Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 453/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 28 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BƠI AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định 112/2007/NĐ-CP, ngày 26/6/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, Thể thao;

Căn cứ Quyết định 4285/QĐ-BVHTTDL, ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 của Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 149/TTr-SVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Lao động Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Tỉnh đoàn; Báo Đắk Lắk; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL; B/c
- Tổng cục TDTT, B/c
- TT Tỉnh ủy; B/c
- TT HĐND tỉnh; B/c
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Văn phòng UBND tỉnh;
+ CVP, PCVP (Đ/c An);
- Lưu VT, KGVX (HTN-60b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Hà

 

CHƯƠNG TRÌNH

BƠI AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

I. MỤC ĐÍCH

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc quản lý tổ chức các hoạt động bơi và phát triển phong trào tập luyện bơi cho trẻ em.

- Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên trong toàn tỉnh về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

- Từng bước giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.

II. CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2020

- 100% các đơn vị trong tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các huyện trong tỉnh triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

- Phấn đấu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

- Đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo 100% các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước có nhân viên cứu hộ, được tập huấn cứu đuối do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có các trang thiết bị cứu hộ theo quy định.

- Tỷ lệ giảm trẻ em tử vong do tai nạn dưới nước là 6% - 8%/năm.

III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

2. Nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên trong toàn tỉnh.

3. Triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, xây dựng thí điểm mô hình trẻ em toàn xã hội biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em.

4. Kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội

- Biên soạn bộ tài liệu chuyên môn về các kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn môi trường nước, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ngành Giáo dục và Đào tạo phổ biến tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh.

- Các Ngành, Đoàn thể có liên quan trên toàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con, em mình phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và các đợt thiên tai.

- Đài Phát thanh và truyền hình, các cơ quan Thông tấn, Báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em.

2. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên về phòng chống đuối nước trẻ em

- Tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên trên toàn tỉnh về kỹ thuật bơi an toàn, phương pháp sơ cứu, cấp cứu và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Tổ chức các cuộc thi bơi, cứu đuối cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên trong toàn tỉnh để nhân rộng phong trào.

3. Triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em

- Đánh giá thực trạng trẻ em tử vong do đuối nước và công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong toàn tỉnh.

- Triển khai thí điểm phổ cập bơi cho trẻ em. Xây dựng và nhân rộng mô hình trẻ em toàn tỉnh biết bơi, học sinh các trường biết bơi.

- Tổ chức dạy bơi, các kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em và học sinh.

- Tổ chức các giải bơi, thi tuyên truyền viên, tìm hiểu về kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, nhằm khuyến khích, động viên phong trào tập luyện bơi trong nhà trường.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình.

4. Kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước

- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu cho UBND các cấp dành quỹ đất và đầu tư xây dựng bể bơi ưu tiên tại các khu vực gần trường học, các Trung tâm Văn hóa, Thể thao, khu đông dân cư.

- Thống kê đánh giá các thiết chế bơi, lặn, các cơ sở dạy bơi, bể bơi, hồ bơi các điểm vui chơi, giải trí dưới nước, việc thực hiện các quy định vệ sinh, an toàn tại các điểm dạy và học bơi, lặn.

- Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.

- Chỉ đạo các bể bơi công lập, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có cơ sở dạy, tập luyện bơi miễn, giảm học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông đến học và tập luyện.

- Tăng cường kiểm tra công tác tổ chức dịch vụ bơi và việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia bơi, lặn.

5. Đánh giá rút kinh nghiệm kết quả kiểm tra thực hiện Chương trình

- Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đưa việc thực hiện Chương trình thành một trong chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của đơn vị.

V. KINH PHÍ

- Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm của tỉnh theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Chương trình này, các đơn vị, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Kêu gọi đầu tư bằng nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh, các nguồn thu nhập hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Cơ quan thường trực, có trách nhiệm

- Tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương trong toàn tỉnh, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan, thành phố, thị xã, huyện, trường học, các cơ sở dịch vụ bơi tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên của tỉnh, nhân viên cứu hộ của các cơ sở dịch vụ bơi, giáo viên thể dục thể thao của các trường học, thành phố, thị xã, huyện về kỹ thuật bơi an toàn, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phương pháp sơ cứu, cấp cứu và phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Tuyên truyền, in ấn tài liệu về kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

- Tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên đôn đốc, theo dõi và kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các Phòng quản lý chức năng của Sở, lồng ghép các nội dung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, hướng dẫn các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại các khách sạn, khu du lịch đảm bảo các điều kiện về vệ sinh và an toàn theo quy định của pháp luật.

- Đưa các nội dung triển khai Chương trình thành tiêu chí thi đua của các đơn vị. Hàng năm, tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn theo các quy định của pháp luật và xử lý những vi phạm.

- Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết vào cuối năm 2018 và tổng kết đánh giá Chương trình vào cuối năm 2020. Phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đề xuất khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Chương trình.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Chương trình này đến tận cơ sở

- Hàng năm lập kế hoạch tổ chức thực hiện, lập dự toán kinh phí trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình.

- Phối hợp các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh trong công tác kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá, công tác thẩm định các dự án, công trình phục vụ cho chương trình.

4. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh hằng năm thẩm định kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước phục vụ cho Chương trình.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng: Tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch, quy hoạch đất, tạo điều kiện cho tốt cá nhân và tập thể xây dựng các công trình phục vụ cho Chương trình.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tham mưu cho UBND tỉnh tổng hợp thống kê các vùng có ao hồ, sông, suối nguy hiểm thường xảy ra tai nạn. Lập kế hoạch xây dựng biển báo để mọi người cảnh giác và tránh xa.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các Trường học trong toàn tỉnh đưa Chương trình dạy học bơi phổ cập cho học sinh, phòng, chống đuối nước trẻ em vào chương trình giảng dạy hàng năm.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan Thông tấn, Báo chí Trung ương và Địa phương đóng trên địa bàn tỉnh: Thường xuyên đưa tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các thông tin về bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em để nâng cao nhận thức giáo dục cuộc sống.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên quan kiến nghị với Ủy ban nhân dân các cấp (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để giải quyết./.