Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 09 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG NĂM 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Quyết định số 460/QĐ-BYT ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 197/TTr-SYT ngày 22 tháng 02 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đàm Văn Eng

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG NĂM 2016
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 247/QĐ-UBND ngày 9 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. 100% số vụ dịch được phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời.

2.2. 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu.

2.3. Trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỌNG

1. Công tác giám sát chủ động

- Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các tuyến, tập trung giám sát đáp ứng nhanh các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như: cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), viêm đường hô hấp cấp do MERS-CoV, bệnh do vi rút Zika... giám sát thường xuyên các bệnh lưu hành tại địa phương như: bệnh tay - chân - miệng, bệnh dại; duy trì thường xuyên hoạt động kiểm dịch y tế biên giới nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm.

- Thông tin báo cáo chính xác, thông báo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

2. Các hoạt động triển khai

2.1. Khi chưa có dịch

- Tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên của các vụ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới xuất hiện.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng chống dịch.

- Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, kinh phí để đáp ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

2.2. Khi có dịch xảy ra

- Các đội cơ động phòng, chống dịch sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị để đối phó nhanh với dịch, khống chế không để dịch lan rộng, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc, chết do bệnh dịch gây ra.

- Nhanh chóng khoanh vùng dịch, cách ly nguồn lây, điều trị tích cực, dùng thuốc dự phòng đúng chỉ định.

- Xử lý triệt để chất thải và môi trường lây nhiễm để nhanh chóng thanh toán vụ dịch trong thời gian ngắn nhất.

- Tổ chức trực dịch 24/24h, báo cáo theo quy định của Bộ Y tế.

III. GIẢI PHÁP

1. Công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo

- Đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ giám sát, chống dịch, trực dịch.

2. Công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, báo cáo

- Có kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo tuyến dưới.

- Đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Y tế.

3. Công tác đầu tư tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Bổ sung cán bộ đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

- Cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.- Bảo đảm kinh phí cho mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc khi có dịch và kinh phí cho hoạt động phòng dịch chủ động tại các tuyến.

4. Công tác chuyên môn, kỹ thuật

4.1. Giải pháp giảm mắc

- Tăng cường giám sát dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời.

- Điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích dự báo xu hướng phát triển của dịch.

- Tăng cường các biện pháp phòng bệnh chủ động bằng tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý y tế tại các cửa khẩu biên giới, ngăn chặn không cho các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập.

- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại các tuyến, tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Tăng cường truyền thông về phòng chống dịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Đảm bảo kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế hỗ trợ kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển lên tuyến trên nhằm xác định tác nhân gây bệnh một cách nhanh nhất.

4.2. Giải pháp làm giảm tử vong

- Tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị cho cán bộ bệnh viện.

- Trang bị đầy đủ phương tiện chẩn đoán, điều trị cho tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.

- Tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động hỗ trợ tuyến dưới.

5. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, tập trung vào những vùng nguy cơ cao xảy ra dịch.

- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào phòng chống dịch bệnh, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, ngủ màn, ăn chín, uống sôi.

6. Công tác phối hợp liên ngành

Tăng cường phối hợp với các ngành và huy động các tổ chức đoàn thể tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp

1.1. Ban Chỉ đạo phòng chống viêm đường hô hấp cấp và các dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Cao Bằng

- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện.

- Chỉ đạo công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị vật tư, khu vực cách ly và nhân lực để ứng phó với dịch bệnh;

- Định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm;

- Chỉ đạo các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình và kế hoạch triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các huyện, thành phố và các cửa khẩu.

1.2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch các xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra giám sát ca bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng.

- Chỉ đạo cơ quan thú y theo dõi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo phối hợp xử lý ổ dịch.

2. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan

2.1. Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống viêm đường hô hấp cấp và các dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh Cao Bằng

- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí phòng, chống dịch. Là đầu mối phối hợp với các sở, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh triển khai kiểm dịch y tế theo quy trình, quy định của Bộ Y tế.

- Xây dựng các phương án phòng, chống dịch, tăng cường năng lực giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để có biện pháp cách ly, thu dung và điều trị kịp thời.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị phòng chống dịch tại các tuyến.

- Tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika: tổ chức các lớp tập huấn về giám sát ca bệnh do vi rút Zika cho các huyện, thành phố; tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, dịch do vi rút Zika và giám sát các ca bệnh nghi ngờ.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường.

2.2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

- Giám sát chặt chẽ và báo cáo tình hình dịch bệnh trên động vật, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương tổ chức việc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Phát hiện và xử lý sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.- Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các trường học triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người và cách nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh.

- Thực hiện các biện pháp cách ly học sinh có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời.

2.4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan, tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi; không sử dụng gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm. Tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, dịch do vi rút Zika.

2.5. Sở Công Thương

- Phối hợp với các sở ngành: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan, Biên phòng và các đơn vị liên quan ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cơ sở mua bán, giết mổ gia cầm, hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

2.6. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch theo quy định hiện hành. Bổ sung kịp thời kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.

2.7. Báo Cao Bằng, Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ngành có hên quan xây dựng các chuyên mục phòng chống dịch bệnh; đưa tin bài tuyên truyền kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch bệnh.

- Tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng tin bài về các nội dung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu và thực hiện.

2.8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các ban, ngành tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp làm tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn việc nhập khẩu, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp với các đơn vị Y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

2.9. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Phối hợp, tạo điều kiện cho các ngành liên quan triển khai công tác phòng chống dịch tại các cửa khẩu, đảm bảo cho các lực lượng chức năng thực hiện quy trình, nhiệm vụ kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật, hàng hóa theo đúng quy định hiện hành.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở người.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh. Phát động phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Vận động người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, phòng chống muỗi đốt và thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh

- Theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vận động người dân không giết mổ, sử dụng, vận chuyển, gia cầm ốm, chết để làm thực phẩm; vận động các chủ chăn nuôi tự giác khai báo ngay khi có gia cầm ốm, chết.

- Phối hợp với ngành Y tế trong kiểm tra, giám sát phòng chống và các hoạt động xử lý ổ dịch.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, kinh phí năm 2016 giao cho các cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2016. Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 247/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 247/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Đàm Văn Eng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản