Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/2007/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2007 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 4, 10, 11, 21, 28, 31, 50, 53, 55, 56, 57, 65 và 67 của Luật thể dục, thể thao về các nội dung sau:
a) Chính sách của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao;
b) Phát triển thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao;
c) Giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trong lực lượng vũ trang;
d) Quy định về việc sử dụng đất đai dành cho phát triển thể dục, thể thao;
đ) Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao;
e) Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp;
g) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao;
h) Kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; hoạt động của đơn vị sự nghiệp thể thao, doanh nghiệp thể thao và hộ kinh doanh hoạt động thể thao.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao);
b) Tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia hoạt động thể dục, thể thao trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Chính sách nhà nước về phát triển thể dục, thể thao
1. Ngân sách nhà nước chi cho thể dục, thể thao được bố trí tăng dần hàng năm; phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Việc lập dự toán, phân bổ và quản lý Ngân sách nhà nước chi cho thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước.
2. Đất dành cho thể dục, thể thao:
a) Quy hoạch đất dành cho thể dục, thể thao thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật về bình quân diện tích đất thể dục, thể thao trên đầu người tương ứng với từng khu vực, lãnh thổ cụ thể;
b) Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thể dục, thể thao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai và pháp luật liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ thể dục, thể thao; thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.
a) Nội dung ưu tiên đầu tư:
- Hỗ trợ tổ chức hoạt động thể dục, thể thao quần chúng;
- Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên thể dục, thể thao;
- Tuyên truyền, hướng dẫn tập luyện các môn thể thao;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung tâm thể thao vùng hoặc khu vực;
- Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.
b) Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định danh mục các môn thể thao dân tộc.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao
1. Hành vi sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao:
a) Sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao.
Danh mục chất kích thích bị cấm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ban hành phù hợp với quy định của Hiệp hội phòng, chống doping quốc tế;
b) Sử dụng những bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
2. Hành vi gian lận trong hoạt động thể thao:
a) Gian lận tên, tuổi, giới tính trong thi đấu thể thao;
b) Trực tiếp làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao;
c) Gian lận về thành tích và tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trường năng khiếu thể thao.
3. Hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao:
a) Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao;
b) Đe dọa, xúc phạm các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thể thao.
4. Hành vi cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân:
a) Không tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình;
b) Không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao trong phạm vi nhiệm vụ của mình;
c) Lạm dụng quyền hoặc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Điều 4. Phát triển thể dục, thể thao quần chúng
1. Ủy ban Thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục, thể thao quần chúng phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi toàn quốc.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục, thể thao quần chúng phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục, thể thao quốc gia.
3. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao quần chúng
a) Công trình thể dục, thể thao công cộng, bao gồm:
- Sân vận động;
- Sân tập thể thao;
- Nhà tập luyện, thi đấu thể thao;
- Bể bơi;
- Các công trình thể dục, thể thao khác.
b) Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm nguồn lực để xây dựng các công trình thể thao công cộng tại địa phương theo quy định sau:
- Mỗi thôn, làng, ấp, bản phải có sân tập thể thao đơn giản;
- Mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một công trình thể dục, thể thao quy định tại điểm a khoản này;
- Mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) phải có ít nhất hai trong các công trình thể dục, thể thao cấp huyện: sân vận động, bể bơi, nhà tập luyện thể thao;
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh: sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu thể thao.
4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao trong các lĩnh vực sau:
a) Xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao công cộng;
b) Thành lập các câu lạc bộ thể dục, thể thao quần chúng;
c) Phổ biến, hướng dẫn và tổ chức cho mọi người tham gia tập luyện thể dục, thể thao;
d) Giúp đỡ, hỗ trợ để người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao; xây dựng chương trình bài tập và hướng dẫn người khuyết tật tập luyện; đầu tư nghiên cứu và sản xuất các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ người khuyết tật tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao;
đ) Giúp đỡ, hỗ trợ để người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục, thể thao; phổ biến các phương pháp tập luyện cho người cao tuổi; phối hợp với Hội người cao tuổi thành lập câu lạc bộ thể dục, thể thao người cao tuổi ở xã, phường, thị trấn.
Điều 5. Cộng tác viên thể dục, thể thao
1. Cộng tác viên thể dục, thể thao là người có trình độ chuyên môn thể dục, thể thao. Cộng tác viên thể dục, thể thao được trả thù lao khi thực hiện nhiệm vụ vận động, tổ chức, hướng dẫn mọi người tập luyện thể dục, biểu diễn - thi đấu thể thao và tham gia hoạt động phát triển phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở.
2. Căn cứ quy hoạch phát triển chung của ngành thể dục thể thao, Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên thể dục, thể thao sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao quy định tiêu chuẩn chuyên môn của cộng tác viên thể dục, thể thao.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn việc chi trả thù lao cho cộng tác viên thể dục, thể thao.
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm việc tổ chức và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho người lao động tham gia tập luyện và thi đấu thể thao.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ tập thể dục giữa giờ hoặc đầu giờ làm việc cho người lao động để chống mỏi mệt và phòng, tránh các bệnh nghề nghiệp.
3. Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các quy định về tập thể dục chống mỏi mệt và phòng, tránh các bệnh nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm, tính chất từng ngành, nghề cụ thể.
Điều 7. Trách nhiệm đối với giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường và các cơ sở giáo dục
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao xây dựng chương trình, chuẩn mực quốc gia về môn học giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng bậc học, cấp học.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Thể dục thể thao:
a) Ban hành tiêu chuẩn về giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao;
b) Xây dựng định mức biên chế giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao đối với từng cấp học, bậc học, đáp ứng định hướng, nhu cầu phát triển thể lực và tầm vóc của học sinh trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng bậc học, cấp học.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tạo điều kiện hoạt động cho các câu lạc bộ thể dục, thể thao của học sinh, sinh viên và các Trung tâm thể dục, thể thao trực thuộc.
4. Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác bảo đảm việc thực hiện đầu tư xây dựng và sử dụng đúng mục đích cơ sở vật chất dành cho môn học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Thể dục, thể thao và pháp luật liên quan.
Điều 8. Cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang
1. Ngân sách nhà nước dành cho quốc phòng, an ninh và các nguồn thu hợp pháp khác bảo đảm việc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên cho hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang.
2. Đất dành cho thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang được quản lý, sử dụng theo các quy định của pháp luật về đất quốc phòng, an ninh.
Điều 9. Xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển thể thao thành tích cao
1. Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các công trình thể thao sau đây:
a) Công trình thể dục, thể thao trọng điểm cấp quốc gia;
b) Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và Trung tâm thể thao vùng;
c) Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cho phát triển thể thao thành tích cao
a) Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xây dựng quy hoạch hệ thống các công trình quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách đầu tư, xây dựng các công trình thể dục, thể thao quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư các công trình thể thao quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt và bố trí ngân sách thực hiện.
Điều 10. Đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên
1. Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ, ngành liên quan:
a) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng vận động viên các môn thể thao, chú trọng các môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Đại hội thể thao Olympic; xác định mục tiêu đạt trình độ thế giới và tập trung đầu tư phát triển đối với một số môn thể thao;
b) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình đào tạo, huấn luyện vận động viên;
c) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và ưu đãi đối với huấn luyện viên, vận động viên trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên của Bộ, ngành, địa phương mình theo hướng dẫn của Ủy ban Thể dục thể thao.
Kinh phí đào tạo, huấn luyện vận động viên; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho lực lượng huấn luyện viên, trọng tài thể thao; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý thể thao thành tích cao, cán bộ y học, bác sĩ thể thao, kỹ thuật viên chữa trị và chăm sóc vận động viên được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và bố trí trong dự toán hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động đào tạo vận động viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 11. Điều kiện về cán bộ, nhân viên thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp
Cán bộ, nhân viên thể thao bao gồm: huấn luyện viên thể thao chuyên nghiệp, bác sĩ, nhân viên y tế.
1. Huấn luyện viên thể thao chuyên nghiệp là người được chứng nhận chuyên môn về chuyên ngành thể dục, thể thao từ bậc trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ chuyên môn do Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng cấp.
2. Bác sĩ, nhân viên y tế có chứng chỉ về y học thể thao do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 12. Quyền của chủ sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp
1. Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp có các quyền sau đây:
a) Định hình giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp trên bản ghi âm, ghi hình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp;
d) Phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu theo hợp đồng do các bên thoả thuận. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về sở hữu trí tuệ.
3. Các trường hợp sử dụng giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp không phải xin phép, không phải trả tiền chủ sở hữu:
a) Trích dẫn không quá 10% thời gian mỗi cuộc thi đấu hoặc trận thi đấu nhằm mục đích cung cấp thông tin tuyên truyền;
b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy.
Điều 13. Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Doanh nghiệp có hướng dẫn tập luyện hoặc đào tạo vận động viên phải bảo đảm:
a) Đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đủ cán bộ, nhân viên chuyên môn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ban hành quy định các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với trang thiết bị, tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên của từng môn thể thao.
Điều 14. Hộ kinh doanh hoạt động thể thao
1. Hộ kinh doanh hoạt động thể thao quy định tại Điều 56 của Luật Thể dục, thể thao do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh hoạt động thể thao tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh thể thao.
2. Quyền thành lập, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều 15. Đơn vị sự nghiệp thể thao
1. Đơn vị sự nghiệp thể thao bao gồm đơn vị sự nghiệp thể thao công lập và cơ sở cung ứng dịch vụ thể thao ngoài công lập.
2. Đơn vị sự nghiệp thể thao công lập
a) Đơn vị sự nghiệp thể thao công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật;
b) Trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp thể thao công lập thực hiện theo Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ;
c) Đơn vị sự nghiệp thể thao công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.
3. Cơ sở cung ứng dịch vụ thể thao ngoài công lập
a) Cơ sở cung ứng dịch vụ thể thao ngoài công lập do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư thành lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động và hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở cung ứng dịch vụ thể thao ngoài công lập được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và các quy định của pháp luật liên quan.
Điều 16. Đất dành cho thể dục, thể thao trong trường học, khu dân cư
1. Ủy ban nhân dân các cấp phải bảo đảm việc bố trí đất dành cho công trình thể thao trong quy hoạch, xây dựng đô thị, khu dân cư, trường học theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải bảo đảm việc bố trí đất dành cho công trình thể thao trong quy hoạch xây dựng doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân.
3. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng mới đô thị, khu dân cư, trường học, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải bảo đảm thực hiện quy định tại các khoản 1 hoặc 2 Điều này.
Điều 17. Quản lý và sử dụng đất dành cho thể dục, thể thao
Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng các công trình thể thao có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng quy định.
Sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao không đúng mục đích thì phải bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai.
Điều 18. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thể dục, thể thao
1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thể dục, thể thao phải phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và theo các nguyên tắc sau:
a) Được công bố công khai và bảo đảm đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và theo đúng quy định tại
2. Trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thể dục, thể thao
a) Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định nhu cầu sử dụng đất cho thể dục, thể thao thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Thể dục thể thao;
b) Sở Thể dục thể thao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhu cầu sử dụng đất cho thể dục, thể thao của địa phương.
Điều 19. Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao
1. Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao được tổ chức, cá nhân thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động phát hiện và đào tạo tài năng thể thao.
2. Tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về Quỹ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 2Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- 3Nghị định 83/2006/NĐ-CP Quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại,giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước
- 4Luật Thể dục, Thể thao 2006
- 5Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 6Luật Đất đai 2003
- 7Thông tư 05/2007/TT-UBTDTT hướng dẫn thực hiện Nghị định 112/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thể dục, Thể thao do Uỷ ban Thể dục Thể thao ban hành
- 8Công văn số 1559/VPCP-VX về việc đăng cai tổ chức Giải vô địch Pencak Silat Đông Nam Á lần thứ I - 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 08/2011/TT-BVHTTDL sửa đổi Quy định của Thông tư 05/2007/TT-BVHTTDL hướng dẫn Quy định của Nghị định 112/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thể dục, Thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 10Thông tư 09/2013/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động Karatedo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Nghị định 112/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thể dục, thể thao
- Số hiệu: 112/2007/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 26/06/2007
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 476 đến số 477
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra