Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 457/QĐ-TĐC

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN LẤY MẪU XĂNG DẦU

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Căn cứ Quyết định số 27/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Thông tư số 22/2015/TT-BKHCN ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học";

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn lấy mẫu xăng dầu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các quyết định sau:

a) Quyết định số 1518/QĐ-TĐC ngày 17/10/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc ban hành hướng dẫn phương pháp lấy mẫu xăng dầu;

b) Quyết định số 904/QĐ-TĐC ngày 22/7/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Hướng dẫn phương pháp lấy mẫu xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1518/QĐ-TĐC ngày 17/10/2007.

Điều 3. Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, HCHQ.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Nam Hải

 

HƯỚNG DẪN

LẤY MẪU XĂNG DẦU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 457/QĐ-TĐC ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng )

1. Phạm vi áp dụng

Văn bản này hướng dẫn việc thực hiện lấy mẫu xăng dầu phục vụ:

- Mục đích thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng đối với xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học (dưới đây gọi tắt là xăng dầu) được nhập khẩu, sản xuất, pha chế và lưu thông trên thị trường trong nước.

- Việc đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp.

2. Văn bản viện dẫn

- TCVN 6777:2007 (ASTM D 4057 - 06) Dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ - Phương pháp lấy mẫu thủ công.

- TCVN 6022:2008 (ISO 3171:1998) Chất lỏng dầu mỏ - Lấy mẫu tự động trong đường ống.

3. Hướng dẫn lấy mẫu xăng dầu phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng

3.1. Thuật ngữ và định nghĩa

3.1. 1. Lô hàng (lô xăng dầu):

a) Đối với xăng dầu nhập khẩu:

Lô hàng là lượng xăng dầu nhập khẩu có cùng tên gọi, cùng mức chất lượng, thuộc cùng một hợp đồng mua bán, được chuyên chở trên cùng một phương tiện vận chuyển và thuộc cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu.

b) Đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước:

Lô hàng là lượng xăng dầu có cùng tên gọi, cùng mức chất lượng, được sản xuất, pha chế trong cùng một điều kiện (về hệ thống thiết bị, công nghệ, nguồn nguyên liệu, tỷ lệ thành phần nguyên liệu hoặc công thức) và được chứa trong một hoặc nhiều phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) tại cùng một địa điểm.

c) Đối với xăng dầu lưu thông, phân phối, bán lẻ trên thị trường:

Lô hàng là lượng xăng dầu có cùng tên gọi, cùng mức chất lượng, được chứa trong một hoặc nhiều phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) hoặc trên cùng một phương tiện vận chuyển tại cùng một địa điểm và được giao nhận hoặc bán lẻ tại cùng một địa điểm (trạm giao nhận, phương tiện giao nhận, cửa hàng bán lẻ xăng dầu...).

3.1.2. Lấy mẫu là các bước công việc cần thiết phải thực hiện để có được mẫu đại diện về chất lượng cho lô xăng dầu phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra và thử nghiệm.

3.1.3. Mẫu đại diện là lượng xăng dầu được lấy theo cách phù hợp, đảm bảo thể hiện được mức đặc trưng về chất lượng đối với toàn bộ thể tích xăng dầu thuộc lô hàng.

Trong trường hợp một lô hàng được chứa trong nhiều phương tiện lưu trữ khác nhau, có thể chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu, nhưng không ít hơn 02 phương tiện.

Mẫu điển hình quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2015/BKHCN là mẫu đại diện của loại xăng dầu.

3.1.4. Mẫu hỗn hợp là mẫu được trộn từ các mẫu di động hoặc mẫu cục bộ được lấy từ các phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) khác nhau thuộc cùng lô hàng. Mẫu hỗn hợp được coi là mẫu đại diện khi người lấy mẫu đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và cách thức lấy mẫu đơn lẻ. Mẫu hỗn hợp được chia thành các mẫu lẻ để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm và lưu mẫu.

3.1.5. Mẫu di động là mẫu xăng dầu được lấy bằng cách thả chai lấy mẫu xuống đến đáy của phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) và kéo chai lên với tốc độ đều cho đến khi ra khỏi bề mặt chất lỏng sao cho lượng xăng dầu lấy vào chai trong suốt quá trình kéo lên vào khoảng 3/4 dung tích của chai.

3.1.6. Mẫu cục bộ là mẫu xăng dầu được lấy tại một vị trí xác định trong một phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) hoặc từ đường ống tại một thời điểm xác định. Mẫu cục bộ có thể được lấy bằng bình lấy mẫu hoặc bằng dụng cụ lấy mẫu tự động (MMC). Các loại mẫu cục bộ được lấy như sau:

a) Mẫu trên là mẫu cục bộ lấy tại vị trí khoảng 1/6 chiều cao của mức xăng dầu tính từ bề mặt xăng dầu tại phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể…);

b) Mẫu giữa là mẫu cục bộ lấy tại vị trí khoảng 1/2 chiều cao của mức xăng dầu tính từ bề mặt xăng dầu tại phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể…);

c) Mẫu dưới là mẫu cục bộ lấy tại vị trí khoảng 1/6 chiều cao của mức xăng dầu tính từ đáy phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể…).

3.1.7. Bình chứa trung gian là bình chứa toàn bộ các mẫu di động hoặc mẫu cục bộ hoặc cả mẫu di động với mẫu cục bộ để tạo thành mẫu đại diện phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm, lưu mẫu.

3.1.8. Ống đứng định hướng là đoạn ống thẳng đứng kéo dài từ bệ đo lường tới sát đáy của phương tiện lưu trữ xăng dầu (hầm, bồn, bể...) được trang bị mái phao trong hoặc mái phao ngoài.

3.2. Dụng cụ lấy mẫu và bình chứa mẫu

3.2.1. Dụng cụ lấy mẫu:

a) Thông thường khi tiến hành lấy mẫu tại các phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...), mẫu xăng dầu được lấy bằng bình lấy mẫu theo quy định tại mục 13 của TCVN 6777:2007 ;

b) Đối với các lô xăng dầu nhập khẩu được chứa trong các hầm hàng trên tàu chuyên dụng đã được đậy kín nắp và nạp khí trơ (closed-tank) vì lý do an toàn trong chuyên chở xăng dầu, phải tiến hành lấy mẫu bằng dụng cụ lấy mẫu tự động (thường gọi là dụng cụ lấy mẫu MMC) được trang bị sẵn trên tàu. Việc lấy mẫu bằng dụng cụ lấy mẫu MMC phải được nêu rõ và ghi nhận trong biên bản lấy mẫu (theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục của Hướng dẫn này);

c) Khi tiến hành lấy mẫu tại cửa hàng hoặc trạm bán lẻ xăng dầu có thể lấy mẫu bằng cách bơm mẫu trực tiếp từ cần cấp phát (vòi bơm) xăng dầu vào bình chứa mẫu;

d) Dụng cụ lấy mẫu phải sạch, khô, trước khi cho mẫu vào cần được tráng kỹ bằng xăng dầu sẽ được lấy.

3.2.2. Bình chứa mẫu:

a) Bình chứa mẫu phải có nắp kín, được làm bằng các vật liệu không gây ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu (sắt tráng kẽm, thép hợp kim không gỉ, hợp kim nhôm, thủy tinh...) và có dung tích đủ để chứa lượng mẫu cần lấy; không rò rỉ, không có các chất làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu (ví dụ: chất trợ dung cho hàn, keo dán có thbị hòa tan hoặc bị trương nở trong xăng dầu, cao su...). Bình chứa mẫu phải được làm sạch, khô và được tráng kỹ bằng xăng dầu sẽ chứa trước khi lấy mẫu;

b) Có thể sử dụng bình chứa mẫu bằng nhựa (plastic) không màu, không bị ảnh hưởng hoặc bị hòa tan trong xăng dầu. Trong thời gian không quá 12 giờ phải chuyển mẫu vào bình chứa mẫu.

3.3. Hướng dẫn lấy mẫu

3.3.1. Đối với xăng dầu nhập khẩu, tiến hành lấy mẫu đại diện cho mỗi lô xăng dầu như sau:

Thực hiện lấy mẫu hỗn hợp gồm tất cả các mẫu di động đơn lẻ được lấy từ từng phương tiện lưu trữ xăng dầu (hầm, bồn, bể...) theo tỷ lệ thể tích hoặc khối lượng xăng dầu chứa trong từng phương tiện so với tổng thể tích hoặc khối lượng của lô hàng. Cho mẫu vào bình chứa trung gian, trộn đều mẫu hỗn hợp, rót vào các bình đựng mẫu chuẩn bị sẵn.

3.3.2. Đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước và xăng dầu lưu thông, phân phối, bán lẻ trên thị trường, tiến hành lấy mẫu đại diện theo một trong hai cách sau:

a) Lấy mẫu trực tiếp từ cần cấp phát (vòi bơm) xăng dầu:

Đối với mỗi chủng loại xăng dầu, bơm trực tiếp từ cần cấp phát vào bình chứa mẫu với lượng mẫu, số mẫu cần lấy theo quy định tại Khoản 3.4 của Hướng dẫn này. Lấy mẫu trực tiếp tại cần cấp phát không cần trộn mẫu như lấy mẫu trong hầm, bồn, bể...

b) Lấy mẫu từ các phương tiện lưu trữ xăng dầu (hầm, bồn, bể…);

Sử dụng phương pháp lấy mẫu hỗn hợp (có thể là mẫu di động hoặc mẫu cục bộ) được quy định tại Khoản 3.1.4, 3.1.5 và 3.1.6 của Hướng dẫn này. Mẫu hỗn hợp được chia đều thành các đơn vị mẫu theo Khoản 3.4 của Hướng dẫn này.

3.3.3. Một số trường hợp đặc biệt, tiến hành lấy mẫu như sau:

a) Trường hợp lượng xăng dầu thực tế còn lại ít hơn 3 lít (trường hợp xe cháy, nổ...) thì lấy toàn bộ lượng xăng dầu còn lại và gửi thử nghiệm. Căn cứ vào lượng xăng dầu thực tế và yêu cầu thử nghiệm, thủ trưởng cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ quyết định việc có lưu mẫu hay không.

b) Trường hợp xăng dầu được chứa đựng trong các thùng, phi, can hỗn độn tại các kho bãi hàng hóa thì phải xác định và phân vùng rõ từng lô hàng và lấy mẫu theo từng chủng loại xăng dầu đã được phân vùng. Mỗi chủng loại xăng dầu sẽ lấy ngẫu nhiên 01 mẫu hoặc một số mẫu tùy theo thực tế. Mỗi mẫu được lấy theo cách quy định tại điểm b Khoản 3.3.2 của Hướng dẫn này.

c) Trường hợp xăng dầu đóng hộp, can, có tem nhãn xác định được cùng lô hàng của một nhà sản xuất thì lấy ngẫu nhiên một số lượng can hoặc hộp đảm bảo lượng mẫu theo Khoản 3.4.2 của Hướng dẫn này.

3.4. Số mẫu, lượng mẫu

3.4.1. Số mẫu cần lấy cho thanh tra, kiểm tra, thử nghiệm là 01 mẫu và được chia thành 02 đơn vị mẫu. Một đơn vị mẫu để gửi thử nghiệm và một đơn vị mẫu được lưu giữ tại cơ quan thanh tra, kiểm tra.

3.4.2. Lượng thể tích của một đơn vị mẫu là khoảng 03 lít/đơn vị mẫu. Tuy nhiên, lượng thể tích của một đơn vị mẫu phải đảm bảo đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc các chỉ tiêu yêu cầu thử nghiệm đã xác định trong Biên bản lấy mẫu.

3.5. Lập biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu, gửi mẫu

3.5.1. Lập biên bản lấy mẫu:

a) Biên bản lấy mẫu được lập theo Phụ lục 1 Hướng dẫn này và phải ghi đầy đủ nhũng đặc điểm bất thường trong quá trình lấy mẫu. Nội dung biên bản có thể được bổ sung các nội dung khác phù hợp với yêu cầu và mục đích lấy mẫu;

b) Biên bản lấy mẫu phải có chữ ký xác nhận của người lấy mẫu (đại diện cơ quan thanh tra, kiểm tra), đại diện doanh nghiệp (chủ hàng) và trưởng đoàn kiểm tra, kiểm tra.

Trường hợp đại diện doanh nghiệp được lấy mẫu không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu thì đoàn thanh tra, kiểm tra ghi rõ trong biên bản Đại diện cơ sở không ký biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”. Trường hợp này, biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu có chữ ký của người lấy mẫu và trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Đoàn thanh tra, kiểm tra có thể mời đại diện chính quyền địa phương (đại diện tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn, công an khu vực...) nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chứng kiến và ký biên bản.

3.5.2. Niêm phong mẫu:

Mẫu xăng dầu sau khi lấy phải được Đoàn thanh tra, kiểm tra và/hoặc người lấy mẫu niêm phong theo mẫu Phụ lục 2 Hướng dẫn này. Niêm phong phải đảm bảo không bị thay thế, rách, hỏng trong quá trình vận chuyển. Niêm phong trên các bình chứa mẫu phải ghi cùng ký hiệu mẫu. Ký hiệu mẫu do cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc người lấy mẫu quy định.

3.5.3. Chuyển mẫu thử nghiệm:

a) Trường hợp cần thiết, cơ quan thanh tra, kiểm tra tiến hành mã hóa mẫu trước khi gửi đến phòng thử nghiệm được chỉ định. Việc mã hóa mẫu do cơ quan thanh tra, kiểm tra tự quy định. Trường hợp mã hóa mẫu, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải lập thành văn bản thể hiện ký hiệu mã hóa tương ứng với số niêm phong mẫu.

b) Cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyển mẫu thử nghiệm đến phòng thử nghiệm được chỉ định trong thời gian không quá 24 giờ kể từ khi lấy mẫu. Trong quá trình vận chuyển, phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, nguyên trạng và có cảnh báo về cháy nổ đối với mẫu xăng dầu;

c) Đối với các mẫu xăng dầu được lấy với mục đích thanh tra, kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tùy theo điều kiện cụ thể thực tế, nếu không thể đảm bảo thời gian vận chuyển mẫu đến phòng thử nghiệm như quy định tại điểm b Khoản này, cơ quan thanh tra, kiểm tra quyết định thời gian vận chuyển đối với từng đợt lấy mẫu và ghi rõ trong Biên bản lấy mẫu, nhưng không quá 05 (năm) ngày làm việc.

3.6. Lưu mẫu và xử lý mẫu lưu

3.6.1. Lưu mẫu:

a) Cơ quan thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản các mẫu còn lại đến hết thời hạn lưu mẫu đã ghi trên Biên bản lấy mẫu (không ít hơn 30 ngày kể từ ngày lấy mẫu). Mẫu được lưu giữ ở nơi thoáng mát, có mái che và được phòng chống cháy nổ.

b) Trường hợp thời gian vận chuyển mẫu bị kéo dài, cơ quan lấy mẫu có trách nhiệm đảm bảo quá trình lưu giữ, vận chuyển mẫu phải đảm bảo tính toàn vẹn của mẫu, đảm bảo an toàn và cảnh báo về cháy nổ. Thời gian lưu mẫu được kéo dài tương ứng để đảm bảo đủ thời gian xử lý mẫu lưu khi cần thiết.

3.6.2. Xử lý mẫu lưu:

a) Hết thời hạn lưu mẫu mà không có khiếu nại, cơ quan kiểm tra, thanh tra xử lý mẫu lưu theo quy định hiện hành.

b) Đối với các trường hợp khác, việc xử lý mẫu lưu được thực hiện theo thỏa thuận giữa đơn vị lấy mẫu và doanh nghiệp.

3.7. Các lưu ý trong khi lấy mẫu xăng dầu

3.7.1. Lưu ý về cách lấy mẫu:

a) Các phương pháp lấy mẫu xăng dầu có thể áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào phương tiện lưu trữ xăng dầu và mục đích lấy mẫu;

b) Địa điểm, vị trí, lý do lựa chọn và phương pháp lấy mẫu phải được ghi nhận cụ thể tại Biên bản lấy mẫu.

c) Không được lấy mẫu từ các ống đứng định hướng vì thông thường mẫu trong ống này không đại diện cho xăng dầu chứa trong phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...);

d) Khi thực hiện lấy mẫu di động, cần lưu ý cách thức lấy theo quy định tại Khoản 3.1.5 của Hướng dẫn này. Nếu lượng mẫu mỗi lần lấy nhiều hơn 3/4 dung tích chai, cần lấy lại mẫu bằng cách điều chỉnh tốc độ thả và kéo chai.

3.7.2. Lưu ý về an toàn khi lấy mẫu:

Ngoài các lưu ý về an toàn liên quan đến các nguồn nhiệt, tia lửa sinh ra do tĩnh điện và ngọn lửa hở nêu tại phụ lục của TCVN 6777:2007 , người lấy mẫu cần thực hiện các quy định về an toàn tại nơi lấy mẫu; khi lấy mẫu cần đứng ở vị trí thích hợp với hướng gió để tránh ảnh hưởng trực tiếp của hơi xăng dầu.

4. Lấy mẫu xăng dầu phục vụ việc đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng của doanh nghiệp

4.1. Thuật ngữ và định nghĩa

a) Đối với xuất xăng dầu thành phẩm:

Lô sản phẩm là lượng xăng dầu cùng tên gọi, cùng mức chất lượng được chứa tại cùng một phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) không tiến hành nhập xăng dầu trong suốt quá trình xuất cho các phương tiện vận chuyển.

b) Đối với xuất xăng sinh học được pha chế in-line:

Lô sản phẩm là lượng xăng dầu có cùng tên gọi, cùng mức chất lượng, được sản xuất, pha chế trong cùng một điều kiện (về hệ thống thiết bị, công nghệ, nguồn nguyên liệu, tỷ lệ thành phần nguyên liệu hoặc công thức) và được chứa trong một hoặc nhiều phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) tại cùng một địa điểm.

c) Mẫu đại diện là lượng xăng dầu được lấy theo cách phù hợp, đảm bảo thể hiện được mức đặc trưng về chất lượng đối với toàn bộ thể tích xăng dầu thuộc lô sản phẩm.

Trong trường hợp một lô sản phẩm được chứa trong nhiều phương tiện lưu trữ khác nhau, có thể chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu, nhưng không ít hơn 02 phương tiện.

Mẫu điển hình quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2015/BKHCN là mẫu đại diện của loại xăng dầu.

4.2. Bình chứa mẫu

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN.

4.3. Hướng dẫn lấy mẫu

4.3.1. Đối với phương thức giao nhận, vận tải xăng dầu bằng đường thủy:

a) Tại bên giao xăng dầu:

Lấy mẫu đại diện (cho mỗi loại xăng dầu) tại bể chứa trước khi xếp hàng xuống phương tiện để thử nghiệm và lưu mẫu (tại bên giao xăng dầu); lấy mẫu tại phương tiện sau khi xếp hàng (mẫu đại diện đối với mỗi loại xăng dầu để lưu mẫu và bàn giao cho khách hàng). Các biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu, cam kết chất lượng phải đảm bảo đầy đủ các thông tin theo theo Mẫu 1. BBLM-NP-BKHCN của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN .

b) Tại bên nhận xăng dầu:

Lấy mẫu tại bể chứa trước và sau khi nhận hàng; lấy mẫu tại phương tiện trước khi dỡ hàng. Các biên bản lấy mẫu, kiểm tra niêm phong phải đảm bảo đầy đủ các thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN .

4.3.2. Đối với phương thức giao nhận xăng dầu đường bộ:

a) Tại bên giao xăng dầu:

- Bên giao xăng dầu phải lấy 01 mẫu đại diện đối với mỗi loại xăng dầu trong từng lần giao xăng dầu tại ngăn chứa phương tiện vận chuyển, gửi theo phương tiện để chuyển cho bên nhận xăng dầu. Trường hợp bên giao xăng dầu lấy mẫu tại các phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) đại diện cho lô hàng xuất thì phải có văn bản thống nhất giữa 2 bên (bên giao xăng dầu và bên nhận xăng dầu).

Nếu bên giao xăng dầu và bên nhận xăng dầu có thỏa thuận bằng văn bản sử dụng mẫu lấy tại phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể...) là mẫu đối chứng khi xảy ra tranh chấp về chất lượng thì bên giao xăng dầu phải lấy tối thiểu 01 mẫu đại diện của từng lô hàng xuất cho phương tiện để lưu tại kho xăng dầu để đối chứng nếu xảy ra tranh chấp.

- Số mẫu: 02 mẫu (01 mẫu giao cho bên nhận; 01 mẫu để lưu).

Trường hợp bên nhận có cam kết bằng văn bản không cần mẫu lưu thì khi đó bên nhận xăng dầu hoàn toàn chịu trách nhiệm khi xăng dầu không đạt chất lượng bao gồm cả quá trình vận chuyển và trường hợp này số lượng mẫu lấy là 01 mẫu để lưu.

Trường hợp cửa hàng xăng dầu trực thuộc thương nhân đầu mối thì cửa hàng xăng dầu và thương nhân đầu mối đều chịu trách nhiệm khi xăng dầu không đạt chất lượng.

- Lượng thể tích mẫu xăng dầu lấy: Đủ để thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành và tiêu chuẩn công bố áp dụng (khoảng 3 lít/mẫu). Trường hợp không đủ để thử nghiệm thì coi như xăng dầu không đạt chất lượng.

- Phương pháp lấy mẫu: Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6777:2007 .

- Hồ sơ lấy mẫu cần lưu:

+ Các biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu, cam kết chất lượng với các nội dung thông tin theo yêu cầu của Mẫu 1. BBLM-NP-BKHCN của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ;

+ Văn bản về cam kết không lấy mẫu của bên nhận xăng dầu đối với trường hợp bên nhận xăng dầu cam kết.

b) Tại bên nhận xăng dầu:

- Lấy mẫu tại phương tiện vận chuyển trước khi nhập hàng (bơm vào bồn bể chứa xăng dầu).

- Số lượng mẫu: 01 mẫu đại diện của mỗi loại xăng dầu của ngăn chứa phương tiện để lưu.

Trường hợp không lấy mẫu lưu, bên nhận xăng dầu phải có cam kết bằng văn bản hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu từ khâu vận chuyển đến khi nhập hàng.

- Lượng thể tích mẫu xăng dầu lấy: Đủ để thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành và tiêu chuẩn công bố áp dụng (khoảng 3 lít). Trường hợp không đủ để thử nghiệm thì coi như xăng dầu không đạt chất lượng.

- Phương pháp lấy mẫu: Lấy mẫu di động theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6777:2007.

- Hồ sơ lấy mẫu cần lưu:

+ Các biên bản lấy mẫu, kiểm tra niêm phong với các nội dung thông tin theo Mẫu 2. BBLM-BGM-KTNP của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ;

+ Văn bản về cam kết không lấy mẫu của bên nhận xăng dầu đối với trường hợp bên nhận xăng dầu cam kết.

5. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có những điểm mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được xem xét, hướng dẫn bổ sung.

 

PHỤ LỤC 1

MẪU BIÊN BẢN LẤY MẪU XĂNG, DẦU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 457/QĐ-TĐC ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

(Tên tổ chức thanh tra/ kiểm tra)

Số: ………./………                                                        Ngày: .../.../20……….

BIÊN BẢN LẤY MẪU

 

1. Tên hàng hóa:           □ Xăng không chì có trị số octan RON…………

□ Nhiên liệu điêzen DO %S

□ Nhiên liệu sinh học

2. Doanh nghiệp: ………………………………………………………………………………

3. Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………

4. Số lượng hàng hóa: ……………………………………………… □ thực tế □ khai báo

5. Địa điểm lấy mẫu:……………………………………………………………………………

6. Phương pháp lấy mẫu:

□ lấy mẫu di động                                             □ lấy mẫu cục bộ

□ lấy mẫu bằng dụng cụ MMC                           □ lấy mẫu tại vị trí cấp phát

Mục đích lấy mẫu:

□ kiểm tra hàng nhập khẩu                                 □ kiểm tra hàng sản xuất, pha chế

□ kiểm tra lưu thông thị trường

□ các nội dung khác: …………………. (các ghi chú cần thiết nếu có) …………………………….tại …………………. (ghi cụ thể, ví dụ: kho của Tổng đại lý; trạm bán xăng dầu,...)

7. Chi tiết về lấy mẫu:

▪ Số lượng các phương tiện lưu trữ xăng dầu:

□ hầm      □ bồn          □ bể      □ khác: ………………..

▪ Số hiệu các phương tiện lưu trữ xăng dầu được lấy mẫu:

…………………………………………………………………………..

▪ Lượng xăng dầu đã lấy từ mỗi phương tiện lưu trữ được chia đều vào …… bình chứa mẫu.

▪ Các bình chứa mẫu được niêm phong có mã số: …………………………………………

(Tên cơ quan thanh tra/ kiểm tra) ………… gửi thử nghiệm 01 mẫu và lưu, bảo quản 01 mẫu.

▪ Thời gian lưu mẫu đến ngày …………………………………………………………………

▪ Biên bản này được lập thành 02 bản và có giá trị ngang nhau …………. (tên cơ quan thanh tra/ kiểm tra)... lưu 01 bản, doanh nghiệp lưu 01 bản.

Biên bản lấy mẫu được giao cho đại diện của doanh nghiệp lúc ...giờ ….. phút ngày …. tháng …. năm …..

 

Đại diện doanh nghiệp
(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Người lấy mẫu
(ký, ghi rõ họ tên)

 

Trưởng đoàn thanh tra/ kiểm tra
(ký, ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC 2

MẪU NIÊM PHONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 457/QĐ-TĐC ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

 

NIÊM PHONG MẪU

 

Tên mẫu ……………………………………………………………………………………………

Số niêm phong ……………………………………………………………………………………

Ngày lấy mẫu ………………………………………………………………………………………

 

 

Ngày ….. tháng.... năm....
NGƯỜI LẤY MẪU
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Ghi chú: Tem niêm phong được đóng dấu treo của cơ quan thanh tra, kiểm tra.