dõi phản ứng sau tiêm theo Quyết định số 1830/QĐ-BYT , ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
4. Kinh phí thực hiện: 1.472.015.000 đồng.
4.1. Tiêm chủng mở rộng thường xuyên: 1.095.751.000 đồng
- Ngân sách trung ương cấp: 499.307.000 đồng.
- Ngân sách địa phương: 596.444.000 đồng.
4.2. Tiêm chủng mở rộng theo chiến dịch: 376.264.000 đồng
- Ngân sách trung ương cấp: 49.624.000 đồng.
- Ngân sách địa phương: 326.640.000 đồng.
Ngoài các kinh phí nêu trên nếu có phát sinh, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện bổ sung kinh phí.
KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG TAY CHÂN MIỆNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Tăng cường hoạt động giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng, không để dịch lớn xảy ra, khống chế kịp thời không để dịch lan rộng, giảm số trường hợp mắc và tử vong.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Giảm số mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng.
- Giảm số địa phương có ca mắc tay chân miệng.
- Kiểm soát chặt chẽ tình hình bệnh tay chân miệng tại các địa phương, chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, khoanh vùng cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lan rộng trong trường học và cộng đồng.
- Nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp chăm sóc trẻ < 5 tuổi.
- Phối hợp với ban ngành đoàn thể đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động phòng chống tay chân miệng.
3. Chỉ tiêu:
- Giảm 5% số trường hợp mắc, chết do bệnh tay chân miệng so với năm 2015.
- 90% trường hợp mắc bệnh tay chân miệng độ 2b trở lên được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh;
- 100% nhân viên y tế xã, phường được cung cấp kiến thức phòng, chống bệnh tay chân miệng;
- 100% các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện vệ sinh môi trường ít nhất 1 lần/ tuần;
- 100% học sinh mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, học sinh trường tiểu học có kỹ năng thực hành rửa tay sạch;
- 80% bà mẹ có con dưới 5 tuổi biết các triệu chứng của bệnh tay chân miệng;
- 80% bà mẹ có con dưới 5 tuổi có kỹ năng chăm sóc trẻ bệnh tại nhà;
- 60% bà mẹ có con dưới 5 tuổi biết thực hiện rửa tay sạch khi chăm sóc trẻ;
- 100% các ổ dịch phát hiện được xử lý.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
1. Công tác tổ chức chỉ đạo:
- Tham mưu UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch;
- Sở Y tế có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành Y tế tăng cường phát hiện, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng;
- Củng cố đội chống dịch các cấp, đảm bảo đủ cơ số thuốc khi có dịch;
- Kiểm tra, giám sát các ổ dịch.
2. Công tác dự phòng:
- Cán bộ y tế: Giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ca nghi ngờ, cách ly và thông báo khẩn cấp cho tuyến trên theo quy định.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng.
- Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện và Y tế dự phòng để lấy mẫu, vận chuyển mẫu đúng quy định và xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
- Cung cấp đủ thuốc, hoá chất và trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch để hỗ trợ địa phương khi có dịch xảy ra.
- Thường trực chống dịch 24/24 giờ.
- Tập huấn cho giáo viên các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học: Phát hiện sớm ca bệnh, cách ly trẻ mắc bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường phòng học theo quy định của Bộ Y tế; hướng dẫn 6 bước rửa tay sạch và thực hành rửa tay sạch hàng ngày ở các trường mẫu giáo, nhà trẻ, mầm non, trường tiểu học.
- Tập huấn cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi biết phát hiện sớm cas bệnh, cách ly, chăm sóc trẻ tại nhà, thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong gia đình và cho cộng đồng.
- Tập huấn kỹ năng rửa tay sạch và thực hành rửa tay sạch cho các bà mẹ có con dưới 05 tuổi.
3. Công tác điều trị:
Tăng cường phát hiện cas bệnh tại các phòng khám bệnh viện và phòng khám tư nhân, các phòng khám phải thông báo kịp thời các trường hợp mắc tay chân miệng cho Trung tâm Y tế tuyến huyện hoặc trạm y tế tuyến xã trên địa bàn.
4. Công tác truyền thông:
- Tuyên truyền thực hiện vệ sinh các nhân: Thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, thông thoáng nhà cửa, vệ sinh môi trường bằng dung dịch cloramin B 2%, dung dịch khử trùng khác.
- Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tập huấn cho cán bộ truyền thông các cấp và cung cấp tài liệu truyền thông.
5. Công tác hậu cần:
- Dự trù vật tư, hoá chất, trang thiết bị, dịch truyền cho bệnh viện các tuyến và trạm y tế xã.
- Bổ sung trang thiết bị, hoá chất, thuốc phục vụ cho công tác phòng chống dịch đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch tại địa phương.
- Tham mưu UBND các cấp đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế: Tham mưu UBND tỉnh tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cấp ở địa phương, gồm:
- Xây dựng kế hoạch chuyên môn, kinh phí trình UBND tỉnh.
- Tham mưu UBND triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
- Kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng chống dịch của các đơn vị trong địa bàn.
2. Bệnh viện đa khoa tỉnh:
Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, bảo đảm hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
Chỉ đạo các bệnh viện huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết, để sẵn sàng tiêp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.
Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết, kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các cơ sở khám, chữa bệnh trong phạm vi địa phương.
Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Phối hợp các đơn vị y tế dự phòng trong thu thập thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
3. Trung tâm Y tế dự phòng:
Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch.
Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình.
Triển khai hoạt động xử lý dịch triệt để theo quy định của Bộ Y tế.
Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
4. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố:
Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp huyện tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Giám sát phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên tại khóm, ấp, xã, phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời.
Triển khai hoạt động xử lý dịch triệt để theo đúng hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp chống dịch.
5. Bệnh viện đa khoa cấp huyện:
Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân, bảo đảm hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các trạm Y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.
Phối hợp các đơn vị y tế dự phòng trong thu thập thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
6. Trạm Y tế xã:
- Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Thường trực chống dịch để nắm tình hình, báo cáo về huyện, tỉnh theo quy định, thông tin kịp thời cho lãnh đạo chính quyền địa phương biết diễn tiến tình hình hàng ngày. Bảo đảm kinh phí cho cán bộ tham gia chống dịch địa phương.
- Trạm Y tế: Tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi có dịch. Theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị bệnh tại nhà.
- Thành lập đội chống dịch xã gồm: Cán bộ y tế xã, đoàn thanh niên, phụ nữ,... để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; đặc biệt tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và tại các hộ gia đình.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.
- Vận động thầy cô giáo, nhân dân làm vệ sinh môi trường xung quanh nơi trường toạ lạc và nhà ở.
- Các cộng tác viên trực tiếp rắc vôi bột khử trùng nhà tiêu tại khu vực có dịch.
- Huy động cộng đồng trong các hoạt động tiêm chủng phòng bệnh.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN: 436.958.000 đồng, từ nguồn kinh phí địa phương.
KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG CÚM A(H5N1), A (H1N1)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
1. Mục tiêu:
Khống chế không để đại dịch cúm xảy ra, hạn chế tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do cúm. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có dịch.
2. Mục tiêu cụ thể và hoạt động tương ứng với từng giai đoạn:
Các giai đoạn của đại dịch | Các hoạt động phòng chống dịch |
Giai đoạn 1: Cảnh báo đại dịch | |
Mục tiêu 1. Kiểm soát và kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A(H1N1), A(H5N1) đầu tiên. 2. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có dịch, giảm thiểu tác hại do đại dịch cúm. | 1. Công tác tổ chức - Xây dựng kế hoạch sẵn sàng và đáp ứng với đại dịch. - Tuyên truyền trên thông tin đại chúng các biện pháp phòng chống dịch. - Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ phải ghi nhận đầy đủ thông tin về nơi ở, nơi sinh hoạt/công tác; tổ chức cách ly và thông báo bộ phận có trách nhiệm đến lấy mẫu bệnh phẩm gởi đi xét nghiệm. - Các bệnh viện triển khai khu cách ly; bổ sung các điều kiện (nhân lực, thuốc, trang thiết bị, máy giúp thở, vật tư y tế, hoá chất tiệt khuẩn,...) để sẵn sàng tổ chức điều trị khi có ca bệnh. 2. Công tác dự phòng - Tập huấn cho cán bộ y tế cách khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để 100% ổ dịch khi có ca bệnh. - Tập huấn cho cán bộ, nhân viên khách sạn về giám sát và cách ly ca bệnh cúm đối với khách du lịch. - Diễn tập phòng chống đại dịch cúm và thu dung điều trị bệnh nhân cúm. - Tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H1N1), A(H5N1)” theo Quyết định số 1440/QĐ-BYT , ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các bệnh viện trong toàn tỉnh. - Sẵn sàng nhân lực và phương tiện chi viện tuyến dưới. 3. Đảm bảo hậu cần - Rà soát và dự trù chính xác nhu cầu số lượng thuốc điều trị, hoá chất, vật tư, thiết bị y tế và kinh phí cần thiết cho công tác phòng, chống dịch để trình Bộ Y tế và UBND tỉnh. - Dự trữ đủ thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao, phương tiện cần thiết cho nhu cầu điều trị và phòng chống dịch tại từng tuyến, từng đơn vị. 4. Công tác truyền thông - Tổ chức truyền thông sâu rộng với nhiều kênh truyền thông thích hợp, giúp người dân có nhận thức đúng, không hoang mang và chủ động thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. - Vận động nhân dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm thông thoáng nơi ở, hạn chế sử dụng điều hoà. Khi có biểu hiện cảm cúm: Sốt, ho, đau họng,... thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng bệnh cho người khác và đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời. 5. Phối hợp liên ngành a) Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan thú y kiểm tra, giám sát tình hình dịch cúm xuất hiện trên đàn gia cầm, thuỷ cầm. b) Phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về diễn biến và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. c) Phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo - Tập huấn kiến thức về bệnh cúm A/H1N1, H5N1 cũng như các biện pháp phòng chống dịch. - Giám sát, thu nhận thông tin về tình hình diễn biến bệnh trong các trường học, ký túc xá. - Vệ sinh môi trường học đường. d) Phối hợp cơ quan, công ty, xí nghiệp - Tập huấn kiến thức về bệnh cúm A(H1N1), A(H5N1) cũng như các biện pháp phòng chống dịch. - Giám sát, thu nhận thông tin về tình hình diễn biến bệnh. - Vệ sinh môi trường. e) Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp - Tập huấn kiến thức về bệnh cúm cũng như các biện pháp phòng chống dịch. f) Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể - Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cho cộng đồng. - Vệ sinh môi trường. - Tích cực tham gia và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng. 6. Kiểm tra giám sát - Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn các cơ sở y tế tuyến dưới. - Định kỳ 3 tháng/lần thống kê báo cáo tình hình sử dụng hoá chất, trang thiết bị. |
Giai đoạn 2: Khi có đại dịch | |
Mục tiêu 1. Hạn chế thấp nhất số mắc và số tử vong do cúm A(H1N1), A(H5N1) gây ra. 2. Ngăn chặn dịch lây lan các địa phương khác. 3. Giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch đối với đời sống nhân dân vùng có dịch. | 1. Công tác tổ chức và chỉ đạo - Họp Ban Chỉ đạo ngành hàng ngày; họp Ban Chỉ đạo tỉnh hàng tuần hoặc đột xuất để chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng chống dịch. - Các bộ phận, tổ trực dịch làm việc 24/24 tại tất cả các tuyến y tế. - Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cập nhật hàng ngày diễn biến của dịch, báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh. Tham mưu Sở Y tế tổ chức thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh. - Tiếp nhận sự hỗ trợ từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về hậu cần và kỹ thuật. 2. Công tác chuyên môn kỹ thuật a) Công tác y tế dự phòng - Triển khai hoạt động của các Đội phòng chống dịch và các Đội cấp cứu lưu động theo tình hình thực tế. - Khoanh vùng xử lý triệt để 100% ổ dịch. - Tiếp tục tăng cường công tác giám sát ca bệnh từ bệnh viện đến cộng đồng, nhất là tại các vùng nguy cơ cao. - Quản lý và cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày đối với các ca nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh. - Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ y tế. - Tổ chức lấy mẫu và bảo quản mẫu bệnh phẩm để gởi đi xét nghiệm và thông báo kết quả xét nghiệm đúng quy trình. - Phối hợp ban quản lý các khách sạn tăng cường giám sát ca bệnh cúm đối với khách du lịch. - Hạn chế sự đi lại của nhân dân vào vùng có dịch. - Tổ chức tiêm phòng, ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao, tiếp đến tiêm phòng cho cộng đồng, để phòng cúm A. b) Công tác điều trị - Tổ chức tiếp nhận và điều trị ca bệnh tại bệnh viện trên địa bàn, các trường hợp biến chứng nặng, vượt quá khả năng chuyên môn mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên trong khu vực bằng xe cứu thương chuyên dụng, để tránh lan truyền bệnh ra các địa bàn xa hơn. - Áp dụng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H1N1), A(H5N1)” theo Quyết định số 1440/QĐ-BYT , ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế trong tổ chức thu dung, điều trị các ca bệnh cúm A(H1N1), A(H5N 1). - Tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn, xử lý chất thải bệnh viện. - Bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng nhân lực và phương tiện chi viện tuyến dưới. 3. Đảm bảo hậu cần - Bổ sung kịp thời thuốc điều trị, hoá chất, vật tư và kinh phí đủ cho các hoạt động phòng, chống dịch và dự trữ cho giai đoạn tiếp theo từ nguồn hỗ trợ của Bộ Y tế và UBND tỉnh. - Các địa phương huy động thêm nguồn kinh phí của UBND huyện, thị xã, thành phố đầu tư cho hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn. 4. Công tác truyền thông - Thực hiện như giai đoạn I. - Khuyên cáo nhân dân hạn chế đi lại vùng có dịch. 5. Phối hợp liên ngành Tham mưu UBND tỉnh và phối hợp các sở, ban ngành có liên quan triển khai các biện pháp đặc biệt phòng, chống dịch khi cần thiết (ban bố tình trạng khẩn cấp, tạm đình chỉ học tập, hội họp, cấm đi vào vùng dịch,...). |
Giai đoạn 3: Dịch lan rộng trong cộng đồng | |
Mục tiêu 1. Hạn chế thấp nhất số mắc và số tử vong do cúm A(H1N1), A(H5N1) gây ra. 2. Hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch cúm đối với kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
| 1. Công tác tổ chức và chỉ đạo - Họp Ban Chỉ đạo tỉnh hàng ngày để chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch. - Huy động toàn bộ cán bộ y tế tham gia chống dịch. - Huy động toàn thể lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ chống dịch như: Cung cấp lương thực, thực phẩm; vận chuyển, chôn cất bệnh nhân tử vong; tẩy trùng môi trường,... - Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh báo cáo tình hình dịch hàng ngày về Bộ Y tế và UBND tỉnh. - Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương trợ giúp đảm bảo về hậu cần, kỹ thuật. 2. Công tác chuyên môn kỹ thuật * Công tác y tế dự phòng Thực hiện như giai đoạn II. * Công tác điều trị - Thực hiện các nội dung như giai đoạn II, bổ sung thêm các biện pháp ưu tiên lần lượt tuỳ theo tình hình gia tăng số bệnh nhân mắc cúm A(H1N1), A(H5N 1): a) Huy động tối đa giường bệnh các bệnh viện huyện. b) Bệnh viện đa khoa tỉnh chủ động chuẩn bị 10-20 giường bệnh. c) Tổ chức bệnh viện dã chiến khi cần thiết. 3. Đảm bảo hậu cần - Tiếp tục thực hiện các nội dung như đoạn II. - Huy động tối đa mọi nguồn thuốc điều trị, hoá chất, vật tư, phương tiện trên địa bàn tỉnh cho các hoạt động phòng chống dịch (kể cả huy động từ cơ sở y dược tư nhân khi cần thiết) 4. Công tác truyền thông - Thực hiện như giai đoạn II. - Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động dập dịch. - Hướng dẫn nhân dân các biện pháp nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng của cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng hàng ngày và đeo khẩu trang y tế (N95) khi ra đường. - Tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ban, ngành thực hiện biện pháp hành chính, để góp phần ngăn chặn dịch: Không tụ tập đông người, không họp chợ, tạm đóng cửa trường học,... 5. Phối hợp liên ngành Thực hiện như giai đoạn II. |
3. Kinh phí thực hiện: 211.782.000 đồng, từ nguồn kinh phí địa phương.
KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MỚI NỔI NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh mới nổi (cúm A(H7N9), (H5N6) ở người, Ebola, Sởi, MERS-CoV, Zika,...)
2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch bệnh mới nổi:
2.1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên xâm nhập vào tỉnh và xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.
2.2. Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người
Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.
2.3. Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ
Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
2.4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng
Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:
1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người
- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch các cấp trình UBND cùng cấp phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng vi rút trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm.
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Công an tỉnh, ngành Văn hoá- Thể thao và Du lịch tăng cường giám sát người, khách du lịch nghi nhiễm bệnh hoặc đến từ vùng có dịch bệnh; Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương kiểm tra gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào tỉnh, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân.
- Tăng cường giám sát tại các điểm giám sát cúm trọng điểm và các khu vực có nguy cơ cao. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút
- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân.
- Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, sử dụng các thuốc kháng vi rút phù hợp, hiệu quả.
- Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch tại cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, để kịp thời cung cấp thông tin, giúp người dân không hoang mang, lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hoá chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương.
2. Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp hàng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân.
- Thực hiện triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ mắc bệnh; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khoẻ các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm.
- Tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của vi rút.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức các khu vực, cách ly riêng, đặc thù cho việc điều trị bệnh nhân.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch, để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin, để người dân không hoang mang, lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hoá chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương.
- Thực hiện báo cáo hàng ngày theo quy định.
3. Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những cas đơn lẻ.
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và báo cáo khẩn cấp về Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch để nhận được các chỉ đạo về chuyên môn kịp thời.
- Tăng cường giám sát các chùm cas bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng.
- Thực hiện triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh, các cas nghi ngờ mắc bệnh; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khoẻ các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Tăng cường giám sát, lấy mẫu gởi xét nghiệm đúng theo quy định để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan vi rút.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức các khu vực, cách ly riêng, đặc thù cho việc điều trị bệnh nhân, sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch được kịp thời.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục đề nghị bổ sung kinh phí, vật tư, hoá chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương.
- Thực hiện báo cáo hàng ngày đúng theo quy định.
4. Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng.
- Tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hàng ngày để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại ngành, địa phương.
- Phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, để không ảnh hưởng đến các hoạt động về kinh tế - xã hội.
- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
- Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, báo cáo Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.
- Huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân, để tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến: Đối với trường hợp nhẹ theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã, hạn chế di chuyển bệnh nhân.
- Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của vi rút.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch, để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang, lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí, vật tư, hoá chất, phương tiện từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các huyện, thị xã, thành phố, trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp bổ sung.
- Kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kịp thời thuốc kháng vi rút, trang bị phòng hộ, thuốc điều trị đặc hiệu, vật tư y tế, hoá chất phục vụ phòng chống dịch.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHUNG:
1. Tổ chức, chỉ đạo:
1.1. Cấp tỉnh:
- Tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, đẩy mạnh hoạt động các tiểu ban, mức độ hoạt động theo từng tình huống dịch, đột xuất, hàng tuần, hàng ngày.
- Tham gia giao ban trực tuyến hàng tuần, đột xuất, hàng ngày, để đảm bảo thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch giữa trung ương và các khu vực.
- Cập nhật tình hình dịch trên thế giới, thực hiện các biện pháp tuỳ theo diễn biến của dịch theo chỉ đạo của trung ương, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trên toàn tỉnh thực hiện.
- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch trên thế giới thường xuyên và tham mưu cho UBND tỉnh và báo cáo Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.
- Phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch.
- Tăng cường giám sát, kiểm tra người, phương tiện vận tải và hàng hoá nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cân được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh.
- Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch, theo tình huống của dịch, thông báo thường xuyên tình hình dịch không để người dân hoang mang, lo lắng.
1.2. Cấp huyện:
- Tăng cường vai trò của UBND huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm tại địa phương.
- Các đơn vị dự phòng, điều trị, truyền thông trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân hiểu và thực hành đúng.
- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và phối hợp với các đơn vị thuộc hệ điều trị thực hiện giám sát các cas bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân trên địa bàn phụ trách; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phụ trách khu vực, đồng thời báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và Sở Y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát cas bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng không rõ nguyên cho các y bác sỹ huyện, thị xã, thành phố.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát cas bệnh có hội chứng cúm tại cộng đồng.
- Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y nắm chắc tình hình dịch bệnh trên gia cầm, thuỷ cầm, chim trời trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo và phối hợp xử lý ổ dịch.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch, trực dịch,...
2. Kinh phí dự trù:
Tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung cho công tác phòng, chống dịch theo kế hoạch của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trong tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Chuyên môn kỹ thuật:
3.1. Các giải pháp giảm mắc bệnh:
- Tăng cường năng lực giám sát bệnh, đảm bảo đủ khả năng phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời.
- Cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, kể cả sự lưu hành vi rút trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm, chim trời, để kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp.
- Phối hợp với Chi cục Thú y xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm, chim trời, không để lây lan sang người hoặc không để lây lan từ người sang người.
- Thực hiện điều tra dịch tễ cas bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.
- Đẩy mạnh hoạt động giám sát cúm trọng điểm quốc gia, chú ý xét nghiệm phát hiện các trường hợp trong cộng đồng.
- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.
- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân phòng bệnh.
- Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thành lập các đoàn liên ngành, tăng cường công tác kiểm tra công tác sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.
- Dự trữ kinh phí, hoá chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm qua việc tập huấn phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm cho các tuyến.
3.2. Các giải pháp giảm tử vong:
- Tham mưu Sở Y tế chỉ đạo khối điều trị thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân. Xây dựng kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:
+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân khi có dịch xảy ra, đảm bảo trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh nhân nặng.
+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động, để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.
+ Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để hạn chế giảm tử vong.
- Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh.
- Xây dựng cơ số dự trữ về trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện bảo hộ.
4. Truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
- Chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo cho người dân không hoang mang, không chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành Y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động nhân lực của cả hệ thống chính trị tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin điện tử.
- Phổ biến các biện pháp phòng chống thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng chống, biết cách tự bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế đi lại đến vùng có ổ dịch.
- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh) cho một số đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc với người Việt Nam và người nước ngoài trở về từ vùng có dịch.
- Tăng cường công tác truyền thông, truyền thông nguy cơ, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh thông tin đại chúng.
5. Phối hợp liên ngành:
- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể (Phụ nữ, Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
- Tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y trong việc giám sát sự lưu hành vi rút trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm, chim trời, xử lý ổ dịch trên gia cầm và ở người. Phối hợp giám sát chủ động tại các đàn gia cầm, thuỷ cầm, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch biết rõ nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Kịp thời báo cáo tình hình dịch để có sự chỉ đạo của Trung ương và chính quyền địa phương các biện pháp ngăn ngừa, không để dịch lây truyền sang người.
- Thành lập các đoàn liên ngành, để kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên gia cầm và trên người tại các địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế:
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế.
- Xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trong tỉnh, thành phố.
2. Bệnh viện đa khoa tỉnh:
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.
- Tổ chức lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm đúng theo quy định các ca bệnh hoặc nghi ngờ tại bệnh viện, thông báo ngay cho Trung tâm Y tế Dự phòng vận chuyển mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đúng theo quy định.
- Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh trong công tác thông tin, báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định ca bệnh truyền nhiễm.
3. Trung tâm Y tế Dự phòng:
- Xây dựng và cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh, dịch của tỉnh.
- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận ấp, xã, phường, thị trấn, hộ gia đình. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.
- Tổ chức lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm các cas nghi ngờ hoặc bệnh trong cộng đồng đúng theo quy định.
- Củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
- Triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch.
4. Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh) cho một số đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc với người Việt Nam và người nước ngoài trở về từ vùng có dịch.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch.
5. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo cho người dân không hoang, không chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm cas mắc bệnh đầu tiên tại ấp, xã, phường, hộ gia đình, để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.
- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch.
6. Bệnh viện đa khoa cấp huyện:
- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân bị dịch bệnh.
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các trạm y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
7. Trạm y tế cấp xã:
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo cho người dân không hoang mang, không chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh. Theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị tại nhà.
- Củng cố đội chống dịch cấp xã đúng theo quy định, để triển khai các biện pháp phòng, chống tại các hộ gia đình.
- Tuyên truyền cho nhân dân tự giác khai báo khi phát hiện gia cầm ốm, chết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN: 719.744.000 đồng, từ nguồn kinh phí địa phương.
PHÒNG CHỐNG TIÊU CHẢY CẤP, TẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC TIÊU:
1. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
2. Khống chế, không để dịch lớn xảy ra và lan rộng.
3. Hạn chế tỉ lệ chết/mắc do bệnh tiêu chảy và các bệnh lây qua đường tiêu hoá.
4. Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là kiểm tra thức ăn đường phố, nguồn cung cấp thực phẩm, các nguồn cung cấp nước.
5. Điều tra dịch tễ, tìm nguồn gốc, nguyên nhân gây bệnh.
6. Tổ chức cấp cứu, thu dung điều trị ở các tuyến đặc biệt là tuyến cơ sở để điều trị kịp thời và hạn chế tỷ lệ tử vong.
7. Nâng cao nhận thức người dân, để có thói quen ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm an toàn.
II. CHỈ TIÊU:
1. 100% số trường hợp đầu tiên được giám sát phát hiện sớm và báo cáo kịp thời trong vòng 24 giờ để tiến hành bao vây, xử lý ổ dịch không để dịch lan rộng.
2. 100% số ổ dịch tả được phát hiện, xử lý theo đúng quy định.
3. 100% các vụ dịch được điều tra trong vòng 24 - 48 giờ sau khi nhận được thông báo.
4. Điều tra lấy mẫu bệnh phẩm 100% số trường hợp đầu tiên mắc bệnh tiêu chảy cấp nghi do phẩy khuẩn tả.
5. 100% bệnh nhân được quản lý, điều trị đúng quy định.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo:
- Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp tại những vùng nguy cơ cao.
- Triển khai các biện pháp hành chính theo quy định để khống chế dịch, không để dịch lan rộng trong trường hợp xảy ra dịch lớn.
- Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, cấm không sử dụng phân tươi trong bón, tưới rau.
2. Công tác dự phòng:
- Tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp nghi tả và thông báo khẩn cấp cho tuyến trên theo quy định.
- Xử lý ổ dịch triệt để theo đúng Hướng dẫn của Bộ Y tế được quy định tại Quyết định số 1640/QĐ-BYT , ngày 14/5/2010.
- Bổ sung trang thiết bị y tế, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế Dự phòng để xét nghiệm được vi khuẩn tả.
- Tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm lượng clo dư trong hệ thống nước sinh hoạt.
- Cung cấp đủ thuốc, hoá chất, vật tư y tế phòng chống dịch, để hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
- Đội chống dịch cơ động các tuyến sẵn sàng hỗ trợ cho nhau khi có dịch xảy ra.
- Đảm bảo phân công trực chống dịch 24/24 giờ.
- Đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế dự phòng các cấp về giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, hướng dẫn phun hoá chất, nâng cao kỹ năng xét nghiệm.
- Thiết lập đường dây nóng tại Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.
3. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các vụ ngộ độc thực phẩm.
- Triển khai hoạt động điều tra vụ ngộ độc, xử lý triệt để, đặc biệt các vụ ngộ độc có liên quan đến bệnh tả.
- Tăng cường công tác truyền thông bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm an toàn, cách bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn.
- Thông tin báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc tả có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng cường kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, để kiểm tra, xử lý theo luật định những trường hợp vi phạm.
- Thường xuyên xét nghiệm các mẫu thức ăn, thực phẩm.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý đúng quy định đối với các chợ tạm bán các loại rau, thực phẩm chưa qua kiểm định.
4. Công tác điều trị bệnh nhân:
- Tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về phác đồ xử trí cấp cứu, điều trị tả.
- Tăng cường phát hiện ca bệnh tại các phòng khám bệnh viện và tư nhân, các phòng khám phải thông báo kịp thời các trường hợp mắc tả cho Trung tâm Y tế huyện hoặc trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi cơ sở khám chữa bệnh.
- Thành lập khu cách ly cấp cứu, điều trị lưu bệnh tại bệnh viện.
- Các cơ sở điều trị phải xử lý triệt để chất thải của bệnh nhân, để tránh lây lan mầm bệnh cho cộng đồng.
- Các cơ sở điều trị phải tổ chức thường trực điều trị cấp cứu bệnh nhân theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế.
- Tổ chức thực hiện chỉ đạo tuyến, hỗ trợ cho tuyến dưới về kỹ thuật chuyên môn.
- Thông tin kịp thời các trường hợp nghi ngờ cho Trung tâm Y tế Dự phòng cùng tuyến đồng thời báo cáo về trên theo đúng quy định.
- Về nguyên tắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm được tổ chức điều trị tại chỗ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
5. Công tác truyền thông (Chủ yếu lồng ghép):
- Tuyên truyền thực hiện vệ sinh cá nhân: Thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; tuyên truyền về quản lý các công trình vệ sinh, diệt ruồi.
- Xây dựng thông điệp truyền thông phòng, chống bệnh tả bằng nhiều hình thức, tờ rơi, áp phích, tranh tuyên truyền.
- Khuyến cáo mạnh mẽ ăn chín, uống chín, không dùng rau sống trong thời gian có dịch.
- Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tập huấn cho cán bộ truyền thông các cấp và phát tài liệu truyền thông.
6. Công tác hậu cần:
- Dự trù vật tư y tế, hoá chất, trang thiết bị y tế, dịch truyền cho bệnh viện các tuyên và trạm y tế.
- Tham mưu UBND các cấp đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế:
- Tham mưu UBND tỉnh tăng cường hoạt động phòng, chống tả tại các cấp địa phương.
- Lập kế hoạch phòng chống tả, tiêu chảy.
- Kiểm tra chặt chẽ thức ăn đường phố, nguồn cung cấp thực phẩm, cung cấp nước trên địa bàn.
- Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp nghi ngờ do phẩy khuẩn tả.
- Hướng dẫn người dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy.
- Cân đối kinh phí đảm bảo đủ thuốc, hoá chất, vật tư y tế, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch.
- Đảm bảo kinh phí cho người trực chống dịch, tham gia chống dịch.
- Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế tình hình dịch bệnh và các hoạt động chống dịch đã triển khai tại địa phương, báo cáo tình hình dịch theo quy định tại Thông tư 48/2010/TT-BYT , ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Kiểm tra hiệu quả công tác phòng chống tả tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
2. Bệnh viện đa khoa tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chủ động chuẩn bị 30 - 50 giường bệnh và bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
- Chỉ đạo các bệnh viện huyện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết, để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.
- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết, kiểm tra công tác phòng chống dịch của các cơ sở khám, chữa bệnh trong phạm vi địa phương.
- Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện.
- Phối hợp các đơn vị y tế dự phòng trong thu thập thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
3. Trung tâm Y tế dự phòng:
- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch.
- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận khóm, ấp, xã phường, hộ gia đình.
- Triển khai hoạt động xử lý dịch triệt để theo quy định của Bộ Y tế:
+ Phối hợp cách ly bệnh nhân và tổ chức điều trị tại chỗ.
+ Xử lý phân và chất thải của bệnh nhân bằng cloramin B.
+ Khoanh vùng xử lý nhà tiêu bằng các loại hoá chất diệt khuẩn cloramin B, vôi bột đối với gia đình bệnh nhân và toàn bộ ấp có ca bệnh.
+ Có biển cấm sử dụng ngăn không cho lưu thông nước có nhiễm phẩy khuẩn tả, sử dụng vôi bột, cloramin B để khử trùng.
+ Tổ chức điều trị dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ cao và những người trong ấp.
+ Đối với nước sinh hoạt phải khử trùng bằng cloramin B.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch.
- Thường xuyên báo cáo với Sở Y tế và tuyến trên về tình hình dịch bệnh và các hoạt động chống dịch đã triển khai tại địa phương, báo cáo tình hình dịch theo quy định tại Thông tư 48/2010/TT-BYT , ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, trang phục phòng hộ cá nhân cho người trực tiếp tham gia chống dịch.
4. Trung tâm Y tế cấp huyện:
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
- Giám sát phát hiện sớm cas mắc bệnh đầu tiên tại khóm, ấp, xã, phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời.
- Triển khai hoạt động xử lý dịch triệt để theo đúng hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế.
- Thường xuyên báo cáo Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng về tình hình dịch bệnh và các hoạt động chống dịch đã triển khai tại địa phương, báo cáo tình hình dịch theo quy định của Bộ Y tế.
- Đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, trang phục phòng hộ cá nhân cho người trực tiếp tham gia chống dịch.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống tiêu chảy cấp.
5. Bệnh viện đa khoa cấp huyện:
- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các Trạm Y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.
- Phối hợp các đơn vị y tế dự phòng trong thu thập thông tin, báo cáo cas bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
6. Trạm Y tế cấp xã:
- Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Thường trực chống dịch để nắm tình hình, báo cáo về huyện, tỉnh theo quy định, thông tin kịp thời cho lãnh đạo chính quyền địa phương biết diễn tiến dịch hàng ngày. Bảo đảm kinh phí cho cán bộ tham gia chống dịch tại địa phương.
- Trạm Y tế: Tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi có dịch. Theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị bệnh tại nhà.
- Tổ chức điều tra giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời.
- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh tả. Theo dõi giám sát các trường hợp điều trị tại nhà.
- Thành lập đội chống dịch xã gồm: Cán bộ y tế xã, đoàn thanh niên, phụ nữ,..để triển khai các biện pháp phòng chống đặc biệt.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp phòng chống tả, tiêu chảy.
- Vận động thầy cô giáo, nhân dân làm vệ sinh môi trường.
- Cộng tác viên trực tiếp rắc vôi bột khử trùng nhà tiêu tại khu vực có dịch.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN: 55.000.000 đồng, từ nguồn kinh phí địa phương.
KẾ HOẠCH TIÊM PHÒNG BỆNH DẠI CHO NGƯỜI NGHÈO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/QĐ-UBND, ngày 07/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)
Thực hiện Công văn số 4439/BYT-DP, ngày 22/7/2013 của Bộ Y tế về việc cung cấp vắc xin phòng bệnh Dại cho người nghèo;
Tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng dại năm 2016 cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung: Giảm số người mắc và chết do bệnh Dại.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Nâng nhận thức của người dân về bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh dại.
- Nâng cao chất lượng giám sát bệnh dại ở người.
- Đảm bảo người nghèo tiêp cận được vắc xin phòng bệnh dại.
- Phối hợp với cơ quan thú y phòng, chống bệnh dại ở người và động vật.
3. Chỉ tiêu:
3.1. Nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại và phòng chống bệnh dại: Truyền thông ngày thế giới phòng chống dại ngày 28/9 hàng năm.
3.2. Nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát bệnh dại trên người:
- 100% cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện được tập huấn kỹ năng giám sát và phòng chống bệnh dại.
- 100% số ổ dịch dại được phát hiện, xử lý theo đúng quy định.
- 100% số người được tiêm vắc xin phòng dại được theo dõi và quản lý.
3.3. Nâng cao chất lượng các điểm tiêm vắc xin phòng dại cho những người bị súc vật nghi dại cắn:
- 100% cán bộ tiêm phòng dại được tập huấn theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT , ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ Y tế.
- Duy trì và tổ chức nhiều điểm tiêm phòng dại, để tạo điều kiện cho người bị súc vật nghi dại cắn đến tiêm ngừa.
- Thực hiện tiêm vắc xin dại miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận vắc xin dại khi bị súc vật nghi dại cắn.
4. Hoạt động trọng tâm:
- Tổ chức ngày thế giới phòng chống dại 28/9.
- Đảm bảo kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng dại miễn phí cho người cận nghèo, nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ làm công tác tiêm phòng dại; hội thảo giới thiệu các quy định về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
- Phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh dại trên người, ngăn không cho dịch bệnh lan rộng ra địa bàn.
- Điều tra đánh giá các trường hợp tử vong do dại, đánh giá nhận thức của người dân trong hoạt động phòng chống dại.
- Phối hợp Chi cục Thú y giám sát các yếu tố nguy cơ trên động vật, nhằm chủ động phòng chống bệnh trên người.
5. Kinh phí thực hiện: 183.540.000 đồng, từ nguồn ngân sách địa phương./.
- 1Quyết định 1440/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 1640/QĐ-BYT năm 2010 ban hành hướng dẫn xử lý ổ dịch tả do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư 39/2010/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản do Bộ Y tế ban hành
- 4Thông tư 48/2010/TT-BYT hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành
- 5Quyết định 458/QĐ-BYT năm 2011 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 6Quyết định 3029/QĐ-BYT năm 2013 phê duyệt Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành
- 7Thông tư 12/2014/TT-BYT hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8Quyết định 1622/QĐ-BYT năm 2014 phê duyệt Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Quyết định 1730/QĐ-BYT năm 2014 hướng dẫn bảo quản vắc xin do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 10Quyết định 1731/QĐ-BYT năm 2014 hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 11Quyết định 1830/QĐ-BYT năm 2014 về Hướng dẫn giám sát, điều tra, phân tích, đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 12Quyết định 3711/QĐ-BYT năm 2014 hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 13Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 14Quyết định 16/QĐ-BYT năm 2016 phê duyệt ‘Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella cho đối tượng trẻ 18 tháng tuổi và đối tượng 16 - 17 tuổi" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 15Quyết định 247/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 16Kế hoạch 17/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình năm 2016
- 17Quyết định 1047/QĐ-UBND về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 tỉnh Bình Định
Quyết định 463/QĐ-UBND về Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 của tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 463/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/03/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Lữ Quang Ngời
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra